Bên Thắng Cuộc: Một cuốn sách hay (1)

Bên Thắng Cuộc: Một cuốn sách hay (1)

Nguyễn Hưng Quốc

11.02.2013

nguồn: VOA

Tôi có cuốn Bên Thắng Cuộc của Huy Đức đã khá lâu nhưng mấy ngày vừa rồi mới có thì giờ để đọc. Ấn tượng chung: Thích.

Thích nhất là về tư liệu. Đã có nhiều người, Việt Nam cũng như ngoại quốc, viết
về Việt Nam sau năm 1975 nhưng có lẽ chưa có cuốn sách nào bao quát nhiều khía
cạnh và dồi dào tư liệu đến như vậy. Các cuốn sách khác, cho đến nay, dưới hình
thức hồi ký hay biên khảo, thường chỉ tập trung vào một lãnh vực và từ một góc
độ cụ thể nào đó. Bên Thắng Cuộc, ngược lại, hầu như đề cập đến mọi góc
cạnh lớn, từ quân sự đến chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, từ tổ chức
chính quyền tại Sài Gòn sau năm 1975 đến các chiến dịch đánh tư sản, các trại
cải tạo, phong trào vượt biên, các nỗ lực “xé rào” về kinh tế, chính sách đổi
mới, chiến tranh với Campuchia cũng như với Trung Quốc và các cuộc tranh giành
quyền lực trong nội bộ đảng Cộng sản. Ở từng vấn đề, Huy Đức đều nêu lên thật
nhiều chi tiết. Các chi tiết ấy thuộc hai loại chính: Một, lời kể của các chứng
nhân được thu lượm qua các cuộc phỏng vấn hoặc qua các hồi ký – đã hoặc chưa
xuất bản – của họ; và hai, các tài liệu đã được công bố đây đó, bằng tiếng Việt
cũng như bằng tiếng Anh. Nguồn tài liệu thứ nhất được Huy Đức thực hiện với tư
cách một nhà báo; nguồn thứ hai, với tư cách một nhà nghiên cứu. Tôi cho sự kết
hợp giữa hai tư cách này là mặt mạnh nhất của Huy Đức đồng thời cũng là ưu điểm
chính của cuốn Bên Thắng Cuộc: Thường, các nhà báo Việt Nam chỉ “tác
nghiệp” theo lối kinh nghiệm chủ nghĩa, dựa trên những gì mình nghe kể hoặc
quan sát được; còn các nhà nghiên cứu thì lại thiếu thực tế, do đó, hoặc chỉ
xào nấu từ các cuốn sách khác hoặc phải sa vào tư biện, tệ hại hơn nữa là tư
biện kiểu Việt Nam: cứ lải nhải những luận điệu rặt mùi tuyên truyền, tức những
luận điệu ai cũng biết, hơn nữa, biết là sai.

Trong Bên Thắng Cuộc, nguồn tài liệu từ sách vở chỉ có tính chất bổ
sung, chủ yếu để cung cấp số liệu và mở rộng kích thước lịch sử, từ đó, tăng
tính thuyết phục cho những vấn đề được đề cập. Ví dụ, nói về cuộc họp mặt với
khoảng 100 văn nghệ sĩ tại Hà Nội của Nguyễn Văn Linh vào ngày 6 và 7
tháng 10 năm 1987, Huy Đức quay trở lại với thời Nhân Văn Giai Phẩm, hoặc xa
hơn nữa, thời Trường Chinh viết “Đề cương văn hóa” năm 1943, thậm chí, một
chút, về lịch sử báo chí Việt Nam trước đó. Nói về kinh tế thị trường (lần đầu
tiên được đưa vào các văn kiện Đảng là năm 1991), anh quay trở lại vấn đề “lược
sử kinh tế tư nhân” ở Việt Nam từ cuối thế kỷ 19, đặc biệt, đầu thế kỷ 20, dưới
thời Pháp thuộc. Nói về các chính sách đối với người Hoa vào những năm 1978-79,
anh quay lại quan hệ giữa Việt Nam (chủ yếu là miền Bắc) với Trung Quốc trong
Hiệp định Geneve năm 1954 cũng như trong suốt cuộc chiến tranh Nam Bắc thời
1954-75, bao gồm cả chuyện Hoàng Sa năm 1974, v.v.. Những tài liệu này, thật
ra, không mới, nhưng chúng được trình bày một cách gọn ghẽ, sáng sủa và mạch
lạc, làm cho vấn đề có thêm bề dày của lịch sử.

Nhưng mặt mạnh nhất của Huy Đức là ở tư cách nhà báo. Không những chỉ là người
làm báo lâu năm, anh còn có ba đặc điểm mà không phải nhà báo kỳ cựu nào cũng
có: Một, quan hệ rộng; hai, có tầm nhìn dài; và, ba, có cách làm việc khoa học.

Tôi gặp Huy Đức một lần ở Hà Nội, hình như là vào cuối năm 2002 hay đầu năm
2005 gì đó. Buổi sáng, tôi đang ngồi uống cà phê với nhà thơ Phan Huyền Thư và
nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thì anh và nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn đến nhập bọn. Phạm Xuân Nguyên giới thiệu Huy Đức với tôi: “nhà báo, đang làm ở tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn”. Lúc ấy, Huy Đức chưa có Osin blog, chưa có các bài bình
luận chính trị được phổ biến rộng rãi trên internet, cho nên, thú thật, tôi
không hề biết anh, kể cả cái tên. Mà Huy Đức cũng rất ít nói. Hôm ấy, anh chỉ
ngồi nghe bọn tôi nói hươu nói vượn về chuyện văn chương và cười. Đến lúc Phạm
Xuân Nguyên đọc một số bài ca dao mới chế giễu giới lãnh đạo Việt Nam, trong
đó, có cả Hồ Chí Minh, cả bọn cười ngất, riêng Huy Đức thì lôi trong túi ra một
cuốn sổ tay nhỏ và đề nghị Nguyên đọc lại, chầm chậm, cho anh chép. Sau đó,
trong suốt buổi nói chuyện, cứ hễ bắt gặp một câu gì hay hay, một chi tiết gì
thú vị, anh lại lôi sổ tay ra chép. Cung cách làm việc của anh khiến tôi để ý.
Và nhớ mãi.

Nhiều người trong giới nhà báo có ưu điểm là biết rộng nhưng phần lớn lại mắc
phải khuyết điểm là sa đà trong các sự kiện có tính chất giai thoại vụn vặt,
cuối cùng, chỉ viết được những bài báo ngăn ngắn, đầy tính thời sự, để được đọc
ngày hôm trước và bị quên lãng ngay vào ngày hôm sau. Huy Đức, khi theo dõi và
ghi chép các tin tức hằng ngày, đã có tham vọng sử dụng cho một bức tranh toàn
cảnh về sinh hoạt chính trị Việt Nam thời anh đang sống. Cuốn Bên Thắng Cuộc,
gồm hai tập, “Giải phóng” và “Quyền bính”, như anh tiết lộ trong lời nói đầu,
được hình thành trong 20 năm, chính là kết quả của tham vọng ấy.

Không phải nhà báo nào cũng có quen biết nhiều, đặc biệt trong giới lãnh đạo,
như Huy Đức. Ở Việt Nam, để có được những quan hệ rộng rãi như thế, không những
cần có tính cách thích hợp (quảng giao) mà còn có cả yếu tố “nhân thân” nữa:
Sinh trưởng ở miền Bắc, vốn là sĩ quan, từng làm việc ở Campuchia với tư cách
chuyên gia quân sự trong hơn ba năm trước khi về làm báo, anh có đủ điều kiện
để được tin cậy. Chính vì thế, anh được báo Tuổi Trẻ giao trách nhiệm tường
thuật các kỳ họp Quốc Hội, ở đó, anh có thể, ở “những thời điểm nóng bỏng
nhất”, “vào tận phòng làm việc hỏi chuyện Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan
Văn Khải” hoặc “đến nhà riêng, văn phòng làm việc của Tổng bí thư Đỗ Mười, Tổng
bí thư Lê Khả Phiêu… phỏng vấn”.  Trong “Mấy lời của tác giả”, anh cho
biết anh đã tiến hành “hàng ngàn cuộc phỏng vấn”; và theo “Lời cám ơn”, chúng
ta được biết, trong số những người được anh phỏng vấn, ngoài các tên tuổi nêu
trên, còn có Chủ tịch Nước Lê Đức Anh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Đại
tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Trần Văn Trà, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh,
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Quốc hội
Lê Quang Đạo, Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết, Bộ trưởng Công an Lê Minh Hương, Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình, v.v.. Cả trăm người. Toàn những người lãnh đạo ở bậc cao nhất trong nước. Ngoài ra, anh còn phỏng vấn vợ họ, con họ và các
thư ký riêng của họ nữa.

Chắc chắn không có một nhà báo hay nhà biên khảo nào ở hải ngoại, kể cả người
ngoại quốc – vốn vừa ít bị nghi ngờ vừa được các trung tâm nghiên cứu lớn tài
trợ để có thể bỏ ra năm bảy năm thu thập tài liệu cho một cuốn sách – có thể
tiếp cận được đến chừng ấy người trong giới lãnh đạo Việt Nam. Ở trong nước,
làm được điều ấy, cũng không phải dễ. Nhìn từ góc độ xuất bản, có lẽ Huy Đức là
người đầu tiên. Điều này trở thành một thế mạnh đầu tiên của cuốn sách: Đó là
chuyện kể từ những người trong cuộc của “bên thắng cuộc”. Tính chất “trong
cuộc” ấy đã tạo nên những đặc trưng về thể loại và thẩm mỹ của cuốn sách.

Trong cái gọi là đặc trưng thẩm mỹ ấy, tôi chỉ xin tập trung vào một điểm: sự
hấp dẫn.

Phải nói ngay: hiếm có cuốn sách về chính trị nào hấp dẫn như cuốn Bên Thắng
Cuộc
. Điều đó có thể thấy qua những tiếng ồn nó gây ra trong mấy tháng vừa
qua. Lâu lắm rồi, giới cầm bút Việt Nam hầu như hoàn toàn bất lực trong việc
gây ồn. Hầu hết sách báo được xuất bản ở trong nước cũng như ở hải ngoại, đặc
biệt ở hải ngoại, đều rơi vào im lặng. Không phải chỉ là chuyện hay hay dở. Mà
chủ yếu ở tâm lý quần chúng: dửng dưng. Cuốn Bên Thắng Cuộc, ngược lại,
ngay từ lúc mới ra mắt ở hải ngoại, là đã gây ồn ào ngay. Kẻ bênh người chống,
bên nào cũng xôn xao và lên tiếng ỏm tỏi trên mọi diễn đàn, từ trên giấy đến
trên mạng. Những tiếng ồn ấy khiến cả những người chưa đọc cuốn sách, hoặc có
khi, không có ý định đọc cuốn sách, cũng quan tâm, thậm chí, như ở California,
xuống đường biểu tình đòi… đốt sách!

Bên Thắng Cuộc hấp dẫn thật. Đọc, chúng ta biết được rất nhiều
chuyện, từ những chuyện lớn liên quan đến chính sách đến những chuyện nhỏ, có
khi nhí nhách nữa, liên quan đến đời sống hàng ngày của một số người. Lớn, ví
dụ, những toan tính đằng sau các chính sách hay chiến dịch có ảnh hưởng đến
sinh mệnh cả hàng chục triệu người; những thay đổi trong tính cách của Lê Duẩn:
từ một cán bộ hay hy sinh cho người khác đến một lãnh tụ chuyên quyền và độc
đoán; trong thái độ của Trường Chinh: từ một người giáo điều và bảo thủ đến một
người đi đầu trong phong trào đổi mới; trong chủ trương của Nguyễn Văn Linh: từ
một người đổi mới đến một người phản-đối-mới. Cũng có thể xem là lớn mối quan
hệ giữa các lãnh tụ với nhau, như giữa Lê Duẩn với Hồ Chí Minh, Trường Chinh,
Võ Nguyên Giáp và Lê Đức Thọ; giữa Nguyễn Văn Linh với Võ Văn Kiệt, những chi
tiết liên quan đến cái chết của Đại tướng Lê Trọng Tấn vào tháng 12 năm 1986
vốn, theo lời Huy Đức, bị “lịch sử phi chính thống […] xếp vào hàng nghi án”
(“Giải phóng”- GP, tr. 151)… Còn nhỏ thì nhiều hơn, có khi lôi cuốn người đọc
hơn, chẳng hạn, chuyện vào ngày 30/4/1975, trong Dinh Độc Lập không hề có chiếc
máy ghi âm nào để thu lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh (GP, tr. 23);
chuyện các sĩ quan Bắc Việt đầu tiên vào chiếm Dinh không dám bước vào thang
máy vì thấy nó giống cái… hòm và họ sợ bị nhốt luôn trong đó (GP, tr. 22);
chuyện khuya ngày 5/7/1967, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh bị mệt, được đưa vào

bệnh viện Quân y 108 để cấp cứu, nhưng vừa đến nơi thì ông “phát ra một tiếng
kêu ‘ặc’ rồi mặt và toàn thân tím ngắt”; mấy tiếng đồng hô sau, ông mất…
(“Quyền bính” – QB, tr. 64) Có một số chuyện không biết là lớn hay nhỏ, như
chuyện khi Hiệp định Geneva được ký kết, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, trưởng đoàn
Bắc Việt, không hề biết sông Bến Hải nằm ở đâu (vì tất cả đều đã được Trung
Quốc quyết định giùm!) (GP, tr. 52); chuyện Tôn Đức Thắng, Chủ tịch nước, vốn
là thợ cơ khí, nhiều lúc rảnh và buồn quá, lật “chiếc xe đạp của ông ra sửa để
giết thời gian” (GP, tr. 120); chuyện Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng,
biết trước vụ tổng tấn công hồi Tết Mậu thân chỉ có một ngày (QB, tr. 67);
chuyện khi đón tiếp Tổng thổng Bill Clinton trong chuyến thăm Việt Nam năm
2000, “Bộ Chính trị đã thống nhất là không được cười” (QB, tr. 137), v.v..

Nhiều chuyện có thể đã được người này người nọ kể đâu đó rồi. Nhưng theo chỗ
tôi biết, chưa có nơi nào các chuyện thuộc loại ấy được tập trung với mật độ
dày đặc như trong cuốn Bên Thắng Cuộc. Trang nào cũng đầy ắp chi tiết.
Có những chi tiết không dễ gì tìm được ở những nơi khác, ví dụ: Ở Sài Gòn,
trước tháng 4/1975, có bao nhiêu đảng viên Cộng sản nằm vùng? – 735 người! (GP,
tr. 27) Cũng ở Sài Gòn, sau tháng 4/1975, có bao nhiêu người ra trình diện để
“được đi học tập cải tạo”? – Có 443.360 người, trong đó, có 28 tướng, 362 đại
tá, 1.806 trung tá, 3.978 thiếu tá, 39.304 sĩ quan cấp uý, 35.564 cảnh sát,
1.932 nhân viên tình báo các loại, 1.469 viên chức cao cấp trong chính quyền,
và 9.306 người trong các đảng phái bị xem là “phản động’ (GP, tr. 29),
v.v..(Còn tiếp)

***

Chú thích: Số trang trong phần chú thích ghi theo bản “Smashworlds Edition” của
Bên Thắng Cuộc.

 

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay