DIỄN VĂN CỦA THỦ TƯỚNG NHẬT BẢN SHINZO ABE KHI THĂM TRÂN CHÂU CẢNG (27/12/2016)

Võ Văn Tạo

Đọc diễn văn của TT Shinzo Abe thăm Trân Châu Cảng (2.016), lại nhớ phát biểu (2.000- Hà Nội) của TBT Lê Khả Phiêu “đốp” mặt Clinton – TT Mỹ bỏ cấm vận kinh tế VN, nồng nhiệt khai thông quan hệ Mỹ – Việt.

Quan đần, dân khổ. Các cụ xưa nói cấm có sai!

Dễ hiểu vì sao ra khỏi chiến tranh với Mỹ 25 năm, Nhật vươn thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Sau 49 năm, người Việt vẫn tỏa đi khắp thế giới làm osin, dâu xứ người.

Hu hu!

—–

DIỄN VĂN CỦA THỦ TƯỚNG NHẬT BẢN SHINZO ABE KHI THĂM TRÂN CHÂU CẢNG (27/12/2016)

(Người dịch: Nguyễn Quốc Vương)

Kính thưa tổng thống Obama, tư lệnh Harris, quý vị quan khách và toàn thể quốc dân Mĩ!

Giờ đây, tôi đang đứng ở Trân Châu Cảng, Pear Habour, với tư cách là thủ tướng Nhật Bản.

Khi lắng tai nghe, tôi có thể nghe thấy tiếng sóng vỗ bờ và trở lại ngoài khơi. Mặt vịnh xanh và yên bình được chiếu sáng bởi ánh nắng mềm mại tỏa xuống từ mặt trời.

Phía sau tôi, trên biển kia là khu tưởng niệm Arizona (Arizona Memorial-ND) màu trắng.

Tôi đã cùng với tổng thống Obama đến thăm nơi được xây dựng để an ủi linh hồn những người đã mất ấy.

Đấy là nơi tôi đã cúi đầu mặc niệm.

Nơi đang khắc tên những người lính đã mất.

Những người lính tới đây từ California, Michigan, New York, Texas và nhiều nơi khác vì nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc cao cả đã chết trong lửa đỏ khi bom đạn xé chiến hạm Arizona thành hai mảnh vào ngày ấy.

Giờ đây, đã 75 năm trôi qua, dưới con tàu Arizona nằm nghiêng dưới đáy biển sâu vẫn còn rất nhiều binh sĩ đang yên nghỉ.

Khi lắng tai nghe với tất cả lòng mình, tôi nghe thấy tiếng của những người lính cùng với âm thanh của gió và của sóng.

Những tiếng trò chuyện vui vẻ, sôi nổi và dịu dàng vào buổi sáng chủ nhật ngày đó.

Tiếng của những người lính trẻ đang trò chuyện với nhau về tương lai và những giấc mơ của mình.

Tiếng gọi tên người mình yêu thương trong khoảnh khắc cuối cùng.

Tiếng nguyện cầu hạnh phúc cho những đứa trẻ sẽ chào đời.

Mỗi người lính đều có bố có mẹ lo lắng cho mình. Họ cũng có người vợ yêu thương và người yêu. Và có lẽ họ cũng có cả những đứa con mà họ đang háo hức với sự lớn lên từng ngày của chúng.

Tất cả những tâm tư ấy đã bị cắt đứt.

Khi nghĩ đến sự thật nghiêm trọng ấy và cảm nhận sâu sắc nó, tôi đã không thể thốt nên lời.

Hỡi những linh hồn, xin hãy ngủ yên! Tôi, với tư cách là đại diện cho quốc dân Nhật Bản đã thả hoa xuống biển nơi những người lính đang an nghỉ với cả tấm lòng thành.

Kính thưa tổng thống Obama, toàn thể quốc dân nước Mĩ và người dân trên toàn thế giới!

Tôi, với tư cách là thủ tướng Nhật Bản, xin được gửi lời chia buồn chân thành mãi mãi tới linh hồn của những người đã bỏ mạng ở mảnh đất này, tới tất cả những người dũng cảm đã bỏ mạng bởi cuộc chiến tranh bắt đầu từ đây và cả linh hồn của vô số người dân vô tội đã trở thành nạn nhân của cuộc chiến tranh.

Tấn thảm kịch của chiến tranh sẽ không bao giờ được lặp lại.

Chúng tôi đã thề như thế. Và rồi sau chiến tranh, chúng tôi đã xây dựng nên quốc gia tự do, dân chủ, tôn trọng pháp trị và duy trì lời thề bất chiến một cách chân thành.

Trong suốt chặng đường 70 năm sau chiến tranh với tư cách là một quốc gia hòa bình, người Nhật chúng tôi đã vừa thầm tự hào vừa duy trì phương châm không gì lay chuyển ấy.

Ở đây, trước những người lính đang ngủ yên trên chiến hạm Arizona, trước toàn thể quốc dân Mĩ và mọi người trên thế giới, tôi, với tư cách là thủ tướng Nhật Bản muốn thể hiện rõ ràng, mạnh mẽ quyết tâm ấy.

Ngày hôm qua tôi đã đến thăm tấm bia tưởng niệm một sĩ quan đế quốc Nhật Bản ở căn cứ hải quân Kaneohe.

Đó là trung tá Ida Fusata, phi công máy bay chiến đấu, người đã trúng đạn và không thể trở lại mẫu hạm trong khi tấn công Trân Châu Cảng.

Những người lập tấm bia ở địa điểm trung tá Ida Fusata rơi không phải là người Nhật. Chính là những người lính Mĩ, những người ở phía bị tấn công đã làm điều ấy. Họ đã dựng tấm bia vì tôn trọng sự dũng cảm của người đã chết.

Trên tấm bia khắc ghi “Đại úy hải quân đế quốc Nhật Bản”, cấp bậc lúc đương thời, tỏ ý kính trọng đối với người lính đã dâng hiến sinh mệnh cho tổ quốc.

“The brave respect the brave”.

Người dũng cảm kính trọng người dũng cảm.

Nhà thơ Ambrose Bierce đã viết câu thơ như thế!

Cho dù là kẻ địch của nhau cũng vẫn thể hiện lòng kính trọng. Cho dù là kẻ thù căm tức lẫn nhau vẫn cố gắng để hiểu nhau.

Ở đó là tấm lòng khoan dung của quốc dân nước Mĩ.

Khi chiến tranh kết thúc, lúc Nhật Bản trở thành cánh đồng cháy trụi mênh mông và khổ sở trong tận cùng của nghèo đói, người đã không hề ngần ngại gửi đến thức ăn, quần áo là nước Mĩ và quốc dân Mĩ.

Nhờ những tấm áo ấm và sữa mà quý vị gửi đến mà người Nhật đã giữ được sinh mệnh tới tương lai.

Và rồi nước Mĩ cũng đã mở cho Nhật Bản con đường trở lại cộng đồng quốc tế. Dưới sự lãnh đạo của nước Mĩ, chúng tôi, với tư cách là một thành viên của thế giới tự do đã được hưởng thụ hòa bình và sự phồn vinh.

Tấm lòng khoan dung rộng lớn, sự giúp đỡ và thành ý như thế của quý vị đối với người Nhật chúng tôi, những người đã từng đối đầu quyết liệt như kẻ địch đã khắc sâu trong lòng ông bà, bố mẹ chúng tôi.

Cả chúng tôi cũng sẽ ghi nhớ điều đó. Cả con cháu chúng tôi cũng sẽ kể mãi và không thể nào quên.

Trong đầu tôi lại hiện ra những lời được khắc trên bức tường ở khu tưởng niệm Lincoln ở Washington, nơi tôi đã đến thăm cùng tổng thống Obama.

“Cho dù với ai cũng phải hướng đến nhau bằng thiện ý thay vì ác ý. Tất cả chúng ta sẽ cùng hoàn thành nhiệm vụ giữ gìn hòa bình vĩnh viễn”.

Đấy là lời của tổng thống Abraham Lincoln.

Tôi, với tư cách là đại diện cho quốc dân Nhật Bản, một lần nữa xin được chân thành cảm ơn sự khoan dung mà nước Mĩ và thế giới đã dành cho Nhật Bản.

Đã 75 năm sau trận “Trân Châu cảng”. Nhật Bản và nước Mĩ, những nước đã tham dự cuộc chiến tranh tàn khốc trong lịch sử, đã trở thành hai nước đồng minh gắn bó với nhau mạnh mẽ và sâu sắc hiếm có trong lịch sử.

Đấy là hai nước đồng minh mà hơn bao giờ hết đã luôn cùng nhau đối mặt với biết bao khó khăn trên thế giới. Đấy là “Đồng minh của hi vọng”, thứ mở ra tương lai.

Thứ gắn kết chúng ta chính là “sức mạnh của hòa giải”, the power of reconciliation, thứ do lòng khoan dung mang lại.

Thứ mà tôi, cùng với tổng thống Obama, tại Trân Châu Cảng này muốn nói với tất cả mọi người trên thế giới chính là sức mạnh hòa giải.

Tấn thảm kịch của chiến tranh hiện nay vẫn chưa hề biến mất trên thế giới. Cái vòng luẩn quẩn của thù hận vẫn chưa hề chấm dứt.

Chính lúc này, thế giới đang cần đến lòng khoan dung và sức mạnh hòa giải.

Nhật-Mĩ, hai nước đã bỏ đi sự thù hận và nuôi dưỡng tình bạn, sự tin cậy dưới những giá trị chung lúc này có nghĩa vụ phải tiếp tục nói với thế giới về tầm quan trọng của khoan dung và sức mạnh của hòa giải.

Đồng minh Nhật-Mĩ vì thế là “Đồng minh của hi vọng”.

Vùng vịnh đang dõi theo chúng ta kia chỗ nào cũng thật thanh bình. Đấy là vịnh Trân Châu.

Vùng vịnh đẹp đẽ ngập tràn ánh sáng trân châu này chính là biểu tượng của khoan dung và hòa giải.

Tôi mong rằng con cái người Nhật chúng tôi, các con của tổng thống Obama, con của tất cả người Mĩ và con cháu của những người con ấy cùng toàn thể mọi người trên thế giới sẽ tiếp tục ghi nhớ Trân Châu Cảng như là biểu tượng của hòa giải.

Để có được điều đó, chúng tôi từ giờ về sau sẽ luôn cố gắng. Ở đây, cùng với tổng thống Obama, tôi cương quyết nói lời thề như thế.

Xin trân trọng

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay