Từ ‘mọi có đuôi’ đến ‘Tây đen’
Feb 4, 2021
Võ Ngọc Ánh
Một doanh nhân ở Sài Gòn nói với tôi, anh từ chối mức lương $80,000/năm ở Mỹ để về Việt Nam làm việc. Nhưng điều làm anh cảm thấy buồn, nhiều công ty nước ngoài có văn phòng, nhà máy ở Việt Nam đưa Tây đen sang để làm sếp, trong khi người Việt đâu có tệ.
Tân Tổng Thống Joe Biden (trái) chúc mừng tân Phó Tổng Thống Kamala Harris, phụ nữ đầu tiên, da màu, nắm chức vụ cao nhất từ trước tới nay. (Hình: AP Photo/Carolyn Kaster)
Suy nghĩ của doanh nhân kia tôi đọc được, Tây trắng thông minh, giỏi hơn, làm sếp dễ được người Việt chấp nhận.
Đây là câu chuyện của hăm năm về trước, nhưng sự phân biệt chủng tộc dường như chưa bao giờ kết thúc với người Việt.
Trong hơn một năm qua tôi đã chứng kiến sự phân biệt chủng tộc đầy cay cú.
Một số người Việt ủng hộ cựu Tổng Thống Donald Trump, gọi cựu Tổng Thống Barack Obama là “mọi đen.” Một vị mục sư ủng hộ tổng thống thứ 45 của Mỹ gọi ông Barack Obama một cách đầy phân biệt bởi vì màu da của ông là “tổng thống nhọ nồi.”
Khi bà Kamala Harris được chọn làm phó cho ông Joe Biden, người Ấn Độ vui mừng với việc một người gốc Ấn ở vị trí phó tổng thống Mỹ. Qua mạng xã hội Facebook tôi đã thấy có nhiều người Việt đưa ra cái gốc Ấn Độ-Phi Châu để như cách hạ nhục bà Harris dù chưa từng có người gốc Việt nào đảm nhận chức ở vị trí tương tự.
Khi đến Mỹ tôi nghe vô số những chuyện không tốt về người Mỹ gốc Phi Châu, từ chuyện cho tiền tip thấp, ít chịu học, bạo lực nhiều…
Mùa Hè năm ngoái, khi phong trào “Black Lives Matter” xuất hiện, đa số người Việt tôi có dịp tiếp xúc cố chứng minh người da đen lười biếng, thích ăn vạ, thiếu cầu tiến.
Vẫn còn đó những đồng hương dường như thiếu sự thông hiểu cho lịch sử đầy nước mắt của người da đen phải chịu trên đất Mỹ từ trước khi lập quốc đến nay. Không ít người thiếu sự biết ơn những thành quả để nước Mỹ có được nền dân chủ hàng đầu thế giới mà chính họ đang thụ hưởng nhờ máu, nước mắt của không ít nhà tranh đấu người Mỹ gốc Phi Châu như Rosa Park, Martin Luther King…
Người Việt không nhìn thấy cộng đồng da đen ở Mỹ bị đối xử bất công bởi vì lòng người, định kiến xã hội, sự phân biệt mà nhân văn, luật pháp, văn minh tình thương đang cố gắng để chữa lành.
Dòng giống Lạc Hồng cứ tiêm vào đầu nhau những “mũi thuốc” người da đen xấu xa, bị đối xử bất công như thế là xứng đáng, dù việc khinh miệt này chẳng làm đẳng cấp của người Việt cao hơn.
Chuyện người Việt tự tôn mình thuộc đẳng cấp cao hơn so với các dân tộc khác không phải quá lạ. Khi còn nhỏ, tôi hay nghe người lớn tuổi kể: Người thiểu số trên miền núi có đuôi. Mỗi lần họ xuống phố là giấu đuôi. Vì họ ăn bốc nên không thể văn mình bằng người Việt.
Lớn hơn một chút, tôi chứng kiến không ít người trong xã đi buôn trên miền núi. Những câu chuyện tôi nghe chính họ kể, thay vì cân đúng 1 kg, họ cân tám lạng, thêm một ít để lấy lòng. Cái đồng hồ đeo tay bị vô nước làm mờ mặt kính lại giải thích, sắp mưa nên mặt đồng hồ dự báo thời tiết để bán cho người dân tộc… Các việc này hiểu đúng phải là việc đi lừa người thiểu số để lấy tiền.
Sự văn minh của một số người ở đây chỉ là dùng sự khôn lỏi để lấy lòng tin trong sự thật thà của người miền núi.
Người Việt chúng ta chưa thật sự có gì nổi bật cho thế giới, nhân loại nhưng một số người vẫn khinh miệt các sắc dân khác, tiếp tay khoét thêm đau thương. [đ.d.]