Nửa triệu ca tử vong vì Covid-19: Vì sao Mỹ lại là nước bị tác hại nặng nhất?
Đăng ngày: 23/02/2021
Tại một nghĩa trang các nạn nhân Covid-19 ở Washington, Mỹ, ngày 22/09/2020. REUTERS – JOSHUA ROBERTS
Trọng Nghĩa
Hôm qua, 22/02/2021, số ca tử vong vì Covid-19 tại Hoa Kỳ đã vượt ngưỡng biểu tượng 500.000 người, kỷ lục thế giới mà người Mỹ không hề mong muốn. Mốc nửa triệu nạn nhân lại càng gây sốc khi đã bị vượt qua không đầy một năm sau khi ca tử vong đầu tiên vì dịch bệnh được chính thức ghi nhận. Trong lúc chính quyền quyết định 5 ngày treo cờ rủ trên toàn quốc để tưởng niệm các nạn nhân, câu hỏi được nhiều người nhắc đi nhắc lại vẫn là “vì sao nên nỗi”.
Đối với bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, người từng đứng đầu bộ phận đối phó với dịch Covid-19 thời cựu tổng thống Donald Trump, và hiện là trưởng nhóm cố vấn y tế của đương kim tổng thống Joe Biden, thì một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến Hoa Kỳ rơi vào thảm cảnh chính là tình trạng chia rẽ về chính trị đã phá hoại công cuộc đối phó với dịch bệnh ngay từ lúc mới bùng lên cho đến ngày ông Trump rời chức vụ.
Trả lời phỏng vấn của hãng tin Anh Reuters vào hôm qua, bác sĩ Fauci đã tỏ ý rất đau xót trước thảm cảnh mà người Mỹ đã phải trải qua vì dịch bệnh. Là quốc gia chỉ chiếm khoảng 4% dân số toàn cầu, nhưng nước Mỹ đã ghi nhận đến gần 20% tổng số ca tử vong vì Covid-19 trên thế giới, trong lúc số người bị nhiễm virus cũng vượt mức 28 triệu.
Đối với ông Fauci, “đây là điều tồi tệ nhất trong lãnh vực y tế đã xảy ra với nước Mỹ trong hơn 100 năm gần đây” và lịch sử sẽ nói về “năm kinh hoàng 2020 và có thể là cả năm 2021”.
Ông lại càng chua xót hơn khi nước Mỹ lại là một quốc gia giàu có nhất với một nền khoa học phát triển nhất. Nguyên nhân theo ông chính là vì đại dịch đã tràn vào Mỹ, khi đất nước này đang bị xáo trộn do sự chia rẽ chính trị, trong đó việc đeo khẩu trang – một biện pháp được cho là có hiệu quả trong việc ngăn không cho dịch bệnh lây lan – đã bị biến thành một tuyên bố lập trường chính trị hơn là một biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Thật vậy, vào thời kỳ đầu khi dịch bệnh mới bùng lên, những ai đeo khẩu trang bị cho là theo đảng Dân Chủ, trong lúc những người thuộc đảng Cộng Hòa, và nhất là những người ủng hộ ông Trump, đều cực lực chống việc đeo khẩu trang.
Theo ghi nhận của hãng Reuters, khi nằm trong bộ phận đặc nhiệm chống Covid-19 tại Nhà Trắng thời cựu tổng thống Donald Trump, bác sĩ Fauci thường xuyên mâu thuẫn với tổng thống, người đã tìm cách hạ thấp mức độ nghiêm trọng của đại dịch, mặc dù bản thân đã bị nhiễm, và từ chối ban hành lệnh đeo khẩu trang ở cấp quốc gia.
Ông Trump thậm chí đôi khi còn công kích bác sĩ Fauci, khiến cho thông điệp chống Covid của chuyên gia này bị suy yếu. Dù không đổ lỗi hoàn toàn cho cựu tổng thống, nhưng bác sĩ Fauci cho rằng “việc người lãnh đạo cao nhất của nước Mỹ không cố gắng làm mọi thứ dựa trên cơ sở khoa học rõ ràng đã gây bất lợi cho nỗ lực chống dịch.”
Hệ quả thấy rõ của điều này là một số bang và thành phố đã làm ngơ trước các khuyến nghị mà bộ phận chống dịch đề ra về các bước cần thiết cho việc mở cửa lại đất nước một cách an toàn sau các đợt phong tỏa vào mùa xuân vừa qua.
Đối với bác sĩ Joseph Masci, một trong những người quản lý Bệnh viện Elmhurst ở khu Queens – trung tâm của dịch bệnh ở thành phố New York, phản ứng “lộn xộn” của chính quyền Trump đã không giúp giải quyết được gì.
Trả lời nhật báo Pháp Ouest-France, chuyên gia này ghi nhận: “Ở một đất nước rộng lớn như Hoa Kỳ với 50 bang và một mạng lưới bệnh viện phần lớn là tư nhân, sẽ rất khó để tập hợp tất cả mọi người theo cùng một chiến lược.”