Vaclav Havel: Vì sao người bất đồng chính kiến bị coi là ‘phản động’ ở các nước XHCN?(BBC)

BBC

21 tháng 12 2021

NGUỒN HÌNH ẢNH,LUBOMIR KOTEK

Vaclav Havel, một nhà viết kịch bất đồng chính kiến và là thành viên hàng đầu của Diễn đàn Công dân đối lập Tiệp Khắc, vẫy tay chào người dân, 29/12/1989 sau khi ông tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Tiệp Khắc.

Kỷ niệm ngày mất của cố tổng thống CH Czech Vaclav Havel (18/12/2011), BBC giới thiệu lại một phần tiểu luận của ông ‘Quyền lực của kẻ không quyền lực’, phần về khái niệm ‘bất đồng chính kiến’:

“Trong nhiều thập kỉ, lực lượng cai trị xã hội trong các nước thuộc khối Xô Viết đã dùng nhãn hiệu “đối lập” như là lời buộc tội ghê gớm nhất, đồng nghĩa với từ “kẻ thù”.

Dán cho ai đó cái nhãn “phần tử thuộc phe đối lập” cũng ngang với việc nói rằng anh ta, chị ta đang cố gắng lật đổ chính quyền và tiêu diệt chủ nghĩa xã hội (tất nhiên được bọn đế quốc trả tiền). Có thời cái nhãn đó đưa người ta thẳng tới giá treo cổ, và tất nhiên, vì thế mà chẳng ai muốn dán lên mình cái nhãn ấy.

Hơn nữa, đấy chỉ là một từ, và việc làm bao giờ cũng quan trọng hơn là nhãn mác. Lí do cuối cùng làm cho nhiều người bác bỏ thuật ngữ đó vì khái niệm “đối lập” hàm chứa một cái gì đó có tính chất tiêu cực.

Những người tự coi mình là đối lập nghĩa là chống đối một quan điểm nào đó. Nói cách khác, họ đặt mình trong mối quan hệ đặc biệt với quyền lực đang cai trị xã hội, và qua đó mà định nghĩa mình, rút ra quan điểm của mình từ quan điểm của chính quyền.

Những người chỉ đơn giản là quyết định sống trong sự thật, nói mà không cần nhìn ngang nhìn ngửa, tỏ lòng đoàn kết với đồng bào của mình, sáng tạo theo ý mình, và chỉ đơn giản là sống hòa hợp với cái Tôi tốt đẹp nhất của mình, dĩ nhiên là sẽ cảm thấy khó chịu khi phải coi quan điểm độc đáo và có tính tích cực của mình là tiêu cực, theo một nghĩa nào đó và coi mình là đang chống lại một cái gì đó chứ không đơn giản là những người như họ vốn là.

Rõ ràng là chỉ có một cách duy nhất để tránh hiểu nhầm là nói rõ – trước khi người ta sử dụng – các thuật ngữ “đối lập” và “thành viên thuộc phe đối lập” đang được sử dụng có nghĩa là gì và trong hoàn cảnh của chúng ta, chúng thực sự có nghĩa là gì.

Nếu thuật ngữ “đối lập” đã được du nhập từ các xã hội dân chủ vào hệ thống hậu toàn trị mà thiếu sự thống nhất về việc từ này có nghĩa là gì trong những hoàn cảnh vốn rất khác nhau, thì ngược lại, thuật ngữ “bất đồng chính kiến” lại được các nhà báo phương Tây chọn và bây giờ được nhiều người coi là nhãn mác cho một hiện tượng đặc trưng cho hệ thống hậu toàn trị và không bao giờ xảy ra nhất ít nhất là không ở trong hình thức như thế – trong các xã hội dân chủ.

NGUỒN HÌNH ẢNH,LUBOMIR KOTEK

Hàng trăm sinh viên Tiệp Khắc quỳ gối khi đối mặt với cảnh sát chống bạo động,19/11/1989 tại trung tâm thành phố Praha trong cuộc biểu tình đòi dân chủ hơn và yêu cầu chấm dứt chế độ Cộng sản và bầu cử đa đảng tự do. Cảnh sát chống bạo động sau đó đã đánh đập và bắt giữ nhiều người trong số họ. Một phong trào phản đối bất đồng chính kiến mạnh mẽ đã dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản vào ngày 10/12 và sự hình thành của một chính phủ phi cộng sản ở Tiệp Khắc, 10 ngày sau khi bắt đầu hội nghị thượng đỉnh ở Malta, nơi Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev và người đồng cấp Hoa Kỳ George Bush thiết lập một kỷ nguyên mới, kết thúc Chiến tranh lạnh.

Những “người bất đồng chính kiến” này là ai?

Dường như thuật ngữ này được áp dụng chủ yếu cho công dân các nước thuộc khối Xô Viết, những người đã quyết định sống trong sự thật và thêm vào đó, đáp ứng được những tiêu chí sau đây:

  1. Họ thể hiện quan điểm bất phục tùng và ý kiến phê phán một cách công khai và có hệ thống, trong những giới hạn rất nghiêm ngặt dành cho họ và vì vậy mà họ được phương Tây biết tới.
  2. Mặc dù không được xuất bản ở trong nước và mặc dù bị chính quyền ngược đãi bằng đủ mọi cách, nhờ thái độ của mình, họ vẫn giành được sự kính trọng nhất định, cả từ phía công chúng lẫn từ phía chính quyền, và do đó mà họ thực sự có – dù mức độ rất hạn chế và thậm chí là lạ lùng nữa – quyền lực gián tiếp trong môi trường của mình. Quyền lực đó đã bảo vệ họ khỏi những hình thức ngược đãi tồi tệ nhất, hoặc ít nhất cũng đảm bảo rằng nếu họ bị ngược đãi thì chính quyền sẽ gặp một số rắc rối chính trị nhất định.
  3. Phạm vi phê phán và những cam kết của họ đã vượt ra ngoài khung cảnh chật hẹp của môi trường xung quanh họ hay vượt ra ngoài những lợi ích đặc thù, nó bao trùm lên những chủ đề thảo luận có tính bao quát hơn; và do đó, về thực chất là có tính chính trị mặc dù mỗi người lại tự coi mình như một lực lượng chính trị nhất ở những mức độ rất khác nhau.
  4. Họ là những người nghiêng về việc tìm kiếm tri thức, có nghĩa là, họ là những người “cầm bút”, những người mà ngôn từ được viết ra là phương tiện trực tiếp – và thường là phương tiện duy nhất họ có thể điều khiển được, và nhờ thế mà họ được sự chú ý, đặc biệt là từ nước ngoài. Những cách sống trong sự thật khác thì hoặc là không được các nhà quan sát nước ngoài chú ý tới vì nằm trong môi trường địa phương khó nắm bắt – đấy là nói nếu chúng vượt qua được khuôn khổ địa phương – hoặc chỉ là thành tố bổ sung cho những điều mà họ đã viết ra mà thôi.
  5. Dù nghề nghiệp của họ có là gì thì những người này cũng đã được nói tới ở phương Tây, chủ yếu là vì những hoạt động của họ trong vai trò những công dân tận tụy hay khía cạnh chính trị, khía cạnh phê phán trong các tác phẩm của họ chứ không phải là vì những công trình họ làm trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình.

Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi biết rằng có một lằn ranh vô hình mà nếu bạn vượt qua – mà thậm chí dù không muốn hay không nhận ra – thì họ sẽ không còn coi bạn như là người cầm bút vô tình trở thành một người công dân có quan tâm tới thời cuộc mà sẽ bắt đầu nói về bạn như là một “người bất đồng chính kiến” tình cờ cũng thích viết kịch (có thể là trong lúc trà dư tửu hậu?). Không nghi ngờ gì rằng có những người đạt được tất cả những tiêu chí này. Điều cần thảo luận là liệu chúng ta có nên dùng một thuật ngữ riêng cho một nhóm được định nghĩa một cách tình cờ như vậy không, và đặc biệt là có nên gọi họ là những “người bất đồng chính kiến” hay không. Nhưng, rõ ràng là, ta chẳng thể làm gì khác được.

Đôi khi để dễ nói chuyện, thậm chí tự bản thân chúng ta cũng dùng cái nhãn này, mặc dù không ưa, khá hài hước và hầu như lúc nào cũng để trong ngoặc kép nữa. Có lẽ đã đến lúc liệt kê một vài lí do vì sao chính những “người bất đồng chính kiến” lại không thích bị gọi như vậy.

NGUỒN HÌNH ẢNH,LANGEVIN JACQUES

Nhà lãnh đạo cách mạng Vaclav Havel phát biểu trước đám đông tụ tập trên một con phố chính, trong cuộc biểu tình chống chính phủ dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ Cộng sản.

‘Họ không phản bội ai cả, chỉ muốn bình đẳng’

Trước hết, cách gọi này có vấn đề về mặt từ nguyên.

“Người bất đồng chính kiến”, như báo chí chúng ta vẫn nói, cũng tương tự “kẻ phản bội” hay “tái phạm” vậy. Nhưng những người bất đồng chính kiến không coi họ là phản bội, vì một lẽ đơn giản là họ chẳng phủ định hay bác bỏ bất cứ điều gì.

Ngược lại, họ đã và đang cố gắng khẳng định bản sắc nhân văn của chính họ, và nếu họ có bác bỏ cái gì đó, thì đó chỉ là những thứ sai lầm và vong thân trong cuộc đời họ, tức là bác bỏ khía cạnh của “sống trong dối trá” mà thôi.

Nhưng đấy không phải là điều quan trọng nhất. Thuật ngữ “người bất đồng chính kiến” thường ám chỉ một nghề đặc biệt, như thể, cùng với những nghề bình thường hơn, có một nghề đặc biệt nữa là cằn nhằn về tình trạng của đời sống.

Trên thực tế, một “người bất đồng chính kiến” chỉ đơn giản là một nhà vật lí học, nhà xã hội học, một người công nhân hay một nhà thơ, là những cá nhân đang làm những việc mà họ cảm thấy là cần phải làm, và vì thế, họ thấy mình xung đột công khai với chế độ. Về phần họ, cuộc xung đột này không xuất phát từ bất cứ mục đích hữu thức nào, mà xuất phát từ logic nội tại của tư tưởng, hành vi hay tác phẩm của họ (thường là xung đột với ngoại cảnh, nằm ngoài tầm kiểm soát của họ).

NGUỒN HÌNH ẢNH,LUBOMIR KOTEK

Nhà cựu bất đồng chính kiến và nhà viết kịch Vaclav Havel, tân Tổng thống Tiệp Khắc, phát biểu 23/2/1990 từ ban công của Cung điện Kinsky tại Quảng trường Thành phố Cổ với khoảng 100.000 người trong cuộc mít tinh kỷ niệm 42 năm cuộc đảo chính năm 1948 của cộng sản. Đảng Cộng sản đầu hàng vào cuối tháng 11/1989 (trong “Cách mạng nhung” không đổ máu) và thành lập một chính phủ liên minh với Diễn đàn Công dân, và Havel được bầu làm chủ tịch, 29/12/1989. Vào tháng 6/1990, cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên kể từ 1946 được tổ chức tại Tiệp Khắc, kết quả trong chính phủ hoàn toàn phi cộng sản đầu tiên của đất nước trong hơn bốn mươi năm.

Nói cách khác, họ không cố tình trở thành một người bất mãn chuyên nghiệp, như người ta quyết định trở thành chị thợ may hay anh thợ rèn.

Trên thực tế, dĩ nhiên là họ thường không biết mình là những “người bất đồng chính kiến” cho đến khi họ thực sự trở thành một người như thế. “Người bất đồng chính kiến” xuất phát từ những động cơ khác hẳn với thói háo danh và chức tước. Nói ngắn, họ không quyết định trở thành “người bất đồng chính kiến”, và thậm chí nếu họ có dành hai bốn giờ một ngày cho nó, nó vẫn không phải là một nghề, mà trước hết đấy là một thái độ sống.

Hơn nữa, thái độ đó hoàn toàn không phải là tài sản độc quyền của những người xứng đáng với danh hiệu “người bất đồng chính kiến”, chỉ vì vô tình mà họ đáp ứng được những điều kiện bên ngoài, đã nói đến bên trên.

Có hàng ngàn người không tên tuổi khác đang cố gắng sống trong sự thật, và hàng triệu người muốn mà chưa thể, đơn giản vì có lẽ làm như thế trong điều kiện của họ cần lòng can đảm lớn hơn mười lần lòng can đảm của những người đã đi bước đầu tiên. Nếu vài chục người trong số đó được chọn ra một cách ngẫu nhiên và được xếp vào loại đặc biệt thì nó sẽ làm méo mó hoàn toàn bức tranh chung. Nó làm méo mó theo hai cách.

Hoặc là nó ngụ ý rằng những “người bất đồng chính kiến” là những người lỗi lạc, như “những loài cần được bảo vệ”, tức là người được phép làm những việc mà người khác không được làm, là những người mà chính phủ thậm chí còn nuôi dưỡng để làm bằng chứng về lòng khoan dung của nó; hoặc là nó đánh lừa người ta rằng đấy chỉ là một nhúm những kẻ bất mãn chẳng làm được trò trống gì, tất cả những người khác đều cảm thấy hài lòng, bởi vì nếu không thì họ đã là những “người bất đồng chính kiến” rồi.

NGUỒN HÌNH ẢNH,LANGEVIN JACQUES

Mọi người cầm biểu ngữ và cờ trong cuộc biểu tình chống chính phủ dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Cộng sản.

Nhưng đấy không phải là tất cả.

Cách phân loại này vô tình đã tô đậm ấn tượng rằng quan tâm chủ yếu của những “người bất đồng chính kiến” là quyền lợi phe nhóm mà họ cùng chia sẻ, như thể toàn bộ cuộc tranh luận của họ với nhà nước chỉ là xung đột trừu tượng giữa hai nhóm đối đầu nhau, chẳng liên quan gì đến xã hội.

Nhưng ấn tượng này mâu thuẫn sâu sắc với ý nghĩa thực sự của thái độ “bất đồng chính kiến”, tức là lo lắng cho quyền lợi của người khác, lo lắng trước những hiện tượng đang làm cho xã hội nhức nhối, nói cách khác, lo lắng cho quyền lợi của những người chưa dám lên tiếng.

Nếu những “người bất đồng chính kiến” có một thứ uy quyền nào đó, và nếu họ còn chưa bị tiêu diệt như những con côn trùng ngoại lai có mặt không đúng chỗ, thì đấy không phải vì nhà nước muốn giữ lại một nhóm đặc biệt này và tôn trọng tư tưởng đặc biệt của họ, mà vì chính phủ hiểu rất rõ rằng sức mạnh chính trị tiềm tàng của “sống trong sự thật” bắt rễ từ không gian bị che giấu, nó cũng nhận thức rõ thế giới, nơi bất đồng chính kiến lớn lên và thế giới mà nó hướng tới: Đấy là thế giới của đời sống thường nhật, thế giới của mâu thuẫn hàng ngày giữa những mục tiêu của cuộc đời với mục tiêu của hệ thống.

NGUỒN HÌNH ẢNH,DEREK HUDSON

Khoảng 250.000 người biểu tình tại Quảng trường Wenceslas để kêu gọi tự do hơn và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Tiệp Khắc từ chức, Miloš Jakeš, Prague, hôm 22/11/1989

Các tổ chức chính trị và cảnh sát không phí nhiều thì giờ với những “người bất đồng chính kiến” – có thể tạo ra ấn tượng là chính quyền sợ họ như thể sợ một nhóm quyền lực khác vậy – chỉ vì họ thực sự là một nhóm quyền lực khác; mà bởi vì họ là những người bình thường, với những lo lắng của người bình thường, họ chỉ khác với những người kia ở chỗ họ nói lớn điều mà những người khác không thể nói hoặc vì sợ mà không dám nói.

Tôi đã từng nhắc đến ảnh hưởng chính trị của nhà văn Nga bị đày ải Aeksandr Solzhenitsyn: nó không nằm trong sức mạnh chính trị riêng biệt mà ông có với tư cách là một cá nhân, mà ở trải nghiệm của hàng triệu nạn nhân trại cải tạo Gulag, ông chỉ làm mỗi một việc là khuếch đại và nói lại cho hàng triệu người có lương tri biết mà thôi. Tách ra một nhóm những “người bất đồng chính kiến” nổi tiếng hoặc lỗi lạc, trên thực tế, cũng có nghĩa là phủ nhận khía cạnh đạo đức cốt lõi nhất trong hoạt động của họ.

Như ta đã thấy, phong trào “bất đồng chính kiến” phát sinh từ nguyên tắc bình đẳng, dựa trên quan niệm rằng quyền con người và quyền tự do là không chia tách được. Cuối cùng, chẳng phải là những “người bất đồng chính kiến” nổi tiếng trong KOR ở Ba Lan đã đứng lên bảo vệ những người lao động không tên tuổi hay sao?

Và chẳng phải chính vì lí do này mà họ trở thành những “người bất đồng chính kiến” nổi tiếng hay sao? Và chẳng phải là những “người bất đồng chính kiến” nổi tiếng tập hợp lại trong Hiến chương 77, sau khi họ đã tập hợp cùng nhau nhằm bảo vệ những nhạc sĩ vô danh và liên kết với họ, và chính vì lẽ đó mà trở thành những “người bất đồng chính kiến nổi tiếng” hay sao? Đúng là một nghịch lí tàn nhẫn: Càng nhiều người đứng lên bảo vệ những người khác, thì họ lại càng dễ bị gọi bằng một từ làm họ xa cách với “các công dân khác”. Tôi hi vọng rằng cách giải thích này sẽ làm rõ ý nghĩa của các dấu ngoặc kép mà tôi đặt cạnh từ “người bất đồng chính kiến” trong suốt tiểu luận này…

“Quyền lực của kẻ không quyền lực” là tiểu luận trên 130 trang được Vaclav Havel viết khi ông là trí thức đối lập ở Tiệp Khắc tháng 10/1978. Vaclav Havel (1933-2011) được bầu làm tổng thống cuối cùng của Tiệp Khắc và tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Czech. Bản tiếng Việt trích đoạn ở trên có nguồn từ bản tiếng Việt xuất bản năm 2014 (xem thêm trên trang của nhóm Văn Lang, CH Czech: QuyenLuc.pdf (vanlang.eu)). Tựa đề của bài này do BBC đặt.

Chú thích: *Ủy ban Bảo vệ Công nhân, KOR – một tổ chức của Ba Lan tồn tại trước khi có sự ra đời của Công đoàn Đoàn kết năm 1980, sau được đổi tên thành KSS-KOR (Ủy ban Tự vệ Xã hội-KOR) để nhấn mạnh đến cam kết bảo vệ các quyền dân sự và ủng hộ các sáng kiến xã hội chống lại các thể chế của nhà nước toàn trị. Tiểu luận của Vaclav Havel đã đem lại hy vọng cho phong trào tại Ba Lan như lời kể của một lãnh tụ nghiệp đoàn cơ sở ở nhà máy Ursus, gần Warsaw, ông Zbigniew Bujak, khi họ bị công an Ba Lan nhốt nhiều ngày trong xưởng máy vì đình công.

** Khi Hiến chương 77 xuất hiện, chính quyền Tiệp Khắc đã tung ra chiến dịch buộc toàn dân phải tuyên bố rằng Hiến chương 77 là sai. Hàng triệu người buộc phải kí giấy ủng hộ quan điểm đó của Đảng CS.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay