Bầu cử Mỹ: Thế giới nửa vui nửa buồn-Hiếu Chân/Người Việt

Ba’o Nguoi-Viet

November 5, 2024

Hiếu Chân/Người Việt

Kết quả chính thức cuộc tổng tuyển cử bầu tổng thống Hoa Kỳ thứ 47 có thể chỉ có sau vài ngày, khi tất cả các phiếu bầu hợp lệ đều đã được kiểm. Có điều, vì xã hội Mỹ bị chia rẽ sâu sắc về chính trị nên có thể khẳng định cho dù ai thắng cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc thì vẫn có một nửa nước Mỹ vui và một nửa nước Mỹ buồn.

Kết quả khảo sát của The Economist-Globalscan cho thấy đại bộ phận người Châu Âu ủng hộ đảng Dân Chủ, ngược lại, các quốc gia cựu cộng sản ở Đông Âu vẫn thích ông Donald Trump hơn bà Kamala Harris. (Hình: Chụp màn hình The Economist)

Những người ưu tư đã lo ngại đến viễn ảnh một cuộc bạo loạn, thậm chí một cuộc nội chiến, khi số cử tri bất mãn vì ứng cử viên của họ thua cuộc sẽ tìm tới hành động bạo lực. Chuyển giao quyền lực một cách hòa bình, theo đó người thất cử gọi điện thoại chúc mừng đối thủ, chấp nhận và tôn trọng sự lựa chọn của cử tri – từng là một nguyên tắc của chế độ dân chủ, một truyền thống đẹp trong chính trị Hoa Kỳ – dường như đang đứng trước một thách thức lớn khi niềm tin của cử tri vào tính liêm chính của cuộc tổng tuyển cử bị xói mòn trầm trọng trước những lời tố cáo bầu cử gian lận được các ứng cử viên đưa ra.

Nhưng những người lạc quan vẫn tin rằng, các định chế dân chủ vững mạnh của đất nước sẽ vượt qua thử thách lần này như đã từng đứng vững qua nhiều giai đoạn khó khăn của lịch sử.

Một nửa thế giới vui, một nửa thế giới buồn

Do đây là một sự kiện trọng đại tầm thế giới nên không chỉ người Mỹ, cử tri Mỹ mà gần như toàn thế giới đều quan tâm theo dõi và chia sẻ nỗi lo âu của người dân Mỹ. Và cũng như xã hội Mỹ, công luận thế giới cũng chia rẽ sâu sắc và cuối ngày hôm nay khi kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử được công bố, sẽ có một nửa thế giới vui và một nửa thế giới buồn. Trong lúc chờ đợi kết quả kiểm phiếu, hãy xem người dân các nước nghĩ gì, kỳ vọng gì vào đêm trước của cuộc bầu cử lịch sử này.

Thông tin đáng tham khảo là cuộc thăm dò dư luận của tuần báo The Economist (Anh), hợp tác với công ty tư vấn Globescan thực hiện vào Tháng Bảy và Tháng Tám vừa qua. The Economist, tờ báo ra đời năm 1843, có trụ sở tại Anh, được coi là một trong số ít tổ chức truyền thông uy tín và được tin cậy nhất trong các vấn đề kinh tế tài chính và chính trị toàn cầu. Các nhà khảo sát đã hỏi ý kiến 30,000 người trưởng thành, thuộc nhiều lứa tuổi và tầng lớp xã hội sinh sống ở 29 quốc gia và vùng lãnh thổ Hồng Kông, bình quân mỗi nước có 1,000 người được hỏi ý kiến. Các quốc gia được chọn gồm các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi quan trọng, các đồng minh và đối tác cũng như các đối thủ của Mỹ, trừ Trung Quốc đại lục.

Các nhà khảo sát đưa ra ba câu hỏi, trong đó câu hỏi đầu tiên là “bạn muốn ứng cử viên nào chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 5 Tháng Mười Một, 2024.” Đây chỉ là câu hỏi về cảm nhận (mong muốn) để biết quan điểm của thế giới về chính trị Mỹ, về ảnh hưởng mà kết quả cuộc bầu cử của Mỹ có thể gây ra cho thế giới bên ngoài nước Mỹ, mà không có ý nghĩa thực tế quyết định thắng thua bởi vì những người được hỏi đều không có quyền bỏ phiếu bầu tổng thống Mỹ.

Kết quả thăm dò cho thấy đảng Dân Chủ được sự ủng hộ rộng rãi nhưng ứng cử viên đảng Cộng Hòa Donald Trump cũng có rất đông người hâm mộ. Cụ thể, trong 30,000 người được hỏi ý kiến có 45% muốn ứng cử viên của đảng Dân Chủ, hiện là bà Kamala Harris, chiến thắng; 33% muốn người chiến thắng là ông Donald Trump của đảng Cộng Hòa. Nam Hàn là nơi có tỷ lệ người muốn đảng Dân Chủ thắng cao nhất và Việt Nam là nơi có nhiều người ủng hộ ông Donald Trump nhất. Ở hai nước Argentina và Indonesia tỷ lệ người ủng hộ hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa gần như tương đương nhau.

Trong danh sách các quốc gia có nhiều người ủng hộ đảng Cộng Hòa có thể thấy phần lớn là các nước đang phát triển theo các chính thể kém dân chủ hoặc không dân chủ như Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ, Nigeria, Ai Cập và Saudi Arabia. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nghĩa là một đồng minh của Mỹ về phương diện an ninh; Ai Cập và Saudi Arabia là đối tác tiếp nhận một lượng lớn viện trợ quân sự của Mỹ nhưng các nước này không chia sẻ với người Mỹ các giá trị dân chủ và tự do.

Trong số các quốc gia mà nhiều người ủng hộ đảng Dân Chủ có Anh, Nhật, Singapore, Pháp, Hòa Lan, Đức, Thụy Điển và Nam Hàn. Hầu hết các nước này là đồng minh của Mỹ, cả về an ninh, kinh tế và phần lớn là các nền dân chủ lâu đời hoặc các con rồng mới nổi ở Châu Á.

Ở Châu Âu, tỷ lệ ủng hộ đảng Dân Chủ còn cao hơn nữa. Có đến 55% người Châu Âu được hỏi muốn ứng cử viên của đảng Dân Chủ chiến thắng, trong khi chỉ 26% chọn ông Donald Trump. “Trên toàn thế giới, đảng Dân Chủ dẫn trước ở cả hai giới, ở mọi nhóm trình độ giáo dục và thu nhập,” tờ Economist nhận định.

Tuy nhiên, cuộc khảo sát cũng ghi nhận ông Trump có một số lượng người hâm mộ đông đảo ngoài nước Mỹ với 33% ủng hộ, đặc biệt là trong giới trẻ. Với những người trong độ tuổi 25-34, trung bình 40% ủng hộ một tổng thống đảng Dân Chủ và 38% muốn tổng thống là ông Donald Trump.

Châu Âu khác biệt Tây và Đông

Củng cố cho kết quả khảo sát của The Economist-Globalscan, tổ chức Europe Elects – một công ty tư vấn chính trị và thăm dò ý kiến của Châu Âu – trong Tháng Mười vừa qua đã tiến hành khảo sát dư luận 32 quốc gia Châu Âu về quan điểm của họ đối với hai ứng cử viên Donald Trump và Kamala Harris.

Kết quả cho thấy đại bộ phận người Châu Âu ủng hộ đảng Dân Chủ; cao nhất là ở Đan Mạch với 96% và thấp nhất ở Nga với 22%. Có 24 quốc gia có hơn một nửa số người được hỏi ý kiến bày tỏ sự ủng hộ ứng cử viên đảng Dân Chủ Kamala Harris nhiều hơn và chỉ có tám quốc gia ủng hộ ứng cử viên đảng Cộng Hòa Donald Trump nhiều hơn, gồm Slovenia (51%), Slovakia (52%), Moldova (56%), Bulgaria (58%), Hungary (62%), Georgia (66%), Serbia (67%) và Nga (78%).

Có một sự trái ngược rất rõ giữa các quốc gia Tây Âu và Bắc Âu có nền dân chủ lâu đời với Đông Âu, gồm Nga và các quốc gia vừa thoát ra khỏi khối cộng sản: các quốc gia cựu cộng sản ở Đông Âu vẫn thích ông Donald Trump hơn bà Harris.

“Phần lớn các quốc gia Tây Âu, đặc biệt là Bắc Âu sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên của đảng Dân Chủ Kamala Harris với cách biệt lớn. Ở phía bên kia là Nga, Serbia, Georgia và Hungary – những nước sẽ bỏ phiếu cho Donald Trump của đảng Cộng Hòa nếu họ được cho phép đi bầu,” các nhà khảo sát của Europe Elects nhận xét. Điều lạ là người dân Anh, đồng minh thân thiết nhất của Mỹ ở Châu Âu, có xu hướng ủng hộ đảng Dân Chủ thuộc loại thấp nhất trong các quốc gia Tây Âu và Bắc Âu.

Châu Á ủng hộ ông Trump

Ở Châu Á, đảng Dân Chủ và ứng cử viên Kamala Harris không được ưa chuộng nhiều như ở Tây Âu. Hai quốc gia đông dân nhất Châu Á, Ấn Độ và Indonesia, có xu hướng ủng hộ cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa gần đều nhau, trong đó ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump được ủng hộ nhiều hơn đối thủ đảng Dân Chủ Kamala Harris, nhưng cách biệt không lớn. Ông Trump chỉ hơn bà Harris với cách biệt lớn ở Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ, Hồng Kông và Saudi Arabia. Sự lựa chọn này được báo Economist giải thích như là “nỗi đồng cảm” với sự cai trị của một nhà chuyên chế (strongman) và nỗi bất mãn với chính sách đối với Trung Đông của chính quyền Joe Biden thời gian qua.

Việt Nam là một trường hợp đặc biệt. Trong bảng kết quả khảo sát của The Economist-Globescan, Việt Nam có tỷ lệ cao nhất những người ủng hộ đảng Cộng Hòa, tỷ lệ thấp nhất những người ủng hộ đảng Dân Chủ.

Kết quả này cũng gần trùng khớp với các cuộc thăm dò ý kiến bỏ túi mà một số tờ báo do chính quyền kiểm soát thực hiện. Cho đến sáng 5 Tháng Mười Một, trang báo Tuổi Trẻ ở Sài Gòn đăng kết quả thăm dò bạn đọc cho thấy 75% ủng hộ ông Donald Trump làm tổng thống Mỹ, chỉ 25% ủng hộ bà Kamala Harris. Trong khi đó trang báo VNExpress ở Hà Nội đưa kết quả thăm dò ý kiến 338,115 bạn đọc cho thấy 80% chọn ông Trump và chỉ 20% chọn bà Harris. Người Việt Nam không có quyền bầu cử tự do, không được chọn người đại diện cho mình lên lãnh đạo quốc gia hoặc tham gia guồng máy chính quyền các cấp; và tất nhiên họ không có quyền bỏ phiếu bầu ông Trump hay bà Harris.

Việc các tờ báo được bật đèn xanh cho phép thăm dò ý kiến người dân về một cuộc bầu cử ở bên kia quả địa cầu dường như chỉ là một trò chơi chính trị, giống như cá cược thể thao hay chơi xổ số để “xả xú páp” cho người dân, lôi kéo họ xa lánh những vấn đề bức bối của cuộc sống và cũng để thể hiện Việt Nam là nơi có dân chủ, miễn là đừng đụng đến đảng cầm quyền. [qd]


 

Được xem 7 lần, bởi 7 Bạn Đọc trong ngày hôm nay