PHỤC VỤ VÀ HIỆN DIỆN

PHỤC VỤ VÀ HIỆN DIỆN

Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.

Cô Son, nữ tu Dòng Nữ Vương Hòa Bình, phụ trách giáo lý dự tòng và giáo lý hôn nhân cho người Dân Tộc.  Nếu anh chị em Dân Tộc ở gần thì cô sắp xếp lớp ở nhà xứ để họ đến học, còn những người ở xa thì cô phải lặn lội đi vào buôn để dạy.  Sáng nọ cô vào làng dạy giáo lý hôn nhân cho sáu cặp mà ngồi chờ hơn tiếng chẳng thấy ai đến học, thông thường các cô khác thì đã đi về rồi, nhưng cô Son cố nán lại trong buôn để đi tìm, đến nhà cụ Lép hỏi con bà, Lợi, ở đâu mà không thấy đến lớp học giáo lý.  Bà nói nó đang ở nhà Dí, thế là cô đi tìm hỏi nhà Dí.  Đến nhà Dí thấy Lợi cùng với mấy người bạn đang khề khà mấy hạt đậu phụng với rượu đế.  Cô nói hôm nay có học mà sao không đến.  Lợi nói quên, bây giờ lỡ uống rượu rồi nên không đi học nữa.  Cô nói Lợi để rượu đó, đi học về rồi uống tiếp, nhưng Lợi không chịu.  Cô nài nỉ mãi thì Lợi nói cô về lớp trước đi, rồi Lợi sẽ đến liền.  Cô không đi, vì cô biết nếu cô đến lớp chờ thì Lợi cũng chẳng ló mặt đến.  Cô nói: “Tôi không đi đâu, tôi cứ ngồi đây chờ anh.  Tôi đến lớp từ sáng đến giờ và đã chờ gần hai tiếng rồi.”  Lợi nghe cô nói thì động lòng, cô đã bỏ công việc bề bộn của giáo xứ để lặn lội chạy xe vào làng để dạy, rồi lại còn kiên nhẫn ngồi chờ mình gần hai tiếng, nên Lợi ngưng ngay rượu để đi học.  Thế là tóm được một anh!  Lợi dẫn cô đi tìm mấy người kia, chỉ một chặp là có đủ mặt, và lớp học lại tiếp tục, dù trễ hơn hai tiếng.

Anh chị em Dân Tộc đối xử với nhau đầy tình người như vậy đó.  Các anh chị em đến học vì thấy cô đã chờ mình gần hai tiếng đồng hồ, họ thấy tội nghiệp khi cô phải lủi thủi đi về.  Còn chuyện cô vào mà không có người nào học để rồi lần sau không vào nữa thì họ chẳng quan tâm.  Đời sống của họ chẳng biết suy nghĩ về tương lai, anh chị em Dân Tộc chỉ sống thì hiện tại mà thôi.  Họ kiếm được tiền hôm nay thì vui hôm nay, còn ngày mai thì họ chẳng màng tới.  Ngày trước đã có nhiều cô vào trước để dạy nhưng thường bỏ ngang khóa học vì không hiểu được đời sống của người Dân Tộc và cũng chẳng cảm thông với não trạng và tâm tình của họ.  Nếu đến với người Dân Tộc chỉ bằng cái đầu logic và luật lệ thì không thể đến được với anh chị em Dân Tộc được.  Muốn đến với họ thì phải đến bằng trái tim để có thể cảm thông.  Cách hành xử của anh chị em Dân Tộc là cách hành xử của con tim.

Sau khóa học có thánh lễ hợp thức hóa các đôi hôn nhân tại nhà thờ giáo xứ.  Trước thánh lễ cô đã đếm đủ sáu cặp rồi, nhưng đến khi đọc lời thề hứa của từng cặp thì không biết sao lại mất đi một cặp.  Kiểm tra lại thì thấy thiếu cặp vợ chồng Hua.  Đi tìm quanh nhà xứ cũng chẳng thấy đâu.  Cô hỏi thăm cặp vợ chồng Hua đâu thì có người bảo họ đã đi về rồi.  Hỏi tại sao về thì chẳng ai biết, thế là cô nhờ một anh Dân Tộc đi với cô về lại buôn tìm Hua.  Đến nhà Hua thấy hai vợ chồng ngồi mỗi người một góc.  Hua đang chửi vợ như tát nước, thiếu điều muốn bỏ vợ.  Cô hỏi sao mà bỏ thánh lễ về ngang như vậy thì mới biết bà vợ đang bồng con dự lễ thì đứa nhỏ… tè ra ướt hết cả áo, nên đi về nhà thay áo khác.  Nhưng ở nhà làm gì có cái áo nào ra hồn để thay, nên không trở lại dự lễ nữa.  Cô năn nỉ mãi một chập sau hai vợ chồng mới chịu theo cô trở lại nhà thờ.  Khi đến nhà thờ thì lễ đã xong, cha xứ phải làm một phần riêng cho hai vợ chồng.  Phục vụ cho anh chị em Dân Tộc là thế đó, nếu cứ thẳng thừng như kiểu người Kinh thì chắc không ổn.  Làm việc với họ cần kiên nhẫn và sự cảm thông nhiều lắm.

Đến với anh chị em Dân Tộc mà chỉ biết những lý lẽ và nguyên tắc của người Kinh thì họ khó mà đón nhận.  Một lần tôi đi với một anh giáo lý viên vào buôn lúc buổi chiều, đến cái chòi của một gia đình Dân Tộc thì chúng tôi được mời ăn tối.  Họ dọn lên bốn trái bắp nướng.  Anh giáo lý viên cầm một trái bắp nướng ăn, tôi cũng cầm một trái ăn, còn vợ chồng anh Dân Tộc và bốn đứa nhỏ ngồi coi chúng tôi ăn.  Tôi hỏi nhỏ anh giáo lý viên sao họ không ngồi ăn chung thì mới biết rằng bốn trái bắp nướng này là phần ăn tối của cả gia đình.  Họ đã nhường cho những người bạn của họ ăn.  Mà chúng tôi không ăn không được, vì không ăn là từ chối tình thương của họ và họ sẽ không coi chúng tôi là bạn.  Tôi ăn trái bắp mà nuốt không trôi, một phần vì bắp vàng rất cứng, bắp đã được hong khô bằng khói trên bếp để có thể để được lâu, rồi bây giờ nướng lên để ăn nên cứng kinh khủng, một phần là tôi đang ăn bữa ăn tối của họ và họ sẽ nhịn ăn tối đó, nên tôi ăn từng hạt mà như muốn mắc nghẹn đâu đó trong cổ họng.  Đó là văn hóa của người Dân Tộc, như người Kinh có mời khách bất ngờ ăn chẳng qua là mời xã giao vì cơm chỉ nấu đủ cho gia đình hôm đó.  Nghe mời lơi mà tưởng thiệt ngồi vào ăn thì nhiều chuyện đáng tiếc xảy ra.  Với người Dân Tộc thì không có mời lơi, khi họ mời là mời thiệt tình, họ nghĩ mình không ăn là khinh họ và không coi họ là bạn.

Một lần tôi ghé thăm nhà các cô giáo lý viên ăn trưa, phần cơm nấu cho năm cô và tôi là sáu.  Đang ăn thì ba anh Dân Tộc đem măng trong buôn ra nhà các cô để đổi gạo.  Các cô kêu vào ăn chung luôn vì họ đi chặt măng trong rừng từ sáng, rồi mang ra nhà các cô thì chắc chắn chưa có gì trong bụng, và lát nữa đây họ lại đi bộ hai ba tiếng về làng.  Một chập sau có thêm hai chị Dân Tộc ở buôn khác đem chuối ra đổi gạo và cũng được kêu vào ăn.  Vài phút sau lại có một nhóm năm anh em giáo lý viên Dân Tộc ghé ngang chơi cũng ngồi hết vào bàn và mọi người cùng vui.  Phần cơm cho sáu người nay phục vụ cho mười sáu người, thay vì mỗi người ăn hai chén hơn thì nay mỗi người ăn một chén và mọi người cùng vui.  Hôm đó tôi ăn một chén cơm thôi nhưng no thật sự vì một chén cơm đầy hương vị tình người.

Tôi đến phục vụ anh chị em Dân Tộc và thường hay có thái độ ban cho, các cô giáo lý viên đã dạy tôi cách sống phục vụ thật sự là hiện diện với anh chị em Dân Tộc.  Làm cho người khác thì dễ hơn là làm với người khác, và sống với người khác thì còn khó hơn nữa.  Thiên Chúa đã vì quá yêu nhân loại mà hạ mình đến thế gian để sống với con người.  Phục vụ như Marta là điều tốt nhưng hiện diện như Maria thì quý hơn (Lc 10:38-42).

Lạy Chúa, xin cảm hóa tâm hồn con để con biết Phục Vụ anh chị em với thái độ Hiện Diện như Chúa đã sống.  Sống trong một thế giới nặng phần sản xuất càng nhiều càng tốt nên con thường có thái độ làm cho nhiều mà quên đi thái độ cảm thông của con tim.  Xin Chúa cho con cảm nghiệm Tình Chúa thật nhiều để con lúc nào cũng mang lấy tâm tình của Chúa trên đường lữ hành.  Amen!

Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay