Chuyện Phiếm đọc trong tuần 15 Thường niên năm B 15-7-2018
“Ðã có những lúc chán chường “
Chán cho đời sao buồn quá.
Mắt có những lúc đã hoen mờ,
Vì sầu không đâu, không tên.”
(Văn Phụng – Chán nản)
(Thư Philípphê 1: 7-10)
Chán nản lắm ư? Chán hết mọi chuyện trên đời, hay chỉ “chán cho đời sao buồn quá” hoặc chán chết, hết mọi chuyện? Thế, bạn và tôi có chán cả câu truyện kể rất đáng chán như bên dưới:
“Có lần, hai nhân viên thuộc công-ty khí đốt nọ, một người đã lớn tuổi, người kia hãy còn trẻ đang đi kiểm tra tình hình thời sự ở vùng ngoại ô nọ. Hai vị đỗ xe ở cuối đường rồi đi bộ đến xem từng nhà một. Sau khi kiểm tra khí đốt ở căn nhà cuối đường xong, nhân viên lớn tuổi đề-nghị chạy đua về chỗ đỗ xe với người trẻ tuổi để chứng-tỏ là ai khoẻ hơn ai.
Trong khi chạy hết tốc-lực đễn chỗ đỗ xe họ bỗng thấy người đàn bà ở căn nhà mà họ mới vừa ra khỏi cũng đang hộc tốc chạy theo sau, vừa thở vừa la ơi ới. Hai người bèn dừng lại xem chuyện gì xảy ra mà bà la to thế:
-Có chuyện gì thế, thưa bà?
-Chúa, Phật ơi! Tôi cũng đang tự hỏi xem có chuyện gì xảy ra mà hai ông chạy bán sống bán chết đến như thế. Khi thấy hai ông tự dung chạy trối chết như thế, tôi bèn nghĩ: hay hơn hết, tôi cũng nên chạy theo xem có chuyện gì xấu không? Thì ra, chả có chuyện gì cả. Thật rõ chán.” (Truyện do St kể)
À thì ra, “chả có chuyện gì cả, thật rõ chán!” đúng là câu nói cửa miệng của nhiều người, suốt một đời. Thế nhưng, đời người còn chán hơn nhiều giả như ta gặp đủ thứ người hoặc đủ thứ chuyện, mà người nào, chuyện gì cũng đều “chán như cơm nếp nát”, hết mọi sự. Bạn không tin như thế ư? Thì đây, mời bạn và tôi, ta nghe thêm một truyện kể khác, cũng rất ư là “chán mớ đời”, sau đây:
“Truyện rằng,
Trong khách sạn lớn thuộc hạng sang ở thành-phố, có bà khách đi thang máy thấy anh gác thang suốt ngày cứ đứng lên ngồi xuống mở cửa đóng cửa cho khách trú ngụ, rất ư là đáng chán, bèn buông lửng một câu hỏi nhỏ, rằng:
-Lên lên xuống xuống mãi thế này, anh có thấy chán hoặc nản lắm không?
-Dạ thưa không. Nghề của con mà, thím.
-Lên nhiều mới chán vì mệt chứ đi xuống thì có gì đâu mà phải phàn nàn, đúng thế phải không?
-Dạ thưa không phải thế.
-Thế thì, xuống nhiều mới chán chứ gì?
-Dạ cũng không phải thế.
-Thế thì khi nào anh thấy chán chường nhất?
-Dạ, khi gặp phải các cụ, cứ là hỏi mãi có một chuyện không biết chán, ạ!”(Truyện kể nghe đến chán nhưng vẫn kể)
Quả có thế. Việc gì, cứ lặp đi lặp lại nhiều lần cũng đều đáng chán hết. Chí ít, là viết phiếm, viết bài hoài hoài đến …chán chết. Vâng. Nội mỗi tự vựng “Chán chết” thôi, cũng hàm ngụ đủ thứ chuyện ở trong đó. Có khi là, “chán đến chết”. Có lúc, là: “chán muốn chết”. Ấy chết, lại nói gì thế? Chán đến độ muốn chết sao? Thế, bạn có cam đoan rằng: chết rồi hết chán không? Cái đó, xin hạ hồi phân giải. Nay, ta bàn chuyện rất “đáng chán”, nhưng không thể làm khác được. Đó là, phiếm luận hay phiếm loạn, cho giải cơn sầu/buồn đến chán ngán, hôm nay hoặc mai rày.
Vâng. Không gì đáng chán và phát chán, như việc bàn mãi chuyện thần-học, hoặc học về thần riết rồi cũng nản, hết muốn viết tiếp. Như, tâm trạng của bần đạo ở đây bây giờ. Thôi thì, chỉ xin nói thêm một sự với bạn, rằng thì là: không bàn chuyện thần-học thì mấy cha, mấy nội bàn chuyện gì bây giờ? Luân lý, đạo đức hoặc tu-đức, tu tỉnh với tỉnh tu đâu cơ chứ?
Vậy thì, mời bạn, và mời tôi ta nhập cuộc. Thế nhưng, trước khi đi vào cuộc, hãy để lòng mình trùng xuống với tâm tư, tình-tự của bài hát “chán chường” mà nghe tiếp những lời như:
Tay đôi tay yếu đuối, dâng lên chới với giữa trời.
Than van cho thân kiếp đoạ đày.
Đời bao xót xa. Nhìn lá rơi, mùa Thu chết rồi!
Gió gió cứ rít lên. Xuyên qua tim tôi. Xuyên qua làn môi.
Gió gió đã cuốn đi Bao nhiêu ước mơ – Ôi, xa vời!
Sóng sóng đã cuốn đi. Cuộc đời tốt tươi.
Buồn ơi, chán ơi!
Ðã có những lúc chán chường. Chán cho đời sao buồn quá.
Mắt có những lúc đã hoen mờ. Vì sầu không đâu, không tên.
Tay đôi tay yếu đuối. Dâng lên chới với giữa trời.
Than van cho thân kiếp đoạ đày.
Đời bao xót xa.
Nhìn lá rơi, mùa Thu chết rồi!
Gió gió cứ rít lên. Xuyên qua tim tôi.
Xuyên qua làn môi. Gió gió đã cuốn đi
Bao nhiêu ước mơ – Ôi, xa vời!
Sóng sóng đã cuốn đi Cuộc đời tốt tươi
Buồn ơi, chán ơi!
(Văn Phụng – bđd)
Như đã kể, còn gì chán ngán cho bằng, ở nhà Đạo, lại cũng thấy những giây phút chán ngán, chán nản khi có người viết thư về hỏi đấng bậc, nhưng câu như:
“Thưa Cha,
Con vẫn hiểu là Đức Giáo Hoàng Phanxicô có lần bảo rằng: Hỏa ngục không có thật và linh-hồn của những người từng chối bỏ Chúa, cuối cùng rồi cũng biến mất. Thưa, có thật là Đức Giáo Hoàng từng nói thế không?”
Đúng ra, bổn đạo nói trên phải hỏi là Đức Giáo Hoàng có ý gì khi nói thế, mới ra nhẽ. Thôi thì, hỏi thế nào thì hỏi. Đấng bậc vị vọng nhà Đạo cũng xung phong giải đáp thắc mắc, cho ngọn ngành để bá quan văn võ trong Đạo hiểu được ý của Đấng bậc rất trên cao. Và câu trả lời, được ghi như thế này:
“Có điều khá chắc chắn là: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã không nói điều đó. Giống như mọi Kitô-hữu, ngài cũng tin vào hỏa-ngục và lâu nay ngài nói về chuyện ấy một vài lần trong thời gian năm năm trên cương-vị một Giáo-chủ.
Sự thể về câu nói vốn dĩ làm nhiều người hiểu lầm, là do vị ký-giả hồi hưu nay đã 93 tuổi đời, trước đây ông từng là tổng-biên-tập tờ La Republica và tuyên-bố mình vô thần vốn dĩ là bạn thân của Đức Giáo Hoàng.
Trong buổi bàn luận với Đức Thánh Cha Phanxicô xảy ra hồi gần đây, cụ ông Scalofari có viết trên báo vào ngày 28/3/2018 rằng: Đức Giáo Hoàng có nói với cụ là: “Hỏa ngục không có thật”, thế nên linh-hồn của những ai chối bỏ Chúa vào cuối đời mình thì cũng chỉ chấm-dứt hiện-hữu, thôi.
Theo ông Greg Burke là phát-ngôn-viên tòa thánh Vaticăng thì Đức Giáo Hoàng Phanxicô “có mời ông đến bàn chuyện nhân mùa Phục Sinh”, nhưng buổi này nhất quyết không phải là buổi phỏng-vấn chính-thức như các lần trước.
Các lần phỏng vấn Đức Giáo Hoàng trước đây, vào năm 2013 và 2015, cụ Scalfari đã không ghi chú và cũng chẳng thu băng điều gì, nên về sau buộc phải viết lại những lời đối-đáp dựa nhiều vào trí nhớ, và lần này cũng thế.
Thực tế cho thấy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã nhiều lần đề-cập đến Hỏa ngục. Có lần, vào năm 2014, để cảnh-giác nhóm Mafia băng-đảng, Đức Giáo-Hoàng có nói: “Hãy hồi hướng trở về! Nay, vẫn còn nhiều thời-gian để rồi không ai phải rơi xuống chốn lửa ngục. Đó là những gì đang chờ đón quí vị nếu quí vị cứ tiếp tục theo con đường này. Bà con, ai cũng có cha có mẹ: hãy nghĩ đến các ngài, Hãy khóc lên một tiếng rồi hồi hướng trở về.”
Và rồi, trong tông-thư ngài viết vào Mùa Chay năm 2016, ngài có viết: “mối hiểm-nguy vẫn còn đó, chỉ cần liên-tục chối bỏ không mở rộng cửa tâm-hồn cho Đức Kitô đang gõ vào cửa ngõ của người nghèo, thì người tự-hào, giàu sang và quyền-thế rồi kết cục cũng sẽ tự lên án chính mình và sẽ đầm mình trong vực thẳm đầy cô-đơn tức Hỏa-ngục.”
Giáo-huấn Hội thánh về Hỏa ngục vẫn còn đó, nói rất rõ. Trong Sách Giáo lý Hội thánh Công-giáo, ta đọc được những giòng chữ như: “Ai chết với tội trọng mà không chịu hối-cải cùng chấp-nhận tình thương nhân-lành của Chúa có nghĩa là cứ ở lại mãi trong sự chia cách tách rời họ mãi do mình tự-do chọn lựa. Tình-trạng tự tách rời khỏi sự kết-hợp mật-thiết với Chúa và những vị lành thánh gọi là ‘Hỏa ngục’. (Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo đoạn 1033). Sách Giáo lý còn tiếp tục dạy: “Giáo-huấn Hội-thánh khẳng-định sự hiện-hữu vô cùng vô tận của Hỏa ngục.” (GLHTCG đoạn 1035)
Thành ra, Hỏa ngục là có thật. Và chắc chắn một điều, là: không phải Chúa tống khứ con người xuống Hỏa ngục nhưng đúng hơn, chính những ai từ chối không nhận-lãnh tình thương của Chúa a vì thế mới chối bỏ Chúa và ở lại mãi trong tình-cảnh rời xa Ngài mãi mãi do chính những người ấy tự chọn.
Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô thứ 16 cũng bình-luận, bảo rằng: “Trong trường hợp nào đi nữa, Thiên-Chúa không bao giờ thúc ép một ai vào con đường cứu-độ. Chúa chấp-nhận tự do của con người. Ngài không là phù-thủy chỉ biết mỗi việc cuối cùng rồi ra cũng xóa bỏ mọi sự vẫn xảy ra lâu nay rồi cuối cùng cũng đem đến cho mọi người mối phúc-hạnh họ trông chờ.
“Thiên-Chúa đích-thực là người Cha, là Đấng Tạo Hóa ban phát tự do cho mọi người, cả khi họ sử-dụng nó để chống lại Ngài. Vì lý do đó, mà lòng Ngài luôn muốn cứu rỗi con người, nhưng điều này không có nghĩa là Ngài can-dự vào việc cứu hết mọi người. Ngài ban cho ta quyền chối-bỏ lòng tốt của Ngài. Thiên-Chúa thương yêu ta; nên ta chỉ cần tỏ ra khiêm hạ để cho phéo Ngài yêu thương mình, là đủ.” (X. God is Near Us, Ignatius 2003, tr. 36-37)…
Thành thử, ta hãy lợi-dụng những lúc người đời tung ra những “tin thất thiệt” sai sự thật, để nói chuyện với người khác về Hỏa ngục. Càng nói nhiều càng tốt. Với ta, chưa bao giờ là cơ hội thuận-tiện để bàn bạc về Thiên-đàng và Hỏa ngục, bằng lúc này đây.” (X. Lm John Flader, “Francis takes Hell deadly seriously: bank on it”, The Catholic Weekly 15/4/2018 tr. 21)
Có tranh-luận về nỗi chán chường, hoặc như đấng bậc nhà Đạo gọi là “Hỏa ngục” nơi con người, rồi ra cũng chẳng thuyết phục được mấy ai. Bởi, mỗi người trong cương-vị của mình, ít nhiều đều đã có kinh-nghiệm bản thân về những điều như thế. Thế nên, thay vì cãi/tranh dài dòng đến vô tận, thì bạn và tôi cũng nên quay về với lời ca ở trên để cùng cảm-tức những tình-tự của người viết mà thấm-thía.
Hôm nay hoặc mai rày trong cõi đời trải dài nhiều lữ-thứ, cũng không nên để tâm nhiều đến những biện-luận chỉ khiến người viết và/hoặc người đọc ngày thêm xa lánh, tránh mặt nhau. Chi bằng, ta cứ hát lên lời ca trên, để rồi hòa cùng một nhịp với tác-giả bài rất lao xao, rộn rạo như sau:
“Đời bao xót xa.
Nhìn lá rơi, mùa Thu chết rồi!
Gió gió cứ rít lên. Xuyên qua tim tôi.
Xuyên qua làn môi. Gió gió đã cuốn đi
Bao nhiêu ước mơ – Ôi, xa vời!
Sóng sóng đã cuốn đi. Cuộc đời tốt tươi
Buồn ơi, chán ơi!
(Văn Phụng – bđd)
Bạn và tôi, chắc cũng như mọi người đều biết: nhạc-sĩ Văn Phụng là tác-giả chuyên viết nhạc vui để mọi người quên nỗi chán chường của cuộc đời. Hôm nay đây, sở dĩ ông viết những giòng thơ đầy ý nhạc lã chã buồn như thế, cũng chỉ để an ủi bạn và tôi, trong chuỗi ngày dài nhiều nghĩ suy về cuộc đời, mà thôi.
Nhận định thế rồi, nay mời bạn và tôi, ta quay về vườn thượng-uyển với lời vàng của bậc thánh-hiền chứa đựng nhiều niềm vui hơn, như sau:
“Tôi có những tâm tình như thế đối với tất cả anh em,
đó là điều hợp lý,
bởi vì tôi mang anh em trong lòng tôi.
Khi tôi bị xiềng xích,
cũng như lúc tôi bênh vực và củng cố Tin Mừng,
anh em đều thông phần vào ân sủng tôi đã nhận được.
Có Thiên Chúa làm chứng cho tôi:
tôi hết lòng yêu quý anh em tất cả,
với tình thương của Đức Kitô Giêsu.
Điều tôi khẩn khoản nài xin,
là cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào,
khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên,
để nhận ra cái gì là tốt hơn.
Tôi cũng xin cho anh em được nên tinh tuyền
và không làm gì đáng trách,
trong khi chờ đợi ngày Đức Kitô quang lâm.
(Thư Phillíphê 1: 7-10)
Trần Ngọc Mười Hai
Nay nhất quyết
không hát nhạc buồn nhiều chán ngán
của bất cứ ai đang buồn chán
chốn nợ đời
mà thôi.