VÌ SAO HƯ BỘ NHỚ?  

 VÌ SAO HƯ BỘ NHỚ?  

   BS Lương Lê Hoàng

 Nếu tưởng người già mới lẫn thì chưa đủ. Tình trạng sa sút trí nhớ đến độ “vừa nghe đã quên” của người trẻ từ lâu đã vượt xa mức báo động.

 Ai chưa tin xin thử xem có bao nhiêu người nhớ nổi số… driver license! Nhiều người quên tuốt luốt, quên giờ vào sở, quên luôn công việc, quên cả vợ con, đến độ sau giờ làm việc phải ngồi hàng giờ ở bàn nhậu để cố nhớ nẻo về nhà, thậm chí quên hết đến độ chỉ còn nhớ có mỗi ngày… lãnh lương! 

Chuyện gì cũng có lý do. Bộ nhớ mau hư thường vì nạn nhân chính là thủ phạm do thiếu nhiều thứ, cùng lúc lại thừa vài món trong cuộc sống thường ngày. Đó là:

 * Thiếu ngủ: 

Không kể người lỡ chọn nghề trực đêm, thiếu ngủ vì thức quá khuya dường như là “mốt” của nhiều cư dân trong các thành phố. Kẹt một điểm là chất lượng của trí nhớ gắn liền với độ sâu của giấc ngủ, theo kết quả nghiên cứu ở Đại học Schleiweg- Holstein. Nhưng nếu tưởng như thế chỉ cần dùng thuốc ngủ để ngủ cho được nhằm tăng cường trí nhớ thì lầm. Thuốc an thần tuy tạo được giấc ngủ nhưng não bộ đồng thời cũng mê một lèo khiến bộ nhớ quên luôn công việc. 

 * Thiếu nước: 

Não lúc nào cũng tiêu thụ không dưới 20% năng lượng của cơ thể riêng cho chức năng tư duy. Não vì thế rất cần nước và chất đường sinh năng. Theo chuyên gia ở Đại học Erlangen, uống không đủ nước trong ngày lại thêm bữa ăn chiều thiếu chất ngọt là một trong các lý do khi tín hiệu thần kinh vừa nhập vào lại ra ngay, cứ như nước đổ đầu vịt. 

 * Thiếu dầu mỡ:

Chất béo loại cần thiết cho cấu trúc của tế bào thần kinh như 3-Omega, Acid Linoleic… là món ăn chính của não bộ. Đừng tưởng kiêng cử là béo tốt cho não. Trái lại là khác. Tất nhiên đừng để tăng chất mỡ máu vì đó là yếu tố bất lợi cho hoạt động của bộ não. Nhưng thiếu mỡ cũng tai hại tương tự. 

* Thiếu dưỡng khí: 

Thêm vào đó, não không thể dán tín hiệu thần kinh, dù là hình ảnh hay âm thanh vào bộ nhớ nếu tế bào thiếu dưỡng khí vì thiếu máu. Chính vì thế mà nhiều thầy thuốc khuyên dùng cây thuốc có công năng cải thiện hàm lượng dưỡng khí trong não bộ ngay cả cho người chưa phát hiện triệu chứng “đụng đâu quên đó”.

 * Thiếu vận động: 

Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy người cao tuổi nếu vận động thể dục thể thao trong ngày thì ít quên hơn người không vận động. Theo các nhà nghiên cứu về lão khoa ở Hoa Kỳ, vận động trong ngày là điều kiện để bộ não không thiếu dưỡng khí trong đêm. Cũng không cần hình thức thái quá, nhẹ nhàng thôi, như đi bộ, bơi, chạy xe, khí công…, miễn là ngày nào cũng có.

 * Thiếu tập luyện: 

Muốn não “bén nhọn” như xưa mà không tập luyện chẳng khác nào chưa học bài. Chơi ô chữ, sudoku, học ngoại ngữ, vẽ tranh…, kiểu nào cũng tốt, càng nhiều cách giải trí càng hay, miễn là đừng ngồi yên mỗi ngày nhiều giờ trước máy truyền hình vì đó là hình thức tai hại cho bộ não. 

 Thừa Stress: 

Bôi sạch bộ nhớ là một trong các phản ứng phụ của nội tiết tố nẩy sinh trong tình huống Stress. Biết vậy nên tìm cách pha loãng Stress bằng thể dục thể thao, thiền định, kiểu nào cũng được, miễn vui là chính. Thêm vào đó, đừng tự đầu độc cơ thể và bộ não bằng thuốc lá, rượu bia, thịt mỡ… Với bộ não “ngập rác” thì quên là cái chắc vì đâu còn chỗ nào để nhớ!

 * Thừa chất oxy-hóa: 

Hàm lượng chất gây rỉ sét tế bào sản sinh từ rối loạn biến dưỡng, độc chất trong môi trường ô nhiễm, khói thuốc lá, độ cồn, phụ gia trong thực phẩm công nghệ, hóa chất trong dược phẩm… càng cao, tế bào não càng mau già trước tuổi. Cầm chân chất oxy-hóa bằng hoạt chất kháng oxy-hóa vì thế là biện pháp chủ động để bộ nhớ đừng mau “hết đát”.

 Hãy đừng “đem não bỏ chợ” qua lối sống chẳng khác nào có thù sâu với não bộ. Nếu đối xử với não bạc bẻo thì đừng trách có lúc “có vay có trả”

 BS. LƯƠNG LỄ HOÀNG

From: Helen Huong Nguyen

Dinh dưỡng ở tuổi già- BS Nguyễn Ý Đức

Dinh dưỡng ở tuổi già– BS Nguyễn Ý Đức

Tại sao lại có chuyện đa dạng, cân bằng, dinh dưỡng cao?

Thưa lý do là vì ngoài các chất dinh dưỡng chung thì mỗi loại thực phẩm lại có những chất mà chỉ riêng mình mới có. Cho nên, bữa ăn cần phải có nhiều món ăn khác nhau. Chẳng hạn ta chỉ ăn thịt cá mà quên món rau tươi xanh, thì là điều thiếu sót rất đáng trách vì thịt cá không có chất xơ của rau. Mà chất xơ lại rất cần cho cơ thể.

Đa dạng nhưng không “hổ lốn”, hỗn độn, nhất bên trọng, nhất bên khinh mà cần theo một tỷ lệ đã được nghiên cứu chỉ định. Đó là sự cân bằng giữa các loại thực phẩm. Thông thường các nhà dinh dưỡng khuyến cáo nên dùng từ 45-55% chất carbohydrate từ cơm, gạo, mì, rau trái, 25-30% chất béo và phần còn lại là chất đạm thịt cá, các loại hạt.

Và món ăn phải có giá trị dinh dưỡng cao, tức là có đủ các chất mà cơ thể cần để hoạt động, để tái tạo tế bào hư hao, để trẻ thơ tăng trưởng. Các thực phẩm như đường tinh chế, rượu chỉ cho calori mà không cho chất dinh dưỡng, cho nên nếu tiêu thụ nhiều chỉ làm cho cơ thể phì lộn, béo bệu.

Dù ở tuổi già, nhưng quý lão niên vẫn cần năng lượng để làm việc, để duy trì sức khỏe tuổi cao đồng thời, nếu dinh dưỡng tốt, cũng có thể phòng tránh được một số bệnh như bệnh loãng xương, bệnh tim, bệnh cao huyết áp, thiếu hồng cầu, sa sút trí tuệ Alzheimer và vài loại ung thư. Chẳng may mà cụ nào đang mắc một vài trong các bệnh vừa kế thì dinh dưỡng đúng cách cũng khiến cho bệnh nhẹ nhàng, hồi phục mau hơn.

Hỏi rằng có một công thức dinh dưỡng nào toàn hảo cho tuổi thọ trường sinh, thì câu trả lời là không có. Nhưng những lời khuyên thực tế sẽ là: thực phẩm phải đa dạng, phẩm chất dinh dưỡng cao và các chất dinh dưỡng phải cân bằng.

Về số lượng chắc chắn là nhu cầu của quý cụ sẽ ít hơn là khi còn trung niên trai tráng, vì bây giờ đâu còn phải lao động chân tay cật lực. Do đó quý cụ vẫn cần các chất dinh dưỡng chính như mọi người. Đó là chất carbohyrat (chất bột, đường), chất dạm, chất béo, vitamin, khoáng chất và nước.

Con người, nói chung, không giống các sinh vật khác ở chỗ là ta không phải di chuyển để lùng kiếm thức ăn hay e ngại không kiếm đủ thức ăn. Mà ta lại có mối lo là làm sao không chỉ-ngồi-đó-mà-ăn hoặc ăn-quá-nhiều. Lý do là tại nhiều quốc gia, thực phẩm quá dư, chỉ muốn ăn gì và có tiền là xong. Nhưng ăn nhiều mà không vận động, tiêu dùng thì thật là nguy hiểm.

Sau đây là một số điều cần làm để có dinh dưỡng tốt cho tuổi già:

1-Biết lựa thức ăn thích hợp.

Tại Hoa kỳ, năm 1990 một đạo luật liên hệ tới việc liệt kê phẩm chất, thành phần của thức ăn đã được ban hành với mục đích để giới tiêu thụ dễ chọn lựa thức ăn thích hợp với nhu cầu của mình. Các quốc gia khác cũng phụ họa, làm theo.

Nhãn hiệu (Food label) đó không hoàn toàn đáng tin cậy, nhưng ít nhất cũng có giá trị hướng dẫn. Ta nên coi kỹ bảng phân tích này để lựa thức ăn thích hợp với cơ thể của mình.

2- Khi nào thì ăn?

Tất nhiên sẽ có câu trả lời: Thấy đói là ăn. Vậy khi nào thì đói, đói bụng hay đói con mắt? Lại nữa: ăn để sống hay sống để ăn?.

Người phương Tây có thói quen: ăn bữa sáng bữa trưa nhẹ, bữa tối thịnh soạn. Kể ra cũng tiện, vì sáng dậy vội vã đi làm, chỉ đủ thì giờ để chiêu một ly cà phê.

Trưa ngồi ở sở vừa làm việc vừa nhai miếng bánh mì kẹp chả mới làm tối hôm qua, kèm theo quả chuối, ly coke.

Tối về rảnh rang, làm một bữa cơm rượu no nê, rồi lên giường ngủ.

Thế là cholesterol trong máu tăng cao, những tảng mỡ không mời mà ngang nhiên xâm lấn vùng bụng, vùng hông.

Từ hơn ba chục năm trước, tại viện Đại Học Chicago, nhà dinh dưỡng Clarence Cohln đã chứng minh rằng những người ăn một bữa no mỗi ngày thì cholesterol sẽ cao hơn những người nhâm nhi nhiều lần trong ngày. Ðây có lẽ cũng là lý do mà cholesterol ở nữ giới, lúc thiếu thời, thấp hơn ở nam giới, vì quý bà hay ăn quà vặt. Còn quý ông thì nhồi nhét một bữa cho xong.

Ăn một bữa no cũng bắt buộc sự biến hóa thực phẩm phải làm việc quá sức, vị tố tiêu hóa, nhất là Insulin, phải tiết ra nhiều trong một thời gian quá ngắn, đôi khi có khuyết điểm.

Tốt hơn hết là tuổi già cứ nhâm nhi, chia phần ăn ra nhiều phần nhỏ rồi ăn lai rai nhiều lần trong ngày.

3-Hỏi rằng ăn bao nhiêu cho đủ?

Xin thưa là các cụ Á đông ta quan niệm để sống lâu chỉ nên ăn” ba phần đói, bẩy phần no”. Để còn hơi thòm thèm, sau này còn muốn ăn món đó nữa và cũng để tránh ăn quá nhiều.

Các nhà dinh dưỡng lại khoa học hơn. Họ khuyên:

-Nam giới trên 50 tuổi tiêu thụ khoảng 2000 calo nếu ít hoạt động, 2200-2400 calori nếu hoạt động vừa phải và nếu còn rất hoạt động lại cần nhiều hơn: 2400-2800 calo mỗi ngày.

Với nữ giới thì theo thứ tự như trên sẽ là 1600 calori, 1800 calori và từ 2000-2200 calori.

4-Làm sao để ăn ngon?

Ăn uống đứng đầu tứ khoái (ăn, ngủ, sinh lý, “đổng ìa”). Nhưng nhiều vị cao niên lại chẳng muốn ăn hoặc thấy món ăn nhạt tuếch, vô vị. Trở ngại này có thể là vì răng không còn nhiều, lợi viêm sưng, nhai nuốt khó khăn, nước miếng giảm hoặc đang uống nhiều dược phẩm trị bệnh làm giảm khẩu vị; hoặc cô đơn lủi thủi ăn uống một mình.

Hãy thổ lộ với các nhà chuyên môn dinh dưỡng, y tế để cùng nhau giải quyết.

Lựa nấu món ăn ưa thích, cho thêm chút gia vị màu mè để món ăn hấp dẫn hơn. Và cũng tìm thêm bạn để đồng thực, đồng ẩm.

5-Giới hạn thực phẩm có nhiều chất béo nhất là mỡ động vật.

Chất béo bão hòa làm tăng cholesterol trong máu. Chất béo từ thực vật, bất bão hòa, làm giảm cholesterol.

Giản dị nhất là ăn thịt nạc, thịt gà, vịt bỏ lớp da đầy mỡ; hấp hay nướng nhiều hơn là chiên; thay thịt bằng cá, rau, trái cây; uống sữa ít chất béo.

6-Ăn thực phẩm có nhiều rau, trái cây hạt ngũ cốc

Các thực phẩm này tương đối vừa rẻ lại tốt lành và cũng có nhiều năng lượng.

Các nhà dinh dưỡng khuyên nên dùng 5 đơn vị trái cây và rau mỗi ngày, 6 tới 11 đơn vị hạt ngũ cốc. Mỗi đơn vị là lượng thức ăn mà ta thường dùng như là một bát cơm, một quả táo cỡ trung.

Nên nhớ là trên thế giới có cả hàng trăm triệu người ăn chay mà họ vẫn sống lâu. Như vậy ăn chay chắc phải có một gía trị dinh dưỡng nào đó.

Lại nữa: phần ăn của các lực sĩ vô địch trước khi tranh giải đều có nhiều carbohydrate, là một lý do để ta tăng số lượng rau và trái cây trong bếp và trên bàn ăn của chúng ta.

7-Một vài ý kiến về chất đạm protein.

Cơ thể được cấu tạo bằng chất đạm. Chất này có nhiều nhất trong thịt động vật nhưng cũng có trong thảo mộc, nhất là các cây thuộc họ đậu như đậu hoà lan, đậu cô ve, đậu nành.

Khoa học đã chứng minh là một khẩu phần có nhiều thịt động vật làm tăng hiểm họa bệnh tim.

Do đó, tới tuổi cao, nên theo một chế độ thực phẩm với thịt nạc, sữa ít chất béo, nhiều rau, trái cây.

8-Nước và muối cũng cần được lưu ý.

Trong cơ thể, tỷ lệ nước lên đến 60% trọng lượng, mỗi ngày thận lọc gần hai trăm lít máu và thải ra 1/100 dung dịch nước. Như vậy cơ thể cần có một số nước tối thiểu để tồn tại. Trung bình, cần uống 1 lít rưỡi nước mỗi ngày, và uống thêm khi nào thấy cần để tránh tình trạng khô nước hay loãng tiểu.

Nước không có calories, không có khoáng chất, đôi khi không mất tiền mua lại còn là chất bôi- trơn (lubricant) tốt cho cơ thể.

Với muối, chỉ cần một phần tư thìa cà phê mỗi ngày là đủ. Dân chúng dùng nhiều muối, như người Nhật, thường có nhiều nguy cơ cao huyết áp.

9-Tăng tiêu thụ chất xơ

Gần đây, chất xơ (fiber) trong rau và trái cây được nhắc nhở tới nhiều vì có công dụng trong việc hạ thấp lượng cholesterol trong máu, tăng tốc độ di chuyển của thức ăn trong ruột, tránh táo bón và viêm ruột.

Chất xơ không có giá trị dinh dưỡng mà chỉ làm đầy bao tử, cho nên còn có tác dụng giúp ta giảm béo mập…

10-Dùng bổ sung sinh tố và khoáng chất

Các vi chất này có tác dụng xúc tác trong việc chuyển hóa thức ăn và có nhiều trong các loại thực phẩm. Tuy nhiên, ở người cao tuổi, khẩu phần nhiều khi không được cân bằng và có thể thiếu một vài loại sinh tố, khoáng chất. Vì vậy nên dùng thêm một phân lượng phụ trội.

Kết luận

  • Để sống già sống khỏe, cần có dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng, đa dạng.
  • Hãy tiêu thụ nhiều loại thực phẩm khác nhau.
  • Hãy giới hạn các thực phẩm “rỗng”, chỉ có calori mà không có chất dinh dưỡng, như rượu, nước có hơi, bánh ngọt.
  • Hãy lựa thực phẩm có ít cholesterol, chất béo.
  • Và phòng tránh ngộ độc, tiêu chảy với vệ sinh an toàn thực phẩm. Ăn chín, uống sôi, rau trái sạch, rửa tay thường xuyên.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức M.D.

  From: Tu-Phung

VƯỢT QUA CĂN BỆNH HIỂM NGHÈO…

VƯỢT QUA CĂN BỆNH HIỂM NGHÈO…

 

Trí tuệ và những nghiên cứu tiến bộ trong y học luôn được truyền dạy , cùng sự quan tâm lẫn nhau, cho nhau, vì nhau trong cuộc sống giúp nhân loại không bị diệt vong…………..

Cảm ơn những thiên thần áo trắng cùng lời thề Hyppocrates.

VƯỢT QUA CĂN BỆNH HIỂM NGHÈO

Hồi cuối tháng Sáu 2019, không có điều gì lạ báo trước cho sức khỏe của tôi. Sống cùng gia đình và làm việc cho một tờ báo ở Sydney, mọi việc tiến triển tốt. Tôi đang tập luyện cho việc tranh tài ba bộ môn Chạy, Bơi và Xe đạp ở ngoại quốc. Từ lúc tham gia môn thể thao 6 năm trước, bây giờ tôi yêu thích các môn thể thao này mỗi buổi sáng. 

Tôi gặp bác sĩ mình vì một khối u ở dưới cánh tay gần nách, bác sĩ nói chỉ là khối u lành tính. Tôi tiếp tục tập luyện. Đến đầu tháng Bảy, một cục u khác xuất hiện bên ngực trái. Bác sĩ gia đình gởi tôi đến bác sĩ chuyên khoa để mổ bỏ khối u. Bác sĩ chuyên khoa đề nghị phải làm xét nghiệm trước khi mổ. 

Vào một buổi chiều lạnh lẽo của tháng Bảy, tôi được làm một loạt scan và kim chích vào khối u để thử nghiệm. Sau vài ngày nữa tôi được làm xét nghiệm (biopsy) lần thứ hai. Lúc trở về gặp bác sĩ, ông nghiên cứu X-ray và kết quả xét nghiệm. Tôi hỏi có phải là ung thư không? Bác sĩ gật đầu. 

Tôi về nhà bàn bạc với vợ, vợ tôi sửng sờ nhưng cố trầm tĩnh đề nghị chờ thêm các kết quả thử nghiệm khác. Tôi cũng thông báo cho thằng con trai 27 tuổi. Chàng ta nhận tin buồn trong yên lặng. Chúng tôi biết không lợi ích gì để phí vài giọt nước mắt. 

Hai ngày sau, ông bác sĩ xác định với tôi đó là ung thư. Ông nói “Nếu Anh may mắn đó là lymphoma. Nếu kém may mắn thì đó là melanoma” (lymphoma : u bạch huyết bào; melanoma: u sắc tố đen).

 Tôi hy vọng tham dự cuộc đua trong 5 tuần nữa. Nhưng sau đó thêm các cuộc thử nghiệm, một bác sĩ chuyên về ung thư điện thoại đến tôi. 

Vị bác sĩ đã sốc khi biết được tôi bị “melanoma” di căn. Tôi hỏi lại bà bác sĩ, bà bị sốc vì nhiều ung thư quá nhiều hay là vì nó ở giai đoạn muộn màng? Bà trả lời “Cả hai”.Những khối u bướu ở chung quanh ngực, ở bao tử, và ở 2 chân. Hôm ấy tôi buồn bã đi bộ về nhà.

Tôi nói chuyện với vợ và con trai, tôi cố gắng bàn bạc một cách tích cực nhưng vẫn không thể quên hai tiếng “Cả hai” của bà bác sĩ. Rồi chúng tôi đi ăn nhà hàng Thái. Chúng tôi nói chuyện đủ mọi thứ chỉ trừ có đề tài ung thư. Điều kỳ lạ là tôi khỏe mạnh, nếu không có những cục u thì tôi không biết tôi đang mắc chứng bệnh nguy hiểm. 

Tôi vẫn làm việc ngày Chúa nhật đó , tôi viết xong hai câu chuyện. Rồi đến gặp ông chủ bút của tờ báo, tôi kể cho ông biết về kết quả các thử nghiệm. Đúng là cuộc nói chuyện khó khăn cho cả hai người. Nhưng tôi cảm thấy nhẹ nhõm và thật sự cảm ơn khi ông ta nói rằng ông ta sẽ trợ lực cho tôi bất cứ điều gì tôi cần. 

Tôi còn chưa biết lúc nào và ở đâu tôi sẽ được chữa trị. Vài ngày sau đó tôi tự đoán là chắc họ dùng phương pháp hóa trị. Tôi cố gắng không để xuống tinh thần. Điều gì xảy ra cho tôi cũng sẽ từ từ đến và tôi cố gắng hưởng thụ thời gian còn lại. 

* **

Hai mươi sáu năm trước, tôi cũng bị vậy nên kinh nghiệm đã giúp tôi vực dậy thật nhanh. Lúc ấy tôi được chẩn đoán non-hodgkin lymphoma và đã qua 6 tháng hóa tri thật đau đớn. Sự chữa trị có kết quả tốt. Tôi vượt qua, tôi thành người mạnh mẽ. Lúc ấy vợ chồng tôi mới mua nhà và con trai mới chập chững đi. Tôi cương quyết sống để thành người cha tốt.

Nhưng bây giờ tôi đang gặp một thử thách khác. Melanoma là “Ung thư của Úc” (Australia’s cancer) các bác sĩ trị ung thư của tôi gọi vậy. Với chỉ số UV cao, thích sinh hoạt ngoài trời nhiều nên Úc và Tân Tây Lan là vùng có bệnh ung thư melanoma cao nhất thế giới. Cho dù hơn chục năm vận động cảnh giác người dân; người ta vẫn mắc phải. Người ta chẩn đoán ra cứ 30 phút có 1 người bị melanoma. Năm 2018, Úc  có 1400 người chết vì melanoma. 

Hôm tôi ngồi trong phòng chờ đợi để gặp bác sĩ lần nữa. Cô nhân viên đưa giấy tờ cho tôi ký. Tôi đọc thấy họ ghi tôi bị melanoma giai đoạn 4 (nghĩa là đã di căn khắp cơ thể tôi rồi). Ký xong, trong lúc ngồi chờ, tôi bấm điện thoại Google xem, tôi tá hỏa để biết rằng không có giai đoạn 5. 

** *

Sáu tuần kể từ khi tôi phát hiện cục u đầu tiên nhưng trước khi được hóa trị, một cục u nữa xuất hiện nơi bụng, thêm một cục u bên hông và bắt đầu đau đớn.

Kỳ lạ như thế và may mắn cho tôi, chỉ có một cục bướu nơi phổi, nơi có thể ảnh hưởng cơ phận quan trọng nhất. Và các bác sĩ không nghĩ rằng ung thư đã lan đến não bộ. Và thật nhiều động viên tốt lành từ gia đình, bạn bè và đồng nghiệp khi biết tôi bị ung thư.

Có những đêm thật tồi tệ. Thật nhiều suy nghĩ trong bóng đêm: điều nầy sẽ chấm dứt tệ hại? Sẽ đau đớn? Tại sao tôi đã không làm nhiều hơn trong cuộc đời nầy ? 

Bác sĩ chuyên trị ung thư Alex Menzies làm việc tại phòng mạch hiện đại cũng là Tổng Hành Dinh của viện Melanoma Australia, một tổ chức không vụ lợi lớn nhất  thế giới. Tổ chức nầy nhắm vào điều trị, nghiên cứu và giảng dạy.

Một người tân tâm, tập trung cao vào trị liệu, bác sĩ Menzies cho biết sau nhiều lần nghiên cứu ông ta nghĩ đa phần là melanoma và biện pháp tốt nhất không phải là hóa trị mà dùng liệu pháp miễn dịch.(immunotherapy)

Hai loại thuốc mạnh nhất: Opdivo (nivolumab) và Yervoy (ipilimumab) sẽ giúp kích hoạt hệ miễn nhiễm để giết chết những tế bào ung thư. Bắt đầu bằng 4 cuộc trị liệu mỗi lần cách nhau 3 tuần. Chỉ có 50% các bệnh nhân chịu nỗi 4 lần trị liệu vì bị tác dụng phụ. Tuy nhiên dù chỉ có một lần trị liệu cũng có thể có tác dụng tốt ngay. 

Nếu điều trị trên 2 năm con số làm bạn choáng váng là $250,000, tất cả đều được chánh phủ tài trợ (PBS). Thuốc đang có ở trung tâm đối diện bên kia đường, nếu tôi muốn tôi sẽ được bắt đầu trị liệu ngay. Tôi đã đồng ý ngay tức thì.

Nửa giờ sau, tôi ngồi trên ghế bành lớn, ống nước biển chuyền vô mạch máu tay cho lần trị liệu đầu tiên: 30 phút cho thuốc Opdivo, 30 phút cho chất Saline, 30 phút cho thuốc Yervoy. 

Tôi nhìn sang bên, có vài bệnh nhân khuôn mặt ốm, xanh xao bệnh hoạn. Tôi nghĩ rồi khuôn mặt tôi cũng nhìn thảm hại thế thôi.

Sau hai tuần, rõ ràng liệu pháp nầy không giống hóa trị. Nó không làm mình vật vã, nó giúp mình từ từ hồi phục để chờ lần trị liệu kế tiếp. Mỗi ngày trôi qua mỗi khác. Có ngày cảm thấy khỏe, có ngày cảm thấy mệt và ngủ li bì.

Tôi chọn phương pháp luyện tập cho riêng mình, mỗi ngày tìm một niềm vui, hưởng thụ chậm chạp, thưởng thức các món ăn với gia đình và bạn bè. 

***

Tôi thích đọc sách, xem phim và nhất là bơi lội . Cuối tháng 9 là những tác dụng phụ chỉ còn là các vết ngứa ngoài da. Tôi trở lại bơi lội thật nhiều. Buổi sáng sau khi dắt chó đi dạo xong, tôi đến hồ bơi. Chiều dài hồ là 50 m , tôi bơi  20 bận rồi từ từ tăng lên 30 bận. Có ngày tôi bơi đến 40 hay 50 bận. Đến tháng 10 là kỳ chích thuốc lần thứ ba, tôi bơi được 4 cây số mỗi ngày, tuần kể tiếp tôi bơi 5 cây số. Và sau đó là 6 cây số. Đến tháng 11, các bác sĩ làm scan lại để coi kết quả việc chữa trị thế nào. 

Tôi cùng bà xã ngồi trong phòng, bác sĩ Menzies bước vào ông cho biết kết quả các lần trị liệu có kết quả thật tuyệt vời. Tôi vọt miệng, kết quả tốt hả bác sĩ? Ông ta cười. Đây là kết quả tốt nhất của liệu pháp miễn nhiễm. 

Sau đó tôi còn cần đến chích Opdivo nữa trong mỗi 4 tuần , bác sĩ hy vọng các cục bướu sẽ thu nhỏ lại hoặc biến mất đi. Bác sĩ hy vọng tôi sẽ hết bệnh hoàn toàn.

Tôi vô cùng ngạc nhiên. Hai vợ chồng ra ngồi uống cà phê nơi khu vườn sau bệnh viện. Chúng tôi ráng suy nghiệm xem nên tin đây là sự thật hay không. Tôi thật cảm thấy nhẹ hẫng nhưng cũng đầy bối rối. 

Những tuần lễ kế tiếp càng tiến triển hơn, scan cho thấy kết quả rất tốt ,tuy nhiên cần phải trị liệu tiếp tục đến năm 2020. 

Tôi đã không biết tôi may mắn đến dường nào cho đến khi tôi phỏng vấn bác sĩ Menzies để viết câu chuyện này đăng lên báo. Bác sĩ nói, nếu mười năm trước mà  bị melanoma giai đoạn 4 là kể như bị án tử vậy. Với phương pháp hóa trị hiệu quả rất ít, bệnh nhân chỉ có thể sống từ 6 đến 9 tháng. Và có thể ngắn hơn nếu ung thư lên đến não. 

Bác sĩ Menzies cho biết, bây giờ 50% bệnh nhân melanoma thọ đủ dài để được chữa trị bằng thuốc “Nó thật sự là một cuộc cách mạng “.

Hai loại thuốc đã cứu sống tôi là Opdivo và Yervoy đã được phối hợp dùng trị melanoma đầu tiên từ năm 2016. Trong liệu pháp miễn dịch (immunotherapy) người ta dùng hai loại thuốc này và thấy có kết quả tốt: tốt cho ung thư ngực, phổi, đầu cổ, bàng quang, ruột già, bao tử kể cả melanoma. 

Cũng theo bs Menzies cách chữa trị immunotherapy sẽ không có hiệu quả với loại ung thư tiền liệt tuyến, ung thư não, và ung thư lá lách (tụy tạng). “Liệu pháp miễn dịch (immunotherapy) là một khám phá lớn nhất trong y khoa của thế hệ chúng ta. Xuyên suốt trong lãnh vực y khoa, nó là một liệu pháp hay nhất kể từ khi con người khám phá ra penicillin “

Bấy giờ là 5.30 sáng, vào một ngày tháng Hai, đúng 6 tháng từ khi tôi bắt đầu được trị liệu, tôi cảm thấy mạnh lên khi đi đến hồ bơi. Tôi bơi trong bóng tối cho đến khi ánh bình minh xuất hiện. Đây là lần đầu tôi bơi được 10 cây số. Nhìn lên bầu trời có màu trong xanh rất đặc biệt. 

P/s tháng 10 năm 2020, bác sĩ tuyên bố tôi đã hoàn toàn “sạch” ung thư và ngưng chích thuốc. 

Tran an Bình lược dịch. 

(nguyên tác Garry Maddox) 

From: Tu-Phung

Bác Sĩ Kể Chuyện: Hú Hồn Vì Fucoidan – “Thần Dược Chữa Ung Thư”

Bác Sĩ Kể Chuyện: Hú Hồn Vì Fucoidan – “Thần Dược Chữa Ung Thư”

 

Cục Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) xếp Fucoidan vào loại thực phẩm chức năng (không phải là thuốc) nên Fucoidan không phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt nào cả.

 

 Danny trên 40 tuổi làm chủ một công ty xe tải 18 bánh chở hàng xuyên bang. Vợ ở nhà chăm sóc 2 con nhỏ. Lúc gặp anh lần đầu, tôi nghĩ đời sống Danny đúng là hình mẫu lý tưởng của một gia đình Mỹ gốc Việt.

Danny gặp tôi vì bị dị ứng da và cao huyết áp. Ngoài ra, anh hút thuốc lá như ống khói nhà máy nhiệt điện, đến nỗi mùi thuốc lá vẫn còn trong phòng khám sau khi anh ra về. 

2 tuần sau khi gặp tôi, Danny bị đột quỵ khi đang lái xe trong bãi đậu.

MRI não xác nhận vùng não trái bị nghẽn mạch. Anh bị liệt nửa người bên phải.

Chưa hết, chỉ số đường Ha1c lên đến 11%. Cuộc sống gia đình anh đảo lộn. Công ty tài sản chục triệu đô không người trông giữ. Em và chị gái của Danny từ Florida bay qua California để giữ cổ phần công ty. 

Tranh cãi gia đình nổ ra vì Danny không có bất kỳ giấy tờ uỷ quyền tài sản nào. Vợ Danny, vốn bị gia đình chồng ghét, bị đẩy ra ngoài. Cô bị stress và có lúc muốn tự vẫn. 

Được các BS cật lực cứu chữa, Danny dần dần hồi phục. Anh đã có thể cử động chân phải và từ từ đi được.

Những lần gặp anh sau đó, anh đã mạnh khỏe hơn và yêu đời trở lại. Anh hồi phục cũng giúp gia đình và công ty anh qua cơn khó khăn.

Công việc ổn định trở lại. Chị vợ cùng chồng quán xuyến công ty và hai chị em của Danny cùng nhau giúp đỡ hai vợ chồng thay vì cãi lộn như trước.

Đùng một cái, vợ Danny gọi tôi nói anh đang yếu hơn trước. 

Vợ Danny và người phụ tá phải dìu anh vào phòng khám. Mặt anh tím tái, huyết áp tụt.

Danny được nhận viện gấp. Hồng huyết cầu (Hb) của anh chỉ còn 3,9 (người bình thường là 13-14, nếu dưới 7,0 đã phải truyền máu). BS cấp cứu gọi tôi la trời vì chưa thấy ai thấp Hb hồng huyết cầu đến vậy. 

Hỏi ra mới biết là thấy anh bớt bệnh, chị vợ nghe lời bạn bè lấy thuốc Bắc cho anh uống. Sau khi uống xong, anh cứ đi cầu phân đen. Nghe mọi người nói uống thuốc bắc phân sẽ lỏng và đen nên chị vợ và hai chị cứ an tâm cho uống đến 6 tháng. 

Nhưng vì Danny đang uống thuốc kháng đông máu sau khi bị đột quỵ nay bị dộng thêm thuốc bắc tương tác làm máu anh càng loãng, hậu quả anh bị xuất huyết đường ruột, máu Hb tuột luốt.

Anh được truyền máu và hồi phục lần hai. Lần này hai vợ chồng quyết tâm không bao giờ xài thuốc bắc. Chỉ số Hồng huyết cầu Hb của anh tăng lên từ từ và ổn định ở mức 10-11. Anh khỏe ra, và anh chị lại biến mất một thời gian.

Nào có ngờ hôm kia chị vợ gọi tôi nói là anh lại trở mệt nữa. Tôi lại giật mình vì hồng huyết cầu Hb lại tụt xuống 8,0.

Hỏi xem anh có uống gì khác không thì chị vợ mới nhớ là nghe quảng cáo uống Fucoidan phục hồi sinh lực nên cho chồng uống mấy tuần nay. Thấy anh ăn được, chỉ có điều đi cầu phân hơi đen nên chị vợ an tâm tiếp tục cho anh uống.

Tôi dặn chị vợ ngưng không cho anh uống Fucoidan nữa thì anh khỏe trở lại. Check Hb thì lên lại được gần 10.0.

Hú hồn vì Fucoidan. Xém chút nữa là Danny phải nhập viện và có thể bị tai biến vì rủi ro xuất huyết não.

Những năm gần đây Fucoidan được quảng cáo như một thần dược, chữa được ung thư. Các nghiên cứu về Fucoidan chỉ ra Fucoidan có những tác dụng nhất định như kháng viêm, chống đông máu, và có thể kháng ung thư. 

Tuy nhiên, tất cả những nghiên cứu này đều trong phòng lab trên tế bào cách biệt mà chưa hề có bất kỳ nghiên cứu nào trên người. (1)

Cục Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) xếp Fucoidan vào loại thực phẩm chức năng (không phải là thuốc) nên Fucoidan không phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt nào cả.

Chính vì kẽ hở này mà hàng trăm công ty sản xuất thực phẩm chức năng đã sản xuất tràn lan và quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật.

Điểm quan trọng nhất là BN không nên giấu BS những gì mình đưa vào cơ thể trong khi đang điều trị, bao gồm cả thực phẩm chức năng và những sản phẩm khác (thuốc bắc) vì thực phẩm chức năng (như Fucoidan) cũng có thể có những tác dụng phụ rất nguy hiểm như xuất huyết, có thể dẫn đến những tai hại khác, như trường hợp trên đây.

GLN

From: Do Tan Hung & KimBang Nguyen

Câu Chuyện Thầy Lang: Khác biệt giữa Stroke và Heart Attack

 Câu Chuyện Thầy Lang: Khác biệt giữa Stroke và Heart Attack

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Stroke tiếng Việt gọi là Đột Quỵ hoặcTai Biến Mạch Máu Não, còn Heart Attack là Cơn Đau Tim. Hai bệnh có một số điểm giống và khác nhau đôi khi cũng khó mà phân biệt.

-Cả hai đều gây ra do sự gián đoạn cung cấp máu cho mỗi bộ phận là não và tim
-Cả hai đều cần được cấp cứu tức thì vì hậu quả của bệnh tùy thuộc vào điều trị sớm hay muộn.
-Triệu chứng của hai bệnh đều khác nhau.

Nhận diện và nhớ được sự khác biệt về dấu hiệu báo động sự xuất hiện giữa hai bệnh đôi khi cũng gây bối rối cho nhiều người. Xin cùng tìm hiểu về hai bệnh này.

Trước hết, xin nhấn mạnh là các tế bào trong cơ thể hoạt động được đều nhờ chất dinh dưỡng và dưỡng khí do dòng máu cung cấp. Gián đoạn sự cung cấp này sẽ đưa tới rối loạn chức năng cho bộ phận đó rồi cho toàn cơ thể. Não bộ và tim là hai bộ phận chủ chốt của cơ thể và rất nhậy cảm với sự thiếu cung cấp nguồn nhiên liệu để hoạt động, dù sự gián đoạn chỉ trong vài phút đồng hồ.

Stroke là gì?
Stroke là một cơn yếu ớt bất chợt ở một phía của cơ thể gây ra do sự gián đoạn lưu hành máu tới một phần nào đó của não. Ngưng cung cấp máu có thể là do ở trên não có một cục máu làm tắc nghẽn ( 85%)  hoặc do một mạch máu bị đứt rách. Không có máu, tế bào não chết liền nếu không được cấp cứu. Mỗi phút không điều trị đưa tới hủy hoại cho 1.9 triệu tế bào não, 7.5 miles sợi thần kinh và 14 tỷ điểm giao liên kết hợp thần kinh.

Báo cáo y học của American Heart diễn tả sự tổn thương tế bào não khi không được điều trị với sự hóa già của cơ quan này như sau: Cứ một giây không điều trị não già đi gần 8 giờ, mỗi phút không điều trị, não già gần 3 tuần lễ, chậm điều trị 1 giờ, não già đi 3.6 năm và nếu không chữa, não già đi 36 năm. Mà não đã hóa già hết hoạt động thì hậu quả tai hại sẽ vô lường, vĩnh viễn.

Coi vậy thì cấp cứu điều trị Stroke quan hệ như thế nào.Cho tới nay, đột quỵ được coi là đệ tam sát thủ đối với con người, sau bệnh tim và ung thư và là đệ nhất nguyên nhân gây ra tàn phế cơ thể, đệ nhị hung thủ gây tàn phế thần kinh, sau bệnh Alzheimer.Bên Hoa Kỳ, hàng năm có tới trên dưới 700,000 người bị stroke với gần 200,000 tử vong.Sống sót thì cứ một trong sáu người cần chăm sóc tại các cơ sở lâu dài; ba trong bốn người giảm khả năng làm việc. Kinh hoàng như vậy mà dường như nhiều người vẫn chưa biết rõ về bệnh cũng như chưa chịu áp dụng các phương thức phòng ngừa để bệnh không đến với mình.

Những dấu hiệu báo trước

Dấu hiệu tùy thuộc nguyên nhân gây tai biến, vùng não và số lượng tế bào bị tổn thương. Ðiểm đặc biệt của dấu hiệu báo động là một số những “Ðột Nhiên”.
-Ðột nhiên thấy yếu một bên cơ thể như mặt, tay hoặc chân là dấu hiệu sớm nhất và thông thường nhất; rồi:
-Ðột nhiên thấy tê dại trên mặt, cánh tay hoặc chân ở một nửa thân người;
-Ðột nhiên thấy bối rối, nói lơ lớ khó khăn hoặc không hiểu người khác nói gì;
-Ðột nhiên có khó khăn nhìn bằng một hoặc cả hai con mắt;
-Ðột nhiên chóng mặt, đi đứng không vững, mất thăng bằng;
-Ðột nhiên thấy nhức đầu như búa bổ mà không rõ nguyên nhân.
Không phải tất cả các dấu hiệu này đều xẩy ra trong mỗi tai biến. Nhưng nếu thấy một vài trong những dấu hiệu đó là phải kêu cấp cứu, tới nhà thương ngay. Ðây là trường hợp khẩn cấp, trễ phút nào nguy hiểm gia tăng với phút đó.

Y giới đưa ra trắc nghiệm gọi tắt là FAST để sớm phát hiện stroke:
F = Face: yêu cầu họ cười, coi xem một bên mặt có méo, môi xệ.
A =Arm: yêu cầu dơ 2 tay lên cao, coi xem một tay có yếu suội thõng xuống.
S =Speech: yêu cầu nhắc lại một câu nói, coi xem dọng nói có ngọng lớ, nhắc lại có đúng
T=Time có nghĩa thời gian điều trị là quan trọng, cần hành động kêu 911 cấp cứu ngay.
Nếu áp dụng trắc nghiệm này thì đôi khi người thường cũng dễ dàng thấy stroke đang xuất hiện.

Ngoài ra, tùy theo não trái hoặc phải bị tổn thương mà triệu chứng khác nhau đôi chút.

a-Ðột quỵ ở não trái hay phải đều đưa tới suy yếu hoặc tê liệt của phần cơ thể phía đối diện cộng thêm mắt mở rộng hoặc môi xệ xuống;

b-Ðột quỵ não trái gây ra rối loạn về ngôn ngữ ảnh hưởng tới việc phát ra và hiểu lời nói  kể cả đọc và viết. Lý do là trung tâm kiểm soát ngôn ngữ thường nằm bên não trái. Nạn nhân cũng có rối loạn về trí nhớ, một chút rối loạn hành vi, chậm chạp và dè dặt hơn.

c-Tổn thương não phải: Ngoài tê liệt nửa thân phía trái, bệnh nhân còn bị mất trí nhớ, hành vi hấp tấp, không suy nghĩ, kém nhận xét về không gian, hay bị xúc động, buồn rầu và chỉ để ý tới sự việc xẩy ra mé phải cơ thể. Chẳng hạn bệnh nhân không thấy có người tới ở phía trái hoặc bỏ quên thực phẩm trên phần đĩa bên trái.

Điều trị
Điều trị stroke tùy theo bị máu cục hoặc đứt động mạch.
Máu cục thì thuốc loãng máu như aspirin là ưu tiên rồi tới heparin… Aspirin cần được dùng trong vòng 3 giờ sau tai biến.
Còn stroke do đứt mạch máu thì cần giải phẫu để sửa chỗ đứt và giảm áp lực của máu tràn đè lên tế bào não. Aspirin không được dùng vì sẽ làm máu loãng, chẩy nhiều hơn.
Sau giai đoạn cấp cứu, bệnh nhân được tiếp tục điều trị tại Trung tâm Phục hồi Chức năng, để lấy lại các chức năng đã mất hoặc suy yếu gây ra do sự thiếu nuôi dưỡng tế bào não.
Tóm lại, Tai biến Động mạch não là một tai nạn trầm trọng, cần được cấp cứu tức thì để cứu vãn sự sinh tồn của tế bào thần kinh.  Nhiều nhà chuyên môn coi tai biến này nguy hiểm như Cơn Suy Tim heart attack, và gọi là Brain Attack.
Tai biến có thể viếng thăm bất cứ ai, không kể tuổi tác, nam nữ, giầu nghèo.

Heart Attack là gì?

Tim là bộ phận thiết yếu trong việc nuôi dưỡng toàn bộ tế bào trong cơ thể. Hằng ngày, tim liên tục làm việc suốt 24 giờ để bơm một khối lượng hơn 7000 lít máu. Ðể hoàn thành công việc này, tim cần oxy và chất dinh dưỡng do động mạch vành (Coronary Artery) cung cấp.

Vì nhiều lý do khác nhau, mặt trong của động mạch vành bị các mảng chất béo bám vào, làm cho động mạch trở nên cứng và hẹp, máu lưu thông giảm đi. Một máu cục có thể thành hình và gây tắc nghẽn hoàn toàn sự lưu hành của máu. Tế bào tim không nhận được chất dinh dưỡng và oxy, sẽ bị hủy hoại Ðó là sự nhồi máu cơ tim (myocardial infarction). Thời gian thiếu máu càng lâu thì sự hủy hoại của tế bào tim càng lan rộng và cơn đau tim càng trầm trọng hơn.

Ðôi khi, cơn đau tim cũng xảy ra khi động mạch vành co thắt tạm thời làm cho lưu lượng máu tới tim giảm đi. Các cơn co thắt tạm thời này có thể gây ra do căng thẳng tâm thần, tiếp xúc với thời tiết lạnh, khói thuốc lá hoặc khi sử dụng vài loại thuốc như bạch phiến…

Tại Hoa Kỳ, mỗi năm có khoảng 1,5 triệu người bị Cơn Đau Tim  với hậu quả là gần 500,000 trường hợp tử vong. Hơn một nửa số tử vong này xảy ra 1 giờ sau cơn đau và trước khi bệnh nhân tới bệnh viện. Ngoài ra đã bị Heart attack cũng thường đưa tới Stroke.
Cơn đau tim là một trường hợp khẩn cấp, cần được điều trị tức thì. Mỗi giây phút trì hoãn là giây phút dẫn tới “thập tử nhất sinh” cho người bệnh. May mắn là cơn đau tim có thể điều trị được và các nguy cơ gây ra cơn đau tim có thể đối phó, thay đổi để phòng ngừa căn bệnh hiểm nghèo này.

Những dấu hiệu báo trước Cơn ÐauTim
Có một số dấu hiệu báo trước sự xuất hiện của cơn đau tim:
a-Cảm giác khó chịu, đau đè như có vật nặng ép trên ngực, kéo dài tới mấy phút rồi mất đi, nhưng có thể tái xuất hiện. Cơn đau có thể nhè nhẹ vừa phải tới đau không chịu được.
b-Cảm giác đau từ ngực chạy lên vai, cổ hoặc lan ra cánh tay; đầu ngón tay cảm thấy tê tê..
c-Choáng váng, muốn xỉu, đổ mồ hôi, buồn nôn, khó thở.
d-Lo sợ, nóng nẩy, bồn chồn.
đ-Da xanh nhợt.
e-Nhịp tim nhanh, không đều.
Nếu cảm thấy một trong những dấu hiệu này thì phải kêu cấp cứu ngay.
Nên lưu ý là phụ nữ có thể có các dấu hiệu khác hoặc không rõ ràng như nam giới. Họ có thể cảm thấy đau ở bụng, cho là bị ợ chua với da ẩm ướt hoặc mệt mỏi bất thường. Mà không ngờ là có thể đang bị heart attack.

Ðiều trị
Ngay khi cảm thấy có dấu hiệu bị cơn đau tim, bệnh nhân cần phải kêu số điện thoại cấp cứu để được đưa đi khám bệnh và điều trị càng sớm càng tốt. Ðiều trị sớm có thề ngăn ngừa hoặc giới hạn sự hư hao của tế bào tim và giảm được tử vong cho người bệnh.

Trên đường chuyên trở bệnh nhân tới bệnh viện, nhân viên cấp cứu đã có thể bắt đầu sự chữa trị với phương tiện sẵn có trong xe cấp cứu. Họ thường xuyên liên lạc trực tiếp với bác sĩ tại bệnh viện để thông báo tình trạng người bệnh và tham khảo ý kiến về cách thức đối phó với cơn đau tim. Họ có thể cho bệnh nhân thở oxy, dùng thuốc giảm đau tim nitroglycerin, morphine. Họ cũng sử dụng máy cấp cứu tim khi nhịp tim rối loạn, tạm ngưng…

Tới nhà thương, bệnh nhân được đưa vào phòng cấp cứu tim trang bị đầy đủ dụng cụ, và dược phẩm. Các bác sĩ sẽ hành động ngay để phục hồi sự lưu hành máu tới tim, giảm thiểu tổn thương cho các tế bào và liên tục theo dõi tình trạng bệnh.

Thuốc gây tan cục huyết được dùng trong vòng 1 giờ kể từ khi bắt đầu có dấu hiệu của cơn đau tim.
Thuốc loại nitrate để giúp động mạch bớt co thắt và giảm cơn đau trước ngực.
Thuốc chống đông máu đề làm máu loãng, tránh đóng cục trong lòng động mạch.
Thuốc viên aspirin để ngăn ngừa tiều cầu kết tụ với nhau…

Ngoài ra còn các dược phẩm giúp hạ huyết áp, giảm sức căng của động mạch, nhờ đó tim làm việc nhẹ nhàng hơn; thuốc điều hòa nhịp tim; thuốc an thần giảm đau. Bệnh nhân liên tục được hít thở oxy…

Thời gian điều trị tại bệnh việc tùy thuộc tình trạng nặng hay nhẹ của bệnh, sự đáp ứng với các phương thức chữa trị,  thường thường là năm, sáu ngày nếu không có biến chứng.

Trước khi xuất viện, bệnh nhân được hướng dẫn về cách thức chăm sóc và dùng thuốc, về chế độ dinh dưỡng, về nếp sống, về sự vận động cơ thể với chương trình vật lý trị liệu, phục hồi chức năng của tim. Bệnh nhân sẽ hiểu rõ nên vận động như thế nào để tăng cường sức mạnh của cơ thể mà không gây ra rủi ro cho trái tim, hiểu rõ về bệnh tim của mình và biết cách đối phó với các khó khăn trong đời sống hằng ngày để tránh cơn đau tim tái phát.

Kết luận

Dù là Cơn Đau Tim hoặc Đột Quỵ, cả hai bệnh đều là “thậm cấp chí nguy”, cần được điều trị tại bệnh viện tức thì. Nhận biết và nhập tâm các dấu hiệu báo động sự xuất hiện của Đột Quỵ và Cơn Đau Tim là việc cần thiết để cứu vớt sự sống.

Kính chúc mọi sự bình an.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

From: NguyenNThu

Độ tuổi nguy hiểm nhất?

 Bang Uong

Độ tuổi nguy hiểm nhất?

Để có được trường thọ, trong 10 năm từ 70 đến 79 tuổi thật là quan trọng!

Học giả Israel đã phát hiện ra điều đó70-79 tuổi là giai đoạn nguy hiểm. Trong giai đoạn này, nhiều cơ quan khác nhau của cơ thể giảm nhanh chóng. Đây là một thời kỳ thường xuyên mắc các bệnh lão khoa khác nhau, và thông thường dễ bị tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp và tiểu đường.

Sau khi bước vào độ tuổi 80, những căn bệnh trên sẽ giảm đi, sức khỏe tinh thần và thể chất có thể trở lại ở độ 60-69 tuổi. Vì vậy, tuổi từ 70 đến 79 tuổi được gọi là ′′nhóm tuổi nguy hiểm”. Khi về già mọi người muốn có một cuộc sống khỏe mạnh. Họ nhận ra rằng ′′Sức khỏe là của cải”. Việc chăm sóc sức khỏe 10 năm từ 70 đến 79 tuổi là rất quan trọng.

Điều này sẽ giúp bạn vượt qua giai đoạn ′′nhóm tuổi nguy hiểm′′ của cuộc đời mình.

  1. Nước

Nước là ′′thức uống tốt nhất và rẻ nhất cho sức khỏe”.

3 thời điểm quan trọng với mỗi lần 1 ly nước :

Cốc đầu tiên: Sau khi ra khỏi giường. Bạn có thể uống một ly nước trong một cái bụng rỗng. Ngay cả khi chúng ta không cảm thấy khát nước sau khi thức dậy, máu ở trạng thái bị đặc do thiếu nước. Do đó, sau khi ra khỏi giường, bạn phải từ từ bổ sung nước càng sớm càng tốt.

Cốc thứ hai: Sau khi tập thể dục. Một bài tập thể dục phù hợp là một trong những nền tảng của trường thọ. Tuy nhiên, sau khi tập thể dục, đặc biệt chú ý cần phải bổ sung và thay thế nước. Điều này đực biệt khuyến khích đối với người già.

Cốc thứ ba: Trước khi đi ngủ. Một cốc nước trước khi đi ngủ có thể làm giảm độ nhớt của máu một cách hiệu quả và làm chậm quá trình lão hóa. Giúp chống lại đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim và các bệnh khác

  1. Cháo

Trung Quốc Daily Online đã công bố một nghiên cứu 14 năm do Đại học Harvard thực hiện trên 100,000 người. Thấy rằng mỗi ngày một bát cháo ngũ cốc nguyên hạt khoảng 28 gram giảm 5% đến 9% tử vong và giảm cơ hội mắc bệnh tim mạch. Các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, ngô và tam giác mạch dường như đã tránh được tất cả các bệnh, đặc biệt là bệnh tim.

  1. Một cốc sữa

Sữa được gọi là ′′huyết trắng ′′ và có trong cơ thể con người. Giá trị dinh dưỡng của nó được biết đến với rất nhiều canxi, chất béo và protein. Sữa và các sản phẩm từ sữa được khuyến nghị dùng hàng ngày là 300 gam. Khuyên nghị uống một hoặc hai bình sữa 200 ml hoặc gói sữa mỗi ngày.

  1. Một quả trứng

Trứng có thể nói là loại thực phẩm thông dụng nhất của con người. Tỷ lệ hấp thụ protein trứng của cơ thể có thể cao hơn 98 %.

  1. Một quả táo

Nghiên cứu hiện đại tin rằng táo có tác dụng hạ mỡ máu, giảm cân, ngăn ngừa ung thư, ngăn ngừa lão hóa, tăng cường trí nhớ, và làm cho da mịn màng và mềm mại. Lợi ích sức khỏe của táo màu khác nhau:Táo đỏ có tác dụng hạ lipid máu và làm mềm mạch máu Táo xanh có tác dụng dưỡng gan và giải độc, chống trầm cảm nên thích hợp hơn cho người trẻ. Táo vàng có tác dụng tốt trong việc bảo vệ thị giác.

  1. Một củ hành

Hành có giá trị dinh dưỡng rất cao và có nhiều chức năng, bao gồm việc giúp hạ đường huyết, giảm mỡ máu, ngăn ngừa ung thư, bảo vệ tim mạch và các bệnh về não, và chống vi khuẩn, ngăn ngừa cảm cúm, bổ sung canxi và xương. Ăn hành tây ít nhất ba hoặc bốn lần một tuần.

  1. Một miếng cá

Các nhà dinh dưỡng Trung Quốc đã cảnh báo rằng ăn “bốn chân” còn tệ hơn ăn “hai chân”, ăn “hai chân” còn tồi tệ hơn ăn “không có chân”.

′′Không có chân′′ chủ yếu đề cập đến cá và nhiều loại rau khác nhau. Các protein chứa trong cá dễ dàng được tiêu hóa và hấp thụ. Lượng axit béo không bão hòa trong chất béo, đặc biệt là axit béo đa năng, tương đối tốt cho cơ thế.

  1. Bước đi nhẹ nhàng

Đây có tác dụng chống lão hóa thần kỳ. Khi người cao tuổi đi bộ (khoảng 1 km hoặc ít hơn) đều đặn trong hơn 12 tuần, sẽ đạt được hiệu quả về dáng và vòng eo, và cơ thể trở nên dẻo dai và không dễ bị mệt mỏi. Ngoài ra, tập thể dục bằng cách đi bộ cũng có lợi cho việc chữa đau đầu, đau lưng, đau vai., và có thể thúc đẩy giấc ngủ. Các chuyên gia tin rằng đi bộ 30 phút mỗi ngày có thể thoát khỏi nguy hiểm của ′′bệnh người cao tuổi”. Những người đi 10,000 bước một ngày sẽ giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và mạch máu não.

  1. Một sở thích

Có một sở thích, dù là trông hoa, nuôi chim, sưu tầm tem, câu cá, hay vẽ tranh, hát, chơi cờ, và du lịch, đều có thể giúp người già duy trì sự tiếp xúc rộng rãi với xã hội và thiên nhiên. Điều này làm mở rộng những thú vị của người già. Họ sẽ yêu và trân trọng cuộc sống.

  1. Tâm trạng vui vẻ

Người già nên duy trì cảm xúc tốt vì những điều này cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe của họ. Các bệnh mãn tính thường gặp ảnh hưởng đến người già có liên quan chặt chẽ đến những cảm xúc tiêu cực của người già: Nhiều bệnh nhân mắc bệnh tim, mạch vành, bị nhồi máu cơ tim do kích thích các cảm xúc bất lợi dẫn đến tử vong đột ngột;Tính nóng là điều ′′xấu′′ dẫn đến huyết áp cao. Trong trường hợp kéo dài và nghiêm trọng sẽ có thể gây ra đột quỵ, suy tim, tử vong đột ngột,.;Các cảm xúc tiêu cực như tức giận, lo lắng và đau buồn có thể khiến lượng đường huyết tăng lên, gây rối loạn chuyển hóa trong cơ thế.

Điều này cho thấy tâm trạng tối quan trọng như thế nào!

ST

Một Kinh Nghiệm Mắc Covid

Một Kinh Nghiệm Mắc Covid

Theo đề nghị của một người bạn, tôi xin ghi lại chút thử thách vướng mắc và chữa COVID-19 dù đã chích đủ 2 mũi Moderna từ tháng 2.

Tôi vẫn còn bàng hoàng vì chuyện mới xảy ra 4 tuần, và vừa rời khỏi cách ly tại nhà cách đây hơn một tuần. 

Nhưng muốn ghi lại ngay vì còn nhớ chi tiết, để chia sẻ với bạn bè và người thân hay ngay cả chưa quen biết để phòng tránh, hay chữa chạy nếu chẳng may mắc phải. 

Ngoài ra tôi cũng ngoài 70 và có chút bệnh nền, nên kinh nghiệm cũng có thể hữu ích cho một số người.

Vốn đã được chích 2 mũi vắc xin (vx), nên tôi đã tự tin được phòng ngừa, dù vẫn cẩn thận ít đi lại nếu không cần thiết, và vẫn đeo khẩu trang cho đến bây giờ.

Nhưng đã không may vướng phải vì theo câu chuyện, đã bị lây từ một người thợ sửa xe lúc đem xe đi thay dầu cách đây 6 tuần, chỉ tiếp xúc trong vòng nửa giờ lúc đợi xe và trả tiền người thu ngân. 

Hai kinh nghiệm rút ra:

1) Bạn có thể đã chích phòng ngừa vx nhưng không thể ngăn được lây nhiễm. Nhưng thuốc vx có thể giúp bạn không bị nặng lúc mắc phải, và nếu kèm theo việc đổi phó nhanh chóng do tình cờ hay may mắn.

2) Chuyện lây có thể rất nhanh và tình cờ như trường hợp của tôi, không do tham dự đám đông như tiệc tùng, trong một hiệu ăn, hay trên một chuyến bay, v.v…

Tôi bắt đầu có triệu chứng đầu hôm 1/9 bằng một cơn ho khan, tuy vẫn khỏe và còn đến được một văn phòng bác sĩ cho cái hẹn định kỳ chuyện khác. Tôi đã dùng ngay thuốc ho và thuốc ngừa cảm (Tylenol và thuốc Equate trị Cold&Flu thông dụng) và chặn ngay được cơn ho sau 3-4 ngày. Nhưng tôi có triệu chứng thứ nhì hôm 3/9 là không ngửi thấy mùi chai tương bần và cả mắm tôm.

Ngay hôm sau 4/9, tình cờ đọc tin tức ở quận Santa Rosa, Florida của tôi mới mở một trung tâm Mobile cho thử Covid Rapid Test và PCR Test không cần lấy hẹn và miễn phí, nên tôi đi thử ngay. Chỉ mất 15 phút, họ cho tôi kết quả khiến tôi bàng hoàng và panic là: dương tính (positive)!!!

Tôi lái xe ngay đến một trung tâm y tế tư gần đó hỏi xem mình có thể làm gì? May mắn là họ cho biết nên lái xe độ một tiếng đến Fort Walton Beach có một trung tâm y tế của tiểu bang Florida, do sáng kiến của ông Thống đốc nổi tiếng De Santis cho thiết lập nhiều trung tâm lưu động và đơn giản như vậy, chỉ để chích thuốc chữa bệnh là một thuốc kháng nguyên đơn dòng (monoclonal antibody) của hãng Regeneron. Mục đích là chữa bệnh sớm để tránh khỏi phải vào nhà thương. (Thuốc này đã được dùng thử thành công cho TT Trump năm ngoái.)

Tôi cũng đã gọi điện thoại ngay cho người bạn cố tri là BS Phạm Hiếu Liêm ở Arkansas, một BS thượng thặng về Lão khoa trong giới Y khoa Hoa Kỳ. Anh cũng đồng ý khuyên tôi nên chích thuốc này ngay.

Họ chích cho tôi 2 thứ trộn lại là Casirivimab (600mg) và Imdevimab (600mg) thành 4 ống tiêm đều nhau chích liên tiếp ở 2 cánh tay và 2 bên bụng. Lúc chích cũng đau cắn răng chịu đựng, và sau đó phải ngồi lại cho họ quan sát một tiếng, đo huyết áp và mạch cẩn thận trước và sau khi chích xong. Họ cũng nói thuốc kháng nguyên này còn mạnh hơn mũi thứ ba của Moderna và phải đợi 3 tháng nữa mới được chích thêm mũi thứ ba này, nếu muốn.

Về nhà, tôi phải sống biệt lập trong 1 buồng ngủ có phòng tắm riêng và ăn uống riêng biệt bằng bát đĩa giấy để vứt đi mỗi ngày, không gặp gia đình trong suốt hai tuần. May mắn được chăm sóc rất cẩn thận với 3 bữa ăn ngon cho có sức chống cự. Và lại còn được cho nồi nước xông trong 4 ngày với đủ xả tươi trong vườn, gừng và tỏi. Mỗi ngày ra vườn nhờ buồng ngủ có lối đi riêng ra sân sau, tập thở buổi sáng và phơi nắng độ 15 phút vào những hôm không mưa. Cứ độ 3 hôm lại đem rác gồm bát đĩa giấy ra thẳng thùng rác trước nhà mà không phải đi qua nhà chính để tránh tiếp xúc trong nhà.

Tôi cũng thêm một cách do một người bạn ở Saigon chỉ dẫn là dùng cồn 70 độ xoa vào 2 bàn tay đưa sát lên mũi hít vào và ngưng thở trong 5 giây, làm vài lần như thế để hơi cồn vào tận trong cuống họng. Nghe thế và nhớ lại thì thật buồn cười, vì dùng cả chính phái và tả phái, theo cả Tây y lẫn Đông y(?!).

Mỗi ngày tôi cũng uống thêm các Vitamins C, D3 và Zinc.

Tuy không có thêm triệu chứng nào khác ngoài cơn ho nhẹ, không bị sốt hay đau cổ hay mỏi người, có lẽ nhờ chích thuốc vắc xin và chích sớm thuốc chữa trị ngay sau lúc xét nghiệm dương tính chỉ vài tiếng đồng hồ, nhưng suốt hai tuần nằm “chịu trận” cũng thấy thật dài và thật buồn! Suy nghĩ lại nhiều chuyện về cuộc đời, khi suýt ở biên giới giữa cái sống và cái chết, tự hối vì quá nhiều tham sân si và cũng tự nhủ phải bắt đầu lại nhiều cái mới và ý nghĩ mới, nhưng không biết sẽ làm được không?

 Sang tuần thứ hai, tôi bắt đầu lái xe ra lại trung tâm xét nghiệm và thử liền 3 lần PCR Tests đều âm tính mới thấy yên tâm và giữa tuần thứ ba, quyết định ra khỏi “quarantine” để được gặp lại gia đình nhưng vẫn phải đeo khẩu trang và ăn uống riêng biệt thêm vài hôm cho đủ 3 tuần. Mang ơn gia đình nhỏ đã săn sóc tôi chu đáo và cho tôi tình thương yêu lúc “hội ngộ”!

 Tôi cũng tránh liên lạc nhiều bạn bè để khỏi làm bận lòng họ và tránh bớt kể lể về bệnh trạng mình mà thành bi quan hay sợ hãi (vì thật sự tình trạng bệnh của mình rất nhẹ, chỉ có lo là nhiều hơn!).

Xin chỉ ghi lại đây vài ý nghĩ như lời kết để chia xẻ với những người quen hay ngay cả chưa quen:

1) Dù chích 2-3 mũi vắc xin rồi cũng nên cẩn thận trong các giao tiếp, vẫn có thể bị lây nhiễm như tôi.

2) Nếu chẳng may bị vướng và bắt đầu có 1-2 triệu chứng thì nên theo dõi cẩn thận và nhất là trong việc ngửi VÀ nếm thức ăn hàng ngày. 

Khi có nghi ngờ, nên đi xét nghiệm ngay bằng Rapid Test (có kết quả trong vòng nửa giờ); hay tốt nhất PCR Test (chờ 2-3 ngày).

Lý do : dùng Rapid Test và có kết quả dương tính, chưa chắc chắn lắm mình bị lây nhiễm nếu mình đã tiêm vắc xin, vì tiêm vx rồi là có kháng thể trong người, và antigen rapid test là để nhận ra kháng thể sẽ kết luận là mình có kháng thể tức là thành dương tính.

Tốt nhất là đi thử lại bằng PCR Test nếu cũng dương tính thì mới chắc chắn bị lây nhiễm. 

Còn nếu Rapid Test cho ngay kết quả âm tính, bạn có thể yên tâm.

3) Nếu tests xác nhận dương tính thức đã bị lây nhiễm, không nên chần chờ việc tìm thuốc chữa bệnh ngay trong 4-5 hôm đầu từ lúc có triệu chứng. Như tôi đã dùng thuốc monoclonal antibody của Regeneron để tránh cho bệnh trở nặng phải vào nhà thương rất phiền toái và dễ bị lây nặng hơn do các bệnh nhân khác. Bên Mỹ : Thuốc này được điều trị ở nhà thương hay cơ sở y tế tư nhân tương đối rẻ (hình như dưới $1000) và sẽ do hãng bảo hiểm trả nếu bạn có bảo hiểm. Bên Việt Nam: tôi không rõ chính phủ hay các bệnh viện tư nhân đã mua sẵn hay dùng thuốc này chưa?

4) Ở bên Mỹ lúc này, nếu vào bệnh viện, họ sẽ dùng Remdesivir của hãng Gilead Sciences Inc. giá đắt hơn ($3,500) và chích qua IV nên cần nằm trong BV. Hình như ở VN, thuốc này cũng đã được dùng rồi trong các BV.

5) Mấy hôm nay sôi nổi ở Mỹ tin hãng Merck sắp tung ra thuốc viên chữa bệnh tên gọi MOLNUPIRAVIR (đang thử ở giai đoạn 3) và chỉ

đang chờ FDA chấp thuận cho dùng từ nay đến cuối năm. Liều thuốc gồm 40 viên dùng trong 5 ngày, mỗi ngày 8 viên, theo tin tức về nghiên cứu này. Giá gốc khoảng $700 cho mỗi liều.

Điều nổi bật là thuốc này đang được chế “sous-license” ở Ấn độ và trên nguyên tắc cũng đang ở giai đoạn nghiên cứu 3, nhưng lại đã được thử cho bệnh nhân ngay cả ở VN và nghe nói rất hiệu nghiệm cho các bệnh nhân F0 được phát thuốc này dùng ở nhà (thí dụ Q7 ở Saigon) hay trong vài bệnh viện công. Điều đáng mừng là thuốc được chế theo dạng “generic” nên giá thành ở Ấn độ chỉ bằng 1/20 giá bên Mỹ. Tuy nhiên buồn thay, đã có giá chợ đen ở Saigon cao gấp nhiều lần giá gốc của Ấn độ.

Xin thành thật cám ơn các bạn đã đọc đến đây, bài dài hơn tôi dự định rất nhiều, may là vào weekend! Cám ơn BS Liêm và vài bạn đã thăm hỏi săn sóc tôi, bên cạnh gia đình nhỏ của tôi. Mong tất cả các bạn cùng gia đình luôn được bình yên hạnh phúc!

Thân mến,

Phạm Chí

Florida 10/2021

From: Phong Dương

Những Xét Nghiệm Cần Thiết

Những Xét Nghiệm Cần Thiết

BS Nguyễn Ý Đức M.D.

Nhiều người rất quan tâm tới sức khỏe của mình, cho nên mỗi lần đi khám bệnh là muốn bác sĩ chụp hình thử máu, thử nước tiểu. Để coi xem ngọc thể có tì vết, bệnh tật gì chăng.

Ngược lại thì cũng không ít người coi xét nghiệm là vô ích, “bới bèo ra bọ”, khi mà ăn vẫn ngon, ngủ vẫn yên, vẫn yêu đời, máy móc phục vụ đều đặn tới nơi tới chốn.

Đó là những thái độ tưởng như bình thường của đa số quần chúng. Tuy nhiên điều cần nêu ra là, rất nhiều bệnh xuất hiện đôi khi quá trầm trọng mà không có dấu hiệu báo trước. Cho nên nhiều xét nghiệm truy tìm bệnh đã được các nhà nghiên cứu đưa ra, ngõ hầu có thể sớm chẩn đoán và nhờ đó việc điều trị, đối phó sẽ hiệu quả hơn.

Các xét nghiệm có tính cách sàng lọc như vậy được áp dụng tùy theo lớp tuổi trung niên hoặc cao niên. Vì một số bệnh thường thấy ở lớp tuổi này mà không có hoặc hiếm có ở lớp tuổi kia. Do đó, cần thảo luận với bác sĩ để thực hiện những xét nghiệm thích hợp.

1- Sau đây là một số xét nghiệm cần thiết ở lớp người trên 65 tuổi

a- Cholesterol trong máu

Đây là thử nghiệm đo số tổng số chất béo cholesterol, chất béo “xấu” LDL và chất béo “tốt” HDL trong máu.

Mức độ lý tưởng là: Cholesterol dưới 200mg/dL; LDL dưới 100mg/dL; HDL trên 60mg/dL; Triglycerides dưới 150mg/dL.

HDL càng cao càng tốt. Ba loại kia nếu thấp hơn mức trung bình thì an toàn, vì quá cao, chúng là rủi ro đưa tới bệnh tim mạch cũng như một số rối loạn khác.

Thử nghiệm cần làm theo định kỳ tùy tình trạng cơ thể.

b- Đo đường huyết

Đo đường glucose trong máu cho biết có rủi ro mắc bệnh tiểu đường hoặc là đang bị bệnh này. Đây là loại bệnh đang có chiều hướng gia tăng tại mọi quốc gia với nhiều biến chứng trầm trọng như mất thị lực, suy tim, thận, tổn thương thần kinh ngoại vi.

Mức độ đường huyết trung bình đo buổi sáng khi đói là từ 70mg/dl-99mg/dl (3.5-5.5 mmol/L).
Từ 100mg/dl-125mg/dl (5.6-6.9mmol/L) là tiền tiểu đường.
Từ 126mg/dl (7mmol/L) trở lên trong 2 lần thử liên tiếp là bị bệnh rồi.

Xét nghiệm cần được thực hiện khi đang có bệnh cao huyết áp, đang điều trị hoặc có thân nhân bị tiểu đường.

Người có trọng lượng cơ thể 20% cao hơn mức trung bình cũng cần đo đường huyết, vì mập là rủi ro chính đưa tới bệnh tiểu đường.

c- Đo huyết áp

Huyết áp là sức ép của máu vào thành động mạch mỗi khi tim co bóp, đẩy máu vào huyết quản nuôi cơ thể.

Huyết áp trung bình là 120/80 mmHg
Từ 120-139/ 80-90mmHg là tiền cao huyết áp.
Trên 140/90 mmHg là bị bệnh cao huyết áp.

Huyết áp cao có thể là chỉ dấu của bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường hoặc một số vấn đề sức khỏe khác.

Các nhà y học đều khuyên là nên đo mỗi 2 năm nếu huyết áp dưới 120/80; mỗi năm nếu huyết áp tứ 120-139/ 80-90 và đo thường xuyên hơn nếu áp xuất cao trên con số này.

Một số bác sĩ cẩn thận muốn đo huyết áp nhiều lần hơn. Do đó, nên thảo luận với bác sĩ.

d- Độ dày đặc xương (Bone densitometry)

Cấu trúc của xương có thể ví như một mảng xi măng-cốt sắt. Xương vững chắc là nhờ có muối calci carbonate và calci phosphate lấp kín khoảng trống của hệ thống mô liên kết, cái sườn chính của xương. Calci do thực phẩm cung cấp.

Chụp hình X-quang xương có thể đo số lượng calci trong xương. Đây là một xét nghiệm khá mới mẻ và chính xác để coi có bị rủi ro bệnh loãng xương hay không. Trước khi có xét nghiệm này thì nhiều người chỉ biết bị bệnh sau khi xương đã mảnh mai, gãy.

Xét nghiệm được thực hiện từ tuổi 65. Tuy nhiên, nếu có các rủi ro đưa tới loãng xương như nhẹ cân, gia đình có người bị loãng xương thì nên làm từ tuổi 60.

đ- Nội soi ruột già

Theo thống kê, có tới 90% trường hợp ung thư ruột già xảy ra ở lớp người từ 50 tuổi trở lên. Tuổi trẻ cũng bị ung thư phần ruột này, nhưng tương đối ít hơn.

Nội soi ruột già được thực hiện với một dụng cụ gồm có một ống nhựa mềm, dễ uốn, đầu có đèn chiếu sáng, máy chụp hình và nối kết với hệ thống theo dõi.

Ống đèn được đưa vào hậu môn, qua trực tràng rồi lên ruột già. Chuyên gia quan sát toàn bộ mặt trong của ruột và có thể tìm thấy những bất thường như loét lở, cục thịt polyp. Polyp có thể là tiền thân của ung thư và cần được cắt bỏ ngay.

Các nhà chuyên môn khuyên mọi người từ 50 tới 75 tuổi nên làm xét nghiệm này mỗi 10 năm. Nếu có yếu tố rủi ro như mập phì, tiểu đường, hút thuốc lá, viêm ruột, đời sống tĩnh tại, gia đình có thân nhân bị ung thư ruột thì thường xuyên hơn. Từ tuổi 76-85, xét nghiệm trở nên ít cần thiết và sau 85 tuổi thì không cần làm nữa.

Một rủi ro nhẹ của nội soi là lủng lớp màng lót của ruột với tuổi cao, nhưng dưới bàn tay chuyên môn kinh nghiệm của bác sĩ thì chuyện này hiếm khi xảy ra.

e- Chụp X-quang nhũ hoa

Ung thư nhũ hoa có thể xảy ra ở cả nam lẫn nữ, nhưng nhiều hơn ở “phái yếu”.

Ở nữ giới, ung thư vú đứng hàng thứ nhì, sau ung thư da. May mắn là trong những năm gần đây, bệnh giảm dần, tử vong cũng ít nhờ công chúng hiểu biết nhiều hơn về bệnh, nhờ có phương tiện sớm khám phá cũng như phương thức điều trị hữu hiệu. Tuy nhiên đây vẫn là ung thư đáng e ngại của quý bà quý cô vì tác hại của chúng.

Chụp X-quang nhũ hoa (Mammography) có mục đích phát hiện những thay đổi của vú khi chưa có dấu hiệu bệnh. Xét nghiệm sử dụng rất ít chất phóng xạ nhưng có khả năng tỉ mỉ kiểm tra các mô của bộ phận này mà tay khám ngực không hoàn tất chu đáo được.

Các nhà chuyên môn đề nghị chụp hình nhũ hoa mỗi 1 hoặc 2 năm kể từ tuổi 40 trở lên.

g- Siêu âm bụng

Tuổi từ 65 tới 75 nhất là đã có thời kỳ phì phèo cả trên 100 điếu thuốc lá trong đời người đều nên làm siêu âm vùng bụng một lần để coi động mạch chủ ở nơi dây có phình ra. Phình mạch có khả năng gây tử vong nếu bất chợt “bể” tung, như cái lốp xe đạp, đưa tới xuất huyết trầm trọng.

Theo Lực lượng Phòng tránh bệnh Hoa Kỳ (USPSTF), người dưới 65 tuổi ít có rủi ro phình mạch này nên siêu âm không có ích lợi.

Ngoài ra, bác sĩ gia đình có thể khuyên bệnh nhân trên 65 tuổi khám tai, khám mắt hàng năm để sớm phát hiện cao áp nhãn (glaucoma)

Một vài xét nghiệm mà lớp tuổi trên 65 có thể bỏ qua gồm có:

Thử nghiệm tế bào cổ tử cung (Pap smear)

Xét nghiệm tìm ra các thay đổi của tế bào cổ tử cung có nguy cơ đưa tới ung thư phần này.

Tuy nhiên nguy cơ ung thư cổ tử cung ở phụ nữ trên 65 tuổi có chiều hướng giảm và pap smear nhiều khi cho kết quả dương tính giả. Do đó, Lực lượng phòng tránh bệnh Hoa Kỳ nói là ích lợi của xét nghiệm rất khiêm nhường. Nữ lưu nào đã có ba pap smear âm tính liên tiếp trước 65 tuổi thì sau tuổi này chẳng cần làm pap nữa, với điều kiện đã được bác sĩ đồng ý.

Thử men nhiếp tuyến (PSA)

PSA viết tắt của Prostate-specific antigen, một chất đạm do nhiếp tuyến sản xuất có tác dụng làm lỏng tinh dịch. Một lượng rất ít chất này chuyển vào máu, nhưng quá cao có thể là chỉ dấu của viêm, nhiễm trùng, phì đại hoặc ung thư tuyến nhiếp.

Tại Hoa Kỳ, ung thư nhiếp tuyến là một trong những ung thư thường thấy ở nam giới. Bệnh đe dọa trầm trọng đời sống và điều trị cũng có nhiều tác dụng phụ, cho nên nhiều người rất e sợ khi bị bệnh này

Trong quá khứ, đa số bác sĩ coi mức độ 4.0ng/mL PSA trong máu là bình thường. Nhưng đã có nhiều trường hợp ung thư nhiếp tuyến xảy ra khi PSA thấp hơn 4.0ng/mL. Do đó, ý kiến chung là không có mức độ bình thường hoặc bất bình thường PSA.

Hiện nay đang có nhiều tranh cãi về lợi điểm của xét nghiệm PSA. Lý do là thử nghiệm có thể dương hoặc âm sai (false positive or negative). PSA cao có thể chỉ do một ung thư nhỏ chưa đủ đe doa sinh mệnh mà bệnh nhân đã được trị liệu bằng các phương thức gây ra nhiều hậu quả đáng ngại như nhiễm trùng, bí tiểu tiện, rối loạn cương dương.

Bằng chứng ủng hộ và chống đối xét nghiệm PSA thường lệ đối với nam giới từ 40 tới 75 tuổi chưa được thống nhất. Do đó có bác sĩ nói nên thử hàng năm khi tới tuổi 50, bác sĩ khác đề nghị đàn ông có nguy cơ ung thư nhiếp tuyến nên làm PSA ở tuổi 40 hoặc 50.

Ý kiến chung là trước khi thử cần giải thích rõ ràng cho bệnh nhân về lợi hại của xét nghiệm.

Và USPSTF đã quyết định là nam nhân trên 75 tuổi không cần xét nghiệm PSA, một phần vì ở lớp tuổi này, ung thư nhiếp tuyến diễn tiến rất chậm.

2- Với lớp tuổi từ 20-30 nên lưu ý những điều sau đây:

– Cân đo sức nặng cơ thể theo định kỳ để tránh quá ký vì mập phì là rủi ro của bệnh tiểu đường, cao huyết áp.

– Đo áp xuất động mạch để sớm phát hiện và điều trị “tên sát nhân thầm lặng” cao huyết áp, thủ phạm đưa tới tai biến não, bệnh tim.

– Xét nghiệm mức độ chất béo cholesterol trong máu để tránh quá cao có thể gây tắc nghẽn lưu thông huyết quản, bệnh tim mạch. Đặc biệt giới trẻ hút thuốc lá, cao huyết áp, có bệnh tiểu đường và thân nhân có người bị bệnh tim là cần thực hiện xét nghiêm này.

– Với nữ lưu, tự khám nhũ hoa, chụp X-quang vú hàng năm cũng như khám tử cung, làm pap smear mỗi 2 hoặc 3 năm để sớm phát hiện ung thư vú và ung thư cổ tử cung, những bệnh khá phổ biến ở giới này.

– Nam giới cũng nên hàng năm tự khám lò sản xuất tinh trùng vì ung thư ngọc hành đứng đầu trong các bệnh ung thư ở tuổi “bẻ gẫy sừng trâu” và bệnh điều trị dễ dàng, nếu tìm ra sớm.

– Tuổi này cũng hay tắm biển, phơi nắng cho nên cần quan sát da 2, 3 năm một lần để coi xem có dấu hiệu của ung thư da.

Và cũng đừng quên coi lại xem đã chủng ngừa đầy đủ các bệnh truyền nhiễm.

Kết luận

Trong y học, phòng chống bệnh có 3 mức độ:

– Áp dụng mọi phương tiện hữu hiệu sẵn có để không cho bệnh có cơ hội thành hình. Thí dụ chủng ngừa bệnh truyền nhiễm để giúp cơ thể có khả năng chống lại vi khuẩn, virus;

– Dùng những xét nghiệm để sớm tìm ra bệnh trước khi có dấu hiệu ngõ hầu có thể đối phó kịp thời; và

– Cố gắng điều trị, chăm sóc để giảm thiểu các hậu quả xấu khi bệnh đã xảy ra.

Các cụ ta thường chủ quan khi nói “biết người biết mình, trăm trận đánh trăm trận thắng”.

Trong cuộc chiến chống lại bệnh tật, chúng ta đã có nhiều hiểu biết về nguyên nhân gây bệnh, diễn tiến cũng như biến chứng của bệnh và các phương thức phòng tránh, sớm khám phá ra bệnh.

Nhưng có lẽ “Tri” mà không “Hành” e rằng lại là một thiếu sót.

Cho nên, khoa học đã cống hiến các phương thức để sớm tìm ra bệnh, thì cũng nên để ý, thực hiện.

Mong vậy thay. 

BS Nguyễn Ý Đức M.D.

From: TU PHUNG

SỐNG CÒN VỚI COVID

SỐNG CÒN VỚI COVID

Tôi nhận được qua email bằng hữu bài viết dưới đây, tác giả đã chích ngừa Covid-19 2 lần, bị bịnh vào nhà thương mô tả lại từng ngày rất chi tiết nên gởi các bạn tham khảo, GS Huỳnh Chiếu Đẳng

 ***

Đây là một mẫu đời thật mà tôi vừa trải qua, một mẫu đời đánh trả cam go với Covid, một mẫu đời chống cự lại cơn bạo bệnh lịch sử hiện đại của nhân loại mà một con người nhỏ bé như tôi đã đối diện suốt 2 tuần lể tại bệnh viện Torrance Memorial Hospital và hậu quả chưa hoàn toàn chấm dứt sau khi rời khỏi bệnh viện. Những dòng này chỉ cốt chia sẻ kinh nghiệm cũng như ghi lại một quảng thời gian ngắn của đời tôi.

Từ nhỏ tôi đã từng nghe Andre Gide, một nhà văn Pháp, nói rằng La vie ne vaut rien mais rien ne vaut une vie, có nghĩa rằng cuộc đời không đáng giá gì cả nhưng không có gì đáng giá bằng cuộc đời.

Hay như nhà văn Mỹ Ernest Hemingway đã viết “But man is not made for defeat.A man can be destroyed but not defeated.” có nghĩa rằng con người có thể bị tàn tạ nhưng không nào bị khuất phục.

Nêu ra 2 câu nói này nhằm nói đến ý chí đã dẩn dắt tôi vượt qua bệnh tật mấy ngày vừa qua.

Trong giấy xuất viện của tôi, bệnh viện ghi rỏ “You has been treated for corona virus and respiratory failure và đây là những gì tôi muốn kể lại.

Ngày 2 tháng 8 khi gia đình của Nghĩa-Sơn (em vợ) có kết quả dương tính với virus Sars-coV-2, dù không ở chung một nhà nhưng vợ chồng tôi cùng đi test Covid ở clinic gần nhà.Hai ngày sau, kết quả âm tính.Yên tâm !

Ngày 18 tháng 8 cả nhà tôi cùng đi cúng xả tang cho bà má vợ ở chùa Cao Đài Westminster.Buổi cúng tế kéo dài từ 6 giờ chiều đến 9 giờ tối với rất đông người tham dự và kết thúc bằng ăn cơm tại đó.Tôi chưa dám kết luận buổi cúng tế này là cơ hội duy nhất nhiễm bệnh hay không nhưng không thể không ghi nhận sự kiện này .

Chiều ngày 24 tháng 8, Hưng tổ chức sinh nhật cho cháu nội của tôi Ariya ở bải biển Bolsa Chica(Orange County).Bải biển vắng người nhưng gió rất mạnh, cả gia đình tôi quay quần tắm biển còn tôi đi bộ dọc theo bờ biển hay trốn vào xe ngồi để không bị lạnh.Do đó khi có triệu chứng bất thường vài ngày sau, tôi vẫn nghĩ rằng mình bị cảm lạnh.

Sáng ngày 27 tháng 8, tôi linh cảm một điều gì không lành khi nghe đau ran ở cổ họng.Lập tức tôi đi lấy test Covid nhưng lần này tôi phải đợi 5 ngày mới có kết quả vì số lượng người đi thử rất đông.Tôi nghĩ rủi ro có bị dương tính chắc hẳn họ sẽ báo cho mình sớm hơn qua điện thoại hay E mail.

Ngày 28 tháng 8, tôi cảm thấy nhức đầu và kéo dài liên tục đến vài ngày sau và chỉ tạm thời yên ổn khi dùng Tylenol 500mg.Nhiệt độ đo bằng nhiệt kế digital dưới 99 độ F.

Ngày 29 tháng 8, tôi cảm thấy thêm triệu chứng ớn lạnh(chilly).Buổi chiều bà xã tôi cho xông hơi lần thứ 1.

Ngày 30 tháng 8 tình trạng không suy giảm.Buổi chiều xông hơi lần thứ 2 và uống Tylenol 500 mg cầm cự tránh sốt.

Ngày 31 tháng 08, tiếp tục nhức đầu và mệt mỏi.Vẫn chưa có kết quả Covid test.Tôi gọi cho bác sĩ gia đình để khai bệnh nhưng do không sốt cao, bác sĩ cho rằng chưa chắc bị nhiễm Covid.Tiếp tục xông hơi lần thứ 3

Ngày 01 tháng 9 tôi cảm thấy ăn không còn ngon miệng, dì Cúc mua cho tô bò kho chỉ ăn được vài miếng dù rất đói.Tôi gọi điện thoại và E mail cho clinic để hỏi kết quả nhưng không thấy hồi đáp.Tiếp tục xông hơi lần thứ 4.

Diển biến phức tạp bắt đầu :

Sáng ngày 2 tháng 9, dù chưa bị khó thở nhưng tôi quyết định đi cấp cứu vì hai lý do :không ăn uống được và không ngũ được.Bà xã tôi đưa tôi đến Emergency Room của bệnh viện Torrance Hospital lúc 5 giờ 11 phút sáng.Y tá trực làm thủ tục sơ khởi và đưa tôi vào giường bệnh đồng thời yêu cầu bà xã tôi ra về.Phải đến 2 tuần lể sau mới gặp lại, xem như cách ly từ giây phút đó.

Các con số bệnh lý ban đầu ở Emergency Room

Nhiệt độ 103 độ F(39 độ 4 C)

Huyết ấp cao 150/90

Phòng cấp cứu tiến hành thử máu, chụp hình phổi, thử Covid test.Bác sĩ trực đến nghe phổi và tim và bắt đầu gắn máy theo dỏi oxygen

Khoảng hơn 08 giờ sáng, bác sĩ trực trở lại trịnh trọng nói với tôi rằng ” Mr. Quan, chúng tôi vừa mới gọi điện thoại cho bác sĩ Nam Lai, là bác sĩ gia đình của ông, và đã báo cho ông ấy biết ông đã có kết quả dương tính với Covid !Chúng tôi đang làm thủ tục nhập viện để bắt đầu điều trị bệnh cho ông “

Tôi nghe tin này thật sửng sờ, cảm thấy một bầu trời đen tối đang sụp đổ trước mặt tôi.Tại sao tôi có thể nhiễm virus Sars-coV-2 khi đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ như chích ngừa 2 lần, đeo mask ở nơi công cộng hay rửa tay hand sanitizer thường xuyên.

Khoảng 8 giờ 30 phút tôi được chuyển đến phòng 3101(lầu 3 của bệnh viện)thuộc khoa nhiễm trùng để khởi đâu trị bệnh.Phòng bệnh khá rộng rải với 1 giường bệnh và một ghế dựa, 1 restroom và ngay trước mặt trên tường có sẳn TV được điều khiển chung cùng một remote gọi y tá khi cần.Cả giường bệnh và ghế dựa đều gài alarm để bệnh nhân không được tự tiện bước xuống đất mà phải gọi y tá để được giúp đở.Lúc đầu chưa biết, có lần tự động đứng dậy đi tiểu alarm kêu inh ỏi khiến y tá hối hả chạy đến xem chuyện gì đang xảy ra.Tôi phải xin lổi họ vì hành động này.

Nói về đội ngũ y tá, mổi ca trực có 2 người, một RN(Registered Nurse) và một Assistant Nurse, họ rất tốt, ân cần và nhiệt tình vui vẽ.Khi tiêm chích hay cho uống thuốc, họ đều thông báo đó là thuốc gì và công dụng của từng loại thuốc.

Bác sĩ điều trị ở khoa nhiễm trùng gồm :

Dr. Kevin Mak :bác sĩ nội trú bệnh viện.

Dr.Vladimir Labalo :bác sĩ chuyên khoa nhiễm trùng

Dr.Eric Milefchik :bác sĩ chuyên khoa nhiễm trùng.

Đặc biệt có một lần bác sĩ Milefchik đã đến khám phổi và tự tay ông đã tiêm insulin và steroid, cho tôi uống thuốc buổi sáng vốn dĩ đó là công việc của y tá.

Các con số ban đầu ở phòng 3101

   Đường huyết 308

   Huyết áp 150/85

   Oxy 95

Phương cách điều trị :Bác sĩ quyết định chuyền 5 liều Redemsivir(200 mg/ngày)trong 5 ngày từ 2 đến 6 tháng 9.Đây là liều lượng tối đa cho một bệnh nhân Covid, thuốc được vô bằng đường tỉnh mạch và kéo dài hơn một tiếng cho một lần.Các loại thuốc khác hổ trợ thêm gồm :Steroid tiêm 2 lần/ngày để chống đông máu, chống viêm được tiêm vào bụng, Insulin 4 lần/ngày vào sáng, trưa, chiều và tối gồm 1 mủi vào bụng và 1 mủi và tay cho mổi tiêm.Ngoài ra tiếp tục uống thuốc huyết áp, thuốc giảm cholesterol, thuốc nhuận trường và pepcid.Ngày 07 và 12 tháng 9được tiêm 2 liều Lasix để tăng lượng nước tiểu.

Trong suốt thời gian nằm viện được chỉ định chụp X ray thêm 2 lần vào ngày 5 và 8 tháng 9 để xác địng có bị pneumonia hay không.

Ăn uống theo tiêu chuẩn carbonhydrate consistance như tránh thức ăn cơm, bánh mì trắng, khoai tây, kẹo bánh ngọt….Hằng ngày tôi phải gọi order ăn sáng, trưa và chiều 3 lần để đặt món ăn căn cứ vào menu của bệnh viện gồm 1 món ăn chính, 2 món ăn phụ, 1 món trái cây và 1 món uống.Thức ăn nấu cũng khá ngon miệng mà trong đó có 3 món mà tôi thích là :Tofu Stir Fry(đậu hủ xào rau cải), Salmon chiên và pasta(mỳ ống )

Đường huyết thay đổi liên tục dao động từ 160 đến 280, không lần thử nào giống nhau

Bắt đầu từ ngày 4 tháng 9 trở đi, tôi không còn sốt và những cơn nhức đầu bị đẩy lùi.Đồng thời huyết áp trở lại bình thường và ổn định.Tuy nhiên độ oxy trong máu giảm mạnh.Tôi luôn cảm thấy khó thở hơn, không thể nào hít một hơi dài như trước.Y tá chỉ theo dỏi 24/24 một yếu tố duy nhất là độ oxy và cứ mổi lần oxy tuột dưới 90% là máy kêu lên liên tục cho đến khi phục hồi trên 90%.

Trưa ngày 4 tháng 9 sau khi ăn trưa xong, toàn thân tôi mệt mỏi, hơi thở ngắn(short of breath ), oxy giảm dưới 90 %, y tá bắt đầu cho tôi thở oxy trợ lực qua ống cao su vào mũi với lượng 6 lit/phút.Tình trạng này kéo dài liên tục đến ngày 11 tháng 9.Đôi khi, nhất là phải đứng dậy đi tiểu, y tá phải chụp thêm mặt nạ để tăng cường vì thở qua ống cao su không đủ.Từ ngày 11/09 hơi thở có khá lên nên y tá giảm xuống 4 lít/phút, sau đó 2 lit/phút vào ngày 13/09 và đến ngày 15 /09 chỉ còn 1 lít/phút qua đường mũi.

Khoảng thời gian 7 ngày trên là thời gian chiến đấu gian nan để giành giựt từng hơi thở với corona virus căng thẳng nhất.Có trải qua nổi khổ này mới biết tinh thần mình mau suy sụp, mất phương hướng dễ dàng.Muốn phục hồi oxy, y tá bắt buộc tôi phải nằm sấp(prone position)không được nằm ngửa.Suốt từ sáng đến tối, tôi phải nằm tư thế này trừ giờ ăn.Điều đó làm tôi khó chịu vô cùng vì giường bệnh nằm ngang không thoải mái cho tư thế nằm sấp.Cả ngày lẫn đêm không nghĩ ngơi thoải mái nên con người hoàn toàn kiệt quệ, ý chí tuột dốc, nhất là nằm một mình trong bóng tối, tôi đã có ý định buông xuôi, đầu hàng.

Hai câu thơ truyện Kiều sau đây đã diển tả tâm trạng của tôi lúc đó

    Chung quanh lặng ngắt như tờ,

    Nổi niềm tâm sự bây giờ hỏi ai.

Cũng lúc này tôi ho rất nhiều, loại ho khô khan mà không làm sao ngăn được.Có đêm thấy ho không ngớt, y tá cho uống một chút thuốc ho nhưng chỉ êm hơi vài tiếng.Nói chuyện điện thoại cứ đi kèm một câu nói là một tràng ho .Nhưng nghĩ đến gia đình, đến anh em, đến người thân đang cổ vũ, khuyến khích mình vượt qua đại nạn tôi tập trung hết ý chí phấn đấu vượt lên đánh tới cùng với virus đang bám víu vào buồng phổi của mình.

Ngày 15 tháng 9, bác sĩ Kevin Max đến thăm và khám bệnh.Sau khi check tình trạng bệnh lý, ông công bố quyết định cho tôi xuất viện vào ngày hôm sau.Nhưng trước khi về, tôi phải trải qua breathing test để xem không thở oxy qua mũi tôi có thể chịu đựng được bao lâu.Test kéo dài khoảng 5 phút và tôi được phép xuất viện về nhà kèm theo 1 bình oxy sử dụng từ bệnh viện tới nhà và 1 máy trợ thở tạm dùng trong 2 tuần lễ.

Nằm bệnh viện 2 tuần lễ, nghe tin được trở về nhà tịnh dưởng đã gây sự xúc động mạnh mẽ trong tôi.Nổi niềm vui sướng vượt qua bạo bệnh đã thành sự thật Hai tuần lễ không dài lắm để chửa trị cơn bệnh quái ác của thế kỷ nhưng cũng không ngắn quá cho nổi nhọc nhằn, khổ sở tôi đang hứng chịu.

Sáng ngày 16/09, cả hai bác sĩ Kevin Max và Vladimir Labalo đến kiểm tra lần sau cùng, căn dặn kỷ lưởng những gì tôi phải làm, liều lượng thuốc tôi phải uống cũnh như tiếp tục cách ly tại nhà đến hết ngày 18/09 là ngày cuối cùng quarentine.

Đưa tôi từ phòng bệnh xuống đường là cô y tá trực và Thành(con của bạn tôi Tạ sỹ Nguyên )vốn là respiratory therapist của bệnh viện.Thành cũng là ngừoi thân duy nhất thăm tôi thường xuyên ở bệnh viện.Xin cảm ơn Thành đã đẩy bình oxy và máy trợ thở đến tận xe.

Bà xã tôi đón ngay trước cổng bệnh viện.Tôi lên ngồi băng sau, hạ thấp tất cả cửa sổ để xe lăn bánh rời bệnh viện.Nổi niềm hạnh phúc dâng trào trong tôi khi xe rẽ vào đại lộ Lomita thân quen hướng về ngôi nhà thân thương của mình Thế là tôi vừa bước qua một bước ngoặt của cuộc đời, một biến cố trọng đại tưởng chừng mành treo sợi tóc, một cuộc chiến đấu sống còn mạnh được yếu thua.Về nhà nghe các talk show của các bác sĩ tôi đã nghiệm ra vì sao tôi đã bị nhiễm bệnh dù đã chích vaccine đầy đủ.Thì ra kháng thể tạo ra từ vaccine ở mổi người mổi khác, theo dần với dòng thời gian cùng với tác động của bệnh nền, kháng thể của tôi không còn đủ mạnh để tự bảo vệ mình nên khi corona virus xâm nhập, nó tấn công dử dội và chỉ nhờ thuốc Redemsivir mới đẩy lùi được chúng.

Hôm nay ngày 23 tháng 9, một tuần lễ tịnh dưởng ở nhà, dù sức vẫn còn kém, dù lực vẫn còn hạn, tay chân vẫn còn tê, đi vẫn còn yếu nhưng tôi tin chắc tôi sẽ phục hồi trong thời gian ngắn sắp tới.

Cuối cùng tôi xin cảm ơn người vợ thương yêu và các con yêu quý, cháu nội Ariya của tôi đã tận tình lo lắng, chăm sóc tôi suốt thời gian qua.Cảm ơn sui gia, ông bà Taniguchi, đã gởi quà vào bệnh viện cho tôi.Cảm ơn gia đình dì Cúc đã có món quà đặc biệt nhân ngày xuất viện.Cũng không quên cảm ơn tất cả bà con thân thuộc, anh em và bạn bè khắp nơi đã quan tâm thăm hỏi, động viên, khíck lệ tinh thần giúp tôi vượt qua dịch bệnh và cuối cùng chiến thắng được COVID !

QUAN MINH TẤN

From:TU-PHUNG

3 lưu ý khi uống nước để tránh vô tình làm hại thận

3 lưu ý khi uống nước để tránh vô tình làm hại thận

Bảo Vy

Thực ra, thận của con người là cơ quan chính điều chỉnh sự cân bằng nước của cơ thể, uống nhiều nước sẽ không gây hại cho thận, ngược lại còn có tác dụng bảo vệ hệ tiết niệu. Nhưng hãy chú ý uống nước đúng cách.

 Có câu hỏi thắc mắc rằng: “Uống nhiều nước và đi tiểu nhiều hơn có thể bảo vệ thận, nhưng không phải đi tiểu nhiều hơn cũng làm tăng khối lượng công việc của thận hay sao? Nếu thận hoạt động quá nhiều thì có bị kiệt sức không? 

Thực ra, thận của con người là cơ quan chính điều chỉnh sự cân bằng nước của cơ thể, uống nhiều nước sẽ không gây hại cho thận, ngược lại còn có tác dụng bảo vệ hệ tiết niệu. 

Nhưng hãy chú ý uống nước đúng cách.

  1. Tại sao uống nhiều nước lại bảo vệ thận?

Cơ thể con người có hai quả thận đảm trách nhiệm vụ lọc máu. Sau khi máu đi vào cầu thận, nó sẽ được lọc để tạo thành nước tiểu ban đầu. Sự khác biệt giữa nước tiểu và máu ban đầu là không chỉ tế bào máu và protein đại phân tử, mà các thành phần khác đều giống huyết tương. Khi nước tiểu ban đầu chảy qua ống thận, hầu hết nước, chất điện giải, glucose và các chất hữu ích khác trong nước tiểu ban đầu được tái hấp thu trở lại máu, chỉ còn lại axit uric, urê và các chất thải chuyển hóa khác, một phần nước và chất điện giải. Chúng kết hợp với nhau tạo thành nước tiểu thực và bài tiết ra khỏi cơ thể.

Điều gây hại cho thận không phải là tổng lượng nước tiểu, mà là nồng độ của nước tiểu. Khi cơ thể thiếu nước, nước tiểu sẽ bị cô đặc, đồng thời tăng nồng độ các chất thải chuyển hóa trong đó có thể sinh ra các tinh thể kết tủa, hình thành sỏi và gây hại cho thận. Vì vậy, hãy uống nhiều nước để đảm bảo lượng nước tiểu đầy đủ, từ đó sẽ bảo vệ thận.

  1. Uống quá nhiều nước sẽ không gây hại cho thận

Nhưng cũng có quan điểm cho rằng uống quá nhiều nước sẽ làm tăng khối lượng công việc của thận và gây hại cho thận. Tuy nhiên, khả năng làm việc của thận bị nhiều người đánh giá thấp. Hai quả thận của cơ thể con người có từ 1 triệu đến 2 triệu nephron, và chỉ 25% đến 30% trong số chúng cần được sử dụng để đáp ứng nhu cầu trao đổi chất của cơ thể con người.

Do đó, khi uống nhiều nước, cơ thể con người sẽ mở ra nhiều nephron hơn để hoạt động, đồng thời không tạo gánh nặng cho thận. Phần nước dư thừa sẽ được đào thải ra ngoài cùng với nước tiểu để làm loãng nước tiểu tránh sự kết tủa của các chất thải chuyển hóa trong nước tiểu, các tinh thể đã hình thành cũng sẽ tan ra, có tác dụng ngăn cản quá trình hình thành sỏi. Lượng nước tiểu tăng lên cũng có tác dụng “rửa sạch” hệ tiết niệu, giảm khả năng vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào niệu đạo, ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu.

 Tránh uống nước không đúng cách

Uống nhiều nước sẽ không gây hại cho thận, nhưng uống nước sai cách có thể ảnh hưởng không tốt đến thận.

. Không nên chỉ uống nước khi khát: Nhiều người đã quen khát nước rồi mới uống, nhưng khi khát thì thực ra cơ thể đã bắt đầu thiếu nước, não bộ sẽ nghĩ rằng cơ thể người đã vào “trạng thái thiếu nước”; lúc này, vùng dưới đồi tăng tiết hormone chống bài niệu (ADH), làm tăng khả năng tái hấp thu nước của ống thận, và nước tiểu sẽ cô đặc hơn, có thể gây tổn thương cho thận.

. Không nên uống nước chè vằng và canh rau ngót thường xuyên: Trong thành phần của sỏi thận, canxi oxalat chiếm 80%, là loại sỏi được hình thành do sự kết hợp của axit oxalic và canxi trong nước tiểu. Trong rau ngót và chè có chứa axit oxalic, axit oxalic dễ tan trong nước. Do đó, nếu bạn thường xuyên uống trà đậm và canh rau ngót sẽ dẫn đến việc hấp thụ quá nhiều axit oxalic, và có nguy cơ hình thành sỏi thận.

. Không thay nước lọc bằng đồ uống khác: Nhiều loại đồ uống có thêm nhiều đường để tạo mùi vị, nạp quá nhiều đường có thể gây béo phì, gây xơ vữa động mạch, hẹp động mạch thận và gây hại cho thận.

 Cách uống nhiều nước đúng cách là uống một lượng nhỏ nhiều lần

Nước trong cơ thể con người sẽ thường xuyên bị tiêu hao khi thở, đổ mồ hôi, đại tiện, tiểu tiện và các phương thức bài tiết khác, trong các hoạt động bình thường, một người trưởng thành sẽ mất khoảng 2000ml ~ 2500ml nước mỗi ngày. Rau, cơm và trái cây ăn hàng ngày chứa một lượng nước nhất định và một số nước được tạo ra khi các chất dinh dưỡng được chuyển hóa, do đó, người trưởng thành nên uống khoảng 2000ml nước mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu cơ thể của họ.

Tuy nhiên, không nên uống một lúc 2 lít nước, nếu không, một lượng lớn nước đổ vào trong thời gian ngắn sẽ làm tăng gánh nặng cho hệ tuần hoàn. Cách đúng là chia 2000ml nước mỗi ngày thành nhiều phần và uống cách nhau từ 1 đến 2 giờ. Nếu trời nóng hoặc đổ nhiều mồ hôi khi vận động, bạn nên tăng lượng nước uống lên một cách hợp lý.

Tóm lại, uống nhiều nước không những không gây hại cho thận mà còn có tác dụng bảo vệ thận rất tốt. Đảm bảo hơn 2000ml mỗi ngày, khi uống nước cần chú ý tránh uống sai cách, đúng cách là uống từng ngụm nước và chia làm nhiều lần trong ngày.

 Bảo Vy

 From: thanhlamle.le & ThuNNguyen

 Những bệnh… vô duyên!

 Những bệnh… vô duyên!

Bác sĩ Ðỗ Hồng Ngọc:

“Một thầy thuốc, một nhà báo, một hoạ sĩ, một nhà thơ …”

        – CVA-61, tốt nghiệp Ðại học Y khoa Sài gòn (khóa 1962 – 1969) với văn bằng Tiến sĩ y khoa quốc gia.

– Trước 1975 đảm nhiệm trách nhiệm BS Trưởng phòng cấp cứu tại BV-Nhi Ðồng Sai-gon.

– Là một thầy thuốc, đồng thời cũng là người cầm bút làm thơ, viết sách, tác giả của nhiều bài báo duyên dáng, dí dỏm, sâu sắc, ấn tượng – như một nhà văn, nhà báo thực thụ. Ðược biết, ông còn có những bức minh họa rất tài hoa …

– Càng về sau này, những trang viết của ông càng đi sâu vào chữ “thiền”, vào triết luận, ông đã nghĩ bằng trái tim, thay vì bằng đầu óc nhìn thiền dưới góc độ của một người thầy thuốc, một nhà “khoa học thực nghiệm”, không có chuyện huyền bí, mê tín dị đoan ở đây.

– Là một thầy thuốc không chỉ giỏi chữa bệnh về thể chất, nhưng dường như BS ÐH-Ngọc còn chứng tỏ một khả năng rất giỏi về chữa trị tâm bệnh – những bệnh về tinh thần – cho rất nhiều người, cho cộng đồng, nhưng lại rất ít nghe ông bày tỏ những chuyện riêng tư, những góc khuất trong tâm hồn của chính mình.

– Nhà thơ Ðỗ Trung Quân đã có nhận xét về Bs Ðỗ Hồng Ngọc như sau:

“Ðỗ Hồng Ngọc làm thầy thuốc để chữa bệnh cho người còn làm thơ là để chữa bệnh cho mình”.

     * Trân trọng chuyển bài viết sau đây của Bs Ðỗ Hồng Ngọc để quý vị và các bạn TUỲ NGHI. (Những dòng chữ được Highligh chỉ là sự chú ý riêng của người chuyển).

============ ========= ========= ========= ==

NHỮNG BỆNH… VÔ DUYÊN!

Bác sĩ  Ðỗ Hồng Ngọc

         Tuy già không phải là một bệnh nhưng già thì thường có bệnh. Bệnh thì có bệnh nặng, bệnh nhẹ, bệnh có duyên và bệnh… vô duyên. Ai cũng biết thầy thuốc là người được học hành cẩn thận để giúp ta chữa trị bệnh tật, vậy mà thầy thuốc cũng có thể gây bệnh cho ta, dù là ngoài ý muốn, cái đó gọi là bệnh do thầy thuốc gây ra (iatrogenic) mà theo GS. Phạm Khuê, một chuyên gia về Lão khoa, Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam thì có đến hơn một phần tư các bệnh ở người già là do thầy thuốc gây ra! (Bệnh học tuổi già, Phạm Khuê, NXB Y Học, 1998, trang 364).

        Những bệnh… vô duyên còn có thể do chính bản thân mình, người thân trong gia đình, bạn bè, hàng xóm, hoặc các nhân viên tâm lý xã hội gây ra nữa! Bà cô của một bác sĩ bạn tôi trên 80 tuổi kêu lúc nào trong người cũng nóng bức, miệng khô nên đã mua rễ tranh, mía lau, mã đề ngoài chợ về nấu “nước mát” uống. Mát đâu không thấy, thấy đi tiểu liên tục gây thêm tình trạng mất nước trong cơ thể, lại thấy nóng bức, thấy khô miệng, lại uống thêm “nước mát”! Thì ra “rễ tranh, mía lau, mã đề” là những loại thuốc lợi tiểu (diuretics).

Một ông bác gầy còm nghe hàng xóm bày vẽ có loại tễ mập, bèn mua uống mấy cây. Mập thiệt! Nhưng người béo bệu, cơ thể bạc nhược! Thì ra, thuốc tễ đó chỉ là bột mì trộn với mật ong và Corticoil, một thứ thuốc uống vào lâu ngày gây hội chứng Cushing, ứ nước, làm mập bệu và gây ra vô số những tác dụng tai hại khác như giảm sức đề kháng, mọc lông, loãng xương, loét bao tử, cao huyết áp…

Ta cũng biết thuốc chữa đau khớp có thể gây loét dạ dày; thuốc điều trị cao huyết áp có thể gây hạ huyết áp đột ngột; thuốc trị tiểu đường làm hạ đường huyết; thuốc uống cho đỡ bị đái són ở người già thì gây khô miệng, đỏ da, mờ mắt, chóng mặt…

Một đặc điểm sinh học của người cao tuổi là khả năng thích ứng dần kém đi. Hấp thu thuốc đã chậm mà đào thải cũng chậm. Tác dụng phụ của thuốc lại thiên hình vạn trạng, tùy từng người, từng lúc, có thuốc người này dùng thì tốt mà bày cho người khác không xong, uống vào bị phản ứng ngay.

Cho nên dùng thuốc ở người già phải dò dẫm trên từng trường hợp, giảm liều, giảm lượng, đắn đo tính toán trước sau, nào bệnh trước mắt, nào bệnh tiềm tàng; thuốc chữa được bệnh này nhưng có gây ra bệnh khác không, có làm bộc phát một bệnh cũ nào đó không, người bệnh ăn uống ra sao, tiêu tiểu ra sao và trạng thái tâm thần ra sao?

Người cao tuổi cũng thường hay tự ý gia giảm thuốc, tin lời bày vẽ, ai mách gì cũng nghe, gây tương tác thuốc lung tung rất dễ sinh ra nhiều bệnh…. vô duyên đáng tiếc.

Ngày càng có nhiều máy móc xét nghiệm và một số người cao tuổi cũng thường muốn được xét nghiệm này nọ.

Báo Paris Match của Pháp có đăng trường hợp một bà già bị rối loạn tiêu hóa đến khám ở một bác sĩ. Bác sĩ thấy không có gì nặng nhưng cũng gởi cụ làm thêm vài xét nghiệm cho chắc. Sau đó, bà cụ được tiếp tục làm thêm hàng loạt các xét nghiệm khác ngày càng phức tạp hơn vì xét nghiệm đơn giản không tìm ra bệnh: Siêu âm, nội soi, sinh thiết, chụp cắt lớp, chụp cản quang mạc treo…

Sau hơn một tháng chuyển từ trung tâm này đến bệnh viện kia, nằm đợi trên những băng ca lạnh lẽo, đẩy từ hành lang này sang hành lang khác, tiếp xúc với những người mang khẩu trang chỉ chừa đôi mắt lạnh lùng, bà cụ rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý trầm trọng và tiêu tốn mất 35 ngàn quan Pháp.

Cuối cùng các bác sĩ hội chẩn kết luận không có bệnh gì cả!

Tây gọi những người sính xét nghiệm là “examinite”.

Tổ chức sức khỏe thế giới (WHO) cũng cảnh báo hiện tượng over – investigation, “thăm dò quá mức cần thiết” này (Health of the Elderly, WHO, 1989). 
Một số người cao tuổi được chăm sóc bảo bọc quá đáng, được làm xét nghiệm thăm dò, theo dõi liên tục làm cho người bệnh muốn… hết bệnh cũng không được; không kể trong quá trình thăm dò, chọc hút, bơm tiêm, thụt tháo… không phải là không có nguy cơ.

Dĩ nhiên nếu có bệnh thì cần phải làm để có chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả. Còn thăm dò chỉ để… thăm dò thì không nên. Các chuyên gia khuyên chỉ nên làm xét nghiệm cho người già khi nhằm để chẩn đoán một thứ bệnh có thể chữa được, có thể phục hồi được, có lợi cho người bệnh hoặc để chẩn đoán phân biệt tìm ra một bệnh có tiên lượng tốt hơn, điều trị có kết quả hơn, có lợi cho bệnh nhân và gia đình hơn mà thôi. Tóm lại, biết ơn mình thì cần thiết lắm mới phải làm xét nghiệm và phải có chỉ định của bác sĩ.

       Thế nhưng có thứ không phải là thuốc, không phải là thủ thuật gì cả mà vẫn có thể gây ra những bệnh vô duyên: đó là lời nói!

Có những lời nói gây hoang mang, lo lắng, làm mất ăn mất ngủ, gây kiêng cữ quá đáng làm cho tình trạng bệnh khó phục hồi hơn. Cái đó gọi là sự “dán nhãn” (labelling). Chẳng hạn như người không có chuyên môn, không đủ cơ sở khoa học chắc chắn mà “phán” cho một cái chẩn đoán kiểu như “nghi ung thư”, “hơi bị lớn tim”, hoặc một từ mơ hồ như “máu có mỡ, gan nhiễm mỡ, viêm nhiễm phần phụ, rối loạn thần kinh thực vật”… hoặc “bị bùa chú thư ếm, bị người cõi trên nhập….” đều đem lại những kết quả tai hại không thể ngờ được!

Ngay cả bị dán nhãn là già cả, già nua, già yếu, mất sức rồi bị ép phải nằm yên một chỗ, lúc nào cũng có người nâng đỡ chăm sóc thì sẽ ngày càng lệ thuộc, ngày càng suy nhược, mau loãng xương, bắp cơ thoái hóa, cứng khớp nhanh.

Ðáng sợ hơn cả là bị ép phải vào nằm bênh viện, nằm nhà thương, nhà dưỡng lão, nhà nghỉ mất sức… khi vẫn còn có thể tự quản được. Thật ra đây chỉ là giải pháp cuối cùng vì một khi đã vào các cơ sở này rồi thì không hy vọng gì trở lại đời sống bình thường được nữa vì càng ngày càng thụ động, ỷ lại, lệ thuộc, suy sụp.

Các cơ sở chăm sóc cho người già thực ra rất cần thiết, miễn là phải giữ một số nguyên tắc như bao đảm sự riêng tư, tôn trọng cá nhân, giúp tự chủ, tự quản, và tạo nhiều cơ hội cho họ tham gia sinh hoạt phù hợp với sở thích và sức khỏe.

Tóm lại, không nên để người cao tuổi mắc thêm những bệnh… vô duyên!

From: Do Tan Hung & Kim Bang Nguyen

Bệnh Thận: Dưới Cái Nhìn Của Một Bệnh Nhân  

    Bệnh Thận: Dưới Cái Nhìn Của Một Bệnh Nhân  

Tác giả: Vũ Minh Ngọc

Published: 30 Tháng Mười Một 2019

(MỘT BÀI RẤT HAY VÀ HỮU ÍCH, NÊN ĐỌC)

Ðến lúc tôi hiểu được sự quan trọng của Thận trong bộ máy tuần hoàn của con người, do tạo hóa xếp đặt ra… thì đã quá muộn.. hai trái Thận của tôi đã teo lại như hái trái táo tàu… khô! Và những gì đã xảy ra? một câu hỏi mà các bạn bè của Việt Times tại Toronto đã hỏi tôi, nhân dịp tôi về thăm lại thành phố xưa, một thời đã lội tuyết thức khuya, dậy sớm lo kinh doanh.

Tôi không phải là một Bác Sĩ, cũng không rành gì về Y Học để trình bày một cách rõ ràng về những triệu chứng về bệnh Thận, nhưng những gì tôi viết ra đây, là kết tụ của những năm tháng dài đau khổ vì Thận hư.. và dưới cái nhìn của một bệnh nhân, với những xúc cảm vui buồn của căn bệnh.

Khoảng 15 năm trước đây, lúc tôi còn ở Montreal, tôi lúc nào cũng tự hào về sức khỏe của mình, bung mình như cánh chim bay lộng gió khắp đó đây.. coi thường mưa nắng… Rồi bỗng một hôm, cảm thấy mệt mỏi, con đường dốc gần Parc Lafontaine bỗng trở thành một ngọn đồi Ðồng Long của An Lộc ngày nào, từ văn phòng đến ngân hàng tự nhiên thật xa và mệt mỏi, tim đập mạnh.. vượt qua khoảng 300 mét mà mệt nhoài.. tôi tự hỏi, sao sức mình yếu thế này nhỉ? phải chăng những cơn khủng hoảng của việc gia đình tan vỡ là nguyên nhân chăng ?

Tôi đến gặp Bác Sĩ An, người Trưởng Ty Y Tế tại Bình Long ngày nào, một thời cùng nhau tử thủ trong trận chiến mùa hè đỏ lửa 72, Bác Sĩ An lắc đầu vì áp huyết lên quá cao 200/120.. À ra thế, tôi đã bị cao áp huyết.. một triệu chứng đầu tiên của căn bệnh.

Chưa kịp chữa trị thì tôi dọn về Vancouver, bỏ lại thành phố Montreal đầy kỷ niệm.. con đường thật dài, trên 5000 km đã nuốt trọn sau 4 ngày lái xe, hầu như không ngừng nghỉ.. và những triệu chứng gần như dồn dập.. những viên thuốc Adalat từ 20, chuyển sang 30 rồi 60 được thay thế tùy theo diễn tiến của mỗi lần đo áp huyết.

Tôi được giới thiệu đến một Bác Sĩ chuyên môn khám nghiệm, cuộc Biopsi thận không kết quả vì hai trái Thận.. teo mất rồi.. Quá trễ rồi…

Kết quả thử máu cho hay, chất Creatinie lên cao… Creatinie là độ dơ còn lại trong máu mà Thận không lọc được, trung bình độ dơ khoảng 110 là bình thường đối với một người đàn ông lúc đó, độ Creatinie của tôi lên cao hơn 300 tức là gấp ba lần bình thường. Cho đến một hôm, lên cao khoảng 450 thì Bác Sĩ Lien, một vị Bác Sĩ người Trung Hoa chuyên khoa về Thận đã thảo luận và quyết định cho tôi đi Lọc Máu.

Ông ta phân tích, có hai loại: Lọc Máu và rửa Thận: Lọc Máu có nghĩa là phải vào bệnh viện để dùng máy ( Thận nhân tạo ) để lọc chất nước dư trong người ra, đồng thời lọc chất dơ trong máu.. danh từ chuyên môn gọi là Hemo-dialysis và lọc 3 ngày một tuần mỗi lần khoảng 6 tiếng kể cả việc chuẩn bị, và cách thứ hai là Rửa Thận mà danh từ chuyên môn gọi là Peritoneal Dialysis, cách thức này không phải đến bệnh viện có thể tự làm lấy tại nhà và mỗi ngày thay nước rửa 4 lần ( khoảng 45 phút/ lần ) và 7 ngày trong tuần.. Nghe đến đây, tôi xin chọn cách đi Lọc Máu ( Hemo-dialysis ) và Bác Sĩ Lien gửi tôi đi gắn ống Fustila.

Cuộc đời tôi bắt đầu.. khốn nạn từ đây !

Ống Fustila và Catheter là gì ?

Ðể Lọc Máu, bệnh nhân phải qua một cuộc giải phẫu để gắn ống cao su vào các động mạch, và mỗi lần Lọc Máu, phải dùng hai cây kim dài khoảng 10cm, như cây kim đan nhỏ và cắm vào ống cao su, gắn trong mạch máu, để một kim hút máu ra, và một kim đưa máu vào.

Cuộc giải phẫu kéo dài khoảng 2 tiếng và bệnh nhân trở về trong ngày, sau đó bệnh nhân phải tập với những trái banh cao su, làm sao cho ống cao su nổi lên trên cánh tay, như những con rắn nhỏ lượn trên cành cây…

Trung bình, sau khi gắn ống Fustila khoảng 6 tuần đến 4 tháng thì ống mới sẵn sàng để dùng lọc máu.. do đó, Bác Sĩ khi thấy độ Creatinie khoảng 400 là cho đi gắn ống Fustila ngay.. vì nếu không sẽ chậm trễ việc Lọc Máu.

Trong trường hợp khẩn cấp sau khi gắn Fustila mà chưa dùng được, mà bệnh nhân cần Lọc Máu ngay thì bệnh  viện sẽ gắn một ống tạm gọi là Catheter, tức là nối hai ống cao su có khóa đậy và gắn tại cổ để nối liền với động mạch từ tim.. Cách này cũng được dùng một khi không lấy được máu từ các ống Fustila tại cánh tay.

Peritoneal Dialysis?

Ðây là một phương thức Rửa Thận, bệnh nhân phải đục một lỗ ở bụng và gắn vào đó một bộ phận để Rửa Tận.. Mỗi ngày, cứ cách nhau 6 tiếng, phải bơm vào trong bụng một dung dịch để Rửa Thận và lấy chất dơ ra.. Ống này được nối làm hai ống nhỏ, một ống để làm thoát các chất nước dơ, và một ống để bơm dung dịch Rửa Thận, trông giống như bịch nước biển.. Cách này có thể làm bất cứ nơi nào, trong phòng làm việc, trong xe hay ở nhà.. Muốn đi đâu xa, chỉ cần mang theo các bịch dung dịch đủ dùng..

Khi Bác Sĩ Lien hỏi tôi tại sao không chọn phương thức Peritoneal Dialysis này, vừa không phải lệ thuộc với bệnh viện, vừa rẻ tiền, thì tôi trả lời, phương thức này khiến cho tôi cảm tưởng như một người tàn phế, suốt ngày làm việc này.. tôi là Boss của một Công Ty mà lúc nào trong văn phòng cũng đeo bịch nước thì không tốt cho tôi, thà rằng tôi vào bệnh viện 3 lần một tuần, không ai biết… và để trả nợ đời..

Hemo-Dialysis ? 

Ðây là một Thận nhân tạo được chế ra với tác dụng là lọc nước và chất dơ dư trong cơ thể con người bệnh.

Mô hình sự chuyển vận của máy Lọc Máu

Và cuộc đời tôi bắt đầu.. khốn nạn với căn bệnh, mỗi tuần 3 ngày hai, tư, sáu, tay cầm cái giỏ đựng mấy miếng trái cây, vài cái bánh, cuộn truyện.. lẽo đẽo lên xe Bus Handydraf, dành riêng cho người tàn phế, chở đến bệnh viện và đón về.. Ôi những ngày tung hoành ngang dọc, nay Âu mai Á… còn đâu nữa, mang tâm trạng tàn phế của một cánh chim bị gãy cánh, đang cố lết về một nơi để tìm chỗ sống cho hết kiếp người, mà tạo hóa đã an bài..

**

Trước khi vào ghế Lọc Máu, theo thông lệ, bệnh nhân phải cân, vì khi bị Thận hư, việc đi tiểu cũng sẽ bị hạn chế, có người cả tháng không đi tiểu được, chất dơ, sẽ đọng trong máu, nước dơ, sẽ hòa trong máu và làm bệnh nhân sẽ lên cân trông thấy.. sự lên cân này, chính là độ nước dơ không thoát ra ngoài, và nhờ máy lọc, sẽ rút số lượng nước ra tương đương với trọng lượng của nước dư ra.. Thí dụ lúc đó, bình thường tôi cân nặng 75kg, và khi đi lọc máu, thì thành 79kg, nghĩa là có 4kg nước dư, và y tá sẽ Setup máy để rút ra 4kg nước dơ trong vòng 4 tiếng, và sau 4 tiếng lọc, khi cân lại, sẽ chỉ còn khoảng 75kg đúng vời trọng lượng thật của mình.

Những ngày đầu, tôi.. ngoan ngoãn “ thành thật khai báo ”, cho Y tá biết đúng cân lượng của mình.. nhưng chính vì sự thật thà đó đã hại tôi vì vào những phút chót của lần Lọc Máu, đôi khi nước dơ chỉ khoảng 3,9kg mà Y tá Setup là 4kg, nên 100gr nước dơ đó, được rút ra với bao đắng cay.. là vì rút quá độ nước trong máu, khiến cho trong máu có những khoảng trống và hậu quả là những cơn vọp bẻ khủng khiếp kéo đến, tôi quặn mình rên la mà Y tá không giúp được gì.. Với sự hướng dẫn bằng kinh nghiệm đời mà các bệnh nhân khác truyền lại, khuyên tôi nên khai bớt một chút để tránh vọp bẻ, và một khi đã bị vọp bẻ, thì pha ngay một gói bột Chiken Broth với nước nóng, uống một ly nhỏ, thì cơn vọp bẻ sẽ tan đi.. Tôi nhớ đời với những cơn quằn quại này.. và sợ hãi việc Lọc Máu như một cơn ác mộng…

Vì bệnh viện không thể cung cấp đủ chỗ cho việc lọc máu, nên đã có một chương trình Lọc Máu tại nhà, và bệnh nhân phải có một người thân phụ giúp ( và được huấn luyện ). Bệnh nhân Lọc Máu khi họ ngủ, máy sẽ chạy chậm hơn và lâu hơn.. Khi được chấp thuận theo chương trình này, sẽ có chuyên viên đến tận nhà để gắn hệ thống điện riêng, gắn ống thoát nước riêng.. và căn nhà sẽ được thông báo là.. không bao giờ bị cúp điện, cúp nước.

Khi đi Lọc Máu có phải uống Thuốc không ?

Bên cạnh đó vẫn phải dùng thuốc, vì Thận hư, sẽ làm cao máu.. thì một viên thuốc cao máu thêm vào.. và nếu thiếu Calcium, thì trước mỗi bữa ăn, phải nhai 2,3 viên Tumb ( Calcium ) nếu không, cơ thể sẽ hút chất Calcium trong xương và tạo bệnh Mòn Xương.. Chưa hết, khi Thận không hoạt động, chất Hemoglobine ( hồng huyết cầu ) bị giảm, thì phải chỉnh bằng những mũi chích thuốc Aranasep, mà mỗi mũi chích, giá vào khoảng 500$00. Tựu chung, khi đi Lọc Máu sẽ tốn kém rất nhiều, giá trung bình khoảng 600$00 cho mỗi lần Lọc Máu, chưa kể tiền Thuốc.. tính ra khoảng gần 100,000$00 mỗi năm, riêng cho việc Lọc Máu và khoảng 25,000$00 cho tiền Thuốc mà Chính Phủ tài trợ.. trong khi cá nhân tôi chỉ phải trả có 600$00 tiền bảo hiểm sức khỏe cho mỗi năm… Ôi Canada ơi ! nền y tế của bạn thật tuyệt vời, nếu không.. còn gì để sống tiếp nữa..

Trước vấn đề này, Cơ Quan Y Tế Canada đã khuyến cáo là bệnh nhân nên đi Thay Thận.. và đây là giấc mơ của những người đi Lọc Máu.. Nếu Thay Thận, vừa giúp cho bệnh nhân có một cuộc sống bình thường, vừa giúp cho cắt giảm chi phí y tế mỗi năm khoảng 100,000 đô, mà trong khi, chi phí Thay Thận, chỉ tốn kém khoảng 75,000$00 cho một lần Thay Thận.. Nhưng vấn đề chính, lấy thận ở đâu để thay.. ?

Chờ Thận người Chết…

Những người đi Lọc Máu, đều được xếp vào một danh sách chờ đợi, khi có người chết mà họ lúc sinh thời, muốn hiến các bộ phận trong cơ thể như tim, gan, phổi, Thận lá lách.. v.v thì ngay sau khi người đó chết, các bộ phận trên được lấy ra và bỏ vào trong dung dịch cất giữ… một trái Thận cắt ra như vậy, để được 48 giờ.. và trong 48 giờ đó, phải đi tìm coi trái Thận đó Match với ai trong danh sách chờ đợi.. Danh sách được xếp theo các Loại Máu và theo Thứ Tự thời gian, ai vào danh sách trước, người đó ưu tiên.. Và người nào được chọn, phải vào ngay bệnh viện để giải phẫu ghép Thận. Thường thường, bệnh viện giấu kín các chi tiết cá nhân về chủ nhân của trái Thận, không cho biết Thận đó là của nam hay nữ, sắc dân nào.. Riêng tại tỉnh bang BC, danh sách chờ đợi cho việc ghép Thận khoảng 500 người, và trung bình chờ đợi từ 8 năm.. thì may ra được gọi..

Xin Thận của người Sống..

Ðây là hy sinh của một người để cứu mạng một người.. và chương trình này gọi là Living Donor và được Chính Phủ khuyến khích.. Người cho Thận, dù chỉ còn 1 thận, họ vẫn sống một cuộc sống bình thường..

Sau hai năm Lọc Máu, tôi tưởng cuộc đời sẽ tàn theo bóng đêm thì bà Chị thương yêu từ Việt Nam qua thăm, thấy Cậu em tàn tụy đã hy sinh và cho Em một trái Thận, và cuộc ghép thận thành công..

Thủ tục khá chi tiết, từ lúc bảo lãnh từ Việt Nam sang, thử rất nhiều Test để bảo đảm trái Thận thật hạp và tốt thì BácSĩ mới nhận, quan trọng nhất là hạp loại máu và các Cell… và Bác Sĩ phải bảo đảm về mọi mặt y khoa để người cho Thận không bị trở ngại về sau.. Muốn được bảo lãnh từ Việt Nam hay từ bất cứ nước nào sang, việc đầu tiên, người cho phải đi khám tại nơi mình trú ngụ, nhờ Bác Sĩ chuyên khoa về thận và cho biết ý định của mình, sau khi có kết quả khám thận, gửi kết quả cho cơ quan phụ trách việc Ghép Thận, như tại BC Canada là BC Transplant Society, nơi đây họ duyệt xét xem kết quả và coi có hạp với người nhận không ( một cách tổng quát ), nếu hội đủ điều kiện, họ sẽ cấp cho người cho một thư mời qua Canada để khám nghiệm ( họ không tin kết quả khám nghiệm tại VN ), mọi chi phí di chuyển, đều do thân nhân chịu, ngoại trừ chi phí khám nghiệm tại Canada.

Sau khi khám xong về mặt y khoa, người cho Thận phải trải qua hai phần Test, một với Bác Sĩ Tâm Lý, họ muốn chắc rằng, nguyên nhân cho Thận đến từ đâu ? vì tình thương ? bị sự ép buộc ? hay vì mua bán trao đổi.. Nếu lý do không rõ ràng, sẽ bị loại ngay.. Và còn gặp một chuyên viên xã hội nữa ( Social worker ) cũng với những câu hỏi.. vớ vẩn, họ muốn biết tâm trạng của người cho Thận là thế nào, hoàn cảnh xã hội ra sao ? Tất cả buổi phỏng vấn này đều riêng tư và không có một người thân liên quan tới người nhận hiện diện, để bảo đảm người cho không bị một áp lực nào..

Sau khi thủ tục hoàn tất, việc giải phẫu được sắp xếp cho cả hai, cùng ngày, người cho mổ trước, lấy Thận ra khoảng 3 tiếng và mổ người nhận để ghép Thận vào trong cuộc giải phẫu kéo dài khoảng 6 tiếng.

Trước đây, vết mổ người cho rất lớn, vết mổ dài 26 cm, chỗ ba sườn để cắt Thận ra.. và phải đánh thuốc mê bằng cách tiêm vào tủy sống.. nhưng ngày nay, khoa học tiến bộ hơn, chỉ cần đục 3 lỗ nhỏ và rạch một đường nhỏ nơi bụng dưới và cho máy hút trái Thận ra.. và người cho chỉ nằm bệnh viện 2 ngày, so với 5 ngày như các trước đây, trong khi người nhận phải nằm trong bệnh viện khoảng 7 ngày.. ngày đầu tiên, theo dõi rất kỹ, cứ mỗi tiếng lại lấy máu một lần để theo dõi độ Creatinine lên xuống như thế nào…

Thận người cho được lấy ra

Ghép Thận

Trái Thận mới ghép vào, nằm ở vị trí nào trong cơ thể ?

Xin thưa, vết mổ rất nhẹ, ở cạnh háng và quả thận mới ghép sẽ nằm giữa Thận cũ và Bọng Đái ( Bladder ), hai trái Thận cũ vẫn để nguyên, không lấy ra..

Việc ghép Thận xong, không phải là hết.. Và cả cuộc đời còn lại, vẫn phải uống Thuốc để chống lại sự thải ra của cơ thể. Vì trong cơ thể con người, chất bạch huyết cầu hay chất kháng tố luôn luôn chống lại các vật lạ xâm nhập để bảo vệ cơ thể.. Và cơ thể sẽ tìm cách thải trái Thận mới ra, vì nghĩ đây là vật lạ.. (sao nó ngu thế. Do đó, người được ghép Thận mới suốt đời phải uống các loại Anti-reject, mục đích của loại thuốc này, là làm Yếu bạch huyết cầu, để bạch huyết cầu không thể đánh phá trái Thận mới ghép.. Ðôi khi, cơ thể yếu, trái Thận ghép vào có thể bị thải ra.. Ngày nay, khoa học đã tiến bộ, có thể dùng thuốc để giữ Thận lại.. Có thể nói, việc ghép Thận khó 1 thì việc giữ Thận khó 10 và tốn kém thuốc rất nhiều..

Vị trí trái Thận mới trong cơ thể người nhận 

– hình 1, cuống Thận chưa được nối 

– hình 2, Thận mới được nối với các mạch máu và Bladder

Sau khi ghép Thận, hàng tháng người ghép Thận phải đi thử máu và đến trung tâm Y khoa dành riêng cho người ghép Thận để được Bác Sĩ theo dõi.. và uống Thuốc rất nhiều, đặc biệt là các loại Thuốc để chống lại sự đào thải của cơ thể.

Thận Ghép sẽ giữ được bao nhiêu lâu ?

Tùy theo từng người, có thể bị Reject sau 1 năm, có thể giữ được 20 năm.. trung bình 7,8 năm tùy theo người đó bị hư thận vì lý do gì ? Một trong những lý do làm hư Thận là chất kháng tố IGA, tự tiêu hủy Thận mà đến nay khoa học chưa tìm ra thuốc trị..

Bệnh hư Thận sẽ đưa ra một phản ứng và sinh ra bệnh Tiểu Đường thì bệnh Thận này không đến nỗi nguy, Chứ còn vì bệnh Tiểu Đường mà làm hư Thận, sẽ đưa đết hậu quả nặng hơn là Mù Mắt..

Trái Thận mà tôi Ghép cách đây 8 năm lại hư.., chất Creatinie lại cao rồi… bây giờ lại quay lại con đường cũ, và bắt đầu lại từ đầu.. Ôi ! cái hạn của tôi sao cứ kéo dài.. có lẽ sao bệnh tật năm nay chiếu cung Mệnh chăng ???

Để kết:

Tôi viết bài này trong những ngày chuẩn bị thay Thận lần thứ hai trong đời…, có người bảo là số tôi hên, tìm được Thận để thay… nhưng tại sao hên mà lại bị… hư thận. Tôi hên ?? Xin thưa là không ! Nhưng đây chỉ là tình thương mà giữa loài người thương loài người. Nhiều khi người Việt chúng ta không hiểu được là cơ thể chỉ cần 1 trái Thận cũng sống còn. Bà Chị tôi cho tôi trái Thận khi 60 tuổi, 15 năm trôi qua, dù ở Việt Nam, nhưng cơ quan Y Tế Canada vẫn gửi giấy đi khám thận hàng năm để theo dõi và bảo đảm người cho Thận không bị ảnh hưởng…

Viết bài này, trong cái nhìn của một bệnh nhân, tôi mong mỏi đem lại cho quý độc giả của một cái nhìn rõ hơn về những việc Lọc Máu, Ghép Thận và cho thận để Quý Vị hiểu và thông cảm cho những bệnh nhân về Thận, để hiều rằng  việc cho một trái Thận của mình cho một người thân, hay một người chưa quen để cứu giúp họ thoát qua một căn bệnh hiểm nghèo là điều Y Khoa bảo đảm không ảnh hưởng đến sức khỏe của Quý Vị.

Thận hư, phải đi Lọc Máu.. bệnh nhân vẫn sống còn.. nhưng với thời gian sẽ không thoát khỏi số mạng. Xin hãy mở rộng tình thương nhân loại để cho người thân, bạn bè hay cả người chưa quen… món quà cho sự sống.

Vũ Minh Ngọc

From: Helen Huong Nguyen

Người Nhật nổi tiếng thế giới với tuổi thọ trung bình cao.

Người Nhật nổi tiếng thế giới với tuổi thọ trung bình cao.

Người Nhật nổi tiếng thế giới với tuổi thọ trung bình cao. Số người sống trên một trăm tuổi ở Nhật Bản là hơn 60.000 người vào năm 2015.

Gần đây, qua nghiên cứu đúc kết của Tiến sĩ Takuji Shirasawa mang tên “101 cách sống đến 100 tuổi không bị mất trí nhớ” chỉ ra rằng chế độ ăn uống và thói quen tốt trong cuộc sống góp phần đáng kể vào việc giữ bộ não minh mẫn và nhanh nhạy. Dưới đây là 12 điều được cho là có thể giúp con người sống trên 100 tuổi mà không mất trí nhớ.

1/. Uống một cốc nước ấm ngay sau khi thức dậy.

Chúng ta mất khoảng 500cc (½ lít) nước trong khi ngủ, vậy nên cần phải bổ sung nước cho cơ thể sau khi thức dậy. Nước ấm có thể làm tăng 10% nhiệt độ và sự trao đổi chất của cơ thể.

2/. Uống nước ép rau hoặc trái cây ít nhất 3 lần một tuần.

Uống nước ép rau hoặc trái cây ít nhất 3 lần một tuần có thể giảm 76% nguy cơ mất trí nhớ.

3/. Tắm nắng trong vòng 15 phút mỗi ngày.

Ánh sáng mặt trời giúp cơ thể bổ sung vitamin D vốn được chứng minh có tác dụng hiệu quả trong việc phòng chống ung thư.

4/. Ăn sô-cô-la đen (dark chocolate).

Sô-cô-la đen rất giàu polyphenol, vốn là chất làm chậm quá trình lão hóa và giúp kiểm soát lượng đường trong máu.

5/. Nấu ăn ở nhà.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người thích nấu ăn là không dễ mắc chứng mất trí, vì nấu ăn có thể kích thích tới hoạt động của não bộ.

6/. Tránh xa các đồ uống có ga và thực phẩm chế biến sẵn.

Đồ uống có ga và thực phẩm chế biến sẵn, chẳng hạn như thức ăn nhanh, rất giàu phốt pho, vốn là chất cản trở sự hấp thụ canxi và có hại đến xương.

7/. Đổ mồ hôi.

Tập thể thao có thể mang đến lợi ích khi nó khiến bạn đổ mồ hôi, điều này giúp loại bỏ các độc tố ở bên trong cơ thể.

8/. Giảm 5% trọng lượng cơ thể.

Những người sống đến 100 tuổi mà không mắc bệnh có một điểm chung – họ không có chất béo dư thừa của cơ thể. Những rủi ro về bệnh tiểu đường và cao huyết áp được giảm thiểu nếu trọng lượng cơ thể của bạn giảm 5%.

9/. Đi bộ 30 phút mỗi ngày.

Những người hầu như không tập thể dục, hoặc không vận động có tỷ lệ tử vong cao nhất. Đi bộ trong vòng 30 phút mỗi ngày có thể làm tăng lưu thông tuần hoàn máu và cải thiện sức khỏe tổng thể.

10/. Thực hành thiền định.

Thiền định có thể chữa lành và ngăn ngừa nhiều bệnh tật. Chỉ cần ngồi thiền trong vòng 10 phút vào buổi sáng có thể bắt đầu mot ngày mới tốt đẹp, tuy nhiên nếu dành thêm thời gian thì tốt hơn.

11/. Ăn hành tây.

Hành tây rất tốt cho việc hạ huyết áp một cách tự nhiên nhờ có chứa Prostaglandin A có thể làm giãn mạch máu và làm giảm độ nhớt của máu do đó cũng góp phần làm giảm huyết áp, tăng lưu lượng máu động mạch vành và ngăn ngừa huyết khối. Ngoài ra, vỏ hành tây còn chứa nhiều rutin, rất có lợi cho việc làm vững bền thành mạch.

Khi ăn sống, hành tây sẽ mang đến lợi tác dụng lớn nhất. Gợi ý cho bạn là món salad rau với hành tây thái lát.

12/. Không ăn sau 9 giờ tối.

Chất béo được tích lũy dễ dàng nhất vào lúc 2 giờ sáng. Nếu chúng ta không ăn thứ gì sau 9 giờ tối, có nghĩa là không có chất béo nào sẽ được tích lũy.

(S.T)

From: Phi Phuong Nguyen

Việt Nam/COVID: Số ca nhiễm và tử vong đi xuống trong 8 ngày

VOA Tiếng Việt

Bản tin về đại dịch COVID-19 của Bộ Y tế Việt Nam cho biết đất nước có thêm hơn 10.500 ca nhiễm và 276 ca tử vong trong thời gian từ 17h ngày 13/9 đến 17h ngày 14/9.

Đến nay, Việt Nam có tổng cộng hơn 635.000 người nhiễm virus và 15.936 người thiệt mạng vì dịch. Hầu hết các ca này xảy ra trong vòng 4 tháng rưỡi trở lại đây. Chiếm khoảng một nửa các con số vừa kể là ở thành phố Hồ Chí Minh, tâm dịch của đất nước.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy số ca dương tính được ghi nhận qua các cuộc xét nghiệm chính thức đang có xu hướng đi xuống trong 8 ngày gần đây, từ gần 14.200 ca hôm 7/9 xuống gần 10.500 hôm 14/9.

Trong cùng thời gian, đường đồ thị về số người tử vong trên toàn quốc đi từ con số 316 của ngày 7/9 và 335 của ngày 8/9 xuống 217 vào ngày 11/9, sau đó đi ngang trong 3 ngày từ 12 đến 14/9 với khoảng trên dưới 270 người thiệt mạng vì dịch mỗi ngày.

Xu thế giảm cũng khá rõ ở tâm dịch Tp.HCM, với số ca nhiễm trung bình là trên dưới 7.300 trong các ngày 7-10/9 xuống mức 5.500-6.500 trong những ngày gần đây, tương tự là con số tử vong từ trên 250 ca trong các ngày 7 và 8/9 xuống khoảng 200 trong vài ngày qua.

Mặc dù vậy, tình hình dịch vẫn bị xem là còn nghiêm trọng và chính quyền Tp.HCM tiếp tục áp dụng lệnh giãn cách ở mức độ cao trong ít nhất 2 tuần nữa kể từ ngày 15/9.

Thành phố có vai trò là đầu máy kinh tế của Việt Nam đã áp dụng các biện pháp giãn cách, phong tỏa nghiêm ngặt trong hơn 3 tháng, dẫn đến nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp và người dân.

Trong khi đó, chính quyền của thủ đô Hà Nội mới đây cho biết họ đang cân nhắc lộ trình nới lỏng giãn cách theo từng bước sau các thời điểm 15 và 21/9, nhưng chưa đưa ra kế hoạch nào cụ thể. Một quan chức kiểm soát bệnh dịch của Hà Nội nói với báo chí rằng thành phố này vẫn “chưa hết nguy cơ lây nhiễm”. Thủ đô của Việt Nam áp dụng lệnh giãn cách từ 24/7.

Cách Hà Nội không xa, chính quyền thành phố cảng Hải Phòng thông báo hôm 14/9 rằng họ cho phép một loạt dịch vụ công ích hoặc kinh doanh sinh lợi được hoạt động trở lại từ 0h ngày 15/9.

Đó là các vườn hoa, công viên, nhà hàng, các quán vỉa hè, các cơ sở kinh doanh dịch vụ thể dục, thể thao trong nhà, spa, chăm sóc sắc đẹp, các phòng khám chữa răng, tai mũi họng, v.v…

Nhà chức trách Hải Phòng nói cơ sở để nới lỏng lệnh giãn cách là thành phố đã đẩy mạnh tiêm vắc-xin, đến nay đã tiêm được gần 500.000 liều, và qua 21 ngày thực hiện nhiều xét nghiệm song không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng.

Trên cả nước, Việt Nam đã tăng đáng kể số người được chủng ngừa COVID-19, với tổng số liều vắc xin được tiêm là hơn 30,3 triệu, trong đó hơn 24,7 triệu người tiêm được tiêm 1 mũi và hơn 5,6 triệu người đã tiêm 2 mũi. Với dân số hơn 98 triệu người, việc tiêm vắc-xin của Việt Nam còn tiếp tục diễn ra trong những ngày tháng tới.

https://www.voatiengviet.com/…/viet-nam…/6226001.html

Việt Nam/COVID: Số ca nhiễm và tử vong đi xuống trong 8 ngày

VOATIENGVIET.COM

Việt Nam/COVID: Số ca nhiễm và tử vong đi xuống trong 8 ngày

Theo Bộ Y tế VN, số ca dương tính đang có xu hướng đi xuống trong 8 ngày gần đây, từ gần 14.200 ca hôm 7/9 xuống gần 10.500 hôm 14/9. Đường đồ thị về số người tử vong trên toàn quốc cũng đi xuống.

MÔI TRƯỜNG VÀ SỨC KHỎE NGƯỜI LỚN TUỔI

MÔI TRƯỜNG VÀ SỨC KHỎE NGƯỜI LỚN TUỔI

(Bài viết vô cùng giá trị của TS Thái Công Tụng)

            Thưa các anh chị,   

            Xin chuyển lại các anh chị bài viết vô cùng giá trị của 1 người bạn mà tôi hết sức quý mến và kính trọng, anh Tiến sĩ giáo sư Thái Công Tụng.

            Anh TS Tụng lâu nay vẫn gửi tới chúng ta những bài giá trị về Sinh Thái (Ecology) về Thảo mộc, về sông ngòi, về phong tục, về những bông hoa, về những cây ăn quả etc…

            Chúng ta cũng có 1 người bạn khác, anh TS Mai Thanh Truyết, cũng hay viết về Sinh Thái và về Chính Trị.

Tôi có may mắn gặp TS Mai Thanh Truyết gần đây tại Houston, nơi mà anh Truyết chọn làm nơi sống khi về hưu.

Anh TS Truyết tới thăm tôi và tặng tôi tác phấm mới nhất, gần 600 trang, viết về những khắc khoản của anh khi tìm một “Lối Thoát Cho Việt Nam”.

Những ai yêu Vietnam cần phải có tác phẩm giá trị này.

            Bài viết “Môi Trường Và Sức Khỏe Người Già” như tựa đề của nó, chú trọng nhiều về sức khỏe của những người lớn tuổi , sống tại vùng Quebec, Montreal,  Canada.

            Tôi nghĩ hơn 90% những lời bàn soạn của anh TS Thái Công Tụng có thể áp dụng cho tất cả các người lớn tuổi bên Mỹ và tại Âu Châu.

            Tôi không dám bàn về Việt Nam vì đã lâu lắm, tôi không về Việt Nam.

            Tôi thấy bài viết này là bài viết giá trị nhất xưa nay của anh TS Tụng.

            Bài viết gói ghém trong mấy trang tất cả cái khôn ngoan, cái tinh hoa, cái kiến thức uyên thâm của cuộc đời tác giả.

    This article epitomizes all the wisdom of its author.

            It will be a reference document for many people (myself included) for many years to come.

            TS Thái Công Tụng cho chúng ta 1 cái nhìn ít quen biết, ít phổ thông về người già.

            Xã hội Canada, cũng như xã hội Hoa Kỳ và Pháp, tỷ lệ các người già càng ngày càng tăng.

            Tại Canada, năm nay có 6,840,000 người trên 65 tuổi.

Tộng cộng dân chúng Canada: 38 triệu

Tỷ lệ người lớn tuổi trên 65 tại Canada: 17%. 

Tại Hoa Kỳ năm 2021, các người trên 65 tuổi – tuổi về hưu , không làm việc, không sản xuất –  là 18% dân chúng,

Tại Pháp, tỷ lệ này là 16%

Tại Hoa Kỳ, năm 1950 thì tỷ lệ này chỉ  là 8%. mà thôi

Nói 1 cách khác, tại Hoa Kỳ 4.55 người đi làm để nuôi họ và gia đình họ, cộng thêm nuôi 1 người già trên 65 tuổi.

Bên Canada thì 4.90 người đi làm để nuôi gia đình, và nuôi thêm 1 người già trên 65 tuổi nữa.

Càng đẻ ít con, thì tỷ lệ người già càng tăng và tỷ lệ người trẻ càng giảm.

Bên Canada cũng như Mỹ và Pháp, các bà đông gấp đôi các ông khi tới 85 tuổi. 

TS Thái Công Tụng nhấn mạnh với chúng ta quan hệ giữa tuổi già và Xã hội rất quan trọng.

Người già mà cứ sống lẻ loi 1 mình thì dễ chết,

Người già mà chịu khó ra các nơi đông người để chuyện trò, trao đổi những mẩu chuyện về gia đình, con cái, không những sống lâu hơn, mà còn sống khỏe hơn, ít bị Tiểu Đường, Cao Máu, Yếu Thận, Yếu tim, Gan và nhất là bệnh lãng trí Alzheimer Disease. 

Vấn đề này hết sức quan trọng, các người lớn tuổi càng nhiều bạn thì càng sống lâu.

Nhạc phụ tôi sống thọ 104 tuổi.

Khi cụ sắp sinh nhật 100 tuổi, cụ điện thoại cho chúng tôi cho biết là cụ muốn có 1 bữa tiệc Sinh Nhật sang trọng, tại một nhà hàng lớn tại Hanoi, và mời bạn hữu lại tham dự. 

Tôi hỏi cụ tai sao không làm Sinh Nhật tại Saigon, nơi cụ đang sống hồi đó, thì cụ trả lời tại Hanoi có nhiều họ hàng, có các cháu của thân phụ cụ là cụ Cử Dương Bá Trạc mà lâu nay nhạc phụ tôi không gặp.

            Chúng tôi và các em vô cùng ủng hộ ý kiến Sinh Nhật này.

             Vợ chồng tôi và các em tới Hanoi 1 ngày trước Sinh Nhật,

Các người khách tham dư đi theo cụ từ Saigon ra Hanoi vào khoảng 20 người đi cùng máy bay với cụ,

Phần lớn là các nhà văn, các họa sĩ, các nghệ sĩ nhiều ngành khác nhau, có nhiều người kém tôi cả chục tuổi, có người là bệnh nhân của tôi thời xa xưa.

             Trong bữa tiệc Sinh Nhật, Nhạc Phụ tôi cầm Microphone nói cám ơn 160 vị khách tham dư, cụ nói lưu loát không cần giấy tờ trong 30 phút, rất có duyên làm tất cả khách thích thú.

Sau đó tôi đi theo cụ lại từng bàn để cám ơn từng người.

Nhìn cụ vui vẻ bắt tay nói chuyện với từng người làm cho vợ chồng tôi hết sức sung sướng, đã toại nguyện niềm vui cho Nhạc Phụ.

 Bốn năm sau, cụ qua đời, thọ 104 tuổi,

Chúng tôi di chuyển cụ ra Nghĩa Địa giòng họ Dương tại Hưng Yên, để cụ nằm yên nghỉ bên cạnh ngồi mộ thân phụ là cụ Dương Bá Trạc và người chú ruột là học giả giáo sư Dương Quảng Hàm. 

Nhìn lại cuộc đời cụ, tôi thấy cụ đã làm tất cả những gì mà anh TS Thái Công Tụng khuyên mỗi người chúng ta làm để có 1 tuổi già khỏe mạnh, yên vui, sung sướng.

Một điểm anh TS Tụng có nhắc tới là không oán hận, thù ghét ai trong tuổi già cả,

Vì oán hận, thù nghét chỉ làm khổ chính mình trước tiên.

 Muốn sống sung sướng, theo TS Tụng, phải “xả” tất cả nhửng ý niệm tiêu cực đi, xí xóa hết.

Người nào xử thế xấu với mình thì mình lánh xa, nhưng không thù hận vì chỉ làm khổ mình mà thôi

 Cher anh Tụng. Merci.

Tu as beaucoup de Sagesse, de Générosité et de Dignité,

Je t’embrasse bien fort

Nguyen Thuong Vu     

MÔI TRƯỜNG VÀ SỨC KHỎE NGƯỜI LỚN TUỔI

  Thái Công Tụng  

Thời tuổi trẻ thì giáo dục là trung tâm còn đến tuổi già thì trung tâm phải là sức khỏe. Hai vấn đề giáo dục và sức khỏe chính là bận tâm nhất của chính phủ Quebec hiện nay nên trong ngân sách hàng năm của Quebec, hai Bộ chiếm ngân sách nhà nước nhiều nhất chính là Bộ Giáo Dục và Bộ Y tế.

Xã hội Tây phương càng ngày càng lão hoá vì tuổi thọ càng ngày càng tăng do nhiều yếu tố như tiến bộ khoa học kỹ thuật nhưng người càng già thì chi phí y tế càng nhiều hơn vì người già thì dĩ nhiên hay đau ốm hơn. Đau ốm này không những thể chất mà còn tinh thần. Thế giới thay đổi quá nhanh, cấu trúc gia đình truyền thống cũng đổi thay song song với các biến chuyển về kinh tế xã hội. Gia đình xưa kia là ba bốn thế hệ ở chung một mái nhà, ngày nay tháp dân số đảo ngược với gia đình hạt nhân, ở riêng hết nên người già lại thêm nhiều vấn nạn: vấn nạn sức khỏe, vấn nạn tinh thần như lo âu, buồn rầu, rồi từ đó là trầm cảm. Do đó, trước đây người ta nói không bệnh tật là sức khỏe. Ngày nay, quan điểm về sức khỏe đã mở rộng hơn vì sức khỏe phải gồm 3 phần: sức khỏe cơ thể: khỏe mạnh; sức khỏe tâm thần: vui đời, lạc quan; sức khỏe xã hội: hòa hợp với xã hội, cộng đồng. Nói khác đi, sức khỏe phụ thuộc nhiều vào môi trường. Môi trường không chỉ là môi trường thiên nhiên mà còn bao gồm cả môi trường nhân văn

Môi trường thiên nhiên:Nó bao gồm những yếu tố thiên nhiên như trái đất, khí hậu, mưa, gió, mặt trời, cây cỏ, chim muông v.v..

-Khí hậu tác động lên trồng trọt hoa màu đã đành mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vài ví dụ: xứ Canada mỗi năm có bao nhiêu tháng nắng. Mùa lạnh kéo dài với băng tuyết ngoài đường khiến người già không những dễ đau nhức khớp xương, dễ té, dễ bổ mà người già càng dễ bị buồn rầu. Tại Pháp, cách đây 2 năm, có trên 25 000 cụ ông, cụ bà chết vào mùa hè vì nóng… Đầu mùa đông, người lớn tuổi đều đi chích ngừa trị cảm cúm. Các danh từ thông dụng như cảm lạnh, cảm nóng vô hình chung cũng nói lên ảnh hưởng khí hậu đến sức khỏe con ngưòi. Các sự thay đổi khí hậu toàn cầu chỗ này gây lụt lội nhiều hơn, bão gió mạnh hơn, chỗ kia hạn hán gắt hơn, mùa màng bị thất bát, khiến nhiều nơi dân phải chọn di cư đi nơi khác tạo ra một thứ di dân mới được mệnh danh là di dân môi trường

-Không khí ô nhiễm với khói xe, khói nhà máy làm các bụi lơ lửng trên không cũng nhiều, gây dị ứng và khó thở. Mỗi năm, vào đầu xuân, chúng ta dễ bị dị ứng với các phấn hoa với sổ mũi, chảy nước mắt. Đọc báo gần đây hơn, có nhiều cuộc tụ họp dân Quebec phản đối sự thiết lập các trại nuôi heo vì sợ không khí các vùng xung quanh bị hôi hám ô nhiễm, sợ dòng nước cuối nguồn bị ô nhiễm. Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Âu châu cho thấy các người dân sống trong các khu vực ô nhiễm thường bị mắc bệnh về đường hô hấp, phổi và ngoài ra, còn bị mắc bệnh tim mạch cao hơn 40% so với nhóm dân  sống ở nơi có không khí trong lành.

-Mặt trời cũng ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Chẳng thế mà dân Canada hàng năm nhất là người già phải di chuyển xuống Florida ở 5-6 tháng để có bầu trời nắng ấm, tiêu pha hàng tỷ Mỹ kim, giúp cho nền kinh tế tiểu bang Florida. Nhiều người đi Cuba, Dominican Republic, Mexico như Cancun cũng chính là đi tìm nắng ấm mặt trời.

-Nước cũng tác động lên sức khỏe con người. Trong thành ngữ dân gian Việt Nam có những danh từ như vùng nước độc, lam sơn chướng khí, vô hình chung cũng cho thấy nhận định người dân với tác động của môi trường. Đọc báo ta thấy gần đây, chính phủ Canada đã phải di chuyển nhiều làng thổ dân trên miền Bắc Ontario vì dòng nước uống bị ô nhiễm. Người da đỏ ở Canada hàng ngàn năm nay thường nói ‘nước là dòng máu của Trái Đất’, đủ thấy tầm quan trọng của nước.

-Rừng cây cũng ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Như vậy là vì rừng toả ra oxy trong lành và cũng hút bớt khí cacbonic độc hại, giúp cho hô hấp. Rừng là buồng phổi thứ hai con người. Rừng giúp bảo vệ đất mà nếu đất mất phì nhiêu do xói mòn thì không có thực phẩm, gây ra nạn đói kém.

Rừng không phải chỉ là tài nguyên hay môi trường vật lý mà rừng là tâm linh, là cõi vĩnh hằng, là cõi sâu thẳm của nội tâm, là ‘một cõi đi về’.

-Đất là một yếu tố quan trọng trong môi trường thiên nhiên vì đất là nơi nuôi dưỡng loài người, cây cỏ, muông thú. Nếu ta bảo vệ đất, chăm sóc thì đất sẽ giúp nhân loại khỏi đói, khỏi khát. Nếu ta làm hư đất như phá rừng thì đồi núi sẽ trọc, hoa màu sẽ thiệt hại, gây ra đói kém. Động đất, núi lửa cũng làm chết hàng chục, hàng trăm ngàn người. 

 Trên kia là những yếu tố quan trọng của môi trường thiên nhiên. Với cảnh phố phường chật hẹp, người đông đúc, với sự đô thị hoá, con người hầu như đã sống trong một môi trường giả tạo, với các nhà ximăng, với các toà cao ốc mênh mông nên không có cơ hội tiếp xúc với mặt đất. Thành phố thiếu không gian xanh, không khí ngột ngạt sau một ngày làm việc, về nhà lại ở trong 4 bức tường, với ánh sáng đèn điện, với máy điều hoà không khí, quạt điện … tạo ra con người mệt mỏi, mất năng lượng, chán nản …Trong các đô thị lớn thì đâu đâu cũng có hiện tượng BMW (Bus, Metro, Work) nên lại càng ít vận động.  Con người miệt mài phố thị với cát bụi đô thành chẳng bao giờ nghe được tiếng ve, cảnh mặt trời lặn, những con đường lẫn vào mây, quờ tay là hái được sương mù, ‘người ngồi xuống mây ngang đầu’, không còn được nghe tiếng  sáo diều trong đồng vắng, không còn thấy trăng lên với cảnh ‘đêm qua ra đứng bờ ao, trông cá cá lặn, trông sao sao mờ’, không còn cảm nhận các cảnh ‘sông dài trời rộng bến cô liêu ‘ và cuộc sống đô thị, thì nhà nào biết nhà đó, chỉ lo bon chen, tiêu thụ quá sá, mà không nhận ra cái kiếp mong manh của kiếp người, cái mong manh của hạnh phúc thoáng qua ‘đời sao im vắng, như đồng lúa gặt xong, người về soi bóng mình, giữa tường vắng lặng câm ‘ .

 Do đó, muốn lấy lại thăng bằng, con người ngày nay lại càng cần đi tìm những khu rừng, những ngọn núi cao vì chỉ ở đó, họ mới cảm thấy mình tan biến trong cái tĩnh lặng uyên nguyên:

Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn, người đến chốn lao xao

Chính vì sống xa rời thiên nhiên là nơi cưu mang của con người nên thân tâm biến loạn do đó, ta cần tìm lại mối liên hệ chân chính với thiên nhiên, tìm lại niềm yêu thương lặng lẽ của đất, những khoảnh khắc đầy phù sa của dòng sông đang trôi khuất, những giọt sương mai lấp lánh, những dòng sông hiền hoà, những cánh đồng ngào ngạt đơm bông,  để tinh thần được thảnh thơi như Nguyễn Công Trứ đã viết:

Người ta ở trong phù thế

Chũ vô cầu là chữ thiên nhiên

do đó chúng ta nên tiếp xúc với thiên nhiên như rừng cây, suối nước, màu xanh của bầu trời vì thiên nhiên là bà mẹ của ta.

Đi bộ trong các công viên, thiền hành tìm được sự yên tĩnh, thanh thản nội tâm, giữ được trạng thái tâm lý cân bằng trong nhịp sống xô bồ căng thẳng, mệt mỏi nhờ vậy an định nội tâm, an lạc. Nó giúp đẩy lùi và làm chậm lại tiến trình suy thoái cơ thể: bớt bệnh vì có không khí thở, bớt đau nhức, bớt phì nộn là điều kiện dẫn đến các bệnh khác như tiểu đường, cao huyết áp…

 Đi bộ ra đi khi trời vừa sáng, đi bộ dưới vòm cây, trong công viên giúp điều hoà hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, hệ tiêu hoá, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm hồn, cả Thân lẫn Tâm… Ngoài đi bộ, người lớn tuổi phải vận động cơ thể như tập thể dục, tập Tai Chi, tập khí công v.v.

Chính vì con người càng xa rời Thiên Nhiên nên hiện nay trào lưu trở về với Thiên Nhiên càng mạnh:

Các tu viện Thiền, các làng Thiền, các môn phái sử dụng Thiền như là trọng tâm sinh hoạt nẩy nở càng ngày càng nhiều, chính là để phản ứng lại với nếp sống xa rời các chuẩn mực của thiên nhiên. Các môn yoga, tập thở, y khoa mềm (médecine douce), các sách về tâm linh, nói về sự tu dưỡng tinh thần cho vững chãi trước những vòng xoáy của cuộc đời đầy cung bậc ngọt bùi cay đắng, đầy chuỗi vui, buồn, yêu thương, giận hờn …  bán rất chạy. Thiền hành trong những chốn âm u tĩnh mịch, du lịch sinh thái giúp con người tìm lại mối liên hệ với thiên nhiên.

Nếu ‘người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” thì ngược lại ngoại cảnh nghĩa là môi trường sống xung quanh ta cũng ảnh hưởng đến con người, không những về tinh thần mà còn thể chất.

Ngoại cảnh không bị ô nhiễm, với không khí trong lành, nước chảy, thông reo giúp cho tâm an bình, tạo điều kiện giúp con người thoát tục dễ dàng hơn, tâm hồn không khuấy động, không tà kiến, buông xả được các bụi bặm phù du phiền muộn của cái tôi để hoà mình vào nhịp sống bao la của vũ trụ, giúp ta dễ đồng nhất với vũ trụ, cảm nghiệm lẽ trời trong tĩnh lặng để buông xả, để phá chấp và giúp con người tìm về bản tâm thanh tịnh của mình, tìm lại được thăng bằng thảnh thơi và nhờ vậy,  giúp con người bớt ưu phiền, bớt căng thẳng. Thế nhưng, với sự gia tăng dân số, với kỹ nghệ hoá, thăng bằng thiên nhiên mà Tạo hóa đã phú cho Trời Đất càng ngày càng bị thương tổn nên tạo ra các biến đổi khí hậu toàn cầu, gây các hậu quả như ngày nay với các trận bão nối tiếp nhau không dứt, rồi hạn hán, sa mạc hoá v.v tạo ra một ‘en-trô-pi sinh thái ‘.(ecological entropy)

Môi trường nhân văn

Vẽ những vòng tròn đồng tâm, môi trường nhân văn từ trong ra ngoài có thể kể con cháu, bạn bè, người đồng hương, láng giềng, hội đoàn v.v.

  Người lớn tuổi thường cô đơn thể chất (vợ chết/chồng chết) và cô đơn tinh thần (buồn phiền, bi quan), chưa kể đến bệnh già, nên càng dễ bị tổn thương. Các nỗi cô đơn này vừa là cái nhân, vừa là cái quả của nhiều đau khổ. Con cái hoặc ở xa hoặc không có thì giờ chăm sóc cha mẹ. Người già mà ở nhà già, gặp toàn người bản xứ không cùng cảm thông vì văn hoá khác, ngôn ngữ khác thì tinh thần lại càng xuống mà tinh thần xuống thì cơ thể cùng xuống theo.

Ngày nay, đô thị hoá, kỷ nghệ hoá giúp con người thoát khỏi cảnh lam lũ đồng áng, đầu tắt mặt tối ở chốn bùn lầy nước đọng, đem đến cho ta nhiều tiện nghi văn minh: liên lạc nhanh hơn, thông tin nhanh hơn. Con người ở thời đại công nghiệp này có tâm trí luôn luôn bị động như robot suốt ngày, làm việc lắp ráp các bộ phận trong dây chuyền sản xuất từ máy điện toán đến ráp xe hơi, máy bay, mọi công đoạn đều lớp lang, có thời lượng quy định. Sự tiến bộ kỹ thuật từ nhiều thập niên gần đây với sự tăng tốc, cái gì cũng Express, nào là ExpressPost, Fast food, Café Express… làm phá vỡ cấu trúc các xã hội cổ truyền làm con người không có thì giờ rãnh rổi tìm lại mình, tra vấn về cuộc đời mình.

Và chính sự phát triển này lại cũng manh mún hoá những cá nhân.

 Cuộc sống xô bồ ngày nay làm con người cứ chạy đua theo vật chất, theo tiêu thụ, y như người cứ uống nước mặn ngoài biển khơí, mà càng uống thì càng khát:

Chúng ta ngày nay sống thọ hơn nhưng sống ít ý nghĩa hơn

Chúng ta chinh phục được vũ trụ nhưng không thắng được cõi lòng

Giải  trí thì nhiều mà niềm vui thì ít

Đây là thời đại của thu nhập gấp đôi nhưng chia ly thì lại nhiều

Cuộc sống tiện nghi hơn nhưng ít thời gian nhàn rỗi hơn

Và đó chính là nghịch lý của thời đại ta đang sống, hôm nay và bây giờ. Phát triển kỷ thuật cũng có nghĩa là thời gian bị đo lường, chắt bóp làm biến đi nhịp sống an nhiên tự tại. Sự gia tăng các phuơng tiện truyền thông đi cùng với sự nghèo nàn về truyền thông giữa các cá nhân: con người sống bên cạnh nhau nhưng không sống với nhau. Hai giới từ ‘bên cạnh’ và ‘với’ nghe tuy đơn giản biết bao nhưng lại có tầm quan trọng biết bao!  

Bữa cơm sum họp trong gia đình vắng dần, vì người về trước, kẻ về sau, các người cùng gia đình không có dịp trò chuyện để chia sẻ. Người già ít được trò chuyện với con cái, ở trong không gian nhỏ hẹp không mấy khoáng đảng, làm xuất hiện bệnh mất trí, lú lẩn sớm.

 Trong các làng mạc xưa kia, do điều kiện sống cần tương trợ lẫn nhau nên tối lửa tắt đèn có nhau, họ xem nhau như người trong một gia đình. Họ cùng nhau thực hiện trồng trọt, cấy cày. Ngày nay, đô thị hoá, hàng triệu người chen chúc trong các thành phố lớn, họ sống để làm việc cho có tiền; gặp gỡ, thảo luận, chuyện trò cũng xem như mất thời gian. Với các phương tiện hiện đại với điện thoại, truyền hình, xe hơi riêng, con người càng cá nhân hơn, phát triển tính nghi ngờ ngay cả với người ở ‘ấp’ bên cạnh rồi từ đó tăng thêm nỗi cô đơn.

Do đó xã hội ngày nay ngày càng đánh mất tình người và cuộc sống hoạt động như một cỗ máy vô tri

Tiếp xúc với môi trường nhân văn: chuyện trò, giải khuây, cười vui có thể hoá giải buồn và cô đơn, tìm an lạc tâm hồn. Đó là sức khoẻ tinh thần. Người lớn tuổi cảm thấy hạnh phúc khi còn có thể giúp đỡ cho con cháu: giữ cháu, đưa cháu đi học về, dạy dỗ cho cháu học thêm Việt ngữ giúp người già giảm bớt căng thẳng vì thấy nụ cười của đứa bé, trao tình thương. Đến đây, người viết nhớ lại chuyện có thực 100% ở Phi Châu. Năm 1987, tôi có dịp đi làm ghé qua thủ đô Dakar xứ Senegal. Đang lướt qua tờ báo địa phương ngày đó (hình như báo đó tên là Le Soleil), tự nhiên tôi thấy các dòng chữ Saigon, Gia Định, Lăng Ông, Dalat v.v. Bèn hỏi lân la thêm thì biết tác giả truyện ngắn đó là một phụ nữ lai hai dòng máu: Sénégal và Việt. Tôi có phone hỏi thăm bà ấy thì bà kể qua lai lịch và nói được tiếng Việt nhờ bà ngoại và chính nhờ bà ngoại kể các chuyện củ nên mới vận dụng trí tưởng tượng để viết !!Tập truyện ngắn của bà này sau đó được giải thưởng văn học Sénégal.

Người lớn tuổi cũng phải có niềm tin, niềm tin vào các bậc tối cao như Phật, như Chúa, như Thượng đế v.v. Những con mắt buồn phiền, xin cấy lại niềm tin vì mất nìềm tin là mất tất cả. Có niềm tin, giúp ta chuyển hoá các loạn tâm, loạn tưởng giúp tâm an nhiên tự tại trước các cơn bão tố trong cuộc đời.

Tiếp xúc với bạn bè, với người đồng hương cũng giúp ta có những hoài niệm chung, giải toả căng thẳng, hoá giải nỗi buồn. Làm thiện nguyện giúp trẻ em, trò chuyện với người già cô đơn trong khu phố mình ở, chở người cần đi bệnh viện, đi xin tiền già cũng giúp ta phát triển tâm Từ, tâm Bi.

Từ là hiến tặng hạnh phúc. Bi là làm cho người ta bớt khổ.Về phương diện tâm thần, ta nhận thấy khi ta từ bi hơn thì tâm ta dễ bình an hơn. Nên nhớ muốn gia đình hạnh phúc thì trước tiên mình phải hạnh phúc trước đã vì nếu người lớn tuổi cảm thấy luôn luôn mệt mỏi, bất an, cáu kỉnh, hạnh phúc sẽ không bao giờ đậu ở bậc thềm nhà bạn.

Đau khổ đi liền với kiếp nhân sinh. Chẳng thế mà nhà Phật thường nói: đời là biển khổ. Bác sĩ trị được cái đau, còn cái khổ chỉ cá nhân ta mới tự chữa lấy.

Sống trên đời như trong một quán trọ, sống gửi thác về, đúng như các câu hát:

-Con chim ở đậu cành tre

Con cá ở trọ trên khe nước nguồn

 

-Chiều nay em đi phố về

 thấy đời mình là những quán không

Bàn im hơi bên ghế ngồi

 

-Em đi qua chuyến đò ơi a thấy con trăng đang nằm ngủ

Con sông là quán trọ mà trăng tên lãng du

Em đi qua chuyến đò ới a vui như ngày hội

Tôi xin làm quán đợi buồn chân em ghé chơi

 

-Tôi nay ở trọ trần gian

Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời (Ở trọ )

Biết cuộc đời chỉ là một quán trọ, sống gửi thác về nên xin cứ thanh thản như mây, xin đừng quá vui cũng chẳng quá buồn, rắc rối làm chi những điều đơn giản, nên buông xả, phá chấp, an nhiên tự tại, giúp thân và tâm cả an lẫn lạc. Tâm an là yếu tố quan trọng để ta khoẻ mạnh.

Khi chúc nhau sức khỏe, có nghĩa không những sức khỏe thể chất mà còn sức khỏe tinh thần. Sức khỏe tinh thần có nghĩa  tinh thần lạc quan,  thoải mái, thư giãn. Bác sĩ cần cái lạc quan của mình thì dễ chữa trị hơn vì lạc quan tinh thần giúp cơ thể đề kháng với bệnh tật dễ dàng hơn.

Trong Phật học, ta thường nghe Từ, Bi, Hỉ, Xả. Trên kia đã nói về Từ và Bi . Còn Hỉ là có niềm vui trong lòng.

Xả trong cụm từ Từ, Bi, Hỉ, Xả. Xả tuy là chữ cuối cùng trong cụm từ đó nhưng không có nghĩa là không quan trọng. Không chấp ngã, không cố chấp mà phải phá chấp, nghĩa là Xả, xả bớt các sân hận, tị hiềm, từ đó nẩy sinh thái độ phóng khoáng.

Xả là tập sống trong sự bao dung, bao dung rộng lượng với mọi người vì nhận thức đuợc là:

Thôi về đi, đường trần đâu có gì

Tóc xanh mấy mùa

Có nhiều khi, từ vườn khuya bước về

Bàn chân ai rất nhẹ, tưởng hồn những năm xưa (Phôi pha)

Đường trần đâu có gì! ‘Đâu có gì’ vì:

                       Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi

                    để một mai tôi về làm cát bụi

‘Đâu có gì’ vì:  mọi vật trên thế gian này đều vô thường, trống rỗng, không có thực thể.  ‘Đâu có gì’ vì : cuộc đời như một giấc chiêm bao và  rất ngắn:

‘Ôi phù du, từng tuổi xuân đã già, một ngày kia đến bờ, đời người như gió qua’, một  câu trong bài hát nhan đề Phôi Pha .

Đời người như gió qua nên lại càng phải buông xả, tâm không bám vào sự vật để dần dần tâm được thanh tịnh, mà tâm thanh tịnh, sống an nhiên tự tại chính là vectơ đến giải thoát.Tâm thanh tịnh giúp tránh các ô nhiễm của tâm hồn 

Ngày nay, những người sống ở chốn ít ô nhiễm về bụi bặm, về tiếng động, về nước, về không khí  thì bớt căng thẳng và sống lâu hơn người sống trong môi trường đầy các loại ô nhiễm trên. Như vậy cũng có nghĩa là phần lớn các bệnh hoạn không phải chỉ có uống thật nhiều thuốc để trị bệnh mà thể dục, thư giản, ăn uống cũng góp phần vào sự lành bệnh. Như vậy, có sự tương quan giữa phương thức sống (mode de vie) và sức khỏe. Các phương thức sống như không hút thuốc, tránh phì nộn, thư giãn… giúp bớt các bệnh tim mạch và các bệnh do stress đem đến.     

Xin tóm lược các điều vừa nói trong công thức sau cho dễ nhớ :

1 trung tâm: sức khoẻ;

5 phải: phải vận động, phải có niềm tin, phải lạc quan, phải buông xả, phải hoà ái;

3 quên: quên tuổi tác, quên bệnh tật, quên quá khứ (mà chỉ sống trong hiện tại)

Chúng ta đang may mắn ở Canada là xứ đất rộng, người thưa, rừng vàng, bạc biển.

Dù biết xứ này lạnh lẽo, nhưng lại không có bão nhiệt đới như Florida, Louisiana, Mexico với các lụt lội hư hại nhà cửa.

Dù biết lạnh nhưng xứ này không nằm trên vòng đai núi lửa, động đất như Pakistan.

Dù lạnh lẽo nhưng nhờ cái lạnh mà chu kỳ lây lan của các muỗi mòng, chuột bị gián đoạn.

Canada là nước giàu nhất trong G8. Canada tiếp nhận di dân 9 lần nhiều hơn Pháp, 3 lần nhiều hơn Đức. Nói ra đây là để vinh danh xứ Canada đã đành nhưng cũng muốn nói là ta không nên than vãn vì xứ này đất lành chim đậu nên mọi sắc dân từ A (A như Angola) đến Z (Z như Zimbawe) đều sinh sống bình đẳng ở xứ này.

Trong sinh hoạt người lớn tuổi ngày nay, cần kiếm thăng bằng giữa người và người trong xã hội: đó là nhân quyển; giữa người và thiên nhiên: đó là sinh quyển và có đời sống tâm linh sung mãn: đó là tâm quyển. Nếu xã hội đạt được sự thăng bằng của ba phạm trù vừa kể, thì chính đó là cõi cực lạc của môi sinh và cõi cực lạc của tâm hồn. Tiền bạc không tạo nên hạnh phúc vì có tiền mà đau ốm, có tiền mà môi sinh ô nhiễm, cướp bóc bạo hành tràn lan, thì đó không phải an lạc. Bài hát Tôi muốn của cố nhạc sĩ Lê Hựu Hà cũng nói lên các điều vừa kể :

.. Tôi muốn mình tìm đến thiên nhiên, Tôi muốn sống như loài hoa hiền, Tôi muốn làm một thứ cỏ cây, Vui trong gió và không ưu phiền. Tôi muốn mọi người biết thương nhau, Không oán ghét không gây hận sầu v.v.            

Thái Công Tụng

From: thanhlamle.le & NguyenNThu

 VIÊM PHỔI Ở NGƯỜI GIÀ – MỘT NGUYÊN NHÂN KHÔNG PHẢI DO TRỜI LẠNH

 VIÊM PHỔI Ở NGƯỜI GIÀ – MỘT NGUYÊN NHÂN KHÔNG PHẢI DO TRỜI LẠNH

Mùa đông năm nay có vẻ sẽ lạnh hơn những năm khác. Mọi người vẫn hay khuyên nhau giữ ấm, nhất là người già, để tránh bị viêm phổi. Tuy nhiên, người già còn có thể viêm phổi vì 1 lý do khác, không phải do trời lạnh!

Mùa đông năm trước, Mẹ tôi bị viêm phổi, phải đi cấp cứu rồi nằm viện 10 ngày. Bản thân tôi và mọi người xung quanh đều nghĩ rằng Mẹ bị viêm hổi vì trời lạnh. Tuy nhiên, nguyên nhân thật sự lại không phải như vậy. Hôm nay tôi muốn kể lại để chia sẻ với mọi người một kinh nghiệm mới mà tôi tin rằng có nhiều người chưa từng nghe nói.

Đợt đó, Mẹ tôi bị ho kéo dài, khò khè, và ho có đàm. Sợ Mẹ bị viêm phổi, tôi lấy hẹn đưa Mẹ đi bác sĩ. Nghe phổi của Mẹ, ông bác sĩ gia đình (bs Việt Nam) khẳng định chỉ là ho bình thường thôi, không phải viêm phổi. Bác sĩ không kê toa mà biểu tôi ra mua thuốc over the counter (là thuốc mua tự do, không cần toa bác sĩ). BS dặn là thuốc này làm loãng đàm, sẽ khiến bệnh nhân ho nhiều, nhưng không có gì đáng lo.

Cả đêm, Mẹ tôi ho suốt. Tới gần sáng thì Mẹ bắt đầu bị đau mạn sườn bên phải. Cơn đau càng lúc càng nhiều, cử động cũng đau, đi hay đứng, hay nằm cũng đau. Tôi gọi xe cứu thương. Họ tới nơi, kiểm tra mọi triệu chứng, nghe tim nghe phổi, rồi đưa Mẹ đi cấp cứu. Tới bệnh viện, họ lập tức chỉ định thử máu, chụp CT, chụp X quang, đo điện tim vv… Nói chung là mọi loại xét nghiệm cần thiết đều được thực hiện trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Không bao lâu sau, họ có kết luận ngay là Mẹ tôi bị viêm phổi. Đến chiều, sau khi thực hiện thêm vài bước kiểm tra nữa, họ nói trong phổi có nước (fluid). Tuy nhiên, do lượng fluid không nhiều lắm nên họ không cho rút ra, chỉ điều trị bằng trụ sinh.

Đến ngày thứ 3, họ cho chụp hình lại, và thấy fluid vẫn còn y nguyên. Quyết định đưa đi rút fluid trong phổi ra. Tiếc là, fluid trong phổi Mẹ tôi quá đặc, ông bác sĩ dùng hết sức bình sinh kéo ống xy lanh mà chỉ có thể kéo ra 1 giọt fluid bé xíu. Vậy là ông bác sĩ đành chịu thua, chỉ ráng gửi 1 giọt fluid đó qua lab để họ coi thử coi có kết luận được gì không.

Ngay sau đó, họ chuyển Mẹ tôi qua 1 phòng chụp hình khác. Ở đây, Mẹ được ngồi trước 1 cái máy chụp quang tuyến có nối thẳng với màn hình. Thay vì chỉ chụp hình, máy sẽ truyền hình ảnh lên màn hình trước mặt để chính bệnh nhân có thể nhìn thấy cùng với 2 vị bác sĩ chuyên môn. Vì Mẹ không rành tiếng Mỹ, cần có thông dịch, nên tôi cũng được có mặt trong phòng lúc đó. Họ nói họ muốn theo dõi phản xa nuốt của Mẹ tôi.

Họ cho Mẹ nhai bánh, uống dung dịch đặc, và uống nước lọc. Mỗi khi Mẹ cắn, nhai, và nuốt (hay uống nước, rồi nuốt), màn hình sẽ hiện lên hình ảnh thực quản và khí quản của Mẹ. Bánh hay nước thì được thể hiện bằng màu đỏ. Nhìn lên màn hình, người ta có thể thấy đường đi của bánh hay nước (màu đỏ), đi thẳng vô thực quản hay không.

Lúc Mẹ ăn bánh, và uống dung dịch đặc thì đường màu đỏ đi thẳng vô thực quản. Đến lúc Mẹ tôi uống nước thì có một ít nước bị lọt qua khí quản. Cả 2 vị bác sĩ cùng gật gù, và yêu cầu Mẹ uống lại lần nữa. Lần này, trước khi uống, Mẹ được yêu cầu cúi đầu xuống, để cằm hướng vô cổ. Trong tư thế đó, Mẹ tôi uống nước, và nước chảy trọn vô thực quản, không còn “đi lạc” qua khí quản nữa.

Sau đó, họ giải thích lại cho tôi hiểu, rằng khi chúng ta uống nước, thỉnh thoảng cũng có nước chảy lạc qua khí quản. Theo phản xạ tự nhiên, chúng ta sẽ SẶC. Nhưng người già có khi mất phản xạ SẶC. Khi đó, những tia nước nhỏ đi lạc vô khí quản sẽ đi thẳng xuống phổi và nằm lại đó. Lâu dần, nó gây ra viêm phổi. Và đặc biệt là nó gây tổn thương cho phổi bên phải. Vì vậy, Mẹ tôi mới bị đau bên mạn sườn bên phải, nơi có vết fluid trong phổi.

Như vậy, trận viêm phổi đợt đó của Mẹ tôi không phải là do bị nhiễm lạnh mà ra. Nguyên nhân thật sự LÀ DO UỐNG NƯỚC VÀ NƯỚC ĐI LẠC VÔ KHÍ
QUẢN, mà Mẹ tôi thì MẤT PHẢN XẠ SẶC.

Để khắc phục tình trạng này, bác sĩ dặn Mẹ tôi mỗi khi uống nước nhớ cúi đầu xuống. Cách tốt nhất là uống nước bằng ống hút. Vì khi uống bằng ống hút, tự nhiên mình sẽ cúi đầu xuống để ngậm uống hút.

Dĩ nhiên, không phải người già nào viêm phổi cũng vì lý do này. Nhưng đây cũng là 1 lý do.

Đã được nghe các bác sĩ giải thích, được tận mắt chứng kiến quá trình bác sĩ kiểm tra và kết luận, tôi muốn kể lại mọi người cùng biết. Ví dụ như một lúc nào đó các bạn nhận ra cha mẹ già của mình không còn hay bị sặc nữa, thì có lẽ cũng nên khuyên ông bà uống nước bằng ống hút cho an toàn, nếu không thì cũng chú ý tư thế cúi đầu xuống, hướng cằm vô cổ khi uống nước … Hay nếu thấy người thân ho mà đau mạn sườn bên phải thì bạn cũng có thể đề nghị bác sĩ cho làm test kiểm tra theo hướng này.

Một chút chia sẻ để bạn bè cùng biết. Mong các vị thân sinh của chúng ta luôn được bình an, mạnh khỏe, vui vầy cùng con cháu.

(Copy từ tác giả Hoa Tam, nhóm Kết Nối Việt)

From: Do Tan Hung & KimBằngNguyễn

Mỹ phê duyệt hoàn toàn vaccine COVID-19 đầu tiên

Mỹ phê duyệt hoàn toàn vaccine COVID-19 đầu tiên

(Đến nay đây là vaccine ngừa cúm Tàu đầu tiên được FDA phê chuẩn hoàn toàn, các loại khác chỉ là phê duyệt (dùng khi) khẩn cấp)

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hôm 23/8 cấp phép hoàn toàn cho vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech.

Như vậy, vaccine của hãng dược Pfizer trở thành vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên được phê duyệt hoàn toàn tại Mỹ.

“Chúng tôi nhận thấy với một số người, việc FDA phê duyệt hoàn toàn sẽ giúp tăng thêm niềm tin vào vaccine”, Janet Woodcock – quyền ủy viên FDA cho hay.

Vaccine Pfizer được FDA cấp phép sử dụng đầy đủ cho người trên 16 tuổi. Mỹ hiện chưa phê duyệt hoàn toàn vaccine Pfizer cho trẻ từ 12 đến 15 tuổi.

Mỹ phê duyệt hoàn toàn vaccine COVID-19 của Pfizer. (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên một số trường hợp thuộc nhóm đối tượng này vẫn được tiêm chủng theo diện phê duyệt khẩn cấp.

Quyết định phê duyệt hoàn toàn vaccine Pfizer cũng được đánh giá là sẽ dẫn tới những thay đổi về yêu cầu tiêm chủng ở các bang. Theo đó, các tổ chức có thể đưa ra các yêu cầu mới về việc chích ngừa với các nhân viên – những người trước đây từ chối đi tiêm chủng vì lý do lý do lo ngại vaccine “chỉ được phê duyệt cho tình huống khẩn cấp”.

Quyết định của FDA được đưa ra trong bối cảnh số ca bệnh tại Mỹ đang tăng mạnh do sự lây lan của biến chủng Delta. Hôm 22/3, Mỹ ghi nhận thêm hơn 84.500 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Theo thống kê, 51,5% tương đương khoảng 170 triệu người Mỹ được tiêm chủng đầy đủ 2 liều vaccine, trong khi 60,7% tiêm ít nhất 1 liều.

25 bang tiêm đủ 2 liều cho nửa dân số. Nhưng một số bang, đặc biệt là các bang Cộng hòa vẫn duy trì tỷ lệ tiêm chủng thấp trong lúc các bệnh viện quá tải do phải đón nhận quá nhiều bệnh nhân.

Song song với mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng, Mỹ đang chuẩn bị triển khai chiến dịch tiêm các mũi vaccine bổ sung từ ngày 20/9.

Song Hy (Nguồn: Reuters)

Nguồn VTC

May be an image of 1 person and text that says 'VACCINE Pfizer BIONTECH Coronavirus COVID-19 Mỹ phê duyệt hoàn toàn vaccine COVID-19 của Pfizer. (Ảnh: Reuters)'

 Lời trăng trối quặn lòng của bà mẹ bài trừ vaccine Covid: “Làm ơn hãy đảm bảo con tôi được tiêm chủng”

 Lời trăng trối quặn lòng của bà mẹ bài trừ vaccine Covid: “Làm ơn hãy đảm bảo con tôi được tiêm chủng”

08:00 | 22/08/2021

Vợ chồng nhà Lydia và Lawrence Rodriguez đều là những người không tin vào vaccine. Họ nghĩ mình có thể làm được mọi thứ mà chẳng cần sự can thiệp của y học. Đến khi nhiễm bệnh họ mới cầu xin được tiêm chủng, nhưng mọi thứ đã quá muộn.

Cách đây vài tuần, bà mẹ 4 con Lydia Rodriguez (42 tuổi) tại Texas đã nghĩ bản thân mình đủ khỏe để chống chọi lại Covid-19 mà chẳng cần đến vaccine. Cô tự tin làm mọi thứ, kể cả tham gia vào một chuyến cắm trại của nhà thờ kéo dài 1 tuần.

Nhưng sau chuyến đi, Lydia nhiễm bệnh. Các thành viên trong gia đình cô cũng dương tính với virus. Đến lúc này cô mới vội vã cầu xin được tiêm chủng, nhưng mọi chuyện đã muộn. Thứ chờ đón cô sau đó chỉ là chiếc máy thở mà thôi, theo lời Dottie Jones, chị họ của cô.

Lydia và Lawrence Rodriguez

Mọi thứ biến chuyển thật tồi tệ, tình trạng của Lydia xấu dần đi. Trong cuộc gọi cuối cùng với Dottie, cô khẩn khoản: “Làm ơn hãy đảm bảo các con của em được tiêm.”

Ngày 16/8, Lydia ra đi mãi mãi.

Cái chết của Lydia đến chỉ 2 tuần sau khi chồng cô – Lawrence Rodriguez (49 tuổi) lìa đời vì biến chứng từ Covid-19. 2 vợ chồng được điều trị trong cùng khu chăm sóc tích cực của một bệnh viện tại Texas.

Gia đình viên mãn kết thúc trong ác mộng

Lydia và Lawrence đã kết hôn được 21 năm. Họ nằm trong số hàng chục triệu người Mỹ không tiêm chủng vaccine Covid-19 – những mũi tiêm hiện đã được áp dụng cho bất kỳ ai trên 12 tuổi, dù các chuyên gia y tế luôn nhấn mạnh rằng vaccine sẽ giúp làm giảm nguy cơ tử vong hoặc mắc triệu chứng nặng. Và giờ, những đứa trẻ nhà Rodriguez đã rơi vào thảm kịch như hàng triệu trẻ nhỏ khác – những đứa trẻ trở thành mồ côi vì virus cướp đi cha mẹ của chúng.

Câu chuyện của gia đình họ cũng chẳng phải hiếm gặp, khi đã có vô số bệnh nhân chưa tiêm vaccine đã phải cầu xin bác sĩ cho mình tiêm chủng trước khi phải vào máy thở, dù mọi thứ đã quá trễ.

“Lydia chưa từng tin vào vaccine,” – Jones, chị gái của Lydia cho biết. “Con bé tin rằng nó có thể làm được mọi thứ mà chẳng cần đến y học.”

Là một y tá cho trẻ sơ sinh, Jones đã quá quen với các ca nhiễm Covid thể nặng trên các bà mẹ và con của họ. Cô từng chia sẻ với Lydia về những cảnh tượng thương tâm, bệnh nhân nối nhau đưa vào máy thở suốt hàng tuần liền mà chẳng có gì tiến triển. Jones ra sức thuyết phục, nhưng em gái cô đáp lại bằng sự im lặng.

“Tôi biết con bé sẽ không bao giờ tiêm vaccine cả,” – Jones cho biết. “Tôi đã rất lo lắng.”

Chồng của Lydia cũng thuộc cộng đồng antivax, và hiển nhiên anh từ chối tiêm chủng. 3 trên 4 đứa trẻ nhà Rodriguez cũng đã đủ tuổi nhận vaccine, nhưng không ai tiêm chủng cả.

Đầu tháng 7, vài ngày sau khi nhà Rodriguez tham gia một chuyến cắm trại cùng nhà thờ, nỗi sợ của Jones đã thành sự thật. Từng thành viên một trong gia đình – bao gồm cả Lawrence dù anh không tham gia – đều dương tính với virus corona.

Gia đình họ chẳng nói với ai về chuyện này cho đến khi Lawrence chủ động đưa vợ vào viện hôm 12/7, vì cô bắt đầu khó thở. Lydia phải vào thẳng khoa chăm sóc tích cực, trong khi chồng cô được điều trị ở khu khác.

Lúc này, toàn bộ người thân phải vào cuộc trợ giúp nhà Rodriguez, từ việc mang nhu yếu phẩm cho đến thuốc men dành cho những đứa trẻ phải cách ly tại nhà. Bé nhỏ tuổi nhất có triệu chứng nhẹ, những đứa trẻ còn lại không có triệu chứng – theo lời Jones.

Đã có thời điểm, tình trạng của Lawrence chuyển biến tích cực hơn. Nhưng chỉ vài ngày sau khi nhập viện, anh được chuyển thẳng tới khu ICU – nơi vợ đang nằm điều trị. Ngay trước khi được đưa vào máy thở, anh cầu xin để được tiêm vaccine, nhưng thời điểm ấy đã quá muộn rồi. Lawrence qua đời vào ngày 2/8.

Lydia lúc này đã hoàn toàn phụ thuộc vào máy thở oxy – thứ khiến cô chẳng thể nói chuyện được nữa. Những đứa trẻ nhà cô ngày ngày gọi điện hỏi thăm động viên, nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng trong bất lực.

“Gia đình sẽ cầu nguyện cho em và chăm sóc các con,” – Jones nhớ lại những gì mình đã nói vào ngày cuối cùng với em gái mình. Ngày 16/8, Lydia cũng qua đời.

Đáp ứng lời trăng trối của Lydia, các con cô – bao gồm 1 cặp sinh đôi 18 tuổi, 1 cô con gái 11 tuổi, và cậu con trai 16 tuổi – được sắp xếp tiêm chủng. Cặp sinh đôi đã được tiêm, cậu con trai đang lên lịch, và con gái út cũng sẽ được sắp xếp tiêm chủng ngay khi đủ tuổi.

Nguồn: Washington Post

Link nguồn: https://kenh14.vn/loi-trang-troi-quan-long-cua-ba-me-bai…

HÃY THỞ KHI CÒN CÓ THỂ…

May be an image of tree, mountain, cloud and nature

 

Nguyễn Hoàng Diễm

  HÃY THỞ KHI CÒN CÓ THỂ…

Động tác thật đơn giản :

Hít thật sâu bằng mũi, giữ không khí lại 3 giây.

Thở ra bằng miệng, ép cơ vùng bụng cho đến khi cạn kiệt không khí, càng cạn càng tốt.

Lập lại động tác đó từ 10 đến 30 lần, tùy vào sức khỏe mỗi người.

Dù bạn là ai, già hay trẻ, nam hay nữ, đang khỏe mạnh hoặc đang là F0 chờ đến lươt thở máy, hãy cứ thử.

Dù bạn đang làm gì, đang chạy xe, đang ngồi lướt web, đang nằm chờ sáng, đang no hay đói, cứ thử phương pháp này và xem nó có tác dụng gì.

Đây không phải là môn khí công thiền định của 1 môn phái nào, mà là kinh nghiệm tổng hợp, có đơn giản hóa mà tôi đã thực hành và chia sẻ cho rất nhiều người áp dụng thành công.

Đầu tiên, khi hít thở đến lần thứ 10, bạn đang nặng ngực, hơi thở ngắn, bạn sẽ cảm thấy ngực nhẹ hơn, hơi thở dài hơn, khí độc sẽ theo đường hậu thoát ra, khỏe hơn trước từ 50 đến 70 phần trăm, và đó chỉ là cảm nhận ban đầu.

Phương pháp này còn có thể dùng đè nén cảm xúc, khi vui quá như tự nhiên tài lộc đến bất ngờ, hoặc chứng kiến chồng, vợ ngoại tình. Vui quá, buồn quá độ đều có thể sinh ra tiêu cực, đè nén xuống rồi tính sau.

Dùng hạ đường huyết và áp huyết :

Đo đường huyết hoặc áp huyết, lấy chỉ số rồi hít thở, đo lại và xem kết quả. Nên nhớ đây chỉ là phương pháp chứ không là thuốc trị bệnh, nhưng có thể áp dụng mọi lúc mọi nơi.

Không khí là cây ATM không đồng muôn thuở, hãy áp dụng để thêm hương vị tốt đẹp vào cuộc sống.

Người ta phải bỏ tiền tỷ để mua oxy, còn mình xài từ ATM không đồng, ngại gì mà không thử?

Quế Trân

Covid – Việt Nam: Y tế phía Nam quá tải, nhiều “F0” không cứu kịp (RFI)

Covid – Việt Nam: Y tế phía Nam quá tải, nhiều “F0” không cứu kịp (RFI)

Đăng ngày: 07/08/2021 – 16:57

Sài Gòn hoang vắng mùa đại dịch. Ảnh minh họa. © Wikimedia

Trọng Thành

Dịch bệnh Covid-19 đang đẩy hệ thống bệnh viện tại thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương miền Nam vào tình trạng quá tải. Nhiều trường hợp trở nặng tử vong do không kịp cấp cứu.

Từ mươi ngày nay, số người tử vong do Covid tại Sài Gòn luôn vượt quá 100. Trong hai ngày liên tiếp 4 và 5/8/2021, số tử vong vượt 200 người. Theo bộ Y Tế Việt Nam, số người nhiễm virus (hay « F0 » theo cách gọi ở Việt Nam) tại thành phố Hồ Chí Minh hiện đã vượt quá 100.000. Theo quy định mới, đa số các « F0 » không triệu chứng tự cách ly và chăm sóc y tế tại nhà để giảm tải cho các cơ sở « thu dung » cũng như điều trị. Tuy nhiên, trong số « F0 » này dự kiến khoảng 5% trường hợp diễn tiến nặng, cần được cấp cứu, chuyển tuyến kịp thời. Có những ca chuyển nặng rất nhanh, không được cấp cứu kịp, đã tử vong. Số người cần thở máy tăng gấp đôi trong mươi ngày vừa qua, từ hơn 700 người (ngày 28/07) thành hơn 1.300 người (ngày 05/08).  

Theo chính sách mới của chính quyền Việt Nam, hệ thống chăm sóc và điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 tại Sài Gòn chia thành 5 tầng. « Tầng một » tập trung đa số người nhiễm virus không có triệu chứng để cách ly, theo dõi (gọi là « cơ sở thu dung »). Trước tình trạng quá tải, nhiều cơ sở « thu dung » đã được điều chuyển thành cơ sở điều trị « tầng 2 ». Một bài viết trên trang mạng chính phủ Việt Nam hôm nay 07/08 cho biết « tình trạng quá tải các tầng điều trị của TP HCM làm nhiều bệnh nhân Covid nặng chậm được tiếp nhận, cấp cứu » khiến Quân khu 7 phải « quyết định chuyển đổi » khu thu dung « F0 » không triệu chứng thành bệnh viện dã chiến chuyên điều trị, cấp cứu.  

Sở Y Tế : Các bệnh viện không được từ chối người cấp cứu

Hôm qua 05/08, giám đốc sở Y Tế phải ra « công văn khẩn » yêu cầu tất cả trung tâm cấp cứu, các bệnh viện phải « mở cửa tiếp nhận người bệnh tự đến khám và cấp cứu 24/7, đặc biệt vào ban đêm ». Tuyệt đối không được yêu cầu người bệnh phải có xét nghiệm nhanh hoặc PCR âm tính với Covid. Tuy nhiên, khả năng tiếp nhận của các bệnh viện là có hạn.  

Trả lời báo Tuổi Trẻ hôm qua, giám đốc một bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid ở mức tương đối nặng (thuộc « tầng 3 ») quy mô 500 giường tại Sài Gòn cho biết, bệnh viện này lúc nào cũng trong tình trạng kín giường, do đó việc tiếp nhận được bệnh nhân nữa hay không còn tùy thuộc mức độ bệnh lý, « nếu bệnh nhân cấp cứu sẽ ráng cứu ». Vị bác sĩ này cho biết thêm : « Bên cạnh các ca thở máy không xâm lấn được điều trị hồi phục tốt, có ngày 3-4 ca tử vong, chủ yếu tập trung vào nhóm lớn tuổi, có bệnh nền. Gần đây xuất hiện thêm ở nhóm trẻ tuổi bị béo phì ».  

Tình hình căng thẳng không chỉ tại Sài Gòn. Tỉnh Bình Dương láng giềng cũng là một điểm nóng khác. Số ca mới trong 10 ngày gần đây chiếm gần 70% tổng số ca từ đầu mùa dịch. Hiện vẫn còn gần 400 bệnh nhân có diễn biến nặng, đã có 144 người tử vong vì Covid. Có ngày, số ca mắc mới của Bình Dương vượt 2.000, bằng một nửa ca mới của Sài Gòn, dù dân số chỉ bằng một phần năm. 

Theo trang mạng của bộ Y Tế Việt Nam hôm nay, bệnh viện Hồi Sức Covid-19 tại thành phố HCM hiện đang điều trị 522 bệnh nhân, trong đó 149 người trong tình trạng nguy kịch. Bệnh viện Hồi Sức Covid-19, được thành lập khẩn hồi tháng 7/2021, dự kiến có thể tiếp nhận tối đa 1.000 bệnh nhân rất nặng và nguy kịch (tức « tầng 5 », tầng cao nhất theo hệ thống điều trị Covid tại Sài Gòn). Hiện tại bệnh viện chỉ đón nhận được một nửa số bệnh nhân theo mục tiêu thiết kế do thiếu phương tiện và nhân viên.

Nhìn chung, tình trạng thiếu máy trợ thở, thiết bị ECMO (tim phổi nhân tạo), máy thở oxy dòng cao, bồn chứa oxy, máy chụp X-quang di động…, cũng như thiếu y bác sĩ điều trị, cấp cứu, nhân viên điều dưỡng chuyên về Covid, là phổ biến. Tình hình dự kiến sẽ căng thẳng hơn trong những ngày tới.

Những Sai Lầm Về Sức Khỏe Phổ Biến Ở Người Lớn Tuổi

Những Sai Lầm Về Sức Khỏe Phổ Biến Ở Người Lớn Tuổi

Minh Hoàng

Khi đã quá tuổi trung niên, việc phục hồi sức lực sau những sự kiện hao tổn thể chất sẽ trở thành một quá trình dài và cam go, có thể thực sự ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Tuy vậy, điều này không có nghĩa là không thể kéo dài một cuộc sống đầy đủ và năng động cho đến những năm 70, 80 tuổi. Để đạt được điều đó, hãy ưu tiên cho những thói quen lành mạnh và tránh những sai lầm về sức khỏe, ngay cả khi ở độ tuổi 40 trở lên.

Quên tập thể dục cho bộ não

Bộ não có thể không phải là một cơ bắp, nhưng cũng giống như một cơ bắp, nó cần được luyện tập liên tục, bất kể tuổi tác. Nhiều người bỏ bê bộ não khi họ qua tuổi 40 và hơn thế nữa. Trong thực tế, người lớn tuổi dễ bị suy giảm nhận thức và các vấn đề về trí nhớ ngay cả khi họ không bị các bệnh thoái hóa thần kinh, đó là lý do rất quan trọng để rèn luyện trí nhớ và nhận thức càng nhiều càng tốt.

Chơi trắc nghiệm, chơi ô chữ, các hoạt động sáng tạo, các game chiến thuật, thủ công và đọc sách đều là những biện pháp tuyệt vời để duy trì bộ não ở trạng thái tốt nhất, kể cả khi chỉ tham gia vào các hoạt động này khoảng 2 giờ mỗi tuần (chỉ 17 phút mỗi ngày).

Bỏ quên sức khỏe răng miệng

Đến nha sĩ, cũng như vệ sinh răng miệng tốt, là một yếu tố quan trọng của sức khỏe lâu dài, đặc biệt là vì vệ sinh răng miệng kém có liên quan chặt chẽ đến suy giảm nhận thức và các vấn đề về tim mạch ở người cao niên.

Nên đặt lịch hẹn thường xuyên sau mỗi 6 tháng khi đã đến cuối độ tuổi 40. Ngoài việc ngăn ngừa các vấn đề về răng miệng, nha sĩ còn có thể phát giác các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng khác (ví dụ: tiểu đường, ung thư, bệnh tim và thận) thường xuất hiện trong miệng.

Bỏ bữa

Bỏ bữa có thể dẫn đến tăng đột biến lượng đường trong máu; đó là lý do tại sao những người có xu hướng bỏ bữa có nhiều khả năng được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, thường là trong độ tuổi từ 40 đến 64. Không cần phải ăn nhiều, nhưng hãy giữ một lịch trình bữa ăn ổn định và cân bằng để duy trì sức khỏe tuyến tụy lâu dài.

Không tiếp xúc với gia đình và bạn bè

Con người là những sinh vật xã hội và điều đó không thay đổi nhiều trong suốt cuộc đời của một người, bất kể tuổi tác, giới tính hay cá tính. Duy trì hoặc thậm chí củng cố mối quan hệ gia đình và thân thiện với mọi người là điều rất quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn. Qua các nghiên cứu cho thấy những người hoạt động xã hội có xu hướng sống lâu hơn 20% so với những người cô đơn.

Bị mất nước

Một khi đã đến độ tuổi 40 và 50, mất nước có thể trở thành mối lo ngại nghiêm trọng, gây ra bất cứ điều gì từ đau đầu và chóng mặt cho đến táo bón, rồi thậm chí là tổn thương thận. Vấn đề này càng trở nên tồi tệ hơn nếu bạn dùng một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu và thuốc nhuận tràng, vì chúng có thể làm mất nước thêm.

Tuyệt vọng khi sức khỏe bắt đầu suy giảm

Cùng với tuổi già, tất cả chúng ta bắt đầu trải qua tất cả các vấn đề sức khỏe bất ngờ, có thể rất nản lòng, đặc biệt nếu chẩn đoán là rất nghiêm trọng và đáng lo ngại. Tuy nhiên, cần hiểu rằng tất cả các triệu chứng và các chứng bệnh này là một phần chu kỳ của cuộc sống và hầu hết mọi người đều trải qua cùng những áp lực, nỗi sợ hãi và nghi ngờ ở một thời điểm nào đó trong cuộc sống của họ, vì vậy điều tốt nhất chúng ta có thể làm là hỗ trợ lẫn cho nhau và tiếp tục sống một cuộc sống trọn vẹn, dễ chịu khi hoàn cảnh cho phép.

Không theo dõi lượng đường và muối

Đường, có thể ở dạng đường trắng, đường vàng, chất làm ngọt nhân tạo hoặc thậm chí là các đồ uống có đường như nước trái cây đều rất có hại cho sức khỏe tuyến tụy, sức khỏe tim mạch và hệ tiêu hóa khi tiêu thụ quá mức. Quy luật tương tự áp dụng cho muối vì quá nhiều natri sẽ tàn phá sức khỏe tim và thận của bạn, đồng thời góp phần gây ung thư dạ dày. Vì những lý do này, Cục Quản lý thực và Dược phẩm Mỹ (FDA) gợi ý lượng muối và đường được khuyến nghị hàng ngày như sau:

– Đường: 150 calo (37,5 g; 9 muỗng cà phê) đối với nam giới và 100 calo (25 g; 6 muỗng cà phê) đối với phụ nữ.

– Muối: 6g muối (1 muỗng cà phê).

Nên theo dõi lượng thực phẩm chứa nhiều muối và đường, vì bạn có thể vô tình tiêu thụ nhiều hơn các thành phần gây hại này, đặc biệt là nếu ăn nhiều thực phẩm đóng gói và ăn bên ngoài thường xuyên.

Duy trì những thói quen xấu

Những thói quen xấu, chẳng hạn như thiếu ngủ, hút thuốc, chế độ ăn uống kém và uống rượu, sẽ ngày càng gây khó khăn hơn cho cơ thể, và vì vậy chắc chắn những thói quen này sẽ gây ra nhiều tác hại hơn so với trước đây. Những thói quen xấu này được cho là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh tim và ung thư.

Bỏ bê đôi bàn chân

Trong khi chúng ta thường xuyên chăm sóc tóc, móng tay và khuôn mặt của mình, bàn chân thường bị bỏ qua hoàn toàn, đây là điều không nên. Khi đến tuổi trung niên, không nên đi giày cao gót lâu và không mang giày kém phẩm chất, vì cả hai đều có thể hạn chế lưu thông máu ở bàn chân, góp phần gây sưng và làm cho bàn chân đau và mỏi.

Thỉnh thoảng cũng nên kiểm tra bàn chân, các ngón chân và móng chân để đảm bảo không có sự biến màu hoặc dấu hiệu nhiễm trùng, vì cả hai triệu chứng này đều có thể cho thấy một bệnh tiềm ẩn và cần được điều trị tốt nhất ở các giai đoạn đầu.

Quên đi khả năng bị té ngã

Sai lầm này nhắm vào người cao niên nhiều hơn so với người trung niên, nhưng đó là điều rất quan trọng, vì người lớn tuổi thường đánh giá thấp việc họ có thể dễ dàng té ngã trong nhà hoặc ở phía bên ngoài. Theo Hội đồng Lão hóa Quốc gia Hoa Kỳ, cứ mỗi 11 giây, một người cao tuổi được điều trị trong phòng cấp cứu vì bị ngã, và cứ mỗi 20 phút, một người lớn tuổi qua đời vì bị té ngã.

Cần bảo đảm các phòng trong nhà đầy đủ ánh sáng, mang giày chắc chắn và loại bỏ bất kỳ tấm thảm bị xuống cấp nào ra khỏi nhà. Cũng nên coi chừng các vết nứt và các bậc trên vỉa hè, sử dụng các phương tiện trợ giúp bước đi cũng như mang kính nếu cần thiết.

Không chú ý đến tư thế của mình

Tư thế ngồi xấu có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cột sống, dễ dàng gây ra đau lưng và cổ; điều này rất phổ biến với người cao tuổi. Để tránh đau và cứng ở vùng lưng, điều tốt nhất ó thể làm là duy trì một tư thế khỏe mạnh và tham gia vào các bài tập tăng cường chủ lực, chẳng hạn như các động tác tập bụng và kéo giãn. Đừng sợ bắt đầu củng cố và tham gia nâng cao các cơ bắp trong nỗ lực giảm đau lưng và cải thiện sự thăng bằng ngay cả khi ở độ tuổi 60 trở lên, vì nghiên cứu cho thấy họ cũng có thể xây dựng cơ bắp gần như những người trẻ tuổi.

Có lối sống ít vận động

Như một vấn đề thực tế, hầu hết các chứng yếu cơ mãn tính, đau cơ và khớp mà mọi người gặp phải vào cuối những năm 50 trở đi phần lớn là do nhiều năm không hoạt động. Cố gắng tập thể dục chỉ vài phút mỗi ngày và chọn hình thức phù hợp nhất với bạn, không cần phải bắt đầu nâng tạ và chạy marathon. Điều này sẽ giúp cảm thấy mạnh mẽ hơn, tự tin hơn và có năng lực hơn, chưa kể cải thiện sức khỏe và hạnh phúc, đồng thời bảo vệ bạn khỏi những cú ngã và chấn thương nghiêm trọng.

Không cần ăn uống lành mạnh vì ỷ lại có tập thể dục

Một thói quen nguy hiểm khác phổ biến ở mọi lứa tuổi, nhưng đặc biệt nguy hiểm với người cao tuổi là niềm tin rằng tập thể dục thường xuyên sẽ có khả năng bù đắp cho tất cả các loại đồ ăn vô bổ thưởng thức hàng ngày. Thực tế, ngay cả những người trông khỏe mạnh nhất cũng có thể bị loét, ung thư và các căn bệnh mãn tính khác, như tăng huyết áp và tiểu đường, có liên quan nhiều đến lựa chọn chế độ ăn uống không tốt.

Ăn uống lành mạnh, bao gồm nhiều rau, ngũ cốc và chất béo thực vật lành mạnh trong chế độ ăn uống là điều cần thiết cho tuổi thọ, hệ tiêu hóa và sức khỏe tổng thể, ngay cả khi bạn tập thể dục và không tăng cân.

Coi TV, dùng thiết bị điện tử quá nhiều

Ngày nay chúng ta khó có thể tưởng tượng cuộc sống không có điện thoại di động và máy tính, nhưng nếu quan tâm đến giấc ngủ của mình, hãy để những thiết bị này ra khỏi phòng ngủ. Vì nguồn ánh sáng mà các thiết bị này phát ra đánh lừa bộ não tin rằng đó là ban ngày và ngăn chặn tuyến tùng (pineal gland) của bạn sản xuất melatonin, một hormone gây buồn ngủ.

Càng lớn tuổi, càng dễ bị mất ngủ, do căng thẳng hoặc thể chất cơ bản khó chịu, và ánh sáng từ các thiết bị càng làm giảm khả năng rơi vào giấc ngủ. Nên tránh xa máy tính, màn hình TV và điện thoại di động ít nhất một tiếng rưỡi trước khi đi ngủ.

Minh Hoàng

From: TU-PHUNG

Những phương pháp TỰ CHỮA TẠI NHÀ (VIRUS VŨ HÁN)

Lm Bs Antôn Phạm Hữu Tâm

VIRUS VŨ HÁN đang bùng phát ở VN và Thái Lan: phòng ngừa và chữa trị TẠI NHÀ.

Bài 2: Những phương pháp TỰ CHỮA TẠI NHÀ

Cho đến hôm nay, chưa có phương pháp chữa trị chính xác cho Covid-19 vì còn quá mới, y khoa chưa đủ thời gian thử nghiệm chắc chắn. Tuy nhiên, một số thuốc được chấp thuận sử dụng “emergency use” như Remdisivir (IV antiviral), Baricitinib ( kinase inhibitor), convalescent plasma. Tôi không thêm chi tiết mất giờ các bạn, vì những thuốc này chỉ được sử dụng bởi các bác sĩ chuyên môn, và khá hiếm trong môi trường VN và Thái.

  1. Thuốc có thể mua tự do và tự sử dụng.

Ba triệu chứng chính của Covid-19 là nóng sốt, ho và khó thở. Ngoài ra, nhiều người cũng bị mất vị giác, khứu giác, nhưng không có thuốc gì giúp, chỉ đợi thời gian phục hồi.

  1. Chữa Nóng Sốt

– Acetaminophen (Tylenol, Panadol) là tốt nhất. Ibuprofen cũng được, nhưng có vài quan tâm về an toàn với Covid.

– Uống nhiều nước (nước lã hoặc nước trái cây, tránh soda hoặc nhiều đường có thể làm khát thêm) vì nóng sốt làm cơ thể mất nước.

– Nghĩ ngơi.

  1. Chữa Ho.

– Hút nước ngụm nhỏ (small sips), nhiều lần trong ngày làm cổ họng ẩm và dể chịu.

– Uống nước ấm (warm beverages): làm ấm khí quản và tan đàm.

– Một muổng mật ong (honey) trong trà nóng.

– Xông hơi (có thể thêm dược thảo, dầu nóng): làm ấm và mở rộng khí quản (dễ thở), loãng đàm, giảm đau cổ họng.

– Súc cổ họng với nước muối (gargle salt water): giảm đau và sạch cổ họng.

– Ngậm kẹo ho (cough drops, lozenges): làm ẩm cổ dể chịu.

– Uống Thuốc Ho (Robitussin, Mucinex, dextromethorphan, menthol…)

  1. Chữa Khó Thở.

– Hít vào thở ra chậm, hơi dài

– Giảm sợ hải / relaxation / meditation

  1. Vitamins tăng sức đề kháng cho cơ thể.

– Vitamin C: giúp kháng cự vi trùng, vi khuẩn, là một loại kháng viêm tự nhiên.

– Vitamin D: tăng kháng thể, là một trong những vitamins quan trọng.

– Vitamin A: giúp chống nhiễm trùng, đặc biệt về phổi.

– Zinc: hiệu quả hơn nếu uống trong vòng 24-giờ sau khi nhiễm bệnh.

– Selenium: là một loại antioxidant, giúp cơ thể kháng cự vi trùng và ung thư.

– Mật ong (raw honey): có khả năng antioxidant và kháng viêm. Có thể pha vào trà nóng hoặc nước chanh.

– Tỏi (garlic): tăng đề kháng, chống vi trùng.

– Probiotics

– Tất cả những loại vitamins kể trên không giết vi trùng, nhưng tăng sức đề kháng trong cơ thể. Từ đó, kháng thể sẽ tìm diệt vi trùng (tương tự như tăng nhiều lính tốt để tiêu diệt kẻ thù xâm nhập).

  1. Sự hổ trợ, tình yêu của gia đình và bạn bè cũng nâng đỡ tinh thần người bệnh. Sự vui vẻ, yêu đời cũng tăng sức đề kháng trong cơ thể.
  2. Niềm tin tôn giáo cũng giúp thêm sức mạnh cho cơ thể, gia tăng sức đề kháng, tạo niềm hy vọng giúp tinh thần vươn lên, chiến đấu mạnh mẻ hơn. Nghiên cứu cho thấy cầu nguyện cũng giúp cơ thể và tinh thần mạnh mẻ hơn, thêm sức chiến đấu.

Xin Thiên Chúa là Cha thương yêu, chữa lành bệnh Covid cho bạn. Xin Ngài tăng thêm niềm tin, tình yêu, hy vọng và ý nghĩa cuộc đời cho bạn. Xin Mẹ Maria luôn ôm ấp, xoa dịu sự đau đớn, lau khô những giọt mồ hôi, đắp chăn khi bạn co ro.

Trong tình yêu của Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Tôi sẽ nhớ cầu nguyện cho bạn.

Lm Bs Antôn Phạm Hữu Tâm

6 NGUYÊN NHÂN KHIẾN DỊCH BỆNH Ở VN TRỞ NÊN TỒI TỆ…

 6 NGUYÊN NHÂN KHIẾN DỊCH BỆNH Ở VN TRỞ NÊN TỒI TỆ…

  1. Đa số không biết cách đeo khẩu trang phòng dịch, đeo lúc đi đường rồi gặp nhau lại kéo xuống nói chuyện, ăn uống.
  2. Thả gà ra đuổi: Tập trung làm căn cước công dân, gấp rút cho công an hoàn thành chỉ tiêu. “Tiếp xúc cử tri”, “ngày hội toàn dân”, “kích cầu du lịch 30/4…
  3. Biến F1, thành F0, vì tổ chức cách ly tập trung ko đảm bảo tránh lây nhiễm lẫn .nhau.
  4. Biến F0 thành bệnh nhân nặng, vì điều kiện ăn ở vệ sinh quá tồi tệ trong các khu cách ly bệnh viện.
  5. Tạo ra các điểm tập trung đông người giữa lúc dịch lây lan mạnh: Điểm tiêm vaccine, điểm xét nghiệm covid lấy giấy đi đường…
  6. Sai và chậm trong chiến lược tiêm vaccine:

Sai: Tiêm phân biệt giữa y bác sĩ công lập và ngoài công lập dẫn đến thiếu nhân viên y tế lúc cần, khoảng cách giữa hai mũi tiêm không đúng, dẫn đến hiệu quả phòng bệnh kém.

Chậm: Đã quá rõ! Chậm gần nhất thế giới!

Dược sĩ NGUYỄN ANH TUẤN

May be an image of text

Con chết vì COVID-19, mẹ hối hận đã ‘không cho con chích ngừa’

Kimtrong Lam Lương Văn Can 75.

Con chết vì COVID-19, mẹ hối hận đã ‘không cho con chích ngừa’

July 25, 2021

BIRMINGHAM, Alabama (NV) – “Đến khi con trai chết và chính mình bị COVID-19 hành hạ, tôi mới nhận ra việc chích ngừa là tối cần,” bà Christy Carpenter, một phụ nữ ở Alabama thốt ra lời hối hận muộn màng.

“Khi có đủ phương tiện và thời gian, chúng tôi đã không chích ngừa. Bây giờ, đã quá trễ,” bà Carpenter thẫn thờ nói với phóng viên nhật báo Washington Post.

Gia đình nhà Carpenter. Từ trái, cậu trai cả Curt Carpenter, 28 tuổi, bà Christy Carpenter, và cô gái út Cayla Carpenter. (Hình: Courtesy of Christy Carpenter)

Anh Curt Carpenter, 28 tuổi, con trai lớn của bà Christy, chết vì COVID-19 sau hai tháng nằm bệnh viện chiến đấu giành sự sống với trợ giúp của chiếc máy thở.

Hiện tại, dù bà Carpenter tìm niềm an ủi trong đức tin tôn giáo, nhưng sâu thẳm trong tâm hồn vẫn dội lại hai chữ “Tại Sao?”. Một câu hỏi mà chính bà là người đã có thể đưa ra câu trả lời chính đáng.

“Đáng lẽ, con tôi còn sống, nếu tôi và cả nhà quyết định chích ngừa. Chúng tôi có quá nhiều thời gian để thực hiện hành động sống còn đó. Nhưng cơ hội đã đi qua rồi,” bà Carpenter ray rứt.

Dịch bệnh, tưởng rằng ở đâu xa lắm, ập vào gia đình Carpenter, khi bà Christy, con trai Curt, con gái út Cayla đều có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 vào ngày 5 Tháng Ba.

Thoạt đầu, cả ba chỉ mang những triệu chứng nhẹ nhưng dần dần căn bệnh trở nặng chỉ trong vòng một tuần lễ.

Khi nồng độ oxygen trong máu xuống quá thấp, người mẹ và con trai được khẩn cấp đưa vào bệnh viện Grandview Medical Center tại Birmingham.

Cả hai đã bị dịch tràn ứ phổi, hôm sau, Curt phải cần sự trợ giúp của máy thở.

Nồng độ oxygen thay đổi liên tục đi kèm với sự suy kiệt của lá phổi, vượt quá mức chịu đựng của Curt, khiến các cơ quan nội tạng trong cơ thể anh ngừng hoạt động.

Curt ra đi vĩnh viễn ngày 2 Tháng Năm.

Bên tai bà Christy Carpenter thỉnh thoảng vẫn còn nghe tiếng thầm thì, yếu ớt của cậu con trai bị tự kỷ: “Mẹ ơi, bệnh COVID-19 là có thật, không phải là trò lừa đảo.”

Anh Curt Carpenter qua đời sau hai tháng chiến đấu với COVID-19. (Hình: Courtesy of Christy Carpenter)

“Thoạt đầu, chúng tôi tin vào lời nói bệnh COVID-19 là chuyện bịp chính trị,” bà Christy cho biết, “chúng tôi hoang mang và ngại ngần khi đến lượt được chích ngừa.”

“Ai cũng biết cần nhiều năm để hoàn chỉnh thuốc chích ngừa. Nhưng vaccine COVID-19 hoàn thành trong vài tháng,” người mẹ mất con phân bua, “vì vậy chúng tôi vô cùng bối rối.”

May mắn, bà Christy Carpenter lành bệnh và được xuất viện, “nhưng chuyện hồi phục không dễ dàng. Tôi vô cùng yếu, kiệt sức, rụng tóc, và bị di chứng ‘não COVID-19.’”

Bà chia sẻ: “Bây giờ, tôi rất dễ quên. Đang trò chuyện, tự nhiên không biết mình đang nói gì, không theo dõi được diễn tiến của một cuộc đối thoại, ngay cả không thể nào nhớ tên những người mà mình quen biết hàng bao nhiêu năm.”

“Đôi khi tôi nghĩ mình bị mất trí hay trở thành điên khùng, nhưng không phải thế.”

Tuy nhiên, điều duy nhất mà bà Christy không quên đó là ký ức về Curt, người con trai vừa chết, “tôi chắc chắn rằng nếu cháu còn sống, cháu sẽ hoạt động xã hội, sẽ kêu gọi mọi người đi chích ngừa.”

“Nếu chúng ta cần làm điều gì đó để giúp người khác có được sức khỏe tốt hơn, đặc biệt giữ được mạng sống quý giá mà Chúa cho chúng ta,” bà Christy lập luận và cho biết bây giờ bà và con gái tự lập cho mình sứ mạng khuyến khích người chung quanh đi chích ngừa để bảo vệ tính mạng.

“Làm như thế để cái chết của Curt không trở thành vô nghĩa và cũng là cách quý trọng sự sống mà Chúa ban cho,” bà Christy Carpenter bộc lộ niềm tin một cách mãnh liệt.

Tiểu bang Alabama là một trong những địa phương có tỷ lệ chích ngừa thấp nhất nước Mỹ, chỉ có 33.9% người được chích hoàn toàn, 41.6% được chích ít nhất một mũi.

Hơn 95% ca nhiễm mới tại Alabama hiện nay đều là những người chưa chích ngừa.

(MPL)

Nhiều người Nhật từ chối điều trị để được chết già tự nhiên

Nhiều người Nhật từ chối điều trị để được chết già tự nhiên

Người vợ mất trí và khó ăn, thay vì đặt ống thông, người chồng chỉ bón 2 gói thạch mỗi ngày, cuối cùng bà ra đi trong yên lặng. 

Giáo sư lão khoa Masahiro Akishita thuộc Đại học Tokyo, đồng thời là chủ tịch hiệp hội Lão khoa Nhật Bản cho biết việc hồi sức tim, phổi hoặc sử dụng dinh dưỡng nhân tạo kéo dài sự sống với người già đang giảm dần hiện nay.

Masahiro Akishita tiền thân là một bác sĩ phẫu thuật mạch máu hàng đầu Nhật Bản, từng được đánh giá là một trong 100 bác sĩ giỏi nhất nước này. Ông cho biết, mặc dù bản thân luôn tin rằng chiến đấu với bệnh tật là nhiệm vụ của bác sĩ và “cái chết là sự thua cuộc với Thần Chết”, tuy nhiên, khi đối mặt với các căn bệnh của người già, đặc biệt là những bệnh nhân không thể điều trị, ông bắt đầu nhận ra một thực tế: dù y tế có tiến bộ thế nào đi nữa, không có cách nào để tạo nên một sức nặng đối trọng với sự lão hóa tự nhiên.

Masahiro Akishita từng thăm nhà tế bần St Christopher’s Hospice, Anh. Nơi này đã đánh dấu sự thay đổi trong cách nhìn của ông về cuộc sống. Ở đây, ông chứng kiến những người bệnh ung thư giai đoạn cuối được chăm sóc giảm nhẹ, thay vì dành thời gian để loại bỏ cơn đau bằng cách sử dụng máy móc y tế, họ vẽ tranh, chơi piano, hút xì gà… Trong những giờ phút cuối đời, họ làm những điều mình muốn, và đó là “những khoảnh khắc có ý nghĩa phi thường”.

Với những trải nghiệm sau chuyến đi, bác sĩ người Nhật rời viện nơi mình đang công tác và đến một viện dưỡng lão mới, nơi đang gặp khó khăn vì thiếu bác sĩ. Tại đây, ông cùng cộng sự chia sẻ cách chăm sóc bệnh nhân trong những ngày cuối đời, cùng thảo luận với người nhà họ về việc làm thế nào để người bệnh được giảm thiểu tác động y tế (ví dụ như đặt ống xông dạ dày nếu gặp khó khăn khi ăn uống).

Câu chuyện ly nước tùy chỉnh trên đảo Miyakejima

Tiến sĩ Masahiro Akishita đã trải nghiệm những ca khiến ông suy nghĩ sâu sắc về giá trị của việc lựa chọn “chết già”. Ví dụ như một phụ nữ quê ở đảo Miyakejima, thuộc quần đảo Izu, Nhật Bản. Người bệnh trong quá trình ăn, thức ăn lọt vào đường khí quản, gây viêm phổi. Bác sĩ đề nghị đặt ống thông qua đường mũi để cung cấp dinh dưỡng.

Tuy nhiên, người con trai của bệnh nhân nói: “Trên đảo của chúng tôi, nếu một người quá già để ăn, chỉ nên đặt ly nước ở bên cạnh. Nếu người đó vẫn còn sức sống, họ sẽ vươn ra để uống ly nước. Còn nếu không thể làm điều đó, hãy cứ để cho họ như vậy. Tôi không thể từ chối việc đặt nội khí quản cho mẹ, nhưng thật đau đớn khi thấy mẹ phải ăn đường ống”.

Người đàn ông nói với bác sĩ, cái chết là một sự thật tự nhiên không thể bị xâm phạm với những người dân trên đảo. Anh đã quen với sự ra đi yên bình như thế của những người thân thiết theo cách đó. Đến nay, văn hóa ấy không còn, thay vào đó, nhiều người già ở trên đảo sẽ kết thúc cuộc sống trong một bệnh viện, nhưng anh cho rằng cách truyền thống sẽ tốt hơn. 

Trải nghiệm thứ hai mà bác sĩ người Nhật trải qua, là quá trình điều trị cho một cặp vợ chồng già. Người vợ mắc chứng mất trí nhớ và gặp vấn đề về ăn uống, rất khó để nuốt ngay cả những thức ăn đơn giản nhất, bà được gửi tới viện dưỡng lão, còn người chồng một mình ở nhà, mỗi ngày đều vào thăm vợ hai lượt, điều này kéo dài một năm rưỡi.

Người chồng thay vì đặt ống thông cho vợ, ép buộc vợ ăn, ông nhẫn nại chăm sóc vợ với mỗi ngày hai gói thạch, mỗi gói 300 calo. Mặc dù tổng lượng calo bà nạp vào người chỉ 600 calo/ngày, mà theo bác sĩ là “không đủ để duy trì sự sống”, chồng bà không muốn làm vợ khổ bằng cách đặt ống. 

Ông nói thời trẻ vợ đã chăm sóc ông rất tốt, giờ là lúc ông đền đáp lại, và “hãy để cô ấy ăn những gì có thể”. Thời gian ngủ của bà cụ mỗi ngày một dài, và cuối cùng, một ngày, bà ra đi trong yên lặng. Không ép ăn, không đặt nội khí quản, chỉ đồng hành bên người vợ trong suốt hành trình chăm sóc, đó là lựa chọn của người chồng.

Khảo sát mới nhất của Nhật Bản cho thấy, 90% người Nhật trên 55 tuổi từ chối chấp nhận điều trị y tế kéo dài cuộc sống, trái lại, muốn để cái chết diễn ra một cách tự nhiên. Đối với họ, “chết già” là lời tạm biệt đẹp đẽ nhất với cuộc đời.

Tờ The Asahi Shimbun đưa tin, ngày càng nhiều người Nhật “chết tự nhiên” do tuổi già, đây hiện được xếp là nguyên nhân thứ ba gây tử vong sau ung thư và tim mạch, theo thống kê của Bộ Y Tế. 

Tỷ lệ người Nhật chọn cách chết già tăng cao từ năm 2010 trở lại đây. 
Tỷ lệ người Nhật chọn cách chết già tăng cao từ năm 2010 trở lại đây. 

Sự gia tăng số người mất vì tuổi già một phần do ngày càng nhiều người chọn mất ở nhà riêng hoặc các cơ sở chăm sóc điều dưỡng, thay vì đến bệnh viện và sử dụng các liệu pháp kéo dài cuộc sống.

Thùy Linh (Theo Asahi, Cmoney)