Một bài hay, các bác nên đọc. Mấy năm nay tôi luôn đọc và rất thích tác giả Bùi Quang Vơm.
QUANH “ HIỆN TƯỢNG TRUMP “: THẾ NÀO LÀ NGHỊCH LÝ ?
Bùi Quang Vơm
Trả lời phỏng vấn BBC ngày 17/11/2020, một nhà hoạt động có tên tuổi tại Paris đưa ra nhận định: “Điều khiến thế giới ngạc nhiên không phải là chiến thắng của Biden mà là thành tích của Donald Trump. Ông ta đã được 70 triệu người Mỹ, gần một nửa số người đi bầu, ủng hộ sau 4 năm cầm quyền, làm nước Mỹ vừa chia rẽ vừa bị cô lập như chưa bao giờ thấy. Sự chia rẽ này không chỉ lớn về mức độ mà còn rất nghịch lý về bản chất. Những người nghèo cảm thấy bị bỏ rơi, ủng hộ một tỷ phú chủ trương giảm thuế cho các công ty và những người giàu có, nghĩa là giảm ngân sách liên đới xã hội, trong khi phần lớn giai cấp khá giả lại ủng hộ Biden, một ứng cử viên chủ trương trước hết dành ưu tiên cho người nghèo. Nghịch lý này chứng tỏ nước Mỹ đã thương tổn rất nặng sau bốn thập niên mê mải chạy theo chủ nghĩa phóng khoáng (neoliberalism) khiến chênh lệch giàu nghèo trở thành quá đáng và gây ra vô số mâu thuẫn khác”.
Nhận định này chứa đựng những vấn đề gây tranh luận. Điều mà nhà hoạt động gọi là nghịch lý, có nhiều ý kiến khác nói toạc ra rằng: “gần một nửa nước Mỹ điên hết rồi sao!”.
Hiển nhiên là 73 triệu người Mỹ không điên, có nghĩa rằng, Trump không hoàn toàn “ngu dốt và vô đạo đức”, như hình ảnh được nhào nặn qua tay giới truyền thông. Nguyên nhân tạo ra cái “điên” của một nửa nước Mỹ nằm ở chỗ khác.
Trump và những Big Guys
Sẽ không phải là nghịch lý nếu hiểu được rằng, những người ủng hộ Biden, những người quyên góp những khoản tài trợ khổng lồ cho Biden là nhóm tài phiệt, trùm tư bản tài chính (big Capital, financial moguls of Wall Street), các trùm công nghệ lớn (big tech) Microsoft, Alphabet, Amazone, Apple, Silicon Valley, các trường đại học lớn, Havard, NY university, các Big Media, Google, Facebook, Twitter, Holywood…
Theo Forbes:“tính đến tháng 9/2020, 150 tỷ phú đã quyên góp trực tiếp cho chiến dịch của ông Biden hoặc cho các ủy ban gây quỹ liên kết với ông.Tổng số tiền mà các tỷ phú này đã quyên góp cho ông Biden và phe Dân chủ là 568,9 triệu USD”.
Đây là những chủ nhân ông, những nhân tố chủ chốt làm ra nền kinh tế Mỹ, những người khởi xướng và dẫn dắt cuộc cách mạng kỹ thuật lần thư tư, bắt đầu từ Mỹ, những người kiếm lời nhiều nhất và có số phận gắn kết nhất với toàn cầu hóa. Họ không phải bỏ phiếu hay ủng hộ Biden mà mục đích bằng mọi giá gạt Trump ra khỏi chính trường, vì Trump là người chủ trương nước Mỹ trên hết, người chống lại toàn cầu hóa, người tìm mọi cách đem sản xuất về lại nước Mỹ, chống nguồn tiền và tài sản trí tuệ Mỹ lọt ra nước ngoài, nuôi dưỡng các chế độ cộng sản độc tài…nhưng đem lại nguồn lợi nhuận khổng lồ mà họ đang hưởng.
Những ông Lớn này mang tiền vốn và công nghệ đầu tư vào nơi có chi phí cho sản xuất thấp nhất, đem lại lợi nhuận cao nhất, bất chấp những hậu quả mà chúng đem lại cho công dân và lao động Mỹ, hủy hoại nền kinh tế Mỹ. Chúng vào hùa với nhau tạo dựng nên một Trump vô học, vô đạo, độc tài, phân biệt chủng tộc, ngu dốt về chính trị… bất kể danh dự và lòng người. Chủ nghĩa tư bản không bao giờ thay đối bản chất. Vì lợi nhuận, chúng sẵn sàng làm mọi thứ, kể cả gây tội ác. Nhưng từ việc này, cũng chứng tỏ một điều rằng lợi nhuận thu được từ nước ngoài, đặc biệt là thị trường tỷ người của TQ là rất lớn, đủ để chúng hy sinh những lợi ích trong nước, bất chấp chủ nghĩa yêu nước và danh dự quốc gia.
Những ông chủ này không phải quyên góp cho Biden, họ quyên góp cho chính họ. Biden chỉ là một cái bung sung, một kẻ làm thuê. Với chủ trương tăng thuế thu nhập tới 35% và thuế tài sản tới 70% và nếu có những biện pháp thực sự hiệu lực kiểm soát mọi nguồn thu từ nước ngoài, thì chính phủ Biden sớm muộn cũng sẽ bị cho vào sọt rác, để chứng minh cho sức mạnh của chính phủ ngầm, thứ quyền lực có thật đang tồn tại trên đất Mỹ. Đó là các ông chủ của Wall Street và các ông Lớn Big Tech.
Trump chủ trương giảm thuế doanh nghiệp, hạ lãi suất vay ngân hàng, hủy bỏ những thủ tục cản trở đầu tư tại Mỹ, nâng thuế và phạt những dòng tiền và công nghệ di chuyển ra khỏi Mỹ, khuyến khích đầu tư trong nước, thu hút các nhà đầu tư quay về Mỹ, tạo sinh lực, năng động cho nền kinh tế Mỹ, tạo việc làm cho lao động Mỹ, vì Trump quan niệm, nền tảng của ổn định kinh tế xã hội, là thu nhập của người dân Mỹ thông qua việc làm, không phải là trợ cấp xã hội. Cải thiện cuộc sống bằng cách tăng các nguồn trợ cấp thông qua thuế là vòng tròn tự sát. Thuế đánh vào thu nhập là đánh vào lợi nhuận, đánh vào động lực của đầu tư, làm sản xuất co lại. Đánh thuế vào tài sản tích tụ bằng lao động tiêu diệt động lực của sáng tạo, hủy diệt sáng chế, phát minh. Xã hội sẽ tê liệt, chết cứng, không có sản xuất, không có việc làm, thất nghiệp tất sẽ tăng, quỹ bảo hiểm thất nghiệp tăng. Người không có thu nhập tăng, thì quỹ bảo hiểm y tế, quỹ trợ cấp gia đình tăng, thâm hụt ngân sách dẫn đến thuế phải tăng.
Thu thuế giống như người vặt lá. Phải có cây, mới có lá. Cây ít, lá ít thì không có gì để vặt. Càng vặt lá, cây càng còi cọc, ốm yếu. Thuế càng tăng, sản xuất càng co lại, sẽ không còn sản xuất để thu thuế, không còn gì để trợ cấp, để cân bằng thu nhập, đó là vòng xoay dẫn đến nghèo đói và sự sụp đổ.
Châu Âu gần nửa thế kỷ bế tắc với cái vòng luẩn quẩn mâu thuẫn giữa tăng trưởng và phúc lợi. Muốn có phúc lợi phải tăng ngân sách; Muốn tăng ngân sách thì phải tăng thuế, tăng thuế thì giảm tính cạnh tranh, giết chết đầu tư, tiêu diệt doanh nghiệp; Không có đầu tư thì không có tăng trưởng, không có tăng trưởng thì thất thu thuế, thâm hụt ngân sách, thiếu tăng ngân sách thì không thể tăng phúc lợi.
Gần 40 năm nay, nước Pháp có tăng trưởng mấp mé âm, thất nghiệp chưa bao giờ xuống dưới 10%, nhưng nổi tiếng thuế cao và vô địch thế giới về số lượng các sắc thuế.
Trump làm cái việc giữ sản xuất là giữ cái gốc của ổn định, là giữ cái nền tảng của cuộc sống xã hội. Muốn chia bánh, trước hết phải có bánh. Làm ra bánh rồi mới tính chuyện chia cắt bánh như thế nào. Bánh to thì mỗi phần chia đều to, không có bánh thì tất cả đều đói. Việc Trump nhận được phiếu bầu của hơn 70 triệu cử tri (theo báo chí là 73 triệu), không phải là nghịch lý, không phải vì người Mỹ điên. Đó là thuận tự nhiên, hợp lòng người. Con số bầu cho Trump sẽ còn lớn hơn nhiều, nếu Trump không bị bủa vây, cô lập bởi truyền thông chủ lưu, và không bị chính truyền thông bớt xén, khủng bố và lừa bịp.
Nhận định thứ hai: “nước Mỹ đã thương tổn rất nặng sau bốn thập niên mê mải chạy theo chủ nghĩa phóng khoáng (neoliberalism) khiến chênh lệch giàu nghèo trở thành quá đáng và gây ra vô số mâu thuẫn khác” là nhận định cũng gây tranh luận.
Nước Mỹ tự do
Từ ngày lập nước, Hoa Kỳ chưa bao giờ thay đổi một nền tảng được ghi trong hiến pháp: quyền Tự do cá nhân và quyền Sở hữu tư nhân là những quyền bất khả xâm phạm. Đây là nền tảng đảm bảo cho quyền bình đẳng của con người trước Chúa, có quyền như nhau về cơ hội và toàn quyền sở hữu những gì làm ra từ chính sức của mình. Không có thế lực nào có quyền chiếm đoạt cơ hội của người khác, nhưng cũng không có bất kỳ thế lực nào có quyền tước đoạt thành quả và tài sản từ lao động chính đáng của họ.
Đây là hai quy tắc hợp quy luật tiến hóa của nhân loại. Con người sinh ra bình đẳng và tự do mưu cầu hạnh phúc cho chính mình. Những người lập ra nước Mỹ đã tìm mọi cách bảo vệ hai quy tắc này, ngăn chặn mọi sự vi phạm của hành vi duy ý chí nhân tạo của bất cứ thế lực nào. Chính vì vậy, dù sinh sau đẻ muộn, Hoa Kỳ nhanh chóng trở thành trung tâm của Tự do cá nhân, trung tâm của sức mạnh sáng tạo, tâm hút trí tuệ toàn nhân loại. Chỉ sau 100 năm, Hoa Kỳ thành rốn của Nobel và nơi nuôi dưỡng những nhà phát minh, những nhà tỷ phú giàu nhất thế giới. Tất cả đều bắt đầu, khởi xướng từ Mỹ. Tất cả những cái “nhất” đều sinh ra ở Mỹ. Từ sau cuộc cách mạng lần 1, khởi phát từ Anh, các cuộc cách mạng lần 2, lần 3, và cuộc cách mạng lần 4 đang diễn ra đều bắt đầu từ Mỹ.
Nước Mỹ với nền công nghệ sáng tạo cùng với tiềm lực tiền vốn khổng lồ bậc nhất thế giới đang là quốc gia khởi động cuộc cách mạng kỹ thuật lần thứ tư gắn liền với Toàn cầu hóa. Giống như mọi cuộc cách mạng, bản chất là tìm kiếm lợi nhuận. Tiền vốn và công nghệ, tức là sản xuất Mỹ tìm đến nơi sinh ra lợi nhuận cao nhất. Nó có nhu cầu tự do di chuyển tiền vốn, tự do chuyển giao công nghệ, không phụ thuộc vào biên giới lãnh thổ và hàng rào hải quan. Đó chính là Toàn cầu hóa.
Toàn cầu hóa như thế chỉ đem lại lợi nhuận cho những ông Big, Big Finacial và Big Tech, những ông Trùm tài chính và trùm công nghệ.
Xét như thế, sẽ thấy Biden sẽ hoàn toàn thất bại. Tăng thuế thu nhập doanh nghiệp lên 35% và tăng thuế tài sản lên 70% sẽ bóp nghẹt đầu tư trong nước, trong khi lại mở với Toàn cầu hóa, thả cho tiền vốn và công nghệ Mỹ tự do di chuyển ra nước ngoài, Biden sẽ buộc nền kinh tế Mỹ phải chết, và xã hội Mỹ phải sụp đổ. Đó là thực tế có thể trông thấy.
Nhưng đúng là tồn tại một nghịch lý. Dù được gần 1/2 của tri toàn nước Mỹ ủng hộ, dù rõ ràng được lòng dân, Trump vẫn sẽ thất bại, hoặc, dù thắng cử lần này, cuối cùng cũng sẽ không thể thắng. Bởi vì, dù Biden bất tài, không được lòng người, nhưng Biden có toàn bộ thế giới Big đứng sau. Nhu cầu phát triển ra thị trường toàn cầu là một nhu cầu tự nhiên khi năng lực sản xuất vượt quá sức tiêu thụ trong nước. Sức phát triển cần tích tụ tư bản. Toàn cầu hóa, với tư cách cung cấp các phương tiện tổ chức sản xuất và thị trường tiêu thụ là động lực cho phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đó là nhu cầu tất yếu có tính quy luật của quá trình tiến hóa.
Cuộc đấu tranh mà Trump đại diện là những phản kháng yếu ớt cũng có tính quy luật của các nhân tố bảo thủ, muốn duy trì các phương thức truyền thống. Theo cách phân tích này, sự thất bại của Trump là không tránh khỏi, kể cả lần này Trump thắng, thì cũng chỉ là tạm thời, về lâu dài, phong trào chống lại Toàn cầu hóa sẽ thất bại.
Chống XHCN
Nhưng có một điều nguy hiểm hơn đáng phải quan tâm, là cuộc bầu cử Mỹ hiện nay không chỉ có các “Big” đứng sau làm người chỉ đạo chính, cuộc chống phá hiện nay có sự tham gia của lực lượng thứ hai, đó là trào lưu cải cách xã hội theo hướng XHCN. Đại diện của lực lượng này đứng đầu là Bernie Sander, sau nhiều năm âm ỉ phát triển, đã đang là thế lực có sức mạnh chi phối trong đảng Dân chủ Mỹ.
Những ảnh hưởng khởi đầu từ những bài đit-cua dài 6 tiếng trên quảng trường của Fidel Castro, cuộc chiến du kích rung động thế giới của Che Guevara, cuộc đảo chính cách mạng của Salvador Allende, tới các hình mẫu Y tế toàn dân, Giáo dục toàn dân vẫn tiếp tục tồn tại ở Cuba, các cải cách XHCN của Hugo Chavez tại Venezuela, các cuộc chiến du kích âm ỉ ở Nicaragua, ở Honduras, ở Bolivia…vẫn là những mồi lửa chờ cơ hội bùng phát. Tât cả những cái đó tác động trực tiếp tới tư tưởng và tình cảm người dân Hoa Kỳ, đặc biệt từ các dân di cư ồ ạt nhiều năm nay từ Mỹ Latin với khát vọng thay đổi số phận, chưa kể, trong đám dân này có bao nhiêu nhà vận động cách mạng marxit được cài cắm có tổ chức. Cuộc bầu cử lần này là cơ hội cho công cuộc cách mạng cải cách xã hội Mỹ theo hướng XHXN.
Biden hoàn toàn không tự quyết định các chính sách.
Trump không phải chỉ chống lại Biden, Trump chống lại cả một xu thế, một dòng năng lượng chính yếu của nước Mỹ bao gồm một nền tảng công nghệ khổng lồ cộng với một tiềm lực tài chính không quốc gia nào có. Với tiềm lực đó, nó phải vươn ra toàn cầu. Nó là nhu cầu tất yếu và nó không chỉ xảy ra với Mỹ. Nhu cầu vươn ra toàn cầu, tìm tới “nông thôn” của thế giới là nhu cầu của tất cả các quốc gia có nền công nghệ phát triển, như các nước khu vực châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trump chiến đấu cho người lao động Mỹ, nhưng cuộc chiến này là cuộc chiến bất đối xứng, giữa những lợi ích có tính truyền thống với một trào lưu có tính quy luật. Và song hành với Toàn cầu hóa, lực lượng thiên tả XHCN âm mưu lợi dụng Giới Big để làm cuộc cách mạng xã hội, dù bắt đầu nhưng với lực lượng và âm mưu khổng lồ.
Cách mạng kỹ thuật
Internet cộng với công nghệ số cho phép chuyển giao và kiểm soát công nghệ từ xa, xuyên biên giới. Tiền điện tử và công nghệ số cho phép di chuyển tài chính và kiểm soát lợi nhuận từ/tới bất cứ đâu trên trái đất. Tất cả những cái đó tạo ra điều kiện để tổ chức sản xuất và thu siêu lợi nhuận mà không cần phải thực thi trong giới hạn biên giới lãnh thổ. Tiền vốn và sản xuất tự do đến bất cứ nơi nào có lợi nhuận cao nhất. Đó là nội dung của Cách mạng kỹ thuật lần 4 và của Toàn cầu hóa.
Cách mạng kỹ thuật luôn được dẫn dắt bởi các đại diện của lực lượng sản xuất tiên tiên nhất, đem lại năng suất lao động và hiệu quả đồng vốn cao nhất. Nó là xu thế, có động lực từ bên trong, phù hợp với quy luật tiến hóa và phát triển của nhân loại.
Trump đang làm cuộc đấu tranh giành lấy việc làm cho lao động Mỹ, nhưng việc làm cho lao động đang biến mất. Rất có khả năng, chỉ giữa – cuối thế kỷ này, lao động bằng sức người sẽ biến mất khỏi dây chuyền sản xuất, sẽ không còn sản xuất do sức người tham gia nữa. Khi ấy, sản xuất cũng không cần phải di chuyển ra ngoài phạm vi lãnh thổ.
Nhưng nước Mỹ nếu vấp phải cãi bẫy “bình đẳng” như châu Âu, dẫm lại con đường đã đi của châu Âu, thì nhân loại còn phải đi lâu mới đến được chỗ mong đợi.