Kamala Harris – Donald Trump và những khác biệt trong chính sách châu Á

Việc cử tri Mỹ bầu chọn Kamala Harris hay Donald Trump trong cuộc bỏ phiếu ngày 05/11 sẽ có tác động lớn đến tương lai chính trị và địa chiến lược từ châu Mỹ đến châu Á. Điều này có tính quyết định cho các đồng minh của Mỹ trong vùng.

Đăng ngày: 07/08/2024 – 13:49

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng tháng 11/2024. AP

Minh Anh

Trên đây là những nhận định chính của nhà báo Pierre-Antoine Donnet, trên trang mạng Asialyst, ngày 03/08/2024, trong bài viết đề tựa « Kamala Harris hay Donald Trump : Sự khác biệt nào cho châu Á ? ».

Donald Trump : Một thảm họa cho Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc

Đối với các đồng minh của Mỹ tại châu Á, như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều đối tác khác trong vùng, việc Donald Trump trở lại Nhà Trắng được xem như là một thảm họa lớn. Bởi vì, điều đáng quan ngại là Donald Trump « suy luận như một doanh nhân », bất kể đó là vấn đề có liên quan đến an ninh quốc gia của Mỹ hay địa chính trị toàn cầu, theo như nhận định của Tony Hu, cựu cố vấn của Lầu Năm Góc về hồ sơ Đài Loan trên tờ Politico.

Điều này được thể hiện rõ trong các cuộc trả lời phỏng vấn của ông Donald Trump trên các kênh truyền thông của Mỹ như tố cáo Đài Loan chiếm đoạt ngành công nghiệp bán dẫn, đề nghị Đài Loan trả phí để Mỹ bảo vệ hòn đảo, đồng thời đánh tiếng rằng Mỹ không có nghĩa vụ bảo vệ Đài Loan (16/7 trên Bloomberg Businessweek), hay như dọa rút 40 ngàn lính Mỹ trú đóng ở Hàn Quốc nếu như nước này từ chối trả phí hỗ trợ quân sự cho Mỹ (tháng 5/2024 với báo Time)….

Theo nhà báo Pierre-Antoine Donnet, những tuyên bố này không chính xác. Ông Matthew Miller, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ, trong cuộc trả lời chất vấn báo chí về phát biểu của Donald Trump, khẳng định Đài Loan đã trả hàng tỷ đô la để nhận vũ khí từ Mỹ. Trong khi Hàn Quốc, để đối phó với mối đe dọa Bắc Triều Tiên đã phải chi hơn một tỷ đô la mỗi năm cho Mỹ với danh nghĩa bù đắp cho sự hiện diện của lính Mỹ.

Những phát biểu của Donald Trump đã gây sốc không những cho Đài Loan, Hàn Quốc mà còn nhiều nước đồng minh khác trong vùng, làm dấy lên nỗi nghi ngờ về độ bền vững nếu không muốn nói là độ tin cậy của mối quan hệ đồng minh với Mỹ trong trường hợp ông Trump thắng cử vào tháng 11 sắp tới. Điều này còn minh họa hùng hồn cho quan điểm của Donald Trump về vai trò của Mỹ trên trường quốc tế và sự thiếu hiểu biết của ông về những thách thức chiến lược trên toàn cầu. Đối với cựu tổng thống Mỹ, tất cả mọi việc đều là hoạt động giao dịch tài chính và mọi thứ có thể quy thành tiền. Là tổng thống, ông ít quan tâm đến khía cạnh địa chính trị hoặc bản chất của chính phủ cần phải xử lý, dù là dân chủ, chuyên quyền hay toàn trị.

Khẩu hiệu vận động tranh cử « Make America Great Again » (MAGA), là điều cốt lõi trong các phát biểu chính trị của ứng viên Donald Trump, nay đã 78 tuổi, và thể hiện rõ quan điểm của ông về thời đại : Ưu tiên chủ nghĩa biệt lập nhằm gìn giữ các lợi ích của nước Mỹ. Và một trong những ví dụ điển hình nhất là vào năm 2017, một khi bước chân vào Nhà Trắng ông đã ký một loạt các sắc lệnh rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp ước Xuyên Thái Bình Dương TPP – Hiệp ước tự do trao đổi mậu dịch – được đúc kết giữa Mỹ và 11 nước khác trong vùng Thái Bình Dương, sau 8 năm ròng rã đàm phán. Sự thoái lui này đã khiến chính phủ Nhật Bản hoài nghi nhiều hơn về khả năng Mỹ không thực thi các cam kết trước các nguy cơ đến từ Trung Quốc.

Nỗi hoài nghi còn tăng thêm một nấc khi Donald Trump nhiều lần đòi xem xét lại những nền tảng cơ bản của Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), dọa rút khỏi khối ày và không bảo vệ một đồng minh nào trong trường hợp bị Nga tấn công như được quy định trong một số các điều khoản của hiệp ước NATO.

Việc Donald Trump luôn bày tỏ ngưỡng mộ đối với nhiều lãnh đạo độc tài như từng gọi nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên là một « người bạn mới tốt nhất », mô tả chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một « con người tài giỏi » đã khiến các đồng minh châu Á lo lắng và hoài nghi về cam kết của Mỹ đối với khu vực.

Tóm lại, như nhận định của Douglas Paal, cựu giám đốc Viện Mỹ ở Đài Bắc, với việc Donald Trump trở lại Nhà Trắng, vấn đề cam kết của Mỹ bảo vệ Đài Loan sẽ nảy sinh. Bởi vì, sẽ không có gì bảo đảm rằng người dân Mỹ muốn « bảo vệ Đài Loan ở cách hàng nghìn km trong khi có nhiều người trong số họ không thể phân biệt được đó là Đài Loan hay là Thái Lan hay Tokyo ».

Kamala Harris : Một sự tiếp nối của Joe Biden 

Đổi lại, một thắng lợi của Kamala Harris trong cuộc bầu cử lại bảo đảm cho sự tiếp nối ít hay nhiều chính sách đối ngoại, dành ưu tiên cho châu Á do Joe Biden tiến hành. Nghĩa là, Mỹ tìm cách ngăn chặn đà trỗi dậy của Trung Quốc, đồng thời, tăng cường các mối quan hệ liên minh chính trị và quân sự với các nước trong vùng.

Nếu như bà Kamala Harris, đối thủ cạnh tranh của Donald Trump, hiện chưa cho biết gì nhiều về những gì chính sách đối ngoại châu Á nếu như bà đắc cử, thì những lần phát biểu và những sự kiện mà bà tham gia với tư cách là phó tổng thống Mỹ từ năm 2021 cho thấy có nhiều khả năng bà sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách của ông Biden, cả trên bình diện địa chiến lược lẫn về tôn trọng nhân quyền.

Người ta còn nhớ năm 2022, trên chiếc tầu chiến của hải quân Philippines ở Biển Đông, phó tổng thống Mỹ đã bày tỏ tình liên đới với Manila và nhắc lại hiệp ước phòng thủ liên kết giữa hai nước, đồng thời tố cáo cách hành xử và các chiến dịch quấy nhiễu của Trung Quốc chống Philippines là « bất hợp pháp và vô trách nhiệm ». Cùng năm, trên tầu chiến Mỹ neo đậu ở Nhật Bản, Kamala Harris khẳng định sự hậu thuẫn của Washington đối với Đài Bắc trong khuôn khổ thỏa thuận lâu đời, khiến chế độ Bắc Kinh nổi dóa.

Phó tổng thống Mỹ cũng bốn lần đến thăm châu Á, gặp gỡ các nhà lãnh đạo của năm nước thành viên có ký kết hiệp ước liên minh với Mỹ trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan và Indonesia. Bà cũng có các cuộc gặp với tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Theo đánh giá của Lily McElwee, nhà nghiên cứu về Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trụ sở ở Washington trên tờ Wall Street Journal ngày 31/7, « với tư cách là tổng thống, Harris rất có thể sẽ tiếp tục ủng hộ tầm quan trọng mà ông Biden đưa ra trong việc củng cố các mối quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều cường quốc khác trong khu vực để chống lại thái độ hung hăng của Trung Quốc. Điều gần như chắc chắn là các quyết định của bà đã được định hình bởi vai trò mà bà nắm giữ trong những năm qua. »

Còn theo giải thích của Dhruva Jaiskhankar, tổng giám đốc tổ chức tư vấn Mỹ Observer Research với nhật báo Nhật Bản Nikkei Asia, nếu thắng cử trong cuộc bỏ phiếu ngày 05/11, Kamala Harris có thể sẽ phải tiếp tục chính sách ngoại giao do Joe Biden thực hiện bởi vì, « việc bà ấy thiếu kinh nghiệm trên phương diện đối ngoại sẽ là điều có thể rất được các nhà lãnh đạo châu Á chú ý đến. Bà ấy chưa bày tỏ quan điểm mạnh mẽ về châu Á. Các hồ sơ đối ngoại mà bà ấy từng can dự mạnh mẽ nhất chỉ là những vấn đề an ninh biên giới và hồ sơ di dân đến từ châu Mỹ La-tinh ».

Trung Quốc đã chọn phe ?

Trong cuộc gặp với người đồng cấp Vương Nghị tại Viêng Chăn (Lào) hôm 27/07 bên lề cuộc họp các ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã tận dụng cơ hội để giải thích : Joe Biden và Kamala Harris « nghĩ rằng sự ổn định trong mối quan hệ là quan trọng và cả hai lãnh đạo cũng tin rằng việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên các luật lệ là quan trọng », theo như giải thích từ một quan chức cao cấp của bộ Ngoại Giao Mỹ với Washington Post.

Theo tác giả bài viết, những phát biểu này không hề vô nghĩa. Chúng thể hiện mong muốn của chính quyền Mỹ hiện nay muốn thông báo cho giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc biết rằng chính sách ngoại giao của Mỹ sẽ không thay đổi về cơ bản trong trường hợp bà Kamala Harris thắng cử ngày 05/11. Hoa Kỳ cũng như một số nước đồng minh cho rằng mục tiêu của Trung Quốc cộng sản, được Nga cùng chia sẻ, là phá hủy trật tự quốc tế hiện nay mà họ đánh giá là do Mỹ thống trị, để thay thế chúng bằng một trật tự khác phù hợp với họ.

Hiện tại Trung Quốc chưa bày tỏ lập trường về Donald Trump hay Kamala Harris. Tuy nhiên, nhiều yếu tố cho thấy Bắc Kinh ưa giải pháp Donald Trump hơn, dù rằng ông là vị tổng thống Mỹ đầu tiên mở mặt trận chống Trung Quốc và tiến hành một chính sách đối ngoại biệt lập cho phép Bắc Kinh có cơ hội ghi bàn quyết định trên trường quốc tế.

Một mặt bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh ra sức khai thác nỗi hoài nghi của các nước đồng minh. Mặt khác, tuy Bắc Kinh không có những tuyên bố chính thức, nhưng nhiều bình luận đáng chú ý đã xuất hiện trên các kênh truyền thông Trung Quốc nhằm vào ngoại hình của phó tổng thống Mỹ, xuất thân người Ấn Độ và Jamaica của bà cũng như tỏ ra nghi ngờ Kamala Harris, với tư cách là phụ nữ, có thể đánh bại Donald Trump. 


 

Được xem 3 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay