THẢ TÔI NẰM NGHỈ – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Trong đồng cỏ xanh tươi, Người thả tôi nằm nghỉ!”.

“Mọi vấn đề của nhân loại đều bắt nguồn từ việc con người không biết nghỉ ngơi!” – Blaise Pascal.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay mời gọi chúng ta khám phá tầm quan trọng của việc nghỉ ngơi. Sau khi thi hành sứ vụ, các tông đồ thấm mệt, trở về; Chúa Giêsu bảo, “Các con hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút!”. Tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca thật phù hợp, “Trong đồng cỏ xanh tươi, Người thả tôi nằm nghỉ!”.

‘Nghỉ ngơi trong Chúa’ có nghĩa là ‘cầu nguyện!’. Một trong những cám dỗ mà bất cứ Kitô hữu nào cũng có thể không chống nổi là muốn làm quá nhiều việc; và do đó – mỗi ngày một chút – xa Chúa dần! Về việc cầu nguyện – thời khắc Chúa ‘thả tôi nằm nghỉ’ – một trong những mối nguy lớn nhất là bạn có thể dễ dàng nghĩ rằng, có những việc lớn lao hơn, quan trọng hơn và cấp bách hơn cần làm, dẫn tới chỗ thiếu quan tâm đến ‘việc ở lại với Chúa’; và cho dẫu đó là việc của Chúa thì “Chúa vẫn luôn quan trọng hơn việc của Ngài!”. Vì lý do đó, Chúa Giêsu nói với các tông đồ – dù đã kiệt sức nhưng vẫn phấn khởi vì mọi việc đã diễn ra quá tốt đẹp – rằng, họ phải nghỉ ngơi!

Để có thể ‘nghỉ ngơi trong Chúa’ đúng cách, bạn phải ‘ở lại với Chúa Giêsu’, người mà bạn sẽ trò chuyện. Hãy xác tín bạn đang ở với Ngài! Vì lý do này, mọi giờ cầu nguyện phải luôn luôn bắt đầu bằng việc ý thức sự hiện diện của Chúa, đây thường là phần khó khăn nhất. Thứ đến, bạn phải ‘ở một mình’ với Ngài, vì nếu thực sự muốn nói chuyện thân mật và sâu sắc với ai, chúng ta chọn ở một mình với họ.

Thánh Pierre Julian Eymard cảnh báo chúng ta về mối nguy ‘lấp đầy lời tạ ơn’ sau rước lễ bằng nhiều lời thuộc lòng. Ngài nói, “Sau khi rước Mình Thánh Chúa, điều tốt nhất nên làm là thinh lặng để Chúa Giêsu nói với chúng ta thay vì nói với Ngài về những kế hoạch và những dự án. Tốt hơn, hãy để Chúa Giêsu hướng dẫn và khích lệ bạn!”.

Ngài là hiện thân của Thiên Chúa Mục Tử – bài đọc một – Ngài rao giảng và làm các công việc Chúa Cha trao. Ngài không bỏ mặc những nhu cầu của đám đông, nhưng mỗi ngày, trước hết, Ngài rút lui để cầu nguyện trong thinh lặng, trong sự thân mật với Cha. Lời mời dịu dàng của Ngài – hãy nghỉ ngơi đôi chút – sẽ đồng hành với chúng ta mỗi ngày và mọi ngày.

Anh Chị em,

“Người thả tôi nằm nghỉ!”. Cầu nguyện, chiêm ngắm, sẽ là nơi mà lòng từ bi phát sinh. Nếu chúng ta biết cách nghỉ ngơi thực sự, chúng ta sẽ có khả năng từ bi thực sự; nếu chúng ta biết trau dồi một đời sống chiêm niệm, cầu nguyện, chúng ta sẽ thực hiện các hoạt động của mình mà không có thái độ tham lam của những kẻ muốn sở hữu và tiêu thụ mọi thứ. Nếu chúng ta giữ liên lạc với Chúa và không gây mê phần sâu thẳm nhất của mình, thì những việc phải làm sẽ không có khả năng gây kiệt sức hoặc nuốt chửng chúng ta. Hãy lắng nghe điều này, chúng ta cần một “bầu sinh thái của trái tim”, bao gồm sự nghỉ ngơi trong Chúa, chiêm ngắm Ngài, vì Chúa Giêsu đang muốn ‘thả tôi nằm nghỉ!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để sự hấp tấp chiếm lĩnh trái tim con; nhờ đó, con mới có thể lay động được các tâm hồn, để ý đến những vết thương và cả những nhu cầu của họ!”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

From: KimBang Nguyen

**************

CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN, NĂM B

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

30 Khi ấy, các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. 31 Người bảo các ông : “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. 32 Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. 33 Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. 34 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều. 


 

Được xem 3 lần, bởi 2 Bạn Đọc trong ngày hôm nay