IM LẶNG LÀ CÙNG CHẾT VỚI NHAU
Một tử tù vừa bị xử tử trong khi vụ án đang bị chính bản thân tử tù và gia đình kêu oan, công luận ở Việt Nam và quốc tế quan tâm kêu gọi tạm dừng thi hành án để điều tra minh oan. Vậy tại sao tử tù vẫn bị xử tử? Chúng ta chưa thấy câu trả lời thích đáng nào của cơ quan thi hành án từ bộ công an, từ bộ tư pháp và của nhà nước CHXHCNVN trả lời cho gia đình tử tù, cho công luận trong nước và cả quốc tế được minh bạch.
Phải chăng họ cho rằng, đây là pháp luật của họ, họ muốn xử thế nào cũng được, người dân trong nước và quốc tế không được quyền can thiệp vào “nội bộ” của họ.
Khi họ xử lý công dân mà họ cho là vi phạm, họ luôn đưa ra một lập luận rằng, là công dân Việt Nam phải tuân theo pháp luật Việt Nam, đừng có so sánh với luật pháp của những quốc gia khác, nếu muốn, thì người dân cứ đi nước ngoài mà sống, đừng ở Việt Nam. Lập luận như vậy khác nào các bạn đem bản thân mình vào một cái hang hay khu rừng tách biệt với thế giới loài người?
Lập pháp, hành pháp, tư pháp phải lấy QUYỀN CON NGƯỜI để làm nền tảng chuẩn mực.
Lập pháp, hành pháp, tư pháp phải bảo vệ tối đa quyền con người, mà quyền con người là gì, như thế nào thì phải dựa trên quy chuẩn chung của thế giới loài người chứ không phải của riêng mỗi quốc gia. Vậy nên, QUYỀN CON NGƯỜI khác với QUYỀN CÔNG DÂN. Khi bộ máy nhà nước không chuẩn mực, cốt chỉ để bảo vệ cho đảng phái lãnh đạo họ sẽ đánh tráo khái niệm quyền con người thành quyền công dân, bởi vì, công dân quốc gia nào thì tuân theo luật lệ quốc gia đó, đây là khái niệm bóp chẹt quyền con người cơ bản, chưa kể, ở Việt Nam, quyền công dân cũng chưa bao giờ được thực thi đúng tiêu chuẩn thì làm sao công dân có được quyền con người trọn vẹn.
Việc đánh tráo khái niệm của bộ máy lãnh đạo và sự hiểu biết không rốt ráo của người dân về quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình làm cho sự độc tài như hổ mọc thêm cánh.
NHÂN LÀ NHẤT NGUYÊN, DÂN LÀ ĐA NGUYÊN. Đây là khái niệm cơ bản mà một chính phủ chuẩn mực phải nắm được cốt tủy và thực thi.
Nhân là nhất nguyên, có nghĩa là nhân loại phải có cùng những đặc điểm cơ bản, về chủng tộc, sinh sản, phát triển, trong quá trình sống đó, có sự liên kết thành các giềng mối gia đình, giềng mối xã hội. Có những quyền lợi và nghĩa vụ phải thực thi để có thể duy trì cá thể và tập thể, đó là đặc định, là đặc điểm chung cho loài người, không phân biệt chủng tộc và quốc gia, nên gọi là nhất nguyên.
Trong nhất nguyên đó, mỗi cá thể là một sự sống có tâm thức, mà tâm thức là sự phát triển riêng biệt, cho nên các cá nhân có sự khác nhau về nhận thức, sự khác nhau đó sẽ càng cách biệt khi các cá thể ở những địa phương khác nhau, ở những quốc gia khác nhau. Vậy nên mới hình thành nhiều thành phần, nhiều kết cấu về các cấu trúc phân bố trong xã hội, đó là điều căn bản để thấy được, trong cái chung, có cái riêng và ngược lại, nên nói, dân là đa nguyên là vậy.
Vậy nên, nhà nước là một thành phần quan trọng nhất để đại diện cho những thành phần “đa nguyên” của quốc gia thì không thể nào duy trì độc tài để điều hành được, đó là sai quy chuẩn ngay từ nền tảng. Lấy “nhất nguyên” để làm cốt tủy vì phải hiểu được đặc tính loài người là gì, từ đó mới hiểu rốt ráo quyền con người là thế nào, mới xây dựng một nền lập pháp cốt chỉ để bảo vệ quyền này. Hành pháp, tư pháp phải từ quy chuẩn này mà thực thi, trên nền tảng hiểu được dân là đa nguyên, phải linh động, rõ ràng và minh bạch.
Vậy nên, nhất nguyên khác biệt với độc đảng mà đa phần vẫn đang nhầm lẫn khái niệm này.
Có người dân nào không mong muốn một cuộc sống tự do, được hiểu và thụ hưởng quyền con người mà đúng ra là con người, tất nhiên phải được thụ hưởng, vì trong sự bình đẳng, quyền con người là đặc định một cách tự nhiên, không ai ban cho, cũng không có bất kỳ ai được quyền tước đoạt nó.
Huỳnh Thị Tố Nga
Sep 23, 2023