Cảm nếm huyền nhiệm

Cảm nếm huyền nhiệm

Scott Peck

Lm. Lê Công Đức chuyển ngữ

Chuacuuthe.com

– Tin nổi bật, Chuyên Đề

VRNs (21.03.2015) – Sài Gòn – Tôi có một vị thầy rất đắc lực trong nhiều năm nay. Tôi chưa bao giờ gặp ông, vì ông đến với tôi trong … một câu chuyện rất dễ thương. Ông là một rabbi sống tại một thị trấn nhỏ ở Nga hồi đầu thế kỷ trước. Và sau hai mươi năm trầm tư suy nghĩ về những vấn nạn tôn giáo sâu xa nhất, những vấn đề thuộc chiều kích tâm linh trong cuộc sống, ông cuối cùng đi đến kết luận rằng ông thực sự chẳng biết gì.

150314009

Lần nọ, ít lâu sau khi đạt tới kết luận ấy, ông rảo bước qua quảng trường thị trấn để đi đến hội đường cho buổi cầu nguyện thường lệ. Trên đường đi, ông gặp anh chàng công an khu vực. Anh công an này hôm ấy hình như có chuyện bực mình, muốn ‘xả xú bắp’ cho ông: “Ê, rabbi! Đi đâu vậy?”

“Tôi không biết.” Rabbi trả lời.

“Ông không biết ông đang đi đâu! Thế nghĩa là thế nào?” – Người công an cáu lên. Hắn tiếp tục hò hét: “Ngày nào ông cũng đi ngang qua đây lúc 11 giờ để đến hội đường cầu nguyện; bây giờ là 11 giờ, và ông vẫn đang đi ngang qua đây như mọi bữa! Thế mà ông nói với tôi rằng ông không biết ông đang đi đâu! Ông dám xem thường tôi và giỡn mặt tôi? Được, tôi sẽ dạy cho ông biết lễ độ.”

Thế là người công an tóm lấy rabbi, lôi rabbi đến trại giam địa phương. Đến cửa xà lim, rabbi quay lại nhìn anh công an và điềm nhiên nói: “Anh thấy đó, chính anh cũng không biết; chẳng riêng gì tôi!”

Thế đấy, tôi không biết. Không ai biết. Chúng ta đang sống trong một vũ trụ vô cùng huyền nhiệm. Nói theo cách nói của Thomas Edison: “Chúng ta thậm chí không hiểu một phần trăm về chín mươi chín phần trăm của bất cứ sự việc gì” (We don’t even begin to understand 1 percent about ninety-nine percent of anything).

Thật không may, rất ít người nhận ra điều đó. Đa số trong chúng ta đều nghĩ rằng mình biết nhiều thứ. Chúng ta biết địa chỉ của mình, số điện thoại của mình, số căn cước của mình. Chúng ta biết đường để lái xe đến sở, chúng ta biết đường về nhà sau khi tan sở. Chúng ta biết rằng trong xe của chúng ta có một cái gì đó gọi là máy nổ – làm cho chiếc xe vận hành. Và chúng ta biết rằng khi mình mở khóa khởi động thì cái máy ấy sẽ bắt đầu làm việc. Chúng ta biết mặt trời đã mọc lên hồi sáng nay và sẽ lặn xuống chiều nay – và nó sẽ mọc lại vào sáng ngày mai. Vậy thì, có chi là quá huyền nhiệm đâu?

Tôi cũng vốn thường cảm thấy như thế. Hồi tôi còn học ở trường y, tôi thường tiếc rẻ rằng chẳng còn có biên giới nào nữa trong y học. Tất cả các bệnh lớn đều đã được khám phá và được nắm rõ; dường như rõ ràng là tôi sẽ chẳng bao giờ trở thành một Jonas Salk để miệt mài làm việc đến quên ăn quên ngủ nhằm thực hiện những khám phá vĩ đại phục vụ cho nhân loại.

Ơ kìa, có vài chuyện mà chúng tôi nhận thấy rằng mình không biết đấy chứ! Vào học năm thứ nhất được vài tháng, bọn sinh viên chúng tôi tham dự một buổi thực hành do vị chủ tịch khoa thần kinh phụ trách. Sử dụng một người đàn ông gần như trần truồng làm vật mẫu trong giảng đường chen chúc sinh viên, vị chủ tịch khoa giới thiệu rành mạch cho chúng tôi thấy người đàn ông ấy đã chịu đựng một thương tổn trong tiểu não, một thương tổn khác ở mút trên cột sống, và một thương tổn khác nữa ở mút dưới. Thật hết sức ấn tượng! Nhưng khi kết thúc buổi học, một trong các bạn tôi đã giơ tay xin phát biểu và nói: “Thưa thầy, tại sao người đàn ông này phải bị những thương tổn như vậy? Có gì không ổn ở ông ta?” Vị chủ tịch khoa thần kinh khẽ nhíu trán, tuyên bố: “Bệnh nhân này bị idiopathic neuropathy.” Tất cả chúng tôi trở về phòng, lật sách giáo khoa để tra lại thuật ngữ ấy và thấy rằng idiopathic có nghĩa: “có nguyên nhân không được rõ”. Vậy, idiopathic neuropathy không có nghĩa gì hơn là một căn bệnh thuộc hệ thần kinh mà nguyên nhân của nó chưa được khám phá!

Vì thế, chúng tôi bắt đầu nhìn nhận rằng vẫn còn có những bệnh thần kinh và nhiều bệnh khác có tính idiopathic – chúng ta chưa nắm rõ – đấy chứ! Nhưng tất cả những vấn đề lớn thì đều đã được biết! Suốt những năm ở trường y, tôi thường có những thắc mắc, nhưng các giáo sư của tôi đã giải đáp tuốt tuồn tuột! Tôi không bao giờ nghe một vị giáo sư nào trong trường y nói “Tôi không biết!” Không phải lúc nào tôi cũng hiểu các câu trả lời của họ, nhưng tôi cho rằng đấy là do lỗi của mình – và một điều chắc chắn rằng với đầu óc bé nhỏ của mình, tôi sẽ chẳng bao giờ thực hiện được một khám phá y học nào đáng kể.

Nhưng khoảng 10 năm sau khi rời trường y, tôi đã có một khám phá y học đáng kể. Tôi khám phá ra rằng: Chúng ta xem ra chẳng biết gì mấy về y khoa. Tôi khám phá điều đó bởi vì tôi không còn hỏi “chúng ta biết gì?”; thay vào đó, tôi hỏi “chúng ta không biết gì?” Vừa khi đặt câu hỏi “chúng ta không biết gì?”, tôi chợt thấy tất cả những biên giới mà mình vốn tưởng đã đóng kín lại mở ra. Và tôi nhận ra rằng chúng ta đang sống trong một thế giới của những biên giới.

Tôi xin dẫn ra đây một ví dụ. Một trong những chứng bệnh được ‘nắm’ rất rõ là bệnh viêm màng não (meningococcal meningitis), một thứ bệnh không phổ biến lắm song rất hay được nhắc đến. Mỗi mùa đông, cứ 50 ngàn người thì có một người nhiễm chứng bệnh này. Nếu bạn hỏi bất cứ y sĩ nào về nguyên nhân của chứng bệnh này, y sĩ sẽ trả lời bạn: “Nguyên nhân hả? Dĩ nhiên do khuẩn màng não.” Xét trên một bình diện nào đó thì câu trả lời ấy hoàn toàn đúng, vì nếu bạn khám nghiệm tử thi những người chết do căn bệnh ghê gớm này – (số tử vong là 50%, trong khi 25% bị thương tật vĩnh viễn!) – và mở hộp sọ của họ ra, bạn sẽ thấy các màng nhầy bao bọc não bị phủ đầy những mủ. Rồi, nếu bạn xem xét những mủ ấy qua ống kính hiển vi, bạn sẽ nhìn thấy hàng tỉ tỉ con giòi đang bơi lội dày đặc. Bây giờ nếu bạn trích chúng ra, bạn sẽ thấy gì? Khuẩn màng não, dĩ nhiên!

Chỉ có một điều lấn cấn. Nếu mùa đông rồi tôi xét nghiệm cuống họng các cư dân tại thị trấn New Preston nhỏ bé của tôi ở Connecticut – hay cư dân của bất cứ một thành phố nào đó phía bắc – tôi sẽ khám phá thấy những con giòi này nơi khoảng 85% số các cuống họng mà tôi khảo sát. Tuy nhiên, không ai ở Preston đã nhiễm bệnh, càng không ai đã chết do bệnh viêm màng hồi mùa đông rồi. Bao thế hệ trước đây cũng vậy, và những thế hệ sau này chắc hẳn cũng vậy!

Bằng cách nào và tại sao loại vi trùng này – hầu như có mặt khắp mọi nơi chốn – có thể tồn tại nơi 49.999 người mà không gây sự cố gì, mà chỉ có thể đi vào trong não của một người (thường là trẻ khỏe trước đó) để gây tử vong cho người đó?

Câu trả lời là: Chúng ta không biết!

Điều tương tự cũng đúng với hầu như mọi thứ bệnh khác trên đời này. Chúng ta hãy lấy ví dụ về một căn bệnh nổi tiếng khác phổ biến hơn nhiều so với bệnh viêm màng não nói trên, đó là bệnh ung thư phổi. Tất cả chúng ta đều biết rằng việc hút thuốc lá gây ra bệnh ung thư phổi. Tuy nhiên có một số người không bao giờ đụng đến một điếu thuốc nhưng vẫn bị ung thư phổi và chết vì căn bệnh này. Và có một số người – như ông nội tôi – đã hút thuốc rất nhiều và hút gần như suốt cả cuộc đời 92 tuổi của cụ, nhưng cụ đã không bao giờ bị ung thư phổi. Thật rõ ràng, có một cái gì đó nữa ngoài việc hút thuốc lá có liên quan đến nguyên nhân của căn bệnh ung thư phổi. Và đó là cái gì? Một lần nữa, câu trả lời là: Chúng ta thường không biết!

Điều này xảy ra không chỉ cho hầu như mọi chứng bệnh mà còn cho cả việc điều trị các chứng bệnh nữa. Thỉnh thoảng các thân chủ mà tôi đã kê toa trị liệu hỏi tôi: “Thưa Bác Sĩ Peck, những thuốc ấy sẽ tác dụng như thế nào?” Tôi sẽ bảo họ rằng nó điều hợp sự quân bìnhcatecholamine trong hệ limbic của não họ. Và câu trả lời ấy sẽ làm cho họ ngẩn tò te, ngậm tăm luôn! Nhưng, một cách chính xác, bằng cách nào một hóa chất nào đó có thể thay thế cho sự cân bằng catecholaminetrong hệ limbic của não để làm cho một người bị suy sụp cảm thấy hưng phấn hơn, hay làm cho một người bị tâm thần phân liệt có thể suy nghĩ cách mạch lạc rõ ràng hơn? Câu trả lời là: Chúng ta không biết!

Bạn có thể ghi nhận rằng đã có thời các bác sĩ không biết gì nhiều lắm. Nhưng những người khác thì biết nhiều, phải không? Tôi có ý nói rằng y khoa có thể là một cái gì đó thuộc nghệ thuật, nhưng các khoa học chặt chẽ – chẳng hạn vật lý học – đã có tất cả các qui luật nghiêm ngặt của nó.

Vật lý học hiện đại có thể nói đã bắt đầu với Isaac Newton; và khi quả táo ấy rơi trên đầu ông, ông không chỉ khám phá trọng lực mà thực tế ông còn phát triển một công thức toán học cho nó. Vì thế, bây giờ mọi người đều biết rằng hai vật thể hút nhau với một lực tỉ lệ thuận với khối lượng của chúng và tỉ lệ nghịch với bình phương khoảng cách giữa chúng. Qui luật ấy xem ra thật hiển nhiên.

Nhưng tại sao? Tại sao hai vật thể hút nhau? Tại sao lại có cái lực đó? Lực đó bao gồm những gì? Và câu trả lời là: Chúng ta không biết. Công thức toán học của Newton chỉ mô tả hiện tượng, nhưng tại sao lại có hiện tượng ấy và hiện tượng ấy vận hành như thế nào? Chúng ta không biết. Trong thời đại kỹ thuật tân kỳ của chúng ta, chúng ta vẫn thậm chí không hiểu cái gì đang giữ đôi bàn chân chúng ta trên mặt đất. Vì thế, cả đối với các khoa học chặt chẽ, chúng ta cũng chưa nắm biết gì nhiều lắm.

Nhưng chắc chắn một ai đó phải biết một cái gì đó. Tôi đã nói rằng toán học rất có tính chắc chắn hiển nhiên. Các nhà toán học phải biết được sự thật. Hồi ở trường, tất cả chúng ta đều học chân lý vĩ đại rằng hai đường thẳng song song không bao giờ gặp nhau. Nhưng rồi, đến khi tôi học năm thứ tư đại học, ngày nọ đang rảo bước xuống sân, tôi chợt nghe một ai đó đề cập một cái gì đó về hình học Riemann. Sau đó tôi tra cứu và phát hiện ra rằng Bernhard là một nhà toán học người Đức, hồi giữa thế kỷ 19 ông đã tự hỏi: “Nhưng nếu hai đường thẳng song song gặp nhau thì sao?” Dựa theo giả thiết rằng hai đường thẳng song song gặp nhau, và một số giả định khác mà ông tạo ra trong các định đề Euclid, ông đã phát triển một khoa hình học hoàn toàn mới. Điều đó có thể chỉ là một hoạt động thuần túy tri thức hay một hình thức chơi đùa, một loại tính toán kiểu như tính thử có thể có bao nhiêu thiên thần nhảy múa trên đầu một cây kim, nếu như nó không phục vụ cho thực tế như nhiều tính toán của Albert Einstein (chẳng hạn sự tính toán đã dẫn đến việc chế tạo ra bom nguyên tử). Tất cả chúng ta đều biết rằng bom nguyên tử đặt cơ sở không phải trên hình học Euclid nhưng là trên hình học Riemann.

Các bạn hữu nghiên cứu về toán học đã cho tôi biết rằng con số khoa hình học có khả năng phát triển được là vô hạn. Kể từ thời Riemann, chúng ta đã phát triển thêm 6 khoa hình học ứng dụng, như vậy chúng ta hiện nay có tất cả 8 khoa hình học ứng dụng khác nhau. Đâu là khoa hình học đích thực? Chúng ta không biết.

TÂM LÝ HỌC NHƯ THUẬT GIẢ KIM

Không đi quá xa với các khoa học tự nhiên chặt chẽ, tôi xin trở lại với khoa tâm lý học của mình, một khoa học mềm dẻo hơn. Một số người đã so sánh tâm lý học với thuật giả kim. Ngược về thời của thuật giả kim, thời mà các nhà khoa học cố gắng biến các kim loại thành vàng, tất cả những gì được biết về thế giới chung qui là rằng thế giới gồm bốn yếu tố: đất, khí, lửa và nước. Kể từ đó chúng ta đã khám phá ra bảng tuần hoàn của các nguyên tố (Hydro, Oxy, Carbon, vv…) Nhưng tâm lý học thì dường như vẫn còn ở trong thời tăm tối của thuật giả kim!

Chẳng hạn, phong trào giải phóng phụ nữ dựa nền tảng trên một số giả định về những dị biệt hay những tương đồng phi thể lý giữa phụ nữ và nam giới. Những dị biệt hay những tương đồng phi thể lý đó là gì? Bao nhiêu trong số chúng thuộc lãnh vực văn hóa hay xã hội? Bao nhiêu thuộc lãnh vực sinh học? Chúng ta không biết. Giờ đây ở cuối thế kỷ 20, chúng ta biết cách đưa mình bay lên khỏi mặt đất, nhưng chúng ta không nắm rõ mấy về tính dục.

Hay thử xét đến khuynh hướng tò mò của con người, có liên hệ rất nhiều đến chủ đề về huyền nhiệm. Phải chăng tất cả mọi người đều được sinh ra với bản tính tò mò như nhau? Hay người ta sinh ra với những mức độ tò mò khác nhau? Phải chăng tò mò là một cái gì đó đến với chúng ta theo đường di truyền? Hay nó là cái mà chúng ta đã tập làm quen khi lớn lên trong nền văn hóa của chúng ta? Nó là một cái gì đó được tọng vào cho chúng ta hay được moi ra từ chúng ta? Chúng ta không biết. Một lần nữa, ánh sáng tri thức của một ngành khoa học về khuynh hướng quan trọng bậc nhất này của con người vẫn chưa ló dạng cho chúng ta.

Hiểu biết ít ỏi như thế, vậy thì tại sao con người chúng ta vẫn nghĩ rằng mình đã biết rất nhiều? Có hai lý do: Vì chúng ta hoảng sợ và vì chúng ta lười biếng.

Chúng ta hoảng sợ không dám nghĩ rằng thật sự mình không biết mình đang làm gì hay đang đi đâu, rằng chúng ta là những đứa trẻ có lý trí đang dò dẫm trong bóng tối. Do đó, thật là thoải mái hơn khi sống trong một ảo tưởng rằng mình hiểu biết nhiều hơn những gì mình thực tế hiểu biết.

Chúng ta cũng sống trong ảo tưởng bởi vì chúng ta lười biếng. Nếu chúng ta ý thức về sự ngu dốt của mình, chúng ta sẽ hoặc phải nghĩ rằng mình vô cùng ngu ngốc hoặc phải dấn mình vào cuộc học tập không ngừng suốt cả đời. Vì đa số chúng ta không thích nghĩ mình ngu ngốc, cũng không thích dấn mình vào cuộc học tập suốt cả đời, nên để được thoải mái hơn, chúng ta sống trong ảo tưởng thú vị rằng mình hiểu biết nhiều hơn những gì mình thực tế hiểu biết.

Khổ nỗi, đấy chỉ là ảo tưởng. Nó không thực. Bạn có thể nhớ lại trong Con Đường Chẳng Mấy Ai Đi, tôi đã định nghĩa sự lành mạnh tâm thần là một tiến trình không ngừng dấn thân cho thực tại bằng mọi giá. Và “bằng mọi giá” nghĩa là dù thực tại có làm ta khó chịu đến mấy đi nữa.

Hiện nay, trong nền văn hóa tránh né đau khổ của chúng ta, sự lành mạnh tâm thần không luôn luôn được khuyến khích. Khi một người nào đó bị một hụt hẫng về tâm cảm, chúng ta nói: “Ồ, anh chàng Joe tội nghiệp. Anh ta bị vỡ mộng rồi!” Đáng lẽ ra chúng ta nên nói: “Ồ, anh chàng Joe may mắn. Anh ta được vỡ mộng rồi.” Vỡ mộng là nhìn thấy mọi sự như thực tế của nó, vậy mà đáng tiếc ư? Té ra ý thức được thực tại là một điều tệ hại? Cũng thế, trong tâm lý trị liệu, khi người ta mổ xẻ sự kiện họ bị quấy rối tình dục hay bị bỏ bê hồi nhỏ, chúng ta không thể nói: “Ồ, đáng thương quá!” – bởi vì nỗi đau mà họ từng trải ấy cuối cùng đang đem lại sự lành mạnh tâm thần cho họ.

Dĩ nhiên qui luật nào cũng có những ngoại lệ. Và tôi là một nhà vô địch vĩ đại về cái mà các nhà tâm lý gọi là những “ảo tưởng lành mạnh”. Chẳng hạn, một y sĩ bị một chứng đau tim, được đưa vào khoa săn sóc đặc biệt, có lẽ có nguy cơ chết gấp hai lần so với một người không phải là y sĩ. Lý do là vì ông ấy biết tất cả những gì có thể trục trặc, trong khi một người khác sẽ nói đơn giản: “Ồ, tôi chỉ bị đau tim.” Vì thế, đôi khi ảo tưởng lại giúp cho người ta lành mạnh.

Tuy nhiên, nói chung, tôi cho rằng thật tốt cho chúng ta nếu chúng ta được xóa tan ảo tưởng. Chúng ta càng thích nghi với thực tại thì cuộc sống của chúng ta càng vận hành tốt hơn. Nhưng chúng ta chỉ có thể sống trong một thế giới thực tại khi biết cảm nếm huyền nhiệm. Vì thực tại lồ lộ nhất là: kiến thức của ta chỉ như một giọt nước giữa biển cả vô minh mênh mông, giữa đại dương của huyền nhiệm. Và sẽ rất không may khi ta sống giữa ‘biển’ mà không thích ‘nước’! Cách duy nhất để có cơ may là phải yêu mến ‘nước’, yêu mến huyền nhiệm, phải thích ngụp lặn trong nóù và bơi lội trong nó, uống nó và cảm nếm nó …

TÒ MÒ VÀ LÃNH ĐẠM

Một trong những dấu chỉ đặc trưng cho những người kém sức khỏe tâm thần nhất, những người ít trưởng thành nhất giữa chúng ta – đó là họ thiếu một cảm thức về huyền nhiệm, hay họ không có đủ tính tò mò. Điều quấy rầy tôi nhất khi tôi ghé vào một bệnh viện tâm thần không phải là sự điên khùng của các bệnh nhân, cũng không phải là sự hung dữ hay sự sợ hãi của họ, nhưng là sự lãnh đạm. Đôi khi lãnh đạm có nguyên nhân từ ma túy, nhưng một tính cách lãnh đạm khủng khiếp thường là đặc điểm cho thấy một người bị rối loạn tâm thần.

Điều gì xảy ra với những người lành mạnh khi trời bắt đầu đổ tuyết? Họ bước lại chỗ cửa sổ, nhìn ra bên ngoài và trầm trồ: “Tuyết rơi nhiều thật!”, hay: “Ồ, trời đang bão tuyết!” Nhưng trong một bệnh viện tâm thần, khi ai đó trầm trồ “Chà, tuyết bắt đầu rơi!”, thì các bệnh nhân sẽ: “Ê, đừng làm cản trở cuộc chơi bài của chúng tôi.” Thế đấy, hoàn toàn lãnh đạm!

Một hình thức khác của bệnh tâm thần là khi người ta không thể chịu đựng được huyền nhiệm thì họ tạo ra những giải thích cho những gì vốn không giải thích được. Chẳng hạn, cách đây ít năm, tôi nhận được một bức thư 8 trang rất buồn, trang đầu được viết rất rõ ràng mạch lạc, nhưng nội dung đề cập rằng người viết có một đứa con trai bị chứng ung thư lá lách. Vì vậy khi bức thư tiếp tục, chữ viết và câu cú của anh ta trở nên rối rắm hơn rất nhiều. Anh ta viết: “Bác sĩ Peck, chắc hẳn bác sĩ biết điều mà ông bà chúng ta ngày xưa đã từng biết – đó là tất cả chúng ta đều có một hồn ma đi theo không rời chúng ta, và có một yếu tố ion hóa tồn tại giữa thể xác chúng ta và hồn ma ấy – và bệnh của chúng ta là kết quả của yếu tố ion hóa này…”

Tôi không hề biết chuyện đó. Đó là một giả thuyết ly kỳ thỉnh thoảng có người nêu lên. Nhưng một giả thuyết như thế chẳng có được tí cơ sở nào. Vì thế, theo một nghĩa nào đó, người đàn ông kia đã tìm thấy một sự giải thích cho chứng ung thư lá lách của con trai mình. Có lẽ điều đó đem lại cho ông một sự dễ chịu, tháo gỡ ông ra khỏi huyền nhiệm của sự việc. Nhưng sự chắc chắn ấy của ông là một ảo tưởng không hơn không kém.

Trái lại, một trong những đặc điểm của người lành mạnh tâm thần là cảm thức bén nhạy về huyền nhiệm và sự tò mò sâu sắc. Họ ngạc nhiên về mọi sự: về các thiên hà xa xôi, về tia laser, về những con bọ ngựa, vv… Điều gì cũng khích động suy nghĩ của họ. Tuy nhiên đa số trong chúng ta rơi vào giữa hai tình trạng trên: tình trạng lành mạnh tâm thần và tình trạng điên rồ. Đối với phần đông trong chúng ta, cảm thức huyền nhiệm vẫn còn ngủ vùi.

Trong khi hành nghề của mình, tôi vốn thường nói với các thân chủ tôi rằng họ đang thuê tôi làm một hướng dẫn viên dẫn họ đi qua sa mạc vô thức. Họ đang thuê tôi không phải vì tôi đã đi qua vô thức của họ trước đây, nhưng chỉ vì tôi biết một cái gì đó về qui luật để khám phá vô thức. Trong thực hành tâm lý trị liệu, vô thức của mỗi người mỗi khác nhau. Và mỗi lúc, cuộc hành trình trở nên mỗi khác. Đó là điều thú vị cho tôi.

Để thám hiểm vô thức, người ta phải là một nhà thám hiểm. Và để trở thành một nhà thám hiểm, người ta phải có một cảm thức huyền nhiệm. Đối với Lewis và Clark, đó là huyền nhiệm của những gì nằm ở phía bên kia Appalachians. Đối với các nhà du hành vũ trụ thì đó là huyền nhiệm của không gian bên ngoài trái đất. Đối với các bệnh nhân trong tâm lý trị liệu thì đó chủ yếu là huyền nhiệm bên trong chính con người họ. Nếu trong quá trình trị liệu, tính hiếu kỳ của bệnh nhân về huyền nhiệm từ thuở bé được đánh thức dậy, và nếu bệnh nhân bắt đầu khám phá ra những ký ức bị lãng quên và khám phá ra ảnh hưởng của một số kinh nghiệm và biến cố trên cuộc đời họ, khám phá ra huyền nhiệm của các gien di truyền và tính tình của mình, di sản của mình, văn hóa của mình, các giấc mơ của mình và những ý nghĩa có thể tiềm ẩn trong các giấc mơ ấy … thì cuộc trị liệu sẽ có khả năng tiến xa. Đàng khác, nếu trong tiến trình trị liệu, những cảm thức huyền nhiệm ấy không được đánh thức, thì hành trình thám hiểm của đương sự không có cách nào tiến xa được.

Tôi sử dụng từ ‘đánh thức’ cảm thức huyền nhiệm của bệnh nhân bởi vì tôi tin – dù chúng ta chưa có ngành khoa học nào làm cơ sở cho điều này – rằng cảm thức huyền nhiệm là một cái gì đó có thể được phát triển, ít nhất nơi một số người. Có thể ví như người ta phát triển khiếu thưởng thức whiskey vậy. Đây là một cảm thức có thể được phát triển vô hạn, bởi vì bạn càng lặn ngụp trong huyền nhiệm thì huyền nhiệm càng mở ra thênh thang hơn. Bạn muốn uống huyền nhiệm bao nhiêu tùy thích. Nó hoàn toàn không gây chán ngán và hoàn toàn miễn phí, không có thuế sản xuất cũng không có thuế tiêu thụ. ‘Nghiện’ huyền nhiệm là sự nghiện ngập duy nhất mà tôi có thể nồng nhiệt khuyến khích bạn.

HUYỀN NHIỆM VÀ HÀNH TRÌNH TÂM LINH

Sống trong thế giới thực tại – đó không chỉ là mục tiêu của sự lành mạnh tâm thần. Đó cũng là mục tiêu của hành trình tâm linh nữa. Nhưng nói cho cùng, hành trình tâm linh cũng chính là hành trình tìm kiếm ý nghĩa thực của đời sống! Một hành trình tìm kiếm Thiên Chúa đích thực!

Một trong những điều nhập nhằng về tôn giáo, đó là người ta bước vào tôn giáo vì những lý do khác nhau. Một số người được lôi cuốn vào tôn giáo để tiếp cận huyền nhiệm, trong khi cũng có những người bước vào tôn giáo để trốn thoát khỏi huyền nhiệm. Ở đây, tôi không có ý ‘gõ’ vào những người dùng tôn giáo để tránh né huyền nhiệm. Vì có những người – ở vào một điểm quặt trong cuộc phát triển tâm lý và tinh thần của mình (chẳng hạn, những người nghiện rượu bắt đầu bỏ ruợu, những người gây tội ác bắt đầu một cuộc sống lương thiện) – họ cần những niềm tin rõ ràng, họ cần những nguyên tắc để sống … Tuy nhiên, tôi muốn nhắc bạn rằng con người trưởng thành tinh thần đầy đủ thì không quá níu bám vào giáo thuyết như kiểu các nhà khoa học níu bám vào các nguyên tắc khoa học, và rằng không có cái gọi là đức tin trọn vẹn. Thực tại, giống như Thiên Chúa, là một cái gì đó chúng ta chỉ có thể tiến gần tới mà thôi (chứ không đạt tới được).

Trong khát vọng muốn hiểu thực tại, chúng ta – một cách nào đó – cũng giống như một người cố nắm hiểu cơ chế vận hành của một chiếc đồng hồ. Người ấy nhìn thấy mặt đồng hồ, thấy các kim đồng hồ đang chuyển động, thậm chí nghe cả tiếng tích tắc, nhưng người ấy không biết cách mở chiếc đồng hồ ra. Nếu anh ta có trí óc sắc sảo, anh ta có thể hình dung một hình ảnh nào đó về bộ máy vận hành để đưa tới những gì mà anh nhìn thấy được, nhưng anh ta không bao giờ dám chắc chắn rằng sự hình dung của mình là khả năng duy nhất giải thích tất cả. Anh ta sẽ không bao giờ có thể so sánh hình ảnh do mình tưởng tượng với bộ máy thực của đồng hồ – và anh ta thậm chí không thể tưởng tượng được ý nghĩa của một sự so sánh như thế.

Tác giả của những lời ấy là Albert Einstein, một người mà đa số trong chúng ta đều không ngần ngại nhìn nhận là người hiểu biết nhiều hơn bất cứ ai khác trên trái đất này – thật vậy, tên của ông đã trở thành từ đồng nghĩa với hai tiếng “thiên tài”! Thế nhưng ông đã viết rằng chúng ta có thể quan sát và nêu giả thuyết, nhưng chúng ta không bao giờ có thể biết. Thực tại là một cái gì đó chúng ta có thể tiếp cận mà không thực sự đạt đến được.

Một trong những xì căng đan mà một số người mộ đạo vướng vào, đó là họ nghĩ rằng họ có Thiên Chúa trong túi họ. Nhưng những người trưởng thành đầy đủ sẽ không nghĩ thế. Thực tại, cũng như Thiên Chúa, không phải là một cái gì chúng ta có thể sở hữu dứt khoát. Thực tại không thuộc về ta để ta chiếm hữu; trái lại, nó chiếm hữu chúng ta.

Cuộc hành trình tâm linh là một cuộc hành trình tìm kiếm sự thật – không khác chi khoa học cũng là một cuộc hành trình tìm kiếm sự thật. Con người trưởng thành đầy đủ phải là một con người kiếm tìm chân lý không thua kém một nhà khoa học kiếm tìm chân lý, thậm chí còn hơn thế nữa. Và cũng như có một số người đi vào tôn giáo để trốn tránh huyền nhiệm, cũng có một số người đi vào khoa học nhằm để chạy trốn khỏi huyền nhiệm.

Tất cả chúng ta đều biết hay đều nghe về những nhà khoa học bỏ ra cả đời để nghiên cứu về sự ô-xy hóa tế bào trong mô tuyến tiền liệt của bồ câu ở pH 3,7 đến pH 3,9 – và đó là lãnh vực quan tâm của họ trong vũ trụ. Họ đã khoanh một phạm vi nhỏ cho chính mình, và đã đọc nhiều tư liệu về chủ đề ấy hơn bất cứ ai khác, vì thế kiến thức của họ về lãnh vực mà họ quan tâm thật rất đáng tin cậy, và họ cảm thấy an tâm. Nhưng để thực sự tìm kiếm sự thật, người ta không thể moi một cái hang an toàn và nấp vào trong đó. Người ta phải dò dẫm bước ra, đi vào những lãnh giới mình không biết, đi vào huyền nhiệm.

Trong nghề nghiệp của tôi, đôi khi tôi nghe các bệnh nhân nói: “Này Bác Sĩ Peck, tôi rất lúng túng.” Và tôi đáp: “Thế là tuyệt đấy.” Họ sẽ nói: “Tuyệt cái nỗi gì? Thật là tệ hại!” Tôi trả lời: “Không, không! Không tệ hại đâu. Bạn có phúc đấy.” Họ cãi: “Gì, ông nói gì hử? Thật khủng khiếp như vậy mà ông bảo là có phúc?”

Tôi sẽ giải thích: “Bạn biết đó, khi Đức Giêsu giảng bài giảng ‘để đời’ của Ngài, những tiếng đầu tiên Ngài đã thốt lên là: ‘Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó!’” Có nhiều cách để diễn dịch cụm từ ‘tinh thần nghèo khó’, nhưng trên bình diện tri thức, bản dịch tốt nhất là: “lúng túng”! Vâng, phúc cho ai bị lúng túng. Nếu bạn hỏi tại sao Đức Giêsu có thể đã có ý nói như thế, tôi sẽ chỉ ra cho bạn rằng sự lúng túng thúc đẩy người ta tìm kiếm điều sáng tỏ, và cuộc tìm kiếm ấy sẽ giúp người ta học hỏi nhiều.

Chẳng hạn, những người của thế kỷ 15 đã đi ngủ vào một buổi tối nọ năm 1492, nghĩ rằng trái đất dẹt, để rồi sáng hôm sau thức dậy họ nhận ra nó tròn. Để cho một ý tưởng chết đi và một ý tưởng mới, tốt hơn, thay chỗ, chúng ta cũng phải đi qua những giai đoạn lúng túng như thế.

Thật là không dễ chịu, đôi khi rất khổ sở khi phải ở trong những giai đoạn đó. Tuy nhiên, đó là tình trạng có phúc bởi vì khi chúng ta ở trong đó, chúng ta đang kiếm tìm những cách thế mới và tốt hơn. Chúng ta cởi mở đón nhận điều mới mẻ, chúng ta kiếm tìm, chúng ta lớn lên. Vì thế, Đức Giêsu nói: “Phúc cho những ai lúng túng.” Hầu như tất cả mọi sự dữ trên thế giới này đều được gây ra do bởi những người chắc chắn tuyệt đối rằng họ biết điều mình đang làm. Sự dữ không được gây ra do bởi những người biết mình lúng túng, những người nghèo khó trong tinh thần.

Trong Con Đường Chẳng Mấy Ai Đi, tôi đã nói rằng con đường nên thánh nằm ở việc chất vấn mọi sự. Hãy tìm kiếm, và bạn sẽ tìm thấy đủ sự thật để có thể bắt đầu điều hợp chúng với nhau. Bạn sẽ không bao giờ kết thúc được câu đố. Nhưng bạn sẽ có thể kết hợp lại đủ các yếu tố để bắt đầu có được cái nhìn thoáng toàn bộ bức tranh lớn và nhận ra rằng quả thực bức tranh ấy rất xinh đẹp.

Nếu tất cả cuộc sống chúng ta được bao trùm trong huyền nhiệm và chúng ta thực sự không biết mình đang đi về đâu – nếu chúng ta là những đứa trẻ có lý trí đang đi vật vờ trong bóng tối – thì bằng cách nào chúng ta sống còn? Tôi thấy chỉ có hai cách để trả lời câu hỏi ấy. Một là kết luận rằng Scott Peck và Albert Einstein sai lầm, và rằng chúng ta hiểu biết nhiều hơn ta tưởng. Còn cách thứ hai là kết luận rằng chúng ta được bảo vệ một cách nào đó. Và đó chính là điều mà tôi muốn kết luận ở đây. Vậy, nhân danh Chúa, sự bảo vệ ấy làm việc như thế nào? Tôi không biết. Tôi chỉ biết rằng sự bảo vệ ấy vận hành nhân danh Chúa.

Trong văn phòng của tôi, tôi có hình ảnh của bảy thiên thần khác nhau, trong đủ mọi tư thế. Tôi treo ảnh các thiên thần không phải bởi vì tôi đã từng thấy một ‘người’ có cánh. Nhưng khi tôi suy ngẫm về cơ chế của sự bảo vệ này, cơ chế của ân sủng – (bằng cách nào Thiên Chúa có thể dường như đếm từng sợi tóc trên đầu chúng ta?) – tôi chỉ có thể hình dung Ngài có những đạo binh thiên thần đông đúc phục vụ theo mệnh lệnh Ngài.

Tôi tin rằng một số trong những thiên thần này thực sự xuất hiện trong hình dạng con người. Phyllis Theroux đã viết một tuyển tập rất hay, mang tựa đề: “Đèn Ngủ: Những Câu Chuyện Kể Đêm Khuya Cho Các Phụ Huynh”. Một trong những bài ấy, nữ tác giả kể lại chuyện lần kia chị tham gia một cuộc thi công chức. Có bốn hay năm câu hỏi rõ ràng được soạn ra để loại trừ những kẻ điên khùng hay hoang tưởng, trong đó chị chỉ nhớ được một câu, đó là: “Bạn có nghĩ bạn là một nhân viên đặc biệt của Thiên Chúa không?”

“Tôi chợt cảm thấy lính quýnh trước câu hỏi ấy” – chị kể – “nhưng rồi tôi nghĩ đến mục đích thực tiễn của mình là nhắm đậu kỳ thi này, nghĩa là tôi phải trả lời sao để được chấm ‘đậu’, dù câu trả lời có trái với ý nghĩ của mình, thế nên cuối cùng tôi chụp lấy bút chì, và viết: ‘Không!’”

Kỳ thực, tôi cũng chia sẻ với Phyllis Theroux trong niềm tin rằng có một số nhân viên đặc biệt ở đó ở đây, bảo vệ chúng ta khi chúng ta dò dẫm bước đi trong cuộc hành trình đầy bóng tối và đầy huyền nhiệm của mình. Cách riêng, tôi thích nghĩ về điều này vào thời gian xung quanh Lễ Halloween, một lễ có tính huyền nhiệm bậc nhất trong những cử hành của Kitô giáo và tiền Kitô giáo.

Scott Peck

Lm. Lê Công Đức chuyển ngữ

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay