Thầy Thích Minh Tuệ, trùng trùng kiếp nạn “tự do tôn giáo Việt Nam

 Ba’o Tieng Dan

Blog RFA

Gió Bấc

14-6-2024

Theo Tây Du Ký, Đường Tăng phải vượt qua 81 kiếp nạn mới được Niết bàn. Nước Đại Đường xưa kém văn minh, chưa có tự do tôn giáo nên vua Đường Thái Tông trao văn điệp và bát vàng, Bạch Mã cho thầy Huyền Trang đi thỉnh Kinh mà không xét lý lịch, xem thầy có đăng ký với giáo hội hay chưa. Điệp văn cấp để giao thiệp đối ngoại, còn trong nước khắp nơi thầy đi qua chính quyền đều cung thỉnh. Kiếp nạn của Huyền Trang chỉ do bọn yêu ma.

Ở Việt Nam tự do tôn giáo hiện nay, nhà sư đầu trần chân đất, bị kiếp nạn ngay từ chính triều đình và giáo hội. Chỉ trong vòng nửa tháng qua, thầy Minh Tuệ đột nhiên hai lần đột ngột “tự nguyện ẩn tu”: đêm 2 rạng 3 tháng 6 và đêm 13-6. Từ Huế, 72 vị đồng tu bỗng nhiên được phép màu Cân Đầu Vân của Tôn Ngộ Không đưa đi tản mác, kẻ ra Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, người vào tận Quảng Nam, Bình Định chỉ trong đêm 2-6.

Sau kiếp nạn tan đàn lạc nghé, một số vị đồng tu lại tiếp tục bộ hành hàng trăm cây số tìm nhau, tìm thầy. Sau 5 ngày ẩn tu bí mật để làm căn cước công dân, thầy Minh Tuệ bất ngờ xuất hiện trên VTV qua hai clip trả lời phỏng vấn đầy tranh cãi về sự trung thực, cắt ghép về bối cảnh và nội dung câu chuyện. Các đoạn đối thoại chắp nối rời rạc giữa người hỏi, kiêm bình luận và người trả lời.

Như để chữa cháy, truyền thông nhà nước đưa hai clip có vẻ chân thực hơn về Thầy Minh Tuệ nhận căn cước công dân và phóng viên báo Người Lao Động phỏng vấn. Xâu chuỗi nội dung các clip cho thấy, phía truyền thông nhà nước gợi ý cài cắm để thầy Minh Tuệ thừa nhận tự nguyện ẩn tu và dừng bộ hành do tác hại của việc tụ tập đông người. Thậm chí gợi ý tạo điều kiện cho thầy đi Ấn Độ thăm quan đất Phật.

Thầy Minh Tuệ trước sau khẳng định nguyện vọng muốn bộ hành tu tập hạnh Đầu Đà. Thầy cũng thật thà ý nhị bộc lộ từng có ước mơ bộ hành sang Ấn Độ. Lời lẽ nhẹ nhàng ấy cho thấy ý chí của Thầy chưa bao giờ muốn ngừng bộ hành, ẩn tu. Dù sao, những hình ảnh cho thấy chừng như chính quyền đã cởi mở đồng thuận cho thầy Minh Tuệ tiếp tục tu tập trong sự quản lý của địa phương.

Thông tin trên mạng cho thấy, thầy Minh Tuệ dọn dẹp căn chòi nhỏ trong vườn sầu riêng của người em út, nơi thầy từng ở nhiều năm trước để làm nơi cư trú và tiếp đón phật tử, người đồng tu.

Tiếp đó, trong ba ngày 11,12, 13 tháng 6, thầy được đi khất thực hạn chế vài tiếng đồng hồ trong không gian thôn xã của làng quê nơi cư trú. Khu vực này được bảo vệ chặt chẽ bởi nhiều chốt công an nhưng tiếng vang nhanh chóng thu hút hàng ngàn phật tử khắp nơi kéo về chiêm bái. Dù đây là một xả hẻo lánh của Gia Lai nhưng Phật tử đứng ven đường và đi theo thầy Minh Tuệ dài hàng cây số. Nhiều đoàn Phật tử khắp nơi đã đổ về Gia Lai làm tự thiện. Xe khách, máy bay và khách sạn ở Gia Lai cháy vé. Có người còn mau mắn nghĩ đến việc chớp thời cơ phát triển Gia Lai thành trung tâm du lịch tâm linh.

Ngày 13-6 các thầy Minh Nhuận, Tuệ Minh, Minh Tạng, Minh Chiến đã lần lượt tới được Gia Lai và được tin đã gặp thầy Minh Tuệ. Nhóm các thầy Giác Ngộ, Minh Tự… đang bộ hành trên đèo Lò Xo cách Gia Lai 200km được xe biển xanh của Công An đón để đưa về Gia Lai gặp thầy Minh Tuệ theo nguyện vọng. Cứ ngỡ như sau chặng đường dài hàng trăm cây số tìm kiếm, các thầy sẽ gặp nhau nhưng tiếp đó có nhiều dấu hiệu bất thường. Nhóm các thầy Minh Trí, Chơn Trí, Minh Thành cũng đang bộ hành trên đèo Lò Xo thì không còn tin tức.

Sư A Na cùng đi với hai bạn đồng tu mới bỗng dưng mất tích gần một cây xăng. Hai người đồng tu đón xe đò bỏ dở hành trình.

Trong đêm này, em trai thầy Minh Tuệ, chủ mảnh vườn sầu riêng, nơi thầy Minh Tuệ nương náu lại thông báo Minh Tuệ đã ẩn cư nơi khác. Chắc hẳn lần này sẽ ẩn tu lâu hơn và mức độ tan đàn lạc nghé sẽ triệt để hơn.

Xâu chuỗi các sự kiện có thể thấy rằng, có kế hoạch liên hoàn phối hợp. Có người tung tin qua các YouTuber, mượn lời sư Minh Nhuận kêu gọi các bạn tìm xe đi về Gia Lai. Có người truyền tin, tìm xe cho các thầy và “tình cờ” xe Công An trờ tới đón. Chiến dịch “tự nguyện ẩn tu” đêm 2-6, hàng trăm người bủa lưới vây một điểm nghỉ đêm của các sư. Chiến dịch ngày 13-6, do các thầy tản mác nhiều nhóm, nhiều nơi, màn lưới “tiếp đón” giăng rộng từ Gia Lai lên đến đèo Lò Xo và nhiều nơi khác kéo dài hàng trăm cây số. Quy mô gấp nhiều lần so với trước.

Nếu cựu tướng Đỗ Hữu Ca – Hải Phòng có mặt, ông sẽ khen “Đây là trận đánh tuyệt đẹp”. Có lẽ nguyện vọng tiếp tục bộ hành tu tập theo hạnh Đầu Đà của thầy Minh Tuệ và các đồng tu sẽ là thách thức khó có thể vượt qua.

Sư Minh Tuệ độc hành từ năm 2019, không nhận cúng dường tiền bạc, chìm lỉm giữa đất nước tự do tôn giáo phát triển với làn sóng chùa to – Phật lớn, cúng dường tiền chẵn… nên chỉ bị những kiếp nạn lẻ tẻ: Người ta không cho ăn, xô đuổi, đánh vào mặt… Phẩm hạnh từ bi vô lượng thầy cầu mong cho người ta hạnh phúc nên kiếp nạn ấy đều qua.

Ấy nhưng, khi giới truyền thông xã hội phát hiện, phật tử sùng kính, dư luận chú ý ngày càng tăng thì kiếp nạn của Ngài, ngày càng lớn.

Tinh thần xả ly tuyệt đối, theo hạnh Đầu Đà rủ bỏ thế danh, đốt bỏ giấy tờ tùy thân, xem cha mẹ ruột bình đẳng với bao nhiêu người khác, không vướng mắc trong giáo phái, tự viện nào, chỉ tu theo lời Đức Phật, thầy Minh Tuệ đã vướng vào kiếp nạn căn bản nhất của “tự do tôn giáo Việt Nam”, tu mà không đăng ký với giáo hội quốc doanh của nhà nước. Thầy Minh Tuệ không phải người đầu tiên, cũng không phải cuối cùng.

Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống ra đời từ năm thập kỷ 1960, Phật Giáo Hòa Hảo thuần túy ra đời từ năm 1939 đến nay vẫn bị đàn áp lên bờ xuống ruộng vì cái tội không đầu phục quốc doanh. Ông cụ Lê Tùng Vân hơn 90 tuổi còn bị quy chụp giả sư, loạn luân. Thầy Minh Tuệ không thể thoát vòng kim cô đó.

Giáo hội tuyên bố Lê Anh Tú không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập ở bất kỳ cơ sở nào, mặc dù cả thế giới ngưỡng mộ phẩm hạnh Đầu Đà của ngài Minh Tuệ. Một tiến sĩ cao tăng quốc doanh không nhận cúng dường tiền lẻ gọi ông là “thằng ba trợn”. Thượng Tọa Thích Minh Đạo chỉ vì tình thật, tán thán phẩm hạnh của ông, đã bị cấp trên cho “tự nguyện từ chức”, quỳ lạy sám hối chư tăng và biệt chúng nhập thất ngay trong lúc an cư kiết hạ.

Phẩm hạnh của sư Minh Tuệ như tấm gương làm lộ mặt ma tăng, sàm tăng, đang đầy rẫy, chi phối giáo hội quốc doanh, tạo ra dư luận phản cảm. Pháp tu khổ hạnh của sư như luồng ánh sáng mầu nhiệm soi vào hố đen tham lam hôn ám, đã đập bể nồi cơm cúng dường phước báu của chư vị quan tu. Báo Giác Ngộ đã có bài than thở VÌ SAO NÊN NỖI? Cái nỗi ấy là “Chùa dạo này vắng quá!” (1)

Với thể chế độc tài, tiếng vang, sự ngưỡng mộ quá lớn, quá mạnh mẽ của công chúng với thầy Minh Tuệ là điều không thể chấp nhận, không thể tồn tại trong nền “tự do tôn giáo Việt Nam”. Giáo chủ Huỳnh Phú Số, sáng lập đạo Phật Giáo Hòa Hảo, đã “vắng bóng” từ năm 1947 khi đi họp với Việt Minh bàn việc hợp tác kháng chiến ở Đốc Vàng. Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập hệ phái Khất sĩ cũng vắng bóng từ năm 1954 ở Cái Vồn. Tiếng tăm da thịt của nữ hoàng nội y Ngọc Trinh cũng đủ cho em cái án tù lãng nhách. Ngay trong đảng, đệ nhất khai quốc công thần, đệ nhất danh tướng “Điện Biên Phủ chấn động năm châu rúng động địa cầu” cũng có lúc bị làm nhục nên có thơ rằng “Ngày xưa đại tướng cầm quân/ Ngày nay đại tướng cầm quần chị em”.

Vì vậy, cách tu hành và phẩm hạnh từ bi hỷ xả của thầy Minh Tuệ càng cao quý, càng được kính ngưỡng thì càng nguy hiểm cho nhục thân của Thầy.

Có người cho rằng, cái xử sự nhẹ nhàng với thầy Minh Tuệ sau ngày 2-6 là nhờ trận lôi đình hơn 10000 tia sét đánh vào Hà Nội ngày 5-6 và cơn mưa như hồng thủy ở Đại Nội Huế ngay trước giờ khai mạc Festival. Các quan chức “anh minh” thời nay vốn thiếu niềm tin vào sự thiện lương, chân lý nhân quả nhưng thừa mê tín vào phước báo theo biện luận của đám ma tăng. Thầy bói Hồ Hữu Hòa đã xuyên thủng lá chắn cấp hàm tướng tá. Mộ Võ Thị Sáu luôn tấp nập hương hoa cúng vái. Bái Đính, Ba Vàng đầy rẫy cây cổ thụ mang tên lãnh đạo.

Nhà tu mang tầm quốc tế như hòa thượng Huyền Diệu, Tiến sĩ khoa thần học tại Đại học Sorbonne, Pháp, Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo quốc tế Lâm Tỳ Ni, hết lời tán thán thầy Minh Tuệ (2).

Bách Khoa Toàn Thư mở WIKIPEDIA vinh danh Thích Minh Tuệ và ghi nhận rằng “Giáo hội Phật giáo Việt Nam không chấp nhận gọi ông là “tu sĩ Phật giáo”, tuy nhiên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất công nhận điều này và khen ngợi ông hội đủ phẩm hạnh cho danh xưng đó. Đồng tình với việc gọi Thích Minh Tuệ là tu sĩ, dù chính ông không tự nhận mình như thế, các nhà quan sát nhận định việc đánh giá một cá nhân có phải là tu sĩ hay không, không phụ thuộc vào sự đồng ý của bất kỳ tổ chức nào” (3).

Quyền lực thế tục của nhà nước cộng sản có thể bôi đen thêm lần nữa mỹ từ “tự do tôn giáo Việt Nam” bằng cách giam hãm hành hạ nhục thân, quyền tự do của thầy Minh Tuệ, thậm chí có thể làm Thầy “vắng bóng”. Nhưng tấm gương sáng trong và pháp hành chánh đạo của Thầy đã khai mở, lay động tâm từ chỉ ra con đường chuyển hóa tham sân si hướng đến sự an nhiên giải thoát. Giá trị ấy không thể đảo ngược!

Có người hỏi, nếu ai đó xin Thầy một phần thân thể, thầy sẽ làm sao? Minh Tuệ trả lời: “Con chỉ xin được 10 ngày để thanh lọc cơ thể thật tinh khiết. Sau đó ai muốn lấy gì cứ lấy!” Với đại nguyện tận hiến ấy thì khó thách thức nào cưỡng ép được.

Chú thích:

1- https://giacngo.vn/vi-dau-ra-noi-nay-post70771.html

2- https://www.niemphat.vn/ht-thich-huyen-dieu-noi-ve-su-thich-minh-tue

3- https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%ADch_Minh_Tu%E1%BB%87

 


 

Được xem 3 lần, bởi 3 Bạn Đọc trong ngày hôm nay