Hành trình đưa cha mẹ ra khỏi ‘địa ngục’ Mariupol

Hành trình đưa cha mẹ ra khỏi ‘địa ngục’ Mariupol

22 tháng 4 2022

NGUỒN HÌNH ẢNH,ANASTASIA PAVLOVA

Anastasia tỏ ra dũng cảm trước khi lái xe đến Mariupol

Khi lực lượng Nga bao vây Mariupol, một phụ nữ Ukraine đã thực hiện cuộc hành trình phi thường vào thành phố bị bao vây để giải cứu cha mẹ.

Nga muốn ‘ép đầu hàng’ các tay súng còn lại ở Mariupol?

Lính Ukraine ‘chiến tới cùng’, Nga ‘quyết san phẳng Mariupol’

Cô là một trong số ít những người đã bất chấp nguy cơ bị tấn công hoặc bị bắt cóc để lái xe qua tiền tuyến. Cô đã nói với BBC về “ngày tận thế” chứng kiến ở đó.

Trong vòng vài ngày kể từ khi Nga xâm lược, Anastasia Pavlova hiểu cuộc chiến sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với Ukraine.

Cô gái 23 tuổi này đã thoát khỏi trận pháo kích vào Kharkiv ngay từ đầu. Anastasia và vị hôn phu Abakelia đi về phía nam, đến thành phố Dnipro. Cô cảm thấy an toàn hơn khi ở đây trong căn hộ cao tầng của gia đình Abakelia.

Nhưng cô đau đớn cho số phận của chính cha mẹ mình, sống ở ngoại ô Mariupol.

Mẹ cô, Oksana, có đức tin. Bà tìm thấy sự bình yên trong lời cầu nguyện, và chăm sóc những bông hồng trong ngôi nhà gỗ xây bằng gạch nhỏ của họ ở khu Cheryomushki, một vùng ngoại ô công nghiệp.

Đối với giáo viên nghiên cứu tôn giáo 54 tuổi, thành phố là đặc biệt nhất. Bà giải thích: “Cái tên thành phố Mariupol, được đặt theo tên của Đức Trinh Nữ Maria.”

NGUỒN HÌNH ẢNH,ANASTASIA PAVLOVA

Anastasia Pavlova và bố mẹ trong thời gian trước chiến tranh

Bà Oksana cho biết: “Ngày này qua ngày khác, các quả đạn pháo với nhiều kích cỡ khác nhau bay trên nóc ngôi nhà nhỏ của chúng tôi.

“Vào ngày thứ tư của cuộc chiến, tôi bắt đầu nghĩ: ‘Tôi sẽ không vượt qua được chuyện này.'”

Mariupol nhanh chóng thành “địa ngục”, khi các lực lượng của Moscow bao vây thành phố. Giữa cuộc giao tranh, dân thường phải tìm kiếm thức ăn và nước uống – nước sinh hoạt và điện bị cắt và thông tin liên lạc bị sập.

Nhiều nghìn người đã thiệt mạng.

Các trạm kiểm soát quân sự kiểm soát việc di chuyển ra vào.

NGUỒN HÌNH ẢNH,REUTERS

Xe tăng bị phá hủy ở Mariupol

Tên lửa Grad có từ thời Liên Xô – tên lửa phóng từ phía sau xe tải quân sự mà đôi khi được mô tả là một “trận mưa đá” – đánh trúng khu vực nơi Oksana và chồng Dmitry có nhà của họ.

Oksana đã cố gắng nói chuyện với con gái mình qua phone. Bà cảnh báo Anastasia: “Đừng đến.”

Nhưng vào cuối tháng Ba, năm tuần sau cuộc chiến, Anastasia quyết định lái xe đến Mariupol – một hành trình đầy rẫy nguy hiểm.

Cô đã thuê một người lái xe và một chiếc xe từ các tình nguyện viên.

NGUỒN HÌNH ẢNH,ANASTASIA PAVLOVA

Trên đường đến Mariupol

Họ rời khỏi Zaporizhzhia, phía tây bắc Mariupol, là thành phố tương đối an toàn cuối cùng trước chiến tuyến.

“Không ai muốn lái xe dẫn đầu,” Anastasia giải thích. “Họ nghĩ rằng nếu ai đó muốn bắn, họ sẽ bắn vào chiếc xe dẫn đầu trước. Người lái xe của tôi rất dũng cảm. Anh ấy nói: ‘Chúng tôi sẽ là chiếc xe dẫn đầu.'”

Anastasia ngày càng cảm thấy lo lắng khi họ lái xe hơn 260 km (160 dặm) từ lãnh thổ do Ukraine kiểm soát, băng qua các chiến tuyến, qua trạm kiểm soát đầu tiên của Nga.

NGUỒN HÌNH ẢNH,OKSANA PAVLOVA

Oksana Pavlova làm giáo viên nghiên cứu tôn giáo

Khi họ tiến sâu hơn vào lãnh thổ do Nga chiếm đóng, “nhiều vệ binh” xuất hiện, với đồng phục của phe kiểm soát tại Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng do Nga hậu thuẫn.

“Tại một trong những trạm kiểm soát, trong khi kiểm tra tài liệu, họ đã nhắm nòng súng máy vào đầu chúng tôi”, Anastasia nói. Họ yêu cầu được biết lý do tại sao di chuyển. Cô giải thích rằng cô sẽ giúp cha mẹ và mang thuốc cho cha cô.

NGUỒN HÌNH ẢNH,ANASTASIA PAVLOVA

Oksana nấu ăn trong nhà bếp ở Mariupol, trước chiến tranh

Cô không thể rũ bỏ nỗi sợ hãi. “Cảm giác như họ sắp lấy xe của bạn hoặc bắn bạn, hãm hiếp bạn. Thật đáng sợ.”

Trong khi đó Oksana và chồng Dmitry đang ngủ trên sàn nhà ở Mariupol. Ngôi nhà rung chuyển dưới những đợt pháo kích và sóng nổ.

Oksana nói: “Ngay cả khi bị pháo kích, chúng tôi cũng nhận ra mối liên hệ giữa con người với nhau. Ai đó có một cái bếp tử tế, chúng tôi có một ít kiều mạch. Những người khác còn lại một ít nước. Chúng tôi đến thăm một người đàn ông lớn tuổi trong khu phố. Chúng tôi đã an ủi nhau, và điều đó khiến tôi không cảm thấy sợ hãi.”

Anastasia vào Mariupol ngay trước giờ giới nghiêm. Anastasia nói rằng cảm giác như “ngày tận thế”.

“Xung quanh bạn là những chiếc xe hơi, xe tăng cháy, những ngôi nhà bị thủng lỗ, những tòa nhà màu đen với những mái nhà đổ sập. Đám đông những người rất bẩn thỉu với đôi mắt trống rỗng.”

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Sự tàn phá Mariupol trong một bức ảnh từ tháng 4

“Ban đầu, nhìn những ngôi mộ, bạn sợ hãi và bối rối. Nhưng khi bạn nhìn thấy khoảng 10, 20 cái như thế, thì bạn cứ đi thôi. Cảm giác như bạn nhanh chóng quen với những hành động tàn bạo.”

Họ cố gắng đi qua khu vực trung tâm thành phố nhưng giao tranh diễn ra dữ dội.

Tại một trạm kiểm soát ở đó, quân lính nói với họ rằng họ có hai phút để di chuyển hoặc họ sẽ bị bắn.

Họ quyết định đi vòng quanh xa hơn về phía tây. Vào ban đêm, giờ giới nghiêm đang đến gần và họ lên đường đến vùng ngoại ô phía tây của Volodarske, nơi họ nghe nói rằng một trường học đã được cải tạo lại thành một trại tị nạn.

Anastasia nói: “Đây có lẽ là trải nghiệm đáng sợ thứ hai. Thật là đau đớn khi chứng kiến những người trong trại tị nạn này.”

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Tòa nhà chung cư đang cháy ở đông bắc Mariupol, Ukraine, ngày 19 tháng 3 năm 2022

Cô nói những thường dân bên trong sẽ bị lực lượng của Moscow đưa đến khu vực Rostov ở Nga và Donetsk ở miền đông Ukraine.

Quá trình này được Ukraine gọi là “thanh lọc” và bị phương Tây lên án là trục xuất.

Moscow mô tả đây là hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường.

“Những gì tôi nhìn thấy bên trong khiến tôi buồn nôn. Trên sàn nhà và hành lang, trong lớp học và phòng tập thể dục, mọi người gần như nằm chồng lên nhau. Có thể nghe thấy những câu chuyện khủng khiếp khi xếp hàng mua thức ăn. Một người nói rằng bà ấy đã ở dưới tầng hầm 10 ngày mà không có thức ăn. Bà ấy chỉ uống một quả trứng sống mỗi ngày.”

Anastasia nói rằng cô đã chứng kiến “ngày tận thế” vào đêm đó ở Mariupol. “Tôi cảm thấy như mọi thứ sụp đổ trong tôi. Dường như mọi thứ chúng tôi tin tưởng, đều sai.”

Anastasia đến gặp bố mẹ vào ngày thứ hai.

Mẹ cô Oksana gọi Anastasia là “một anh hùng”.

Họ đã cố gắng mang theo một số người hàng xóm của họ. “Trên xe buýt, chúng tôi đã đưa theo tám người.”

Nhưng Anastasia vẫn nghĩ đến những người không thể thoát ra. “Họ phải cố gắng sống sót, ngay cả khi Mariupol bị chiếm đóng.”

Dmitri, Oksana – với con mèo của nhà – và Anastasia Pavlova sau cuộc giải cứu từ Mariupol

Giờ đây, bố mẹ cô đang ở một thành phố an toàn hơn ở phía tây Ukraine, trong khi Anastasia vẫn ở Dnipro cùng với hôn phu Abakelia.

Cô mang cảm giác tội lỗi về cuộc giải cứu, vì đã đưa cha mẹ mình đến nơi an toàn trong khi những người khác vẫn còn ở đó.

Mẹ cô, Oksana đã nghĩ về cơn ác mộng của Mariupol. Bà nói: “Mỗi tội ác đều đi kèm với một hình phạt.”

Nhưng bà vẫn hy vọng vì hành động của con gái bà.

Oksana nói: “Để còn dũng cảm, thì chúng ta cần niềm tin.”

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay