HÃY CHO TÔI MỘT NGƯỜI CHA

HÃY CHO TÔI MỘT NGƯỜI CHA

                                                                                nguồn: conggiaovietnam.net

 Nếu đã có bao tiếng van nài tha thiết “Hãy cho tôi một người cha” vọng từ niềm đau của những con người bất hạnh: không biết cha mình là ai từ lúc chào đời, có khi cho đến hồi mãn cuộc hành trình dương thế vẫn mãi còn là một khát khao bỏng cháy…

 Nếu đã có tiếng than van “Hãy cho tôi một người cha” thương gửi đến những người cha vô tình, không dám nhìn nhận con mình đang chơi vơi giữa dòng nhân sinh oan nghiệt, một thân một mình phận tầm gửi như bọt bèo trên đầu sóng ngọn gió lênh đênh…

 Nếu đã có những tiếng oán hờn “Hãy cho tôi một người cha” trách cứ người cha đành đoạn chia lìa tổ ấm yêu thương êm đềm hạnh phúc, để sống trong góc trời riêng của lòng ích kỷ nhỏ nhoi, với chút hạnh phúc ảo mà từng đêm lương tri  không chút giày vò, đay nghiến…

 Nếu cũng đã có đâu đó tiếng buồn mênh mang vô vọng tưởng chừng như bất tận “Hãy cho tôi một người cha” vẫn thầm lặng đêm đêm của những đứa con bất hảo bị cha chối từ, bỏ rơi trong các trại cải tạo, trong trại phục hồi nhân phẩm, trong các trại phung cùi, trại khuyết tật, trong các nhà cuối đời của những bệnh nhân HIV….

 Nếu đã có những tiếng thất thanh khản giọng “Hãy cho tôi một người cha” cùng với giọt lệ nghẹn ngào của những người con lăn trên mộ cha mình, vì cha đã sớm từ biệt cõi đời lúc tuổi đời đương xuân phơi phới…

 Và nếu đã có biết bao tiếng gọi ới ời “Hãy cho tôi một người cha” của muôn vàn cảnh ngộ bi đát khác nhau trong cuộc đời đầy nước mắt…

 Thì bạn hãy cảm nếm niềm hạnh phúc tuyệt vời của bạn, vì bạn “đang có một người cha” trước khi bạn muốn la lên: “Hãy cho tôi một người cha hoàn hảo”.

  Thiết tưởng, chưa nói đến những luận lý triết học, thần học về vai trò người cha, nhưng chỉ cần một vòng đời lắng nghe, cảm nhận và thấu hiểu những điều trông thấy, cũng đủ nhận ra rằng người cha trong gia đình giữ một vai trò quan trọng và cần thiết là dường nào! Dân gian của ta không thể diễn tả tầm vóc ấy cách nào hơn câu: “Công cha như núi Thái Sơn”.

 Từ trăn trở trước trào lưu theo chủ nghĩa cá nhân đang có tín hiệu làm mờ dần hình ảnh của người cha, và làm mai một niềm hiếu thảo nơi người con, hai cuộc thi “Viết Về Cha” của năm 2011 và 2012 do Chương Trình Chuyên Đề Giáo Dục trực thuộc Ban Mục Vụ Gia Đình TGP Sài Gòn đề xướng và tổ chức đã mở ra cho mọi người lối về Nguồn Cội của Con Người: “Tình Cha”.

 Được diễm phúc đọc tác phẩm thi ca của các tác giả tham gia cuộc thi, tôi không thể cầm được những cảm xúc trào tràn khi nhận thấy các tác giả đã cảm nếm niềm hạnh phúc tuyệt vời chính mình đang thụ hưởng: “Tôi có một người cha” như một quà tặng vô cùng quí giá của vị Ân Nhân nào đó, mà có thể là có người chưa định hình được, hoặc cũng có người đã định hình được Thiên Chúa Cha: Cội Nguồn của Sự Sống Con Người.

 Có thể là khó diễn tả chăng, mà các tác giả có vẻ như vẫn giấu kín khẳng định người cha đã hình thành trong chúng ta một con người mới có thân xác trí khôn, có linh hồn bất tử, có cả nhân vị và nhân cách? Hay đúng hơn, cha đã hình thành cho chúng ta cả một cuộc đời từ là một thai nhi con người đến một con người hoàn hảo. Tuy vậy tôi vẫn tìm được những ẩn tình khi gặp những cụm từ “đức công sanh” “cây cao bóng cả” hay “núi Thái Sơn” để chỉ “ơn sinh thành” đáng trân trọng:

 “Chấp bút – thay con viết lòng thành

Kính dâng thơ đến đức công sanh”

(Nguyễn Như Phượng – Mãi sống cùng lời cha)

 “Cây cao bóng cả vươn chồi
     Chắn che giông bão suốt đời cho con”

(Huỳnh Nhi Tình Cha )

 Trong lòng con, núi Thái Sơn:

Dáng hình cao ngất, gió vờn mây bay

Núi cao thêm mỗi tháng ngày

Cứ theo tâm tưởng đắp dày công Cha

(Bùi Văn Bồng – Cao dần một ngọn Thái Sơn)

 “Con đã biết ôm hôn một bóng hình cao cả

Của một người, con mãi gọi tên cha!”

(Nguyễn Thị Minh Thư – Hình bóng của Cha)

 Khi đã tác thành nên hình hài của người con trong lòng người mẹ, cũng là lúc người cha khởi đầu một hy tế – hy tế cả đời mình: tàn lụi đời mình đi, cho đời con lớn lên, chết đời mình đi, cho đời con được sống và sống dồi dào. Đa số tác giả đã tập trung khai thác và ghi nhận “công dưỡng dục” hơn là “ơn sinh thành” của người cha, cũng là điều dễ hiểu, bởi nó cụ thể đến nỗi:

“Chiều nay chớp bể, nguồn vần vũ

Bóng Cha già lụ khụ áo tơi”

……

“Cánh cò cõng nắng còn mòn mỏi

Cha cõng tháng ngày đổi cái ăn”

(Nguyễn Thị Thanh Hương – Cha mình)

 Cha ngày ngày bán mặt vào ruộng đất
Mong đến ngày con cái trưởng thành hơn

(Song Ninh Cha tôi)

 “Chúa trao bổn phận cho người cha

Lao khổ làm ăn nuôi cả nhà”

(Nguyễn Minh Thông – Phận làm cha)

 “Những trận mưa rừng ào ào dốc đổ

Cuốn lòng Cha theo nương lúa mịt mờ”

(Nguyễn Thi Thanh Hương – Khắc họa tình cha)

 Tóc cha bạc từ mùa rơm thành khói
     Nước sông quê loang đục đón lũ về
            (Song Ninh – Cha tôi) 

Cả ba lĩnh vực đức dục, trí dục và thể dục đều là điểm nhắm tới  trong khi thi hành nhiệm vụ cao cả của người cha để có một người con thật tuyệt vời như lòng cha mong ước, và để xã hội có thêm một thành viên hữu ích cho đời. Các tác giả ghi nhận mình được hình thành nhân cách từ “chữ viết của ba”, từ lời dặn dò cách sống nhân hậu, tình làng nghĩa xóm, đối nhân xử thế, đến chữ tín, niềm tin và cả hành trình trên con đường Thập Giá:

 “…Con kì kèo: “Ba! tập cho con viết!”

     Dòng đầu tiên con tự viết thành lời
            Là tỏ tình: “Con yêu ba lắm”

Ba sống hoài trong nét chữ con thơ”

(Võ Ngọc Bảo Châu Tập viết)

 “Lời Cha con nhớ ĐỨC làm đầu

NIỀM TIN – CHỮ TÍN nối liền sau

Cha hỡi có hay lòng con trẻ,

Hứa sẽ mang theo suốt cuộc đời”

(Nguyễn Như Phượng – Mãi sống cùng lời cha)

 “Đêm vằng vặc trăng treo hiên trước lán

Tập cho con cách giã gạo nhịp nhàng

Cùng tiếng hò ấm ngọt vọng mênh mang

Để biết sống chứa chan tình làng xóm”

(Nguyễn Thị Thanh Hương – Khắc họa tình cha)

 “Biết bao trăn trở âu lo

Rộng lòng nhân hậu dành cho mọi người

…..

Đêm đông trở giấc ổ rơm

Vẫn đem nồng ấm thảo thơm cho đời”

(Bùi Văn Bồng Cao dần một ngọn Thái Sơn)

 Bố như là gió,

Nâng con vươn cao sống đời bác ái.

Bố như là mây,

Cho con biết chở che những bé thơ giữa chốn chợ đời.

Bố như là mưa,

Mảnh đất đời con thấm nhuần tình yêu thương đồng loại”

(Nguyễn Thị Như Hà – Bố và con)

 “Ai bảo nghèo, tâm linh cằn cỗi?

Cha giàu lòng sớm tối cậy,tin

Đối nhân xử thế quên mình

Yêu thương tha thứ, an bình thánh gia”

 (Nguyễn Thị Thanh Hương – Cha mình)

 Nhiều thử thách, là dấu ấn yêu thương

Chịu khổ đau, rèn đức tính khiêm nhường

Cùng tha nhân con sẻ chia Thập Giá”

(Nguyễn Thị Thanh Hương – Khắc họa tình cha)

 Của lễ dâng đã trọn, hy tế cao vời đã nên ý nghĩa để đời cho con cháu. Có đôi lần trong đời con chưa kịp hiểu thấu, thì ngày cha vượt qua cõi tạm của kiếp phù du  này, chính là lúc con dâng trào dòng lệ nuối tiếc, ân hận: không còn cha để thân thưa lời yêu thương tha thiết với lòng biết ơn sâu thẳm, không còn cha để nói một lời tạ tội những ngộ nhận, những yêu sách vu vơ, không còn cha để ôm cha vào lòng như thưở bé thơ, không còn cha để hỏi con đường đi trước mặt…Chỉ còn lại một niềm thương đến quặn lòng, nỗi nhớ đến vô biên, và chút lạc loài cô vắng tưởng chừng như đến thiên thu vạn đại.

 Con trở về úp mặt vào tay cha

Nghe từng thớ thịt sạn chai thành đá sỏi

Rồi mai này con sẽ trở về đâu

Để được ôm cha như những ngày bé dại

(Phạm Văn Ninh Trở về)

 Em về thắp nến hai hàng

Để tang một chuyến đò ngang vô hình

…..

Người đi trống vắng chiều tà…

Xót xa vạn dặm sơn hà, hanh hao

(Nguyễn Thị Hoa – Người đi xa mãi)
        “Bâng khuâng theo khúc hát ve

Con chạy ùa về thắp mấy nén nhang…”

(Nguyễn văn Đông – Nhớ ba)

 Thưa quí tác giả, chúng tôi, những người đọc thơ của quí tác giả đều có chung một niềm vui mừng khôn tả, khi được đọc những dòng thơ dồi dào sức sống: sức sống của hôm nay, của hiện tại khởi nguồn từ tình yêu vô biên và lòng hy sinh không bến bờ của người cha; và đặc biệt hơn: sức sống của tương lai, của mai sau của vĩnh cửu khởi đi từ niềm tin mãnh liệt vào sự sống đời sau, sự phục sinh vĩnh cửu dành cho người cha thật công bằng. Dù là Niết Bàn hay Thiên Đàng, dù là Suối Vàng hay Miền Cực Lạc, cũng là niềm hy vọng chính đáng của lòng thảo hiếu cùng với ước mong ngày hạnh ngộ, ngày đoàn viên với Đấng Sinh Thành:

Nguyện cầu tình Chúa bao la

Thiên Đàng vĩnh phúc cho cha cõi về

(Nghinh Nguyên – Ngày Xuân Viếng Mộ Cha)

 “Cầu mong ở chốn SUỐI VÀNG

Hồn cha siêu thoát NIẾT-BÀN thảnh thơi”

(Nguyễn Thị Bích Liên – Viếng mộ cha)

 “Con nghe lòng nhớ tim đau nhói

Muôn ánh huy hoàng đã về đâu?

Cầu xin ơn trên con khấn nguyện

Cứu rỗi giúp con một linh hồn”

(Phạm Lê Anh Kiệt Tảo mộ)

Và từ niềm hy vọng ấy, hình thành trong mỗi người con một quyết định đạo đức để nối tiếp hành trình ý nghĩa của cha trong cuộc đời, và hơn thế nữa, để khắc họa tình yêu của Thiên Chúa Cha: Nguồn Cội của sự sống nhân loại.

“Nay Cha khuất bóng bên trời

Trong tôi vẫn ngấm sâu lời chỉ răn

Thái Sơn – công đức cao dần

Tình Cha vẫn mãi luôn gần bên con”

(Bùi Văn Bồng Cao dần một ngọn Thái Sơn)

 “Gương Cha sống thật nhân lành cao cả

Sáng trangTin Mừng Chúa đã mở ra

Đời các con sẽ nối tiếp đời Cha

Luôn khắc họa tình Chúa Cha từ ái”

(Nguyễn Thị Thanh Hương – Khắc họa tình cha)

  Xin chân thành cảm ơn quí tác giả. Ước mong những tác phẩm của quí vị là lời tri ân và cũng là thông điệp chân thành nhất gửi đến tất cả những người cha: “Hãy cho tôi một người cha hoàn hảo”.

 TM . Ban Giám Khảo

PM. Cao Huy Hoàng

Chủ Nhiệm Chuyên Trang Đồng Xanh Thơ,    dunglac.org

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay