Tin giả tràn ngập trong các cộng đồng thiểu số vào mùa bầu cử Mỹ

Thiện Lê/Người Việt

LOS ANGELES, California (NV) – Mùa bầu cử chỉ còn chưa đến một tháng, cử tri cần rất nhiều thông tin quan trọng về các ứng cử viên hay về thủ tục bỏ phiếu. Tuy nhiên, những tin tức sai lệch, hay tin giả, gây không biết bao nhiêu nguy hiểm trong nhiều cộng đồng.

Quá nhiều nguồn tin làm cử tri không biết tin tưởng vào nguồn nào. (Hình minh họa: Angela Weiss/AFP via Getty Images)

Để giúp cử tri tránh bị tin giả tấn công, hôm Thứ Sáu, 7 Tháng Mười, tổ chức Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) mời các diễn giả thảo luận về tin giả, những nguồn tin và tình trạng hiện nay không có nhiều nỗ lực để ngăn chặn các nguồn tin giả đó.

Diễn giả đầu tiên là bà Mekela Panditharatne, cố vấn của tổ chức bất vụ lợi Brennan Center thuộc Đại Học Luật New York.

Bà cho biết tin giả là một vấn đề đã có từ lâu trong lịch sử bầu cử của Hoa Kỳ, muốn lường gạt nhiều cộng đồng để họ không bỏ phiếu bằng cách đưa ra những thông tin sai lệch về các thủ tục bỏ phiếu. Những cộng đồng bị tin giả tấn công nhiều nhất là người thiểu số, không biết tiếng Anh.

“Tin giả xuất hiện nhiều nhất khi có quá nhiều nhu cầu cho tin tức chính xác, mà không đủ nguồn tin để cung ứng,” bà Panditharatne nói.

Ngoài những nguồn tin giả mang đến cho các cộng đồng thiểu số nhiều thông tin sai lệch, bà còn cho biết có đến 21 tiểu bang thông qua các đạo luật giới hạn quyền bầu cử.

Những đạo luật đó thường nhắm vào và gây ảnh hưởng cho cộng đồng người Latino hay người gốc Phi Châu, với nhiều cử tri mới ghi danh là người Latino.

Nhiều cử tri mới chắc chắn sẽ gặp nhiều thông tin sai lệch trên các nguồn tin tiếng Tây Ban Nha, và họ thường nghe tin qua đài phát thanh nhiều nhất.

Các hệ thống mạng xã hội giúp tin giả lan truyền nhanh hơn. (Hình minh họa: Oliver Douliery/AFP via Getty Images)

Diễn giả thứ hai là bà Tamoa Cazadilla, tổng thư ký tổ chức Factchequeado chuyên kiểm tra thông tin của các nguồn tin tiếng Tây Ban Nha. Bà Cazadilla cho biết tổ chức này được thành lập vào Tháng Tư năm nay, với sự hỗ trợ của Google và có đến 30 đối tác truyền thông để kiểm tra thông tin của các nguồn tin tiếng Tây Ban Nha.

Bà Calzadilla còn là cựu giám đốc phụ trách kiểm tra thông tin của Univision, hệ thống truyền hình tiếng Tây Ban Nha lớn nhất Hoa Kỳ.

Vì vậy, bà nhấn mạnh sự quan trọng của tin tức chính xác trong cộng đồng Latino, vì từng có nhiều tố cáo gian lận bầu cử năm 2020 rất thường thấy, cùng nhiều tin tức sai lệch nhắm vào cộng đồng này.

Bà Mekela Panditharatne (trái) và bà Tamoa Cazadilla. (Hình: Chụp từ màn hình Zoom)

Bà đưa ra một câu chuyện từng được nhiều đài phát thanh ở Florida nói đến là Sở Thuế Hoa Kỳ mua đạn để tấn công nhà dân và lấy tiền của họ.

Hai tin tức sai lệch khác lan truyền rộng rãi trong các cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha là các vấn đề ở biên giới và giả thuyết Hoa Kỳ đang cho người nhập cư bất hợp pháp dễ dàng vào Mỹ để thay thế người da trắng.

Bà cho hay cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đều điều khiển tin tức để có lợi, nhưng đa số tin tức về tội phạm và di trú đa số đến từ các nguồn tin bảo thủ. Di trú là vấn đề được cộng đồng Latino quan tâm đến nhiều nhất, và các nguồn tin đó muốn lợi dụng điều này.

Không chỉ có cộng đồng Latino, nhiều cộng đồng thiểu số khác cũng phải đối mặt tin giả, trong đó có cộng đồng người Hoa.

Bà Rong Xiaoqing (trái) và bà Vanessa Cardenas. (Hình: Chụp từ màn hình Zoom)

Diễn giả thứ ba là bà Rong Xiaoqing, ký giả của nhật báo Sing Tao Daily ở New York, thảo luận về tin giả trong cộng đồng người Hoa qua các hệ thống mạng xã hội.

Bà cho hay cộng đồng người Hoa sử dụng WeChat nhiều nhất, với nhiều thông tin sai lệch về hệ thống dân chủ của Hoa Kỳ vì chính phủ Trung Quốc muốn cho người dân thấy Hoa Kỳ đang sập đổ.

Một điều đáng ngạc nhiên là chính phủ Trung Quốc không chặn đứng hay điều khiển nhiều thông tin về đại dịch COVID-19 vì muốn người dân trong nước và hải ngoại chích ngừa.

Một vấn đề khác cũng được cộng đồng người Hoa quan tâm là di trú, với nhiều nguồn tin cho biết chính quyền Biden cấp thẻ xanh tạm thời cho di dân bất hợp pháp. Điều đó làm cộng đồng người Hoa bất mãn vì họ xin thẻ xanh theo đúng thủ tục.

Cả hai phía cấp tiến và bảo thủ đều điều khiển tin tức cho có lợi. (Hình minh họa: Eva Marie Uzcategui/Getty Images)

Diễn giả cuối cùng là bà Vanessa Cardenas, phó giám đốc tổ chức kêu gọi cải cách di trú America’s Voice, nói về tình trạng tin giả đã có từ lâu trong nguồn tin tức ở Hoa Kỳ.

Bà cho hay tin giả đã có từ lâu, nhưng cách cử tri tìm tin tức thay đổi rất nhiều, làm tin giả lan truyền rất nhanh, và trở thành một “quái vật” không thể điều khiển được.

Với nhiều trang mạng xã hội như Facebook và Twitter, tin tức sai lệch có thể lan truyền đến hàng triệu người chỉ trong chốc lát.

Bà Cardenas còn nói về đài Fox News đưa ra nhiều thuyết âm mưu, nhiều thông tin sai lệch về di trú, tôi phạm và kinh tế để khán giả xem liên tục trong mùa bầu cử.

Theo bà, đài truyền hình bảo thủ đó tạo ra nhiều hình ảnh tiêu cực về người nhập cư và liên tục nhắc đến những tố cáo gian lận bầu cử. [qd]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay