Nguyên- nhân VNCH sụp đổ ngày 30-4-1975 (Kỳ 3)-Trương Nhân Tuấn

Ba’o Tieng Dan

Trương Nhân Tuấn

2-4-2024

Tiếp theo kỳ 1 và kỳ 2

Kỳ 3: VNCH thua vì để mất chính nghĩa

Phe Việt Minh của ông Hồ đứng về phe chiến thắng. Còn phe Quốc gia ở đâu trước sự kiện Đồng Minh thắng Nhật năm 1945?

Về sự kiện vua Bảo Đại “thoái vị”, giao ấn kiếm, biểu tượng quyền uy của Hoàng đế Đại Nam cho đại diện Việt Minh là Trần Huy Liệu. Sử gia Việt Nam thuộc phe Quốc gia biện hộ rằng, Bảo Đại thoái vị là do các báo cáo sai lạc của Khâm sai Phan Kế Toại (Khâm sai: commissaire impérial, là chức quan do vua phong để làm một phận sự nào đó). Sự kiện này kiểm chứng (từ các tài liệu và nhân chứng lịch sử) là đúng.

Nhưng có hai sự kiện khác quan trọng hơn mà không thấy sử gia nào nói tới.

Một là, đó là lực lượng Việt Minh do ông Hồ Chí Minh lãnh đạo là “đồng minh của phe Đồng Minh chống Nhật”. Tức phe ông Hồ đứng về bên thắng cuộc Thế chiến thứ II.

Việt Minh do có hợp tác với đội OSS của Mỹ (OSS là tiền thân của CIA, thuộc Cơ quan Tình báo Chiến lược của Mỹ) từ khi Mỹ tuyên bố chiến tranh với Nhật. Đội quân này (có huấn luyện bộ đội Việt Minh) cùng hoạt động trên vùng biên giới Việt-Trung, mục đích yểm trợ các lực lượng chống Nhật ở vùng Hoa Nam.

Thời cơ đưa đẩy, lực lượng Việt Minh của ông Hồ đứng về “phe chiến thắng” trong Thế chiến Thứ hai.

Qua tài liệu phỏng vấn GS Nguyễn Ngọc Huy (1924-1990), sáng lập đảng Tân Đại Việt, do GS Nguyễn Mạnh Hùng, Giáo sư Chính trị học, Trường Đại học George Mason, thực hiện tại Houston, Hoa kỳ năm 1987. Tài liệu này được GS Hùng viết lại và công bố trên trang web cá nhân ngày 24 tháng 6 năm 2022. Nguyên văn dẫn lại như sau:

“Vấn đề quan trọng nhứt là vấn đề Phan Kế Toại. Bởi vì con Phan Kế Toại là phe Cộng Sản. Hai người, tên là Phan Kế Ninh – một người tên Phan Kế Ninh, một người Phan Kế An hay gì tôi không nhớ rõ lắm. Nhưng mà hai người con Phan Kế Toại là cán bộ Cộng Sản, thành ra nó làm cho ông Phan Kế Toại nghĩ là Cộng Sản rất mạnh. Bởi vì nó đã mang những truyền đơn của Việt Minh nó bỏ trong phòng ngủ của ông Phan Kế Toại — là Khâm sai. Mà trong tất cả mấy gian phòng đều bỏ hết. Thành ra ông ông Phan Kế Toại yên trí là Việt Minh trong lúc đó, ông lên văn phòng của ông, ông nói là đến phòng của ông mà nó còn vào được thì nó phải mạnh ghê lắm. Vì thế cho nên ông Phan Kế Toại đã thiên về vấn đề đi theo Cộng Sản từ lúc đó. Và chính cái báo cáo của ông làm cho Bảo Đại phải phải bị lay chuyển mà chấp nhận thoái vị”.

Cũng theo GS Huy (tài liệu đã dẫn): “Báo cáo thiên vị Việt Minh của ông khiến Bảo Đại từ chức, tạo cho Việt Minh tư cách hợp pháp chính trị. Tính cách hợp pháp này và tư cách là “đồng minh của Đồng Minh” làm các đảng phái Quốc Gia bị lép vế trước và sau ngày 19/8. Tư cách này không còn nữa sau khi Pháp trở lại miền Nam”.

Tức là theo GS Huy, nguyên nhân thoái vị của Bảo Đại gồm hai lý do: 1/ Báo cáo của Phan Kế Toạt thổi phồng lực lượng Việt Minh đông đảo hơn phe Quốc gia và 2/ Việt Minh là “đồng minh của Đồng minh”. Tức Việt Minh đứng về “phe chiến thắng”.

So sánh với các nhân chứng là lãnh tụ các đảng chính trị như Việt Nam Quốc Dân đảng và đảng Đại Việt (qua các bản phỏng vấn của GS Nguyễn Mạnh Hùng công bố trên cùng trang web) ta thấy nội dung các điều trên không có sai biệt.

Bản báo cáo của Khâm sai Phan Kế Toại (do con cái đã theo Việt Minh) không đánh giá đúng lực lượng của Việt Minh. Theo GS Huy, cùng thời kỳ lực lượng của Đại Việt mạnh hơn Việt Minh.

Dữ kiện từ bài phỏng vấn GS Huy của GS Nguyễn Mạnh Hùng: “Trường Lục quân Yên Bái do Trương Tử Anh lập với huấn luyện viên người Nhật. Trước ngày khởi nghĩa, ông Anh ra lệnh kéo quân từ Yên Bái về Hà Nội và hẹn với Trần Kim Thành của Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội kéo quân từ Móng Cái về. Đến Hưng Yên thì bị vỡ đê, cả hai cánh quân đều không về được Hà Nội. Tới nơi thì Việt Minh đã cướp chính quyền”.

Yếu tố “đê vỡ nên không về được tới Hà Nội” so sánh lại thấy có mâu thuẫn với các nhân chứng khác. Dầu vậy, đây là sự kiện không quan trọng làm thay đổi thời cuộc.

Hai là, theo tôi, khiến các lực lượng quân sự của phe Quốc gia không về Hà Nội để “lấp khoảng trống quyền lực” sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh, đó là tất cả các phe phái quốc gia đều ủng hộ Nhật.

Sự kiện “vỡ đê” có thể chỉ là cái cớ. GS Huy cũng nhìn nhận rằng, lực lượng của phe Quốc gia không dám chiếm quyền lực là vì lo ngại bị Đồng minh “xử” chung với Nhật.

Tức là phe quốc gia đã chọn đứng về bên thua cuộc.

Nước Ý giờ thứ 25, mặt trận Châu Âu, Đức-Ý đã thua Đồng minh (từ tháng 6-1945) rồi. Nhưng đến tháng 8, thấy Nhật sắp thua, Ý bèn “tuyên bố chiến tranh” với Nhật. Mục đích chỉ để “đứng về phe thắng trận”. Nước Nga cũng vậy. Vấn đề là phe Quốc gia không ai thấy (biết) sự việc này để chọn phe.

Phe quốc gia mất “chính nghĩa” từ thời điểm này.

Về tuyên ngôn độc lập 12-3-1945 của Bảo Đại

Sau khi “đảo chánh” Pháp thì Nhật trả độc lập “Đế quốc Việt Nam” cho Bảo Đại. Ngày 12 tháng 3 năm 1945, Bảo Đại trao “tuyên ngôn độc lập” cho đại diện Nhật là Đại sứ Yokoyama. Nội dung Tuyên ngôn có đoạn:

Chiếu tình hình thế giới nói chung và tình hình Á châu nói riêng, chính phủ Việt Nam long trọng công khai tuyên bố, kể từ ngày hôm nay, hiệp ước bảo hộ ký với nước Pháp được bãi bỏ và đất nước thu hồi độc lập chủ quyền quốc gia” (CRVN, page 162).

Câu hỏi đặt ra là, Tuyên ngôn này có “giá trị pháp lý” hay không? Theo tôi, một bên có thể đơn phương hủy bỏ kết ước, vì một lý do nào đó, như vì “hiệp ước bất bình đẳng”.

Trường hợp Việt Nam phức tạp vì hai đế quốc Pháp và Trung Hoa (nhà Thanh), hai đế quốc “bảo hộ” Việt Nam, có ký Hiệp ước Thiên Tân 1885. Nội dung hiệp ước, nhà Thanh đồng ý “nhượng” Việt Nam lại cho Pháp.

Mặt khác, theo các nguyên tắc “debellatio” trong chiến tranh, bên chiến thắng có quyền quyết định mọi tài sản, kể cả lãnh thổ và dân chúng của phe chiến bại.

Sau khi Nhật ký văn kiện đầu hàng ngày 2 tháng 9 năm 1945, Nhật phải tuyên bố từ bỏ tất cả các vùng lãnh thổ do Nhật chiếm đóng trước kia. Ngay cả lãnh thổ nước Nhật cũng phải giao cho Mỹ quản lý. Riêng các chính phủ do Nhật lập nên ở các vùng lãnh thổ (như Bảo đại ở Việt Nam) thì không được nhìn nhận.

Tức là “Đế quốc Việt Nam” của Bảo Đại là một thực thể chính trị không có tính chính danh và không được quốc gia nào nhìn nhận. Điều này khiến cho “danh nghĩa pháp lý”của phe Việt Minh khi nhận chiếu thoái vị của Bảo Đại bị khuyết tật.

Ông Hồ không thể nhận chủ quyền Đế quốc Việt Nam do Bảo đại trao cho. Nguyên tắc luật học “người ta không thể cho cái mà người ta không có”.

Về “giải pháp Bảo Đại”

Một dấu ngoặc nói về thủ tục “thoái vị”. Bảo Đại có thể “thoái vị” và “nhường ngôi” cho một vị hoàng thân quốc thích nào đó của nhà Nguyễn. Nhưng về nguyên tắc thì Bảo Đại không thể đơn phương tự lấy quyết định giao ấn kiếm, biểu tượng quyền lực nhà Nguyễn, giao cho một người hay một tổ chức không thuộc hoàng gia. Nhứt là khi hành vi này kết liễu triều đại nhà Nguyễn. (Tức là Bảo Đại tự kết liễu nền phong kiến chứ không do CSVN đánh đổ như họ đã tuyên truyền).

Tháng 4 năm 1949, Bảo Đại lại nhận lời Pháp, đứng ra lãnh đạo “Quốc Gia Việt Nam – Etat du Viet Nam”. Bảo Đại trở thành người thiếu lương thiện. Đã giao quyền lực “Đế quốc Việt Nam” (tức giao chủ quyền Việt Nam) tháng 8 năm 1945 cho ông Hồ rồi. Lý do gì lại ra lãnh đạo “Quốc gia Việt Nam” tháng 4 năm 1949 để cạnh tranh với ông Hồ?

Bảo Đại tự biện: “Bởi vì từ 1946 đến 1949, đó là sự trống rỗng chính trị toàn diện. Nếu tôi chưa xuất hiện, con người vốn sợ sự trống rỗng, thì nước Việt Nam sẽ đi về đâu?” (Dẫn từ Con Rồng Việt Nam, trang 354).

Bảo Đại làm như Việt Nam hết người. Đây là sự lựa chọn của người Pháp. Còn gọi là “giải pháp Bảo Đại”. Đơn giản vì Bảo Đại dễ bảo, thiếu kiến thức chính trị và nhứt là “ham chơi” hơn việc “trị quốc”.

Thực tế thì cũng có những giải pháp khác, như giải pháp Bảo Long (với hoàng hậu Nam Phương đóng vai nhiếp chính) hay giải pháp Vĩnh San (vua Duy Tân).

Quốc gia Việt Nam chỉ có một. Quyền lực chủ tể (chủ quyền) của Việt Nam cũng chỉ có một.

Nếu so sánh được, chủ quyền quốc gia Việt Nam như “sổ đỏ”, tờ chứng nhận chủ quyền của triều đại nhà Nguyễn trên ngôi nhà Việt Nam. Bảo Đại đã tự tiện giao “sổ đỏ” này cho Việt Minh rồi (ngày 30 tháng 8 năm 1945). Sau đó Bảo Đại nhận lại “sổ đỏ” chứng nhận sở hữu ngôi nhà Việt Nam khác, lần này do Pháp cấp.

Đã giao cho ông Hồ “Đế quốc Việt Nam” rồi, thì “Quốc gia Việt Nam” của Bảo Đại sau này là quốc gia Việt Nam nào?

Hai cuốn “sổ đỏ” phải có một là “giả, ngụy”. Sổ giả là sổ nào?

Vì vậy phía CSVN mới có cớ gọi “quốc gia Việt Nam” của Bảo Đại là “ngụy”. Các nhà nước VNCH kế thừa Quốc gia Việt Nam sau này, vì vậy cũng đều là “ngụy”.

Phe Quốc gia đã có thể những làm điều gì để “giải Ngụy”?

Không ai phủ nhận cá nhân cụ Trần Trọng Kim cũng như thành quả của chính phủ Trần Trọng Kim sau 6 tháng làm việc. Nhưng càng củng cố tính chính đáng của chính phủ Trần Trọng Kim và Đế quốc Việt Nam của Bảo Đại thì phe quốc gia càng sa lầy vào vũng bùn “ngụy” do CS gài ra.

Ảnh: Tổng lý Nội các Trần Trọng Kim đọc bản tuyên cáo với quốc dân qua máy truyền thanh. Phía sau là các vị bộ trưởng. Huế ngày 8 tháng 5 năm 1945. Nguồn: Thư viện Quốc gia Việt Nam

Vấn đề là “giải Ngụy” bằng cách nào? Đến nay, 49 năm lưu vong, vẫn chưa thấy sử gia, nhân sĩ quốc gia nào giải được.

________

(Tác giả Trương Nhân Tuấn đặc biệt gởi lời trân trọng cám ơn đến GS Nguyễn Mạnh Hùng vì các tài liệu đã công bố. Cũng xin cáo lỗi cùng GS Hùng vụ tự tiện dẫn các tài liệu mà không xin phép trước).


 

Được xem 2 lần, bởi 2 Bạn Đọc trong ngày hôm nay