Bài diễn văn của ông Trọng nhiều hàm ý’
Nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đang đấu đá để tranh quyền lãnh đạo?
Một nhà quan sát từ trong nước cho rằng bài diễn văn bế mạc hội nghị trung ương lần thứ 11 hôm 7/5 của ông Trọng nêu ra một loạt các tiêu chuẩn để được vào Ban Chấp hành Trung ương khóa tới là ‘có nhiều hàm ý’.
Hội nghị trung ương 11 đã bàn bạc về các tiêu chí lựa chọn những người vào ban lãnh đạo tối cao của Đảng trong khóa tới.
Nhiều tiêu chí
Trong diễn văn bế mạc, ông Trọng đã nêu một loạt các ‘khuyết điểm’ mà theo ông Đảng ‘kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành trung ương’, trong đó có: cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải, mị dân, chuyên quyền, độc đoán, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng, tham nhũng, tiêu cực lớn ở địa phương, đơn vị, không chịu nghiên cứu học hỏi, bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc, bản thân và vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính…
Trao đổi với BBC, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, một nhà quan sát chính trị từ Tp HCM, nhận định rằng ông Trọng đề cập đến tiêu chí ‘không tham vọng quyền lực’ là ‘muốn đề cập đến người vì tham vọng quyền lực mà gom góp cho cá nhân mình’.
“Tham vọng quyền lực thật ra không xấu nếu nó có thể giúp giải quyết những vấn đề cho nhân dân,” ông Dũng giải thích, “Còn tham vọng quyền lực để củng cố địa vị độc tôn cho mình để gom góp lợi ích cho cá nhân, gia đình mình thì điều đó hoàn toàn xấu.”
“Ở Việt Nam bây giờ có quá nhiều nhóm lợi ích.”
” Sắp tới còn có chuyến đi của ông Trọng đến Hoa Kỳ và nếu như ông Trọng được Tổng thống Barack Obama tiếp và thậm chí tiếp đón trọng thị thì lúc đó uy tín của ông Trọng và uy tín của người được ông Trọng đề cử (cho vị trí tổng bí thư) sẽ được nâng lên đáng kể.
Tiến sỹ Phạm Chí Dũng “
“Đối với nhiều người dân đánh giá Đảng Cộng sản chỉ là nhóm lợi ích mà thôi chứ không phải cái gì mang tính chất ý thức hệ như hồi xưa,” ông nói thêm.
Hàm ý nữa mà ông Trọng muốn đề cập tới là ‘cuộc tranh giành đấu đá nội bộ trong Đảng’, theo ông Dũng.
“Những người phe này không chấp nhận những người phe kia tham vọng quyền lực trong khi những người phe này cũng có tham vọng quyền lực,” ông nói.
Không còn giằng co?
Theo nhận định của ông Dũng thì bài diễn văn này cho thấy cuộc đấu đá nội bộ trong Đảng ‘không còn ở thế tương quan giằng co lực lượng như giữa năm trước nữa’.
“Dường như sau diễn văn kỷ niệm ngày 30/4 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sau Hội nghị trung ương 11 thì vấn đề tương quan lực lượng khó mà giằng co được nữa mà bên Đảng đang chiếm ưu thế,” ông Dũng nói.
“Theo nhiều người quen của tôi làm trong Nhà nước thì hiếm khi nào họ chứng kiến bài diễn văn nêu ra những từ ngữ như cơ hội, xu nịnh, mị dân của Tổng bí thư Đảng Cộng sản rõ đến như vậy,” ông nói thêm, “Điều đó làm cho người ta có cảm giác ông Trọng nếu không phải ở thế thượng phong thì cũng là đang chiếm ưu thế trong nội bộ Đảng.”
“Sắp tới còn có chuyến đi của ông Trọng đến Hoa Kỳ và nếu như ông Trọng được Tổng thống Barack Obama tiếp và thậm chí tiếp đón trọng thị thì lúc đó uy tín của ông Trọng và uy tín của người được ông Trọng đề cử (cho vị trí tổng bí thư) sẽ được nâng lên đáng kể,” ông Dũng nói.