Đàn gảy tai trâu !

Đàn gảy tai trâu !

                                                              nguồn: baomai.blogspot.com

 image

 Vào một buổi sáng lạnh mùa đông năm 2007, tại một ga metro ở Washington DC, một thanh niên với chiếc đàn vĩ cầm, đứng chơi những bài nhạc nổi tiếng của Bach, Schubert, Massenet… trong vòng 45 phút.

 image

 Trong khoảng thời gian ấy có khoảng chừng 2 ngàn người đi ngang qua, đa số đang trên đường đến sở làm của họ. Dường như không một ai có vẽ chú ý đến sự có mặt của anh.
Sau khoảng 3 phút, một người đàn ông đứng tuổi đi qua và nhận thấy có một nhạc sĩ đang đứng đó chơi vĩ cầm. Ông đi chầm chậm, dừng lại chừng vài giây, và rồi lại vội vã đi tiếp cho kịp giờ của mình.

4 phút sau:

Người nhạc sĩ vĩ cầm ấy nhận được đồng đô la đầu tiên: một người đàn bà ném tiền vào thùng đàn của anh và không hề dừng lại, tiếp tục bước đi.

6 phút:

Một người thanh niên trẻ đứng dựa vào tường lắng nghe anh, nhìn đồng hồ đeo tay của mình và rồi lại tiếp tục bước đi.

10 phút: 

Một đứa bé dừng lại nghe, nhưng mẹ của em vội vàng lôi em đi tiếp. Ðứa bé tiếp tục dừng lại nhìn anh nhạc sĩ vĩ cầm, nhưng mẹ của em đẩy mạnh, và em lại phải tiếp tục bước đi, nhưng em vẫn cứ ngoái đầu quay nhìn lại. Và điều này đã cũng xảy ra với nhiều những đứa bé khác. Và cha mẹ nào cũng đều lôi kéo các em, bắt các em phải đi nhanh lên.

45 phút:

Người nhạc sĩ vĩ cầm ấy vẫn tiếp tục chơi nhạc không ngừng. Chỉ có 6 người dừng lại và lắng nghe trong vài ba phút rồi bỏ đi. Khoảng chừng 20 người cho anh tiền, trong khi vẫn tiếp tục bước đi bình thường, và không hề dừng lại. Chàng nhạc sĩ ấy thâu được tổng cộng là 32 đô la.

1 giờ sau:

Anh ta ngừng chơi, không gian im lặng trở lại. Không ai chú ý đến anh. Không một tiếng vỗ tay, và cũng không một lời tán thưởng.

image 

 Không ai biết người ấy chính là Joshua Bell, một trong những nhạc sĩ vĩ cầm nổi danh nhất trên thế giới. Trong hơn 45 phút qua anh đã chơi những bài phức tạp nhất trong các bài nhạc trình tấu, và cây đàn vĩ cầm mà anh chơi trị giá khoảng 3.5 triệu đô la. Hai ngày trước đó, Joshua Bell đã trình diễn tại một nhà hát ở thành phố Boston, vé bán hết không còn chỗ ngồi, giá của mỗi vé là 100 đô la. Và ban tổ chức sẵn sàng trả 1000 đô la mỗi phút cho tài năng của anh!

Ðây là kết quả của một cuộc thử nghiệm do báo The Washington Post tổ chức. Trong cuộc thử nghiệm này, Joshua Bell phải ăn mặc thật bình thường, quần jean, áo thun, mũ kết, và chơi đàn trong giờ cao điểm, 7:45am. Họ chọn nơi biểu diễn là trạm ga L’Enfant Plaza, vì nơi đây những người khách metro đi ngang qua đa số là thuộc tầng lớp trung lưu, chuyên nghiệp, trí thức, phần lớn làm việc với chính phủ liên bang.

 image

 Trước khi tổ chức, các nhà thử nghiệm nghĩ rằng tại Washington DC, một trong những đô thị phát triển nhất nước Mỹ về classical music, nhạc giao hưởng, Joshua Bell có thể sẽ thu hút một số lượng lớn khán thính giả dừng lại nghe, và họ có lẽ sẽ phải nhờ cảnh sát đến để giữ trật tự. 

Nhưng chỉ có một người duy nhất nhận ra Joshua Bell, vì trước đó ba tuần cô ta có đi xem anh trình diễn ở Library of Congress, nên nhận ra anh ngay. Cô ta đã bỏ vào hộp đàn của Joshua Bell 20 đô la và tự giới thiệu mình khi anh ngưng chơi đàn. 

image 

Tờ Washington Post viết, mục đích của cuộc thử nghiệm này để xem rằng: chúng ta có thể nhận diện, ý thức được những gì hay và đẹp đang có mặt giữa cuộc sống bận rộn của mình, và trong những hoàn cảnh bình thường hằng ngày không?

Và nếu như trong cuộc sống chúng ta không thể dừng lại trong giây lát để lắng nghe một nhạc sĩ lừng danh nhất trên thế giới, chơi những giai điệu hay nhất từng được sáng tác, với một nhạc cụ tốt đẹp nhất, và nếu như cuộc sống quá bận rộn đến nỗi chúng ta không còn có thời gian để dừng lại, khiến ta trở nên lãng quên trước những điều hay và đẹp, thì trên con đường ta đi mình còn vô tình bỏ qua và đánh mất bao nhiêu những điều đáng quý nào khác nữa chăng? 

 image

 Trong thời đại ngày nay, dường như đa số chúng ta có khá đầy đủ, nhưng duy có một điều mà chắc chắn trong chúng ta ai cũng đều rất thiếu thốn là thời giờ của mình, phải thế không bạn?
Trên con đường chúng ta đi, có lẽ ta cũng sẽ có dịp nghe được tiếng đàn vĩ cầm của Joshua Bell, và bao nhiêu những điều hay đẹp khác chung quanh ta, nâng cao tâm hồn mình, giữa những bận rộn và ngay trong hoàn cảnh bình thường nhất, nếu chúng ta biết tập bước chậm lại một chút…

Thánh luật

Thánh luật

(Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, năm B)

                                                  tác giả: TRẦM THIÊN THU

 Nói đến trái tim là nói đến tình yêu, một hệ lụy không thể tách rời. Thánh Tâm Chúa Giêsu là nguồn mạch yêu thương, dạt dào dòng thương xót. Và chỉ có những gì từ trái tim mới có thể đến được trái tim: Ngài không cần biết chúng ta là ai hoặc là gì, và đối xử với Ngài thế nào, Ngài chỉ biết một điều là “yêu đến tận cùng, yêu bằng mọi giá, yêu vô điều kiện”. Đó là phương trình: Thánh Tâm Chúa Giêsu = Tình yêu + Lòng Thương Xót + Cứu độ.

“Thánh Tâm Chúa Giêsu nguồn êm ái dịu dàng, xin hãy ban xuống hồn con ngọn lửa say yêu một Chúa. Thánh Tâm Chúa Giêsu tràn lan niềm thương xót, xin thương những người đã dám cả lòng vấp phạm đến Thánh Tâm Cha”. Đó là ca từ đẹp trong bài thánh ca “Thánh Tâm Chúa Giêsu”, của Linh mục Nhạc sĩ Huyền Linh, rất quen thuộc với người Công giáo. Bài thánh ca có giai điệu đơn giản mà có sức làm lòng người lắng đọng.

 Chúa Giêsu nhắn nhủ: “Anh em hãy mang lấy ách của Tôi, và hãy học với Tôi, vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:29).

 Chúa Giêsu đã mặc khải cho Mẹ Carmel tại Milan (Ý) trong thời gian từ 1968-1969. Ngày 20-4-1968, Mẹ Carmel hỏi: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa muốn con làm gì?”. Chúa Giêsu nói: “Hỡi con gái của Cha, con hãy viết. Con sẽ làm Tông đồ Tình Yêu Đầy Thương Xót của Cha. Cha sẽ chúc lành cho con. Và Cha sẽ đổ xuống trên con muôn vàn ơn Thánh, và những ân thưởng lớn lao. Cha cám ơn con đã phổ biến Thánh Nhan của Ta. Ta sẽ chúc lành cho các gia đình trưng bày hình ảnh của Ta, và Ta sẽ cải hoán những kẻ tội lỗi sống trong các gia đình đó. Ta sẽ giúp kẻ lành tự cải tiến thêm, và những kẻ nguội lạnh trở nên sốt sắng hơn. Ta sẽ để mắt đến các nhu cầu của họ, và sẽ giúp họ trong mọi sự cần thiết, vật chất cũng như siêu nhiên”. Rồi Ngài nói rõ: “TA LÀ GIÊSU ĐẦY LÒNG THƯƠNG XÓT”.

Phàm cái gì cũng có luật. Vì con người thoái hóa nên phải có luật để giữ trật tự xã hội, kỷ cương nghiêm minh. Vậy luật có sau con người để phục vụ con người, nghĩa là luật vì con người, chứ con người không lệ thuộc luật. Tình yêu có luật của tình yêu. Ngay cả tự do cũng có luật, chứ không phải tự do là “xả láng sáng về sớm”. Một gia đình hoặc một nhóm (dù chỉ vài người) cũng có luật. Mỗi người cũng phải có luật riêng mình.

Ông Ê-li-a vào một cái hang và nghỉ đêm tại đó. Đức Chúa nói với ông: “Ê-li-a, ông làm gì ở đây?” (1 V 19:9). Rồi Ngài nói thêm: “Hãy ra ngoài và đứng trên núi trước mặt Đức Chúa. Kìa Đức Chúa đang đi qua” (1 V 19:11). Gió to bão lớn xẻ núi non, đập vỡ đá tảng trước nhan Đức Chúa, nhưng Đức Chúa không ở trong cơn gió bão; sau đó là động đất, nhưng Đức Chúa không ở trong trận động đất; sau động đất là lửa, nhưng Đức Chúa cũng không ở trong lửa; sau lửa có tiếng gió hiu hiu. Thiên Chúa ở trong “gió hiu hiu”. Điều đó chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa nhân hiền, không muốn những gì bạo động.

 Vừa nghe tiếng đó, ông Ê-li-a lấy áo choàng che mặt, rồi ra ngoài đứng ở cửa hang. Ông không dám nhìn Ngài, phần vì ông thấy mình bất xứng, phần vì ông sợ người ta nhận diện. Bấy giờ có tiếng hỏi: “Ê-li-a, ngươi làm gì ở đây?” (1 V 19:13). Ông thưa: “Lòng nhiệt thành đối với Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh, nung nấu con, vì con cái Ít-ra-en đã bỏ giao ước với Ngài, phá huỷ bàn thờ, dùng gươm sát hại các ngôn sứ của Ngài. Chỉ sót lại một mình con mà họ đang lùng bắt để lấy mạng con” (1 V 19:14). Các ngôn sứ khác đều bị thủ tiêu, chỉ còn lại ông Ê-li-a, nhưng lòng nhiệt thành vẫn thôi thúc ông. Chắc chắn là Thiên Chúa đã tiền định sứ vụ cho ông. Đức Chúa mách nước: “Ông hãy đi con đường ông đã đi trước qua sa mạc cho tới Đa-mát mà về. Tới nơi, ông sẽ xức dầu phong Kha-da-ên làm vua A-ram; còn Giê-hu con của Nim-si, ông sẽ xức dầu tấn phong nó làm vua Ít-ra-en. Ê-li-sa con Sa-phát, người A-vên Mơ-khô-la, ông sẽ xức dầu tấn phong nó làm ngôn sứ thay cho ông” (1 V 19:15-16).

 Không ai xứng đáng trước mặt Chúa, nhưng thật may mắn cho chúng ta, vì Thánh Tâm Ngài có đầy Tình Yêu Thương và giàu Lòng Thương Xót. Ngài chỉ chờ chúng ta kêu cầu: “Lạy Chúa, cúi xin Ngài nghe tiếng con kêu, xin thương tình đáp lại” (Tv 27:7) thì Ngài sẽ ban cho chúng ta những điều ngoài sức tưởng tượng. Như vậy, chúng ta phải tự nhủ: “Hãy tìm kiếm Thánh Nhan” (Tv 27:8). Chúng ta tin tưởng và miệt mài tìm kiếm Thánh Nhan Ngài, chắc chắn Ngài không ẩn mặt.

 Tuy nhiên, chúng ta là những tội nhân bất xứng, nên luôn phải van nài: “Tôi tớ Ngài đây, xin đừng giận mà ruồng rẫy, chính Ngài là Đấng phù trợ con. Xin chớ bỏ rơi, xin đừng xua đuổi, lạy Thiên Chúa, Đấng cứu độ con” (Tv 27:12). Cứ “vững vàng tin tưởng sẽ được thấy ân lộc Chúa ban trong cõi đất dành cho kẻ sống” (Tv 27:13). Đừng ngần ngại, vì Thánh Tâm Chúa Giêsu đầy lòng thương xót: “Hãy cậy trông vào Chúa, mạnh bạo lên, can đảm lên nào! Hãy cậy trông vào Chúa!” (Tv 27:14).

 Luật Cựu Ước khác Luật Tân Ước. Luật Thiên Chúa khác luật loài người. Thánh Luật khác nhân luật. Chúa Giêsu nói: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5:27-28). Nếu chúng ta thấy một phụ nữ đẹp mà nhìn thì không sao, chúng ta có quyền ngắm nhìn và thưởng lãm tác phẩm mỹ thuật mà Ngài đã khéo léo tạo nên; nhưng nếu nhìn và ham muốn thì mới nguy hiểm. Chúa Giêsu gọi động thái đó là ngoại tình. Các loại ham muốn khác cũng bị Chúa kết án tương tự!

 Chúa Giêsu phân tích: “Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hoả ngục” (Mt 5:29-30). Luật Cựu Ước dạy: “Ai rẫy vợ thì phải cho vợ chứng thư ly dị”. Còn Chúa Giêsu có Luật Tân Ước. Ngài cho biết: “Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình” (Mt 5:32). Quá rõ ràng, không hề mơ hồ!

 Đó là Thánh Luật của Thiên Chúa. Ai không yêu Ngài thì không chuộng Luật Ngài, ai yêu Ngài thì vui sẽ“vui thú với lề luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày” (Tv 1:2), luôn “thích làm theo Thánh Ý và ấp ủ Luật Chúa trong lòng” (Tv 40:9). Vì “Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn” (Tv 19:8), thế nên “hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện, biết noi theo Luật pháp Chúa Trời” (Tv 119:1).

 Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu giàu lòng thương xót, xin cho chúng con nên như lưỡi đòng, không phải để làm Ngài thêm đau khổ, mà là để chúng con được vĩnh cư nơi Thánh Tâm Ngài và tắm gội trong dòng Thương Xót của Ngài suốt đời. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị cùng Đức Chúa Cha và Đức Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.

 TRẦM THIÊN THU

HÃY CHO TÔI MỘT NGƯỜI CHA

HÃY CHO TÔI MỘT NGƯỜI CHA

                                                                                nguồn: conggiaovietnam.net

 Nếu đã có bao tiếng van nài tha thiết “Hãy cho tôi một người cha” vọng từ niềm đau của những con người bất hạnh: không biết cha mình là ai từ lúc chào đời, có khi cho đến hồi mãn cuộc hành trình dương thế vẫn mãi còn là một khát khao bỏng cháy…

 Nếu đã có tiếng than van “Hãy cho tôi một người cha” thương gửi đến những người cha vô tình, không dám nhìn nhận con mình đang chơi vơi giữa dòng nhân sinh oan nghiệt, một thân một mình phận tầm gửi như bọt bèo trên đầu sóng ngọn gió lênh đênh…

 Nếu đã có những tiếng oán hờn “Hãy cho tôi một người cha” trách cứ người cha đành đoạn chia lìa tổ ấm yêu thương êm đềm hạnh phúc, để sống trong góc trời riêng của lòng ích kỷ nhỏ nhoi, với chút hạnh phúc ảo mà từng đêm lương tri  không chút giày vò, đay nghiến…

 Nếu cũng đã có đâu đó tiếng buồn mênh mang vô vọng tưởng chừng như bất tận “Hãy cho tôi một người cha” vẫn thầm lặng đêm đêm của những đứa con bất hảo bị cha chối từ, bỏ rơi trong các trại cải tạo, trong trại phục hồi nhân phẩm, trong các trại phung cùi, trại khuyết tật, trong các nhà cuối đời của những bệnh nhân HIV….

 Nếu đã có những tiếng thất thanh khản giọng “Hãy cho tôi một người cha” cùng với giọt lệ nghẹn ngào của những người con lăn trên mộ cha mình, vì cha đã sớm từ biệt cõi đời lúc tuổi đời đương xuân phơi phới…

 Và nếu đã có biết bao tiếng gọi ới ời “Hãy cho tôi một người cha” của muôn vàn cảnh ngộ bi đát khác nhau trong cuộc đời đầy nước mắt…

 Thì bạn hãy cảm nếm niềm hạnh phúc tuyệt vời của bạn, vì bạn “đang có một người cha” trước khi bạn muốn la lên: “Hãy cho tôi một người cha hoàn hảo”.

  Thiết tưởng, chưa nói đến những luận lý triết học, thần học về vai trò người cha, nhưng chỉ cần một vòng đời lắng nghe, cảm nhận và thấu hiểu những điều trông thấy, cũng đủ nhận ra rằng người cha trong gia đình giữ một vai trò quan trọng và cần thiết là dường nào! Dân gian của ta không thể diễn tả tầm vóc ấy cách nào hơn câu: “Công cha như núi Thái Sơn”.

 Từ trăn trở trước trào lưu theo chủ nghĩa cá nhân đang có tín hiệu làm mờ dần hình ảnh của người cha, và làm mai một niềm hiếu thảo nơi người con, hai cuộc thi “Viết Về Cha” của năm 2011 và 2012 do Chương Trình Chuyên Đề Giáo Dục trực thuộc Ban Mục Vụ Gia Đình TGP Sài Gòn đề xướng và tổ chức đã mở ra cho mọi người lối về Nguồn Cội của Con Người: “Tình Cha”.

 Được diễm phúc đọc tác phẩm thi ca của các tác giả tham gia cuộc thi, tôi không thể cầm được những cảm xúc trào tràn khi nhận thấy các tác giả đã cảm nếm niềm hạnh phúc tuyệt vời chính mình đang thụ hưởng: “Tôi có một người cha” như một quà tặng vô cùng quí giá của vị Ân Nhân nào đó, mà có thể là có người chưa định hình được, hoặc cũng có người đã định hình được Thiên Chúa Cha: Cội Nguồn của Sự Sống Con Người.

 Có thể là khó diễn tả chăng, mà các tác giả có vẻ như vẫn giấu kín khẳng định người cha đã hình thành trong chúng ta một con người mới có thân xác trí khôn, có linh hồn bất tử, có cả nhân vị và nhân cách? Hay đúng hơn, cha đã hình thành cho chúng ta cả một cuộc đời từ là một thai nhi con người đến một con người hoàn hảo. Tuy vậy tôi vẫn tìm được những ẩn tình khi gặp những cụm từ “đức công sanh” “cây cao bóng cả” hay “núi Thái Sơn” để chỉ “ơn sinh thành” đáng trân trọng:

 “Chấp bút – thay con viết lòng thành

Kính dâng thơ đến đức công sanh”

(Nguyễn Như Phượng – Mãi sống cùng lời cha)

 “Cây cao bóng cả vươn chồi
     Chắn che giông bão suốt đời cho con”

(Huỳnh Nhi Tình Cha )

 Trong lòng con, núi Thái Sơn:

Dáng hình cao ngất, gió vờn mây bay

Núi cao thêm mỗi tháng ngày

Cứ theo tâm tưởng đắp dày công Cha

(Bùi Văn Bồng – Cao dần một ngọn Thái Sơn)

 “Con đã biết ôm hôn một bóng hình cao cả

Của một người, con mãi gọi tên cha!”

(Nguyễn Thị Minh Thư – Hình bóng của Cha)

 Khi đã tác thành nên hình hài của người con trong lòng người mẹ, cũng là lúc người cha khởi đầu một hy tế – hy tế cả đời mình: tàn lụi đời mình đi, cho đời con lớn lên, chết đời mình đi, cho đời con được sống và sống dồi dào. Đa số tác giả đã tập trung khai thác và ghi nhận “công dưỡng dục” hơn là “ơn sinh thành” của người cha, cũng là điều dễ hiểu, bởi nó cụ thể đến nỗi:

“Chiều nay chớp bể, nguồn vần vũ

Bóng Cha già lụ khụ áo tơi”

……

“Cánh cò cõng nắng còn mòn mỏi

Cha cõng tháng ngày đổi cái ăn”

(Nguyễn Thị Thanh Hương – Cha mình)

 Cha ngày ngày bán mặt vào ruộng đất
Mong đến ngày con cái trưởng thành hơn

(Song Ninh Cha tôi)

 “Chúa trao bổn phận cho người cha

Lao khổ làm ăn nuôi cả nhà”

(Nguyễn Minh Thông – Phận làm cha)

 “Những trận mưa rừng ào ào dốc đổ

Cuốn lòng Cha theo nương lúa mịt mờ”

(Nguyễn Thi Thanh Hương – Khắc họa tình cha)

 Tóc cha bạc từ mùa rơm thành khói
     Nước sông quê loang đục đón lũ về
            (Song Ninh – Cha tôi) 

Cả ba lĩnh vực đức dục, trí dục và thể dục đều là điểm nhắm tới  trong khi thi hành nhiệm vụ cao cả của người cha để có một người con thật tuyệt vời như lòng cha mong ước, và để xã hội có thêm một thành viên hữu ích cho đời. Các tác giả ghi nhận mình được hình thành nhân cách từ “chữ viết của ba”, từ lời dặn dò cách sống nhân hậu, tình làng nghĩa xóm, đối nhân xử thế, đến chữ tín, niềm tin và cả hành trình trên con đường Thập Giá:

 “…Con kì kèo: “Ba! tập cho con viết!”

     Dòng đầu tiên con tự viết thành lời
            Là tỏ tình: “Con yêu ba lắm”

Ba sống hoài trong nét chữ con thơ”

(Võ Ngọc Bảo Châu Tập viết)

 “Lời Cha con nhớ ĐỨC làm đầu

NIỀM TIN – CHỮ TÍN nối liền sau

Cha hỡi có hay lòng con trẻ,

Hứa sẽ mang theo suốt cuộc đời”

(Nguyễn Như Phượng – Mãi sống cùng lời cha)

 “Đêm vằng vặc trăng treo hiên trước lán

Tập cho con cách giã gạo nhịp nhàng

Cùng tiếng hò ấm ngọt vọng mênh mang

Để biết sống chứa chan tình làng xóm”

(Nguyễn Thị Thanh Hương – Khắc họa tình cha)

 “Biết bao trăn trở âu lo

Rộng lòng nhân hậu dành cho mọi người

…..

Đêm đông trở giấc ổ rơm

Vẫn đem nồng ấm thảo thơm cho đời”

(Bùi Văn Bồng Cao dần một ngọn Thái Sơn)

 Bố như là gió,

Nâng con vươn cao sống đời bác ái.

Bố như là mây,

Cho con biết chở che những bé thơ giữa chốn chợ đời.

Bố như là mưa,

Mảnh đất đời con thấm nhuần tình yêu thương đồng loại”

(Nguyễn Thị Như Hà – Bố và con)

 “Ai bảo nghèo, tâm linh cằn cỗi?

Cha giàu lòng sớm tối cậy,tin

Đối nhân xử thế quên mình

Yêu thương tha thứ, an bình thánh gia”

 (Nguyễn Thị Thanh Hương – Cha mình)

 Nhiều thử thách, là dấu ấn yêu thương

Chịu khổ đau, rèn đức tính khiêm nhường

Cùng tha nhân con sẻ chia Thập Giá”

(Nguyễn Thị Thanh Hương – Khắc họa tình cha)

 Của lễ dâng đã trọn, hy tế cao vời đã nên ý nghĩa để đời cho con cháu. Có đôi lần trong đời con chưa kịp hiểu thấu, thì ngày cha vượt qua cõi tạm của kiếp phù du  này, chính là lúc con dâng trào dòng lệ nuối tiếc, ân hận: không còn cha để thân thưa lời yêu thương tha thiết với lòng biết ơn sâu thẳm, không còn cha để nói một lời tạ tội những ngộ nhận, những yêu sách vu vơ, không còn cha để ôm cha vào lòng như thưở bé thơ, không còn cha để hỏi con đường đi trước mặt…Chỉ còn lại một niềm thương đến quặn lòng, nỗi nhớ đến vô biên, và chút lạc loài cô vắng tưởng chừng như đến thiên thu vạn đại.

 Con trở về úp mặt vào tay cha

Nghe từng thớ thịt sạn chai thành đá sỏi

Rồi mai này con sẽ trở về đâu

Để được ôm cha như những ngày bé dại

(Phạm Văn Ninh Trở về)

 Em về thắp nến hai hàng

Để tang một chuyến đò ngang vô hình

…..

Người đi trống vắng chiều tà…

Xót xa vạn dặm sơn hà, hanh hao

(Nguyễn Thị Hoa – Người đi xa mãi)
        “Bâng khuâng theo khúc hát ve

Con chạy ùa về thắp mấy nén nhang…”

(Nguyễn văn Đông – Nhớ ba)

 Thưa quí tác giả, chúng tôi, những người đọc thơ của quí tác giả đều có chung một niềm vui mừng khôn tả, khi được đọc những dòng thơ dồi dào sức sống: sức sống của hôm nay, của hiện tại khởi nguồn từ tình yêu vô biên và lòng hy sinh không bến bờ của người cha; và đặc biệt hơn: sức sống của tương lai, của mai sau của vĩnh cửu khởi đi từ niềm tin mãnh liệt vào sự sống đời sau, sự phục sinh vĩnh cửu dành cho người cha thật công bằng. Dù là Niết Bàn hay Thiên Đàng, dù là Suối Vàng hay Miền Cực Lạc, cũng là niềm hy vọng chính đáng của lòng thảo hiếu cùng với ước mong ngày hạnh ngộ, ngày đoàn viên với Đấng Sinh Thành:

Nguyện cầu tình Chúa bao la

Thiên Đàng vĩnh phúc cho cha cõi về

(Nghinh Nguyên – Ngày Xuân Viếng Mộ Cha)

 “Cầu mong ở chốn SUỐI VÀNG

Hồn cha siêu thoát NIẾT-BÀN thảnh thơi”

(Nguyễn Thị Bích Liên – Viếng mộ cha)

 “Con nghe lòng nhớ tim đau nhói

Muôn ánh huy hoàng đã về đâu?

Cầu xin ơn trên con khấn nguyện

Cứu rỗi giúp con một linh hồn”

(Phạm Lê Anh Kiệt Tảo mộ)

Và từ niềm hy vọng ấy, hình thành trong mỗi người con một quyết định đạo đức để nối tiếp hành trình ý nghĩa của cha trong cuộc đời, và hơn thế nữa, để khắc họa tình yêu của Thiên Chúa Cha: Nguồn Cội của sự sống nhân loại.

“Nay Cha khuất bóng bên trời

Trong tôi vẫn ngấm sâu lời chỉ răn

Thái Sơn – công đức cao dần

Tình Cha vẫn mãi luôn gần bên con”

(Bùi Văn Bồng Cao dần một ngọn Thái Sơn)

 “Gương Cha sống thật nhân lành cao cả

Sáng trangTin Mừng Chúa đã mở ra

Đời các con sẽ nối tiếp đời Cha

Luôn khắc họa tình Chúa Cha từ ái”

(Nguyễn Thị Thanh Hương – Khắc họa tình cha)

  Xin chân thành cảm ơn quí tác giả. Ước mong những tác phẩm của quí vị là lời tri ân và cũng là thông điệp chân thành nhất gửi đến tất cả những người cha: “Hãy cho tôi một người cha hoàn hảo”.

 TM . Ban Giám Khảo

PM. Cao Huy Hoàng

Chủ Nhiệm Chuyên Trang Đồng Xanh Thơ,    dunglac.org

Thánh Germaine Cousin

 

Thánh Germaine Cousin   

(1579-1601)

                                                                                                    15 Tháng Sáu

     Thánh Germaine là một thiếu nữ quê mùa ở làng Pibrac, gần Toulouse. Vì mẹ mất sớm nên ngài phải lớn lên trong hoàn cảnh đau khổ vì bị người cha ghét bỏ và người mẹ ghẻ thật tàn nhẫn. Vì không muốn Germaine chung đụng với con riêng của mình, bà mẹ ghẻ bắt Germaine phải ngủ trong chuồng súc vật hoặc dưới gầm cầu thang, lúc nào cũng phải làm việc trong khi ăn uống rất kham khổ. Ngay khi chín tuổi, Germaine đã phải đi chăn cừu.

   Bất kể những lao nhọc và bất công trong đời sống, Germaine vui lòng chấp nhận mọi sỉ nhục. Cô thích đi chăn cừu, vì đó là cơ hội để cầu nguyện và truyện trò với Thiên Chúa.

   Germaine rất đạo đức và siêng năng tham dự Thánh Lễ. Mỗi sáng nghe chuông đổ, dù đang chăn cừu, cô vội vã cắm cây gậy xuống đất và chạy đến nhà thờ, phó thác đàn cừu cho sự chăm sóc của các thiên thần. Chưa bao giờ đàn cừu bị nguy hại vì sói rừng khi vắng mặt cô, dù ở cạnh khu rừng. Người ta kể rằng, có lần cô đã đi trên mặt nước, chạy băng qua sông để kịp dự lễ.

     Germaine quá nghèo để có thể chia sẻ vật chất cho người khác. Nhưng tình yêu tha nhân của cô luôn luôn được thể hiện qua sự giúp đỡ bất cứ ai cần đến cô, và nhất là các trẻ em trong làng, là những người được cô dạy họ biết kính sợ Thiên Chúa.

     Vào lúc ấy, sự thánh thiện của Germaine bắt đầu được dân làng chú ý. Nhưng điều này cũng không giúp thay đổi gì tình trạng của cô trong gia đình. Thật vậy, cô bị trừng phạt vì đã chia sẻ thức ăn cho người ăn xin. Có lần vào mùa đông, bà mẹ ghẻ nghi ngờ cô giấu miếng bánh trong vạt áo, nhưng khi mở ra bà chỉ thấy những bông hoa thật đẹp của mùa hè rơi xuống. Gia đình bắt đầu nhận ra sự thánh thiện của cô và mời cô vào sống ở trong nhà, nhưng Germaine xin được tiếp tục cuộc sống như trước.

     Năm cô 22 tuổi, người ta tìm thấy cô nằm chết trên đống rơm dưới gầm cầu thang. Thi hài của cô được chôn trong nhà thờ ở Pibrac. Bốn mươi ba năm sau, khi tân trang nhà thờ, các người thợ vô tình khai quật mộ của cô và người ta tìm thấy xác của cô vẫn còn nguyên vẹn. Sau khi được trưng bầy cho mọi người kính viếng trong một năm trời, thi hài của cô được chôn cất trong gian cung thánh. Nhiều phép lạ đã xảy ra nhờ lời cầu bầu của cô. Tiến trình phong thánh cho cô được khởi sự từ năm 1700, nhưng vì cuộc Cách Mạng Pháp, tiến trình này đã bị đình trệ, mãi cho đến năm 1849, cô được Ðức Giáo Hoàng Piô IX phong thánh và đặt làm quan thầy của các thiếu nữ ở thôn quê.

nguồn: từ Maria Thanh Mai gởi 

Thánh Albert Chmielowski

     Thánh Albert Chmielowski
    (1845-1916)

                                                                             14 Tháng Sáu

     Sinh ở Igolomia gần Krakow, Ba Lan, Thánh Albert là người con cả trong gia đình giầu có, và tên rửa tội là Adam. Trong cuộc cách mạng 1864 chống với Nga Hoàng Alexander III, Adam bị thương và bị cụt chân trái.

     Với khả năng hội họa Adam đã theo học ở Warsaw, Munich và Balê. Sau khi trở về Krakow, Adam gia nhập dòng Phanxicô Thế Tục. Vào năm 1888, Adam lấy tên là Albert khi sáng lập tổ chức các Thầy Dòng Ba Phanxicô. Công việc chính yếu của tổ chức là giúp đỡ người nghèo và người vô gia cư, bất kể tuổi tác, tôn giáo hay chính kiến.

     Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong chân phước cho Thầy Albert năm 1983 và phong thánh cho ngài sáu năm sau.

    Lời Bàn

     Trong cuốn sách kỷ niệm kim khánh linh mục năm 1996, khi chia sẻ về ơn thiên triệu của chính mình, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho biết Thầy Albert đã có một ảnh hưởng trong ơn gọi ấy “bởi vì tôi tìm thấy nơi ngài sự hỗ trợ tinh thần và một tấm gương khi từ bỏ thế giới nghệ thuật, văn chương và kịch nghệ, để nhất định chọn lựa ơn gọi linh mục”. Khi là một linh mục trẻ, Ðức Giáo Hoàng đã viết một kịch bản về cuộc đời Thầy Albert để tỏ lòng biết ơn thánh nhân.

 nguồn: từ Maria Thanh Mai gởi 

Sao Lên Được Nước Chúa?

Sao Lên Được Nước Chúa?

(CN XI TN B)

 Qua bao nhiêu ngàn năm, qua bao nhiêu thời đại, và trải qua bao nhiêu thế hệ, con người vẫn luôn giữ sự kỳ thị để làm cái hố sâu ngăn cách.   Kỳ thị thì nhiều hình thức lắm, chúng ta không thể kể cho hết được.   Vì sự kỳ thị mà chúng ta hằng luôn có chiến tranh và hòa bình sẽ không bao giờ thấy trên mặt đất này!?.   Trước đây chúng ta vì kỳ thị với người ngoại đạo, nên Chúa đã cho Thánh Phao-Lô đảm nhận trách nhiệm lo cho người ngoại giáo và nhờ thế mà thế giới mới, mới có chỗ đứng cho người ngoại giáo.   Rồi thì càng ngày từ đông sang tây và từ nam tới bắc, có biết bao nhiêu người được nhận biết Chúa.   Cách Tự Do và không Tự Do.  

 Còn thời đại của chúng ta hiện giờ thì sao? Cũng vẫn còn nhan nhãn sự kỳ thị ấy đang ở chung quanh chúng ta, và sự chết chóc cũng vẫn còn, vì chúng ta vẫn giữ y nguyên sự kỳ thị ấy!.   Chắc Chúa cũng buồn vô cùng vì con cái Người ngoài mặt thì vậy mà trong thì không vậy!.   Có phải Chúa dậy chúng ta là dù trắng hay đen, dù đạo hay khác đạo, dù cùi hay sạch, dù bệnh lây hay không lây, dù giống gì đi chăng nữa, chúng ta phải yêu thương nhau như một đại gia đình của Chúa?. 

 Tôi và rất nhiều người cũng đã thấy trước một tương lai khi chúng ta không còn ở trên trái đất này nữa, thì con người của tất cả mọi giống dân, mọi giống loài có trí khôn, đều sẽ sống chung với nhau.   Nhưng khi ấy có hòa bình hay không thì tôi không biết.   Nhưng hầu như ai cũng biết rằng những thế hệ trong tương lai sau này, con người sẽ thay đổi rất khác.   Khác từ dung mạo cho đến sự tạo thành.   Vì thế cho nên luật pháp hiện giờ đã dùng biện pháp xử tử ai, bị đến mấy trăm năm sau, hoặc bị đến mấy đời sau này lận.   Thường chúng ta ít khi để ý những chuyện thật, nghe rất vô lý mà không cho là quan trọng không?.   Bởi vì sao một tội phạm đã xử chết mà còn bị phạt chết đến mấy trăm năm sau hay đến mấy đời của tội phạm ấy?.   Thưa vì đó là sự thật và là viễn ảnh rất trung thực của tương lai, có thể vào năm 3000 gì đó chăng?.

 Một tương lai mà con người sẽ được cấy đi cấy lại bao nhiêu lần (clone).   Phim ảnh họ đã cho chúng ta cái nhìn sơ sơ về tương lai sẽ ra sao.   Như phim Star Wars chẳng hạn.   Chúng ta có thấy con người trong tương lai họ giống như thế nào hay không?.   Vâng, tương lai là những con người sẽ biến thể rất nhiều hình thể khác nhau.   Có thể con người lúc bấy giờ vừa là máy sống trong một thân xác của con người chăng?.   Có thể con người vì bị ảnh hưởng của phóng xạ mà biến thể thành một hình thể nào đó mà không giống như con người?.   Rồi thì những biến thể của hình hài con người qua bao nhiêu thời đại, họ sẽ sống với nhau ra sao?.   Hay chiến tranh vẫn cứ mãi tiếp diễn vì hình thể này so với hình thể khác và chê nhau là ngu xi và xấu xí??.  

 Ngày nào con người có trái tim biết rung động và biết cảm thông thì ngày đó, con người mới có thể lên Nước Chúa được, thưa có phải?.   Còn ngày nào con người vẫn cho mình là nhất, là đúng, và là hoàn hảo thì ngày Lên Trời chắc còn xa lắm lắm!!!.   Chúa ban cho con người chúng ta có một Thánh Phao Lô mới, chắc hẳn Chúa chỉ muốn con người nhân loại phải yêu thương nhau.   Yêu thương có nghĩa không đặt điều kiện này nọ.   Yêu thương không có nghĩa so sánh nhau bằng mầu da, dân tộc, giầu nghèo, giỏi có bằng cấp hay không có, và còn rất nhiều vấn đề khác nữa mà trí tuệ con người có giới hạn nên chưa hiểu thấu?.

 Lạy Thiên Chúa! Có phải ngày nào thế giới không còn có sự kỳ thị thì ngày đó mới có hòa bình thật sự trên thế gian này? Và ngày đó không ai còn sợ cái chết bởi tất cả đều sẽ biết mình đi về đâu sau thế giới này.   Chỉ có hai Giới Răn Chúa dậy chúng con phải theo và phải thực hành, nhưng xem chừng không dễ làm phải không thưa Chúa?.   Ấy là trước Kính Mến Người trên hết mọi sự; sau lại yêu người như mình ta vậy.   Chúa đã phải đổ máu vì con người bởi sự kỳ thị và ganh ghét.   Chúa đã phải tốn công tốn thời giờ để sống trên thế gian này cũng chỉ để dậy con cái Người là hãy Yêu Thương nhau như Người đã yêu hết thảy chúng con.  

 Xin Chúa dạy chúng con biết cầu nguyện và sống theo Giới Luật của Chúa.   Thực hành được sự Yêu Thương của Chúa trên mọi người và mọi tạo vật dù tất cả do Chúa tác tạo và dựng nên cách đặc biệt, không ai giống ai.   Nay thì giống hình thể nhưng sau này không biết có còn ai giống ai hay không, nhưng Luật Chúa vẫn không bao giờ thay đổi theo thời gian.   Chỉ khi ấy thì Nước Chúa hiển hiện rõ nét trong tâm hồn có sự yêu thương giữa con người với con người, phải không thưa Chúa?.  

 ** Xin bấm vào mã số dưới đây để hát theo:

     http://www.youtube.com/watch?v=MyY5rOuNCts

     (Kính Chúa Yêu Người)

  Y Tá Của Chúa,

Tuyết Mai

(06-12-12)

Cái Chết Của Một Y Sĩ

Cái Chết Của Một Y Sĩ  

(06/08/2012)                                                    trích Vietbao.com

                                                           Tác giả : Chu Tất Tiến

Tác giả là một nhà văn, nhà báo, đồng thời cũng từng là  nhà giáo, nhà hoạt động xã hội quen thuộc với sinh hoạt văn hóa truyền thông tại quận Cam.Ông đã góp nhiều bài giá trị  và từng nhận giải danh dự viết về nước Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.

Buổi sáng nay, trong khi đang tập khí công ngoài vườn, thấy một đôi chim lạ xà xuống trên cành hoa vàng Golden Rain ở giữa vườn rồi tung tăng nhẩy múa với nhau, tôi chợt liên tưởng đến những mối tình đẹp của con người, đến những yêu thương mà người ta dành cho nhau, đậm đà tha thiết, làm cho đời sống mỗi ngày một phong phú hơn. Không có tình yêu, nhân loại sẽ ra sao? Có lẽ chỉ là những bóng ma vô hồn, hay những Robot ngớ ngẩn, chỉ biết phá hoại cho đến khi nào thế giới này tàn lụi. Vì những liên tưởng đẹp đẽ đó, tôi say mê nhìn ngắm đôi chim non kia và muốn được ôm chúng vào lòng và thưởng cho chúng một nụ hôn thật dịu dàng.

Từ khi sang Mỹ, nhận thức của tôi về tình yêu và hôn nhân đã thay đổi rất nhiều. Trước đó, tôi vẫn tưởng những biến cố ly dị trong cộng đồng Việt ở Mỹ rất hiếm họa, vì người Việt vẫn có khuynh hướng trung thành với nền văn hóa cổ kính nhưng thanh bạch của mình, các cặp vợ chồng vẫn hay nhịn nhường lẫn nhau, cho dù người đàn ông Việt thường hay nắm vai trò chủ động trong gia đình, và đa số các ông chồng có tính áp đảo người vợ.

Nhưng sau khi sang định cư ở quốc gia này rồi, tôi mới bàng hoàng thấy rằng các quan niệm về gia đình, vợ chồng đã thay đổi rất nhiều, và người vợ ở xứ Mỹ này lại chủ động hơn các ông chồng, nhất là trong lãnh vực ly dị. Theo một luật sư cho biết, thập niên 70, hầu như rất hiếm có vụ li dị, đến thập niên 80, thì tỷ lệ ly dị trong cộng đồng Việt là từ 5-7%, nhưng sau năm 1990, tỷ lệ này tăng cao dần, đến giữa thập niên 90 thì ngang ngửa với Mỹ, nghĩa là 50%. Điều ngạc nhiên nữa là tỷ lệ người vợ xin ly dị chồng nhiều hơn chồng xin ly hôn từ 20% đến 30% tùy theo năm, nghĩa là số người “bợ vỏ” (vợ bỏ) khá cao. Sự kiện đó làm cho tinh thần người đàn ông suy sụp nặng nề, lúc nào cũng lo ngại bị “bợ vỏ”, nên cách sinh hoạt cũng thay đổi nhiều lắm.

Trên hết, là các hậu quả đau thương của việc ly dị, nghiêng về phần phái mạnh. Một trong những chuyện đau thương đó, đã xẩy đến cho người bạn của tôi, bác sĩ Phạm Thanh Nh.

Nh. nội trú cùng trường và trên tôi hai lớp, nhưng không biết nhau, chỉ nhận ra nhau sau khi tôi chuyển vào K.30, là trung tâm y tế của trại tù Suối Máu. Ngay ngày đầu gặp nhau ở trong trại, chúng tôi đã thấy muốn gần nhau, và sau vài câu chuyện xã giao về học hành, và sinh hoạt, tôi mới biết anh đã từng ở nội trú Đắc Lộ, Bẩy Hiền rồi đi khỏi đó để vào học Y Khoa, trước khi tôi bước vào đó. Từ đó, chúng tôi thân nhau, và thường ăn chung với nhau để tâm sự. Sau khi ăn tối xong, anh và tôi thường tản bộ quanh nhà, nói chuyện đời, chuyện tình yêu thời trai trẻ, và chuyện lính tráng… Anh cho tôi hay là vợ anh và các con đã vượt biên và đang định cư ở Mỹ. Tôi cũng mừng cho anh, và chúng tôi cùng tin tưởng rằng một ngày nào đó, anh được tha về và được đi Mỹ, xum họp với vợ con. Nhiều câu chuyện tưởng tượng đã được nói ra, nhiều nụ cười vang đã nở khi câu chuyện đến chỗ tiếu lâm vui vui.

Cứ thế, chúng tôi thân nhau, và cả nhóm anh em trong trại đều biết tình thân của chúng tôi. Dĩ nhiên, tình đồng đội, chiến hữu, và tình bạn tù làm cho chúng tôi cũng thân thiện với tất cả các anh em khác, nhất là nhóm y sĩ được trách nhiệm coi sóc trung tâm y tế này, trong đó, có các Bác sĩ Lê Hồng Khánh, Lương Tấn Lộc, Trương Đông, Thân Trọng Đàm, Nguyễn Trọng Dực, “cụ Bác Sĩ” Phạm Văn Triển, và Nha Sĩ Bùi Duy Đào. Riêng với Phạm Thanh Nh. thì tôi thân một cách riêng, và tình cảm của chúng tôi không qua mắt được anh em, đến nỗi, có một lần, không biết vì lý do gì, một buổi trưa, có lẽ vì sự căng thẳng của nhà giam và sự mong đợi được về nhà, tự nhiên, chúng tôi cãi nhau lớn tiếng, rồi giận nhau, hầm hầm hừ hừ, không thèm nhìn mặt nhau, thì ngay chiều tối đó, một cuộc họp giữa một nhóm bạn y sĩ khác được tổ chức, và các anh gọi tôi và Nh. ra, mỗi tên đứng một đầu nhà. Các anh bảo với tôi:

-Tụi tôi thấy hai ông thân nhau quá, mà tự nhiên nóng giận như thế thì không nên. Bây giờ, tôi đếm 1, 2, 3, ông từ từ đi vòng từ đầu nhà này, qua phía trái, còn Nh. sẽ đi từ đầu nhà bên kia, vòng qua phải, tới giữa nhà thì gặp nhau, hai ông bắt tay nhau, huề nhe!

Tôi lẳng lặng nghe lời, đi vòng qua đầu nhà, tới khi đụng Nh. thì nhe răng cười, rồi bắt tay nhau. Anh em đứng chờ, thấy chúng tôi ôm nhau, thì mọi người cùng vỗ tay ầm ĩ, vui vẻ.

Từ đó về sau, chúng tôi không bao giờ giận nhau nữa, ngay cả khi vì tôi, mà anh mất quyền lợi. Vì K.30 là trung tâm y tế của toàn trại, nên các tù nhân “cải tạo” bị bệnh nặng được chuyển vào đây và giao cho các bác sĩ “chế độ cũ” điều trị. Mỗi sáng, cô Đại Úy Y Sĩ Công An Nguyễn Thị H., là Y Sĩ Trưởng của cả trại tù Suối Máu, đến “giao ban” với các y sĩ và ra những quyết định quan trọng, hoặc cho bệnh nhân ra bệnh viện Biên Hòa để tiếp tục điều trị, hoặc tha về. Điều bất ngờ là cô H. lại có cảm tình đặc biệt với tôi, một tù nhân bình thường, không thuộc giới y khoa. Một hôm, cô H. gọi anh Nh. ra ngoài và xì xào nhờ anh đưa mấy cuốn sách và bút vẽ tặng tôi, anh gọi tôi đến, cười ha hả:

-Tiến! Tiến! Phen này cậu chết rồi! “Cán Bộ” H. mê cậu rồi!

Theo thủ tục, mỗi khi có một bệnh nhân phải chuyển viện ra ngoài thì Y Sĩ trách nhiệm chính của tù nhân ấy phải cầm hồ sơ bệnh lý đi theo Y Sĩ H. ra đến bệnh viện Biên Hòa và trình bầy bệnh lý của tù nhân ấy. Hôm ấy, tới phiên Nh. phải đi theo một bệnh nhân của anh ra ngoài, anh đã chuẩn bị hồ sơ bệnh lý và đứng chờ “cán bộ” Y sĩ H, hy vọng có một cơ hội được hưởng chút không khí tự do và nhìn thấy … loài người, không phải bọn “khỉ giam giữ tù nhân!  Bất ngờ, H. trầm giọng:

-Anh Nh. ở lại trại. Anh Tiến đi theo tôi!

Nh. chỉ gật đầu, rồi quay vào, gọi tôi ra đi theo “nàng”. Đến buổi chiều, khi thấy tôi về, Nh. cười ha hả:

-Cậu phải đưa tớ khám xem còn trinh không?

Và, sau này, khi tôi cương quyết không chấp nhận mối tình ấy (đã viết trong “Chuyện Tình của Cô Công An trong tuyển tập “Bôn Sa có gì lạ không, em?”), Nh. cười hoài:

-Thật lẩm cẩm! Mỡ để miệng mèo, mà mèo lại không chịu ăn!

Tình thân của chúng tôi còn tăng thêm vì ra tù cùng lượt vào cuối năm 1980. Nh. về nhà ở Hàng Xanh, và vượt biên luôn. Nhưng xui xẻo, bị bắt lại ngay. Ở tù thêm một thời gian, Nh. không còn muốn vượt biên nữa, và chờ vợ ở Mỹ bảo lãnh. Trong khi chờ đợi, anh mở phòng mạch tại tư gia. Anh nhờ tôi vẽ cho anh cái bảng hiệu, tôi nắn nót vẽ xong, thì đem lại treo trước cửa cho anh. Tôi hỏi:

-Có giấy phép không, mà dám mở phòng mạch?

Anh lắc đầu:

-Phép mẹ gì! Cứ đút cho Phường một tí là xong ngay.

Rồi vừa mở phòng mạch, anh vừa xin đi làm tại Bệnh Viện Grall. Tôi thỉnh thoảng đến thăm anh tại bệnh viện. Thấy tôi, là anh cười liền và lẳng lặng đi trước dẫn đường tôi xuống câu lạc bộ, làm hai chén chè đậu đen. Hai đứa vừa nhâm nhi ly chè vừa nói khe khẽ chuyện tương lai. Khi nghe tin tòa Đại Sứ Mỹ ở Thái Lan nhận đơn của tù “cải tạo” xin đi Mỹ, anh đến nhà tôi, nhờ tôi viết giùm đơn:

-Cậu đọc giùm tớ xem cái “Questionaires” này nó viết gì mà lằng nhằng quá. Rồi trả lời giùm tớ luôn. Viết giùm thêm một cái đơn bằng tiếng Anh nữa. Cho nó trịnh trọng.

Nh. tâm sự với một nửa hy vọng:

-Vợ tớ đang ở Mỹ với mấy đứa con. Tuy cô ấy không hề gửi thư, gửi quà gì cho tớ từ nhiều năm nay, nhưng qua một đứa em, cô ấy nói sẽ làm giấy bảo lãnh cho tớ qua Mỹ.

Giọng Nh. trầm buồn:

-Thôi, kệ, nếu cô ấy không thương yêu gì tớ nữa, mà cứ bảo lãnh cho tớ đi, thì cũng được rồi. Ở xứ này như ở với chó lợn, chỗ nào cũng có cặp mắt chó sói theo dõi, thở không nổi! Nói to tiếng cũng có thể bị tù giam.

Sau đó, một thời gian, Nh. cho tôi hay là có nhờ một anh bạn bác sĩ người Pháp, qua Mỹ tìm giùm vợ con anh. Anh bạn bác sĩ kia, sau khi trở lại Việt Nam, cho Nh. biết là ông ấy có đến gặp vợ anh và bà ấy hình như đang sống chung với một người ngoại quốc nào đó, cho nên không thư từ gì cho Nh. được. Điều làm cho Nh. tươi tỉnh lên là vợ Nh. hứa sẽ bảo lãnh cho Nh. sang rồi mới ly dị.

Hy vọng của Nh. cứ tăng lên khi số người được bảo lãnh đi Mỹ cũng tăng lên. Nh. yêu đời hơn  một chút. Một ngày, tôi rủ anh đến xem tranh của một người bạn họa sĩ của tôi, anh nhận lời liền và còn rủ một cô y tá làm cùng phòng anh đi xem. Buổi sáng ấy, anh và cô y tá kia đến nhà tôi, cười nói vui vẻ. Ba người chúng tôi được một ngày đầy ắp tiếng cười.

Chừng một tuần lễ sau, tôi ghé vào Grall thăm anh. Nh. hôm đó vui quá, rủ tôi xuống câu lạc bộ, làm hai ly chè đậu đen. Anh thì thầm:

-Này, chủ nhật này, tớ đến nhà cậu, hai đứa đi ăn phở! Tớ bao.

Tôi hỏi:

-Có tin gì vui vậy?

Nh. nói nhỏ:

-Hôm qua, tớ nhận được giấy mời của phòng Xuất Nhập Cảnh, mời lên gặp họ vào Thứ Sáu này. Có lẽ tớ được đi…

Tôi vui quá:

-Thế thì mừng cho cậu. Cậu đi trước, tớ đi sau.

Và tôi dặn đi dặn lại:

-Nhớ chủ nhật này, đúng 9 giờ nghe. Tớ chờ….

Rồi tôi chờ, chờ mãi… Nh. không đến! Nh. chưa bao giờ thất hẹn với tôi trong mấy năm qua. Lòng tôi bồn chồn kỳ lạ. Có chuyện gì? Có chuyện gì vậy?

Suốt ngày, tôi cứ lặp đi lặp lại với vợ tôi:

-Anh Nh. hẹn anh 9 giờ sáng mà giờ này chưa tới? Lạ quá!

Tối Chủ Nhật trôi qua thật mệt mỏi.Tôi đi ngủ mà mắt mở trừng trừng nhìn lên trần nhà…

Sáng thứ Hai. Mới 8 giờ sáng. Có tiếng đập cửa..”Anh Tiến! Anh Tiến! Mở mau!”

Tôi hốt hoảng ra mở cửa. Cô y tá của Nh. vừa trông thấy tôi là khóc òa:

-Anh ơi! Anh Nh. chết rồi! Chết thật rồi!

Tôi bàng hoàng, chẳng hiểu sao:

-Cô.. cô.. nói cái gì? Ai.. chết? người nào chết?

Cô y tá càng khóc to hơn, nức nở mãi mới nói lên lời:

-Anh Nh. chứ ai! Bác sĩ Nh.! Anh hiểu chưa? Anh Nh. chết sáng hôm qua rồi!

Tôi lặng người như có ai đập búa vào đầu mình, thều thào:

-Sao?…. Tại sao? …Sao lại… chết?

Chữ “chết” thật nhỏ, tưởng như không thốt ra được! Mãi một lúc sau, cô y tá mới từ từ kể:

-Sáng nay, lẽ ra anh Nh. phải có mặt từ 6 giờ vì có công tác khẩn. Không thấy anh ấy tới, em phải phóng đến nhà thì thấy anh ấy chết từ hôm qua rồi!

Tôi muốn té ngồi xuống đất vì hai chân run quá. Không biết nói sao hơn, tôi rủ cô y tá cùng đi đến nhà Nh.

Tới nơi, thấy Nh. nằm thẳng, hai tay chắp để trên bụng, khuôn mặt bình thản. Mẹ Nh., bà cụ lưng còng vì nuôi con, cho biết:

-Tối thứ Sáu, nó về nhà, chẳng nói chẳng rằng gì, chỉ gọi mấy đứa cháu gần nhà đến chơi, bảo tụi chúng nó hát múa cho chú xem, đến sáng thứ Bẩy, tự nhiên mua vé lên Bảo Lộc thật sớm, gặp em cháu ở đó, chừng 1 tiếng đồng hồ, rồi lại về liền. Sáng Chủ Nhật, không thấy nó đi lễ sớm với nhà, cứ tưởng nó mệt, khi lễ về, lay gọi mãi, không thấy động, thì ra nó chết rồi!

Tôi đứng nhìn Nh. nằm bất động, miệng lẩm bẩm gọi anh:

-Nh.! Nh.! Tại sao? Tại sao? Có gì mà không nói với tớ? Sao phải ra đi đột ngột như vậy?

Nh. vẫn im lặng. Hình như anh có mỉm một nụ cười buồn.

Đám tang Nh. có rất nhiều bạn y sĩ cùng khóa 68 (?) của anh. Bác Sĩ K. nói nhỏ vào tai tôi:

-Nh. tự tử đấy! Bà cụ gọi tôi, tôi đến ngay, thấy Nh. nằm ngay ngắn như vậy, bên cạnh, còn cái ống chích không. Chắc Nh. tự chích cho mình xong thì nằm xuống! Không hiểu sao Nh. lại tự tử như thế?

Riêng tôi thì hiểu mà không nói ra được. Vì theo lời ba của Nh. kể cho tôi biết, thứ Sáu hôm đó, khi Nh. lên phòng Xuất Nhập Cảnh, thì thay vì nhận thông hành, lại được cho hay là vợ Nh. thông báo hủy vụ bảo lãnh cho Nh. vì đã lập hôn thú với người mới rồi!

Nh. thất vọng não nề. Bao nhiêu hy vọng rời khỏi đất nước mà ma quỷ ở chung với người đã tiêu tan theo mây khói. Với bản tính ngay thẳng, hiền lành nhưng cương trực, anh không chịu nổi sự phản bội phũ phàng của người vợ tham tiền, ích kỷ, đốn mạt và phản bội kia, đành tìm đến cái chết.

Đám tang của anh được cử hành trong nước mắt. Chiếc xe tang đưa anh đến nơi an nghỉ ở ngọa ô, nơi có những cây dừa bao quanh, đất bùn nhão nhẹt. Tôi đứng lặng nhìn người ta dựng nên tấm bia lạnh lẽo dưới chân Nh. mà hồn như đang bay ở nơi nào đó, có tiếng cười sảng khoái của Nh.

Nắng đã lên. Cành hoa vàng Golden Rain giữa vườn rạng rỡ hơn. Đôi chim lạ vẫn hồn nhiên nhẩy múa, chẳng e dè thấy tôi đứng nhìn chúng. Bất ngờ, một chú chim vùng lên, tíu tít trong giây phút rồi vụt mất tăm vào không gian mênh mông để lại bạn đứng ngỡ ngàng, hụt hẫng vài giây rồi cũng tung cánh bay biến vào một phương trời khác.

Đột nhiên, tôi lại nghĩ đến những mối tình dang dở, đến các cuộc chia ly giữa những kẻ đang yêu nhau, có thể có nước mắt hoặc hoàn toàn khô lạnh.

Thôi, tạm biệt bạn hiền. Nhất định rồi mình sẽ lại gặp nhau, làm một ly chè đậu đen…

Chu Tất Tiến

Thánh Antôn ở Padua

Thánh Antôn ở Padua

    (1195-1231)

         

                                                                                             13 Tháng Sáu
       Quy tắc đời sống của Thánh Antôn là “từ bỏ mọi sự và theo Ðức Kitô,” đúng như lời ghi trong Phúc Âm. Nhiều lần Thiên Chúa đã gọi thánh nhân đến các hoạch định mới và ngài đã đáp ứng một cách nhiệt thành và tận tụy hy sinh để phục vụ Ðức Giêsu Kitô cách trọn vẹn hơn.

   Vị thánh rất nổi tiếng này sinh ở Bồ Ðào Nha, và tên rửa tội là “Ferdinand.” Ngài được sự giáo dục kỹ lưỡng của các tu sĩ dòng Augustine và sau đó đã gia nhập Dòng. Khi hai mươi lăm tuổi, cuộc đời ngài chuyển hướng. Lúc bấy giờ, ngài nghe tin một số tu sĩ dòng Phanxicô bị bách hại bởi người Moor và được tử đạo ở Morocco — đó là Thánh Bernard và các bạn. Ferdinand khao khát được chết vì Ðức Kitô nên ngài gia nhập dòng Phanxicô. Lúc bấy giờ, dòng này mới thành lập và Thánh Phanxicô vẫn còn sống. Ferdinand lấy tên là “Antôn” và đến Phi Châu để rao giảng cho người Moor. Nhưng ngay sau đó, ngài lâm bệnh nặng phải trở về Ý và sống trong một nơi hiu quạnh, chấp nhận công việc rửa chén trong nhà bếp và dành thời giờ để cầu nguyện, đọc Kinh Thánh.

    Thầy Antôn không bao giờ nói về mình, nên không ai trong nhà dòng biết được sự thông minh và tài giỏi thực sự của ngài. Mãi cho đến khi có buổi lễ tấn phong, và vì không ai trong dòng kịp chuẩn bị nên Thầy Antôn đã được chọn để diễn giảng. Những năm tìm kiếm Ðức Kitô trong sự cầu nguyện, trong Kinh Thánh và phục vụ Chúa trong sự nghèo hèn, khiêm hạ đã chuẩn bị Thầy Antôn được sẵn sàng để Thần Khí dùng đến khả năng của thầy. Bài giảng của thầy đã làm mọi người kinh ngạc và từ đó trở đi, cho đến khi ngài từ trần vào chín năm sau đó, Thầy Antôn đã đi rao giảng khắp nước Ý. Ngài nổi tiếng đến nỗi dân chúng phải đóng cửa tiệm để đến nghe ngài giảng.

    Ðược công nhận là một người siêng năng cầu nguyện, hiểu biết Kinh Thánh và thần học, Thầy Antôn là thầy dòng đầu tiên được dạy thần học cho các thầy khác. Kiến thức uyên thâm của thầy lại được Thiên Chúa dùng để rao giảng cho những người lạc giáo và hoán cải những kẻ lầm lạc.

    Người thời ấy thường tìm đến Thầy Antôn để xin chữa lành hồn xác. Nhiều phép lạ đã xảy ra qua lời cầu bầu của thánh nhân ngay khi còn sống.

     Thầy Antôn từ trần ở Arcella, gần Padua, nước Ý khi ngài ba mươi sáu tuổi. Chỉ một năm sau, ngài đã được Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô IX phong thánh.

    Người ta thường vẽ Thánh Antôn bế Hài Nhi Giêsu vì Ðức Giêsu đã hiện ra với ngài. Thánh Antôn là người hiểu biết thâm sâu, nhất là về Kinh Thánh, do đó Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã tuyên xưng ngài là “Tiến Sĩ Tin Mừng,” hoặc Tiến Sĩ Kinh Thánh.

     Lời Bàn

     Nhiều khi chúng ta muốn được người đời để ý đến những công việc tốt lành của chúng ta, nhưng ít ai muốn chú ý. Ðó là lúc chúng ta cầu xin Thánh Antôn giúp chúng ta vui lòng chấp nhận, và chú tâm đến những gì chúng ta có thể đem lại cho đời, hơn là nhận được từ người đời.

     Lời Trích

     Trong một bài giảng, Thánh Antôn nói: “Các thánh giống như các vì sao. Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, Ngài đã giấu họ nơi kín đáo để đừng chiếu tỏa trước mặt người khác dù đôi khi họ muốn như vậy. Tuy nhiên, họ phải sẵn sàng hy sinh đời sống chiêm niệm âm thầm để đổi lấy việc bác ái, một khi tâm hồn họ nhận ra đó là lời mời của Ðức Kitô.”

nguồn: từ Maria Thanh Mai gởi

THÁNH THỂ VÀ LÒNG MẾN: CUNG KÍNH

THÁNH THỂ VÀ LÒNG MẾN:  CUNG KÍNH

                                                                          Lm Nguyễn Tầm Thường, S.J

Tôi cần nhìn lại lối sống tín nguỡng của mình nhiều lắm.  Có những cách sống đã quá quen thuộc, tôi tưởng chừng như mình đang sống đức tin, nhưng có lẽ tôi chỉ quằn quại với niềm tin mà thôi, vì tâm hồn không an vui, không hạnh phúc, và những người chung quanh tôi cũng không hạnh phúc, không an vui.

Khi niềm tin trở thành quằn quại thì nghi thức tôn giáo là gánh nặng.

– Chúa nói: “Ta đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ” (M. 20:28).  Như vậy, niềm tin là một giếng nước.  Mà để kéo gầu ấy, tại sao ta không thể có niềm vui?

– Chúa nói: “Tất cả những ai đang vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt. 11:29).  Như vậy đến với Chúa là một giải thoát.  Tại sao ta thiếu thiết tha khi cử hành phụng vụ?

– Thấy bệnh tật, Chúa chữa lành, thấy đói, Chúa cho ăn (Mt. 14:14-21).  Như vậy, niềm tin là cánh tay với vào vườn hoa trái.  Tại sao ta thấy nặng nề?

Có người nói: “Tôi bận quá, không thể đi tĩnh tâm được”.  “Tôi mỏi mệt lắm, không thể phục vụ Chúa được.”  Trong khi đó, vì bận rộn nên mới cần tĩnh tâm, để Chúa dắt đi, nghỉ ngơi.  Trong khi đó, vì ta mỏi mệt, và gánh đời quá nặng, Chúa mới đến để phục vụ.  Có một suy nghĩ nào đó dường như không ổn.  Nếu suy nghĩ không ổn thì rất có thể suy nghĩ ấy sẽ đưa đến một lối sống khắc khoải.

Thánh Inhaxiô, sau khi thụ phong linh mục, ngài không dâng lễ mở tay ngay.  Ngài đợi một năm sau. Và rồi cứ mỗi lần dâng lễ ngài lại khóc.  Còn Mẹ Têrêsa Calcutta thì treo trong phòng áo lễ của nhà dòng tấm bảng:

Xin linh mục của Chúa,
Cha dâng lễ này như thánh lễ mở tay,
như thánh lễ sau cùng,
như thánh lễ chỉ dâng duy nhất một lần trong đời mà thôi.

Nói về bí tích Thánh Thể, về những nghi thức cử hành.  Hôm nay người ta nghe thấy những lời “khen”, tiếng “chê”.  Đi lễ cha kia làm lẹ lắm.  Và dường như cũng có những linh mục, vô tư nhận mình làm lễ lẹ lắm, nhiều người thích.  Họ nói với người tham dự: “Chúa ở cùng anh chị em”.  Nhưng thật sự đấy chẳng phải là lời cầu chúc, vì tay đang mở sách, chưa thấy lời nguyện thánh lễ hôm nay ở trang nào.  Tâm trí đang vội vã đi tìm.  Có những thánh lễ mà giây phút cực trọng là truyền phép Thánh Thể, linh mục đọc quá vội vàng.  Chưa xong đã bái gối, chưa bái gối xong đã hối hả đứng dậy. Rất là liếng thoắng.  Tôi cũng thấy nhiều thừa tác viên thánh thể, sau khi cho chịu lễ, họ rước Máu Thánh còn lại trong chén thánh như uống một ngụm Coca.  Họ “bốc”, họ “đổ” Bánh Thánh như đổ một hũ đậu phụng.  Họ thiếu cung kính vì thiếu tấm lòng.  Họ đến từ một cộng đoàn mà chính cha quản nhiệm không đầy đủ bổn phận huấn luyện họ cung kính Thánh Thể Chúa.  Làm sao huấn luyện nếu chính cha quản nhiệm thiếu tấm lòng.  Đi giúp mục vụ nhiều nơi, tôi rất cảm kích khi có những linh mục đến nhà thờ rất sớm, không tiếp ai trước thánh lễ.  Họ dành giây phút đó để chuẩn bị thánh lễ.  Và cũng có những thừa tác viên Thánh Thể được huấn luyện rất cung kính khi thi hành nhiệm vụ thánh.

**********************************

Lạy Chúa,

Con cần hiểu bí tích Thánh Thể là kết quả của tình yêu Chúa chết cho con người được sống.  Làm sao con có thể cử hành cho chóng qua như một cuộc gặp gỡ mà con không muốn gặp.  Làm sao con cảm nghiệm được khi con chỉ gặp để cho qua.

Con cần phải hiểu những gì con đang làm, con đang sống, tôn giáo con đang theo.  Con phải hiểu thông báo của người đàn ông kia là thông báo của thiên thần báo mộng trước cửa đền thờ linh hồn mỗi khi con bước vào:

– Đức tin không có đức ái, sẽ không biết lối nào đi.

Con phải hiểu Thánh Thể Chúa là tình yêu vô cùng sâu thẳm.

– Xin cho con lòng yêu mến trưởng thành.

Con phải hiểu Thánh Thể Chúa là mầu nhiệm cực thánh.

– Xin cho con cử hành với tâm hồn hết sức kính cẩn, thiết tha.

 Lm Nguyễn Tầm Thường, S.J

 trích trong “Thánh Thể –  Đường Đi Một Mình”

Cám ơn Chúa

Cám ơn Chúa

 

Có một bà lão đạo đức nhưng một thân một mình trong túp nhà lá lụp xụp, bà nghèo đến nỗi một ngày nọ, rơi vào cảnh túng quẫn, không đủ tiền mua gạo nấu chút cháo cầm hơi. Đói quá, bà quì ngay xuống trước cửa nhà, ngước mắt nhìn trời, cầu nguyện lớn tiếng một cách chân thành: “Lạy Chúa, xin Chúa cho con một ít gạo để nấu cháo chiều nay, nếu không, chắc con chết mất Chúa ơi!”

 
Tình cờ lúc ấy có một ông hàng xóm đi ngang qua, ông ta là một người khá giả, nhưng chẳng bao giờ giúp đỡ bà cụ nghèo khổ được chút gì. Thế nhưng, ông ta là một người thực dụng, dứt khoát không tin có Thiên Chúa hay thần thánh nào cả, nghe bà cụ cầu nguyện như vậy, ông ta thấy bực mình, liền nghĩ ra một cách để giập tắt thứ niềm tin mà ông cho là mê tín dị đoan, lẩm cẩm ngu muội của các bà cụ già nhà quê.
Ông ta liền về nhà, xúc luôn mấy kí gạo đem sang cho bà lão hàng xóm. Y như rằng, bà lão mừng quá la lớn: “Ôi lạy Chúa, con xin cám ơn Chúa!” Ông hàng xóm thấy thế, biết là bà cụ đã trúng kế của mình, ông bèn bảo thẳng cho bà lão rằng chỗ gạo ấy là do ông vừa lấy ở nhà đem sang cho bà, chứ chẳng có Chúa nào ở đây mà giúp cho bà như vậy.

Ông hàng xóm đang hể hả đắc ý, thì không ngờ bà cụ vẫn tin tưởng và vui vẻ đáp lời: “Vâng, tôi biết chứ, chính ông đã mang chỗ gạo này đến chia sẻ cho tôi, nhưng tôi xin quả quyết rằng Chúa đã dùng ông để làm điều tốt lành này. Lời cầu nguyện của tôi đã được Chúa nhậm lời nhanh chóng. Xin tạ ơn Chúa và cám ơn ông vô cùng!”

Lời hằng sống 6.1996

nguồn: từ MariaThanh Mai gởi

Thánh Giáo Hoàng Lêô III

Thánh Giáo Hoàng Lêô III

  12 Tháng Sáu

 Sinh ở Rôma, nước Ý, Ðức Lêô là người thủ kho của tòa thánh và là linh mục trưởng ở Santa Suzanna khi ngài được chọn làm giáo hoàng năm 795 để kế vị Ðức Hadrian I, vừa mới từ trần.

 Hai người cháu của Ðức Hadrian I đều mong muốn được làm giáo hoàng, do đó họ xúi giục các thanh niên quý tộc tấn công Ðức Lêô. Trong cuộc rước nhân ngày lễ Thánh Máccô, Ðức Lêô bị bọn côn đồ kéo xuống khỏi ngựa và chúng định cắt lưỡi và đâm mù mắt của ngài. Nhờ sự can thiệp kịp thời của công tước xứ Spotelo, ngài thoát chết và trốn trong tu viện Thánh Erasmus, sau đó ngài đã bình phục mau chóng một cách lạ lùng.

 Ðức Lêô được cảm tình của người thế lực nhất thời bấy giờ, đó là Hoàng Ðế Charlemagne ở Paderborn, và ông đã cung cấp vệ binh để hộ tống đức giáo hoàng trở về Rôma giữa tiếng reo hò của mọi người.

 Tuy nhiên, kẻ thù vẫn không để ngài yên. Họ tố cáo Ðức Lêô về tội thề gian và ngoại tình. Năm 800, Charlemagne đến Rôma và chỉ định một ủy ban điều tra để cứu xét điều cáo buộc Ðức Lêô. Uỷ ban không tìm thấy một chứng cớ nào, và Ðức Lêô đã thề trước hội đồng giám mục rằng ngài vô tội đối với các cáo buộc ấy.

 Vào lễ Giáng Sinh, tại đền Thánh Phêrô, Ðức Lêô đã ban thưởng cho Charlemagne tước vị Thánh Ðế Rôma. Ðiều này là nguyên do hình thành Ðế Quốc Rôma Thánh Thiện — là một cố gắng nhằm thể hiện lý tưởng Thành Phố Thiên Chúa của Thánh Augustine — mà đã ảnh hưởng đến lịch sử Âu Châu trong nhiều thế kỷ.

 Với sự giúp đỡ của Charlemagne, Ðức Lêô đã dẹp được lạc thuyết Thừa Tự (*) ở Tây Ban Nha, nhưng khi Charlemagne muốn thêm chữ Filioque (“và Ðức Chúa Con” *) vào kinh Tin Kinh Nicene thì Ðức Lêô đã từ chối, một phần vì ngài không cho phép giáo dân can thiệp vào nội bộ giáo hội, và một phần vì ngài không muốn chống đối Giáo Hội Byzantine.

 Một cách tổng quát, đức giáo hoàng và hoàng đế hành động ăn khớp với nhau. Theo lời đề nghị của Charlemagne, Ðức Lêô còn thành lập một đạo quân để chống với giặc Saracen, lấy lại được một số tài sản của Giáo Hội ở Gaeta. Tính hào phóng của Charlemagne đã giúp Ðức Lêô canh tân nhiều nhà thờ ở Rôma và Ravenna, cũng như giúp đỡ người nghèo và bảo trợ các công trình nghệ thuật.

 Khi Charlemagne từ trần năm 814 và Ðức Lêô không còn ai bảo vệ, quân thù lại nổi dậy chống đối ngài. Với tất cả uy thế và quyền bính cá nhân, ngài đã dẹp tan âm mưu nổi loạn của giới quý tộc ở Campagna. Tuy nhiên, ngài bị vẫn bị giới quý tộc khinh miệt vì ngài xuất thân từ giới bình dân. Ngài từ trần năm 816 và được phong thánh năm 1673.

 (*) Thuyết Thừa Tự chủ trương Ðức Kitô chỉ là con nuôi của Thiên Chúa, do đó Người không phải Thiên Chúa thật.

 Filioque: Cho đến ngày nay, Chính Thống Giáo Hy Lạp và một số Giáo Hội Ðông Phương vẫn cho rằng Chúa Thánh Thần chỉ bởi Chúa Cha mà ra, do đó, những ai chủ trương rằng Chúa Thánh Thần cũng bởi Chúa Con mà ra thì họ cho là lạc giáo.

nguồn: Từ Maria Thanh Mai gởi 

 

MẸ NGUỒN CẬY TRÔNG, CHƯA THẤY AI XIN MẸ VỀ KHÔNG

MẸ NGUỒN CẬY TRÔNG, CHƯA THẤY AI XIN MẸ VỀ KHÔNG

Lm. VĨNH SANG, DCCT 

Năm 1866, bức Linh Ảnh Đức Mẹ mang tước hiệu Mẹ Hằng Cứu Giúp được Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Pio IX trao cho DCCT với nhiệm vụ quảng bá lòng sùng kính Đức Mẹ, bức Linh ảnh ấy đươc tôn kính tại đền Thánh An Phong, đường Merulana, thành phố Roma, bên cạnh trụ sở trung ương của Hội Dòng. Từ ngày ấy, mỗi bước chân Thừa Sai DCCT đi đến đâu cũng đều được đặt dưới sự bảo trợ của Mẹ Hằng Cứu Giúp, cùng đi với các Thừa Sai, phiên bản bức Linh ảnh được phổ biến khắp nơi.

Năm 1925, ba nhà Thừa Sai đầu tiên DCCT đặt chân đến Huế ( Cha Larouche, cha Cusineau và thầy Barnabe ), trong hành trang của các ngài có phiên bản bức Linh ảnh hay làm phép lạ. Cùng với sự hiện diện của bức Linh ảnh, các Thừa Sai đã nhanh chóng phổ biến các kinh nguyện cầu khấn cùng Mẹ, những lời kinh ngọt ngào, quen thuộc và thân thương với mỗi người dân Việt Công Giáo chúng ta đã được cất lên từ ngày ấy: “Lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp, xin che chở mọi kẻ thuộc về con, ban ơn phù hộ cho Đức Thánh Cha, cho Hội Thánh, cho nước con, cho gia đình con, cho kẻ thân nghĩa, kẻ thù nghịch và hết mọi kẻ khốn khó…”, ai trong chúng ta mà chẳng nhớ những lời kinh này.

Trong đời mục vụ, chúng tôi có dịp đi đó đây khắp miền đất nước, từ những Nhà Thờ Chính Toà to lớn đến những ngôi Nhà Nguyện bé nhỏ hun hút nơi vùng sâu, ở đâu chúng tôi cũng bắt gặp phiên bản của bức Linh Ảnh nổi tiếng này, nhìn những bức ảnh được tôn kính chúng tôi biết bước chân của cha anh chúng tôi đã từng đặt đến những nơi đây. Chúng tôi thầm cảm tạ ơn Chúa cùng với sự khâm phục lòng nhiệt thành của cha anh mình.

Câu chuyện “Đức Mẹ lộ hình” tại La Mã Bến Tre là một điển hình. Ngày ấy, hơn 62 năm về trước ( trước năm 1950 ), giữa một vùng sông nước mênh mông, chiến tranh khốc liệt, bức Linh ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp đã xuất hiện một cách lạ lùng ( 5.5.1950 ), kèm theo những phép lạ tỏ tường ( 7.10.1950 ) để cứu vớt che chở người dân quê nghèo khốn khổ ( tìm đọc chuyện Đức Mẹ La Mã Bến Tre ). Ngày nay ngôi Nhà Thờ đã được trùng tu, khuôn viên Nhà Thờ đã được tu bổ, một con đường nhỏ ngang 4 mét vừa được xây dựng để khách hành hương có thể đến với bức Linh Ảnh Đức Mẹ La Mã Bến Tre tương đối dễ dàng, từ Sàigòn nếu di chuyển bằng xe 4 bánh chỉ cần hai tiếng đồng hồ chúng ta đã có thể đến viếng thăm ngôi đền này ( www.ducmelamabentre.com ).

Trong bộ sưu tập về bức Linh Ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp còn một chứng tích tuyệt vời khác nữa. Việt Nam năm 1954, trong hành trình di cư của hàng triệu người từ miền Bắc vào Nam, có một phóng viên đã chụp được cảnh đoàn người di cư, một người phụ nữ lam lũ gồng gánh tất cả mớ gia sản nghèo nàn tả tơi của mình, vậy mà bà đã không quên mang theo bức Linh ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp. Bước chân bà sải đi vững chắc trong niềm tin và cậy trông phó thác trên hành trình hướng về tương lai, ắt hẳn vì Mẹ Hằng Cứu Giúp đang ở cùng bà, ở cùng gia đình bà.

 Bức Linh ảnh người phụ nữ xuôi Nam năm ấy mang theo bây giờ ở đâu ? Được tôn kính ở chốn nào chúng ta không có điều kiện để tìm biết.

Thế rồi bây giờ chúng tôi mới biết được thêm một câu chuyện khác, tình cờ nhưng rất thú vị, cũng là một câu chuyện về một người phụ nữ với bức Linh ảnh, cũng là một cuộc di cư vĩ đại khác của 21 năm sau cuộc di cư khổng lồ năm 1954. Nhẩm tính lại, ngày ấy, năm 1954, người phụ nữ trong câu chuyện chúng tôi sắp kể mới chỉ là một em bé 10 tuổi theo cha mẹ chạy vào Nam.

Chị về Việt Nam đã 4 lần nhưng lần này chị mới có dịp đến DCCT, quận 3, Sàigòn, chị liên lạc và giúp đỡ chúng tôi từ lâu nhưng chỉ biết nhau qua thư từ và hình ảnh trên mạng, chị vào thăm Nhà Dòng và trong những câu chuyện chia sẻ, chúng tôi ghi được một câu chuyện lạ lùng thú vị.

Năm 1975, chị có chồng là một sĩ quan không quân đóng tại phi trường Phù Cát, thành phố Quy Nhơn thuộc miền Trung, tháng Tư chiến tranh ác liệt, cả trại gia binh di chuyển vào Sàigòn để lánh nạn, nhưng chẳng bao lâu lại phải tiếp tục di chuyển ra Côn Đảo, anh vẫn tiếp tục trong đội hình chiến đấu của quân đội miền Nam. Không lâu trước ngày Sàigòn thất thủ 30 tháng 4, chị và các chị em khác hoàn toàn mất tin tức chồng, đau buồn và lo sợ.

Ngày ngày chị lang thang một mình ở bãi biển trông ngóng tin chồng, tình cờ một hôm chị nhặt được một tấm bìa báo xuân của một tạp chí Công Giáo nào đó, trên tấm bìa đó còn ghi hàng chữ “Cung chúc tân xuân” cùng với hình Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp chiếm trọn trang bìa. Tấm bìa trôi dạt ở bãi cát trắng bờ biển, ướt sũng, nhạt nhòa. Chị nhặt lên với tất cả sự tôn kính, mang về khu trại gia binh, hong cho khô và sớm khuya cầu nguyện với bức Linh Ảnh.

Bây giờ nhớ lại, chị kể chị đã hết lòng khẩn khoản nài van Mẹ xin cho được gặp lại chồng. Và chị đã được như ý, khi chị và các con được chuyển đến tạm cư ở đảo Guam, chị đã bất ngờ tìm lại được anh qua hội Hồng Thập Tự Quốc Tế khi mọi sự ngỡ đã hoàn toàn tuyệt vọng. Ai nghe chuyện cũng đều bảo là phép lạ !

 Định cư tại Hoa Kỳ, anh chị đã không quên mang theo bức Linh Ảnh kỳ diệu. Chị tiếp tục cầu nguyện với Mẹ Hằng Cứu Giúp xin cho có thêm một cháu gái vì ba cháu đầu đều là trai, một lần nữa, chị lại được như ý. Theo chị kể, lời vật nài cùng Mẹ có nhiều chi tiết thú vị về bé gái chị xin. Vâng, chị đã xin, đã ngỏ lời với tâm tình rất đơn sơ thân mật y như của một người con gái thủ thỉ cùng bà mẹ dấu yêu của mình. Chị đón nhận tất cả những điều ấy như một hồng ân.

Bức Linh Ảnh đó bây giờ chị đóng khung treo trong phòng ngủ, ngay trên đầu giường của chị.

Chị chia sẻ với anh em chúng tôi: bức Linh Ảnh không đẹp vì chỉ là một bức ảnh in trên bìa một tờ báo cũ, lại được vớt lên từ bãi cát bờ biển Côn Đảo, không đẹp vì đã bị ướt rồi hong khô lại, không đẹp vì kỹ thuật in ấn của những năm thập niên 70 tại Việt Nam, nhưng lại đẹp và quý giá tuyệt trần vì bức Linh Ảnh ấy đã xuất hiện trong những ngày tháng chị lao đao hoang mang nhất, cô đơn gian khổ nhất, đẹp vì chị đã mang theo bên mình suốt 37 năm với những lời nguyện cầu to nhỏ, đẹp vì là sự an ủi và cậy trông của cả cuộc đời chị, đẹp vì bức ảnh đã giúp chị cầu nguyện và vững chắc trong Đức Tin, đẹp vì qua bức ảnh chị nhận được quá nhiều ân huệ của Thiên Chúa.

Chị vẫn hằng cầu nguyện với bức ảnh đó: “Xin cho con biết dùng những năm tháng kế tiếp của cuộc đời để phục vụ Chúa trong Hội Thánh tại Việt Nam”.

Xin cám ơn chị Thanh Lịch, Oklahoma, Hoa Kỳ, chị đã làm chứng về tình thương của Chúa qua lời cầu bầu của Mẹ Maria Hằng Cứu Giúp, Mẹ của tất cả chúng ta…

Lm. VĨNH SANG, DCCT, 6.6.2012 (Ephata 513)