Sống như ngày hôm nay là ngày cuối cùng trong cuộc đời.

Phùng Văn Phụng

 Ngày hôm qua đã qua. Ngày mai chưa tới. Không nên tiếc nuối những ngày đã qua, không thể thay đổi được gì. Ngày mai nào ai biết được sẽ ra sao?

Đến tuổi này rồi, vài tháng nữa đến tuổi 80, sức khỏe dĩ nhiên không còn được như xưa nữa nhưng bù lại được sự bình tĩnh, trầm tĩnh, không còn hơn thua gì nữa, bớt giận hờn, không còn giận hờn lâu dài vì “đời người thì ngắn lắm”. Nếu ngày hôm nay mình chết, mình có còn giận hờn ai nữa không?

*Đến tuổi này rồi mới biết

Sự kiện xảy ra chỉ là một phần rất nhỏ, còn thái độ của chúng ta đối với sự kiện đó mới là quan trọng. 9 phần 10 hậu quả xấu hay tốt là do chúng ta phản ứng ra sao?

Trước những khó khăn, trở ngại trên đường đời, sự kiên nhẫn vô cùng quan trọng. Đức khiêm nhường sẽ giúp đời sống vui hơn, giúp vượt qua những khó khăn, bớt va chạm với người xung quanh.

Con người sống cần có một tấm lòng và lời nói không chưa đủ, còn phải thực hiện lời nói, tấm lòng tốt nữa.

 Tạ ơn Chúa và Đức Mẹ nâng đỡ để có một gia đình bình an, vui tươi. Không có gia đình nào sống không có cãi vã với nhau nhưng biết làm hoà, tha thứ nhau mới là quan trọng.

*Sống như ngày hôm nay là ngày cuối cùng trong cuộc đời.

Tranh đua, bươn chải, hơn thua, kiếm tiền cho thật nhiều, dùng hết khả năng, sức lực nhiều khi quá sức rồi cuối cùng cũng già và chết.

Trong trại cải tạo, đâu ai biết ngày nào, chừng nào được thả ra, được về với gia đình. Không biết mình chịu “mấy cây gậy”. Một cây gậy là ba năm. Tù không án. Sẽ ở tù 5 năm, 10 năm, 20 năm hay chung thân, đâu có biết? Ngày mai ra sao đâu có biết.

Những năm cuối cùng của cuộc đời còn lại điều gì?

Con cháu đoàn tụ, sum họp, yêu thương tìm dịp để gặp nhau, để hỏi thăm nhau, tay bắt, mặt mừng, vậy là quý lắm, hạnh phúc lắm rồi.

Đó là chuyện của gia đình.

*Còn chuyện xã hội thì sao?

Giai thoại thời vua chúa.

+Có một giai thoại, người cận vệ của nhà vua khi đến một quán ăn, nhiều người ngồi trong quán chỉ trích nhà vua, chê bai nhà vua về rất nhiều việc làm của nhà vua. Khi về triều đình người cận vệ này xin nhà vua ra lịnh bắt họ.

Nhà vua nói: “Ta rất cám ơn họ chỉ trích ta. Ngươi không cần bắt bớ họ. Ngươi nghe họ nói về ta như thế nào, về đây trình bày với ta. Nếu họ chỉ trích đúng thì ta sửa chữa, nếu học chỉ trích sai cũng là bài học cho ta. Nếu bắt bớ họ còn ai dám chỉ trích ta để ta thấy sự sai lầm mà sửa chữa.”

+Giai thoại hai:

Thời Việt Nam Công Hoà trước năm 1975 nhiều đảng phái sinh hoạt. Có một lãnh tụ đảng phái nọ kia cứ công kích, chỉ trích lảnh tụ đảng phái kia. Rồi khi vị này mất, người bị công kích có đến đám tang, khóc lớn tiếng, “Anh mất rồi còn ai chỉ trích tôi nữa, để tôi biết những sai lầm của tôi đây?”

Đa thọ, đa nhục

Trong trại cải tạo, K3 Vĩnh Phú, của cộng sản miền Bắc khoảng năm 1979-1980, khi tách vỏ đậu phọng để lấy hột. Vì đói quá anh em tù vừa làm vừa lén bỏ ăn hột đậu phọng. Khi bị “cán bộ” thấy đã chửi thậm tệ, mấy anh là sĩ quan, từng chỉ huy, các anh có bằng đại học, sao không tự trọng còn “ăn cắp” đậu phọng của trại.

Một giáo sư trung học là nghị viên Hội đồng tỉnh, khi đói quá, một người vất xương gà? xuống đất, anh nhanh nhẹn chụp ngay? Thấy nửa điếu thuốc thừa của ai đó vứt bỏ dưới đất, cũng vội vàng lượm liền, sợ người khác lượm mất.

Người ta nói nhịn nhục, khi nhịn là phải chịu nhục mà thôi.

*Đời người thật quá ngắn ngủi.

Chuyến xe đời cứ lặng lẽ trôi đi. Bạn bè tuổi nhỏ hơn, nhiều khi lại xuống ga tàu trước, nhưng rồi trên hành trình chuyến xe đời, cứ bình thường, lặng lẽ di chuyển, mình không xuống bến này thì bến sau mình lại xuống. Ga cuối đường tàu rồi (1), chắc chắn là mình sẽ xuống thôi.

Tuổi tám mươi còn tính toán gì nữa, còn mong muốn gì nữa?

Hãy vui vẻ lên, ung dung tự tại, không oán hận, không lo âu, không buồn chán, không nản lòng.

Trong nhà thờ Ngôi Lời Nhập Thể, tuần nào cũng có một hai người ra đi.

Ngày xưa tuổi 30, 40 có bao giờ nghĩ đến cái chết đâu, sao bây giờ bạn bè, người thân cứ tiếp tục ra đi, nhất là trong mùa bịnh dịch covid này.

Hôm nay, thứ bảy 23 tháng 04 năm 2022 lúc 5 P.M

Trên thế giới có 509,038,133 người bịnh Covid 19

Số người chết là: 6,241, 619 người

Riêng ở Hoa Kỳ:

Só người bịnh: 82,640,993 người

Số người chết: 1,018,196 người  

 *Chiến tranh xảy ra ở Ukraina đã gây đau thương tang tóc, người dân bị thương tật, chết quá nhiều. Cũng do kiêu ngạo của Putin mà ra.

Hai nước đang yên bình sống hoà thuận với nhau cùng nhau phát triển đời sống của hai dân tộc Nga và Ukraina bình an hạnh phúc biết bao nhiêu.

Cũng vì tham vọng của cá nhân Putin gây nên chiến tranh đau khổ tang thương khoảng 10 triệu người đã rời Ukraina lánh nạn.

Bí quyết hạnh phúc mỗi ngày:

Theo một nghiên cứu khoa học, những người sống có niềm tin thường hạnh phúc, ít bệnh tật và sống lâu hơn. Đây là 9 điều mà những người tin Chúa Trời thường thực hành để có cuộc sống sung mãn:

  1. Hãy ban phát điều gì cho một người nào đó (mà bạn không có mối quan hệ ràng buộc).
  2. Làm ơn cho ai đó (và quên nó đi).
  3. Dành ra một vài phút với người cao tuổi (kinh nghiệm của họ là một hướng dẫn tốt).
  4. Cười thường xuyên (là chất làm trơn cuộc sống).
  5. Tạ ơn Chúa Trời (ngàn lần một ngày chưa đủ, là Đấng ban cho bạn sự sống).
  6. Cầu nguyện (để Chúa hướng dẫn bạn làm điều đúng).
  7. Làm việc (với cả tiềm năng và sức sống).
  8. Lên kế hoạch như thể bạn sẽ sống mãi mãi (vì linh hồn bạn sẽ sống đời đời với Chúa trên Thiên Đàng).
  9. Sống như thể bạn sẽ chết vào ngày mai (vì cơ thể vật lý của bạn sẽ chết vào một ngày nào đó bạn không biết).                                                        (1)Tên một quyển sách của nhà văn Huy Phương

 Phùng Văn Phụng

Ngày 23 tháng 04/2022

Nguyễn Hồng Ân – Nếu chỉ còn một ngày để sống

PBN 95 Opening | Nếu Chỉ Còn Một Ngày Để Sống

Đọc sách “Ý Nghĩa Sự Đau Khổ” của LM Nguyễn Văn Tuyên DCCT

Đọc sách “Ý Nghĩa Sự Đau Khổ” của LM Nguyễn Văn Tuyên DCCT (1)

Tác giả: Phùng Văn Phụng

  • Sự Đau khổ.

Vì đọc cuốn sách “Ý Nghĩa Sự Đau Khổ” thấy có nhiều điều đáng suy gẫm và học hỏi nên tôi xin ghi lại vài suy tư về đề tài này mặc dầu trước đây tôi cũng đã có viết bài: “Đời là bể khổ: Thái độ của chúng ta trước đau khổ. (2)

*Chúng ta khổ vì bị thương tật, mất tay, mất chân, tàn tật… hay chết chóc do tai nạn xe cộ, tàu thuyền, máy bay hay do chiến tranh như ở Việt Nam trước năm 1975, ở Ukraine hiện nay (2022). Chúng ta khổ vì nhà cửa bị bom đạn tàn phá, gia đình ly tán, chạy tị nạn khắp nơi, đói khát, đau bịnh… bị khủng hoảng tâm lý, hoảng loạn tinh thần … Một phần tư người Ukraine phải bỏ xứ đi tị nạn ra nước ngoài, tình trạng cũng giống như người Việt chúng ta bỏ nước ra đi sau tháng 04 năm 1975 và tiếp tục tị nạn như vậy, vượt biên bằng thuyền, máy bay, đi bộ…  nhiều năm sau đó…

*Chúng ta khổ tâm vì những sự đau lòng, buồn phiền… sự bất như ý như ly dị, ly thân, con cái bỏ nhà ra đi, tù tội vì bài bạc, say rượu, hút xách, sì ke ma túy, con cái không chịu học hành, chỉ ăn chơi lêu lổng… Khổ vì vợ chồng con cái bất đồng quan điểm, gây gỗ, xung đột … tính tình quá khác biệt, quan liêu, bảo thủ, gia trưởng… Khổ vì nợ nần chồng chất không thể trả nỗi…

2)Nhìn đau khổ với đời sống đức tin kitô giáo.  

Với đức tin của người Kitô giáo, gặp sự đau khổ là để chúng ta thông phần với Chúa Giêsu Kitô chịu khổ nạn trên thập giá. Người ta thường nói, sau cơn mưa trời lại sáng, hết mưa trời sẽ nắng, hết cơn bĩ cực tới hồi thới lai. Cho nên người bình dân vẫn tin tưởng ở tương lai dầu đang gặp đau khổ.

Còn đối với người Kitô hữu: Trong sách “Ý nghĩa sự đau khổ” tác giả có viết:

Sự khó chỉ là con đường đưa đến thánh thiện (trang 107)

Lạy Chúa, con sung sướng vì được chịu đau khổ cho được lòng Chúa. (trang 110)

Không gì đẹp lòng Chúa, không gì ích lợi cho chúng ta ở đời này bằng vui lòng chịu đau khổ vì Chúa Giêsu Kitô. (trang 146)

Không qua núi sọ không thể tới núi Cây Dầu là chỗ Chúa đã lên trời…” (trang 147)

Cố gắng nên giống Chúa: Yêu đau khổ, nhẫn nại chịu đau khổ và vui mừng chịu đau khổ (trang 131)

3)Vài trường hợp đau khổ tiêu biểu để học hỏi

*Chuyện Thánh Gióp bị mất hết tài sản, con cái chết hết mà không có một lời oán trách Thiên Chúa. Thánh Gióp vẫn một lòng ca ngợi, tôn vinh, chúc tụng Chúa. (trang 162 và Cựu Ước)

*Chuyện thánh nữ Lidvi (trang 165)

Năm 15 tuổi, cô bị sảy chân ngã trên nước đông, gãy một xương sườn, phải nằm liệt ba mươi tám năm, nghĩa là nằm liệt cho đến chết.

Để được an ủi, bà chỉ còn biết ngày đêm ngắm sự thương khó Chúa.

*Chuyện thánh An phong sô (trang 166-168)

Thánh An phong sô bị chứng đau đầu khiến Người có lúc như bị hấp hối. Suốt mười bảy năm trường chứng bịnh tê thấp của Người khiến Người biến hình, đầu Người gập quặp xuống ngực…

Nhưng Thánh nhân luôn luôn vui vẻ tuân theo Thánh Ý Chúa. Không ai thấy Người tỏ dấu buồn phiền hay thốt ra lời ta thán… Người nói: “… Lạy Chúa con cám ơn Chúa vì đã thương gởi đến sự đau đớn cho con… Chúa không ném con xuống hỏa ngục đã là may cho con lắm rồi… Con sẵn sàng chịu hết mọi sự đau đớn… Chúa muốn định về con thế nào tùy Thánh Ý Chúa…” (trang 168)

4)Nhờ đau khổ mới đi đến vinh quang, hưởng phúc Thiên đàng vĩnh cửu.

Sách “Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo” đã giải thích Thiên đàng như sau:

Những ai chết trong ân sủng và ân nghĩa Chúa và đã hoàn toàn được thanh tẩy sẽ sống muôn đời với Chúa Kitô. Họ sẽ mãi mãi giống như Thiên Chúa vì họ thấy Ngài “đúng như Ngài là”, “mặt giáp mặt” (Câu 1023)

Thiên đàng là cùng đích tối hậu và là sự thực hiện những khát vọng sâu xa nhất của con người đó là tình trạng hạnh phúc cao nhất và vĩnh viễn. (Câu 1024)

Mắt chưa từng xem thấy, tai chưa từng nghe thấy, lòng trí con người chưa từng nghĩ tới, đó là tất cả những gì Thiên Chúa đã dành sẵn cho những ai yêu mến Ngài (Câu 1027)

Theo tác giả, Lm Nguyễn Văn Tuyên nói về Thiên đàng như sau:

Thiên đàng là chốn nghỉ ngơi đời đời. Trên Thiên đàng không còn đau khổ nữa, không còn bịnh tật nữa, trên thiên đàng không còn chết nữa: trên thiên đàng chỉ có nghỉ ngơi trong một cuộc đời dài vô tận, không còn bị phản bội nữa…

… được nhìn ngắm chính sự Đẹp, được yêu chính tình yêu, được hưởng chính hạnh phúc, được hưởng thật tất cả những thứ ấy cùng một lúc và đời đời: đó là Thiên đàng.

Kết: Như vậy sự đau khổ ở đời này chính là môi trường, cơ hội, hoàn cảnh để chúng ta học hỏi, suy gẫm, áp dụng, thực hành để xứng đáng được làm môn đệ Chúa, bắt chước Chúa, noi gương Chúa, tuân theo Thánh Ý Chúa. Không ai muốn đau khổ cả, nhưng nếu gặp hoàn cảnh đau khổ, chúng ta sẵn sàng vui vẻ chịu đau khổ ở đời này để được hưởng phúc Thiên đàng vĩnh cửu mai sau.

Phùng Văn Phụng

Ngày 17 tháng 04 năm 2022

(Lễ Phục Sinh)

Yêu thương và tha thứ

Yêu thương và tha thứ

Tác giả: Phùng Văn Phụng

Trong một cuộc phỏng vấn giữa hằng mấy ngàn bác sĩ y khoa với câu hỏi:

Trong số các bệnh nhân đến phòng mạch bác sĩ trong tuần, có bao nhiêu phần trăm bác sĩ thấy mình có đủ khả năng để điều trị cho họ?

Câu trả lời bất ngờ, bất ngờ đến kinh ngạc.

Các bác sĩ trả lời rằng: Trong số 100 bịnh nhân thì chỉ có độ 10 người là chúng tôi nghĩ mình có đủ khả năng điều trị thôi! Còn 90 bệnh nhân kia cũng là những ngườí đau ốm thực sự. Nhưng bệnh của họ không phải là thứ bệnh về thể lý mà về tâm lý.

Bệnh họ là tâm bệnh không thể điều trị theo phương pháp y khoa.

Cội rễ cơn bệnh của họ là LÒNG GIẬN DỮ, HẰN THÙ, GHEN GHÉT và những điều khác như vậy.

Về các vấn đề như thế, chúng tôi, giới y sĩ đã không được dạy và chuẩn bị để đối phó khi còn đi theo học ở nhà trường y khoa”. Trích lịch phụng vụ Nhâm Dần 2022 (trang 125-126)

*Đa số người bịnh do tâm lý mà ra. Do thù hằn, ghen ghét, giận dữ, bất mãn người khác thành ra tâm hồn không ổn định, sinh ra mất ngủ, đau đớn về thể xác và đau đớn về tâm hồn, mà đau đớn về tâm hồn mới là quan trọng, sinh ra đủ thứ bịnh tật ung thư, đau dạ dày, trầm cảm v.v…

Cho nên để có thể được mạnh khỏe về thể xác hầu có tâm hồn vui vẻ, thoải mái nên đọc và thực hành thường xuyên Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô dạy rằng: “Đem yêu thương vào nơi oán thù, Đem thứ tha vào nơi lăng nhục. Đem an hòa vào nơi tranh chấp…”

*Dụ ngôn người Cha nhân lành, yêu thương người con thứ, sau khi đứa con hư hỏng này tiêu hết nửa gia tài của người cha, trở về xin cha tha thứ làm cho chúng ta liên tưởng đến lòng thương yêu vô tận của Cha trên trời đối với chúng ta nếu chúng ta biết yêu thương, tha thứ, chúc phúc, cầu nguyện cho những người đã ngược đãi chúng ta. (Lc15,1-3 và 11-32)

Yêu thương, tha thứ không dễ dàng đâu. Nhưng nếu chúng ta cầu nguyện thật nhiều xin Chúa giúp sức, trông cậy vào Chúa thì chúng ta có thể làm được, vì sao vậy?

Vì nếu chúng ta không yêu thương và tha thứ cho người khác,(người đã làm hại chúng ta), thì người thiệt thòi trước tiên là chúng ta. Nếu chúng ta nuôi hận thù, điều trước tiên chúng ta chịu đựng là ăn không ngon, ngủ không yên. Thời gian dài mất ngủ sẽ sinh ra bịnh hoạn, được gọi là tâm bịnh. Tâm bịnh thì không có thuốc thang nào chữa được.

*Rũi ro khi ra đi với tâm trạng không yên, lòng chất chứa hận thù thì làm sao linh hồn ta thanh thoát, bình an được?

Muốn có thiên đàng trần thế này và thiên đàng vĩnh cửu mai sau không còn cách nào khác là thực tập yêu thương, tha thứ mỗi ngày.

Phùng Văn Phụng

Ngày 24-03-2022

Viết về Giáo sư Trần Văn Trạm

Viết về Giáo sư Trần Văn Trạm

Để làm kỷ yếu kỷ niệm về giáo sư Trần Văn Trạm theo như yêu cầu của giáo sư Nguyễn Thị Phi Phượng, xin ghi lại vài việc mà hai vợ chồng tôi đã may mắn được gặp gỡ hai lần:

1)Mùa hè năm 2001 vợ chồng tôi có duyên gặp vợ chồng anh Trạm và Phi Phượng ở Hayward, Cali lúc hai người mới qua định cư ở Mỹ.

Năm đó, hãng bảo hiểm tổ chức đi Lake Tahoe, nhân dịp đó, chúng tôi đã tìm cách đến Hayward để gặp vợ chồng Phi Phượng, là bạn của bà xã tôi lúc còn học trường trung học Châu Văn Tiếp, Bà rịa (Phước Tuy).

Rồi cuộc gặp gỡ đó cũng là cơ duyên để hai gia đình chúng tôi thường xuyên trao đổi tâm tình với nhau chuyện xưa, chuyện nay, chuyện con cái, các cháu nội ngoại.

2)Cách nay vài năm, hai vợ chồng Trần Trạm và Phi Phượng có ghé thăm Houston. Vợ chồng tôi lại được đón tiếp tại nhà khoảng một tuần lễ để có dịp đi thăm bà con, thân nhân cùng bạn hữu những người bạn mà cái thời gọi nhau rất thân mật “mày, tao” rất quý mến, dễ thương.

Nhất là đi thăm người cậu thứ tư là Giáo sư Trần Thượng Thủ, (1) cựu giáo sư trường Petrus Trương Vĩnh Ký.  Giáo sư Trần Thượng Thủ là hậu duệ khoảng 5,6 đời của Tướng Trần Thượng Xuyên, tướng nhà Minh phải tị nạn sang Việt Nam cùng với Tướng Dương Ngạn Địch để trốn tránh sự truy lùng của quan quân nhà Thanh vào năm 1679. Trần Thượng Xuyên là người có công khai phá cù lao Phố Đồng Nai (Biên Hòa). (2)

Chúng tôi cũng có đến thăm vợ chồng thầy Chấn, cựu giáo sư Châu Văn Tiếp ở Sugarland.

Bà xã tôi vẫn thường nhắc nhở, nhớ lại thời còn đi học ở trường Châu Văn Tiếp khoảng trước năm 1965, khi nhà trường cho nghỉ học bất ngờ, tài xế của gia đình Phi Phượng được yêu cầu chở chúng tôi, đi Long Hải để vui chơi, tắm biển?

Qua hai lần gặp mặt anh Trạm, tôi có nhận xét anh rất hiền lành, ít nói nhưng rất gần gũi, dễ thân thiện.

Rồi bất ngờ Nguyễn Phi Phượng cho hay anh Trạm bị bịnh, không đi lại bình thường được, phải dùng “walker” khung tập đi, dành cho người tàn tật, để di chuyển. Sau một cơn “stroke”, tay chưn yếu mỗi lần đi thường hay bị té.

Mới đây cũng được tin từ bạn bè cựu học sinh trường Châu Văn Tiếp là anh Trạm đã ra đi. Rất bất ngờ vì mới đây thôi, hai vợ chồng qua Houston vẫn khoẻ mạnh đâu có triệu chứng, bịnh hoạn gì đâu, mà nay anh Trạm lại bỏ gia đình vợ con, bạn bè, rời bỏ thế gian này mà ra đi. (3)

Quả thật, không ai có thể tính toán được lúc nào, thời gian nào mình sẽ ra đi.

Cũng như đầu tháng mười năm rồi (2021) con trai tôi cũng đã ra đi lúc 48 tuổi để lại vợ và hai con 16 tuổi và 11 tuổi. Đi câu cá mà gặp tai nạn, bị nước cuốn và bị ngộp nước. Thật là sự kiện rũi ro hiếm hoi, ít gặp, khó mà tin được.

Cho nên lúc nào tôi cũng thường tự nhắc nhở rằng: “sống hôm nay như là ngày cuối cùng trong đời của mình” để lúc nào tôi cũng cố gắng sống tốt, sống tích cực, luôn cảm thấy hạnh phúc vì tôi còn sống.

Cám ơn vợ chồng anh Trạm và Phi Phượng để lại nhiều kỷ niệm mà chúng tôi không bao giờ quên được.

Người Việt Nam chúng ta cũng thường nhắc nhở với nhau rằng “sống gởi, thác về”, sống trên trần thế này chỉ là tạm bợ, ai may mắn lắm cũng chỉ được trăm năm hay hơn một chút. Và ai ai cũng phải “trúng số độc đắc một lần” đó là sự chết.

Chỉ khi chết đi rồi chúng ta mới về với ông bà tổ tiên, về với thân nhân chúng ta đã ra đi trước chúng ta theo niềm tin rằng “sẽ gặp lại nhau trong ngày sau hết” ở nước Thiên đàng Vĩnh Cửu.

Phùng Văn Phụng & Võ Thị Điện ghi lại

(1) Thầy Trần Thượng Thủ mất 18/10/2017 thọ 89 tuổi. Xem thêm:

    MỘT SỐ NGÔI TRƯỜNG KỲ CỰU Ở NAM KỲ

https://petruskyaus.net/mot-so-ngoi-truong-ky-cuu-o-nam-ky-tran-thuong-thu/

(2)Trần Thượng Xuyên (tiểu sử)

https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A7n_Th%C6%B0%E1%BB%A3ng_Xuy%C3%AAn

(3)Giáo sư Trần Văn Trạm đã vừa mới ra đi ngày ngày 31- 07 – 2021, thọ 79 tuổi

Tám mối Phúc Thật là gì? 

Tám mối Phúc Thật là gì?

Tác giả: Gioan PhùngVăn Phụng

Tám mối phúc thật còn gọi là Hiến Chương Nước Trời hay Bài Giảng trên núi.

Đọc Tin Mừng theo thánh Mátthêu ở chương 5, từ câu 3 đến câu 12, và đọc các Mối Phúc để hiểu được con đường tươi đẹp biết bao, vui vẻ, an toàn biết bao và cũng hạnh phúc biết bao mà Chúa đã đề nghị cho chúng ta nghe theo và áp dụng vào cuộc sống.

Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.(1)

 Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.(2)

Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.

 Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.

Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.

SUY NIỆM:

(Luca chương 6 câu 20 đến 23 cũng nói đến các phúc này).

Đọc các mối phúc thật này nghe rất là nghịch lý, không thuận tai chút nào.

1-Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ.

Tâm hồn nghèo khó là gì? Đó chính là tâm hồn đơn sơ, không kiêu ngạo, không cho rằng giỏi nhất, không ai hơn mình được. Vì có tâm hồn nghèo khó nên biết nương cậy vào Chúa, suy phục Chúa, luôn luôn sống với tâm tình vâng phục, có Chúa ở cùng khi làm mọi việc. Lúc nào cũng có tâm tình tạ ơn Chúa khi còn sống trên cõi đời này. Khi làm việc, dầu thành công hay thất bại vẫn tạ ơn Chúa.

Còn nếu ta đã giàu có, thành công, có địa vị cao, có chức vụ, quyền lực trong xã hội liệu ta còn có nghĩ đến Chúa, nương cậy vào Chúa nữa không?

2- Phúc thay ai hiền lành vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

Hiền lành là gì? Người ta thường xem sự hiền lành là nhu nhược, không dám phản ứng khi bị đàn áp, gây gỗ, mắng chửi. Thật ra hiền lành chính là nhân đức – kiềm chế sự nóng giận. Không phải ai cũng làm được đâu. Phải thực tập thường xuyên, tự rèn luyện bản thân hàng ngày, dẹp bỏ tự ái, dẹp bỏ cái TÔI đi, tức là dẹp bỏ sự nóng giận. Cậy vào sức của mình ta, ta không làm được. Nhưng cậy dựa vào sức Chúa, chúng ta sẽ làm được. Chúa Giêsu nói: “Hãy bắt chước ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. (2)

3-Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

Sầu khổ là gì? Là nhìn thấy và cảm nghiệm, chia xẻ những đau khổ của người khác, cũng như đau khổ của chính mình vì tội lỗi của chính mình. Ngày nay, người ta thường dùng chữ “vô cảm” để nói đến những người vô tâm, ích kỷ, chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân mình. Biết sầu khổ nghĩa là không vô cảm, biết đau cái đau của đồng loại, thương cảm những đau khổ của người khác. Những người sầu khổ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

4-Phúc thay ai khao khát nên người công chính vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.

Khát khao nên người công chính tức là ý thức về điều ngay thẳng, tốt lành. Làm việc với sự công bình, yêu thương, hợp với đạo lý làm người, với lương tâm nhắc nhở. Người công chính không làm vì lợi mình mà hại người.

5-Phúc thay ai xót thương người vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

Xót thương người là cảm thông với nỗi đau của người khác, biết đau với nỗi đau của người khác… đặt mình vào vai trò, vị trí của người khác, cùng chia xẻ sự khổ nạn với Chúa Kitô, nên một với Chúa Kitô chịu đóng đinh. Xót thương người khác vì sự đau đớn về vật chất, sự đau khổ về tinh thần, tâm linh của người khác. Cần học hỏi, thực hành lòng xót thương như Thầy chí thánh là Chúa Giêsu là đấng xót thương.

6-Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa

Có tâm hồn trong sạch là không ích kỷ, không tham lam, không tư lợi, hết lòng yêu mến Thiên Chúa và yêu mến anh em đồng loại.

7-Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa

Xây dựng hoà bình là đem bình an đến cho người chung quanh, hàn gắn các vết thương giữa con người với nhau.

8-Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính vì Nước Trời là của họ.

Bị bách hại, bị người ta sỉ vả, vu khống đủ điều xấu xa vì Chúa, là vui vẻ chấp nhận sự khó khăn, đau khổ… Dầu bị bách hại, bị loại trừ, bị sỉ vả, vu khống đủ điều xấu xa mà không oán hờn, trách móc. Nhờ đó chúng ta có được bình an trong tâm hồn, hạnh phúc trong cuộc sống, đó chính là nước trời hiện diện giữa chúng ta trong đời này rồi phải không?

Chính 8 mối phúc thật này là căn tính của người kitô hữu, đó là cách thức, là con đường người môn đệ của Chúa phải đi.

Tám mối phúc thật hay Hiến Chương Nước Trời, đây là mục đích chính mà người theo Chúa Giêsu kitô cố gắng đạt được để có nước trời (thiên đàng) nơi trần thế này và được hưởng thiên đàng vĩnh cửu mai sau.

Gioan Phùng Văn Phụng

Xem thêm:

(1)Nước trời là gì vậy Thầy?

https://dongten.net/2020/07/23/nuoc-troi-la-gi-vay-thay/

(2) Hiền lành và khiêm nhường

http://www.vncatholic.net/hien-lanh-va-khiem-nhuong/

Các bà vợ của vài vĩ nhân

Các bà vợ của vài vĩ nhân

Tác giả: Phùng Văn Phụng

*Nhà văn Leon Tolstoi (sinh ngày 09-09-1828 chết 20-11-1910)

Tolstoi là nhà văn vĩ đại của nước Nga. Ông đã sáng tác nhiều tác phẩm nổi tiếng, trong đó có quyển Chiến tranh và Hòa bình (1865), Anna Karenina (1877) v.v…

Lúc còn trẻ, bà Sophia vợ ông, đã giúp cho Tolstoi, viết lại bản thảo cuốn Chiến Tranh và Hoà Bình rất nhiều lần, sau mỗi lần sửa chữa bà Sophia, vợ ông viết lại trên trang giấy mới. Ông lại sửa chữa. Vợ ông lại viết lại cho sạch sẽ. Bản thảo được viết đi viết lại nhiều lần trước khi đem in, xuất bản. Bà viết hàng chục lần như vậy mà bà vẫn vui vẻ không phiền hà gì.

Vậy mà đến cuối đời, tính tình ông bà xung khắc nhaum quá sức, không hoà thuận được với nhau. Ông phải chịu đựng quá mức về sự can thiệp quá đáng của bà vào đời sống của ông. Ông là nhà tư tưởng lớn và có tinh thần xã hội. Ông dự định sau khi ông mất, ông sẽ dành riêng lợi tức của một số tác phẩm của ông cho công chúng và một số tác phẩm thuộc về gia đình. Bà không chịu. Bà đòi lợi tức của tất cả tác phẩm đều phải thuộc về gia đình bà. Bà làm tình làm tội ông.  Bà đã từng nhảy xuống ao để để hăm dọa ông. Bà lục lạo sách vỡ của ông để tìm di chúc mà ông đã viết. Bà gây khó khăn cho ông đủ điều.

Cuối cùng, ông không thể chịu đựng nỗi bà vợ của ông. Một đêm, giữa mùa đông

rét mướt của nước Nga, nhiệt độ dưới không độ C, độ đông đá, ông đã bỏ nhà ra đi lang thang trên xe lửa xuôi về phương Nam và Tolstoi đã chết vì bịnh viêm phổi ở nhà ga xe lửa ở Astapovo,

Ông thọ được 82 tuổi.

Nhà văn Leon Tolstoi

 *Tổng Thống Abraham Lincoln (sinh 12-02-1809 bị ám sát chết 15-04-1865)

Tổng thống Lincoln của Mỹ là một Tổng Thống được sự thương yêu và quý mến của người dân Mỹ, vì đã thành công trong việc thống nhất đất nước của Mỹ và giải phóng người nô lệ da đen.

Nhưng ông lại có bà vợ xem thường và khinh dễ ông. Bà vợ ông được mô tả là người đàn bà dữ dằn và rất hỗn hào đối với ông.

Trước khi làm Tổng thống, lúc còn làm luật sư, khi ông hành nghề, nhiều khi phải xa gia đình nhiều tháng. Có lúc ông không muốn về nhà vì mỗi lần về nhà, ông phải gặp bà vợ dữ dằn đối với ông. Bà chê ông đủ điều, nào là ông có lỗ mũi trâu, lỗ tai lừa, ăn nói thì cục mịch, vô duyên. Nghĩa là đối với ông, bà không có chút cảm tình nào và rất xem thường ông. Bà không ưa ông, hể thấy mặt ông là bà nặng lời với ông.

*Triết gia Socrates (sinh 470 – chết 399 BC)

Socrates là một triết gia nổi tiếng của Hy Lạp.

Ông sinh ra tại Athens, Hy Lạp vào khoảng năm 470 trước công nguyên.

Socrates bị buộc tội và bị hành quyết vào năm 399 trước công nguyên, khi ông 70 tuổi. 

Socrates là nhà hiền triết. Ông dạy học trò không lấy tiền học phí vì ông chủ trương cần phải truyền bá tư tưởng của mình. Đã truyền bá tư tưởng sao có thể lấy tiền được.

Bà vợ ông đã gây gỗ với ông, cự nự ông. Ông bảo là ông sẽ làm thêm nghề đẽo đá? mà nuôi bà chứ ông nhất định dạy học, truyền bá tư tưởng, thì không được lấy tiền.

Câu chuyện thường được nhắc đến là có lần người bạn của ông Socrates đến thăm ông, hai người đang nói chuyện dưới hiên nhà, bà vợ của Socrates đang đứng trên lầu, đang tức giận ông, bà đổ luôn một thau nước lên đầu ông và bạn ông. Socrates bình tĩnh nói: “Hôm nay có bảo nên trời mưa.”

Socrates cũng đã từng nói: “Dù sao thì một khi đã kết hôn, nếu lấy được người vợ hiền thì bạn sẽ hạnh phúc; nếu không, bạn sẽ trở thành một triết gia”

Bức tượng Socrates đang suy nghĩ tại học viện Athens

Phùng Văn Phụng

Bức thơ cũ gởi anh Dương Văn Long hồi năm 2006

Bức thơ cũ gởi anh Dương Văn Long hồi năm 2006

     Thân gởi anh Dương Văn Long (1)

           Nhận được thơ anh gởi và đồng thời anh cũng đã gởi cho thầy Bằng, cựu Hiệu Trưởng trường trung học Lương Văn Can và gởi cho Tuyết Lâm, cựu học sinh. Trong thơ gởi cho thầy Bằng, anh có nói “cùng tuổi nhau sao giờ tôi lại có trí nhớ kém quá, sức khỏe thì yếu hẳn’’ và anh viết “rồi anh em sẽ ra đi lần lần theo luật tạo hóa mà.”

Ðọc câu này của anh mà lòng tôi thấy một nỗi buồn thắm thía. Rồi “anh em sẽ ra đi theo luật tạo hóa mà” hay một cách khác có thể nói:

làm người ai cũng phải chết,

chúng ta là người,

vậy chúng ta phải chết.

***

                 Khi tôi về trường Lương Văn Can thì anh đã là Nghị viên Hội đồng Ðô Thành Sài gòn rồi. Tôi lúc đó 28 tuổi còn anh 31 tuổi. Tuổi này là tuổi của mộng mơ, trong tâm tư anh cũng như tôi đều nuôi những tham vọng lớn, làm việc hết sức mình, ngoài những công việc thuần túy dạy học, anh và tôi đều muốn đi vào con đường khác hơn là chỉ ngồi trong mái nhà trường, chỉ đi dạy học, để hy vọng giúp ích gì được cho đất nước, cho dân tộc.

                 Ba mươi mốt năm qua, anh và tôi cũng không còn làm nghề “gõ đầu trẻ”. Có vài người bạn nói rằng chúng ta đã không còn làm thầy giáo và đã “tháo giày’’ hay họ còn đùa nặng hơn nữa là đã… “mất dạy’’. Nói đùa cho cho vui theo kiểu nói lái của dân miền Nam để diễn tả hoàn cảnh bi đát của thầy giáo sau năm 1975.

             Tôi phải vào trại cải tạo gần 8 năm, trong những năm bị tù đày này, tôi không thấy còn có chút gì tương lai và đã nghĩ rằng sẽ được chỉ định cư trú ở Thanh Hóa (tướng Nguyễn Hữu Có lo việc này) – sự chỉ định cư trú vĩnh viễn này đã xảy ra ở Nga dưới thời Stalin, ở Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Ðông – vợ con sẽ về đó ở, nếu muốn. Ðó là tin tức được nghe từ trong trại cải tạo trong những năm 1980. Lúc đó tôi mới nghĩ là thôi hết rồi, cuộc đời mình đã tàn rồi, suốt đời sẽ cuốc đất trồng khoai, lên rừng đốn củi, xuống suối bắt cá, sẽ không còn nhìn thấy gia đình, bà con, bạn bè hay nhìn thấy thành phố Sài gòn nữa.

                 Anh ở bên ngoài, khi đi trình diện, cán bộ hỏi phần đảng phái, anh nói rằng: “anh ghi là không có. Cán bộ cộng sản ghi tên lúc đó đã kéo kiếng cận xuống, lõ con mắt ngó anh” và ra điều nghi ngờ lời khai của anh.

                  Sau khi đi cải tạo về khoảng đầu năm 1983 tôi có gặp anh mấy lần ở quận 8, khoảng cuối những năm 1984, 1985, lần chót gặp anh khoảng tháng 05 năm 2005 cùng với hơn 60 cựu hoc sinh tại nhà hàng 241, mà chủ nhà hàng này là Bửu Khánh, một cựu học sinh của trường Lương Văn Can, nhân tiện lúc tôi về chịu tang cha tôi mất.

***

               Từ nhà ga ở Hà Nội, tôi đón xe lửa về thành phố Sài gòn chỉ có cái “giấy ra trại” là tờ giấy lận lưng mà thôi. Tôi đem trở về Sài gòn mùng, mền, áo quần mà tôi đã mang đi theo khi vô tù, hồi tháng 06 năm 1975. Mùng, mền, áo quần này sau gần tám năm đã cũ, đã rách, đã rệu rã, vậy mà đi ngang qua thành phố Quảng Ngãi cũng bán được ít tiền để làm chuyến hành trình trở về nhà, về với gia đình, vợ con. Bán mùng mền, áo quần cũ có chút đỉnh tiền, mua được tô hủ tiếu và dư một ít trả tiền xe ôm về đến bến xe Nguyễn Biểu.

                Xa Sài gòn sau gần tám năm, lần đầu tiên trở lại, tôi như lạc bước vào thành phố nào lạ quắc, lạ quơ. Trên con đường Phạm Thế Hiển tôi đã đi lại thường xuyên lúc còn đi dạy học, vậy mà nay tôi thấy hoàn toàn đổi khác. Nhà cửa thấy lạ. Có nhiều nhà mới mọc lên. Có nhiều nhà nhô ra phía trước, dường như làm cho đường Phạm Thế Hiển nhỏ hẹp hơn.

                Tôi bước vào nhà gặp bốn năm đứa nhỏ đang ngồi học, tôi đâu biết đứa nào là con tôi, đứa nào là học trò. Bà xã tôi đang còn dạy học nên đem học trò về dạy thêm. Vừa bước vào nhà, để cái túi xách cũ xuống đất, tôi vội chạy một mạch từ đàng trước ra đàng sau, tới cửa sắt, ra ngoài sân phía sau nhà, thì nước mắt tôi tự nhiên trào ra, tôi đã khóc thực sự. Cái khóc này là cái khóc vì vui mừng, lần đầu tiên tôi khóc, tưởng rằng đã chết mà nay vẫn còn sống, không ngờ mình về được tới nhà, nơi mình đã sinh sống.

                Bây giờ làm sao để có tiền sinh sống nuôi bản thân, lo cho gia đình? Đã ở tù gần tám năm, đâu có nơi nào nhận mình dạy học trở lại.

                Phải làm đủ các nghề để sống. Mua bịt ni lông dơ ở các điểm thu mua ve chai, lông vịt đem về giặt sạch, phơi khô, bán lấy lời. Làm một hai chuyến bị ép giá, bán lỗ đành phải bỏ nghề này. Ði sang quận bảy tìm mua sách cũ đem ra chợ Sài gòn bán. Mới đi chuyến đầu, chưa bán được cuốn sách nào, đã bị tịch thu hết. Lúc đi bán đó, tôi có dẫn con gái 13 tuổi đi theo. Tôi không biết than thở cùng ai chỉ nói với con gái: “Mình mất sạch hết vốn rồi con ơi’’. Tôi còn phải ký biên bản không được buôn bán chợ trời nữa. Biết làm sao để kiếm tiền sống đây?

                 Gặp anh Ðạt, bạn tù cũ ở Vĩnh Phú, có chiếc xe xích lô đạp cho mượn. Vội vàng thay bộ đồ cũ, leo lên xe đạp chạy qua bến xe Chợ Lớn để tìm khách. Vừa đậu xe trước chợ, vì là lần đầu chạy xe nên không biết chỗ nào cấm đậu, chỗ nào được đậu rước khách, nên vừa đến cổng chợ, đang đứng lớ quớ kiếm khách, bị bảo vệ chợ lấy tấm nệm ngồi của khách. Phải bỏ bến xe Chợ lớn chạy vòng qua chợ Nguyễn Tri Phương chở hai vợ chồng người Hoa quá mập khoảng gần 200 kí lô. Hôm sau bỏ nghề luôn vì sau chuyến xe đó cả đêm không ngủ được vì quá mệt do phải đạp xe chở khách không quen.

                  Thôi đành đi bán vé số vậy. Cầm sấp vé số do anh Nguyễn Tấn Thời làm đại lý giao cho để đem bán. Anh Thời tốt nghiệp Cao Học Hành chánh, trước làm ở bộ Tài Chánh không phải đi tù. Không dám bán ở quận 8, sợ gặp học trò cũ, gặp người quen, dấu sấp vé số trong túi, đi qua quận năm để bán, hy vọng không gặp người quen. Nhưng vừa cầm vé số lên mời, lại gặp học trò cũ là Ðặng Thái Sơn, đang đậu xe xích lô đợi khách, mời uống cà phê đen, mời hút điếu thuốc có cán. Lúc đó hút được điếu thuốc có cán (thuốc thơm) là quí lắm rồi. Tôi thấy mắc cở, vội mang vé số về nhà, đưa cho đứa con gái út qua Chánh Hưng bán. Tôi giả từ nghề bán vé số luôn.

                  Rồi đi dạy kèm toán lớp 8, lớp 9, dạy Anh văn vở lòng. Phụ huynh học sinh thương tình thấy hoàn cảnh thất nghiệp, giới thiệu vài học sinh để dạy một tuần đôi ba giờ.

                  Mọi sinh hoạt trong gia đình nhờ bà xã và ba tôi phụ giúp trong những năm đầu khi về từ trại cải tạo.

Kể lễ nỗi niềm tâm sự cùng anh để anh biết cuộc đời tôi lắm gian nan, vất vả.

                 Mới đây anh cựu giáo sư Lương Văn Can, Trần Văn Hát cũng bị tai biến mạch máu não, chưa hồi phục hoàn toàn. Thầy Triết cũng bị bịnh mất trí nhớ. Học trò cũng có nhiều em đã ra đi như Ngô Thanh Hừng, Lê Thành Trưng, Cận chồng của Nguyễn Kim Phụng. Những em học trò này đang trong độ tuổi năm mươi, còn khá trẻ, còn đang sung sức để làm việc đóng góp cho đời.

                Lớp sau này có Nguyễn Thị Thanh Ngọc, đang học trường Lương Văn Can mất lúc 16 tuổi, vào ngày 30 tháng 04 năm 2005 vì bị phỏng nặng do nhà bị cháy. Mẹ của Thanh Ngọc cũng mất vì tình trạng phỏng nặng như trên.

***

                Trước năm 1975, anh là Nghị Viên năng nổ. Nghị Viên đối lập với chánh quyền. Sự can đảm chỉ trích những sai lầm của người đang có quyền lực không phải ai cũng làm được. Ði với quyền lực, tham gia, cộng tác với quyền lực luôn luôn có nhiều quyền lợi hơn là chống đối. Vì chống đối thường chịu nhiều thiệt hại cho bản thân, mất nhiều quyền lợi vật chất. Anh đã đứng vào vị trí đối lập.

                 Có lẽ gốc gác là thầy giáo cũng cần làm gương cho học trò chăng? đứng về phía dân chúng, về phía phụ huynh học sinh hơn là đứng về phía chánh quyền.

                 Nhưng rồi tất cả những nổ lực đó không còn cần thiết trong gia đoạn mới của xã hội mới.

                  Tất cả công việc đó như là “dã tràng xe cát” chăng? Thật ra những việc làm đó với cái tâm trong sáng, với tấm lòng chân thật muốn làm cái gì đó cho đất nước, cho bà con, đồng bào mình. Thì những việc làm đó chắc không thể là vô nghĩa được, phải không anh?

                    Chất keo nối kết những anh chị em Lương Văn Can với nhau, thường thăm hỏi nhau, chia xẻ vui buồn cùng nhau, tôi chỉ nghĩ đơn giản là chúng ta sống với nhau, cùng có tấm lòng quí mến nhau và chúng ta luôn có ý hướng đóng góp cái gì đó tốt hơn cho xã hội, cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam.

***

                    Anh đi qua Mỹ thăm con anh là Phong, dự định xuống Houston cũng là lúc anh Hiệu Trưởng Uông Ðại Bằng đang đi du lịch qua Mỹ có ghé thăm tôi. Tôi cứ đinh ninh là anh sẽ đến thăm Houston luôn cũng là dịp gặp được anh Hiệu Trưởng.

                  Không ngờ anh bị bịnh nặng không thể đi thăm các nơi được.

                  Xin cầu nguyện ơn trên sớm cho anh mau lành bịnh, sức khỏe mau phục hồi.

                   Hy vọng trong năm nay chúng ta sẽ gặp nhau tại trường Lương Văn Can, kỷ niệm 40 năm thành lập trường trong ngày đưa ông Táo Tết cuối năm, Tết 2007 này.

Phùng Văn Phụng

 Ngày 01 tháng 6 năm 2006 – xem lại, tháng 12 năm 2021

(1) Cựu Giáo Sư trường Lương Văn Can, Cựu Nghị Viên Hội Đồng Đô Thành Sài Gòn trước năm 1975. Đã mất ngày 04 tháng 05 năm 2017

Đọc Hồi ký của Giáo Sư Vũ Quốc Thúc: Nhìn từ khía cạnh đời sống tâm linh.

Đọc Hồi ký của Giáo Sư Vũ Quốc Thúc: Nhìn từ khía cạnh đời sống tâm linh.

  Tác giả: Phùng văn Phụng

Đọc xong cuốn “Thời Đại Của Tôi” “Đời Tôi trải qua các thời biến” do Người Việt xuất bản năm 2010, tôi đã nhìn thấy sự cố gắng phi thường, làm việc không mệt mỏi của Giáo Sư cùng với tấm lòng yêu mến quê hương đất nước thiết tha. Nhưng thời thế đã dẫn đưa con người tài năng hiếm có và có lòng với đất nước ấy phải rời bỏ nước Việt Nam yêu quí ra đi và sống định cư ở Pháp.

Tôi đã học Giáo Sư Vũ Quốc Thúc ở Đại Học Luật Khoa Sài Gòn niên khóa 1963-1964.

Giáo Sư sinh năm 1920 tại Nam Định,Bắc Việt. Tiến sĩ Luật, Thạc sĩ Đại Học Kinh tế ở Pháp. Giám Đốc trường Luật Hà nội (1951-1954). Khoa Trưởng Đại học Luật Khoa Sài gòn (1957-1963). Giáo sư các viện Đại học Đà Lạt, Sài gòn và Học Viện Quốc Gia Hành Chánh (1954-1975). Giáo Sư Viện Đại Học Paris XII (1978-1988)

Từ năm 1946 đến 1975 từng giữ các chức vụ: Ủy Viên Hành Chánh Kháng Chiến cấp tỉnh, Bộ Trưởng Quốc Gia Giáo Dục, Thống Đốc Ngân hàng Quốc Gia , Cố Vấn Phủ Tổng Thống, Phó Chủ Tịch Hội Đồng Kinh Tế Quốc Gia, Quốc Vụ Khanh đặc trách Tái Thiết và Phát Triển…

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Giáo sư cũng như hầu hết trí thức miền Nam đều rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng giống nhau. Thất nghiệp, bị theo dõi, bị làm khó dễ, nơm nớp lo sợ không biết lúc nào bị bắt đi cải tạo (đi tù) nếu còn ở ngoài đời. Đa số người trí thức miền Nam lúc bấy giờ đều sống trong lo âu, hồi hộp vì họ không ít thì nhiều đều có dính líu với chế độ cũ, mà cộng sản gọi là “ngụy quân, ngụy quyền”. Giáo sư Vũ Quốc Thúc không thể thoát khỏi tình trạng đó.

Trong sách trên, Giáo Sư Vũ Quốc Thúc viết: “ Tôi không theo Thiên Chúa Giáo, nhưng cũng không phải là một Phật tử. Tôi theo đúng truyền thống Khổng giáo của gia đình không quy y Phật giáo, mặc dầu chấp nhận Phật giáo; không theo Thiên Chúa Giáo nhưng vẫn tôn trọng Thiên Chúa Giáo… Sau khi bị bắt vì mưu toan vượt biên tôi thấy tương lai của mình u ám vô cùng…

Hằng ngày mặc dầu tôi không phải là tín đồ Thiên Chúa Giáo tôi đã đến nhà thờ Đức Bà… Tôi cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ, xin Đức Mẹ run rủi cho gia đình tôi được thoát khỏi Việt Nam toàn vẹn. ..Hôm chủ nhật đó nếu tôi không lầm là ngày lễ Pentecôte, tôi đã đạp xe lên nhà thờ Bình Triệu. (1)

Tôi ngồi trước tượng Đức Mẹ và tôi lẩm nhẩm cầu nguyện… Khi tôi vừa dứt lời cầu nguyện bỗng thấy tượng Đức Mẹ sáng rực lên. Tôi cần phải nói rằng hôm đó trời ở ngoài cũng âm u vì vào mùa mưa…Khi tôi cầu nguyện xong bỗng thấy tượng Đức Mẹ sáng rực lên từ trên xuống dưới có lẽ khoảng vài giây đồng hồ thôi. Đặc biệt trên gò má tay mặt của bức tượng có một giọt nước mắt long lanh. Sau đó tôi nhìn kỹ thì trên gò má bức tượng không thấy có gì cả. Như  vậy, giọt nước mắt mà tôi nhìn thấy chỉ  là  một ảo ảnh. Từ  lúc đó  trở  đi, suốt buổi  chiều tôi thấy trong lòng hồi hộp như mình đang chờ  đợi một chuyện gì sắp xảy ra. (2)

Sau đó Giáo Sư mở đài BBC nghe lén, đã nghe thấy ông Raymond Barre một người cùng thi Thạc sĩ năm 1950 được Tổng Thống Pháp là Valéry Giscard d’Estaing cử làm Thủ Tướng và Giáo sư đã  thảo bức thơ gởi Thủ Tướng Pháp kể lại hoàn cảnh của mình đang lâm vào sự khốn khó, nhờ đó ông Raymond Barre mới biết và đã can thiệp với Thủ tướng Việt Nam lúc bấy giờ là ông Phạm văn Đồng để giúp đỡ gia đình của Giáo sư sang Pháp.

Giáo sư Vũ quốc Thúc viết tiếp: “ Sự linh ứng của Đức Mẹ Bình Triệu khiến cho tôi tìm được lối thoát tình trạng bế tắc. Bổn phận của tôi rồi đây là phải thi hành đúng lời nguyện của mình trước Đấng Thiêng Liêng”.(3)

              GS Vũ Quốc Thúc đã gia nhập Giáo Hội Công Giáo (4)

Paris, Hôm 8.4.2012, Lễ Phục Sinh, Giáo xứ Việt Nam Paris đã đón nhận 25 tân tòng nhập đạo, trong đó có Giáo sư Vũ quốc Thúc. Trong bữa tiệc tiếp tân chúc mừng, do Hội Ái Hữu Đại Học Đà Lạt tại Âu Châu, quy tụ các cựu Giáo Sư và Sinh Viên Viện Đại Học Đà Lạt, tổ chức sau lễ rửa tội, ông đã nhắc đến ba điều ông đã thấy và đã tin. Đặc biệt: Ông đã thấy ơn Đức Mẹ.

Ông muốn xin được rửa tội công khai và trang trọng theo đủ các nghi thức của Giáo hội, như mọi tân tòng khác, như một biểu lộ và dấu chứng làm chứng nhân, công khai công bố đức tin của mình.

Nhân dịp này trong niềm vui chung của cộng đoàn Giáo Xứ đại gia đình Thụ Nhân trên khắp thế giới và riêng tại Paris, các cựu Giáo sư, sinh viên và gia đình thuộc Viện Đại học Đà lạt đã tổ chức một bửa tiệc chúc mừng lễ rửa tội gia nhập Giáo Hội Công Giáo của Giáo sư Jean Paul Vũ Quốc Thúc, vừa để chúc mừng sinh nhật thứ 92 của Giáo sư. Trong bửa tiệc tiếp tân chúc mừng, Giáo Sư  đã nhắc đến ba điều ông đã thấy và đã tin. Đặc biệt ông đã thấy ơn của Đức Mẹ.

      Tác giả: Phùng văn Phụng

               17-04-2012

  • 1) trang 540 Sách “Thời Đại Của Tôi” cuốn II
  • 2) trang 542 Sđd
  • 3) trang 543 Sđd (người viết in đậm và in nghiêng).
  • 4) Trong bài Gs Vũ Quốc Thúc đã cùng 24 tân tòng khác gia nhập Giáo Hội Công Giáo của tác giả Trần văn Cảnh đăng trong Việt Catholic ngày 12 – 04 – 2012        xem thêm

Linh hồn sẽ đi về đâu sau khi ta rời bỏ thế gian?

Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời… (Thánh Phanxicô Assisi)

I)Ý nghĩa của việc cúng 49 ngày cho người đã mất (1)

*Lễ cúng 49 ngày (Hán-Việt: Chung thất) là một dạng tín ngưỡng, đồng thời nó cũng là buổi lễ cúng giỗ vô cùng quan trọng của người còn sống đối với người đã khuất. Đây là một buổi lễ cúng giỗ mở đầu sau ngày người chết qua đời được 49 ngày.(1)

Phong tục này được người Việt Nam dựa theo thuyết Phật giáo: Âm hồn sau khi đã qua đời phải trải qua 7 lần phán xét, mỗi lần kéo dài 7 ngày. Sau đó linh hồn phải đi qua 1 điện lớn ở âm ty, sau 7 tuần vong hồn sẽ được siêu thoát.

II)Cầu nguyện cho người đã mất là bổn phận của người còn sống. Khi chết rồi, thông thường linh hồn người chết phải qua luyện ngục để thanh luyện con người cho sạch tội. Vì muốn diện kiến Thánh Nhan Chúa phải thật tinh tuyền sạch tội. Khi linh hồn con người còn có tội không dám gặp Thiên Chúa. Chỉ khi nào thật sự sạch tội mới dám diện kiến Ngài. Cho nên luyện ngục là con đường linh hồn người chết phải qua để thanh luyện cho sạch các tội đã phạm.

Vậy người sống phải cầu nguyện cho người chết để linh hồn người chết sớm rời khỏi nơi luyện ngục mà vào chốn thiên đàng. Khi linh hồn người thân đã được vào Thiên đàng rồi, sẽ cầu nguyện lại cho chúng ta hiện còn ở thế gian này.

Thời gian luyện ngục không ai biết được bao lâu, nên tốt nhất, nếu yêu thương người chết, phải cầu nguyện mỗi ngày mà thôi.

Trong tháng 11 năm nay (2021), có Sắc lệnh của Toà Ân Giải Tối Cao của Tòa Thánh về ơn Toàn Xá. (2) Nếu đọc kinh Lạy Cha và kinh Tin Kính cùng đi thăm nghĩa trang để cầu nguyện cho người quá cố thì linh hồn nguời thân của mình sẽ được hưởng ơn Toàn Xá này. Nếu đọc thêm kinh Vực sâu nữa thì càng tốt.

Hiện nay tôi có tham dự Nhóm cầu nguyện kính Lòng Thương Xót Chúa và mỗi ngày đọc kinh ba lần 8 giờ sáng, 3 giờ trưa và 9 giờ tối, và cũng đã đi viếng nghĩa trang cầu cho linh hồn Phaolô rồi.

Tác giả: Phùng Văn Phụng

tháng 11/ năm 2021

Xem thêm: (1) Ý nghĩa của việc cúng 49 ngày cho người đã mấthttp://hoavienvinhhang.com/y-nghia-cua-viec-cung-49-ngay-cho-nguoi-da-mat/

(1)LM. Vinhsơn Nguyễn Thế Thủ: Giỗ 49 – 100 ngày bên Công giáo đúng sai?- https://www.youtube.com/watch?v=lES0hNS2Hjg

(2) Sắc lệnh cho phép các tín hữu được lãnh nhận Ơn Toàn Xá dành cho các tín hữu đã qua đờihttps://keditim.net/?p=103600

(2) Sau khi chết linh hồn sẽ đi về đâu? – LM Mathew Nguyễn Khắc Hy- https://www.youtube.com/watch?v=s1WfahdjFy4

Cuối cùng rồi ai cũng phải chết

Cuối cùng rồi ai cũng phải chết

Tác giả: Phùng Văn Phụng

Vậy mà chỉ những người lớn tuổi mới để ý tới cái chết chứ những người dưới 50 tuổi ít có ai để ý tới cái chết vì cảm thấy nó, cái chết, còn lâu lắm mới tới. Thật ra cái chết xảy ra bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, và bất cứ tuổi nào.

Dĩ nhiên người già thì thời gian đến gần cái chết rõ ràng hơn, ngắn hơn, gần hơn.

Trước cái chết, ai cũng lo sợ, nhưng làm sao, cách nào bình tĩnh được trước cái chết.

Làm thế nào cuộc sống có ý nghĩa và có hạnh phúc?

*Đặt ra công việc để làm.

Đặt cho mình mục đích sống. Sống để làm gì? Có phải mục đích sống của mình chỉ là để kiếm thật nhiều tiền không? Dĩ nhiên phải làm việc để có tiền mà sống, nhưng chỉ duy nhất để kiếm tiền không mà thôi là chưa đủ. Cần xem làm việc là một niềm vui. Còn hơi thở, còn sức khỏe là còn phải làm việc. Dĩ nhiên mình làm việc nào mình thấy thích.

Về hưu rồi, tôi đặt ra công việc để làm, dĩ nhiên là công việc không kiếm được tiền. Viết bài, gởi gấm tâm tư tình cảm cho bạn bè, cho thế hệ sau. Đọc tin tức, gởi E.mail cho bạn bè. Thành lập, chủ biên: website keditim.net. Mỗi ngày đều có bài vở hay và hữu ích cho website này (mời các bạn vào đọc).

*Giữ gìn sức khỏe: Lee Kim Hee (1) chủ tịch tập đoàn Samsung đã nhắc nhở chúng ta là cần phải tập thể dục thường xuyên để giữ cho thân thể khỏe mạnh. Dầu giàu có cỡ nào con người “không thể vượt qua cơn bạo bệnh và phải chịu kết thúc thất bại”vì khi bệnh tật đến không chừa một ai.

+Steve Jobs (2) chủ tịch và cựu giám đốc điều hành của Apple qua đời ở tuổi 56 (sinh 24-02-1955 mất 5-10-2011) vì ung thư tuyến tụy tạng. Ông nhắc nhở chúng ta rằng “cái giường bệnh” là đắc giá nhất.

+Bác sĩ Richard Teo (1972-2012) (3) bác sĩ thẩm mỹ, triệu phú ở Singapore qua đời ở tuổi 40 vì ung thư phổi.

Ông viết: “Nhưng trớ trêu là mọi thứ mà tôi có – thành công, cúp chiến thắng, những chiếc xe, ngôi nhà – là do tôi đã mua chúng để mang về niềm hạnh phúc. Nhưng giờ đây tôi chẳng mỉm cười được nữa. Nghĩ về việc sở hữu của cải, tôi chẳng có một chút niềm vui nào. Các bạn ạ, tôi chẳng thể ôm chiếc Ferrari vào giấc ngủ. Nó chẳng khiến tôi thoải mái hơn trong những ngày tháng cuối cùng.

Vậy điều gì đã và sẽ làm tôi hạnh phúc ở khoảng thời gian này? Đó là thời gian với mọi người – những người tôi yêu, bạn bè, những ai thật lòng lo cho mình, cùng khóc cùng cười, cùng đau khổ và chấp nhận mọi chuyện. Điều ấy đem lại cho tôi niềm hạnh phúc”. (1)

*Làm thế nào để sống vui vẻ và hạnh phúc.

Hạnh phúc của con người là một hành trình chứ không phải là đã đạt mục đích.

Như vậy, hạnh phúc đơn giản chỉ là một cảm giác. Hạnh phúc không hiện hữu trong bóng hình quá khứ hay niềm mong mỏi nơi tương lại, hạnh phúc là hạnh phúc trong thực tại nếu bạn biết nắm bắt nó.

Vậy bí quyết của hạnh phúc là: sống trong phút hiện tại, biết yêu thương và tha thứ.

Người hạnh phúc nhất là người đem đến hạnh phúc cho nhiều người nhất.

Trong trại tù tôi bị bỏ đói triền miên từ năm này sang năm khác, chỉ được ăn bo bo, bắp trái, ăn rau rừng đỡ đói. Khi Tết nguyên đán, trại tù phát cơm trắng. Lúc đó, ăn cơm trắng với muối tưởng chừng như ăn cơm với đường. Hạnh phúc ngay lúc đó.

* Tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc (Biết đủ thì đủ, đợi đủ bao giờ đủ) trong bài thơ Chữ Nhàn của Nguyễn Công Trứ.

Con người thường tham lam, không bao giờ biết đủ. Khi làm ăn phát đạt, kiếm được nhiều tiền ai ai cũng muốn kiếm thêm nhiều hơn nữa chứ đâu biết dừng lại.

Sự giàu có, tiền bạc không biết bao nhiêu là đủ. Cái khó là biết dừng lại, biết đủ.

Đặc biệt ở nước Mỹ có người Amish, họ sống biệt lập ở tiểu bang Ohio, Pennsylvania và cũng có một số ở Canada nữa. Họ không xài điện thoại cầm tay, không dùng xe hơi (ô tô), TV các loại máy móc, bài trừ sự ly dị… họ bài trừ lối sống hiện đại ở nước Mỹ.

Người Amish sống đơn giản không có những nhu cầu hiện đại như chúng ta.

Như vậy,

Cách sống khác nhau, kết quả khác nhau

Nếu cuộc sống của bạn lấy tiền làm trung tâm, thì bạn sẽ sống rất khổ cực.

Nếu cuộc sống của bạn lấy phụ nữ làm trung tâm, thì bạn sẽ sống rất mệt mỏi.

Nếu cuộc sống của bạn lấy ái tình làm trung tâm, thì bạn sẽ sống rất đau thương.

Nếu cuộc sống của bạn lấy leo cao làm trung tâm, thì bạn sẽ sống rất phiền muộn.

Nếu cuộc sống của bạn lấy khoan dung làm trung tâm, thì bạn sẽ sống rất hạnh phúc.

Nếu cuộc sống của bạn lấy tri túc làm trung tâm, thì bạn sẽ sống rất vui vẻ.

Nếu cuộc sống của bạn lấy cảm ơn làm trung tâm, thì bạn sẽ sống rất thiện lương.

Người đi tìm sự khiếm khuyết của mình mới có được sự hài lòng.

Người nhận biết hạnh phúc mới có được hạnh phúc.

Vui để đợi chết

Trước khi chết thường chịu cảnh bịnh hoạn, đau đớn, buồn khổ, cô đơn. Làm sao trong tâm hồn mình có “Vui để đợi chết”.

Lúc cuối đời nếu tâm hồn mình thanh thản, bình an thì sự bình an đó kéo theo cho đến lúc lâm chung, còn ngược lại nếu ta chứa đựng nhiều uẩn khúc đau thương, uất hận; sự buồn sầu này sẽ kéo dài theo lúc chết.

Cho nên làm sao vui để được chết đó là điều rất khó, khó nhưng không phải không làm được?

Tạ ơn Trời mỗi sớm mai thức dậy

Cho con còn ngày nữa để yêu thương.

Xem thêm:

(1) Thư từ Chủ tịch Lee Kun-hee

(2) Steve Jobs chủ tịch và cựu giám đốc điều hành của Apple

(3) Bác sĩ Richard Teo (1972-2012)(3) bác sĩ thẩm mỹ, Lời trăn trối của bác sĩ triêu phú mắc bệnh ung thư

Xem: Tưởng niệm 4 năm Bác Sĩ Richard Teo

Phùng Văn Phụng

Ngày 02-11-2020

(Lễ cầu hồn)

Đời là bể khổ? Thái độ của chúng ta trước đau khổ.

Đời là bể khổ? Thái độ của chúng ta trước đau khổ.

Tác giả: Phùng Văn Phụng

1)Có ai trong chúng ta nói rằng suốt đời không có đau khổ?

Nhà Phật nói đến Khổ đế (là một trong tứ diệu đế): Sự thật về đau khổ có ba thứ làm chúng ta đau khổ là:Tuổi già, bịnh tật và cái chết. Ngay cả khi không già, không bịnh tật và chưa chết, con người vẫn đau khổ vì khi ta có những ham muốn và thèm khát nhưng ta không đạt được ước nguyện đó. Ngay cả khi thoả mãn những nhu cầu đó rồi sau đó ta vẫn chán nãn, không hài lòng nên dẫn đến đau khổ (1)

 Dầu nghèo nàn hay giàu có, dầu sang trọng hay hèn kém đều đã trải nghiệm đau khổ.

Nếu nghèo không có tiền đi bác sĩ mua thuốc trị bịnh. Khổ vì không có tiền để trả tiền điện, nước, tiền chợ, tiền sinh hoạt tối thiểu cho các nhu cầu căn bản để sống còn, để tồn tại. Khổ vì nợ nần chồng chất không biết bao giờ trả được.

Người có tiền cũng khổ; hoặc bị mất tiền vì bị lường gạt, bị đánh cắp, hoặc con cái hư hỏng không chịu học hành theo băng nhóm hút sì ke, ma túy, phá làng phá xóm v.v…

Có người đau khổ vì bị người yêu bất ngờ chia tay.  

Khổ thể xác vì không đủ cơm ăn, áo mặc, cực nhọc cả ngày, đổ mồ hôi để kiếm miếng ăn.

 Khổ vì chẳng may gặp gặp bịnh nan y như ung thư, stroke heart attack rồi bị tê liệt nằm một chỗ không chữa trị được.    

Hoặc con người bị bịnh đui mù, què quặt do bẩm sinh hay do biến chứng từ các bịnh khác.

Khổ tinh thần vì mất người thân yêu, mất do tai nạn trên bờ như bị xe đụng hay tai nạn dưới nước như tắm biển, câu cá bị nước cuốn, hay bị lật thuyền.

Con người còn bị đau khổ vì mất chức, mất quyền, mất tiền bạc v.v…

Con người còn chịu đau khổ vì bị mất danh dự do bị vu cáo, vì vô tình hay cố ý bị đặt chuyện, dựng chuyện để nói xấu, hạ uy tín, hạ nhục làm cho chúng ta đau khổ.

 2)Đau khổ không chừa một ai. Còn sống là còn đau khổ.

*Cảm nghiệm đau khổ, cay đắng, đau đớn khi tôi mất đi đứa con trai đang sống chung trong nhà chỉ mới 48 tuổi. Đóng góp mọi thứ sinh hoạt trong gia đình. Ra đi vì tai nạn khi hai con còn nhỏ 16 và 11 tuổi. Con trai tôi chịu sống chung mặc dầu đủ điều kiện ra ở riêng. Ở chung nhà để đóng góp mọi chi phí sinh hoạt trong nhà như điện nước, thuế má…

Khi vắng bóng con trai, bầu khí trong nhà vô cùng trống vắng, vẫn còn cảm giác con tôi đi đâu đó, sẽ trở về?

*Sau tháng 04 năm 1975, đang có đời sống tự do thoải mái với vợ và các con. Bị cộng sản lường gạt, kêu gọi “trình diện học tập cải tạo”, đi trình diện, bị tù gần 8 năm trong các trại tù trong rừng núi âm u, sơn lam, chướng khí ở miền Bắc như Lào Cai, Vĩnh Phú… bị bỏ đói triền miên. Ăn bo bo không xay, ăn khoai mì (ngoài bắc gọi là sắn) cứng ngắt, ăn bắp, khoai trừ cơm. Mỗi bữa cơm vài khúc khoai mì đắng nghét, hoặc vài trái bắp cứng ngắt với tô canh rau cải chỉ lỏng bỏng nước và rau.

Trong tù tất cả anh em đều sụt cân, ốm nhom ốm nhách như những bộ xương cách trí biết đi. Những năm 1978, 1979 cứ vài ngày anh em tù chúng tôi đã ra đi vì kiệt sức.

Đây là cảm nghiệm đau khổ lâu dài nhất.

 * Cuộc đời của thánh Gióp cũng là bài học suy gẫm về cuộc đời mà nhiều người hay than thở “đời là bể khổ”.

Ông Gíóp là người kính sợ Thiên Chúa. Bảy người con trai và ba người con gái đều chết hết và tài sản của ông cũng bị cướp hết nhà cửa không còn.

Bấy giờ ông Gióp trỗi dậy, xé áo mình ra, cạo đầu sấp mình xuống đất, sụp lạy và nói:

“Thân trần truồng sinh ra từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. ĐỨC CHÚA đã ban cho, ĐỨC CHÚA lại lấy đi: Xin chúc tụng danh ĐỨC CHÚA (Gióp 1-20,21)

3)Tại sao Thiên Chúa là Đấng tốt lành và nhân từ vô cùng lại để chúng ta phải chịu đau khổ?

Lm Paul O’Sullivan đã viết như sau:

*Nguyên nhân rất đơn giản chỉ vì đau khổ là một hồng ân trọng đại (trang 113) (1)

Khó khăn lớn nhất về đau khổ là chúng ta không biết cách chịu đau khổ.

(trang 115) (2)

Những đau khổ hằng ngày của chúng ta, đau khổ nhỏ nhất cũng như đau khổ lớn nhất, nếu như chịu được cho nên, sẽ đem lại cho chúng ta triều thiên tử đạo.

-Nếu chúng ta không chịu đau khổ cho nên thì chúng ta sẽ bị mất hết các ân sủng và phần thưởng vô giá mà đau khổ lẽ ra đã đem đến cho chúng ta.

Chúng ta hãy ghi nhớ những điều này về vấn đề đau khổ:

*Mỗi khi gặp đau khổ, chúng ta được thông phần vào cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu Kitô, vì thế đau khổ đem lại một công phúc khôn lường.

*Nếu chúng ta biết chấp nhận một cách nhẫn nại vì lòng mến Chúa, đau khổ sẽ mất hết nọc độc và sự cay đắng của nó.

*Nếu chúng ta cầu xin, nhất định Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta dư đủ sức mạnh để chấp nhận đau khổ Người gởi đến cho chúng ta.

*Những đau khổ sẽ cứu chúng ta khỏi những cực hình ghê rợn trong luyện ngục.

*Đau khổ, nếu chịu cho nên, sẽ làm cho chúng ta trở nên những vị thánh.(3)

(1) (2) (3) Trích Sách “Con đường nên thánh dễ dàng” của Lm Paul O’Sullivan, O.P

 Tác giả: Phùng Văn Phụng

(1) Tứ diệu đế là gì?

Ngày 25-10-2021

Thơ gởi cho H. than phiền về sự vô ơn của bạn bè.

Thơ gởi cho H. than phiền về sự vô ơn của bạn bè.

Thân mến gởi H.,

Trả lời về vấn đề làm ơn cho bạn bè, xin việc cho bạn bè, giúp đỡ cho họ có công ăn việc làm, rồi họ không thèm nhớ ơn, mà còn nói xấu mình nữa. Nhớ lại câu chuyện 10 người phong cùi được Chúa Giê-su chữa lành, trong đó chỉ có một người cám ơn Chúa mà thôi, còn 9 người kia thì vô ơn đối với Chúa.

***

Tạ ơn Thiên Chúa trong mọi sự, trong mọi hoàn cảnh.

Thông thường không ai có thể cám ơn Thiên Chúa khi gặp hoạn nạn hay gặp tai họa, điều này rất khó làm, nhưng nếu ta có ơn Chúa, nhờ Chúa giúp sức ta có thể làm được. (1)

Khi gặp tai họa hay hoạn nạn, hay người khác nói xấu ta, hảm hại ta, thông thường ta rất chán nản, đau đớn, than van, bực mình, khó chịu về những điều đau đớn mà ta không muốn có.

Nhưng khi than van, bực mình, khó chịu nào có ích gì cho tâm hồn ta. Tại sao ta không phó thác mọi sự trong tay Chúa. Hoặc ta vui vẻ chấp nhận những khó khăn, gian nan, hoạn nạn đó, hay là ta bực mình than thở, thì sự việc vẫn xảy ra như vậy, ta vẫn phải chịu đựng mà thôi. Nếu ta tạ ơn Chúa vì những hoạn nạn đó để ta thông phần, chia xẻ những khổ nạn của Chúa trên đường thập giá mà Chúa đã đi.

Vì có thể đó là chương trình của Thiên Chúa để mình học đức khiêm nhường, nhẫn nhục, học hỏi sự kiên nhẫn, yêu thương.

Nếu ta tạ ơn Chúa trong nghịch cảnh, trong sự bất như ý, trong hoạn nạn, (rất khó chớ không dễ dàng đâu) khi đó, hạnh phúc và niềm vui sẽ đến với chính mình. Thông thường mỗi người sẽ có thể cảm nghiệm hạnh phúc, niềm vui riêng khi cầu nguyện, tạ ơn Chúa.

 Chúa Giê-su Kitô sẽ giúp cho H. thay đổi tâm tư, tình cảm và ý nghĩ của mình để yêu thương những người gây khó khăn cho mình và không giận hờn họ nữa. (2)

Nếu học và làm theo lời Chúa Giê su đã dạy: “Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ đã ngược đãi anh em” (Mt 5,44) mà họ đâu phải là kẻ thù, họ là bạn bè mà, nên ta có thể thay vì bực mình, thù ghét họ thì nên tha thứ và yêu thương.

Nho giáo cũng có dạy: “Thượng bất oán Thiên, hạ bất trách nhân” (trên không oán Trời, dưới không trách người)

Chúa Kitô là nhà tâm lý đại tài. Sự ghen ghét, tức giận làm cho tim ta đập mạnh, tay chân mình lạnh ngắt, khó chịu, mất ngủ, nhưng nếu tự mình thay đổi suy nghĩ, thay vì thù ghét thì tội nghiệp họ, yêu thương họ, thì tâm lý mình sẽ khác đi. Tâm hồn mình sẽ tìm thấy niềm vui. Khi gặp họ mình sẽ bình an, vui vẻ.Tất nhiên tâm hồn mình lạc quan, yêu đời.Trong lòng sẽ hân hoan và dĩ nhiên sẽ đem sự hân hoan, vui vẻ đó để gặp gỡ những người chung quanh, thì họ cũng sẽ hưởng lây tâm tình yêu thương, vui vẻ của mình. Mình vui thì họ cũng vui. Bầu khí chung sẽ vui lên.

***

Người đời thường nói “nhất quá tam: Đúng ra là “sự bất quá tam”, ý muốn nói không được quá ba lần. Tha thứ kẻ lầm lỗi, chỉ nên tha thứ ba lần, nếu vi phạm lần thứ tư phải trách phạt. Còn đối với Chú Giê-su thì tha bảy lần bảy.

Bấy giờ Ông Phêrô đến gần Chúa Giêsu và hỏi rằng: Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha thứ đến mấy lần? Có phải bảy lần không? Chúa Giêsu đáp: Thầy không bảo con là đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy (Mt 18,21-22). Nghĩa là phải tha thứ mãi mãi, tha thứ hoài, vô tận.

Làm sao học tha thứ như khi Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập giá, Chúa Giê-su đã nói: “Hãy tha cho họ vì họ không biết việc họ làm.”

 Phùng Văn Phụng

09-2021 

  • (1)Sách “Quyền năng của một tâm hồn biết ca ngợi” của Merlin Carothers, trang 16 (bản dịch của Linh mục Nguyễn Đức Mầu)
  • (2)Chuyện tái ông mất ngựa hay luật bù trừ,

Tìm hiểu thành ngữ TÁI ÔNG THẤT MÃ 塞翁失

 Xưa có ông lão tên là Tái Ông sinh sống ở vùng biên giới phía Bắc Trung Hoa. Ông rất giỏi việc nuôi ngựa. Ngày kia ngựa của Tái Ông xổng chuồng chạy sang nước Hồ lân cận. Hàng xóm láng giềng hay tin đã đến an ủi nhưng Tái Ông lại cười mà rằng: “Tôi tuy mất ngựa, nhưng đó có thể lại là điều tốt.”

Vài tháng sau, con ngựa mất tích đột nhiên trở về lại dẫn thêm một con tuấn mã. Thấy thế, hàng xóm đến chúc mừng, tuy nhiên Tái Ông cau mày nói: “Tôi được ngựa quý, sợ rằng đó chẳng phải là điềm lành.”

Con trai ông thích cưỡi con ngựa quý, một hôm anh ta ngã ngựa gãy chân và trở thành tàn tật. Hàng xóm đến khuyên nhủ ông đừng quá nghĩ ngợi, Tái Ông điềm nhiên: “Con trai tôi tuy gãy chân, nhưng đó chưa hẳn đã là điều không may.” Khi đó hàng xóm nghĩ rằng ông lão quá đau buồn nên bị quẫn trí.

Một năm sau, nước Hồ láng giềng đưa quân sang xâm lược. Tất cả thanh niên trai tráng đều phải tòng quân và hầu hết đều bị tử trận. Con trai ông vì tàn tật nên được ở nhà và thoát chết. Lúc này hàng xóm láng giềng mới thấy rằng những lời của Tái Ông quả thật rất thâm thúy.

https://www.facebook.com/vuihocchuhan/posts/2797912963662864/