From: Kimtrong Lam
(Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh)
Qua nhiều bài viết về y khoa, nhiều người nhận xét là, tôi rất tự nhiên, “tâm tình” với bệnh nhân cũng như với bạn đọc, và được cho rằng, đây là một ưu điểm. Bài viết sau đây, là một “tâm tình”, để trả lời các thắc mắc của nhiều bệnh nhân, và để cho bạn đọc hiểu được những gì mà bác sĩ của bạn phải trải qua, khi chọn ngành y là nghề và còn là nghiệp. Bài viết cũng nhằm giúp đỡ cho quý vị có con em muốn theo đuổi ngành Y Khoa ở Mỹ để hướng dẫn con em mình hữu hiệu hơn.
Mỗi nước có một khuôn mẫu giáo dục khác nhau để đào tạo “thầy thuốc”, gọi là “bác sĩ”. Tôi chỉ biết về hệ thống, quy trình huấn luyện một bác sĩ ở Mỹ, và xin trình bày dưới đây.
Khác với nhiều nước, như ở Việt Nam hay ở bên Pháp chẳng hạn, sau khi tốt nghiệp trung học, sinh viên ở Mỹ không phải thi vào trường Y Khoa ngay, mà có thể theo học bất cứ một ngành nghề nào mà mình ưa thích, thí dụ như Kỹ Sư (Engineering), Giáo Dục (Education), Tin Học (Computer Science), Văn Chương (Literature)… hoặc thậm chí nghề nấu nướng. Tuyển sinh vào trường Y cũng không hạn chế tuổi tác. Tuy nhiên, điều bắt buộc là các tuyển sinh phải học đủ các môn học cơ bản gọi là Basic Science như Hoá Học Hữu Cơ (Organic Chemistry), Sinh Vật Học (Biology), Sinh Hoá (Biochemistry) … học trình tạm gọi là Dự Bị Y Khoa (Pre-Med). Sớm nhất là sau 3 năm đại học, tuyển sinh phải đi thi một kỳ thi chuẩn cho toàn quốc (standard test) gọi là MCAT (Medical College Admission Test). Dựa trên số điểm trung bình của các lớp học (GPA), điểm MCAT, các hoạt động xã hội, thể thao, và thư giới thiệu của các giáo sư, tuyển sinh sẽ được mời đi phỏng vấn, và hy vọng được cho nhận vào trường Y. Điểm càng cao, thư giới thiệu càng tốt sẽ được nhận vào những trường danh tiếng. Một học sinh xuất sắc có thể được nhận vào trường Y sau 3 năm mà không cần phải tốt nghiệp văn bằng cử Nhân. Tuy nhiên, trường y khoa vẫn thích nhận những thí sinh đã “dày dặn”, có kinh nghiệm đời, và có sự phát triển toàn diện về mọi mặt chứ không phải là… “con mọt sách”.
Thí dụ, trong lớp của tôi, khi vào y khoa năm đầu, độ tuổi từ 19 đến 39. Có người đã có văn bằng tiến sĩ, luật sư, hay nha sĩ, hoặc đại úy Thuỷ Quân Lục Chiến đã từng tham chiến tại Việt Nam… Có người đã đi hành nghề thầu khoán xây cất nhà cửa được 5 năm, và cũng có người là ngư phủ đánh cá vùng Pensacola, Florida, trước khi quyết định đi học lại. Tôi có một người bạn học về ngành Nhân Chủng Học và Khảo Cổ đã từng phơi nắng ở những sa mạc bên Phi Châu hay tắm mưa ở rừng già Amazon, Nam Mỹ. Vì sự đa dạng của lớp học, có thể nhà trường nhận thêm tôi, một thuyền nhân (boat people) chân ướt chân ráo mới tới Mỹ, năm 1979, cho đủ bộ sưu tập!
Kế đến, học trình Y Khoa gồm 4 năm, hai năm đầu học về lý thuyết và 2 năm sau đi thực tập lâm sàng trong bệnh viện, với năm cuối bắt đầu đóng vai trò một tân bác sĩ. Ngoài những bài thi, trước khi tốt nghiệp sinh viên phải trải qua hai kỳ thi chuẩn toàn quốc khác gọi là National Board và FLEX. Năm cuối cùng, một lần nữa, sinh viên lại nộp đơn và đi phỏng vấn để tiếp tục học Nội Trú chuyên ngành thêm từ 3 đến 5 năm sau khi tốt nghiệp văn bằng Bác Sĩ Tổng Quát. Trong trường hợp của tôi, chọn đi học ngành Sản Phụ Khoa thêm 4 năm.
Sau khi học xong chuyên khoa thì bác sĩ có thể đi hành nghề. Thường thường sau 2 năm hành nghề, bác sĩ lại phải trải qua một kỳ thi khác gọi là Specialty Board bao gồm hai phần: thi viết, và thi vấn đáp. Bác sĩ không nhất thiết phải đậu bằng “Board Certified” để hành nghề, nhưng nếu có bằng thì danh chính ngôn thuận hơn. Tùy theo chuyên ngành, cứ mỗi 3 năm đến 6 năm thì phải đi thi lại một lần. Riêng ngành Sản Phụ Khoa, mỗi năm các bác sĩ phải đọc một số nghiên cứu mỗi tháng để trả lời các câu hỏi, và cứ 6 năm thì phải “khăn gói” đi thi viết một lần.
Trong ngành Sản Phụ Khoa, nếu muốn học thêm “chuyên sâu” gọi là “Sub-Specialty” thì có 4 sự lựa chọn: High-Risk OB (Perinatology) chuyên trị những ca có thai khó như mang thai nhiều em bé chẳng hạn; Hiếm Muộn Thụ Thai Trong Ống Nghiệm (Reproductive Endocrinology and Infertility); Ung Thư Phụ Nữ (Gynecology Oncology) và Chuyên Mổ những ca khó của phụ nữ ( Uro-Gyn, Pelvic Reconstructive Surgery). Học trình sẽ tốn thêm từ 2 đến 4 năm và cũng trải qua thêm những chế độ thi cử như thi viết, thi vấn đáp, thi Board. Riêng ngành Hiếm Muộn mà tôi theo đuổi, sau 2 hoặc 3 năm học, các “môn sinh” phải đi làm nghiên cứu khoa học thêm một năm và phải bảo vệ luận án (thesis) trước một hội đồng giám định trước khi cho cấp bằng “Board Certified”.
Bây giờ xin nói đến vấn đề không kém quan trọng: tài chánh.
Qua một học trình dài như trình bày trên đây, hầu hết, các tân bác sĩ ra trường sẽ mắc nợ đầy đầu. Cũng may là nước Mỹ đã tạo điều kiện cho sinh viên có thể mượn tiền đi học. Tuy nhiên, hiện nay trung bình một bác sĩ mới ra trường mắc nợ khoảng $250,000.
Trong khi đó, chế độ lương bổng ngày càng khó khăn. Trước năm 1975, tại Mỹ, các hãng bảo hiểm trả tiền cho bác sĩ khá dễ dàng, không giới hạn mức tối đa hay tối thiểu. Thí dụ, bác sĩ A tính bảo hiểm $100 cho mỗi lần khám, trong khi bác sĩ B tính $50, vì sự “kính trọng giá trị trí thức” các hãng bảo hiểm sẽ trả 80% cho mỗi bác sĩ.
Khoảng năm 1982, các hãng bảo hiểm đưa ra chế độ trả tiền tùy theo công việc chữa trị (job, procedure) và tùy theo căn bệnh(diagnosis) nhưng vẫn còn tương đối rộng rãi, tức là cho một khoảng bao dung tối thiểu và tối đa cho mỗi “job”, thí dụ như từ $25 đến $75 cho mỗi lần khám bệnh. Dần dà, hiện nay, chỉ có một giá cho mỗi “job” và trong 10 năm qua, đi ngược với lạm phát, tiền hoàn trả càng ngày càng giảm. Thí dụ trái với sự tưởng tượng của bệnh nhân, bảo hiểm trả cho việc chăm sóc thai kỳ 9 tháng 10 ngày luôn cả đỡ đẻ, “trọn gói” từ $1,200 đến $1,400, và nếu sanh mổ thì được trả thêm từ $100 đến $200. (Để so sánh, một người thợ chữa ống nước từ một hãng của Mỹ, trung bình tính tiền thù lao từ $50 đến $75 cho mỗi giờ!). Như thế khi bác quyết định mổ không phải vì tiền mà vì sự an toàn của mẹ và em bé.
Chiều hướng hiện nay về sau, các hãng bảo hiểm sẽ không trả tiền tực tiếp cho bác sĩ, mà trả qua một tập đoàn hay tổ hợp y tế. Vì thế, các bác sĩ ra trường trong tương lai gần hầu như sẽ đi làm thuê cho các tập đoàn y tế như hệ thống Kaiser Permante tại Cali, và được trả lương như một công nhân. Bác sĩ được gọi là “providers” có nghĩa là người cung cấp dịch vụ! Hiện nay lương của một tân bác sĩ chuyên khoa chỉ xấp xỉ lương của một kỹ sư với 5 năm kinh nghiệm. Tôi biết có nhiều cháu đi học về tin học, làm cho các hãng lớn như Google, Microsoft, lương bổng nhiều hơn cả bác sĩ. Bác sĩ hôm nay tuy có an toàn nghề nghiệp, ít bị thất nghiệp, bị “mất job”, nhưng mai sau, nếu là “công nhân phục vụ sức khoẻ”, vẫn có thể bị đuổi việc, nếu không thi hành tốt công việc.
Như thế, chọn theo đuổi ngành Y là vì sở thích, vì đam mê, chọn sự hy sinh và phụng sự cho nhân loại. Phần thưởng lớn nhất cho người thầy thuốc là khi được thấy bệnh nhân khỏe hơn, chứ không phải vì tiền bạc.
Tôi hy vọng bạn đọc, lần tới đi khám bác sĩ, nên có cái nhìn thông cảm và nói với bác sĩ lời “Cám ơn”. Làm như thế là bạn đã tặng cho bác sĩ của mình một món quà quý nhất trong một ngày làm việc cực nhọc. Bạn nhé!
Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh
(Theo nguoi-viet.com)