Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 3 Mùa Chay năm B 04-3-2018
“Đôi khi trộm nhìn em,”
Xem dung nhan đó (chứ) bây giờ ra sao.
Em có còn đôi má đào như ngày nào,
Kể từ khi vắng anh (nhau) em như tấm vải lụa nhầu.
Thương thâu đêm giấc ngủ xanh xao,
Anh (em)có bề nào ai đón ai đưa.”
(Trầm Tử Thiêng – Trộm Nhìn Nhau)
(Mátthêu 28: 19-20)
Trần Ngọc Mười Hai
Cuộc đời của tôi và của Em, cũng làng nhàng chỉ mỗi thế. Như thế, tức có nghĩa: chỉ “trộm nhìn nhau”, để “xem dung-nhan đó bây giờ ra sao” thế thôi. Nói vậy, cũng chưa hẳn là mọi người sẽ đồng ý với Em và với tôi chút nào đâu. Bởi, cuộc đời người đâu chỉ mỗi thế. Chẳng vậy mà, nghệ-sĩ nhà mình lại sẽ thêm những câu thưa hát rất như sau:
“Cuộc đời là vách chắn là rào thưa
Thương em tiếng hát sang mùa
Một mai mưa ướt áo em áo mỏng đường mềm
Dáng nhỏ thân quen (chân đêm)
Đôi khi (em) trộm nhìn anh xem đôi tay rắn phong trần năm xưa
Anh có còn mê sông hồ qua từng mùa (ngày)
Kể từ khi vắng anh em như tấm vải lụa nhầu
Đêm thâu đêm giấc ngủ (mộng)xanh xao
Anh có bề nào ai đón đưa em (ai đưa)
Cuộc đời là vách núi là tường mây
Quê hương nắng cháy (gió) đêm ngày
Mà anh chim vút cánh bay thăm thẳm đường dài
Không (ít) về thăm em
Đôi khi trộm nhìn me
Soi gương trang điểm cho đời thêm tươi
Thương tiếc thời tô phấn hồng sang nhà người
Rồi mùa xuân cũng qua Mang theo tuổi dại ngọc ngà
Đêm qua đêm tính trọn (gọn) tương lai
Mơ thấy một ngày con níu chân cha
Cuộc đời là bể cả, là dòng sông,
Như con nước lớn nước ròng
Mà ta như chiếc lá khô
Nước chảy về (rời) nguồn, lá đành trôi theo.”
(Trầm Tử Thiêng – Trộm Nhìn Nhau)
Thế mới biết, cuộc đời người vẫn bao gồm nhiều thứ. Những thứ như: “vách chắn rào thưa”, “vách núi, tường mây”, hoặc chỉ là: “bể cả, giòng song”, hoặc: “như con nước lớn, nước ròng mà ta như chiếc lá khô”… Ôi thôi, đủ mọi thứ, chả biết đâu mà nói cho hết ý, nên đã bảo: Đời người, dù ở trời Tây hay bên Tàu, đều cảm-nghiệm nỗi niềm nào đó, rất có giá. Nỗi và niềm, như truyện kể bên dưới, về giá-trị của niềm đau, như sau:
“Trong cửa hàng mỹ nghệ nọ, người ta thấy một tách trà thật xinh. Xinh đến độ, người mua vừa gặp thấy đã kháo-láo với nhau những câu như: “Quả là, ta chưa bao giờ thấy cái tách đẹp đến như vậy.”
Bản thân tách trà hôm ấy vừa nghe nói, đã vội vàng tiếp chuyện ngay: “Ấy! Các bạn không biết chứ, đời tôi đây không phải lúc nào cũng là tách trà như thế đâu!”
Có một thời tôi chỉ là nhúm đất màu đỏ hỏn. Khi ấy, ông chủ đã nắm lấy tôi đưa lên rồi cuộn tròn và phát vào người tôi một cái. Và rồi, cứ thế ông nhào nặn con người tôi mãi. Tôi bèn thét lên thật lớn bảo rằng: “Hãy để tôi yên đi nào!” nhưng ông chỉ mỉm cười rồi nói: “chưa được”
“Thế rồi, tôi được đặt lên chiếc bàn xoay tròn…” Tách trà lại tiếp: “bỗng nhiên tôi bị xoay làm nhiều vòng.
“Dừng lại! Dừng lại đi! Chóng mặt lắm rồi!” Tôi lại thét lên như thế, thêm lần nữa. Nhưng, ông chủ của tôi vẫn cứ lắc đầu nguầy nguậy và nói “chưa được!”
Thế rồi ông đặt tôi vào lò nung. Tôi chưa bao giờ cảm thấy nóng đến như thế. Tôi tự hỏi: sao ông ta lại cứ muốn đốt cháy tôi như thế. Tôi thét lên lần nữa rồi đập vào cửa đến thình thình. Tôi chỉ trông thấy ông qua kẽ hở và nhìn thấy mỗi đôi môi của ông mỗi khi ông gật đầu bảo: “chưa được!”
Cuối cùng thì, cánh cửa rồi cũng mở ra, và ông chủ đặt tôi lên một cái kệ. Tôi bắt đầu thấy mát hơn đôi chút. “Tốt hơn rồi” tôi nói. Nhưng ông chủ lại lấy sơn đem ra phết lên khắp người tôi. Mùi sơn này thật khủng khiếp. Tôi thấy người mình như chết ngộp bèn hét lên: “Dừng lại, dừng lại đi!” Tôi khóc mãi như thế, nhưng ông chủ vẫn cứ lắc đầu: “Chưa được”.
Thế rồi ông lại đặt tôi vào lò nung, nhưng không như lần đầu. Lần này, sức nóng tăng lên gấp đôi nhiều hơn lần trước và lần này, tôi biết là mình sẽ chết ngộp. Tôi bèn nài nỉ van xin. khóc lóc kêu gào suốt. Trong khoảng thời gian đó, tôi chỉ nhìn thấy ông chủ mình ngang qua kẽ hở và ông cứ lắc đầu ra hiệu: “chưa được”
Khi biết rằng có làm thế nào cũng vô vọng, tôi không còn van xin gì nữa mà gần như buông xuôi hết mọi chuyện. Nhưng kìa, cánh cửa lại đã mở một lần nữa và ông chủ đem tôi ra ngoài, rồi đặt lên trên kệ. Một giờ sau đó, ông đặt tôi trước gương rồi nói: “Đấy! Hãy nhìn ngắm chính mình đi. Ta đã xong việc”.
Tôi thốt lên: “Thật đây không còn là tôi nữa. Sao tôi trông đẹp quá thế này. Tôi đẹp quá…”
-Ta muốn con nhớ một điều, ông chủ nói. Ta biết sẽ làm cho con đau đớn thảm-thiết lắm mỗi khi nhào nặn con, nhưng nếu ta cứ để mặc, thì rồi ra, con sẽ khô héo dần. Ta biết ta làm con chóng mặt khi đặt con lên bàn xoay, nhưng nếu ta dừng lại thì con sẽ vỡ vụn từng mảnh, không còn hình thù gì ra hồn nữa.
Ta biết lò nung này rất nóng bức và khó chịu, nhưng nếu ta không đặt con vào đó, ắt con cũng chẳng còn tồn tại được nữa, mà chỉ gãy nát thôi. Ta biết mùi sơn này rất khó chịu, nhưng nếu ta không tô vẽ gì thêm lên mình con, thì con sẽ không có một màu sắc gì trên người nữa. Và, nếu ta không đặt con vào lò nung lần thứ hai thì con cũng chẳng tồn tại; bởi lâu dần sẽ không cò giữ được độ rắn chắc. Bây giờ con là sản phẩm tuyệt hảo. Con biết ý của ta rồi chứ?…
Và người kể truyện, lại cũng đưa ra lời bình-luận như sau:
“Cuộc đời con người là nhà trường lớn, ta thường thấy khổ sở và khó nhọc khi phải đối diện với nghịch cảnh, khổ đau, nhưng nếu hiểu biết một chút, thì khổ đau lại là thứ ”phúc-hạnh trá hình”, giúp ta ”mở mắt” ra mà trưởng thành và vững chải hơn, biết thương đời hơn. Ta không thay đổi được hướng gió, nhưng vẫn có thể điều chỉnh được các cánh buồm hầu giữ được sự bình lặng trong cơn sóng dồn, mênh mông”..
Và, trong cuộc sống tu-trì ở nhà Phật, thiền sư Hoàng Bá đã để lại 2 câu thơ cho trần-thế như sau:
”Chẳng phải một phen xương lạnh buốt
Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương..” !!! (Như Thị trích và dịch câu truyện kể)
Hãy cứ coi cuộc đời này như người kể truyện ở trên từng viết lên đôi điều, rồi ra mọi người cũng sẽ hiểu ý-nghĩa của nó. Tuy nhiên, với người nhà Đạo, lại có nhiều vấn nạn hỏi về đời đi Đạo và giữ Đạo không hẳn là dễ hiểu, như có vị từng thắc mắc gửi về đấng bậc nhà Đạo trên báo, như câu hỏi ở bên dưới:
“Thưa Cha,
Con có người bạn mới đây vừa đi Mexico về. Chị nói: dịp ấy chi có ghé Vương cung thánh đường Đức Bà Guadalupe ở thủ đô Mexico City. Chị ấy bảo: Đức Mẹ ở đó có nhiều điểm được mọi người chú ý rất nhiều. Vậy, bằng thư này, xin cha cho biết đôi điều về tượng ấy, được không ạ?” (Câu hỏi của một bổn đạo bé nhỏ ở Úc vẫn thắc mắc với đấng bậc).
Thắc mắc/hỏi han là chuyện dài nhiều tập ở huyện nhà. Huyện Mexico City có tượng Đức Bà Guadalupe nổi tiếng thu hút biết bao người. Nổi hay không, hãy lắng tai nghe xem đấng bậc nhà Đạo mình giải đáp trên báo, có ý kiến thế nào. Và, đã là đấng bậc, thì Đức ngài bao giờ cũng trả lời gọn gàng lớp lang, như sau:
“Trong cuốn Giải Đáp Thắc Mắc số 4 tôi cho in, có bài viết trong đó tôi ghi rõ lời bình về một số đặc-trưng/đặc thù chuyện này rồi. Nhưng, để nhắc bạn đọc vừa đưa ra câu hỏi ở đây, nay tôi lại cũng nói thêm một lần nữa, là: Vào tháng 12 năm 1531 Đức Mẹ đã hiện ra khá nhiều lần với một người thổ-dân Aztec đã hồi hướng về với thánh Juan Diego. Và, ngày 12 tháng 12 năm ấy, Đức Mẹ đã để lại hình lạ trên vỏ cây xương rồng của thánh-nhân và/hoặc lớp áo ngoài đại để như thế, nay đặt trong Thánh đường ở Mexicô để mọi người kính viếng.
Một trong các đặc-trưng nổi cộm của bức ảnh/tượng đây, còn thấy cả nơi lớp vải sợi ấy nữa. Thông thường thì, lớp vỏ lụa của xương rồng sẽ tự phân-hủy trong vòng từ 20 đến 40 năm. Thế nhưng, ở đây lớp vải này vẫn tồn-tại sau 5 thế kỷ dài không ít. Có điểm khác, là: độ bóng bảy của bức ảnh/tượng vẫn ra như không suy-xuyển suốt thời-gian dài như thế, dù cho có sự-kiện là: trong 116 năm đầu, bức ảnh/tượng được trung-bày dưới làn khí ước ẩm, cả vào nơi có tia hồng-ngoại, tia cực tím và lớp khói mù mịt mùng của hàng ngàn cây nến không có gì đậy chụp lên trên đó.
Điều thần-kỳ hơn nữa, đó là: bức ảnh/tượng đã tự mình chỉnh/sửa sau sự-kiện bị một người lạ đổ chất a-xít ni-trích lên đó, vào năm 1791 khiến ảnh bị phân-hủy không ít. Và sau đó, lại có người tìm cách phá-hủy toàn-bộ bức này bằng các đem bom đặt dưới chân bàn thờ, ngay dưới chân, vào ngày 14/11/1921; nhưng, ảnh/tượng không bị hề-hấn gì, dù thanh ngang của thánh giá trên bàn thánh gẫy gặp thành hai cọng sắt trơ ra.
Có lẽ đặc-trưng ngoại-thường hơn cả là khi người ta bật đèn lên chụp hình bức ảnh này và rồi sau đó, vị nhãn-khoa chuyên-môn là Jose Aste Tonsman thuộc Trung-tâm Nghiên-cứu Guadalupe ở Mexico City đã phóng to lên 2500 lần để coi cho rõ. Và ở phần mắt hơi nhắm lại của ảnh Mẹ trên lớp vải thêu nhiều màu lại thấy xuất-hiện làn ánh phản-chiếu ghi rõ những người chung quanh có mặt hôm ấy cả khi Juan Diego mở gói hoa cho vị Giám mục chủ-trì ngửi mùi thơm dịu mát nữa.
Rõ nét hơn cả, là ảnh/hình người thổ-dân đang ngồi bên dưới, mắt ông ta vẫn hướng về trời. Ông là cụ già đầu hói với bộ râu trắng xóa trông giống chân dung Gm Juan de Zumárraga; ại cũng có một người trẻ tuổi hơn, có thể là thông-dịch-viên Juan Gonzalez, một thổ-dân khác có bộ râu mép tua tủa, là người cũng mở đóa hoa ra cho Giám mục chủ-trì được thưởng-lãm thêm một lần nữa.
Ngoài ra, hôm ấy còn có phụ-nữ da năm ngăm, có thể là nô-lệ người châu Phi chuyên làm việc vặt phụ giúp Giám mục.Tiếp đến, một người đàn ông khác có dáng dấp dân Tây Ban Nha đang chăm-chú nhìn trừng trừng, tay ông cứ đưa lên vuốt bộ râu quai nón bộ ria mép rậm rạp chưa kịp cạo. Đồng thời, lại có cả gia đình một thổ-dân gồm ông bố, bà mẹ và ít đứa con cũng có mặt ở nơi đó.
Ngoài ra, còn có sự thể thật khó giải-thích là sự-kiện bức ảnh này không do bàn tay con người làm nên. Quả là, vào đầu thế-kỷ thứ 18, các nhà khoa-học có cho biết con người không thể nào vẽ lên bức ảnh nào trên lớp vải sần xùi gợn sóng giống thế được.
Năm 1936, hóa-học-gia sinh-lý là Richard Kuhn, người từng đoạt giải Nobel ngay sau đó vào năm 1938 đã khám phá ra rằng: không có bất kỳ loài thú nào trong bức ảnh này, cả đến cây cỏ, hoặc sắc mầu kim-loại nào đó cũng không. Bởi lẽ, lúc ấy từ năm 1531 vẫn chưa có ai sáng chế ra mầu tổng-hợp nào hết, nên ta không thể cắt-nghĩa ảnh này do bàn tay con người làm nên.
Vào năm 1979, vật-lý-gia sinh-lý người Mỹ là Philip Smith đã đem bức ảnh này đi chụp bằng hồng-ngoại tuyến đã nhận ra rằng: không thấy dấu vết gì về lớp sơn màu và vải này không được xử-lý bằng bất cứ thể-loại kỹ-thuật nào hết. Tất cả, cho thấy: bức ảnh này có thay đổi đôi chút về màu sắc nếu đứng ở góc cạnh khác mà nhìn vào. Đây là hiện-tượng gọi là “óng-ánh sắc màu” mà con người không thể tạo nên được bằng bất kỳ chất-liệu nào do con người làm ra.
Nói tóm lại, bức ảnh này là một hiện-tượng lạ lùng diễn-tiến giống hệt như trường-hợp bức khăn liệm thành Turinô vậy. Các đặc-trưng khác có liên-quan đến biểu-tượng của thổ-dân Aztec diễn-tả trong ảnh. Diện-mạo Đức Mẹ cho thấy Mẹ là con người, không phải là nữ thần nào hết; và, vai Mẹ khoác chiếc khăn quàng chứng-tỏ là Mẹ đang cưu-mang con mình trong bụng dạ.
Lại có sự-kiện cho thấy: toàn thân Mẹ phát ra những luồng sáng phía sau lưng, chứng-tỏ Mẹ quyền uy hơn cả mặt trời và dáng Mẹ đứng thẳng trên mặt trăng tăm tối hình lưỡi liềm cho thấy Mẹ đang đạp nát thần mặt trăng của thổ-dân Aztec. Và kìa, tay Mẹ đang ở tư-thế nguyện cầu có nghĩa là Mẹ đang cầu cùng Thiên-Chúa đầy quyền-phép.
Tất cả, cùng với sự-kiện Mẹ ăn vận như Công Chúa người Aztec từng giúp đỡ 8 đến 10 triệu con dân đất nước Mexicô và các nước phụ-cận đã hồi hướng trở về với niềm tin Công-giáo hơn 10 năm nay. Đại lễ Đức Mẹ Guadalupe được mừng kính vào ngày 12 tháng 12 mỗi năm.” (X. Lm John Flader, The Catholic Weekly 10/12/2017, tr. 29)
Chuyện lạ về ảnh Mẹ Guadalupe là như thế; lại được bi-kịch-hóa bằng câu truyện kể ở dưới do bạn bè gửi đến, cũng rất nhiều. Nhưng hôm nay, xin mạo muội trích và dịch ở đây không vì nội-dung câu truyện có liên-quan đến vấn đề ta đang bàn, mà vì người kể lại cứ lấy đầu đề là “Xưng tội tập thể”, thế mới ghê!
Vậy, nay xin trình làng để xem bà con/bạn bè có ý kiến nào khả dĩ thay đổi đầu đề này không, kẻo cha/cố nhà Đạo mình cứ mắng-mỏ bảo rằng: bọn mình “phiếm lăng nhăng” cả chuyện đạo nữa cũng phiền.
Vậy, mời bà con ta nghe thử:
“Bữa đó linh mục chánh xứ giúp giáo dân trong nhà thờ xét mình ăn năn tội tập thể. Để tỏ ra lòng thành thực ăn năn hối tội, ai phạm tội thì phải can đảm đứng lên . Cha liền đọc theo một danh sách dài, tội nhẹ trước, tội nặng sau. Thỉnh thoảng mới có người can đảm đứng lên. Gay cấn nhất là khi cha đọc đến các tội về dâm dục, tức là giới răn thứ Sáu. Cha theo thứ tự ABC.
-Adultery, tội ngoại tình. Cả nhà thờ im lặng. Một bà cụ già trên 80 tuổi thấy không có ai đứng lên, cụ bèn đứng lên.
-Fornication, tội gian dâm. Không thấy ai nhúc nhích, cu già liền đứng lên. Ai cũng nhìn cụ già chòng chọc
– Masturbation, tội thủ dâm. Cả nhà thờ im lặng như tờ. Cụ già lại đứng lên.
– Pornography, tội đọc sách báo và xem phim ảnh khiêu dâm. Thấy không có ai đứng lên, cụ già bèn đứng lên.
Khi đọc hết danh sách thì vị linh mục nói với cụ già : Cụ đã xét mình kỹ chưa. Tôi không nghĩ rằng cụ đã phạm đủ hết mọi tội tà dâm mà tôi vừa nêu lên.
Cụ già liền đáp: “Thưa cha, con không hề phạm một tội nào cả, sở dĩ con đứng lên là vì đức bác ái, con không muốn chỉ có một mình cha đứng mà thôi.”
Nói cho cùng, có gọi gì thì gọi, gọi thế nào cũng vẫn là tôi nặng tội, nghe cũng hơi “tội…nghiệp”! Thôi thì, ta cứ coi đó là chuyện là trong trăm nghìn chuyện lạ chỉ để phiếm, mà thôi. Phiếm thế rồi, nay xin bạn và tôi, ta ngừng bút để về lại với chuyện đứng đắn của nhà Đạo mà suy-tư, nghiền-ngẫm.
Thế đó, là tâm tình cũng rất “phiếm” xin trình làng để rồi thôi không nói chuyện lỉnh kỉnh như thế mãi.
Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn cứ bận tâm
Đôi ba chuyện lằng nhằng
Cả trong Đạo
Lẫn ngoài đời
Đến mãn đời.