LIỀU LĨNH VỚI LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA – Rev. Ron Rolheiser, OMI

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Không lâu sau khi chịu chức, tôi đi giúp xứ và ở đây tôi gặp một linh mục già thánh thiện.  Cha đã hơn 80 tuổi và gần như mù, nhưng được giáo dân tôn trọng và tìm gặp, nhất là để xưng tội.  Một tối nọ, khi chỉ còn hai cha con với nhau, tôi hỏi cha: “Nếu cha được làm lại đời linh mục từ đầu, việc gì cha sẽ làm khác đi?”  Tôi tưởng một người liêm chính toàn vẹn như cha sẽ nói mình không có gì phải hối tiếc.  Nhưng câu trả lời của cha làm tôi ngạc nhiên.  Cha bảo cha có một hối tiếc, một hối tiếc rất lớn: “Nếu được sống lại đời linh mục từ đầu, cha sẽ nhẹ nhàng với mọi người.

Cha sẽ không hà tiện lòng thương xót Chúa, hà tiện các bí tích và hà tiện tha thứ.  Con biết đó, thời còn tập sinh, câu nằm lòng của cha là ‘Sự thật sẽ giải phóng anh em’ và cha nghĩ nhiệm vụ của cha là thách thức mọi người bảo vệ điều này.  Làm thế là tốt, nhưng cha sợ cha đã quá cứng rắn với mọi người.  Không cần cha và Giáo hội đặt thêm gánh nặng, họ đã có đủ đau đớn rồi.  Đáng ra cha phải liều lĩnh hơn với lòng thương xót Chúa!”

Tôi kinh ngạc trước câu trả lời của cha, vì mới chưa đầy một năm trước, trong phần thi vấn đáp cuối khóa ở chủng viện, một linh mục đã cảnh báo tôi: “Hãy cẩn thận, đừng bao giờ để cảm giác của con cản đường sự thật, và nên nhớ quá mềm mỏng là sai trái.  Nhớ nhé, dù có gay go, nhưng chỉ có sự thật mới giải phóng chúng ta!”  Đó có vẻ là lời khuyên chí lý cho một linh mục trẻ mới bắt đầu làm quen với mục vụ.

Tuy nhiên, cứ hàng năm trôi qua, tôi lại ngả dần theo lời khuyên của linh mục già ngày xưa.  Chúng ta cần liều lĩnh hơn với lòng thương xót Chúa.  Dĩ nhiên phải công nhận không bao giờ được bỏ qua tầm quan trọng của sự thật, nhưng chúng ta phải liều để cho lòng thương xót vô hạn, vô điều kiện của Thiên Chúa tuôn chảy tự do.  Lòng thương xót Chúa phải sẵn sàng như vòi nước, phải như lời tiên tri I-saia, phải hoàn toàn nhưng không.  “Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây!  Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng; đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào!”

Vậy điều gì ngăn cản chúng ta?  Tại sao chúng ta quá ngập ngừng trong việc công bố lòng thương xót không phân biệt, dồi dào đến phung phí và vô cùng vô tận của Thiên Chúa?

Một phần là vì những động cơ tốt, thậm chí là cao thượng.  Chúng ta có quan tâm rất hợp lý cho những điều quan trọng như sự thật, công lý, luân lý, tính chính thống, chuẩn bị đón nhận bí tích cho hợp lệ, sợ tai tiếng, và lo cho cộng đoàn giáo hội bị hấp thụ và mang lấy những tác động của tội lỗi.  Tình yêu luôn cần được được thôi thúc bởi sự thật, dù sự thật phải được làm dịu đi bởi tình yêu.  Tuy nhiên, đôi khi động cơ của chúng ta thiếu cao thượng, chúng ta lưỡng lự và nhút nhát, sợ hãi, ghen tương và vị luật – cũng như sự tự thị của những người pharisiêu hay nỗi ghen tức trong lòng người anh của đứa em hoang đàng.  Có chúng ta canh gác thì không có ân sủng nhưng không!

Tuy nhiên, khi làm như vậy, chúng ta đã sai lầm, lại càng không phải là mục tử tốt, lạc điệu với Thiên Chúa của những điều Chúa Giêsu rao giảng.  Lòng thương xót Chúa như Chúa Giêsu mạc khải thì ôm lấy tất cả, không phân biệt, cả người xấu lẫn người tốt, người xứng đáng lẫn người không xứng đáng, người hiểu cũng như không hiểu.  Một trong những thấu suốt làm giật mình mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta, đó là lòng thương xót Chúa không thể không đến với tất cả mọi người, vì nó luôn nhưng không, không cần phải xứng đáng, không cần điều kiện, ôm lấy tất cả, vượt xa mọi tôn giáo, phong tục, lễ điển, quy cách hành xử, chương trình bắt buộc, ý thức hệ và thậm chí là vượt trên cả tội.

Và như vậy, về phần chúng ta, đặc biệt là bậc cha mẹ, mục tử, giáo viên, giáo lý viên, và những người lớn tuổi, chúng ta phải liều mình công bố đặc tính quảng đại đến phung phí của lòng thương xót Chúa.  Chúng ta không được phân phát lòng thương xót Chúa như thể đó là của riêng chúng ta, chúng ta muốn chi dùng thế nào tùy, chúng ta không được phân phát nhỏ giọt sự tha thứ của Chúa như một loại hàng có giới hạn, không được đặt điều kiện về tình yêu của Chúa như thể Ngài là nhà độc tài hẹp hòi hay có một ý thức hệ chính trị, chúng ta không được chặn đường đến với Thiên Chúa như thể mình là người giữ cửa thiên đàng.  Vì chúng ta đâu phải là người làm những chuyện này!  Nếu chúng ta xem lòng thương xót Chúa theo kiểu đánh giá của mình, thì chúng ta đang liên kết những giới hạn, tổn thương và thiên kiến của mình với lòng thương xót của Thiên Chúa.

Một chuyện đáng chú ý trong các phúc âm là các tông đồ, dĩ nhiên vì thiện ý nhưng lại thường ngăn cản một số người đến gần Chúa Giêsu, như thể họ không xứng đáng, như thể họ làm sỉ nhục cho sự thánh thiện và tinh tuyền của Chúa.  Các tông đồ đã nhiều lần đuổi trẻ con, cô gái điếm, người thu thuế, người có tội rành rành và những người vô tri đủ loại, nhưng Chúa Giêsu luôn gạt đi hành động của họ bằng những lời: “Hãy để họ đến!  Ta muốn họ đến với Ta.”

Cho đến ngày nay, mọi chuyện vẫn không thay đổi.  Trong Giáo hội, chúng ta, những người có ý định tốt, với động cơ giống các tông đồ, luôn cố giữ một số cá nhân và một nhóm người nào đó xa khỏi lòng thương xót Chúa qua lời Chúa, bí tích và cộng đoàn.  Thiên Chúa không cần (và không muốn) chúng ta bảo vệ.  Chúa Giêsu muốn tất cả mọi loại người đến với Ngài, và Ngài muốn họ đến với Ngài ngay.  Thiên Chúa muốn tất cả mọi người đến với dòng nước vô hạn của lòng thương xót Ngài, bất chấp luân lý, tính chính thống, sự thiếu chuẩn bị, tuổi tác hay văn hóa của họ.

Rev. Ron Rolheiser, OMI
From: Ngọc Nga & KimBang Nguyen


 

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay