11/06/2024
Hoàng Trường
Ông Tô Lâm tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước Việt Nam, Hà Nội, ngày 22/5/2024. Nguồn: Pham Trung Kien/ VNA via AP
Dích dắc ‘xây thành đắp lũy’
Một cuộc ngã giá vô tiền khoáng hậu. Theo nguồn tin nội bộ, chấp nhận ghế Chủ tịch nước (CTN) ngày 22/5/2024, Tướng Tô Lâm đã đặt điều kiện với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (TBT) và Trung ương đảng (TƯ), phải bầu bổ sung hai tướng ba sao của ông là Lương Tam Quang và Nguyễn Duy Ngọc, đều là dân gốc Hưng Yên, vào Bộ Chính trị (BCT). Nhưng rồi ‘mộng đẹp không thành’, Tô Lâm ‘đành cài số lùi’.
Hôm 6/6, khi Quốc hội bấm nút chấp thuận tướng Quang vào ghế Bộ trưởng Công an (BTCA), cũng là lúc Tô Lâm cho CO3 ra tuyên bố công khai: Cơ quan An ninh BCA chấm dứt điều tra giai đoạn 2 vụ án hình sự Vạn Thịnh Phát (1). Vậy là, Lê Minh Hưng, tân Chánh Văn phòng Trung ương Đảng (CVPTƯ) – người từng đứng đầu Ngân hàng Nhà nước vào những năm Trương Mỹ Lan ‘múa gậy vườn hoang’ giữa Đô thành, gây thiệt hại cho người dân khoảng 30.869 tỷ VND – có khả năng sẽ thoát nạn.
‘Bánh ú trao đi bánh chì trao lại’. Người của Tô Lâm ‘ấm ghế’ ở TƯ để hy vọng vào BCT nay mai, thì ngay lập tức Lê Minh Hưng, trong cùng ngày 6/6 ‘gần như khỏi lo’ bị điều tra ngược. Không cần trở thành Ủy viên BCT, chỉ là ‘phó thường dân dự khuyết’ cũng biết được, cựu Cục trưởng Đỗ Thị Nhàn một mình không thể nuốt trôi 5,2 triệu USD do Trương Mỹ Lan lại quả.
Lương Tam Quang và Nguyễn Duy Ngọc đã không gom đủ số phiếu tại Hội nghị Trung ương 9 (2). Tô Đại tướng đành quyền biến, ‘lùi một bước tiến hai bước’ khá ngoạn mục. Ngày 3/6, Tô Lâm tạm thỏa mãn ghế Chánh Văn phòng Trung ương Đảng (CVPTƯĐ) đối với Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, để ngày 6/6 vừa qua, ông đạt được đòi hỏi thứ hai, tức là gần như 100% Quốc hội bầu Thượng tướng Lương Tam Quang vào ghế BTCA.
Trong Hội nghị TƯ-9, ‘tâm phúc’ của Tô Đại tướng chưa dành ngay được hai vị trí trong BCT, nhưng với ghế CVPTƯĐ và BTCA, tương lai Ngọc và Quang vào BCT vẫn chưa hết hy vọng. Chậm nhưng chắc, theo bước chân của người tiền nhiệm Lê Minh Hưng, trước mắt, tướng Ngọc sẽ được vào Ban bí thư. Cuộc ngã giá của tân CTN đã buộc TƯ và BCT phải chấp thuận cho các thủ túc của ông ‘gác cửa’ ở Trung ương Đảng và thay ông ‘trông coi’ BCA. Đối với tân CTN, đây là thành công bước đầu ngoạn mục, mặc dầu để cài tiếp hai ‘đệ tử của mình’ ở BCA leo tiếp trên các nấc thang quyền lực vẫn còn là một tương lai bất định.
BCT lúc đầu vốn quan ngại vây cánh của Tô Lâm quá mạnh trong TƯ và BCT nên chưa đồng thuận cho hai Thượng tướng Công an Nguyễn Duy Ngọc và Lương Tam Quang vào BCT ngay trong đợt bầu bổ sung tại Hội nghị TƯ-9. Nhưng với kế hoạch ‘bao vây’ và ‘đánh lấn’ của Tô Lâm, TBT Nguyễn Phú Trọng cuối cùng cũng đã thúc thủ. Tại phiên họp Quốc hội (QH) hôm 6/6, tân CTN Tô Lâm, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, đã đề nghị QH phê chuẩn cho tướng Lương Tam Quang làm thành viên Hội đồng. Và QH đã biểu quyết thông qua đề nghị này với tỷ lệ 100% đại biểu tán thành (3).
Trước mắt, tướng Quang và tướng Ngọc sẽ phục vụ hết nhiệm kỳ của ông Tô Lâm đến năm 2026. Nếu Quang không ‘leo’ được tiếp lên BCT, ông sẽ kết thúc cuộc đời binh nghiệp ở tuổi 61 vào tháng 1/2026. Dẫu sao Tô Đại tướng cũng đã ép được BCT và TƯ chấp thuận kế hoạch ‘xây thành, đắp lũy’ của mình. Bố trí xong hai ghế CVPTWĐ và Bộ trưởng BCA cho Ngọc và Quang, vốn là các thủ túc thân tín của ông. Ngay từ đầu, Đại tướng Tô Lâm không giấu giếm, đó là các điều kiện tiên quyết để ông chấp nhận rời ghế BCA sang ngồi vào ghế CTN.
Liệu có ‘cái chết trên chấm phạt đền’?
Giới bình luận quốc tế đánh giá, các điều kiện tiên quyết của Tô Lâm áp đặt lên BCT thực chất là một cuộc chính biến (coup d’etat) hoàn hảo (4). Tô Đại tướng đã hành động ‘tréo ngoe’ so với Hiến pháp, cũng như Đảng chế xưa nay. Mọi quyết sách lớn về nhân sự trên thượng tầng Ba Đình thường là do BCT thiết kế, sau đó TƯ và QH chỉ bấm nút triển khai thực hiện. Đằng này, vừa qua, bằng một Hội nghị bất thường để lấy phiếu tín nhiệm từ cơ sở cho điều gọi là ‘kiện toàn vị trí BTCA’, Tô Lâm trên thực tế đã vô hiệu hóa quyết định trước đó của Chính phủ để Trần Quốc Tỏ ‘điều hành BCA’, áp đặt luôn kết quả bỏ phiếu để đưa Quang vào vị trí làm ‘bàn đạp’ chuẩn bị ‘nhảy lên’ BCT về sau.
Điều này liệu có thể diễn ra, khi mà tân Bộ trưởng Lương Tam Quang chưa đủ điều kiện ‘trọn một khóa’ TƯ và cũng chưa từng qua một khóa công tác ở cấp tỉnh? Nhưng với ‘tả phù hữu bật’, với ‘thế chẻ tre’ trên bàn cờ chính trị Ba Đình (5), Tô lâm đã ‘xây thành đắp lũy’ thành công mà không sợ các thế lực khác ‘đánh úp’ khi ông buộc lòng phải ‘buông’ ghế BTCA để tính chuyện được ‘hưởng suất đặc biệt kéo dài tuổi hưu’ tại Đại hội 14 vào tháng 1/2026. Giới quan sát chính trị Hà Nội đang đặt vấn đề: Nếu một khi có ‘cái chết trên chậm phạt đền’, Tô Lâm có đủ quyền bính để gộp CTN với TBT làm một?
Trong một bài viết súc tích trước khi bị bắt hôm 1/6/2024, nhà báo Huy Đức đã mô tả về cái chết của Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam. Huy Đức có ý đổ trách nhiệm cho TBT Trọng trong việc ông có vẻ lấn át bộ máy quản trị bên chính phủ, chỉ tập trung ‘gia cố’ hệ thống các Ban bên Đảng (6). Thật ra cuộc tranh giành lúc ngấm ngầm, lúc công khai giữa ‘cung Vua’ và ‘phủ Chúa’ ở Ba Đình khi nhân loại đã đi được một phần tư thế kỷ 21, có lẽ là một trong những chương đen tối của lịch sử ĐCSVN. Ở một đất nước ‘luật pháp có cũng như không’, gần một tuần lễ trôi qua, người dân và cả hệ thống truyền thông ‘lề đảng’ vẫn chưa biết, Huy Đức đã ‘bị bốc hơi’ cách nào. Mãi đến cách đây vài ngày mới có tin chính thức Huy Đức bị bắt về tội “lợi dụng tự do, dân chủ.”
Trong khi đó thì tình hình tham nhũng đã tồi tệ đến mức, như một bình luận trên RFA cũng vào ngày 6/6, giới lãnh đạo không thể công khai trước toàn dân về trách nhiệm giải trình. Người dân đứng ngoài ‘trò chơi cung đình’, trong đó sự tranh giành quyền lực và thanh trừng nội bộ ở thượng tầng đang diễn ra khốc liệt. Trong vòng hơn một năm tính từ đầu 2023 đến thời điểm hiện nay, hàng tá các Ủy viên BCT, các Phó thủ tướng, bộ trưởng và nhiều quan chức cao cấp khác bị ‘ngã ngựa’ dưới các hình thức khác nhau… (7)
Trong một nghiên cứu được trao giải quốc tế từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore, các học giả về Việt Nam đã tiên đoán về sự ‘tắc tử’ của hệ thống pháp quyền XHCN và sự lên ngôi của chế độ độc tài công an trị. Có một số kịch bản phát triển khả dĩ cho Hà Nội như sau: Thứ nhất, ĐCSVN tiếp tục theo con đường hiện tại, từ chối thực hiện các cải cách chính trị và quản trị triệt để hơn và tránh xa thực hành đa nguyên chính trị. Trong trường hợp này, tham nhũng có thể sẽ trở nên lan tràn và gây tổn hại nghiêm trọng hơn và các phe phái cùng các nhóm lợi ích sẽ gây thêm nhiều tổn hại hơn nữa. Một sự phát triển như vậy sẽ dẫn đến sự mất hoàn toàn tính hợp pháp của Đảng Cộng sản.
Thứ hai, ĐCSVN bám giữ chế độ ‘đảng trị’ duy nhất bằng mọi giá và chỉ thực hiện các cải cách phi chính trị. Trong tình huống ấy, thời gian trước khi mất tính hợp pháp có thể kéo dài và Việt Nam sẽ trở thành một loại hình nhà nước cảnh sát toàn trị.
Thứ ba, Việt Nam tiến tới đa nguyên chính trị mà không có bất kỳ cải cách toàn diện nào. Trong trường hợp ấy, sự phát triển của Việt Nam sẽ càng khó dự đoán hơn và sẽ gặp nhiều hỗn loạn và bất định phía trước (8).
Tham khảo:
(2) https://www.voatiengviet.com/a/trung-uong-9-buoc-ngoat-hay-ngo-cut-/7617585.html