Kết thúc thời đại Nguyễn Phú Trọng: Tương lai chế độ thế nào?

RFA

Bình luận của Huỳnh Trần
2024.07.23

Các tấm biển quảng cáo cho Đảng Cộng sản VN ở đường phố Hà Nội hôm 23/1/2019 (minh họa)

 REUTERS/Kham

Thời kỳ cầm quyền của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết thúc. Dấu ấn và di sản của ông tiếp tục được nhìn nhận đa chiều, trong đó có ý kiến cho rằng ông để lại hai di sản dở dang là bảo vệ tư tưởng đảng và  chống tham nhũng.[1]  Không đề xuất được người kế vị, ông tân Chủ tịch nước Tô Lâm, nguyên Bộ trưởng Công an, thay ông điều hành Đảng. Trong bối cảnh khủng hoảng nhân sự, cải cách ‘thụt lùi’ và tăng trưởng khó khăn tương lai chế độ thế nào là câu hỏi lớn được đông đảo quan tâm?

(IV)

Tương lai chế độ thế nào

Việt Nam có chế độ chính trị tương đồng với Trung Quốc – Đảng cộng sản toàn trị. Hơn thế, do cùng chung hệ tư tưởng Mác – Lênin nên sự tương đồng được nhận thấy trong nhiều chính sách của hai đảng, đặc biệt là quan niệm về chủ nghĩa xã hội, chống tham nhũng và tập trung quyền lực trong thời kỳ cầm quyền của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (2011-2024) và ông Tổng bí thư Tập Cận Bình (2012- nay). Cả hai nhà lãnh đạo xuất hiện trên chính trường đều với tư cách những người “cứu Đảng” với chính sách an ninh quốc gia, trong đó nhấn mạnh an ninh chế độ, an ninh ý thức hệ. Ngoài ra, cả hai Đảng đã coi cùng xây dựng “cộng đồng chia sẻ tương lai” là có ý nghĩa chiến lược”, dấu mốc lịch sử trọng đại.[2] Đặc điểm này ảnh hưởng quan trọng đến những suy đoán về tương lai của chế độ đảng trị.

Trước hết, từ khi lên nắm quyền lãnh đạo tối cao, ông Tập Cận Bình thực hành hàng loạt các chính sách đối nội siết chặt kiểm soát xã hội và đối ngoại kiểu “chiến lang” khiến phương Tây lo ngại. Các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc trỗi dậy hung hăng, ông Tập đang quản lý đất nước theo kiểu thời Mao và tư tưởng thực dụng khởi xướng bởi Đặng Tiểu Bình đã chấm dứt… Trong bối cảnh mô hình Trung Quốc “thoái trào”[3] tương lai thay đổi chế độ đã được suy đoán, trong đó có ba các kịch bản thu hút được sự chú ý, và có thể tham khảo cho trường hợp Việt Nam. Đây là ba phương án được đưa ra dựa trên sự tổng hợp các luồng ý kiến của nhiều học giả, nhà nghiên cứu, nhà quan sát phương Tây:[4] Thứ nhất là, Dân chủ hoá; Thứ hai là, Nội loạn kéo dài; Và thứ ba là, Chính thể độc tài mới.

Kịch bản thứ nhất cho rằng mô hình đảng CS toàn trị thời cải cách và mở cửa là ‘biệt lệ’ và sớm muộn gì sẽ trở về con đường phát triển tất yếu đến chế độ dân chủ. Nghĩa là một hình thức chế độ chính trị được đảm bảo bởi thể chế tam quyền phân lập, pháp quyền, quyền con người, trong đó tự do báo chí, tự do hội đoàn. Trong quá trình phát triển kinh tế những yếu tố này, tuy mạnh yếu, ít nhiều khác nhau, nhưng tiềm ẩn trong xã hội và sẽ bùng phát dẫn đến thay đổi. Tuy nhiên, nó chỉ diễn ra từ trên xuống (top-down)[5] và, việc thâu tóm, tập trung quyền lực đảng có thể trở thành chướng ngại vật cho tiến trình dân chủ hoá đất nước.

Kịch bản thứ hai lo ngại về bạo lực và hỗn loạn kéo dài khi chuyển tiếp chế độ khi những thách thức vượt tầm kiểm soát của đảng như kinh tế suy thoái do quá thái vật chất, khủng hoảng cơ cấu, suy giảm động lực, đời sống khó khăn, khoảng cách giàu nghèo nới rộng, ô nhiễm môi trường, già hoá nhân khẩu học… Ngoài ra, nạn tham nhũng trầm kha, mang tính hệ thống đang huỷ hoại chế độ. Tuy nhiên, chống tham nhũng nhưng lại lợi dụng loại bỏ các đối thủ chính trị để củng cố quyền lực tuyệt đối, tập trung đối đầu với phương Tây thay vì cải cách chính trị để thích nghi với bối cảnh quốc tế đang phân mảnh, phân cực. Theo đó, Đảng thúc đẩy an ninh quốc gia, an ninh chế độ, chủ nghĩa dân tộc…

Kịch bản thứ ba đề xuất Đảng CS có thể chấp nhận một chính thể pháp quyền tham vấn (consultative rule of law), chấp nhận tư pháp độc lập, chấp nhận đa nguyên nhưng không có bầu cử cạnh tranh. Có thể lãnh đạo chóp bu sẽ học hỏi mô hình của Singapore – bán dân chủ, nửa độc tài. Cố thủ tướng Lý Quang Diệu, người sáng lập ra Singapore hiện đại, từng giải thích rằng dân chủ là rào cản cho sự phát triển, vì thế, chế độ độc tài là cần thiết cho sự thịnh vượng quốc gia. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hai quốc gia là quá lớn, chẳng hạn Singapore được quản lý với quy mô chỉ như là một thành phố. Hơn thế, sự khác biệt về ý thức hệ sẽ là yếu tố quan trọng xác định mô hình thể chế độc tài kiểu này hay khác.

YouTube player

Việc phân tích tương lai là thách thức. Nhà biên kịch vĩ đại William Shakespeare (1564 – 1616) đã coi dự đoán là việc liều lĩnh, và việc đó được ông ví như một kẻ ngu ngốc kể chuyện. Thật khó khẳng định chắc chắn kịch bản nào ứng với chế độ trong tương lai chế độ. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế những gì đang diễn ra và quá trình vận hành chế độ như đã nêu trong các phần trước có thể ‘liều lĩnh’ đề xuất cách tiếp cận riêng.

Trước hết, tránh rơi vào kịch bản thứ hai là điều mong đợi hơn là có sự thay đổi ‘đột biến’. Một giai đoạn ‘chờ thời’ hiện hữu trong bối cảnh hỗn độn về nhân sự. Tiếp tục di sản của cố Tổng bí thư (bảo vệ tư tưởng đảng và  chống tham nhũng) sẽ là điều không dễ dàng với lãnh đạo ‘không được quy hoạch.’ Chế độ phải mất chí ít một nhiệm kỳ để ổn định chính trị, cũng như vạch ra đường hướng phát triển. Gần ba nhiệm kỳ dưới sự lãnh đạo của cố Tổng bí thư với đầy biến động, bất ổn, di sản và ngổn ngang ‘dấu ấn’, trong đó nguyên tắc tập thể lãnh đạo bị sói mòn, Bộ chính trị đã rệu rã và Ban chấp hành trung ương – cơ quan quyền lực nhất của đảng CS đã yếu đi. Dù đã có thời gian chuẩn bị nhưng chưa nhiều, ông tân Chủ tịch nước với quyền điều hành đảng cũng không thể ‘lấn lướt’ tập thể này. Ông ấy có thể sẽ được bầu vì sự ổn định, nghĩa là vì cá nhân họ thay vì ‘tâm phục, khẩu phục’.

Sau đó, chế độ có thể sẽ trải qua một chu kỳ vận hành mới khó lường. Trước hết, một khả năng nhãn tiền là phải tính đến xu hướng chuyển sang Trung Quốc hơn và giữ khoảng cách với phương Tây vì những lý do sau. Một là, đường lối cứng rắn ‘mới’ với trụ cột là an ninh chế độ ưu tiên chuyên chế cần thiết có đồng minh ý thức hệ; Hai là, thách thức “tứ bề thọ địch”, trong đó Trung Quốc đạo diễn khiến Việt Nam phải nhượng bộ: Biên giới phía Bắc tiềm ẩn bất ngờ, biển Đông nguy cơ căng thẳng do tranh chấp, từ phía Tây và Nam Campuchia ‘kết thân’ và Lào phụ thuộc ngày càng sâu về kinh tế;  Ba là, chính sách chống các quyền tự do dân chủ khiến các nhà đầu tư nước ngoài có thể hạ thấp kỳ vọng của họ về môi trường kinh doanh và làm trầm trọng thêm những ‘bước lùi’ cải cách. Bốn là, Việt Nam dường như phải đặt cược rủi ro nhiều hơn trước xu hướng đa dạng hóa đầu tư của phương Tây ra khỏi Trung Quốc. Trung Quốc tăng cường đầu tư, chiếm vị trí dẫn đầu vào Việt Nam và, cảnh báo được đưa ra liệu một trung tâm trung chuyển hàng hoá Trung Quốc sang Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác. Năm là, ‘ngoại giao tre’ của Việt Nam bị níu kéo bởi ý thức hệ CS có thể dễ  ‘uốn cong’ ngả theo hướng tới các đối tác độc tài “truyền thống”  cùng xây dựng cộng đồng chung tương lai. Việc “bỏ phiếu trắng” trên các diễn đàn Liên hiệp quốc tế đang gây quan ngại đáng kể…

Tuy nhiên, về lâu dài sẽ là sự  ‘tất yếu’ hướng tới dân chủ như kịch bản thứ nhất nêu trên với những lý do sau. Một là, dân chủ được phát triển đồng thời với kinh tế thị trường. Nó là sự kết tinh của tiến hoá nhân loại, nó sẽ không thể đảo ngược hoặc thay thế. Những động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, trí tuệ nhân tạo… suy cho cùng cũng từ cơ chế thị trường, nơi sản sinh sức sáng tạo, kiến thức, năng lượng cho sự phát triển; Hai là, tăng trưởng đảm bảo tính chính danh cho đảng ngày càng giảm khi kinh tế thị trường phát triển, mức sống ngày càng nâng cao của người dân và sự đòi hỏi thoả mãn nhu cầu tinh thần, trong đó có sự tham gia chính trị; Ba là, nền kinh tế mở là kết quả của chính sách hội nhập với thế giới để phát triển theo xu thế thời đại đã nâng vị thế Việt Nam, vượt qua khác biệt về ý thức hệ, và khó có thể thay đổi…

Thực tế phát triển kinh tế thị trường những năm qua đã cho thấy Việt Nam bị ràng buộc vào hệ tư tưởng cộng sản, phong trào xã hội chủ nghĩa quá sâu và quá lâu để có thể độc lập vươn lên. Ngoài ra, cân nhắc “5 lý do vì sao chủ nghĩa cộng sản sống thọ” [6] để cải cách thể chế sao cho khát vọng thịnh vượng của người dân không trở nên ‘viển vông’ . Cuối cùng, điều cốt lõi là tương lai đất nước và tương lai chế độ phải do tất cả người dân có ý chí và quyền tự do quyết định.

___________

Tham khảo:

[1]  Benoît de Tréglodé (19/7/2024). https://www.rfi.fr/vi/việt-nam/20240720-bảo-vệ-tư-tưởng-đảng-chống-tham-nhũng-hai-di-sản-dang-dở-của-tbt-nguyễn-phú-tr%E1%BB%8Dng

[2]  https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/xay-dung-cong-dong-chia-se-tuong-lai-viet-nam-trung-quoc-mang-y-nghia-chien-luoc-la-dau-moc-lich-su-trong-dai-119231213192702546.htm

[3]  https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/china-model-out-of-trend-what-lesson-for-vn-part-1-04162024111025.html

[4]  Anh Khoa (2018). https://www.luatkhoa.com/2018/09/ba-kich-ban-cho-tuong-lai-the-che-cua-trung-quoc/

[5]  Fukuyama Fransis (2020). http://www.the-american-interest.com/2020/05/18/what-kind-of-regime-does-china-have/

[6]  https://www.youtube.com/watch?v=nSloLMlyMvY


 

Được xem 4 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay