Quan hệ Mỹ-Trung đáng lo ngại

Báo Nguoi-viet

September 19, 2023

Hiếu Chân/Người Việt

Những người quan sát thời sự không ngạc nhiên khi thấy gần đây, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ có vẻ như xuống giọng khi nói tới Trung Quốc và cuộc cạnh tranh giữa hai nước. Nhưng nhìn vào hành động của chính quyền Biden, không khó nhận thấy Mỹ nói một đằng làm một nẻo, một chiếc thòng lọng đang siết dần quanh Trung Quốc. Về phần mình, Trung Quốc không ngây thơ tin vào những lời đường mật của Washington mà ngược lại, đang đẩy cuộc đối đầu tới mức khó có thể thỏa hiệp.

Hải Quân Hoa Kỳ liên tục hoạt động trên Biển Đông như một thách thức với Trung Quốc về tương quan lực lượng ở Thái Bình Dương. (Hình minh họa: Noel Celis/Pool/AFP via Getty Images)

Phát biểu trong cuộc họp báo tại Hà Nội tuần trước, ngay sau buổi làm việc với Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng Thống Joe Biden nói “Hoa Kỳ không có ý định kiềm chế Trung Quốc,” nước Mỹ “không tìm cách gây tổn thương Trung Quốc” và “tất cả chúng ta đều tốt hơn nếu Trung Quốc phát triển tốt.”

Và như để thể hiện thiện chí ổn định mối quan hệ song phương rất căng thẳng sau chuyến thăm Đài Loan của bà Nancy Pelosi năm ngoái, nhất là sau vụ khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay vào vùng trời nước Mỹ và bị bắn hạ ngoài bờ biển South Carolina, những tháng gần đây Hoa Kỳ đã cử nhiều quan chức cao cấp tới Bắc Kinh đề nghị nối lại liên lạc cấp cao giữa hai bên.

Sau Ngoại Trưởng Antony Blinken, Bộ Trưởng Tài Chính Janet Yellen, Đặc Phái Viên Về Khí Hậu, cựu Ngoại Trưởng John Kerry và Bộ Trưởng Thương Mại Gina Raimondo, sắp tới Lãnh Đạo Đa Số Thượng Viện Chuck Schumer sẽ dẫn một đoàn thượng nghị sĩ liên bang tới Trung Quốc nhằm giải thích những thắc mắc về một số chính sách và luật lệ liên quan tới Trung Quốc mà Quốc Hội Mỹ đã ban hành.

Nhưng đó chỉ là một mặt – một củ cà rốt – trong chính sách đối với Trung Quốc của chính quyền Biden. Quan trọng hơn và được thực hiện ráo riết hơn là mặt đối lập – là cây gậy; theo đó Hoa Kỳ ngày càng đẩy mạnh chiến lược thu phục đối tác và đồng minh để bao vây Trung Quốc cả về an ninh và kinh tế.

Sự kiện ông Biden tới Ấn Độ dự hội nghị G20, sau đó đến Việt Nam ký kết thỏa thuận nâng cấp quan hệ song phương là dấu hiệu rõ ràng cho thấy vấn đề Trung Quốc là trọng tâm hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ hiện nay, trên cả vấn đề bảo vệ Ukraine trong cuộc xâm lược của Nga.

Mỹ có nhiều lý do để cứng rắn với Trung Quốc sau nhiều thập niên thực hiện chính sách “kết giao” (engagement), góp phần giúp Trung Quốc phát triển thần tốc. Nhưng những hành vi hung hăng và những ý định mờ ám của Bắc Kinh đã xóa sạch mọi thiện cảm mà người dân Mỹ dành cho họ.

Sự kiện Trung Quốc canh tân quân đội, phát triển các loại vũ khí tân tiến và đưa ra những tuyên bố sắt máu đòi thâu tóm Đài Loan bằng vũ lực, thậm chí đe dọa tấn công phủ đầu các căn cứ Mỹ tại châu Á và đảo Guam, đảo Hawaii, đánh chìm các hàng không mẫu hạm Mỹ… là nền tảng để quân đội Mỹ phải chuyển sang chiến lược kiềm chế, ngăn chặn và đánh bại Trung Quốc nếu nổ ra chiến tranh giữa hai nước.

Nước xa không cứu được lửa gần. Ngoài tiềm lực sẵn có, Mỹ vẫn cố xây dựng mạng lưới đồng minh và đối tác, cùng chia sẻ mục tiêu chung. Đến nay ở khu vực Mỹ có sáu hiệp ước tương trợ quốc phòng hoặc cam kết phòng thủ với Nhật Bản, Nam Hàn, Úc, New Zealand, Philippines và Thái Lan; có luật về quan hệ với Đài Loan, có khối Bộ Tứ (QUAD – gồm Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ), có liên minh AUKUS (Mỹ-Anh-Úc). Việc Mỹ gia tăng bán vũ khí phòng thủ cho Đài Loan và củng cố mối quan hệ nhiều thăng trầm giữa Nhật Bản và Nam Hàn trong hội nghị tại trại David mới đây là bước tiến mới trong công cuộc thiết lập vành đai an ninh đối phó với Trung Quốc.

Trong lĩnh vực kinh tế cũng vậy. Chính sách kinh tế thực dụng và duy lợi của Trung Quốc vừa không minh bạch, không công bằng vừa làm méo mó các nguyên tắc căn bản của thị trường tự do. Sự kiện Bắc Kinh gia tăng kiểm soát và hạn chế các công ty nước ngoài để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nội địa làm cho Trung Quốc trở thành nơi “không thể đầu tư được” như nhận định của Bộ Trưởng Raimondo.

Đặc biệt, chính quyền của ông Tập đã tung tiền thực hiện cái gọi là đại dự án “Vành Đai và Con Đường” (BRI) – đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở hơn 100 nước – như một nỗ lực làm thay đổi trật tự thế giới theo hướng có lợi cho Trung Quốc, không chỉ làm cho Mỹ mà cả Châu Âu và nhiều nước khác phải lo ngại. Tới nay, BRI đã lộ nguyên hình là một cái “bẫy nợ” khổng lồ, hơn 60% số quốc gia đã vay tiền của Trung Quốc lâm vào tình trạng nợ nần chồng chất.

Tại hội nghị G20 vừa qua, Tổng Thống Biden cam kết cải tổ Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế để giúp các nước nghèo được vay vốn dễ dàng hơn cho các dự án hạ tầng thiết yếu, phát triển năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu. Mỹ sẽ cung cấp $25 tỷ vốn ban đầu và vận động $200 tỷ khác cho các nước nghèo trong vòng một thập niên tới, coi đây là liều thuốc giải độc cho cái tham vọng BRI của ông Tập Cận Bình.

Mỹ cũng ký một thỏa thuận với Saudi Arabia, Ấn Độ và Liên Minh Châu Âu (EU) nhằm kết nối giao thương giữa Ấn Độ, Trung Đông và Châu Âu trong một mạng lưới đường sắt và hải cảng; tiến tới ổn định tình hình và hội nhập khu vực Trung Đông vào thế giới bên ngoài. Chính sách ngoại giao dùng tiền mua ảnh hưởng của Bắc Kinh giờ đây đã bị thách thức từ các sáng kiến kết nối mới của Mỹ.

Tại Ấn Độ và Việt Nam, trong chuyến đi vừa qua, ông Biden đã cam kết hợp tác sâu rộng trong các lĩnh vực công nghệ thiết yếu, một phần để bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa cho người Mỹ không bị gián đoạn, phần khác để giúp các nước này phát triển, tách ra và cạnh tranh được với Trung Quốc.

Ở Ấn Độ, đó là các dự án về điện toán lượng tử (quantum computing), thám hiểm không gian và viễn thông thế hệ 5 (5G), thế hệ 6 (6G). Đổi lại, Ấn Độ cam kết thải bỏ thiết bị và công nghệ viễn thông của Huawei, ZTE của Trung Quốc, thay bằng các sản phẩm phương Tây trong chương trình “Rip and Replace” (gỡ và thay thế) do Mỹ chủ xướng. Con voi Ấn được đại bàng Mỹ tiếp sức sẽ trở thành đối thủ nặng ký về công nghệ của con rồng Trung Quốc.

Ở Việt Nam, quan hệ song phương được nâng lên “đối tác chiến lược toàn diện,” ảnh hưởng tới mọi phương diện từ giáo dục đến công nghệ và đã có những biên bản ghi nhớ được ký kết giữa doanh nghiệp địa phương và các công ty Mỹ như Nvidia, Amkor, Synopsis… trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn. Đầu tư công nghệ của Mỹ tại Việt Nam chưa nhiều nhưng sẽ biến nước này thành điểm hấp dẫn các công ty Mỹ và phương Tây đang chuyển một phần cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc; từ đó làm giảm vai trò thống trị của Trung Quốc trong những lĩnh vực công nghệ cao.

Với chuyến đi Ấn Độ và Việt Nam của Tổng Thống Biden vừa qua, rõ ràng Mỹ đã mở rộng đáng kể mạng lưới đồng minh và đối tác trong khu vực Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương đủ mạnh để làm đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc.

Bắc Kinh tất nhiên không ngồi im và mọi hành động kể trên của Mỹ đều được giới tinh hoa chính trị của Trung Quốc coi là thù địch và tìm cách trả đũa. Các chính sách và hành động của Mỹ như gia tăng tần suất và quy mô các cuộc tập trận trong khu vực, tuần tra bảo vệ tự do hải hành (FONOPs), nhất là các chuyến viếng thăm Đài Loan của các quan chức cao cấp Mỹ, liên tục cung cấp vũ khí tân tiến cho Đài Loan và củng cố quan hệ với các nước lân cận Trung Quốc làm cho Bắc Kinh hết sức phẫn nộ. Họ liên tục tố cáo Mỹ có thái độ đối đầu và gây bất ổn trong khu vực mà né tránh nguyên nhân thật sự là sự trỗi dậy đầy hung hăng và thách thức của chính Trung Quốc.

Tình trạng cạnh tranh ngày càng tăng cũng khiến Trung Quốc thêm quyết tâm canh tân quân đội, mở rộng kho vũ khí nguyên tử và vũ khí quy ước, xây dựng hạm đội hải quân lớn nhất thế giới.

Đáng lo ngại là trong cuộc đối đầu hiện nay, Trung Quốc chẳng những không nhượng bộ mà còn từ chối mọi đề nghị nối lại liên lạc cấp cao giữa hai nước, hai quân đội. Những chuyến đi Bắc Kinh liên tục của các quan chức Mỹ hầu như không đạt được một kết quả cụ thể nào. Một sự hiểu lầm nào đó, một sự cố va chạm nào đó của phi cơ và tàu chiến hai nước trên vùng Biển Đông, biển Hoa Đông đều có thể trở thành cái cớ cho một cuộc xung đột nóng mà hậu quả sẽ hết sức tàn khốc.

Ông Tập và ông Biden có thể sẽ gặp nhau tại Thượng Đỉnh APEC ở San Francisco trong vài tháng nữa. Nếu hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung không tìm được giải pháp cho cuộc đối đầu hiện nay thì tình hình sẽ hết sức nguy hiểm. Lợi ích và tham vọng của các bên có thỏa hiệp được không? Nhìn một cách khách quan, triển vọng quan hệ Mỹ-Trung Quốc trong tương lai là rất u ám. [kn]

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay