Xin Chúa Tha Thứ Cho Tôi

Xin Chúa Tha Thứ Cho Tôi

Sau thời cách mạng Pháp, trước cửa một nhà thờ tại Balê, người ta thường thấy một người hành khất với một dáng vẻ lạ thường. Xuyên qua lớp áo rách rưới, ai cũng có thể nhìn
thấy trên vòng cổ của người ăn xin một cây thánh giá nhỏ bằng vàng.

Người khách quen thuộc nhất của người xấu số này là một vị linh mục trẻ. Vị linh mục thường đến dâng thánh lễ tại nhà thờ này. Mỗi lần ra khỏi nhà thờ, ông không quên hỏi han và giúp đỡ người hành khất.

Ngày nọ, vị linh mục trẻ không còn thấy người ăn xin lảng vảng trước cửa nhà thờ nữa. Lần mò hỏi thăm, vị linh mục đã tìm đến thăm người hành khất đang trong cơn rét run vì bệnh tật và đói ăn. Cảm động trước nghĩa cử của vị linh mục, ông ta đã kể lại cuộc đời của mình như sau: “Khi cách mạng vừa bùng nổ, tôi làm quản gia cho một gia đình giàu có. Hai vợ chồng chủ tôi là những người đạo đức, giàu lòng thương người. Thế nhưng tôi đã phản bội
họ. Quân cách mạng tìm cách bắt họ. Hai vợ chồng và hai đứa con của họ đã bị bắt giữ và kết án tử hình. Chỉ còn người con trai duy nhất là thoát khỏi”.

Nghe đến đây, vị linh mục như muốn té xỉu, nhưng ông đã cố gắng giữ bình tĩnh để nghe tiếp câu chuyện của người hành khất: “Tôi nhìn họ leo lên đoạn đầu đài và thản nhiên theo dõi cảnh người ta chém đầu họ. Tôi quả thực là một quái vật khát máu… Từ đó, tôi không thể nào có sự bình an trong tâm hồn. Tôi bắt đầu đi lang thang khắp các ngả đường để quên tội ác của mình. Tôi vẫn còn giữ tấm ảnh của gia đình họ trong túi áo này đây. Cây thánh
giá tôi đang treo ở đầu giường là của người chồng, còn chiếc thánh giá bằng vàng tôi đeo trên cổ đây là của người vợ… Xin Chúa tha thứ cho tôi”.

Vừa nghe xong những dòng tâm sự và cũng là lời tự thú của người hành khất, vị linh mục trẻ đã quỳ gối xuống bên cạnh chiếc giường của người hấp hối và thay cho một công thức giải tội, ông đã nói như sau: “Tôi chính là người con trai còn sống sót trong gia đình. Ðại diện cho gia đình và với tư cách là một linh mục, tôi tha thứ cho ông nhân danh Cha và Con và Thánh Thần…”.

Câu chuyện tha thứ trên đây là một trong những mẩu chuyện đã và đang xảy ra ở mọi thời đại và mọi nơi. Giữa sa mạc cằn cỗi của lòng người, Thiên Chúa vẫn còn cho mọc lên những hoa trái của yêu thương, tha thứ. Tha thứ là vẻ đẹp thanh tú cao sang nhất của lòng người…

Sự hiện diện của bà Muzeyen Agca tại Roma dạo tháng 02/1987 nhắc lại cho chúng ta một biến cố vô cùng đau thương, nhưng cũng gợi lại một nghĩa cử vô cùng cao quý của vị Cha chung. Ngày 13/5/1981, giữa lúc hàng ngàn người đang chen chúc tại công trường thánh Phêrô để chờ đón Ðức Gioan Phaolô II, thì một tiếng nổ chát chúa vang lên từ đám đông đã làm cho mọi người như đứng tim. Ðức Thánh Cha đã gục ngã trên chiếc xe Jeep mui trần, máu me vọt lên tung téo. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một vị Giáo Hoàng bị mưu
sát.

Ali Agca, thủ phạm chính của vụ mưu sát, đã bị bắt giữ ngay sau đó. Người thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ này đã bị giam giữ tại nhà tù Rebibbia ở Roma. Biến cố đẫm máu trên đây đã ghi đậm sự thù hận đang sôi sục trong lòng người… Nhưng thế giới không chỉ được nung náu bằng lò lửa của hận thù. Thiên Chúa đã tạo dựng con người để yêu mến và tha thứ…

Năm 1984, một biến cố khác đã làm chấn động dư luận thế giới: Ðức Gioan Phaolô II đã đích thân đến nhà giam Rebibbia để nói chuyện với Ali Agca và tha thứ cho anh. Không ai biết hai bên đã trao đổi những gì, nhưng ai cũng cảm động trước cảnh tượng kẻ sát nhân và người bị mưu sát đã bắt tay nhau và trao cho nhau ánh mắt của tha thứ, của hòa giải…

Trích Lẽ Sống
nguồn: từ Maria Thanh Mai gởi

TÔI ĐÁNH MẤT TÔI…

TÔI ĐÁNH MẤT TÔI…

Tôi sinh ra vốn tay không, trần trụi

Một ngày nào tôi tay trắng ra đi

Của cải trần gian khi ấy ích gì?

Càng giầu có tôi càng đau lòng lắm!

Lúc tuổi trẻ – Tôi chất thuyền  thật khẳm

Bởi tiện tằn – Tôi chắt bóp từng xu

Nhưng rồi rong chơi – Tôi đã chu du

Khắp biển rộng sông dài – Âu Á Mỹ!

Cuộc sống của tôi toàn là vị kỷ

Tôi thừa dư nhưng tích của làm giầu

Người nghèo bần tôi có nhớ gì đâu

Tôi không giúp, không hề cho một cắc!

Những của cải dù trong kho rất chắc

Nhưng một ngày rồi chúng cũng ra đi

Chứng khoán tiêu, nhà cửa xuống bởi vì

Cả hoàn cầu nạn suy trầm kinh tế!

Cuộc đời tôi rồi trở nên tồi tệ

Lại tuổi già tôi đau ốm luôn luôn

Ngẩng nhìn trời đôi dòng lệ rơi tuôn

Rồi nay mai lìa đời tôi tự huỷ

Những gì là đáng lẽ giúp cho tôi

Quá tham lam tôi đã sống tệ tồi

Đã phí uổng cả kiếp người hoa gấm!

Đã bao lần nghe lời Ngài thương nhắn

– Con hỡi con, hãy kính Chúa, yêu người

Của đời sau, con cất ở trên trời

Là giúp đỡ, ủi an người cùng khổ!

Làm bác ái không bao giờ sợ lỗ

Làm cho người là con làm cho Cha!

Nhưng hồn tôi chai đá, chẳng thiết tha

Tôi đánh mất tình yêu thương của Chúa!

Giờ lâm chung linh hồn tôi ngập ngụa

Bao âu lo, bối rối lẫn chán chường

Nếu tôi biết tìm ra một con đường

Những phút chót cuộc đời, đâu đến nỗi!

Giờ lâm chung dù rằng tôi thống hối

cũng muộn màng bởi mọi chuyện đã xong!

Tôi sống như một kẻ quá thân vong

Đánh mất mình, không bao giờ tìm thấy

Bút Xuân Trần Đình Ngọc  

nguồn: conggiaovietnam.net

Ba lời ước sau cùng của Alexander Đại Đế

             Ba lời ước sau cùng của Alexander Đại Đế

 Đại Đế Alexender khi sắp chết, cho triệu tập các quan trong triều đến, để truyền đạt ba ý nguyện cuối cùng của mình cho hậu thế, Ngài phán:

 *Quan tài của ta phải được khiêng bởi chính các vị ngự y (bác sĩ) giỏi nhất của thời đó.

 *Tất cả các báu vật của ta (vàng, bạc, châu báu…) phải được rải dọc theo con đường dẫn đến mộ ta.

 *Đôi bàn tay của ta phải được để lắc lư, đong đưa trên không, thò ra khỏi quan tài cho mọi người cùng thấy.

 Ngài Alexender Đại Đế giải thích như sau:

 Ta muốn chính các vị ngự y bác sĩ phải khiêng quan tài của ta để cho mọi người thấy rằng: một khi phải đối mặt với cái chết thì chính họ là người giỏi nhất cũng không tài nào cứu chữa.

Ta muốn châu báu của ta phải được vung vãi trên mặt đất để cho mọi người thấy rằng: của cải, tài sản mà ta gom góp được sẽ mãi mãi ở trên thế giới này, một khi ta nhắm mắt suôi tay từ giả cõi đời.

Ta muốn hai bàn tay của ta đong đưa trên không để cho mọi người thấy rằng chúng ta đến thế giới này với hai bàn tay trắng và khi rời khỏi thế giới này, chúng ta cũng chỉ có hai bàn tay trắng.

 Đến cuối cuộc đời, chúng ta mới nghiệm ra rằng kho tàng quý giá nhất trên thế gian là:” Tình Yêu Thương”

 trích từ báo Trái Tim Đất Mẹ số 413 (tháng 5-2012)

HƯỚNG LÒNG VỀ THƯỢNG GIỚI

 

HƯỚNG LÒNG VỀ THƯỢNG GIỚI
 
Khi con người chỉ biết nhìn xuống…
 
Người phụ nữ có biệt danh là ‘Bà Năm Khòm’ đã trở thành nhân vật quá quen thuộc đối với những ai hay lui tới công viên của thành phố nầy. Đã lâu lắm rồi, từ sáng tới chiều, ngày nầy qua ngày khác, người ta thấy bà lầm lũi cúi gập người xuống để tìm nhặt những đồng tiền xu mà khách nhàn du đánh rơi đâu đó trong công viên. Hình như nghề nầy đem lại cho bà nguồn thu nhập tương đối khá, nên ngày nào bà cũng khom người xuống và căng mắt tìm kiếm miệt mài như con kiến cần cù chăm chỉ nhất.
Vì ngày nào bà cũng cúi gập người xuống, đôi mắt lúc nào cũng đăm đăm nhìn sát mặt đất để tìm kiếm những đồng tiền rơi nên rốt cuộc, cần cổ của bà cụp xuống, lưng còng hẳn đi đến nỗi bà không còn ngửng lên nhìn trời được nữa. Vì thế, người dân quanh đó gán cho bà biệt danh là “Bà Năm Khòm.”
Thế là mặc dù kiếm được khá tiền, nhưng bà đã đánh mất cuộc sống. Bà chỉ biết có mặt đất mà không biết có bầu trời. Bà chỉ biết ky cóp những đồng tiền xu mà chẳng biết gì đến thế giới bao la muôn màu muôn vẻ chung quanh!
Hình ảnh người đàn bà còng lưng trên đây là biểu tượng cho những người chỉ biết có thế giới vật chất mà không màng gì đến thế giới thiêng liêng.
Nếu không được ánh sáng phục sinh và lên trời vinh hiển của Chúa Giê-su soi sáng, con người chỉ có thể thấy gần mà không thể thấy xa, chỉ biết chú mục vào cuộc sống phù du đời nầy mà lãng quên cuộc sống mai sau, chỉ biết vun quén của cải vật chất tạm bợ trần gian mà không lo tích lũy cho kho tàng vĩnh cửu, chỉ biết kiếm tìm lạc thú chóng qua mà lãng quên hạnh phúc trường cửu muôn đời…  Họ chối bỏ Trời, quay lưng lại với Thiên Chúa, khước từ thế giới thiêng liêng!
Họ xem mặt đất nầy là quê hương duy nhất. Họ xem nấm mồ như điểm đến cuối cùng của cuộc sống, như nhận định của thi hào Nguyễn Du:
“Trăm năm còn có gì đâu
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì.”
Hãy ngước nhìn lên
 
Sự kiện Chúa Giê-su lên trời mở ra cho loài người một viễn tượng mới: Thế giới loài người không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ vật chất nhưng còn mở vào cõi vô biên. Cuộc đời con người không chấm dứt trong nấm mồ tối tăm nhưng vượt qua đó để tiến vào vĩnh cửu.
Như ấu trùng ve sầu chui ra khỏi những lớp đất tăm tối, lột bỏ chiếc vỏ chật hẹp để đón chào thế giới mới, cất tiếng ca vang dưới ánh nắng mặt trời, con người cũng được mời gọi vượt lên trên thế giới hữu hình, phá bỏ lớp vỏ vật chất bó chặt đời mình để vươn vai trở thành tạo vật mới, sống một đời sống mới.
Thánh Phao-lô nhắc nhở chúng ta hãy hướng về đích xa:
“Quê hương chúng ta ở trên trời” (Phi-lip 3, 20)
Thế nên: “Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới.” (Col 3, 1-4)
Sự kiện Chúa Giê-su lên trời kêu gọi chúng ta hướng về đích cao: đừng chỉ lo phần xác mà quên mất phần hồn, không chỉ biết đời nầy nhưng còn phải chuẩn bị cho đời sau.
Chỉ dán mặt xuống đất mà không biết ngẩng lên nhìn trời là đánh mất cuộc sống.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà     nguồn: từ Maria Mai gởi

ĐGH John Paul II bị ám sát ở Vatican

ĐGH John Paul II bị ám sát ở Vatican  

Vào ngày 13 tháng 5 năm 1981, ĐGH đã bị một người đàn ông Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ tên là Mehmet Ali Ağca bắn trọng thương khi Ngài đang đứng trên xe chạy vòng quanh Quảng trường Thánh Phêrô như thường lệ.

ĐGH lập tức quỵ xuống vì đau đớn rồi từ từ ngã trong vòng tay các cận vệ. Ngay sau đó, hung thủ thực hiện vụ mưu sát bị cảnh sát tóm gọn. Nhưng kẻ tòng phạm đứng cách đó một đoạn xa thì nhanh chóng chạy thoát.

Viên đạn chỉ đi xuyên qua ổ ruột, cách động mạch vài ly, rồi rớt ngay trong xe, khiến ĐGH dù bị mất đến 2/3 số máu trong cơ thể, nhưng vẫn được cứu sống kịp thời. Các bác sĩ cho rằng nếu viên đạn cắt ngang động mạch, ĐGH sẽ chết tại chỗ hoặc trên đường cấp cứu. Về phần mình, ĐGH lại xem đó như một sự can thiệp lạ lùng của Ðức Mẹ Maria.

Sau khi hồi phục, ĐGH đã tuyên bố với mọi người rằng: “Tôi luôn cầu nguyện cho người anh em đã bắn vào tôi, người tôi đã chân thành tha thứ”. ĐGH đã viết thư định gửi cho hung thủ Ağca: “Tại sao anh lại bắn tôi khi mà cả hai chúng ta đều chung đức tin vào Chúa?” Nhưng thay vì gửi bức thư đó, đã quyết định đến gặp Ağca. Năm 1983, ĐGH đến thăm Ağca và tha thứ cho việc ám sát Ngài. ĐGH còn cầu khẩn nhà cầm quyền Ý ân xá cho Ağca. Ngài đã giữ liên lạc với gia đình của Ağca nhiều năm sau đó và đã thăm mẹ Ağca năm 1987.    xem thêm: thanhnhacngaynay.

VỀ BỨC ẢNH ĐỨC MẸ ĐỠ ĐỨC GIÁO HOÀNG
KHI NGÀI BỊ TRÚNG ĐẠN

Pope in bed

ĐGH trên giường bệnh

Pope john paul injured

ĐGH bị trúng thương

Pope shot - See the gun

Khẩu súng nhìn thấy trong vòng tròn trên ảnh

Pope with Ali Agca

ĐGH với hung thủ Ali Agca

Pope with mother of Ali Agca

Thăm mẹ của hung thủ Ali Agca

Pope with the man who shot him

ĐGH vào trại giam thăm kẻ ám sát Ngài

Joseph Ratzinger: Nhà Thần học và Đức Giáo Hoàng

Joseph Ratzinger: Nhà Thần học và Đức Giáo Hoàng
 
 
            Như một sự trọng kính ĐTC Benedict XVI vào sinh nhật thứ 85 của Ngài và kỷ niệm lần thứ 7 với ngôi vị kế thừa Thánh Phê-rô của Ngài, nhật báo “Il Sole 24 Ore” và “L’Osservatore Romano” đã chuẩn bị một cuốn sách 88 trang tựa đề, “Joseph Ratzinger teologo e pontefice.” Công việc xuất bản được bao gồm cả miễn phí trong ấn bản hàng ngày của nhật báo Milan vào ngày 24 tháng Tư, ngày Nhiệm kỳ Giáo Hoàng của ĐTC Benedict được tấn phong trọng thể cách đây bẩy năm. Tường thuật kỹ thuật số sẽ được chuyển tiếp trên website của “Il Sole 24 Ore,” được bổ sung bằng nhiều phương tiện truyền thông nội dung bằng tiếng Anh và Tây Ban Nha. Ngôn ngữ cuối cùng, cuốn sách sẽ được xuất bản vào ngày 26 tháng tư bằng tiếng Tây Ban Nha bởi “La Razón,” như một sự đính kèm trên website ấn bản hàng ngày. Tổng biên tập viết lời bạt của cuốn sách.
Vào ngày 19 tháng Tư năm 2005 Giu-se Ratzinger được bầu chọn Giáo Hoàng – gần một ngày bởi Hội đồng Hồng y thiêng liêng nhất trong lịch sử – nhiều người ngạc nhiên. Vì một lý do, chủ yếu bởi vì nghi thức xã giao ôn hòa bền bỉ, vì đa phần người Đức, vì thời gian gian 23 năm đáng kể mà Ngài với tước hiệu chính thức nguyên Văn phòng Tòa Thánh và hầu như bất cứ điều gì quan trọng Ngài đóng một vai trò trọng đại trong việc thừa hành Đức Gio-an Phao-lô II, người mà đã gọi mời Ngài tới Roma mà Giu-se đã cộng tác mật thiết.
 
Đã có những dự đoán và mong đợi khác xa những sự kiện, giống như hình ảnh rập khuôn, dàn trải phi thực tế bởi nhiều điều vô căn cứ. Hiển nhiên, vị Hồng y ấy, đã được Hội đồng Hồng y bầu chọn Giáo Hoàng, người mà đã có một thời gian ham mê ẩn dật nơi quê hương Bavaria của mình để trở lại với toàn bộ thời gian nghiên cứu. Không làm bất cứ việc gì cho đến khi được bầu chọn. Đó là điểm mấu chốt quan trọng có thể làm đảo lộn tất cả mà không được tìm thấy, do vậy, giống như một con người vào năm 1977 đã để lại dấu ấn của nhà thần học tuổi 50 lẫy lừng này. – người mà hơn 15 năm trước đã đến Roma tham dự Hội nghị Công đồng Vaticano II với tư cách là một cố vấn duy nhất của những thành viên lỗi lạc Hội đồng Giám mục Đức – sự chỉ định tổng Giám mục và ngay sau đó được ĐTC Phao-lô VI tấn phong Hồng y.
 
DÀnh cho kỳ niệm mừng sinh nhật lần thứ 85 của ĐTC Benedict XVI, và dành cho khởi đầu năm thứ tám của ngôi vị Giáo Hoàng, ý tưởng này được kết hợp và cập nhật trong một cuốn sách nhỏ một số những công việc được biết đến ít ỏi so với công việc của ngài: trong một ánh sáng nhưng không phải là một cuộc đốithoại thiển cận giữa một con chuột (Armando Massarenti) và một con voi (Giuliano Ferrara) về người thế tục và tôn giáo, vì sự đề nghị đọc những tác phẩm của Ratzinger – không chuyên môn hóa cũng không hệ thống hóa, mà chỉ là trí năng và nhận thức – được đề nghị bởi một sử gia (Lucetta Scaraffia), và cuối cùng là bảng tóm tắt niên đại cuộc đời của một nhà thần học bước lên ngôi vị Giáo Hoàng.
 
Khả năng bắt đầu công việc này được hai nhật báo khuyến khích – Il Sole 24 Ore và L’Osservatore Romano – chủ yếu truy tìm để giới thiệu một con người và sau đó là những tác phẩm của một bậc tài trí đã cống hiến và cống hiến đời mình cho công trình nghiên cứu bất tận và truy tìm chân lý vô tận cho một cuộc đối thoại không ngừng giữa đức tin và suy lý, với một tài hung biện để nói với tất cả.
 
Nhân dịp trọng đại này với niềm hy vọng của Nghi lễ Đế quốc La mã Đông phương eis ete polla có thể được áp dụng, bằng tiếng La tinh cô đọng cầu chúc ad multos annos với những lời mộc mạc, kính chúc Đức Thánh Cha một Sinh Nhật Hạnh Phúc.
 
 Jos. Tú Nạc, NMS

Thánh Athanasius

02/05/2012

 2 Tháng Năm

  Thánh Athanasius
    (296? – 373)

     Cuộc đời Thánh Athanasius đầy bôn ba vì tận tụy phục vụ Giáo Hội. Ngài là quán quân bảo vệ đức tin đối với sự lan tràn của lạc thuyết Arian. Sự nhiệt huyết của ngài được thể hiện trong các trước tác giúp ngài xứng đáng là Tiến Sĩ Hội Thánh.

     Sinh trong một gia đình Kitô Giáo ở Alexandria và được giáo dục kinh điển, Athanasius gia nhập hàng giáo sĩ và là thư ký cho Ðức Alexander, Giám Mục của Alexandria, và sau đó chính ngài được nâng lên hàng giám mục. Vị tiền nhiệm của ngài, Ðức Alexander, từng là người lớn tiếng chỉ trích một phong trào mới đang bành trướng ở Ðông Phương thời bấy giờ, đó là lạc thuyết Arian, họ khước từ thiên tính của Ðức Kitô và không coi Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa.

     Khi Ðức Athanasius đảm nhận vai trò Giám Mục của Alexandria, ngài tiếp tục chống với lạc thuyết Arian. Lúc đầu, cuộc chiến dường như dễ dàng chiến thắng và lạc thuyết Arian sẽ bị kết án. Nhưng thực tế thì trái ngược. Công Ðồng Tyre đã được triệu tập và vì một vài lý do không rõ ràng, Hoàng Ðế Constantine đã trục xuất Ðức Athanasius đến miền bắc nước Gaul. Ðây là chuyến đi đầu tiên trong một chuỗi hành trình và lưu đầy có nét phảng phất như cuộc đời Thánh Phaolô.

     Khi Constantine từ trần, hoàng tử kế vị đã phục hồi quyền giám mục của Ðức Athanasius. Nhưng chỉ được có một năm, ngài lại bị truất phế vì sự liên hiệp của các giám mục theo phe Arian. Ðức Athanasius đã đệ đơn lên Rôma, và Ðức Giáo Hoàng Julius I đã triệu tập một công đồng để duyệt qua vấn đề và các khó khăn liên hệ.

     Trong bốn mươi sáu năm làm giám mục, ngài đã phải lưu đầy mười bảy năm chỉ vì bảo vệ tín điều về thiên tính của Ðức Kitô. Trong một thời gian, ngài được an hưởng 10 năm tương đối bình an để đọc sách, viết lách và cổ võ lý tưởng của đời sống đan viện mà ngài hết lòng tận tụy.

     Các văn bản và giáo lý của ngài hầu hết là các bài bút chiến, trực tiếp chống lại mọi góc cạnh của lạc thuyết Arian. Trong các văn bản của ngài về đời sống khổ hạnh, cuốn Ðời Sống Thánh Anthony được nhiều người biết đến và góp phần lớn trong việc thiết lập đời sống đan viện trên khắp thế giới Kitô Giáo Tây Phương.

    Lời Bàn

     Khi là Giám Mục của Alexandria, Thánh Athanasius đã phải đau khổ nhiều vì những thử thách. Ngài được Chúa kiên cường để chống lại một điều tưởng như không thể nào vượt qua được vào lúc bấy giờ. Thánh Athanasius đã sống trọn vẹn trách nhiệm của một vị giám mục. Ngài bảo vệ đức tin chân chính cho đàn chiên, bất kể giá phải trả. Trong thế giới ngày nay, chúng ta cũng được mời gọi để giữ vững đức tin chân chính với bất cứ giá nào.

    Lời Trích

  Những khó nhọc mà Thánh Athanasius đã phải đau khổ trong khi lưu đầy — trốn tránh, bỏ chạy từ nơi này sang nơi khác — nhắc nhở chúng ta về những gì mà Thánh Phaolô đã đề cập đến trong cuộc đời ngài: “Trong nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, ở sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em; trong vất vả mệt nhọc, qua những đêm không ngủ, qua sự đói khát, thường xuyên phải nhịn ăn uống, qua sự lạnh lẽo và trần truồng. Ngoài những điều này, hằng ngày tôi còn bị ray rứt vì sự ưu tư lo cho tất cả các giáo hội” (2 Corinthians 11:26-28).

Tay con chuỗi hạt ngọc ngà

Con ca tụng Mẹ lời hoa thắm tình

Ngày ra từ buổi bình minh

Đến chiều còn vọng khúc kinh tuyệt vời

 nguồn:  từ Maria Mai gởi

CHÚA ĐÃ CỨU THOÁT TÔI KHỎI VỰC THẲM XÌ KE TĂM TỐI

 

CHÚA ĐÃ CỨU THOÁT TÔI KHỎI VỰC THẲM XÌ KE TĂM TỐI

                                                                                      Hạnh Uyên    

 Xôphônia 3:17 “Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi, Người là vị cứu tinh, là Đấng anh hùng. Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi. Vì ngươi Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng”.

 Con muốn làm chứng cho lòng thương xót của Chúa đã dành cho con, và sự biến đổi  cuộc đời con khi nhận ra tình yêu của Chúa. Những điều con viết ra để làm chứng chứ không phải nói xấu gia đình, mặc dù vốn là con người ai cũng là người bất toàn. Gia đình con bị chia rẽ khi đến định cư tại Hoa Kỳ. Mẹ và em con đi trước vào năm 1980, riêng con và ba được xum họp với gia đình 7 năm sau đó. Sự xum họp sau một thời gian khá dài đã làm cho ba mẹ con có những điều không đồng tư tưởng gây ra nhiều xung đột trong gia đình.

 Con lúc đó 14 tuổi, là tuổi đang lớn, đúng ra con rất cần tình thương của mẹ, nhưng thực tế, bố mẹ con không đầm ấm thì lấy gì mà dành thời gian cho con cái. Lúc đó con học lớp 10, phải cố gắng thật nhiều để học ngôn ngữ mới, cùng hoà nhập vào đời sống và học cho kịp với bạn bè cùng trường. Hoàn cảnh gia đình con không vui, gia đình không có bữa ăn chung với nhau. Hầu như mỗi ngày con đều nghe bố mẹ cãi nhau. Liên hệ giữa bố mẹ ngày càng căng thẳng và xa cách tưởng chừng như phải ly dị. Là một người con trưởng trong gia đình, ra đi vượt biên cầm cái chết trong tay để đánh đổi sự tan vỡ của bố mẹ là điều không thể chấp nhận được. Con đã không vui khi nghe bố nói mẹ muốn ly dị. Sự chán chường và bế tắc vì con không biết giúp gì được cho hạnh phúc gia đình.

 Sau khi tan trường con thường không về nhà, con chỉ thích đến nhà bạn bè chơi, tập tành những thói xấu như hút thuốc, đánh bài, cúp cua học, ngay cả xì ke con cũng thử cho khuây khỏa. Dần dần con quen đi chơi không về nhà, để tìm vui và cũng để tránh sự căng thẳng cho đầu óc. Con đã trốn khỏi nhà để tìm cuộc sống tự do, thoải mái muốn làm gì thì làm khỏi bị ai làm căng thẳng. Sống một mình con đã gặp nhiêù thử thách, ngoài giờ làm và giờ học con dành hết thời gian ngập mình vào tìm những cảm giác mới của rất nhiều loại thuốc phiện khác nhau từ E, đến Marajuana, đến Meth. Có những ngày trong suốt tuần con đã không ăn gì vì thuốc làm con không cảm thấy đói, chỉ uống nước và sữa. Cũng may con còn đủ điểm để ra trường lớp 12. Con không nghĩ đến tương lại tuổi trẻ mà chỉ tìm vui cho quên đi những nỗi buồn. Việc sống đạo của con lúc này rất bê bối.

 Việc bỏ nhà ra đi của con đã làm cho bố mẹ con hòa thuận lại với nhau. Cha mẹ có thể không hoà thuận với nhau, hay thậm chí có thể bỏ nhau nhưng tình yêu dành cho con cái luôn luôn thật nhiều. Bố muốn con về lại nhà để sống, vì thương bố nên con đã nghe lời. Mặc dầu về nhà sống, những thói hư tật xấu vẫn còn trong con. Con vẫn tiếp tục đi làm, đi học đại học và vẫn chơi thuốc phiện. Cho đến lúc con bị thất nghiệp, con lại càng đi chơi và nghiện ngập nhiều hơn trước. Khi có hãng ở xa mướn con làm, đó là lúc con dời nhà ba mẹ để chuyển về quận Cam, California đi làm công việc mới. Tánh tình con rất nóng nảy và thẳng, nên khi vào làm chỗ mới này con đã có nhiều xung đột với những người xung quanh và đặc biệt là ông xếp. Đã có lúc con bỏ việc không đi làm. Nhưng rồi Chúa thương, ông chủ hãng đã gọi con trở lại làm.

 Lời Chúa hứa qua tiên tri Isaia 42:16 “Ta dẫn người mù tối qua những lối chưa tỏ tường, trên nẻo đường mới lạ, sẽ dìu con bước đi. Ta biến đổi bóng tối thành ánh sáng soi cho con và uốn khúc gập ghềnh thành quan lộ thẳng băng”.

 Thời gian này có khóa tĩnh tâm Thánh Linh cuối tuần, chị bạn cùng hãng khuyên con nên đi tham dự. Lúc đầu con tính không đi vì nghĩ mình không phải tuýp người như vậy, nhưng chị vẫn cứ thuyết phục nên cuối cùng con cũng muốn đi thử. Trong khóa, Chúa đã làm cho con khóc rất nhiều. Chúa cho con thấy được tội của con, và con cảm thấy xấu hổ vì những hành vi của mình trong quá khứ.

 Giống như lời Chúa hứa qua tiên tri Edêkien 11:19 “Ta sẽ ban cho chúng một trái tim và đặt thần khí mới vào lòng chúng. Ta sẽ lấy khỏi chúng trái tim chai đá và ban cho chúng một trái tim bằng thịt”.

 Sau khi đi dự khóa Thánh Linh, Chúa chữa lành cơn nghiền xì ke, một chứng bệnh và ở mức độ nghiện nặng chẳng có thể mà chữa khỏi được. Hơn thế nữa, Chúa Thánh Thần cho con sức mạnh chống lại cám dỗ khi bạn bè rủ đi chơi xì ke, để con có thể từ chối. Cám ơn Chúa đã làm cho con những điều kỳ diệu. Chúc tụng Thiên Chúa đến muôn đời. Chúa đã thương cứu thoát con khi mảnh đời tan vỡ và khi con sống trong tội lỗi.

 Con nhận ra lòng thương xót của Chúa khi đang ở trong tội và tránh không để mình phạm tội. Con bắt đầu nhận ra Chúa biến đổi đời sống của con bằng cách là trước kia con không đi lễ, không xưng tội, nhưng giờ thì Chúa thúc đẩy con phải đi lễ, cảm thấy cần phải đi xưng tội để tìm lấy sự bình an trong tâm hồn. Xưa kia con không bao giờ đọc Kinh thánh, nhưng từ khi có Chúa con bắt đầu đọc, nhưng không hiểu nhờ con cầu nguyện Chúa Thánh Thần soi sáng con hiểu và nhận ra được điều Chúa muốn dạy. Qua những thay đổi con nghiệm được rằng Chúa Thánh Thần là tác động đem con đến với Chúa Giêsu. Cám ơn Chúa đã cho con một trái tim mới.

 Nhóm bạn ăn chơi của con khi xưa, bây giờ có người cũng được biến đổi bằng nhóm cầu nguyện. Chúa Thánh Thần cho con nhìn ra được mục đích của đời sống, con đã tham gia ca đoàn vì con thấy ca ngợi có ý nghĩa cũng như đi phục vụ và dạy giáo lý.

 Chúa chữa lành mối dây liên hệ trong gia đình giữa bố mẹ con, anh em bây giờ hiểu và thương nhau hơn. Chúa cũng chữa bịnh đau bao tử của con do 6 năm nghiện xì ke. Chúa cũng chữa lành bịnh xưng nướu răng cũng do xì ke gây ra. Chúa thay đổi tính tình con không còn nóng tính, dễ chịu hơn và cảm thông cho người khác. Có Chúa con thành người mới. Tất cả sự đổi mới của con do tác động quyền năng của Chúa Thánh Thần con nhận được qua dự khóa Thánh Linh.

 Con xin mượn lời trong thơ Titô 3:4 để tóm kết những lời con vừa chia sẻ: “Nhưng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, đã biểu lộ lòng nhân hậu và lòng yêu thương của Người đối với nhân loại. Không phải vì tự sức mình chúng ta đã làm nên những việc công chính, nhưng vì Người thương xót, nên người đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, đễ chúng ta được tái sinh và đỗi mới”.

 Cám ơn Chúa đã đưa con về trong tình yêu của Chúa. Con mời gọi các bạn trẻ đang xa tình yêu Chúa hay đang cảm thấy cuộc đời không còn một lối đi, một con đường thoát, xin các bạn hãy thành tâm trở về với Thiên Chúa. Ngài là con đường, là ánh sáng cho bạn. Ngài sẽ không những cứu linh hồn của bạn mà còn cứu thể xác của bạn nữa.

Hạnh Uyên         nguồn: thanhlinh.net

Trong cô đơn và lãng quên, một bác sĩ Công Giáo cứu giúp kẻ liệt tại vùng chiến sự Sudan

Thương xác bảy mối: Trong cô đơn và lãng quên, một bác sĩ Công Giáo cứu giúp kẻ liệt tại vùng chiến sự Sudan
                                                             Trần Mạnh Trác  4/30/2012                                 nguồn: vietcatholic.net
 
 
Theo hồi ký của ông Alex Perry, giám đốc báo chí cuả TIME tại Phi Châu, thì nhiều người Công Giáo vẫn lì lợm ở lại vùng nuí Nuba hẻo lánh cuả Sudan để cứu giúp những người thiểu số đang bị săn đuổi tàn sát:
Tại bệnh viện Đức Mẹ Thương Xót (Mother of Mercy Hospital,) nằm sâu trong vùng kiểm soát cuả phiến quân ở vùng núi Nuba cuả Sudan, em Daniel Omar, 14 tuổi, kể lại trường hợp cuả em bị chặt đứt cả hai tay vì một quả bom vào đầu tháng ba vừa qua như sau:

“Em đang chăn bò ở Dar El thì nghe thấy tiếng máy bay Antonov, vì vậy em vội nằm xuống. Sau đó, em nghe thấy tiếng rít cuả bom và nhìn thấy nó đang rơi xuống ngay trên đầu mình. Vì vậy, em nhảy lên, nấp sau một gốc cây, và ôm chặt lấy thân cây.”

Quả bom rơi cách Daniel chỉ có vài mét. Cái cây, thực ra chỉ là một loại bụi gai ở sa mạc có một cái gốc dày, đã bảo vệ cơ thể của Daniel, nhưng hai tay của em đã bị sức nổ phá nát. “Em nhìn thấy máu”, Daniel nói. “Em không nhìn thấy tay nữa. Em thậm chí không khóc lên được. Em đứng lên, và bắt đầu đi, rồi gục xuống. Một người lính chạy đến và kéo em vào trong bóng râm. Sau đó, ông ta lấy một chiếc xe hơi, rửa và băng bó cho em, và đưa em tới đây. ”

Nói chung, những câu chuyện như vậy ở Châu Phi thì ít khi mang nhiều sự thật. Châu Phi – một lục địa có hơn 50 quốc gia và một tỷ người – đã nổi danh vì những câu chuyện được phóng đại trước mặt những người Tây phương. Nhưng trong trường hợp của Daniel và hàng trăm người khác ở nơi đây, lý do duy nhất mà họ còn sống để kể những câu chuyện là bởi vì có sự tận tâm của một bác sĩ phẫu thuật Mỹ, BS Tom Catena, người đã sống ở vùng núi Nuba từ năm 2008.

Catena, 47 tuổi, đến từ New York, ông đã làm việc ở vùng núi Nuba ba năm trước khi chính phủ Khartoum của Sudan phát động một cuộc tấn công vào phiến quân Nuba hồi cuối tháng Sáu năm ngoái. Nhưng những gì bắt đầu như một cuộc tấn công vào quân du kích nhanh chóng trở thành một cuộc tấn công vào tất cả các sắc dân thiểu số nói chung. Mỗi khi chính phủ kiểm soát một khu vực nào thì sẽ có hàng loạt các vụ tàn sát dân thường: dự án truyền hình vệ tinh Sentinel, điều chỉnh sự theo dõi từ trên không gian nhắm vào các hành động tàn bạo và các cuộc hành quân ở Sudan, đã tìm thấy nhiều vết tích trông giống như tám ngôi mộ tập thể ở trong và xung quanh thủ phủ Kadugli.

Bác sĩ Catena là người duy nhất ở nhà thương có khả năng đối phó với những thương tích nghiêm trọng. Và như vậy, có lẽ không ai có uy tín hơn để mô tả những gì chính quyền Khartoum đang làm với công dân của họ. Tôi hỏi Catena có bao nhiêu người bị thương mà ông đã điều trị kể từ khi cuộc chiến bắt đầu: 822, ông nói. Trong số đó, 140 vụ là thương tích thường và 102 vụ là nghiêm trọng, chủ yếu là phải cắt bỏ. Catena cho biết thêm rằng số bệnh nhân bị thương nặng nhất là 73 và là nạn nhân cuả các vụ đánh bom từ máy bay Antonov. Ông không có nghi ngờ nào về ý định của Khartoum. Đó là, ông nói, “đã có những tính toán trước khi đánh bom trên vùng dân sự. .. để khủng bố người dân và buộc họ rời khỏi nhà của họ, và đất đai của họ.”

BS Tom Catena, là thành viên hội đồng quản trị các Tình Nguyện viên Công giáo, đã làm việc tại Bệnh viện Mother of Mercy ở miền núi Nuba Sudan từ năm 2007.

Đây là lần thứ hai tôi gặp BS Catena. Lần đầu tiên hồi cuối tháng Sáu khi chiến dịch thanh trừng sắc tộc cuả chính quyền Khartoum khởi sự. Lúc đó, ông đã cho phép tôi đi lang thang trong khu bệnh viện của ông để thu thập lời khai. Bây giờ là mười tháng sau, trông ông hốc hác hẳn ra. Liên tục làm việc trong khu cấp cứu, BS Catena đã không thể rời khu giải phẫu trong 14 tháng dài, dưới sự đe doạ bị tấn công bất cứ lúc nào. “Tôi không biết lý do tại sao chúng tôi đã không bị bỏ bom”, ông nói. “Mỗi khi họ bay qua, tôi nghĩ rằng: ‘đây có phải là ngày đó chăng?” Thực ra họ chẳng phải là những người có lòng nhân đạo, hay có chút e dè về một nguyên tắc đạo lý nào cả. Vì họ đã từng đánh bom nhiều bệnh viện trước đây.”

Được hỏi tại sao ông trông xanh xao như thế này, ông cho biết “có một chút sốt rét” và cũng còn bị xúc động vì một cái chết trong đêm trước của một bệnh nhân. “Ông ta bị 20 lỗ trong ruột của mình,” Bs Catena nói “Chúng tôi ráng chữa một số và ông ta có vẻ hồi phục, thế là mỗi đêm chúng tôi cố chữa thêm một cái gì đó nữa cho ông ta, và ông ta lại bình phục rất tốt, giống như một con thuyền êm ả lướt sóng vậy. Thế rồi, ông ta tự nhiên bật ngửa ra chết vào lúc ba giờ sáng. Tôi không thể giải thích nổi.”

BS Catena hiểu rất rõ ràng về những gì đã thu hút ông đi tới miền núi Nuba: đó là đức tin Kitô giáo của mình. Ông luôn luôn ấp ủ ý định làm việc truyền giáo, và sau khi đậu bằng kỹ sư cơ khí và trả xong nợ, ông trở lại học y khoa. “Tôi nhận ra là ngành cơ khí không thích hợp cho công việc truyền giáo.” Ông gia nhập Hải quân để có cơ hội học y khoa và phục vụ là một bác sĩ cho các phi công Hải quân cho đến khi trả xong nợ của Hải Quân. Thế rồi, ông bắt đầu đi về châu Phi, làm việc ở Kenya, ở Nam Sudan, và sau cùng là bệnh viện Mother of Mercy, khi bệnh viện này mở cửa vào tháng 3 năm 2008. “Ý tưởng chính là phục vụ”, ông nói. “Bạn lấy Chúa Kitô làm hướng dẫn cho bạn, làm cố vấn của bạn. Đây là những gì Ngài đã làm. Ngài đến để phục vụ, chứ không phải được phục vụ, và tôi cố gắng noi theo cái gương đó. ”

Đức tin cuả Catena cũng đã thuyết phục ông ở lại sau khi chiến tranh bùng nổ, ngay cả khi vị giám đốc của ông muốn ông rút lui. “What the heck?” (“Sao phi lý thế“) Ông kêu lên. “Chúng ta là nhà truyền giáo mà. Thời gian của Chúa Kitô chính là những lúc bạn có nghĩa vụ phải có mặt. Chứ đâu phải là những lúc bạn thối lui.” Tuy nhiên ông không phải là một nhà tuyên truyền. Việc tuyên truyền không phù hợp với người Nuba, là những người hoàn toàn khác với nhóm Hồi giáo hiếu chiến, áp bức của chính phủ Khartoum – họ (dân Nuba) cho phép tự do và hỗn hợp tôn giáo, ngay cả trong một gia đình. Em Daniel là một trường hợp diển hình. Em đeo một cây thánh giá trên cổ, nhưng em nói: “cha mẹ em là người Hồi giáo. Nhưng ngay từ khi em biết nói, em đã quyết định làm một Kitô hữu. Và họ để mặc em.”

Tuy nhiên đức tin cuả Catena cũng không thể ngăn cản ông ta tưởng tượng ra những giải pháp thực dụng rất là ‘trần thế’ để giải quyết cái khổ mà mọi người đang nhìn thấy mỗi ngày. “Chúng ta cần phải thiết lập ra một hành lang nhân đạo”, ông nói. “Một khu vực cấm bay là một ý tưởng tốt, nhưng có nhiều người cho rằng chi phí cho giải pháp này là quá cao. Vâng, tôi đã từng phục vụ trong 1 phi đội F-18 của Hải quân và tôi biết chỉ cần 1 phi đội duy nhất là có thể kết thúc toàn bộ không lực của Sudan trong vòng một ngày.”

Sự tức giận cuả BS Catena lại tăng thêm với ý nghĩ rằng, ông sắp phải điều trị 1 đợt thứ hai cho các nạn nhân bị oanh kích. Hầu hết các gia đình đã phải rời bỏ làng xóm của họ, một số đi tới các trại tị nạn ở Nam Sudan, nhưng hàng trăm hàng ngàn người khác đã tìm trú ẩn trong các hang động rải rác trên miền núi đá Nuba. Xa quê hương bản thổ và không thể trồng cấy, một nạn đói – và có thể là một cuộc chạy loạn ồ ạt – đang lấp ló xuất hiện.

Nhưng sau cùng thì, ngay cả đối với một bác sĩ phẫu thuật, rất có thể là một trong những người ‘cưa chân cắt tay’ nhiều kinh nghiệm nhất thế giới, cũng có nhiều điều ông ta không thể sửa chữa nổi. Sau hơn một tháng, những vết thương của Daniel đã lành, hai cổ tay cuả em trông trơn tru và gọn gàng, chỉ lờ mờ là một vết sẹo. Nhưng hình như cái đau trong lòng thì vẫn chưa lành được. “Nếu không có bàn tay, em không thể làm bất cứ điều gì”, Daniel nói. “Em thậm chí không thể chiến đấu. Em sẽ là một gánh nặng cho gia đình trong tương lai”

Daniel đã nhìn thẳng vào mắt tôi và nói “Nếu em có thể chết được, thì em cũng muốn chết phứt đi cho rồi.”

Một Chỗ Khủng Khiếp

Một Chỗ Khủng Khiếp

Câu chuyện xảy ra tại một nhà giam bên Liên Xô. Một cựu tù nhân, bà Arsenjeff, thuật lại một kinh nghiệm mắt thấy tai nghe diễn ra tại đó, nơi bà gọi là “Một chỗ khủng khiếp” như sau: Một buổi chiều kia, một cô gái trẻ cùng bị giam với chúng tôi kề miệng vào tai tôi khẽ nói: chị biết mai là ngày gì không? Rồi không đợi tôi trả lời, cô ta nói tiếp: “Mai là ngày lễ Phục Sinh”.

Nghe thế, tôi tự hỏi: “Lễ Phục Sinh đã đến rồi sao, lễ của niềm vui và hy vọng? Nhưng trong tù, niềm vui của chúng tôi đã héo úa và khô cằn. Còn niềm hy vọng?…”. Tôi đi lại trong phòng và không dám suy nghĩ tiếp. Bỗng một tiếng reo vang nổi lên phá tan bầu không khí nặng nề: “Đức Kitô đã sống lại thật”.

Quá sức sửng sốt, các nhân viên trở nên bất động như những tượng gỗ. Có lẽ trong tâm trí, họ giận dữ lên án một diễn tiến không bao giờ xảy ra tại đây. Sau một lúc yên lặng, tôi nghe tiếng giày nặng nề tiến đến gần phòng giam của chúng tôi. Rồi cửa phòng được mở tung. Hai nhân viên giận dữ hỏi ai đã xướng câu mê tín dị đoan và hùng hổ túm lấy cô gái, lôi cô ta sền sệt ra khỏi phòng.

Một tuần lễ sau, cô ta được thả về phòng giam, mặt cô ta xanh xao, người gầy đi thấy rõ. Qua tuần lễ Phục Sinh, người ta đã biệt giam cô vào một phòng không có lò sưởi, để cái lạnh thấu xương và cơn đói hành hạ thân thể một con người họ cho là cuồng tín. Sau khi nằm yên tại một góc phòng hồi lâu, cô ta vẫy tay gọi tôi lại thều thào: “Dù sao tôi cũng đã tuyên xưng niềm tin vào sự Phục Sinh trong trại giam. Những cái khác không quan trọng gì cho lắm”. Nói xong cô cố gắng mỉm cười và tôi thấy ánh mắt cô vẫn lóe sáng lên như dạo nào.

Được dịp tuyên xưng niềm tin Phục Sinh cách đặc biệt như cô gái trên thật hiếm hoi. Nhưng mẫu gương can đảm của cô phải nhắc nhở chúng ta cố gắng thực thi lời nguyện chúng ta luôn cùng nhau xướng lên sau những lời truyền phép: “Chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho đến khi Chúa lại đến”.

Tuyên xưng việc Chúa sống lại bằng cách hiểu rõ ý nghĩa và giá trị của sự chết, của những đau khổ, của những vấn đề khó khăn. Cuộc sống của chúng ta không chỉ đóng khung và chấm cùng tại đó. Nhưng người mang niềm tin Phục Sinh phải chiến đấu để vượt qua, để lướt thắng những khó khăn, hạn chế những đau khổ, những sự dữ, những tội lỗi, để phát huy cuộc sống mới của những tạo vật được tái sinh nhờ cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Kitô.

Trích Lẽ Sống

ĐẠI HỌC SỰ CHẾT

   ĐẠI HỌC SỰ CHẾT

Hôm thứ Hai ngày 16/4/2007, một sinh viên và là hung thủ đã nổ súng gây tử thương cho 32 người tại đại học Virginia Tech đã làm chấn động dư luận Mỹ và trên thế giới. Đây là cuộc thảm sát tệ hại nhất lịch sử Hoa Kỳ. Hung thủ tên là Cho Seung-Hui, một thanh niên 23 tuổi người Nam Hàn, được mô tả là người cô đơn, bất thường và bạo động. Cho đang theo học ngành Anh văn và sống trong nội trú của trường Đại học Virginia Tech. Cho đã để lại các bức thư chống phụ nữ và con cái nhà giàu một cách dữ dội.

Chân dung lạnh lẽo của Cho Seung-Hui, đã xuất hiện trên báo chí và truyền hình một ngày sau vụ tàn sát tại trường Ðại Học Virginia Tech. Mùa Thu năm ngoái, Cho đã cung cấp những kịch bản chứa đựng đầy những hình ảnh đồi trụy và bạo lực mà Cho đã viết trong khi anh ta theo học lớp viết kịch bản cùng thời gian với lớp Anh ngữ. Một kịch bản nói về một trận cãi vã giữa con riêng và cha kế trong đó gồm cả hành động ném búa và tấn công với cưa máy. Kịch bản thứ hai nói về những học sinh tưởng tượng một cuộc tấn công và giết người thầy giáo đã sờ mó họ.

Cho đã tự sát sau vụ nổ súng và vì anh có lối sống cô độc nên không ai biết rõ chính xác nguyên nhân nào khiến anh đã hành động như vậy. Theo tin tức mới nhất thì anh có mối thù ghét các con nhà giàu với lối sống đồi truỵ.

Sau 2 ngày xảy ra vụ Cho nổ súng với con số thương vong tệ hại nhất trong lịch sử Hoa kỳ thì tại Irắc cũng sảy ra 4 vụ nổ bom gây tử thương cho trên 170 người. Đây cũng là vụ sát hại tệ hại nhất trong một ngày của lịch sử chiến tranh khủng bố ở Irắc. Những tên khủng bố quốc tế gọi chiến trường Irắc hôm nay là “Đại học khủng bố” (University of Terror) mà qua đó các sinh viên đang thực hành việc ôm bom. Khủng bố ngày càng tinh vi hơn trong các chiến thuật giết người. Chúng dùng “bom người” và tất cả những vũ khí có thể được để giết người bất kể người đó là ai thường dân hay binh lính, và chết càng nhiều càng tốt.

THẾ GIỚI SỰ CHẾT

Những vụ bạo động, khủng bố xảy ra trên khắp thế giới đang đưa nhân loại vào đêm đen tăm tối. Con người đã trở nên mối đe dọa của chính con người. Con người đã trở nên vũ khí giết con người. Con người đã làm cho con người trở nên bất an. Nhân loại đang sống trong những ngày tháng lo sợ, không có bình an. Bước ra khỏi nhà, lên xe buýt, đi lửa, ngồi trên máy bay con tim đều phập phồng. Trường học, nhà thờ không còn là nơi an toàn. Sự ác đang lan tràn khắp thế giới. Thế giới đang bị sự ác, khủng bố làm áp đảo và chiếm đoạt.

Trong khi đó những ảnh hưởng của môi sinh do các nhà máy hóa học, khí đốt sa thải bừa bãi đang làm cho khí hậu điạ cầu trở nên nóng hơn, ngột ngạt, độc hại hơn. Những tảng băng vĩ đại ở Bắc Cựu đang tan dần thành nước. Nước biển trở nên nóng hơn và sẽ giết chết nhiều loài hải sản. Những rừng san hô dưới lòng biển cung cấp chỗ ở, sinh sản cho các loài tôm cá đang biến thành những sa mạc san hô chìm dưới mặt nước. Người ta tiên đoán trong 50 năm nữa, hải sản sẽ trở nên khan hiếm, cạn kiệt. Con người sẽ rơi vào tình trạng khan hiếm thức ăn nghiêm trọng.

Một hậu quả nữa là sự ô nhiễm khí quyển vì hiện tượng suy giảm (thủng) tầng khi ozon. Chất độc CFC do các nhà máy chế biến công nghiệp xa thải chính là “kẻ khủng bố” tầng khí ozon. Sau khi chịu tác động của khí CFC và một số loại chất độc hại khác thì tầng ozon sẽ bị thủng, không còn làm tròn trách nhiệm của một tấm lá chắn bảo vệ mặt đất khỏi bức xạ tia cực tím UV-B, làm cho lượng bức xạ UV-B tăng lên, gây hậu quả xấu cho sức khoẻ của con người và các sinh vật sống trên mặt đất, mà cụ thể là ung thư da.

Về y tế những bệnh AIDS, ung thư cũng lan tràn, nhưng giết người nhiều nhất vẫn là những vụ phái thai, mà trong đó Việt Nam đứng trong bảng danh sách hàng đầu các nước về số thai nhi bị giết.

CÔ ĐƠN VÀ SỰ CHẾT

Adong là nhân chứng đầu tiên rằng con người không thể sống cô đơn một mình mà có hạnh phúc. Adong được Thiên Chúa tạo dựng nên là người đầu tiên, một mình một cõi, làm chủ mọi loài, không ai phiền hà, quấy rầy thế mà Adong không cảm thấy vui. Một mình thì không thể có tình yêu mà chỉ có cô đơn. Anh Cho đã sống những chuỗi ngày cô độc vì tình yêu của anh không có để cho đi, hay anh chưa nhận ra một Tình Yêu ở trên cao.

Nhạc sĩ Đài Phương Trang đã viết bài nhạc tình yêu cô đơn như sau:

Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không duyên
Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không thành
Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng dở dang
Yêu ai cũng lỡ làng dù rằng tôi chẳng lỗi chi
………

Đời tôi cô đơn bao năm qua vẫn cô đơn
Dù ai đẹp đôi nhưng riêng tôi vẫn lạnh lùng
Trời cho tôi cô đơn bao nhiêu lần nữa đây?….

Vâng, đời Cho “cô đơn” bao năm qua vẫn cô đơn, dù ai đẹp đôi nhưng riêng Cho vẫn “lạnh lùng”. Đơn độc có tình yêu rất khác với cô đơn không tình yêu. Cho cô đơn không tình yêu nên anh đã nghét những người phụ nữ, ghét con nhà giàu. Cho vẫn lạnh lùng nên khi cầm trong tay khẩu súng anh đã rất lạnh lùng nhả đạn. Sự chết và tội lỗi rất thích làm bạn với những kẻ cô đơn không tình yêu. Giuđa ở giữa tình yêu anh em và Thầy mình, nhưng Giuđa đã tự tách khỏi đường tình yêu để đi trong cô đơn đêm tối và sau cùng treo cổ chết trong cô đơn, lạnh lùng.

THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU

Thánh Gioan định nghĩa rất chí lý: “Thiên Chúa là tình yêu”. Và Ngài lại nói thêm: “Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4:8). Rồi Ngài nói thêm: “Kẻ không yêu thương, thì ở lại trong sự chết (1Ga 3:14)”.

Khi xem tin tức về vụ nổ súng ở trường đại học Virginia Tech, hay vụ đánh bom ở Irắc bạn và tôi đều suy nghĩ về sự ác và cái chết. Một người ác thì luôn muốn cho người khác chết, còn kẻ yêu thương thì luôn muốn cho người khác sống. Sự nghịch lý này không phải bây giờ mới xảy ra, mà nó đã xảy ra ngay từ buổi sơ khai của con người. Tội phạm đầu tiên giữa con người với con người là giết người. Ca-in đã giết Aben em mình. Tội phạm lớn lao nhất của con người là giết Thiên Chúa.

Trong hỏa ngục không có tình yêu và vì không có tình yêu nên cũng không Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa là tình yêu vĩnh cửu, tình yêu chân thật. Không có tình yêu của Thiên Chúa, con người vẫn có tình yêu nhưng tình yêu ấy là tình yêu nhất thời, tình yêu ích kỷ, tình yêu xác thịt, tình yêu mù quáng.

Bạn thân mến,

Khi xảy ra vụ thảm sát, người ta bắt đầu chỉ trích chính sách “Gun Control” (Kiểm soát súng ống) của chính phủ Mỹ. Các tay buôn vũ khí có áp lực và chạy hành lang quá mạnh nên luật Gun Control chẳng có cơ hội thông qua. Buồn thay Gun Control không thông qua (not passed) mà việc loại Thiên Chúa ra khỏi trường học, đời sống lại passed (thông qua). Thế giới hôm nay cần God be in control (Chúa làm chủ) đời sống, xã hội hơn là Gun control thì mới có hòa bình thực sự. Ngày nào con người không còn có Thiên Chúa trong cuộc đời thì có sống cũng như chết, có yêu mà chẳng được yêu. Súng để tự vệ, bảo vệ con người nhưng súng đã trở thành vũ khí để giết người. Ở đời có nhiều cái để bảo vệ mình như súng ống, tiền bạc, điạ vị… lại trở thành cái giết mình. Chỉ có sự bảo vệ của Thiên Chúa mới bảo đảm cho con người đời này và đời sau. Bạn hãy chọn Thiên Chúa làm chủ đời sống (Let God be in control of your life) hôm nay, đó là sự chọn lựa đúng nhất, khôn nhất và giá trị nhất. Hãy trở về tìm lại nguồn bình an và sự bảo vệ đích thực ở nơi Thiên Chúa hôm nay.

Có Thiên Chúa là có tình yêu đích thực. Mẹ Têrêsa đơn độc nhưng nơi Mẹ lại chảy ra suối tình yêu của Thiên Chúa đến với những người nghèo khó. Sự giàu có của người khác không thể sánh với sự giàu có tình thương của mẹ. Khác với Cho ghanh tỵ với con nhà giàu, Mẹ Têrêsa không ghanh tỵ với người giàu, vì mẹ biết cho dù họ giàu có vật chất đến đâu đi nữa mà không có tình yêu đối với anh em đồng loại thì họ cũng chỉ là kẻ nghèo khó rất đáng thương.
Nguồn: từ Maria Mai gởi

Đỉnh Cao

                                           Đỉnh Cao

 Đỉnh Everest cao nhất thế giới của dãy Hy Mã Lạp Sơn như có một ma lực hấp dẫn những người leo núi thiện nghệ. Ai đã vướng vào môn thể thao leo núi xem đó như là một giấc mơ, nếu ngày nào đó họ đặt được chân trên đỉnh núi cao 8,880 thước, quanh năm phủ tuyết này, nhưng chỉ có một số ít người thực hiện được giấc mộng ấy và rất nhiều người đã bỏ mình dọc theo con đường lên đỉnh.

Trên những con đường ấy, người ta thấy hai bia mộ ghi những dòng chữ sau đây: bia thứ nhất đề “Họ thấy được lần cuối cùng trong lúc gắng sức leo lên”. Và bia thứ hai tưởng niệm một huấn đạo viên chỉ viết vỏn vẹn một câu “Ông ta chết trong lúc đang leo”.

Nếu đời sống là một cuộc tranh đấu không ngừng thì để sống đạo và hành đạo cũng thế. Điều quan trọng không phải là thành công hay thất bại, mà là chỗi dậy và tiến bước. Phải gọi là thẳng tiến thì đúng hơn, vì câu tâm niệm của các Kitô hữu phải là: “ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua, nhưng kém hơn ngày mai”.

Bí quyết thành công thứ hai là không bao giờ chúng ta nên đi trên con đường nên thánh một mình, hãy noi gương những người đi trước, những thánh nhân và hãy cùng nhau tiến bước. Và nhất là hãy đi vào những vết chân Chúa Giêsu đã để lại.

Trích từ Lẽ Sống