Tác Giả: Tăng Quốc Kiệt
Bài viết này rút ra từ một phần của cuốn sách tựa là Sapiens (a brief history of humankind), rất nổi tiếng của giáo sư Yuval Noah Harari dạy ở đại học Hebrew University of Jerusalem.
Vừa xuất hiện năm 2014, đã được báo chí Mỹ và thế giới tán thưởng, là quyển sách cực hay của nhân loại. Khi đã cầm lên rồi, thì say mê khó mà bỏ xuống được (Bill Gates).
Tác giả, một giáo sư tiến sĩ, trẻ tuổi (lúc xuất bản, tác giả mới chỉ 38 tuổi) với lối viết châm biếm nhẹ nhàng mà sâu sắc, đưa độc giả từ ngạc nhiên này qua ngac nhiên khác, với kiến thức uyên thâm của một người Do Thái, quyền sách cực kỳ cô đọng, nhiều dữ kiện và bác học. Không dài dòng hơn, tôi xin vào đề.
Cách đây 3.8 tỉ năm, trái đất hình thành.
70 ngàn năm trước, Homo sapiens xuất hiện tạo nên cái gọi là văn hóa. Quá trình phát triển văn hóa này của loài người được gọi là lịch sử.
Có 3 cuộc cách mạng quan trọng của lịch sử loài người:
- Cách mạng về nhận thức (cognition) bắt đầu khoảng 70 ngàn năm trước.
- Cách mạng nông nghiệp, khoảng 12 ngàn năm trước.
- Cách mạng khoa học chỉ có từ 500 năm nay, có thể chấm dứt lịch sử, hoậc mở đầu cho điều gì hoàn toàn khác hẳn với hiện tại mà ta không biết được.
Các nhà sinh vật học chia sinh vật thành loài (species- cùng một loài khi lấy nhau sẽ sinh con đẻ cái được)
Các loài tiến hóa từ một tổ tiên, họp lại thành chi (genus), chi họp thành họ.
Ví dụ : Loài Homo sapiens, Homo : (loài) người, Sapiens (chi) có nghĩa là khôn. Chi (genus, số nhiều genera) họp thành gia đình ồn ào của loài vượn lớn, trong đó có Sapiens, liên hệ gần là chimpanzee (tinh tinh) godzilla (khỉ đột) ourang outang (đười ươi). Giống chúng ta nhất là tinh tinh.
Các loài Homo.
Khoảng 6 tiệu năm trước, con vượn cái đẻ 2 con gái, một là tổ tiên loài tinh tinh, hai là bà cố cố ngoại chúng ta.
Homo đều là người, nhưng có các loài khác nhau. Từ 10 ngàn năm nay, Sapiens là loài người duy nhất còn tồn tại trên địa cầu.
2.5 triệu năm trước, loài người xuất hiện ở đông phi châu, sớm nhất, được gọi là Australopithecus (vượn cổ phương nam) 2 triệu năm trước, loài người bắt đầu di cư về Bắc phi, Âu và Á châu. Vì khí hậu khác, môi trường sống khác giữa các vùng, để thích ứng với môi trường tại chỗ, loài người biến đổi theo các hướng khác nhau, thành tên gọi khác nhau.
Loài người ở Âu châu và Tây Á tiến triển thành Homo Neanderthalensis (người từ thung lũng Neander) hay gọi tắt là Neanderthal, to con, nhiều bắp thịt hơn Sapiens, thích ứng với thời tiết lạnh, thời băng hà của miền Tây âu á.
Phía đông châu á, có loài Homo erectus (người có dáng đứng thẳng) tồn tại 2 triệu năm.
Ở một đảo nhỏ, Flores (Indonesia) loài người trở nên lùn vì thiếu ăn, người to con cần nhiều thức ăn, chết sớm, đám nhỏ con, cần ít thức ăn, sống sót, tên là Homo floresinensis, cao 1 mét, nặng 25 kí lô.
Năm 2010, người ta tìm thấy trong một hang động ở Siberia tên là Denisova, có 1 loài gọi là Homo denisova
Cái nôi của văn minh nhân loại cho ra các giống homo rudolfensis (người từ hồ Rudolf) Homo ergester (người lao động,) và ngày nay chúng ta là Homo Sapiens (được đặt tên một cách không khiêm tốn : Con người khôn ngoan)
Tất cả homo đều là loài người, xuất hiện cùng một lúc, chứ không phải từ ergester biến thành erectus, qua neanderthal rồi thành Sapiens chẳng hạn.
Nhưng tại sao các loài người khác tiệt chủng, chỉ còn Sapiens từ 10 ngàn năm nay ?
Có hai giả thuyết
- Thuyết lai giống : các homo khác bị đồng hóa.
- Thuyết thay thế : nghĩa là sapiens tiêu diệt hết các homo khác (nếu thuyết này đúng thì sapiens đã gây nạn diệt chủng đầu tiên của nhân loại)
Cái giá của sự suy nghĩ.
Các Homo có cùng chung các đặc tính sau đây : Sọ não rất to,, so với các loài khác, loài có vú nặng 60 kí, bộ não chỉ chiếm 200 cm³, loài người cách nay 2.5 triệu năm, bộ nào chiếm 600 cm³. Người Sapiens hiện này, bộ não trung bình 1200-1400 cm³. Neanderthal còn có bộ não to hơn thế.
Câu hỏi đặt ra, tại sao trong các động vật, chỉ có loài người là có khả năng suy nghĩ, có óc tưởng tượng, có khả năng hư cấu ?
Chuyện cái não trở nên khổng lồ, là nguồn cội của các vấn đề : Không dễ gì mang 1 trọng lượng não nặng như thế trong một hộp sọ khổng lồ. Ở loài người, não bộ chỉ bằng 2% đến 3% trọng lượng cơ thể, nhưng tiêu thụ 25% năng lượng cơ thể khi nghỉ ngơi so với các loài khác, chỉ tiêu thụ 8% năng lượng cơ thể lúc nghỉ
Loài người cổ sơ phải trả giá cho cái sọ bự bằng hai cách
- Phải cần nhiều thì giờ để tìm thức ăn nuôi não
- Các cơ phải thoái hóa để dồn năng lượng lên não
Ngày nay cái não khổng lồ, giúp loài người rất nhiều vì nó có thể sản xuất ra xe để di chuyển nhanh hơn loài khỉ, súng đạn để có thể bắn chúng từ xa (thay vì vật lộn với chúng.) Nhưng cứ tưởng tượng, thời xa xưa, loài người bị các động vật khác bắt nạt ghê gớm lắm, vì thuở đó không có xe, không có súng. Qua 2 triệu năm, não ngày càng to lên, tại sao thế ? Nào ai biết .
Đứng trên hai chân.
Từ trên cây, xuống đất, khỉ trở thành người vì cần khám phá kẻ thù từ xa, loài người phải đứng trên hai chân. Điều này giúp giải thoát 2 tay ra khỏi việc di chuyển, tay sẽ dùng để liệng đá, ra hiệu, rồi từ từ bàn tay trở nên khéo léo, chế ra các dụng cụ ngày càng tinh vi hơn.
Đứng trên hai bàn chân có cái giá mà ta phải trả, vì phải mang một trọng lượng lớn trên cột sống gây đau lưng, và các đốt sống cổ hóa vôi.(vậy khi chụp X quang, thấy vôi hóa cột sống là chuyện bình thường, chớ than thở, tại con khỉ muốn thành người TQK)
Đàn bà còn phải trả giá thêm nữa, khi đứng thẳng lên thì xương chậu hẹp lại, làm sự sinh nở khó khăn hơn, trong khi đó, cái đầu đứa nhỏ ngày càng to, gây sinh khó, bà mẹ dễ bị chết khi sinh con, vậy thì bà nào sinh non, khi đầu đứa bé còn nhỏ thì nó dễ chui ra. Sinh non thì mẹ dễ sống còn. Do chọn lọc thiên nhiên, sinh non ngày càng phổ biến.
So với các loài động vật khác, loài người sinh non hơn, khi trẻ chưa phát triển đúng mức, cứ nhìn con nai vừa đẻ ra đã có khả năng chạy (nếu không chạy sẽ bị sư tử xơi tái ngay)
Còn đứa bé, sau khi ra đời, phải dựa vào kẻ khác nhiều năm, phải được nuôi dưỡng, che chở và giáo dục, nhờ đó, hệ thống xã hội phát triển, trẻ con có thể được uốn nắn theo giáo dục người lớn
Chuỗi thực phẩm.
Loài người, từ nhiều năm, đứng ở khoảng giữa chuỗi thực phẩm, cách đây 100 ngàn năm, lại nhảy vọt lên đứng hàng đầu, dẫn đến nhiều hậu quả :
Các động vật khác, cần hàng triệu năm để đạt đến đỉnh kim tự tháp, đủ thời gian để hệ sinh thái phát triển một cơ chế tự kiểm soát và cân bằng. Ví dụ, để tránh con sư tử ngày càng mạnh, con nai phải chạy nhanh hơn.
Ngược lại, loài người lên đỉnh của chuỗi thực phẩm quá lẹ, không tự điều chỉnh kịp, khác con sư tử đủ thời gian để nó tự tin. Chúng ta nhảy vọt từ vị trí yếu trở nên mạnh, mang theo sự sợ hãi về vị trí mới của mình, và lo lắng, điều đó khiến sapiens trở nên vừa tàn ác, vừa nguy hiểm, do đó, tai hại do loài người gây ra cho hệ sinh thái là hậu quả của bước nhảy vọt tiến hóa
Nấu chín thức ăn
800 ngàn năm trước, vài giống homo đã biết dùng lửa.
300 ngàn năm trước, Homo erectus, Neanderthal và tổ tiên Homo salpiens dùng lửa mỗi ngày. Từ đó Homo có nguồn ánh sáng, lửa để sưởi ấm, vũ khí lợi hại để chống sư tử. Loài người bắt đầu đốt rừng để băng qua đồng cỏ an toàn hơn.
Nhưng, cái lợi lớn nhất của lửa là để nấu ăn.
Thức ăn trước đó không nấu như lúa mì, lúa gạo, củ khoai thì không ăn được. Lửa làm biến đổi hóa học của thức ăn, thay đổi sinh học
Nấu chín giết vi trùng, ký sinh trùng, giúp tiêu hóa dể hơn. Nếu con tinh tinh (giống người nhất) cần 5 giờ để tiêu hóa thực phẩm không nấu, loài người chỉ cần 1 giờ với thực phẩm nấu chín
Nhờ nấu chín, loài ngưòi ăn được nhiều loại thực phẩm khác nhau, cần ít thời gian hơn cho việc ăn, răng nhỏ lại (vì không cần xé, nhai, nghiền nhiều) ruột cũng ngắn lại
Các nhà bác học nghĩ rằng, có sự liên hệ giữa sự nấu chín thức ăn, sự rút ngắn đường ruột và sự phát triển của não bộ
Nhờ thức ăn đã chín, tiêu hóa nhanh, ruột ngắn đi, máu dồn lên nuôi não nhiều hơn, giúp não to ra, ở Neanderthal và Sapiens.
Phát hiện ra sự ngu dốt.
Nếu một người tây ban nha, ngủ một giấc ngủ dài, từ năm 1000 rồi thức giấc vào năm 1500, thế giới quanh anh ta không có gì thay đổi mấy, nhưng nếu các thủy thủ của Colombus ngủ một giấc từ năm 1500 rồi tỉnh giấc ở thế kỷ 21, anh ta sẽ thấy chung quanh mình, thế giới kỳ lạ không tưởng tượng nổi : Thiên đàng hay địa ngục đây?
5 trăm năm qua đã chúng kiến sự phát triển phi thường chưa từng có trong lịch sử loài người
Khoa học hiện đại dựa trên huấn thị bằng tiếng la tinh Ignoramus, nghĩa là chúng tôi không biết (vậy xã hội nào tự xưng là lương tâm thời đại, lương tri nhân loại, cái nôi của văn minh loài người, thì phải tiếp tục dốt thôi TQK)
Khám phá lớn lao, đặt nền móng cho cách mạng khoa học chính là việc loài người chưa có câu trả lời cho những câu hỏi do họ đặt ra.
Truyền thống tri thức trước thời hiện đại, như Phật, Khổng, Ki-tô, Islam, khẳng định rằng mọi thứ mà loài người cần biết về thế giới, đều đã được biết rồi.
Ví dụ : một nông dân thế kỷ 13, muốn biết loài người từ đâu ra, anh ta sẽ hỏi linh mục địa phương, và được đáp rằng Chúa đã tạo ra chứ ai. Còn câu hỏi nào mà không có câu trả lời trong kinh thánh, là vì chúa thấy nó không quan trọng
Những gì mà Muhammad của Islam nói là lời nói của vị “tiên tri cuối cùng” không còn gì để bàn cãi nữa.
Nhưng Darwin không bao giờ dám nói mình là nhà sinh vật cuối cùng. Khoa học hiện đại dựa trên sự thú nhận ngu dốt tập thể trước những câu hỏi quan trọng nhất. Nhờ tìm tòi khảo cứu, mà khoa học kỹ thuật đã tiến một bước ngàn dậm để được ngày nay
Tại sao ngày nay ta bị béo phì : Cái gen phàm ăn.
Lý do chúng ta ngốn ngấu nghiến thực phẩm ngọt và bổ béo nhất, chẳng có gì bí ẩn, nếu xét đến thói quen ăn uống của tổ tiên ta.
Trong các thảo nguyên và rừng mà tổ tiên cư trú, những đồ ngọt có hàm lượng calo cao cực kỳ khan hiếm, và thực phẩm chỉ đủ dùng khoảng 30 ngàn năm trước. Thức ăn ngọt duy nhất mà loài người kiếm được là trái cây chín (còn mật ong thì càng hiếm nữa TQK) Khi gặp được thì phải xơi cho nhanh, cho nhiều (nếu không, chim khỉ v.v sẽ giành phần rất lẹ TQK)
Bản năng ăn ngấu nghiến các thực phẩm có lượng calo cao đã được đóng khung vào gen của chúng ta
Giờ đây sống ở thành phố, tủ lạnh đầy ắp đồ ăn, nhưng DNA của chúng ta cứ nghĩ rằng, ta đang ở thảo nguyên hàng chục ngàn năm trước. Vì vậy, cứ thế mà ngốn, cốc kem béo ngọt vẫn chưa đủ, phải nốc thêm một chai coke nữa. Việc gì đến phải đến ! Mọi đàng, lỗi tại cái gen !
Cái kết của Homo salpiens.
Trước thế kỷ 21, người ta nghĩ là, các nổ lực của Sapiens, dù lớn tới đâu cũng không thể vượt quá giới hạn về mặt sinh học của họ. Nhưng đến thế kỷ 21, họ đang bắt đầu phá vỡ các qui luật chọn lọc tự nhiên, thay thế bằng qui luật thiết kế thông minh, nghĩa là sao ?
Chọn lựa tự nhiên : do phải tìm thức ăn ở các cành ngày càng cao, cổ hưou cao cổ ngày càng dài ra để được nhiều thức ăn hơn.
Thiết kế thông minh : là tạo ra được sản phẩm theo yêu cầu. Ví dụ năm 2000 Eduardo Kec, người brazil, tạo ra một con thỏ có màu xanh huỳnh quang, bằng cách cấy vào DNA của phôi con thỏ trắng, gen của con sứa phát sáng, màu xanh lá cây. Con thỏ phát sáng màu xanh lá cây ra đời tên Alba.
Một ví dụ khác của thiết kế thông minh, lấy gen của loài cá sống ở bắc cực đưa vào khoai tây, khoai tây sẽ chống được sương giá.
Hoặc sẽ làm sống lại các giống đã tiệt chủng như Neanderthal, voi ma mút v.v.
Trên đây tóm lược đôi điều lý thú của quyền Sapiens, như đưa độc giả một ly rượu khai vị để bước vào bữa ăn : đọc sách
Còn nhiều điều lý thú mà qua vài trang giấy làm sao nói hết chuyện của 500 trang
Chúc bạn đọc vui và đọc quyển Sapiens một cách thích thú.
Ở VN đã dịch. Ở ngoại quốc, mua ở Amazon, giá khoảng 20 đô
MONTREAL, 3/2019