January 19, 2025
Trúc Phương/Người Việt
Sự kiện hỏa hoạn tại Los Angeles, California, một lần nữa cho thấy chỉ những kẻ… “quái đản” cố chấp luôn báng bổ khoa học mới không tin biến đổi khí hậu đang biến trái đất thành nạn nhân của những trận bão tàn khốc hoặc những trận cháy rừng kinh hoàng…
Những căn nhà bị cháy rụi trong vụ cháy rừng Palisades Fire ở Los Angeles County, California, hôm 15 Tháng Giêng, 2025. (Hình minh họa: Mario Tama/Getty Images)
Cả thế giới hỗn loạn bởi thiên tai
Một lần nữa, giới khoa học khẳng định rằng biến đổi khí hậu đã khiến thực vật khô cằn làm bùng phát các đám cháy ở Los Angeles một khi có một mồi lửa rất nhỏ, do chập điện chẳng hạn. Những thay đổi nhanh chóng giữa điều kiện khô và ẩm ở Nam California những năm gần đây đã tạo ra một lượng lớn thảm thực vật khô dễ bắt lửa. Nhiều thập niên hạn hán ở California, tiếp nối bằng lượng mưa rất lớn trong hai năm 2022 và 2023, nhưng sau đó lại chuyển sang điều kiện rất khô vào mùa Thu và mùa Đông năm 2024, đã tạo ra điều kiện “lý tưởng” cho “bà hỏa” xuất hiện.
Trong một nghiên cứu mới, dẫn lại từ BBC, các nhà khoa học cho biết biến đổi khí hậu đã thúc đẩy những gì họ gọi là điều kiện “gây cháy nhanh” trên toàn cầu, tăng từ 31-66% kể từ giữa thế kỷ 20. Giới nghiên cứu cho biết với mỗi một độ ấm lên, bầu khí quyển có thể bốc hơi, hấp thụ và giải phóng thêm 7% nước. “Miếng bọt biển khí quyển nở ra” này, như cách nói của các nhà khoa học, không chỉ dẫn đến lũ lụt khi mọi thứ ẩm ướt hơn mà còn hút thêm độ ẩm từ thực vật và đất khi điều kiện khô hơn xảy ra. Nghiên cứu mới bổ sung thêm bằng chứng ngày càng tăng cho thấy khí hậu ấm hơn khiến dễ dàng xảy ra cháy rừng.
Phần lớn miền Tây nước Mỹ, trong đó có California, đã trải qua một đợt hạn hán kéo dài hàng thập niên và chỉ mới kết thúc cách đây hai năm. Tình trạng ẩm ướt kể từ đó đã khiến cây bụi và cỏ phát triển nhanh chóng, trở thành “nhiên liệu” hoàn hảo cho các đám cháy. Cần nhắc lại, năm 2024 là năm nóng nhất được ghi nhận trong lịch sử. Với nhiệt độ tăng trên toàn cầu và các đại dương ấm lên bất thường, giới khoa học cảnh báo rằng thế giới đã bước vào kỷ nguyên mới đầy rủi ro khi việc hứng chịu lũ lụt, bão và hỏa hoạn sẽ ngày càng thường xuyên hơn.
Foreign Affairs nhắc lại: Tháng Bảy, năm 2024, là tháng nóng nhất kể từ khi việc ghi nhận này được thực hiện lần đầu tiên vào thế kỷ 19. Giới khoa học về khí hậu thậm chí cho rằng đây có thể là tháng nóng nhất trong 120,000 năm qua! Ở Châu Âu, nắng nóng khắc nghiệt đã gây ra ít nhất 47,000 ca tử vong vào năm 2023, theo The New York Times.
Tại Mỹ, số ca tử vong liên quan nắng nóng đã tăng gấp đôi trong những thập niên gần đây. “Chúng ta đang ở trong một kỷ nguyên mới,” theo nhận định của cựu Phó Tổng Thống Al Gore, người thường xuyên cảnh báo các mối đe dọa từ tình trạng nóng lên toàn cầu suốt nhiều thập niên. “Những sự kiện cực đoan liên quan khí hậu đang gia tăng, về tần suất lẫn cường độ, và tất cả diễn ra khá nhanh.”
Vào cuối Tháng Chín và đầu Tháng Mười, 2024, cơn bão Helene, một “sản phẩm” của biến đổi khí hậu, đã gầm rú và càn quét khắp Đông Nam nước Mỹ, gây ra lũ lụt và lở đất chết người ở một số tiểu bang, trong đó có North Carolina.
Cách đây vài tháng, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng trận lũ lụt tàn khốc nhấn chìm Porto Alegre (Brazil) sẽ không nghiêm trọng đến vậy nếu không có sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra. Và Tháng Năm, 2024, các nhà khoa học đã tìm thấy dấu vết của biến đổi khí hậu trên một đợt nắng nóng khủng khiếp bao trùm Ấn Độ.
Trên toàn cầu, thế giới đang điêu đứng với thiên tai. Mùa Thu 2024, lũ lụt chết người đã tàn phá dọc vòng cung từ Tây Ban Nha đến Balkan và từ Morocco đến Libya. Hơn 200 người đã thiệt mạng ở Valencia (Tây Ban Nha) vào Tháng Mười, 2024; không lâu sau, một trận lụt lớn đã đổ lượng mưa gấp năm lần lượng mưa thông thường trong tháng trên khắp Châu Âu chỉ trong một tuần. Biến đổi khí hậu không chỉ làm tăng sức mạnh các cơn bão tàn phá Địa Trung Hải mà còn làm tăng tần suất, có nghĩa xảy ra thường xuyên hơn.
Các vùng ven biển lưu vực Địa Trung Hải luôn dễ xảy ra mưa lớn, đặc biệt ở những nơi có núi gần biển. Tuy nhiên, tình hình trở nên tồi tệ hơn khi mưa như trút nước xảy ra nhiều đến mức người ta bắt đầu “quen” dần. Một phần là do khu vực Địa Trung Hải đang nóng lên nhanh hơn 20% so với mức trung bình toàn cầu. Và khi nhiệt độ không khí tăng lên, khả năng giữ nước của nó cũng tăng theo…
Thiệt hại cả ngàn tỷ!
Chỉ riêng số liệu thống kê về nhiệt độ đã nói lên toàn bộ câu chuyện về tác động của khí hậu. Nhiệt độ cao hơn có nghĩa là lũ lụt lớn hơn, nắng nóng kéo dài hơn, cháy rừng tàn phá nhiều hơn, hạn hán nghiêm trọng hơn và bão dữ dội hơn. Mức độ và sự kéo dài của nhiệt độ cao chỉ trong mùa Hè 2023 đã khiến giới khoa học kinh ngạc. Trong 31 ngày liên tiếp, Phoenix (Arizona) ghi nhận nhiệt độ trên 110 độ F (43.3 độ C), nóng đến mức vỉa hè cũng có thể làm bỏng da người lẫn vật nuôi khi tiếp xúc.
Trong cùng thời điểm, tại Tây Nam Iran, nhiệt độ lên tới 122 độ F (50 độ C) đã buộc chính phủ nước này phải cho người dân nghỉ làm việc. Trong khi đó, tình trạng ấm hơn, ẩm ướt hơn, khiến muỗi phát triển mạnh, đã làm bùng phát đợt sốt xuất huyết tồi tệ nhất được ghi nhận trong lịch sử Bangladesh, khiến toàn bộ hệ thống y tế quốc gia nước này lâm vào tình trạng khốn đốn.
Khói từ các vụ cháy rừng ở Canada đã thiêu rụi khu vực có diện tích bằng Hy Lạp, buộc hàng triệu người Mỹ và Canada phải ở trong nhà để tránh các bệnh về đường hô hấp. Được “mồi” bởi gió mạnh, cháy rừng đã tàn phá đảo Maui của Hawaii, giết chết ít nhất 114 người, tàn phá thị trấn lịch sử Lahaina. Trận hỏa hoạn kinh khủng đến mức nhiều người dân địa phương phải nhảy vội xuống biển để thoát thân.
Ở New Delhi, vào Tháng Bảy, 2023, trận mưa tầm tã đã đổ xuống lượng nước cao 0.5 foot (15 cm) chỉ trong một ngày; và tiếp sau đó là các trận lở đất và lũ quét chết người. Tại Bắc Kinh vốn quanh năm khô hạn, một cơn bão đã đổ xuống lượng mưa lớn nhất trong 140 năm. Và trong đợt nắng nóng nghiêm trọng trên khắp châu Âu, người Ý đã chứng kiến mưa đá có kích thước gần bằng quả dưa lưới, có viên dài gần 8 inch (hơn 20 cm)!
Dĩ nhiên tất cả thảm họa thiên nhiên đều gây thiệt hại lớn về nhân mạng lẫn kinh tế. Nhà cửa bị phá hủy, trường học bị gián đoạn, chuỗi cung ứng bị phá vỡ… Năm 2022, các cuộc khủng hoảng khí hậu tàn khốc đã khiến Pakistan hứng chịu trận lũ lụt kỷ lục bao phủ một phần ba đất nước, ảnh hưởng 33 triệu người và khiến 1,500 người tử vong, trong đó có 552 trẻ em. Ước tính thiệt hại ít nhất $40 tỷ.
Trong cùng năm 2022, Nigeria cũng vật lộn đối phó trận lũ lụt lớn khiến hơn 1.4 triệu người phải di dời, hơn 600 người thiệt mạng và làm hư hại khoảng 440,000 ha đất nông nghiệp. Tại Mỹ, trận bão Ian (2022) trở thành cơn bão gây thiệt hại nặng nhất từ trước đến nay ở Florida, với tổn thất ban đầu được bảo hiểm ước tính $47 tỷ. Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ, kể từ năm 1980 đến nay, nước Mỹ đã trải qua ít nhất 338 thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng, với tổng tổn thất hơn $2.295 nghìn tỷ (dẫn lại từ Foreign Affairs).
Nhân quả, chuyện không đùa
Một lần nữa, cần nhắc lại, chính con người đã gây ra những đau khổ như vậy. Nhiệt độ cao tàn phá Châu Âu và nước Mỹ sẽ “gần như không thể” nếu không có tình trạng đốt nhiên liệu hóa thạch, theo phân tích của World Weather Attribution, tổ chức phi lợi nhuận chuyên phân tích dữ liệu để xác định cách mà biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến những sự kiện thời tiết khắc nghiệt. Mối liên hệ nhân quả này xảy ra trên toàn cầu.
Bất chấp vô số thảm họa do con người gây ra ngày càng tốn kém, lượng khí thải nhà kính toàn cầu vẫn liên tục tăng. Sau một thời gian ngắn giảm do đại dịch COVID-19, tổng lượng khí thải nhà kính từ nhiên liệu hóa thạch đã tăng 5.3% vào năm 2021, một phần do công suất than tăng ở Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Nhật. Lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch tăng ở gần như mọi quốc gia vào năm 2021, với mức tăng lớn nhất đến từ Brazil (11%); Ấn Độ (10.5%); tiếp theo là Pháp, Ý, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ (tất cả đều tăng khoảng 8%). Tại Mỹ và Liên minh Châu Âu, lượng khí thải tăng 6.5%.
Các cuộc đàm phán của nhóm G-7 và G-20 đã không thành công trong việc huy động tài chính chống biến đổi khí hậu. Vấn đề là bất chấp cảnh báo của giới khoa học, nhiều người vẫn không tin thảm họa thiên tai và sự bất thường của thiên nhiên là do con người.
David Malpass, người ngồi ghế chủ tịch World Bank (WB) từ 2019-2023 (được Tổng Thống Donald Trump bổ nhiệm) đã nói rằng hiện tượng nóng toàn cầu chẳng liên quan gì đến yếu tố con người. Cá nhân Trump cũng từng nói biến đổi khí hậu là “trò bịp” và quyết định rút Mỹ khỏi Thỏa Thuận Khí Hậu Paris (khi Trump ngồi ghế tổng thống nhiệm kỳ một).
Trong bài phát biểu trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào Tháng Chín, 2021, Tổng Thống Joe Biden cam kết tăng gấp đôi viện trợ Mỹ cho các quốc gia đang phát triển để ứng phó biến đổi khí hậu lên $11.4 tỷ mỗi năm vào năm 2024.
Điều đáng nói là Tổng Thống tân cử Donald Trump có thể phá nát các chương trình bảo vệ môi trường và giảm phát thải carbon của chính phủ tiền nhiệm. Trong nhiệm kỳ đầu, Trump đã bãi bỏ hơn 100 quy tắc bảo vệ môi trường. Bây giờ, Trump tiếp tục dọa hủy Đạo Luật Giảm Lạm Phát (Inflation Reduction Act – IRA) mà Tổng Thống Biden đã thông qua. Với những khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay vào năng lượng sạch, IRA giúp giảm 40% lượng khí thải của Mỹ vào năm 2030 nếu được thực hiện đúng kế hoạch trong những năm tới.
Trên The Republic, nhà phân tích chính trị Julie McClure viết: “Khi mọi người bỏ phiếu bầu tổng thống năm nay (2024), sao họ không nghĩ đến việc cứu thế giới cho các thế hệ tương lai, đặc biệt thế hệ trẻ?”; và “nếu muốn duy trì sức mạnh cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu, Mỹ không được bỏ qua tiềm năng công nghệ xanh. Đã đến lúc đảng Cộng Hòa đặt đất nước lên hàng đầu và phản đối Trump về vấn đề biến đổi khí hậu trước khi quá muộn để cứu môi trường đất nước chúng ta…” [kn]