Đời là bể khổ? Thái độ của chúng ta trước đau khổ.

Đời là bể khổ? Thái độ của chúng ta trước đau khổ.

Tác giả: Phùng Văn Phụng

1)Có ai trong chúng ta nói rằng suốt đời không có đau khổ?

Nhà Phật nói đến Khổ đế (là một trong tứ diệu đế): Sự thật về đau khổ có ba thứ làm chúng ta đau khổ là:Tuổi già, bịnh tật và cái chết. Ngay cả khi không già, không bịnh tật và chưa chết, con người vẫn đau khổ vì khi ta có những ham muốn và thèm khát nhưng ta không đạt được ước nguyện đó. Ngay cả khi thoả mãn những nhu cầu đó rồi sau đó ta vẫn chán nãn, không hài lòng nên dẫn đến đau khổ (1)

 Dầu nghèo nàn hay giàu có, dầu sang trọng hay hèn kém đều đã trải nghiệm đau khổ.

Nếu nghèo không có tiền đi bác sĩ mua thuốc trị bịnh. Khổ vì không có tiền để trả tiền điện, nước, tiền chợ, tiền sinh hoạt tối thiểu cho các nhu cầu căn bản để sống còn, để tồn tại. Khổ vì nợ nần chồng chất không biết bao giờ trả được.

Người có tiền cũng khổ; hoặc bị mất tiền vì bị lường gạt, bị đánh cắp, hoặc con cái hư hỏng không chịu học hành theo băng nhóm hút sì ke, ma túy, phá làng phá xóm v.v…

Có người đau khổ vì bị người yêu bất ngờ chia tay.  

Khổ thể xác vì không đủ cơm ăn, áo mặc, cực nhọc cả ngày, đổ mồ hôi để kiếm miếng ăn.

 Khổ vì chẳng may gặp gặp bịnh nan y như ung thư, stroke heart attack rồi bị tê liệt nằm một chỗ không chữa trị được.    

Hoặc con người bị bịnh đui mù, què quặt do bẩm sinh hay do biến chứng từ các bịnh khác.

Khổ tinh thần vì mất người thân yêu, mất do tai nạn trên bờ như bị xe đụng hay tai nạn dưới nước như tắm biển, câu cá bị nước cuốn, hay bị lật thuyền.

Con người còn bị đau khổ vì mất chức, mất quyền, mất tiền bạc v.v…

Con người còn chịu đau khổ vì bị mất danh dự do bị vu cáo, vì vô tình hay cố ý bị đặt chuyện, dựng chuyện để nói xấu, hạ uy tín, hạ nhục làm cho chúng ta đau khổ.

 2)Đau khổ không chừa một ai. Còn sống là còn đau khổ.

*Cảm nghiệm đau khổ, cay đắng, đau đớn khi tôi mất đi đứa con trai đang sống chung trong nhà chỉ mới 48 tuổi. Đóng góp mọi thứ sinh hoạt trong gia đình. Ra đi vì tai nạn khi hai con còn nhỏ 16 và 11 tuổi. Con trai tôi chịu sống chung mặc dầu đủ điều kiện ra ở riêng. Ở chung nhà để đóng góp mọi chi phí sinh hoạt trong nhà như điện nước, thuế má…

Khi vắng bóng con trai, bầu khí trong nhà vô cùng trống vắng, vẫn còn cảm giác con tôi đi đâu đó, sẽ trở về?

*Sau tháng 04 năm 1975, đang có đời sống tự do thoải mái với vợ và các con. Bị cộng sản lường gạt, kêu gọi “trình diện học tập cải tạo”, đi trình diện, bị tù gần 8 năm trong các trại tù trong rừng núi âm u, sơn lam, chướng khí ở miền Bắc như Lào Cai, Vĩnh Phú… bị bỏ đói triền miên. Ăn bo bo không xay, ăn khoai mì (ngoài bắc gọi là sắn) cứng ngắt, ăn bắp, khoai trừ cơm. Mỗi bữa cơm vài khúc khoai mì đắng nghét, hoặc vài trái bắp cứng ngắt với tô canh rau cải chỉ lỏng bỏng nước và rau.

Trong tù tất cả anh em đều sụt cân, ốm nhom ốm nhách như những bộ xương cách trí biết đi. Những năm 1978, 1979 cứ vài ngày anh em tù chúng tôi đã ra đi vì kiệt sức.

Đây là cảm nghiệm đau khổ lâu dài nhất.

 * Cuộc đời của thánh Gióp cũng là bài học suy gẫm về cuộc đời mà nhiều người hay than thở “đời là bể khổ”.

Ông Gíóp là người kính sợ Thiên Chúa. Bảy người con trai và ba người con gái đều chết hết và tài sản của ông cũng bị cướp hết nhà cửa không còn.

Bấy giờ ông Gióp trỗi dậy, xé áo mình ra, cạo đầu sấp mình xuống đất, sụp lạy và nói:

“Thân trần truồng sinh ra từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. ĐỨC CHÚA đã ban cho, ĐỨC CHÚA lại lấy đi: Xin chúc tụng danh ĐỨC CHÚA (Gióp 1-20,21)

3)Tại sao Thiên Chúa là Đấng tốt lành và nhân từ vô cùng lại để chúng ta phải chịu đau khổ?

Lm Paul O’Sullivan đã viết như sau:

*Nguyên nhân rất đơn giản chỉ vì đau khổ là một hồng ân trọng đại (trang 113) (1)

Khó khăn lớn nhất về đau khổ là chúng ta không biết cách chịu đau khổ.

(trang 115) (2)

Những đau khổ hằng ngày của chúng ta, đau khổ nhỏ nhất cũng như đau khổ lớn nhất, nếu như chịu được cho nên, sẽ đem lại cho chúng ta triều thiên tử đạo.

-Nếu chúng ta không chịu đau khổ cho nên thì chúng ta sẽ bị mất hết các ân sủng và phần thưởng vô giá mà đau khổ lẽ ra đã đem đến cho chúng ta.

Chúng ta hãy ghi nhớ những điều này về vấn đề đau khổ:

*Mỗi khi gặp đau khổ, chúng ta được thông phần vào cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu Kitô, vì thế đau khổ đem lại một công phúc khôn lường.

*Nếu chúng ta biết chấp nhận một cách nhẫn nại vì lòng mến Chúa, đau khổ sẽ mất hết nọc độc và sự cay đắng của nó.

*Nếu chúng ta cầu xin, nhất định Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta dư đủ sức mạnh để chấp nhận đau khổ Người gởi đến cho chúng ta.

*Những đau khổ sẽ cứu chúng ta khỏi những cực hình ghê rợn trong luyện ngục.

*Đau khổ, nếu chịu cho nên, sẽ làm cho chúng ta trở nên những vị thánh.(3)

(1) (2) (3) Trích Sách “Con đường nên thánh dễ dàng” của Lm Paul O’Sullivan, O.P

 Tác giả: Phùng Văn Phụng

(1) Tứ diệu đế là gì?

Ngày 25-10-2021

Được xem 2 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay