BIỂU TƯỢNG LẠC HẬU

BIỂU TƯỢNG LẠC HẬU

 Lưu Thiên Lý

Hơn một trăm năm trước.

Năm 1917, tại đất nước Nga, bên trời Âu, đã xảy ra cuộc chính biến lật đổ chế độ phong kiến Nga Hoàng, thay vào là một chế độ cai trị chuyên chế dưới nhãn hiệu Xô Viết. Chế độ mới lên cầm quyền tại Nga giương ngọn cờ màu “máu đỏ” làm nền, nổi bật với hình tượng hai vật thể đan chéo nhau, cây búa và cái liềm màu vàng, được xưng tụng là biểu tượng của lực lượng nổi dậy gồm hai giai cấp vô sản bị “bóc lột” trong xã hội nước Nga thời ấy.

Trong ý nghĩa đó, hình cây búa là biểu tượng của lực lượng công nhân, đã liên kết với giai cấp nông dân lấy biểu tượng cái liềm, hiệp lực cướp chính quyền.

Cuộc chính biến tại Nga được mệnh danh là “Cách mạng vô sản”, hay “Cách mạng tháng Mười” do đảng Cộng sản xử dụng chủ thuyết đấu tranh giai cấp của Karl Marx làm nền tảng hoạt động, đặt dưới quyền lãnh đạo của Vladimir Lenin chiếm quyền cai trị, thay đổi quốc hiệu nước Nga thành Cộng Hòa Liên Bang Xô Viết.

Sau 74 năm tồn tại.

Vào năm 1991, lá quốc kỳ búa liềm của Cộng Hòa Liên Bang Xô Viết đã bị chính những thành phần cấp tiến trong nội bộ đảng cộng sản Liên Xô hạ xuống, dẹp bỏ không thương tiếc trên toàn lãnh thổ liên bang. Thay vào, lá quốc kỳ tam sắc của chế độ Nga Hoàng trước kia lại được phất phới kéo lên, kèm theo quốc hiệu mới, Cộng Hòa Liên Bang Nga.

Điểm lại hai biến cố lịch sử nêu trên trong thế kỷ 20, vốn từ lòng tin vào ý nghĩa cách mạng tốt đẹp của biểu tượng “búa, liềm” mà đảng cộng sản Nga khuấy động, nhằm so sánh với dòng phát triển trí tuệ của nhân loại khối tự do trong thế kỷ qua, để minh chứng sự thất bại tất yếu của toàn thể khối “búa liềm cộng sản”.

Chuyện“búa và liềm”. Khởi đi từ thế kỷ thứ 19.

Cơ sở nền tảng văn minh “cơ khí học” của phương Tây được tổ chức hoàn thiện.

Trước nhất là những dụng cụ kỹ thuật căn bản, chế tạo bằng kim loại gang, sắt, thép, đồng, như: dao, kéo, búa, kìm, cưa, đục … cung cấp cho những xưởng thợ chuyên sản xuất hàng hóa gia dụng số lượng lớn, để từ đó hình thành tầng lớp công nhân.

Cây “búa” để đập, đóng, cùng với cái “kìm” dùng để giữ chặt vật liệu là hai dụng cụ đầu tiên mà mọi công nhân đều phải thực hành thành thạo trong các xưởng thợ.

Cùng vào thời đại ấy, đối với nhà nông, cái “liềm” để gặt lúa mì cũng là một dụng cụ thiết yếu trong công việc đồng áng, sản xuất ra lương thực phục vụ đời sống người dân trong xã hội.

Bước sang thế kỷ 20. Hình ảnh của cây búa và cái liềm đã bị chọn làm biểu tượng đề cao hai lực lượng sản xuất, mà đảng cộng sản “đệ Tam Quốc Tế Nga” cho là “bị bóc lột” đem gắn lên nền lá cờ màu đỏ thể hiện ý chí đấu tranh cách mạng một mất một còn, nhằm mục đích khích động tinh thần bất mãn, xử dụng bạo lực đối kháng trong tầng lớp người lao động chiếm đa số giữa xã hội đương thời.

Kết quả, cuộc cách mạng “búa liềm” năm 1917 tại Nga đã thành công.

Đó là chuyện từ hơn 100 năm trước.

Bên ngoài thế giới cộng sản, một nửa nhân loại văn minh tiến bước vào thế kỷ 21.

Biết bao tiến bộ khoa học kỹ thuật phát minh lần lượt được áp dụng. Biết bao biến cố thăng tiến chính trị làm thay đổi bộ mặt xã hội toàn cầu. Máy móc vạn năng dần dần thay thế cho sức lao động tay chân của con người. Hầu hết các ngành sản xuất công nghiệp lẫn nông nghiệp đều đã được phân loại tính năng kỹ thuật, xếp vào những hạng mục công trình chuyên môn, áp dụng theo từng dây chuyền sản xuất khoa học, bảo đảm chất lượng và sản lượng cao.

Nếu xưa kia, giai cấp thợ thuyền từng đổi bát mồ hôi lấy bát cơm, giai cấp nông dân một nắng hai sương thu hoạch vụ mùa, thì nay, theo đà thời gian tiến hóa, cả hai giai cấp lao động đều dần dần được chuyển đổi vào các phương thức sản xuất mới mẻ, nhẹ nhàng, nhờ bởi vô số những phát minh kỹ thuật, hữu hiệu gấp trăm, gấp ngàn lần thời buổi sơ khai “cách mạng tháng Mười 1917”.

Nhân loại thực sự chuyển mình bước vào giai đoạn kỹ nghệ hóa, tự động hóa. Cây búa trong xưởng thợ hay cái liềm ngoài ruộng đồng ngày nay đã trở thành những dụng cụ lạc hậu lỗi thời, kém hiệu quả sản xuất, không còn tồn tại trong hầu hết đôi bàn tay của lực lượng lao động tập thể công, nông.

Thế kỷ 21. Trong khắp công xưởng những cổ máy đóng, máy cắt, máy ép, máy hàn, máy kéo, người máy robot đủ loại lớn nhỏ, đã thay thế hẳn chức năng cây búa.

Lực lượng công nhân tiến bộ trên toàn thế giới ngày nay không chấp nhận hình ảnh cây búa thô sơ của hơn 100 năm trước là biểu tượng cho giới sản xuất hiện đại.

Nhìn thẳng vào giá trị thực tại, cây búa đóng đinh giờ đây chỉ là một đồ vật gia dụng nhỏ bé rẻ tiền thường xuyên nằm ụ, bất động trong hộp đồ nghề tại các tư gia.

Cái liềm gặt lúa cũng biến mất, không còn là dụng cụ trên ruộng đồng, bởi vì, đâu đâu cũng đã xuất hiện các loại máy liên hợp gặt đập lúa cở lớn, cở nhỏ trong mỗi vụ mùa thu hoạch của nhà nông khắp năm châu.

Kỹ nghệ hóa cộng với tự động hóa chính là thành tựu của trí tuệ con người dưới thể chế tự do, giúp thăng tiến nền sản xuất toàn cầu, bao gồm luôn những đất nước vẫn còn bị chìm đắm trong cơn mê chủ thuyết lạc hậu Marx-Lenin.

Trí tuệ đã thực sự làm chủ đời sống loài người, không cần đến loại bạo lực đấu tranh “giải phóng”, đấu tố thủ tiêu tương tàn man rợ, mà cộng sản quốc tế từng gieo rắc kinh hoàng trên gần bán phần địa cầu trong thế kỷ trước.

Trí tuệ thế kỷ 21 thật sự đã đánh bật chủ thuyết hoang tưởng “cộng sản” xuất hiện vào đầu thế kỷ 20, tan biến khỏi con đường tiến hóa của nhân loại.

Có trên dưới 200 quốc gia kề vai trong tổ chức Liên Hiệp Quốc cùng gìn giữ hòa bình, củng cố phát triển trên hành tinh trái đất, hiện nay chỉ sót lại vỏn vẹn có 3 quốc gia châu Á, là: Trung Cộng, Việt Nam cộng sản, Bắc Triều Tiên, vẫn còn cam chịu ách thống trị độc đảng mê muội, gian hùng, tráo trở, không hổ thẹn, không chùng tay, khi vẫn khư khư nấp bóng dưới lá cờ máu mang hai biểu tượng của sự lạc hậu là cây búa và cái liềm.

Thực trạng đời sống cho thấy rõ, người dân của ba quốc gia Á châu bất hạnh kể trên đang cùng chung một chịu đựng khốn khó cay nghiệt hơn cả thời phong kiến Nga Hoàng. Cần phải kể ra tại Việt Nam, như:

– Giai cấp nông dân bị cán bộ cộng sản cầm quyền ức hiếp đuổi nhà, cưỡng chiếm đất đai, mất hết phương tiện sinh sống, nâng con số dân oan khiếu kiện tăng lên hàng chục vạn người, nền tảng đạo đức xã hội băng hoại, tệ nạn xã hội hoành hành.

– Giai cấp công nhân bị hệ thống buôn dân, bán nước, chèn ép, lường gạt, ăn chận, cướp công, xảy ra khắp nơi, lâm cảnh thất nghiệp, bế tắc sinh kế.

– Tệ nạn bè phái tham nhũng đục khoét công quỹ hoành hành trong hầu hết cơ quan ban ngành trên cả nước, từ trung ương xuống đến địa phương làng, xã.

– Công nợ nhà nước bội tăng hàng năm. Số lượng doanh nghiệp sản xuất bị rút ruột sạch vốn, liên tiếp công bố phá sản, gây ra nạn suy trầm kinh tế không có lối thoát.

Kết luận

Tầng lớp công, nông toàn cầu đang tiếp nối phát triển theo kỷ nguyên thời đại mới. Trong khi cây búa và cái liềm mà các chế độ cộng sản tôn vinh là biểu tượng, tự nó đã thoái thân trở thành đồ vật rẻ tiền nhỏ bé, trì trệ, lạc hậu, không có giá trị mang lại hiệu quả thực chất cho đời sống con người giữa cao trào nhân loại tiến triển vượt bậc.

Toàn cảnh xã hội ngày nay đã bước khoảng cách rất xa, hơn hẳn 100 năm trước.

Có một điều chắc chắn, các thế hệ nhân loại sinh ra và lớn lên trước hoặc sau năm 2000, thế kỷ 21, đến nay vừa tròn tuổi trưởng thành, như Joshua Wong và Denise Ho của xứ sở Hồng Kông, đều không biết, hoặc không cần biết, hoặc thậm chí không thể ngờ, về sự đa dụng của cây búa và cái liềm đến độ đã từng gây nên những cơn bão máu trầm luân, thảm sát hàng triệu con người đồng loại, được ghi lại trên nhiều trang sử thời tiền bán thế kỷ 20. Với thế hệ đang tuổi trưởng thành, nếu họ biết đến cây búa hay cái liềm, thì cũng chỉ là 2 vật dụng thô sơ, hạ tiện còn tồn tại mà trí tuệ chẳng bao giờ cần thiết chạm đến nó.

Vậy mà, vẫn còn có một nhóm đầu óc vữa vụn hoang mê, vừa to mồm tô đậm chủ thuyết cộng sản ngoại lai dưới lá cờ “búa liềm”, vừa  công khai thú nhận nghi ngờ “không biết chắc” cho tới cuối thế kỷ 21 này, tức là gần ngót 2 thế kỷ xuất hiện, đảng cộng sản của họ sẽ “có hay không đủ” khả năng xây dựng cho xong cái hình thù xã hội chủ nghĩa theo kiểu Mác-Lê, hoặc, hình thù xã hội chủ nghĩa cải lương kiểu Mao-Tập (?); đã vậy, họ lại vừa dùng mánh khóe gian hùng cố hữu, bám chắc chiếc ghế thống trị quyền uy, duy trì biện pháp xử dụng bạo lực, tù đày, để đàn áp khát vọng tự do, dân chủ của muôn triệu dân lành.

Bất hạnh thay, đảng cộng sản sau hơn 70 năm thống trị, đã cho thấy, chỉ là một thiểu số não trạng xơ cứng kém phẩm chất, thiếu kiến thức, vô lương tâm, có biệt tài luồng lách hiến đất, dâng biển cho ngoại bang phương bắc, khoác lác che giấu hành vi bán rẻ giang sơn để làm giàu cho bè nhóm, sống vinh thân phì gia ích kỷ, hủy hoại giá trị truyền thống văn minh và công lao dựng nước hàng nghìn năm của dân tộc Việt, giữa thời đại trí tuệ ngày càng vươn cao trong cộng đồng nhân loại.

Chẳng thể tin được rằng, một dân tộc từng dựng nước qua 4 nghìn năm văn hiến, ngày nay lại không còn có đủ năng lực và trí tuệ để loại trừ, vứt bỏ 2 biểu tượng lạc hậu “búa, liềm” vô trí, vô thức, vô nghĩa, đã, đang, và sẽ còn đè nặng lên đời sống xã hội, tiếp tục cản trở con đường hướng tới tương lai của dân tộc Việt.

Lưu Thiên Lý

Montreal, 2019

From: Bác sĩ: Hạnh Văn Phùng

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay