Cuối cùng rồi ai cũng phải chết

Cuối cùng rồi ai cũng phải chết

Tác giả: Phùng Văn Phụng

Vậy mà chỉ những người lớn tuổi mới để ý tới cái chết chứ những người dưới 50 tuổi ít có ai để ý tới cái chết vì cảm thấy nó, cái chết, còn lâu lắm mới tới. Thật ra cái chết xảy ra bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, và bất cứ tuổi nào.

Dĩ nhiên người già thì thời gian đến gần cái chết rõ ràng hơn, ngắn hơn, gần hơn.

Trước cái chết, ai cũng lo sợ, nhưng làm sao, cách nào bình tĩnh được trước cái chết.

Làm thế nào cuộc sống có ý nghĩa và có hạnh phúc?

*Đặt ra công việc để làm.

Đặt cho mình mục đích sống. Sống để làm gì? Có phải mục đích sống của mình chỉ là để kiếm thật nhiều tiền không? Dĩ nhiên phải làm việc để có tiền mà sống, nhưng chỉ duy nhất để kiếm tiền không mà thôi là chưa đủ. Cần xem làm việc là một niềm vui. Còn hơi thở, còn sức khỏe là còn phải làm việc. Dĩ nhiên mình làm việc nào mình thấy thích.

Về hưu rồi, tôi đặt ra công việc để làm, dĩ nhiên là công việc không kiếm được tiền. Viết bài, gởi gấm tâm tư tình cảm cho bạn bè, cho thế hệ sau. Đọc tin tức, gởi E.mail cho bạn bè. Thành lập, chủ biên: website keditim.net. Mỗi ngày đều có bài vở hay và hữu ích cho website này (mời các bạn vào đọc).

*Giữ gìn sức khỏe: Lee Kim Hee (1) chủ tịch tập đoàn Samsung đã nhắc nhở chúng ta là cần phải tập thể dục thường xuyên để giữ cho thân thể khỏe mạnh. Dầu giàu có cỡ nào con người “không thể vượt qua cơn bạo bệnh và phải chịu kết thúc thất bại”vì khi bệnh tật đến không chừa một ai.

+Steve Jobs (2) chủ tịch và cựu giám đốc điều hành của Apple qua đời ở tuổi 56 (sinh 24-02-1955 mất 5-10-2011) vì ung thư tuyến tụy tạng. Ông nhắc nhở chúng ta rằng “cái giường bệnh” là đắc giá nhất.

+Bác sĩ Richard Teo (1972-2012) (3) bác sĩ thẩm mỹ, triệu phú ở Singapore qua đời ở tuổi 40 vì ung thư phổi.

Ông viết: “Nhưng trớ trêu là mọi thứ mà tôi có – thành công, cúp chiến thắng, những chiếc xe, ngôi nhà – là do tôi đã mua chúng để mang về niềm hạnh phúc. Nhưng giờ đây tôi chẳng mỉm cười được nữa. Nghĩ về việc sở hữu của cải, tôi chẳng có một chút niềm vui nào. Các bạn ạ, tôi chẳng thể ôm chiếc Ferrari vào giấc ngủ. Nó chẳng khiến tôi thoải mái hơn trong những ngày tháng cuối cùng.

Vậy điều gì đã và sẽ làm tôi hạnh phúc ở khoảng thời gian này? Đó là thời gian với mọi người – những người tôi yêu, bạn bè, những ai thật lòng lo cho mình, cùng khóc cùng cười, cùng đau khổ và chấp nhận mọi chuyện. Điều ấy đem lại cho tôi niềm hạnh phúc”. (1)

*Làm thế nào để sống vui vẻ và hạnh phúc.

Hạnh phúc của con người là một hành trình chứ không phải là đã đạt mục đích.

Như vậy, hạnh phúc đơn giản chỉ là một cảm giác. Hạnh phúc không hiện hữu trong bóng hình quá khứ hay niềm mong mỏi nơi tương lại, hạnh phúc là hạnh phúc trong thực tại nếu bạn biết nắm bắt nó.

Vậy bí quyết của hạnh phúc là: sống trong phút hiện tại, biết yêu thương và tha thứ.

Người hạnh phúc nhất là người đem đến hạnh phúc cho nhiều người nhất.

Trong trại tù tôi bị bỏ đói triền miên từ năm này sang năm khác, chỉ được ăn bo bo, bắp trái, ăn rau rừng đỡ đói. Khi Tết nguyên đán, trại tù phát cơm trắng. Lúc đó, ăn cơm trắng với muối tưởng chừng như ăn cơm với đường. Hạnh phúc ngay lúc đó.

* Tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc (Biết đủ thì đủ, đợi đủ bao giờ đủ) trong bài thơ Chữ Nhàn của Nguyễn Công Trứ.

Con người thường tham lam, không bao giờ biết đủ. Khi làm ăn phát đạt, kiếm được nhiều tiền ai ai cũng muốn kiếm thêm nhiều hơn nữa chứ đâu biết dừng lại.

Sự giàu có, tiền bạc không biết bao nhiêu là đủ. Cái khó là biết dừng lại, biết đủ.

Đặc biệt ở nước Mỹ có người Amish, họ sống biệt lập ở tiểu bang Ohio, Pennsylvania và cũng có một số ở Canada nữa. Họ không xài điện thoại cầm tay, không dùng xe hơi (ô tô), TV các loại máy móc, bài trừ sự ly dị… họ bài trừ lối sống hiện đại ở nước Mỹ.

Người Amish sống đơn giản không có những nhu cầu hiện đại như chúng ta.

Như vậy,

Cách sống khác nhau, kết quả khác nhau

Nếu cuộc sống của bạn lấy tiền làm trung tâm, thì bạn sẽ sống rất khổ cực.

Nếu cuộc sống của bạn lấy phụ nữ làm trung tâm, thì bạn sẽ sống rất mệt mỏi.

Nếu cuộc sống của bạn lấy ái tình làm trung tâm, thì bạn sẽ sống rất đau thương.

Nếu cuộc sống của bạn lấy leo cao làm trung tâm, thì bạn sẽ sống rất phiền muộn.

Nếu cuộc sống của bạn lấy khoan dung làm trung tâm, thì bạn sẽ sống rất hạnh phúc.

Nếu cuộc sống của bạn lấy tri túc làm trung tâm, thì bạn sẽ sống rất vui vẻ.

Nếu cuộc sống của bạn lấy cảm ơn làm trung tâm, thì bạn sẽ sống rất thiện lương.

Người đi tìm sự khiếm khuyết của mình mới có được sự hài lòng.

Người nhận biết hạnh phúc mới có được hạnh phúc.

Vui để đợi chết

Trước khi chết thường chịu cảnh bịnh hoạn, đau đớn, buồn khổ, cô đơn. Làm sao trong tâm hồn mình có “Vui để đợi chết”.

Lúc cuối đời nếu tâm hồn mình thanh thản, bình an thì sự bình an đó kéo theo cho đến lúc lâm chung, còn ngược lại nếu ta chứa đựng nhiều uẩn khúc đau thương, uất hận; sự buồn sầu này sẽ kéo dài theo lúc chết.

Cho nên làm sao vui để được chết đó là điều rất khó, khó nhưng không phải không làm được?

Tạ ơn Trời mỗi sớm mai thức dậy

Cho con còn ngày nữa để yêu thương.

Xem thêm:

(1) Thư từ Chủ tịch Lee Kun-hee

(2) Steve Jobs chủ tịch và cựu giám đốc điều hành của Apple

(3) Bác sĩ Richard Teo (1972-2012)(3) bác sĩ thẩm mỹ, Lời trăn trối của bác sĩ triêu phú mắc bệnh ung thư

Xem: Tưởng niệm 4 năm Bác Sĩ Richard Teo

Phùng Văn Phụng

Ngày 02-11-2020

(Lễ cầu hồn)

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay