Putin giết Alexei Navalny?

Ba’o Nguoi – Viet

February 16, 2024

Nguyên Cao/SGN

Alexei Navalny, nhân vật đối lập chính trị nổi bật nhất của Nga, chết trong một nhà tù hẻo lánh ở Nga, ở tuổi 47.

Tin tức về cái chết Navalny được đưa ra vào Thứ Sáu 16 Tháng Hai 2024 từ Cơ quan Nhà tù Liên bang của Nga.

Navalny đã phải thụ án tù dài hạn vì các tội tuyên truyền “chủ nghĩa cực đoan”. Tuy nhiên, gần như ai cũng biết Alexei Navalny bị trù dập bởi liên tục chỉ trích và đối đầu Tổng thống Vladimir Putin. Người phát ngôn Kremlin Dmitry Peskov cho biết Putin đã được thông báo về cái chết Navalny và rằng các bác sĩ nhà tù đang tìm hiểu “nguyên nhân cái chết”.

Dư luận thế giới phản ứng gay gắt trước cái chết mờ ám của Alexei Navalny. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói rằng “cái chết của Navalny trong nhà tù ở Nga chỉ làm nổi rõ sự yếu kém và mục nát ở trung tâm của hệ thống mà Putin xây dựng. Chính phủ Nga phải chịu trách nhiệm về điều này.”

Mối lo ngại về sức khỏe của Navalny ngày càng được chú ý sau khi Navalny không xuất hiện trong video từ phòng giam trong hai phiên tòa vào đầu Tháng Mười Hai. Các quan chức tại khu nhà tù IK-6, thuộc vùng Vladimir, cách Moscow khoảng 140 dặm về phía Đông, biện bạch sự vắng mặt của Alexei Navalny là do “vấn đề về điện”. Các thành viên trong gia đình và những người ủng hộ ông nói rằng chính quyền Nga liên tục từ chối chăm sóc y tế cho Navalny và bắt ông phải chịu biệt giam trong thời gian dài, với mục đích ngăn cản ông tiếp cận thế giới bên ngoài. Một đại diện thuộc Tổ chức Chống Tham nhũng của Alexei Navalny ở Washington DC hồi Tháng Tư bày tỏ rằng Navalny bị đầu độc trong tù.

“Không ai được phép gặp tôi,” Navalny nói, với bộ dạng hốc hác trong phiên tòa hồi Tháng Mười. “Tôi hoàn toàn bị cô lập khỏi các nguồn thông tin.” Navalny thụ án 19 năm tù với các tội danh tuyên truyền chủ nghĩa cực đoan, tham ô và lừa đảo. Là người chỉ trích kịch liệt Tổng thống Putin suốt hơn một thập niên, Navalny được rất nhiều người Nga ủng hộ khi ông thực hiện các chiến dịch khơi dậy sự phẫn nộ công chúng đối với nạn tham nhũng ở cấp chính phủ cao nhất. Ông luôn bày tỏ khát vọng một viễn kiến xa xôi rằng ngày nào đó người Nga có thể sống khác đi và nước Nga sẽ sạch bóng chính trị độc tài. Ngay từ trong phòng giam, Alexei Navalny đã chỉ trích việc Nga xâm chiếm Ukraine và sự cai trị bằng chính sách đàn áp khốc liệt của Putin.

Ông Alexei Navalny (giữa), lãnh tụ đối lập Nga, tuần hành cùng vợ Yulia (phải) tại Moscow ngày 29 Tháng Hai, 2020. (Hình: KIRILL KUDRYAVTSEV/AFP via Getty Images)

Sinh ngày 4 Tháng Sáu 1976 tại một ngôi làng ngoại ô Moscow, Alexei Navalny là một luật sư được đào tạo bài bản. Ông trở nên nổi tiếng nhờ nỗ lực khuyến kích các cuộc nổi dậy đòi hỏi minh bạch tại những công ty nhà nước vốn dĩ đầy tham nhũng ở Nga. Sau đó, Alexei Navalny nổi lên như một ngôi sao chính trị trong các cuộc biểu tình chống chính phủ. Với khả năng thuyết phục và tài diễn thuyết trước công chúng, Alexei Navalny chỉ trích các cuộc bầu cử Quốc hội vào năm 2011. Ông gọi đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền của Kremlin là “đảng của những kẻ lừa đảo và trộm cắp”.

Alexei Navalny được phép tranh cử thị trưởng Moscow vào năm 2013 nhưng ông vẫn đứng thứ hai, khi ứng cử viên do Kremlin lựa chọn cuối cùng chiến thắng. Sau đó, Navalny thách thức Putin trong cuộc tranh cử tổng thống vào năm 2018. Một tòa án ra phán quyết rằng ông không đủ tư cách tranh cử tổng thống. Trong một cuộc phỏng vấn hãng tin NPR của Mỹ, Alexei Navalny nói: “Tôi muốn sống ở một đất nước bình thường và từ chối chấp nhận bất kỳ cuộc nói chuyện nào về việc Nga trở thành một quốc gia tồi tệ, nghèo nàn hoặc nô lệ. Tôi muốn sống ở đây và tôi không thể chịu đựng được sự bất công mà với nhiều người ngày càng trở thành chuyện bình thường”.

Phong cách thân mật của Navalny trái ngược hoàn toàn với thái độ hống hách của Putin. Truyền thông nhà nước Nga gọi Alexei Navalny là “tên phát xít”. Bị cấm phát sóng truyền hình quốc gia ở Nga, Navalny thành thạo việc sử dụng mạng xã hội – đặc biệt YouTube – để quảng bá thông điệp chính trị. Năm 2011, Navalny thành lập Tổ chức Chống Tham nhũng nhằm điều tra bằng chứng hối lộ của thành phần chóp bu quyền lực nhất nước Nga. Các cuộc điều tra do Navalny dẫn đầu đã phanh phui nhiều chuyện động trời, từ việc các bộ trưởng phô trương sự giàu có xa hoa vượt xa thu nhập được công bố của họ, đến việc họ sử dụng máy bay chính phủ để chở chó corgi hoặc tổ chức những cuộc thi chó đẹp.

Video nổi tiếng nhất của Alexei Navalny là bộ phim dài hai tiếng vào năm 2021 cho thấy cảnh bên trong một cung điện bí mật ở Hắc Hải mà Navalny cho rằng được Putin xây với kinh phí hơn $1 tỷ. Khi lượt xem bộ phim trên tăng lên hơn 100 triệu, một nhà tài phiệt có liên quan Kremlin đứng ra tuyên bố rằng ông ta là chủ sở hữu bất động sản chứ không phải Putin. Trong nhiều năm, Navalny nhiều lần lãnh đạo các cuộc biểu tình trên toàn quốc chống lại chủ nghĩa thân hữu của Putin và Kremlin. Ông và những người ủng hộ đã bị bắt hàng chục lần; riêng năm 2011, ông bị giam giữ 15 lần.

Alexei Navalny càng nổi tiếng thì kẻ thù của ông trong giới thượng lưu Nga càng nhiều. Tháng Năm 2017, một kẻ đã dùng chất hóa học tấn công Alexei Navalny khiến ông gần như bị mù một mắt. Tháng Tám 2020, Navalny đột ngột ngã gục trên chuyến bay từ Siberia đến Moscow. Sau đó, trong tình trạng hôn mê sâu, ông được điều trị ở Đức. Bác sĩ tìm thấy dấu vết của chất độc thần kinh Novichok trong máu nạn nhân.

Lãnh tụ đối lập Nga Alexei Navalny đứng trong cũi tại phiên xử ở tòa án Moscow. (Hình: AP Photo/Alexander Zemlianichenko)

Vài tháng sau, Navalny hồi phục và bắt đầu cùng một số nhà báo điều tra vụ tấn công. Navalny dụ được một trong những kẻ nằm trong nhóm sát thủ thú nhận rằng hắn đã được cơ quan an ninh Nga hướng dẫn bôi chất độc lên quần lót của mình. Alexei Navalny tin rằng chuyện đó chỉ có thể được thực hiện theo lệnh Putin. Kremlin bác bỏ cáo buộc này; cùng lúc, chính phủ Nga tái gia hạn bản án cũ đối với Navalny, cáo buộc ông vi phạm lệnh ân xá khi điều trị tại một bệnh viện ở nước ngoài.

Động thái này nhằm buộc Navalny sống lưu vong. Tuy nhiên, Navalny vẫn nhất quyết quay lại Nga. Ông ngay lập tức bị bắt giam khi trở lại Nga vào Tháng Giêng 2021. Lần này, ông bị kết án hai năm rưỡi vì “vi phạm lệnh tạm tha”. “Các người không thể nhốt hàng triệu, hàng trăm nghìn người. Tôi hy vọng ngày càng nhiều người nhận ra điều này”, Navalny nói trong phiên tòa. “Và một khi như vậy – khoảnh khắc (thay đổi) sẽ đến – tất cả sẽ tan thành từng mảnh vì các người không thể phong tỏa cả đất nước.”

Một phiên tòa khác về tội “lừa đảo” vào năm 2022 đã bổ sung mức án với tổng cộng 19 năm. Cùng lúc, chính quyền Nga tiến hành triệt phá mạng lưới chính trị của Navalny, dán nhãn cho Tổ chức Chống Tham nhũng và các thành viên của tổ chức này là “cực đoan”. Một số cộng sự của Alexei Navalny bị bắt. Số còn lại lẩn trốn hoặc trốn ra nước ngoài. Tuy nhiên, ngay cả khi ở sau song sắt, ảnh hưởng chính trị Navalny vẫn mạnh. Trên bình diện quốc tế, Alexei Navalny vẫn được chú ý. Ông được trao một giải nhân quyền hàng đầu châu Âu vào năm 2021, và năm 2023, bộ phim tài liệu về ông có tên “Navalny” giành được Oscar.

Khi Nga phát động cuộc tấn công vào Ukraine vào Tháng Hai 2022, Navalny liên tục chỉ trích Putin. Ông gọi Putin là “tên điên”, tiến hành một “cuộc chiến ngu ngốc” mà chắc chắn nước Nga sẽ thua. “Tổ quốc khốn khổ, kiệt quệ của chúng ta cần được cứu. Nó đã bị cướp bóc, bị tổn thương, bị kéo vào một cuộc chiến tranh xâm lược và bị biến thành nhà tù do bọn vô liêm sỉ và lừa đảo nhất cai trị,” Navalny viết trong một bài đăng trên mạng xã hội vào Tháng Giêng, đánh dấu kỷ niệm hai năm ông ngồi tù. Ông kêu gọi những người ủng hộ vận động chống lại cuộc xâm lược bất chấp nguy cơ bị bắt, đồng thời duy trì niềm tin rằng mọi thứ có thể thay đổi nếu ngày càng có nhiều người Nga sẵn sàng lên tiếng phản đối.

____________________

Các nhà báo đối lập Nga lưu vong trước nguy cơ bị đầu độc

Tay trùm cuối trong Điện Kremlin

Chế độ của những tên trộm: “Đồng chí” này là con của “đồng chí” nào?

____________________

Giới lãnh đạo thế giới và các nhà hoạt động đối lập đã bày tỏ phản ứng gay gắt khi nghe tin về cái chết của Alexei Navalny.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đang ở Đức để vận động tìm kiếm viện trợ, nói: “Rõ ràng ông ấy đã bị Putin giết”. Thủ tướng Đức Olaf Scholz, ca ngợi sự dũng cảm của Alexei Navalny, nói rằng cái chết của Alexei Navalny cho thấy rõ “đây là loại chế độ gì”. Tổng thống Latvia Edgars Rinkēvičs nói, Navalny đã bị Điện Kremlin sát hại dã man, rằng “đó là sự thật và là điều người ta nên biết về bản chất thực sự của chế độ hiện tại ở Nga.” Mikhail Khodorkovsky, một tỉ phú Nga lưu vong, bày tỏ: “Nếu điều này đúng thì bất kể nguyên nhân thật sự thế nào, trách nhiệm về cái chết phải thuộc về cá nhân Vladimir Putin”.

“Nếu được xác nhận thì cái chết Alexei (Navalny) là một vụ giết người. Được tổ chức bởi Putin”, chính trị gia đối lập Dmitry Gudkov nói trên mạng xã hội. “Ngay cả khi Alexei chết vì những nguyên nhân ‘tự nhiên’ đi chăng nữa thì nguyên nhân vẫn bắt nguồn từ việc ông bị đầu độc và bị tra tấn trong tù.” Cựu vô địch cờ vua thế giới Garry Kasparov nhận định, “Putin đã cố gắng và thất bại trong việc sát hại Navalny một cách nhanh gọn và bí mật bằng thuốc độc, và giờ thì hắn sát hại ông một cách từ từ và công khai trong tù. Ông ấy (Alexei Navalny) bị giết vì dám vạch trần Putin và đồng bọn mafia của hắn chẳng khác gì là những kẻ lừa đảo và trộm cắp”.

Pyotr Verzilov, thành viên nổi bật của nhóm biểu tình Pussy Riot, nói, “Navalny đã bị sát hại trong tù”. Trong một bài đăng trên X (Twitter), Verzilov nói thêm: “Chúng tôi chắc chắn sẽ trả thù và tiêu diệt chế độ này”. Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen cho biết cái chết Navalny cho thấy “Putin không sợ gì hơn ngoài sự bất đồng quan điểm từ chính người dân của mình”. Bà Ursula gọi đó là “một lời nhắc nhở nghiệt ngã về Putin và chế độ của ông ta là gì,” rằng điều đó sẽ tạo thêm động lực để “chúng ta đoàn kết trong cuộc chiến nhằm bảo vệ tự do và an toàn cho những người dám đứng lên chống lại chế độ chuyên chế.”

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng Nga có nhiều câu hỏi cần trả lời. Stoltenberg nói: “Những gì chúng tôi thấy là nước Nga ngày càng trở thành một cường quốc độc tài, họ sử dụng biện pháp đàn áp chống lại phe đối lập trong nhiều năm”. Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nói với NPR rằng nếu cái chết của Navalny được xác nhận, thì “đó là một thảm kịch khủng khiếp và, xét đến lịch sử lâu dài và bẩn thỉu của chính phủ Nga trong việc gây hại cho đối thủ chính trị, điều đó đặt ra những câu hỏi rõ ràng về những gì xảy ra ở quốc gia này”.

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris, phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, gọi cái chết của Alexei Navalny, nếu được xác nhận, là “một dấu hiệu nữa về sự tàn bạo của Putin”. Ngoại trưởng Anh David Cameron, cũng có mặt tại hội nghị, lặp lại nhận xét của bà, nói rằng “Nước Nga của Putin đã bỏ tù ông ấy, bịa đặt các cáo buộc chống lại ông ấy, đầu độc ông ấy, đưa ông ấy đến trại giam Bắc Cực và giờ ông ấy chết một cách bi thảm. Chúng ta cần phải buộc Putin chịu trách nhiệm về việc này.”


 

Được xem 3 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay