KHÔNG CÒN PHẢI THẸN THÙNG – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Tôi không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi!”.

“Thật nghịch lý, Ngài ăn uống với tội nhân để họ không chết đói vì tội lỗi của mình! Đấng vô tội bị tội nhân – những kẻ tự cho mình là ‘công chính’ – gọi là bất hợp pháp, báng bổ, mê rượu, háu ăn và mạo danh! Đấng Toàn Thánh kết giao với phường tội nhân để họ không còn phải thẹn thùng!” – Anthony Fortosis.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay chứng thực nghịch lý Anthony Fortosis đã nêu, Chúa Giêsu “không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi”, một hãnh diện cho các tội nhân! Vì thế, ai nhận mình có tội, nhờ Ngài, sẽ ‘không còn phải thẹn thùng!’.

Điều này có thể gây ngạc nhiên! Đúng, Chúa Giêsu đến vì mọi người, công chính và tội lỗi; nhưng điều chúng ta cần hiểu là, ‘không ai thực sự công chính’. Nói cách khác, tất cả mọi người đều là tội nhân cần Chúa Cứu Thế. Bằng cách nói “Tôi không đến để kêu gọi người công chính”, Ngài nói đến thái độ tự cho mình là ‘công chính’ của các biệt phái, những người nghĩ Ngài ‘chỉ nên kết giao’ với những ai không phạm tội, ‘chỉ nên giao tiếp’ với họ và với bất kỳ ai – mà ‘cách công khai’ – không ai biết họ là tội nhân! Vậy mà, nguyên não trạng và thái độ đề cao bản thân để khinh chê người khác cũng đủ khiến họ trở thành kẻ có tội! Buồn thay, tội của người Pharisêu ‘có tính chất tử tế’ hơn so với tội của những người khác! Tội của họ là tội kiêu ngạo tâm linh – không nhìn thấy tội mình – và Thiên Chúa bất lực để có thể tha thứ cho họ!

Tuyên bố mạnh mẽ trên đây của Chúa Giêsu dẫu là dành cho giới biệt phái, nhưng còn là một lời mời gọi dành cho bạn và tôi, những ai sẵn sàng thừa nhận tội lỗi mình. Một khi có thể hạ mình trước sự tốt lành của Thiên Chúa, nhìn nhận tội lỗi mình trong ánh sáng Ngài, chúng ta cho phép Chúa Giêsu đóng vai Thầy Thuốc Thần Thánh trong cuộc sống. Vì thế, việc nhận ra lòng thương xót của Ngài chữa lành một cách hoàn hảo như thế nào sẽ dẫn chúng ta đến chỗ sẵn sàng chạy ùa đến với lòng lân tuất của Ngài như vậy. Sự mau mắn của Matthêu đã chứng thực điều đó, “Ông đứng dậy đi theo Người!”.

Qua Amos, Thiên Chúa vạch tội những người giàu có áp bức kẻ nghèo. Ngài kêu gọi họ sám hối, nhận ra lỗi lầm. Và Ngài cảnh báo, nếu không sám hối, rồi đây, họ không chỉ chuốc lấy tang tóc, đói khát cơm bánh nhưng đói một cái gì lớn hơn, “Đói nghe Lời Chúa!” –  bài đọc một. Thánh ca Tin Mừng lặp lại sự thật này, “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn phải nhờ Lời Chúa dưỡng nuôi!”.

Anh Chị em,

“Tôi không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi!”. Như vậy, việc kết giao với các tội nhân là niềm vui thực sự của Chúa Giêsu. Không chỉ mời gọi tội nhân, kết thân với tội nhân, nhưng Ngài còn trở nên ‘như một tội nhân’. Hơn thế nữa, Ngài để cho những người ‘không nhận mình là tội nhân’ hành hạ và giết chết. Bằng cách đó, Ngài thấu hiểu tội nhân, chạm đến những vết thương tội lỗi gây cho họ. Vì thế, đừng bao giờ ngã lòng, sợ hãi hay mặc cảm khi thấy mình có tội; trái lại, tin tưởng và hy vọng, vì biết rằng, đó là lúc chúng ta ‘gần Chúa’ nhất; cũng là lúc ‘Chúa gần’ chúng ta nhất!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin xót thương con là kẻ có tội, đây là lúc con ‘gần Chúa’ nhất, cũng là lúc ‘Chúa gần’ con nhất! Vì con ‘cần Chúa’, cũng như Chúa đang rất ‘cần con!’”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

From: KimBang Nguyen

*****************

Thứ Sáu Tuần XIII Thường Niên, Năm Chẵn

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

9 Khi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi ở đó. Người bảo ông : “Anh hãy theo tôi !” Ông đứng dậy đi theo Người.

10 Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và người tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. 11 Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng : “Tại sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi ?” 12 Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói : “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. 13 Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này : Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”


 

Được xem 2 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay