Tưởng nhớ người mang 219 cô nhi ra khỏi Sài Gòn

Tưởng nhớ người mang 219 cô nhi ra khỏi Sài Gòn

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2015-09-03

09032015-betty-tisdale-A.mp3 Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

Hàng trăm người Việt đã đón mừng bà Betty Tisdale tại phòng sinh hoạt của nhật báo Người Việt ở Westminster chiều 30 tháng Tư năm 2010.

Hàng trăm người Việt đã đón mừng bà Betty Tisdale tại phòng sinh hoạt của nhật báo Người Việt ở Westminster chiều 30 tháng Tư năm 2010.

Photo courtesy Namvietnews

Tưởng nhớ người mang 219 cô nhi ra khỏi Sài Gòn những ngày cuối tháng Tư 1975

Đó là bản tin buổi chiều trên đài truyền hình Hoa Kỳ, nói về bà Betty Tisdale, vừa qua đời ngày 19 tháng Tám năm 2015, hưởng thọ 92 tuổi.

Trong cuộc chiến Việt Nam, bà Betty Tisdale đã cố vận động bằng mọi cách để mang cho được 219 trẻ mồ côi từ cô nhi viện An Lạc ra khỏi Việt Nam trong những giờ phút hấp hối sau cùng của Sài Gòn.

Từ mối duyên nợ gắn bó với cô nhi Việt Nam, điển hình là 5 em gái mồ côi bà nhận làm con nuôi từ năm 1970, trở về Hoa Kỳ bà Betty Tisdale đã sáng lập tổ chức H.A.L.O Helping And Loving Orphans, Giúp Đỡ Và Yêu Thương Trẻ Mồi Côi.

Đó là cách sống của tôi. Bạn phải nghĩ đến kết quả sau cùng của việc bạn đang làm, hãy thực hiện điều gì đó khiến cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn…

Khi loan báo về cái chết của bà Betty Tisdale hôm 19 tháng Tám, bản tin của đài truyền hình tôn vinh bà là một phụ nữ can trường đã cứu vớt biến đổi thật tốt đẹp bao nhiêu cuộc đời bơ vơ non trẻ trên thế giới.

Câu chuyện bà Betty Tisdale và trẻ mồi côi Việt ở cô nhi viện An Lạc sống lại trong trí nhớ người di tản khi bà, năm đó 87 tuổi, xuất hiện trong một buổi tri ân do nhật báo Người Việt tổ chức ở California chiều 30 tháng Tư năm 2010:

Đó là cách sống của tôi. Bạn phải nghĩ đến kết quả sau cùng của việc bạn đang làm, hãy thực hiện điều gì đó khiến cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn…

Bà Betty Tisdale gặp cộng đồng người Việt

Khoảng 300 người đã đến phòng sinh hoạt của nhật báo Người Việt để gặp gỡ và cảm ơn bà Betty Tisdale mà câu chuyện của bà đăng trên báo người Việt khiến mọi người cảm kích, thán phục.

Tại sao phải đến những 35 năm người Việt ở Hoa Kỳ mới gặp người phụ nữ Mỹ có tấm lòng nhân hậu đối với trẻ mồ côi Việt Nam này. Chủ bút Phạm Phú Thiện Giao của báo người Việt giải thích rằng câu chuyện bà Betty Tisdale thì truyền thông Hoa Kỳ nói rất nhiều mà người Việt thế hệ lớn tuổi cũng biết nhưng trước giờ chưa có một cuộc gặp gỡ nào giữa bà Betty Tisdale với cộng đồng Việt Nam cả:

Một lần, một cô nhi ngày xưa bây giờ đã 35 tuổi tên Vũ Tiến Kinh hiện đang sống ở miền Đông Hoa Kỳ, về lại bệnh viên UCLA để tìm lại người bác sĩ đã cứu mình 35 năm trước. Vũ Tiến Kinh là một trong 219 cô nhi được bà Betty Tisdale đưa sang Hoa Kỳ năm 1975.

Tiếp đó, nhật báo Người Việt đưa tin về buổi gặp gỡ giữa Vũ Tiến Kinh và vị bác sĩ ân nhân đã chăm sóc, cứu sống anh khi anh được bốc qua Hoa Kỳ lúc 4 tháng tuổi:

Và chúng tôi tự hỏi như vậy thì người đưa Vũ Tiến Kinh qua đây là ai. Qua tìm hiểu thì chúng rôi biết đó là bà Betty Tisdale, chúng tôi gởi phóng viên qua tận nhà của bà ở Seattle, Washington, để viết lại những gì đã xảy ra 35 năm trước. Có nhiều người khi đọc về câu chuyện của bà Betty Tisdale thì mới hỏi thêm rất nhiều câu hỏi mà chúng tôi không thể trả lời được nên chúng tôi nghĩ rằng tốt nhất là nên tổ chức một cuộc gặp gỡ với cộng đồng. Đây là cuộc gặp gỡ tại báo người Việt nhưng ban tổ chức gồm nhiều cơ quan truyền thông khác như TV, báo, đài phát thanh Việt ngữ ở Quận Cam.

Cùng đi với bà Betty Tisdale khi đó là cô Liên, một trong 5 em bé mồ côi của cô nhi viện An Lạc, được bà nhận làm con nuôi từ năm 1970, cùng với anh Vũ Tiến Kinh là người đã dẫn đến với câu chuyện Betty Tisdale bốc trẻ mồ côi Việt sang Mỹ

Thật lạ, tôi cũng nghĩ tôi gắn bó với Việt Nam và người Việt biết chừng nào. Những việc tôi đã làm cho trẻ mồi côi Việt Nam, tình cảm và sự khâm phục của tôi đối với bà Vũ Thị Ngải, người sáng lập và giám đốc cô nhi viện An Lạc,có thể chứng tỏ điều đó.

Kể lại những giây phút khó khăn mà có lúc tưởng chừng như bế tắc khi cố vận động với Cơ Quan Di Trú Hoa Kỳ cũng như với chính phủ miền Nam lúc đó hầu có thể đưa một lúc 400 em mồ côi và bà Vũ Thị Ngải, người mà bà Betty Tisdale gọi là bà mẹ nhân ái của trẻ mồi côi ở cô nhi viện An Lạc.

Tiếc thay, bà Betty Tisdale kể tiếp lúc ấy chỉ mang được 219 em sơ sinh và dưới 10 tuổi thay vì hết cả 400 như dự tính.

Ngày 12 tháng Tư 1975, chiếc phi cơ vận tải quân sự chở 219 cô nhi Việt Nam phải đáp khẩn cấp xuống phi trường Los Angeles vì một số em nhỏ quá yếu không thể bay tiếp đến Fort Benning ở Georgia là nơi mà bà Betty Tisdale muốn đưa hết về đó để tìm cha mẹ nuôi cho các em.

Bà Betty Tisdale

Bà Betty Tisdale

Một trong những bé được đưa ra khỏi máy bay lúc ấy, thẳng đến bệnh viện UCLA, chính là Vũ Tiến Kinh mà bây giờ đã lớn và trở thành một giáo viên:

Tôi luôn nhớ ơn và coi bà như một bà mẹ đã ôm tôi trong tay, mang tôi đến một cuộc đời mới 35 năm về trước, khi mà tôi chưa đủ trí khôn để cảm nhận điều gì xảy ra.

Cách đây mấy tuần tôi đi dự một buổi họp mặt của khoảng 60 đứa trẻ An Lạc tôi mang qua Hoa Kỳ mà nay đều đã lớn. Những đứa con ấy gần như không biết gì về Việt Nam, chúng không nói được tiếng Việt trong lúc tôi biết chúng là người Việt

bà Betty Tisdale

Trước một cử tọa đang xúc động lắng nghe từng lời kể của mình, bà Betty Tisdale Tisdale luôn miệng nhắc nhở Madame Ngải, tức bà Vũ Thị Ngải, giám đốc viện mồ côi An Lạc, đã phải ở lại cùng những em nhỏ không đi được.

Bà nói như tâm sự:

Cách đây mấy tuần tôi đi dự một buổi họp mặt của khoảng 60 đứa trẻ An Lạc tôi mang qua Hoa Kỳ mà nay đều đã lớn. Những đứa con ấy gần như không biết gì về Việt Nam, chúng không nói được tiếng Việt trong lúc tôi biết chúng là người Việt

Và rồi bổng dưng như hôm nay, nhờ cuộc gặp gỡ này, bản thân tôi bỗng nhận ra có một cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ biết về tôi và rất gần với tôi mà bao lâu tôi không hề nghĩ tới.

Cuốn phim The Children Of An Lac

Năm 1980, câu chuyện 219 ở cô nhi viện An Lạc và bà Betty Tisdale, được quay thành phim với tựa đề The Children Of An Lac. Nữ nghệ sĩ Kiều Chinh, cũng có mặt trong buổi đón tiếp bà Betty Tisdale hồi 2010 ở phóng sinh hoạt báo Người Việt, nói về cuốn phim mà bà được mời giữ một vai trong đó:

Năm 1980 bà tài tử Ina Bailing, cũng là người đi tới đi lui giúp các trẻ mồ côi và chính bà cũng nuôi một số trẻ mồ côi, bà có viết một script để quay thành phim The Children Of An Lac, nói về cuộc đời bà Ngải và bà Betty Tisdale.

Lúc đó cả bà Ina Bailing lẫn nhà sản xuất là Jay Benson đề rất muốn vai bà Ngải phải là  Kiều Chinh đóng. Nhưng lúc đó Kiều Chinh hãy còn trẻ quá để đóng vai bà Ngải. Bà Ngải thì dáng người nhỏ thấp hơn Kiều Chinh, vì thế sau này họ mời một tài tử Tàu, bà Beulah Ko, đóng vai bà Ngãi, còn Kiều Chinh thì đóng vai người phụ tá của bà Ngải tức là bà Thục. Ngoài ra Kiều Chinh còn đóng một vai trò khác phia sau máy quay phim, tức là người cố vấn về kỹ thuật . The Children Of An Lac sau nay trở thành một cuốn phim mà các trường tiểu học thường chiếu cho trẻ em coi.

Hôm nay Kiều Chính tới đây mục đích để gặp những nhân vậy thật trong chuyện mà mình có cơ duyên đóng về cuộc đời của họ. Điều thứ hai mình cũng tới để cám ơn ân nhân của một số các em đã được họ trông nom bảo trợ.

Tại buổi gặp gỡ và tri ân bà Betty Tisdale ở nhật báo Người Việt 5 năm về trước, rất nhiều người đã xếp hàng để tặng hoa và nói lời cảm tạ đến bà Betty Tisdale. Nhiều người còn tự động đóng góp vào ngân quĩ của H.A.L.O Help And Love Orphans do bà sáng lập để giúp vào công việc thiện nguyện đầy ý nghĩa của bà .

Chị Trâm Anh, mong muốn được ngỏ lời chào ân nhân của những trẻ mồ côi An Lạc ngày trước, bày tỏ:

Tôi cảm kích khi thấy một người đàn bà Mỹ nhỏ thó, trông có vẻ bình thường nhưng đã làm một việc đối với tôi quá sức phi thường.

Cả đời bà giúp và cứu được 219 em mồ côi sang Mỹ, tất cả các em đã thanh tài và thành nhân. Trong buổi này một câu bà nói tôi nhớ nhất là cả đời bà tất cả cho Việt Nam. Khi bà nói như vậy thì tôi nghĩ bà nói tới những trẻ mồ côi bất hạnh bên Việt Nam. Bên nước mình bây giờ trẻ mồ côi rất đông, cho nên đến giờ này đã 87 tuổi bà vẫn tiếp tục công việc từ thiện, đến những vùng sâu vùng xa để giúp để giúp các em đó. Tôi rất hoan nghênh bào người Việt đã tổ chức buổi họp hôm nay.

Thời gian và sự sống không dành đặc quyền cho bất cứ ai, những người tốt lành cả đời như bà Betty Tisdale rồi cũng đến lúc xuôi tay nhắm mắt trong nỗi tiếc thương của 5 con nuôi Việt Nam của bà.

Có thể nỗi ưu tư mà bà Betty Tisdale mang theo về bên kia thế giới, là những trẻ Việt Nam vì sang Mỹ lúc còn quá nhỏ và không hiểu biết gì về cội nguồn của mình khi lớn lên, sẽ tan biến đi nếu bà có thể nghe lại cảm nghĩ của anh Vũ Tiến Kinh rằng

Bây giờ niềm hạnh phúc là khi bước xuống thành phố Westminster, nơi có nhiều người Việt như mình, chấp nhận mình dù như còn phải học hỏi rất nhiều nữa về cội nguồn của mình.

Hoặc là cảm nghĩ của cô con gái tên Liên mà bà nhận nuôi khi còn ở Việt Nam năm 1970, không ngần ngại thú nhận chừng như cô quá bị Mỹ hóa, không bận tâm đến nguồn gốc và có lúc đã không thỏa hiệp được với bản thân rằng cô là một đứa bé mồ côi người Việt:

Thế nhưng khi cùng mẹ bước ra khỏi máy bay và được ân cần đón tiếp, tôi chợt thấy xúc động vì tình cảm họ dành cho mẹ tôi.

Thật khó diễn tả cảm xúc trong lần đầu gặp gỡ với cộng đồng người Việt, cô Liên nói, vì đã quá nhiều lần cô không chịu nhận mình là Việt Nam dù trong thâm tâm cô vẫn nghĩ không nên nuôi cảm giác như thế. Càng nói chuyện thì càng thấy gần gũi hơn, nhất là sau buổi ăn tối với một số người trong cộng đồng thì cô nghĩ:

Tôi mới tìm thấy một cái gì đó hoặc vừa tìm về một nơi nào đó mà có thể gọi là nhà, tiếng nhà đích thực tôi chưa bao giờ biết đến trước kia.

Thanh Trúc tạm chấm dứt chuyện kể về bà Betty Tisdale và những trẻ em mồ côi An Lạc ở phút này. Hẹn các bạn trong chương trình kỳ tới.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay