SỐNG HƯỚNG VỀ CUỘC ĐỜI MAI SAU

 SỐNG HƯỚNG VỀ CUỘC ĐỜI MAI SAU (CHỦ NHẬT 18 C)

Phó Tế: Nguyễn Sỹ Bạch

Ông bà và anh chị em thân mến, cả ba bài đọc hôm nay giúp chúng ta suy nghĩ về cuộc đời của mình để chọn cách sống cho cuộc đời mai sau.

Trong bài đọc một, tác giả sách Giảng Viên khi suy tư về sự khôn ngoan, về kinh nghiệm, về những bấp bênh của cuộc đời và về cái chết như một sự thật không tránh được nên đã thốt lên rằng “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân.”

Trong bài đọc hai, thánh Phaolô khuyên tín hữu phải chọn cách sống cho cuộc đời mai sau, nghĩa là phải tìm những sự trên trời và mặc lấy Đức Kitô ngay trong lúc này bởi vì cái chết không còn là bế tắc nữa, bởi vì Đức Kitô đã đánh bại thần chết rồi và bởi vì Ngài đã đem lại sự sống đời đời như là lời hứa chứa chan hy vọng rồi!

Trong bài Tin Mừng, vì thương con người, Chúa Giêsu đã không nhận làm quan tòa xét vụ chia gia tài giữa hai anh em, vì thương con người, Ngài đã thấy rõ lý do đằng sau của việc đòi chia gia tài sẽ làm cản trở cho cuộc sống mai sau, vì thương con người nên đã cảnh giác rằng: Anh em hãy con chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam (ham muốn), không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.”

Vậy trước khi tìm hiểu tham lam ham muốn và những hình thức của nó gây cản trở cho đời sống mai sau để rồi tìm kiếm những phương thuốc trị bệnh tham lam ham muốn, chúng ta cần xác tín của cải hay những gì chúng ta có đến từ đâu.

1- CHÚA GIÊSU KHÔNG CHỐNG LẠI NHỮNG AI CÓ CỦA CẢI.  

Trước hết, của cải và những vật chất kể cả những khả năng chúng ta có được hay gia tài của mỗi chúng ta là do Chúa ban.  Mỗi chúng ta luôn cần xác tín và cảm tạ Chúa từng giây phút về những gì chúng ta có. Một khi đã trao ban, Chúa không chống lại những của cải, những khả năng đó. Chống sao được khi tất cả đến từ Ngài, tất cả là ân sủng Ngài ban để giúp chúng ta đạt đến đời sống hạnh phúc mai sau. Vậy thái độ hay cách sống nào cản trở cho đời sống mai sau.

2- THAM LAM – HAM MUỐN DƯỚI NHIỀU HÌNH THỨC.

Qua bài Tin Mừng, cái cản trở không phải là gia tài, nhưng là lòng tham lam ham muốn. Chia gia tài theo phong tục xã hội là điều hầu như hiển nhiên. Nhưng ở đây, Chúa hiểu được lòng tham lam của cải làm con người tranh dành, kiện cáo.  Nhân dịp này, để người đòi chia gia tài hiểu và để bao người khác không quá bám víu hoặc chỉ quan tâm đến của cải, vì của cải có thể là một cản trờ nguy hại cho đời sống mai sau, Chúa Giêsu nói với dân chúng: “Anh em hãy coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam (ham muốn), không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.”    

Tham lam hay ham muốn, có nhiều thứ và mang nhiều hình dạng khác nhau hoặc có ý thức hay không ý thức.  Ở đây, tham lam núp bóng dưới hình thức của việc đòi công bằng, như người đòi chia gia tài.  Hay chẳng hạn, chúng ta thường nghe một số người phàn nàn về chương trình trợ cấp xã hội giúp những người kém may mắn vì nhiều lý do khác nhau.  Họ lẫm bẩm rằng “Tôi đã làm việc, đã trả thuế suốt đời.  Tại sao chính phủ chi tiền của tôi cho những người lãnh trợ cấp ngồi chơi xơi nước mà không phải làm gì cả !”  Điều phàn nàn nghe như là phàn nàn vì vấn đề công bằng, nhưng lại là một sự tham lam, ham muốn dưới hình thức khác, hình thức của ích kỷ.  

“Anh em hãy coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam… là lời Chúa cảnh báo trước, nên để làm sáng tỏ hơn thế nào là tham lam cho người đòi chia gia tài hiểu, cũng như cho mỗi chúng ta, Chúa Giêsu đưa ra thêm câu chuyện người phú hộ nhờ ruộng nương sinh hoa lợi nên nghĩ đến việc phá những cái kho kia để xây những kho lớn hơn hầu tích trữ tất cả thóc lúa và của cải vào đó.  Chúng ta nghĩ xem ông ta đã làm điều gì sai?  Ông chẳng làm điều gì sai trái cả !  Có thể ông đã vất vả lao công, làm việc chân chính và thâu hoạch kết quả nên cần tích trữ để hồn ông đáng được nghỉ ngơi, ăn chơi cho đả.  Ai chẳng có quyền như thế. Một số sau khi sống ở đất nước này, đã thành công trong thương trường và cũng đã/đang làm như thế. Cũng bình thường thôi. Nhưng chỉ có một điều người phú hộ không hay biết là nội trong đêm ông sẽ mất mang sống thì của cải sẽ về tay ai.  Ông quên mất điều đó hay không ý thức hoặc nghĩ chết cũng còn lâu lắm chăng! Ông không nhớ lời tác giả sách Giảng Viên đã coi “Tất cả là phù du” sao !  Còn chúng ta, chắc chắn khi suy tư về cuộc đời, chúng ta làm sao quên được sách Gióp đã ghi “Thân trần truồng tôi sinh từ lòng mẹ, tôi cũng trở về trần truồng” ! Chúa Giêsu nói hãy coi chừng là như thế.

Vì tham lam hay ham muốn ẩn núp dưới nhiều dạnh thức khác nhau, có khi thấy được có khi không và có khi cũng không muốn thấy.  Cái tham lam hay ham muốn ở đây là lòng ích kỷ.  Xã hội này với muôn vàn khuyến dụ làm mờ mắt chúng ta như đã làm người phú họ mù. Mù vì ích kỷ nên ông không nhìn xa hơn chính mình.  Trong câu chuyện ngắn gọn ông nhà giàu hay phú hộ đã dùng đi dùng lại chữ MÌNH đến 4 lần, chữ mình đồng nghĩa với chữ tôi: mình phải làm gì, mình sẽ làm thế nầy, của cải mình, mình bây giờ ê hề của cải…

Vì ích kỷ, ông không thể nhìn xa, nhìn ra ngoài, nhìn cao hơn thế giới của ông.  Quả thực, Chúa dặn dò phài coi chừng là coi chứng cách nhà phú hộ, cách của một số chúng ta sống không phù hợp với đời sống mai sau là như thế.  

Có một cuộc đàm thoại giữa một chàng thanh niên và một ông lão hiểu đời như sau.  Chàng nói: tôi sẽ học buôn bán. Ông lão hỏi: Rồi sao nữa?- Tôi sẽ mở hiệu buôn.  Rồi sao nữa?  -Tôi sẽ dựng nên cơ nghiệp lớn.  Rồi sao nữa?  -Tôi sẽ về già, về hưu, sống bằng tiền bạc của tôi. Rồi sao nữa?   Nói đến đây, anh ta chợt thốt lên: Ờ có lẽ một ngày kia tôi sẽ chết! – Ông lão hỏi tiếp: Rồi sao nữa?

Câu hỏi Rồi sao nữa như là một thức tĩnh cho người thanh niên và cho tất cả cho chúng ta.  Chúng ta tự đặt câu hỏi cho chính mình: “Tôi hiện đang làm chủ những gì tôi có hay những gì tôi có đang làm chủ tôi, làm chúa của tôi.” Của cải chỉ là một thôi, chúng ta còn những thứ ham muốn khác nữa như tự kiêu, địa vị, quyền hành, v.v.. Nếu trả lời được thì chúng ta nhận ra ngay mình đang ở thế giới nào.  Hạ giới hay thượng giới.  Tất cả những gì thuộc hạ giới đều sẽ qua đi, còn những gì thuộc thượng giới -ở ngoài chúng ta- sau cái chết, thì có sự sống vĩnh cữu. Người phú hộ trong câu chuyện đang lo tương lai của mình ở hạ giới.  

3- NHỮNG PHƯƠNG THUỐC TRỊ THAM LAM

Vậy đâu là cách sống cho tương lai mai sau, đâu là những phương thuốc giúp điều trị hay chữa lành tham lam, ham muốn, ích kỷ. Thánh Phao lô nói trong bài đọc hai.  “Những gì thuộc về hạ giới trong con người: gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng.”  Ngẫu tượng là một loại chúa ở trần gian, được tôn thờ có khi đến độ đam mê như tiền của, sắc dục, như quyền hành và như cái tôi là tất cả vũ trụ. Cái thế giới bên kia cái chết là thượng giới. Thánh Phao lô khuyên: “Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc về thượng giới, chứ đừng chú tâm về những gì thuộc về hạ giới.”  Những gì thuộc về thượng giới là khiêm tốn, yêu thương, bác ái, tha thứ, hy sinh, quyên mình v.v... Đó là những phương thuốc giúp diệt trù tham lam, ham muốn.  Đó là những thứ giàu sang trước mặt Chúa, còn những của cải, khả năng, sức khoẻ, v.v… tất cả chỉ là phù vân, là chóng qua như bài đọc một nhấn mạnh. Mà phù vân thật, bởi vì khi đã chết thì mang được gì theo đâu. Dân tộc Tây Ban Nha nói một câu sâu sắc như sau: “Vải liệm ngưòi chết không bao giờ có túi.” Phải, đâu có chi mang theo được mà may túi làm gì! Vậy chúng ta cùng sống tinh thần khó nghèo đi – dù giàu hay chưa có lương thực ngày mai – bởi vì cái chết công bằng với mọi người.

Hôm nay chúng ta cầu xin được vui hưởng những gì Chúa ban, và nhận ra lòng thiện hảo của Chúa qua tài năng, sức khoẻ, của cải và những gì chúng ta đang có.  Chúa biết chúng ta CẦN có những điều đó cho cuộc sống và để nhờ đó đến gần Ngài.  Tuy nhiên, nếu chúng ta quá QUAN TRỌNG HÓA hay bám chặt, dính chặt với những gì chúng ta đang có, những cái đó sẽ gây phản ứng nghịch lại nơi chúng ta.   Châm ngôn La mã ví tiền bạc khác nào nước biển, càng uống càng khát.  Lúc đã khát rồi, chúng ta không còn nghe tiếng mời gọi khẩn cấp của Chúa, không còn sáng suốt để thấy nhu cầu đói khổ của anh em, lúc đó chúng ta đảo lộn ưu tiên của cuộc sống, lúc đó chúng ta từ từ đánh mất sự sống mai sau của chúng ta.

 Thánh Phao lồ trong thư gởi tín hữu Ephêsô khuyên rằng: “Vì thế, anh em hãy cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối” (Thật đau đớn cho những ai đang bị các ham muốn lừa dối).

Phó Tế: Nguyễn Sỹ Bạch

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay