S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Thời chó má

Báo Đàn Chim Việt

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

Tập thơ Hoa Địa Ngục của Nguyễn Chí Thiện tuy mỏng nhưng có nhiều câu dễ nhớ, và rất khó quên:

 Miếng thịt lợn chao ôi là vĩ đại

Miếng thịt bò lại vĩ đại bằng hai

Chanh, muối, cam, đường, lạc, đỗ, gạo, khoai…

Tất cả những gì người có thể nhai

Đảng mó tới tự nhiên thành vĩ đại  

Riêng thịt chó thì Đảng không “mó” tới nên được mua bán khắp nơi mà không bị “các cơ quan chức năng” phiền hà hay sách nhiễu gì ráo. Tô Hoài tán tụng:

“Thịt chó luộc ngon nhất phải kể lối nấu cách thủy: thịt chó hấp. Các nhà điệu nghệ cắt nghĩa: nấu hấp, nước thịt ngọt được hãm lại không tiết ra được nước xuýt. Nhiều nơi ở Hà Đông không cắt tiết chó, mà dìm chó xuống nước cũng là để hãm tiết lại trong con chó. Ở Thái Bình, bỏ thịt vào nồi đất rồi trát kín bùn, chất rơm đốt. Bên Đông Anh ngoại thành hấp cách thủy vừa nhẹ nhàng mà nục thịt…

Xuân Diệu vốn coi thịt chó bổ và rẻ hơn cả các thứ thịt. Mỗi tuần anh ăn đều hai bữa, nhưng không đánh chén ở quán. Chỉ mua về nhà làm. Nhưng cái gánh thịt chó sống ở cuối chợ Hàng Da mà nhà thơ đã là khách hàng đều đặn cũng chỉ là một cô gái ở Thanh Trì lên, thịt chó bỏ vào bị, đeo trên vai – có lẽ để tránh thuế, mà cũng hôm có hôm không. (Chuyện Cũ Hà Nội, nxb Kim Đồng: 2020).

Thôi thì cứ vào hàng quán cho nó chắc ăn. Lúc nào cũng sẵn, và bao giờ cũng ngon lành cành đào cả:

“Hà Nội có một nhân vật đã đi vào lịch sử của… thịt chó: Me sừ Lâm Mặt Đỏ – ở phố Châu Long. Sở dĩ ông có cái hỗn danh ấy vì ông là chủ một quán thịt chó. Khách tới ăn, ai cũng quí mến ông và người nào cũng mời ông cụng ly. Thành thử mặt ông lúc nào cũng đỏ gay như mặt trời.

Các món ăn của quán ông đều được giới đả cẩu tung hô vạn tuế: nhất là món dồi chó và xáo chân chó. Vâng, chân chó được ninh nhừ tới mức những cái gân của nó mềm ra chẩy nhựa, đến nỗi sau khi nó đã trôi qua cổ họng mà dư vị vẫn còn đọng lại trên đầu lưỡi” ( Phan Nghị. “Thử Tản Mạn Về nghệ Thuật Ắn Thịt Chó”. Ngày Nay, 15 Jun 2003: B3).

May cho đám chó Việt Nam là thời gian cũng như thời thế không đứng về phía Đảng nên chế độ bao cấp buộc phải cáo chung. Từ đây, Nhà Nước thôi quan tâm đến “gạo/muối/chanh/đường” nên dân tình cũng đỡ, và “những quán thịt chó cũng thưa dần” – theo nhận xét của nhà văn Võ Đắc Danh :

“Năm 1986, lần đầu tiên ra Hà Nội, ngỡ ngàng trước ‘trái tim của tổ quốc’…  Hình ảnh mấy anh bán thịt chó dạo … thật là ấn tượng… Mấy chàng ta đi bộ, rong ruổi khắp phố phường, miệng hô to: thịt cầy, thịt cầy…

Khách, có khi từ trong nhà gọi ra, anh ta cân, chặt, xong rồi đi. Nhưng gặp khách nhậu ở vỉa hè, công viên thì anh ta phải phục vụ tại chỗ, nghĩa là anh ta trải tờ báo ra, lấy thịt chó, cân, dao thớt chặt, rồi nào là mắm tôm, nào rau, nào riềng, nào rượu… thành một mâm nhậu để phục vụ khách cho đến khi tàn tiệc.

Nghĩ mà thương dân mình, cái thời đói khát, cái thời kinh tế quốc doanh, không được tự do buôn bán từ cọng rau con cá đừng nói chi tới quán xá, nhà hàng. Có lẽ lúc bấy giờ chỉ có thịt chó là nhà nước không quản lý nên nó không chỉ là mồi nhậu mà còn là một món ăn trong bữa cơm gia đình để lấp vào khoảng thiếu thịt.

Đến khi thị trường mở cửa, người dân được mở quán thì làng chó Nhật Tân bùng phát, có lúc tiêu thụ đến 25 tấn thịt chó một ngày. Những toa xe lửa đầy chó từ trong Nam chở ra, nạn trộm chó bắt đầu xuất hiện…

Bây giờ thì những quán thịt chó đã thưa dần, cũng có thể do thực phẩm, cao lương mỹ vị ngày càng phong phú, nhưng cũng có thể bởi thị trường tự do làm cho thịt chó bão hòa, con người đã thừa… chất chó.”

Nói thế nghe e hơi quá đắng cay và cũng rất dễ mất lòng những người hơi nhậy cảm. Tôi (trộm) nghĩ khác – đỡ chua chát hơn – rằng không phải vì thiên hạ “đã thừa chất chó” mà vì nét nhân văn bắt đầu nẩy mầm trở lại, sau rất nhiều năm chết giấc (hay chết ngất) trong lòng cách mạng!

Chả những hàng quán thịt chó thưa dần mà tình cảm (cũng như thái độ) của người dân tộc Việt cũng thay đổi hẳn, văn minh hơn thấy rõ :

Báo chí phương Tây, có lẽ, cũng chưa bao giờ có những mẩu tin khiến độc giả “xót xa” và “bật khóc” thế đâu!

Ngay sau đó, cả Ta lẫn Tây đều bàng hoàng và phẫn nộ khi biết tin những con vàng/con vện theo chủ trên đường về quê (trong những ngày dịch bệnh vừa qua) đã bị chính quyền địa phương “thảm sát” – theo như nguyên văn cách dùng từ của thông tín viên  Bùi Thư, trên trang BBC, xem được vào hôm 11 tháng 10 năm 2021:

“Từ cuối tuần qua, câu chuyện đàn chó 15 con của một cặp vợ chồng đem về quê tránh dịch nhưng bị chính quyền Cà Mau tiêu hủy đã gây xôn xao dư luận tại Việt Nam và quốc tế. Theo các bác sĩ và luật sư, có cách thức khác để giải quyết vấn đề này mà vẫn giữ được an toàn cho cộng đồng về mặt dịch tễ hơn là tiêu hủy một lúc cả đàn chó.

Vụ việc không chỉ gây phẫn nộ trong một phần dư luận Việt Nam mà đã thành tin quốc tế, được các báo Hong Kong, Thái Lan, Malaysia và một hãng thông tấn của Đức đăng tải.

Các trang mạng xã hội tiếng Anh những giờ qua cũng có nhiều người chia sẻ tin ‘Vietnam brutally killed 15 dogs’, hoặc ‘15 innocent dogs got beaten to death in Vietnam’ …

Trước đó, trả lời BBC News Tiếng Việt, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn từ Đại học New South Wales, Australia cho biết Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rõ rằng chó không lây truyền SARS-CoV-2 cho người.

Theo Giáo sư Tuấn, ông rất sốc và không thể nào tưởng tượng một vụ việc như vậy lại xảy ra. Theo ông, nếu như ở Australia, thì người ra quyết định tiêu diệt 15 con chó này chắc chắn sẽ bị truy tố ra toà và bị phạt rất nặng.”

Giáo sư Nguyễn Khắc Mai cũng “sốc” không kém:

“Chuyện này không nên coi là chuyện vặt, rồi cứ để lâu cứt trâu hóa bùn, như bao chuỵện sai trái trước đây. Nếu lần này lại chỉ làm qua quýt thì hóa ra Cộng sản Việt còn kém xa cách hành xử của Tào Tháo mấy ngàn năm trước. Ông Trọng, ông Chính, ông Huệ, ông Phúc không nên cho đây là chuyện vặt. Tôi nghĩ nếu mong chính quyền được lâu dài thì đừng coi thường những việc nhỏ.”

Có lẽ, chả ai mong đợi hay hy vọng là “chính quyền” này “được lâu dài” cả  – kể luôn những ông lãnh đạo: Trọng, Chính, Huệ, Phúc … Được lúc nào hay lúc đó thôi. Tuy thế, bao giờ mà cái nhà nước (thổ tả) hiện hành vẫn còn tồn tại ở Việt Nam thì nó vẫn còn là lực cản đáng kể cho mọi diễn biến tâm lý hướng thượng ở đất nước này.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay