S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Chết không nhắm mắt

 Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

24/04/2024

Tôi tình cờ “nhặt” trên FB một tác phẩm khá độc đáo của Marc Riboud. Ông “chớp” được cảnh một anh bộ đội (với con búp bê nằm dưới nắp ba lô, và cái sắc cầm tay) đang trên đường trở về quê cũ.

Cùng với bức ảnh là lời bình, cũng độc đáo không kém, của face booker Nguyễn Hoàng : “Thằng này coi vậy mà hiền, chỉ lấy con búp bê cho con và cái bóp đầm cho vợ mà thôi.”

Thằng chả hiền thiệt chớ. Cái ba lô xẹp lép hà. Ngó thấy mà thương. Là kẻ cầm súng, thuộc phe thắng trận, đương sự có thể thu góp được chiến lợi phẩm nhiều hơn thế.

Bên thua cuộc, rõ ràng, không mất mát chi nhiều mà Bắc/Nam đã được “nối vòng tay lớn” – theo như cách nói của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Rồi ra, tác giả còn dự tưởng, sẽ có những đoàn tầu thống nhất “toả khói trắng hai bên đường,” những đám “trẻ thơ đi hát đồng dao” khắp ngõ, và “mọi người ra phố mời rao nụ cười.”

Họ Trịnh, có lẽ, thực lòng tin tưởng như thế. Niềm tin của ông cũng được không ít người cùng thời chia sẻ. Sự thực, tiếc thay, khác thế. Sau ngày “Nam/Bắc hoà lời ca” thì nụ cười gần như biến mất trên môi của mọi người dân Việt.

Dù thuộc bên thắng cuộc, những bộ đội phục viên cũng không hề được hân hoan cười đón khi họ trở về:

“Tôi đã được chứng kiến cảnh hẫng hụt của nhiều người khi họ … ngơ ngác tìm kế sinh nhai, đã không ít người đòi đảng, chính quyền cơ sở phải chia ruộng đất cho họ, và tất nhiên đảng, chính quyền không thể moi đâu ra ruộng đất để cho họ cày, cực chẳng đã, nhiều người đã trực tiếp đòi ruộng cha ông mà ngày trước họ đã góp vào hợp tác xã, không ít người đã tự ý đi cày ruộng cha ông của mình, thế là … họ được quy là công thần gây rối, chống lại đường lối của đảng, nhà nước, kết cục có người bị đuổi ra khỏi đảng, có người bị bắt lên xã, lên huyện tạm giam để xử lý vì đã ngang nhiên lấn chiếm đất đai của nhà nước đã giao cho người khác.” (Vi Đức Hồi – Đối Mặt, Chương II).

Đoạn hồi ký thượng dẫn giúp cho độc giả hiểu tại sao vỉa hè Hà Nội lại đông đảo những người làm nghề cửu vạn. Họ sống ra sao?

“Mỗi tối thuê cái chiếu nằm gầm cầu, có tiền bạc của nả thì gối đầu, giắt lên ngực. Bốn bên lủng củng người nằm, nói anh bỏ lỗi, nó đéo nhau huỳnh huỵch rồi lại chửi nhau, quát nhau to tiếng hơn ô tô chạy ngoài đường.” (Tô Hoài. Chiều Chiều. Phương Nam, Hà Nội: 2014).

Giữa Thủ Đô Của Lương Tâm Nhân Loại mà trải chiếu “đéo nhau huỳnh huỵch” thì (ngó) cũng hơi khó coi. Tuy thế – và được thế – vẫn hơn hẳn nhiều bạn đồng đội (không may) khác, đang “nạng gỗ khua rỗ mặt đường làng.”

Hạnh phúc hay đau khổ (nghĩ cho cùng) chỉ là sự so chiếu, và mọi so chiếu đều tương đối cả. Nói chi đến những người lính vô danh, ngay cả một nhân vật tiếng tăm cỡ như thi sĩ Tế Hanh (“từng là ủy viên ban chấp hành hoặc thường vụ Hội Nhà Văn VN, từng mười năm liền phụ trách đối ngoại của hội, từng có chân trong ban phụ trách nhà xuất bản Văn học”) đến cuối đời cũng đành chép miệng : “Trải qua hai cuộc chiến tranh mình còn được sống, được làm thơ, còn may mắn hơn khối người khác, thế là được rồi.” (Vương Trí Nhàn. Cây Bút Đời Người. Phương Nam, Hà Nội: 2002).

Vâng, đúng thế. Còn sống là “may mắn hơn khối người” rồi!

Theo thống kê (chắc không khả tín) của Tổng Cục Chính Trị thì đến năm 2012, toàn quốc chỉ có 1.146.250 liệt sĩ và khoảng 600.000 thương binh, trong đó có 849.018 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Wikipedia tiếng Việt cho biết thêm :

“Từ tháng 12 năm 1994 đến hết năm 2001, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý cho 44.253 Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng.”

Có bà bị lọt sổ vì không đủ “kiên trinh” nên đã (lỡ) đi thêm bước nữa – theo như tường trình của Tuổi Trẻ Online :

“Chúng tôi đến khi bà Trần Thị M. đang ăn tối ngay trên giường. Bà đã ở trên giường như vậy gần ba năm rồi, kể từ khi đôi chân không còn tự đứng lên được nữa. Ấy thế nhưng khi hỏi đến chuyện xưa, đôi mắt bà sáng lên.

Bà say sưa kể về những ngày hoạt động cách mạng, những ngày tù ngục đòn roi tra tấn, thương tích tới 75% (thương binh hạng 2/4)… Vượt qua được hết, chỉ không chịu nổi mỗi lúc nghe tin chồng, tin con thôi” – bà chợt trầm giọng. Ba lần ‘không chịu nổi’ ấy là vào năm 1962, ông Võ Mười, chồng bà, hi sinh khi bà mới 30 tuổi; năm 1964, con trai út Võ Danh của bà bị bắn chết khi vừa 6 tuổi, đang được giao việc cảnh giới cho các chú cán bộ họp; năm 1971, con trai lớn Võ Thái làm giao liên cho ban binh vận Khu ủy Khu V hi sinh ở tuổi 16.

Còn lại một mình giữa đạn bom, hai lần bị bắt, giam cầm tra khảo ở nhà lao Quảng Ngãi, năm 1974 bà gá nghĩa với một người đồng đội, ông Thái Văn Thới. Chiến tranh vẫn ác liệt, đâu biết mai này sống chết thế nào. Thương nhau, thông cảm hoàn cảnh của nhau thì về với nhau thôi” – bà kể. Ngày 21-2-2014, UBND P.12, Q.Bình Thạnh đã tổ chức cuộc họp để xét duyệt và đề nghị Nhà nước tặng danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng cho bà.

Phường đã có tờ trình về trường hợp của bà gửi Phòng Lao động – thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) Q.Bình Thạnh, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM. Tuy nhiên, sau đó gia đình bà nhận được thông báo bà chưa được lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng do đã… tái giá.”

Phải chi cái hồi giao “công tác cách mạng” cho hai đứa nhỏ (6 tuổi và 16 tuổi) mà Nhà Nước cũng xét (nét) kỹ càng như vậy thì đỡ cho mẹ Trần Thị M. biết mấy. Dù sao, vẫn còn có điều an ủi là nhờ đang sống ở thành phố mang tên Bác nên tờ trình về trường hợp của bà cũng đã được gửi tới Sở LĐ -TB&XH TP.HCM và đã được cứu xét (rồi) từ chối!

Có mẹ không nhận được danh hiệu anh hùng chỉ vì lỡ “chui rúc” ở những nơi hoang vu quá. Bên Kia Đèo Bá Thở là một nơi như thế :

“Trên bản đồ quân sự cũng như bản đồ của nha Ðịa Dư không bao giờ có địa danh ‘Ðèo Bá Thở’. Bởi vì đặt cái tên cho ngọn đèo này chính là tôi và một vài người bạn… Ngọn đồi nằm không xa trại giam chúng tôi trong tỉnh Yên Bái. Ngày ngày đội chúng tôi có mười anh em phải băng qua bên kia cái đèo khốn nạn này, tới một khu rừng toàn thị là tre, nứa, giang…

Mấy ngày đầu chúng tôi không chú ý tới cuối dốc bên kia có một cái nhà tranh đã sập. Người chủ căn nhà lấy vài thân tre to, chống cái mái lên, nên mái nhà chạm đất. Tất nhiên trong tình trạng đó nó không có cửa. Chúng tôi đã vài lần đi về ngang đó và tưởng nó đã bỏ hoang, bởi vì trông nó còn thua một cái chòi chăn vịt ở miền Nam.

Một hôm cả bọn chúng tôi thấy trời còn sớm, nên nghỉ lại bên kia dốc một lát trước khi ‘bá thở’. Chúng tôi nghe lục đục trong cái chòi bỏ hoang, và phát giác đuợc một cụ già thật già. Nét mặt bà cụ nhăn nheo hệt như những vết nẻ của ruộng bị hạn hán nhiều ngày.

Bà già có một cặp mắt nâu đục, lờ đờ và đầy rỉ mắt. Bà già mặc một cái áo bông vá chằng vá đụp. Phải gọi đây là cái áo vá trên những miếng vá. Nó nặng dễ chừng đến năm ký chứ không chơi. Chúng tôi gạ chuyện, song tất nhiên bà già biết chúng tôi là tù ‘Ngụy’ nên không hé răng một nửa lời.

Hôm sau trong lúc đốn tre chúng tôi hội ý. Chúng tôi lấy dư ra mỗi ngày vài cây về giấu ở gần căn lều của bà cụ. Ðược vài ngày đủ tre để dựng lại căn lều, chúng tôi để hai người lại sửa còn tám người vào rừng đốn tre cho đủ số lượng của mười người. Chúng tôi cũng cắt tranh về để dậm lại những chỗ quá mục nát. Căn nhà sửa xong, có cửa để chui ra chui vào. Bà già khi đó tự động nói chuyện với tụi tôi :

– Lão có ba đứa con, một đứa đã có giấy tử sĩ, hai đứa kia thì hoà bình lâu rồi, nhưng lão không hề nhận được một chữ của chúng từ ngày chúng đi. Lão mới có giấy mẹ liệt sĩ, mỗi tháng có tiền nhưng chả vào đâu.” (Hoàng Khởi Phong. “Bên Kia Ðèo Bá Thở.” Cây Tùng Trước Bão. Thời Văn, Hoa Kỳ: 2001).

Bà lão hẳn đã qua đời từ lâu. Những người lính thắng trận trên đường về quê (với con búp bê cầm tay) hơn 40 năm trước e cũng không còn mấy ai sống sót. Đám mẹ ngụy và lũ con thua cuộc cũng thế, cũng đều đã lần lượt đi vào lòng đất.

Kẻ Bắc/người Nam, bên thua/bên thắng nên họ đã phải trải qua những hoàn cảnh và kinh nghiệm sống khác nhau. Duy có điều này thì chắc chắc là hoàn toàn không khác : khi họ chết không ai nhắm mắt!


 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Nguyễn Văn Vàng

 Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

20/04/2024

Trang Việt Nam Thời Báo đã đăng tải một bài viết (“Tu Sĩ Giả, Linh Mục Dỏm”) tuy không nặng ký nhưng khá nặng lời, của tác giả Hoàng Lan Mộc Châu, về giới tăng lữ ở VN:

“Từ trước đến nay người ta phát hiện vô số tu sĩ, là giả, là dỏm. Thường thì bọn dỏm giả hay mang hình thức tu sĩ của các tôn giáo lớn, tổ chức lỏng lẻo, khó kiểm soát như Phật giáo, bây giờ đã có trường hợp linh mục công giáo giả, dỏm gây khó chịu cho người công giáo.”

Tuy không phải là kẻ vô thần nhưng tôi là người vô đạo (bất kể đạo gì) và chưa bao giờ có bất cứ kỳ vọng gì vào những kẻ khoác áo nhà tu nên không hề thất vọng chi về cái đám giả danh hay giả hình này. Chả những thế, trên đường đời – thảng hoặc – tôi còn may mắn gặp được lắm vị chân tu.

Đầu năm 1980, tôi bò đến được bờ biển Thái Lan nhưng bầm dập/te tua/ tơi tả cả xác lẫn hồn. Nơi đây, dưới một mái lều tranh (được dùng như nhà thờ tạm) trong trại tị nạn Songkhla, tôi gặp cha Joe Devlin – một tu sĩ Dòng Tên.

Dù không có nhu cầu học tiếng Anh ở trình độ vỡ lòng, tôi vẫn ngồi yên lặng nghe vị linh mục này giảng dậy rất nhiều buổi chiều – từ tháng này sang tháng nọ – chỉ vì giọng nói hiền hoà, ánh mắt nhân từ, và những cử chỉ bao dung thân ái của ông.

Cuối năm 1980, ở trại tị nạn Galang (Nam Dương) tôi lại gặp được một vị tu sĩ Dòng Tên khác: cha Gildo Dominici – tên Việt là Đỗ Minh Trí. Có thể nói mà không sợ quá lời là trong suốt thập niên 1980, đời sống vật chất lẫn tinh thần của nhiều người Việt tị nạn tại nơi đây (cũng như tại trại Bataan, Phi Luật Tân) tương đối khả kham là nhờ vào sự tận tụy của cá nhân ông.

Đến cuối đời, tôi lại còn được biết thêm nhiều vị tu sĩ can trường và khả kính khác nữa. Họ không chỉ hy sinh, cống hiến mà còn sẵn sàng chấp nhận cái chết một cách thung dung với đức tin mãnh liệt vào tôn giáo của mình.

“Sống chung với một số Thượng-tọa, Đại-đức, học được thái độ an nhiên tự tại, tôi khám phá ra đó là phương thức sống hay nhất trong nhà tù cộng sản và sau này suốt thời gian dài hơn, khổ hơn, nhục hơn ở các trại cải tạo lao động, càng thấy điều đó rất đúng. Cắt được mọi ray rứt, ân hận, tiếc nuối, mong ước, giữ cho tinh thần thật thảnh thơi càng có sức để chống lại âm mưu hủy diệt của cộng sản bằng những thủ đoạn bỏ đói, bỏ khát, cùm kẹp trong xà lim…

Tôi cũng đã gặp một số các Thượng-tọa, Đại-đức như thầy Quảng Độ, Huyền Quang, Thông Bửu, các thầy bị bắt trong vụ Việt Cộng tiếp thu Cô Nhi Viện Quách Thị Trang.. Thái độ chịu đựng những ngày đói khổ ở xà lim, tác phong đúng đắn, tư cách bình tĩnh của các thầy làm nhiều người rất kính phục. (Nguyễn Chí Thiệp. Trại Kiên Giam. Los Angeles, CA: Sông Thu, 1992).

Ở cùng trại, và chung vụ (vụ báo Hợp Đoàn) với tác giả Nguyễn Chí Thiệp là nhà báo Vũ Ánh. Trong Hồi ký Thung Lũng Tử Thần – Người Việt Books, 2014 – ông dành ra nhiều trang để viết về linh mục Nguyễn Văn Vàng. Tôi không có khả năng tóm gọn mối giao tình giữa hai ông nên xin phép được ghi lại đôi dòng, qua ngòi bút của nhà văn Phan Nhật Nam:

“Anh  bị cắt khẩu phần ăn xuống chỉ còn một nửa so với thành phần lao động bên ngoài, nghĩa là chỉ còn 150 grams cho mỗi bữa ăn gồm khoản 5 lát khoai mì khô luộc và một muỗng cơm, tất cả chan đẫm nước muối và được phát cho nửa ca nước một ngày.

Ăn mặn mà uống nước ít, người rất dễ bị phù sẽ ảnh hưởng tới thận. Cho nên đói ăn lúc đó đã trở thành ít quan trọng hơn dù người tù kiên giam đang là con ma đói. Cái khát triền miên đã che lấp đi cái đói. Nếu muốn ăn được những lát sắn kia phải dùng ít nhất nửa phần nước để rửa bớt độ mặn của nước muối được chan vào cơm và khoai mì.

Anh không dám hy sinh những muỗng nước quý như vàng lúc đó để rửa phần khoai. Thế nên chỉ còn cách nhịn ăn, nhưng do càng đói lả thì mồ hôi càng ra như tắm. Và cuối cùng tình trạng kiệt sức ắt sẽ xẩy ra với cái chết chắc chắn. Chết vì đói. Chết vì khát.

Linh Mục Nguyễn Văn Vàng ra tay giải cứu. Ngài nói: ‘Anh không thể nhịn ăn mãi như thế. Nếu Chúa che chở cho mình, thì dẫu bị phù cũng không chết. Bố sẽ hy sinh nửa phần nước để anh rửa khoai mì cho bớt mặn’. Alpha khước từ: ‘Bố (tất cả người tù miền Nam đều gọi các tu sĩ của các đạo giáo là bố) lớn tuổi sức chịu đựng yếu rồi, nhịn khát như con không được đâu’.Ông cười: ‘Sao biết không được, đã thử đâu mà biết không được.

Giải pháp của Cha Vàng đã khiến cho một tuần, hai tuần, ba tuần qua đi nhanh và vô hiệu hóa được sự trừng phạt…. Vào tuần lễ thứ tư, như một phép lạ cuộc trừng phạt tự nhiên chấm dứt với viên cán bộ phát cơm nhà kỷ luật không phải là tên trực trại như thường lệ mà là một anh chàng lạ hoắc. Cuối tháng 11, cả hai được mở cùm cho ra đi tắm. Lần được tắm đầu tiên sau ba năm biệt giam.

Nhưng khi hai người ra đến bờ giếng là muốn trở lại ngay xà lim vì trời vào đông vùng miền núi miền Trung gờn gợn rét sắc. Cha Vàng run bần bật vì gió lạnh do chỉ mặc một chiếc áo len mỏng bên trong bộ đồ tù. Alpha cởi chiếc áo trấn thủ tự chế bằng tấm chăn trước khi đến trại nầy thay thế chiếc áo len mỏng của cha. Cả hai ngồi vào chỗ kín gió xong trở lại phòng biệt giam với chiến lợi phẩm là 10 viên B1 và hai bi thuốc lào do các bạn tù nơi trại nhà bếp và ông L.S, tỷ phú người Hoa đi tù do bị nhà nước đánh tư bản sau 1975 cung cấp.

Vào đến xà lim, hai người đồng thấy ra điều  thất vọng: Lửa ở đâu mà hút thuốc lào! Cha Vàng đưa ý kiến, lấy lửa bằng phương pháp của thời kỳ đồ đá. Ông giảng giải: “Nền văn minh ngày nay đến từ việc phát minh ra lửa. Lửa chế ngự đời sống con người khi họ thoát ra thời kỳ ăn lông ở lỗ… Con người thời kỳ đồ đá đã biết dùng đá chọi vào nhau cho đến khi xẹt lửa” Cha Vàng kết luận: “Chỉ cần một thanh vỏ tre và miếng vải áo mục sẽ tạo ra lửa”, Alpha tạo kế xin từ nhà bếp một thanh tre để cạo lưỡi, và Linh Mục Vàng xé mảnh áo làm con cúi chuẩn tạo nên lửa để hút thuốc lào trong một dịp trọng đại.

Noel năm 1984, Alpha và Cha Vàng thay phiên nhau kéo thanh tre xuyên qua lỗ chiếc dép lốp, từ 9 giờ sáng cho đến hơn 11 giờ thì “phép lạ” xẩy đến. Đầu con cúi bắt đầu ngún và có khói, có nghĩa là bột tre nóng quá độ đã khiến cho lớp bông nhẹ trên con cúi bén lửa. Một lát sau khi thấy xuất hiện những đốm hồng, Cha Vàng thổi nhẹ nhẹ, vết lửa lan ra…

Đúng vào tối 24-12-1984, trước khi Cha Vàng cử hành thánh lễ nửa đêm trong xà lim số 6, hai người đã hút mỗi người một điếu thuốc lào. Hút bằng một miếng giấy cuộn tròn như loa kèn và miệng ngậm búng nước. Vào đúng lúc nửa đêm, cả hai đều cảm nhận được Thánh Lễ Giáng Sinh thực sự đang trở lại thung lũng Xuân Phước qua tiếng chuông của một nhà thờ dường như ở cách nhà giam xa lắm vọng về trong đêm lạnh giá u tịch.”

Không lâu sau, linh mục Nguyễn Văn Vàng qua đời trong xà lim trong xà lim số 6 (Trại Kiên Giam A-20, Xuân Phước) vào tháng 4 năm 1985. Tôi chưa từng biết ai khẳng khái trước việc nước như ngài, và cũng chưa từng thấy ai bình thản chấp nhận khổ nạn một cách thung dung như thế cả.

Chả thế mà cái chết của ông đã khiến cho người bạn đồng tù, nhà báo Vũ Ánh,  thảng thốt: “Nhưng mơ ước của Ngài không thành, kể cả việc lớn trước đó là lập lực lượng võ trang để mong lật ngược lại tình thế của một đất nước vừa chìm đắm trong luồng sóng đỏ. Nhưng dù ngài đã mất đi, trong suy nghĩ của tôi cho đến bây giờ, Linh Mục Nguyễn Văn Vàng vẫn là một ngọn lửa, âm thầm cháy như con cúi vải ngày nào bỗng bùng lên soi sáng cái không gian tăm tối của tất cả những xà lim đang hiện diện trên đất nước Việt Nam.”


 

S.T.T.D  Tưởng Năng Tiến – Số báo cuối cùng

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

17/04/2024

Với thời gian, trí nhớ của tôi mỗi lúc một thêm bạc bẽo. Tháng 11 năm 1989, Bức Tường Ô Nhục Bá Linh (“Wall of Shame”) sụp đổ. Qua năm sau, tạp chí Reader’s Digest (dường như là số tháng 5) có đăng một mẩu chuyện ngăn ngắn – liên quan đến biến cố này – mà tôi chỉ còn nhớ được loáng thoáng như sau:

Giữa đám đông đang hăm hở và hớn hở lũ lượt vượt rào đi từ Đông qua Tây là một ông già, dáng lầm lũi và đơn độc. Ông không dừng chân ở bất cứ quán bar nào, dù tất cả đều mở rộng cửa –  và cung cấp rượu bia miễn phí – để chào đón những kẻ vừa đặt chân đến phần đất tự do.

Và trong khi mọi người đều náo nức xếp hàng chờ được lãnh tiền (gọi là “tiền chào mừng”, khá hậu hĩnh) do chính phủ Cộng Hoà Liên Bang Đức cấp phát thì ông già lặng lẽ tìm đến thư viện để gửi trả một cuốn sách mượn từ tháng Tám năm 1961, cùng với lời trần tình: Tôi chỉ định giữ tác phẩm này vài ngày thôi nhưng không ngờ bị kẹt ở bên kia bức tường tới hai mươi tám năm trời! Để trễ hạn lâu quá, tôi rất lấy làm tiếc và xin được thứ lỗi.

Câu xin lỗi vừa ghi khiến tôi lại nhớ (và cũng chỉ nhớ mang máng thôi) đến lời than thở của học giả Nguyễn Hiến Lê, trong một tác phẩm nào đó của ông: Thưở nhiễu nhương và loạn lạc  thì ngay đến sách báo cũng phải chịu cảnh phong trần, lưu lạc!

Thời gian “lưu lạc” kéo dài gần ba mươi năm của một cuốn sách kể cũng khá dài nhưng so với số phận long đong của một tờ báo (tạp chí Bách Khoa, số cuối cùng – 426 – phát hành vào ngày 20 tháng 4 năm 1975) thì xem ra vẫn còn hơi ngắn, theo như “tin mừng” đã được nhà văn Phạm Xuân Đài (chủ bút trang Diễn Đàn Thế Kỷ) hân hoan loan báo:

“Trong công cuộc sưu tầm những tài liệu cũ của miền Nam trước 1975, lâu nay chúng tôi đã hết sức cố gắng tìm kiếm bộ tạp chí Bách Khoa, một tờ báo đã đi gần suốt chiều dài 20 năm của Việt Nam Cộng Hòa. Và xin báo tin mừng với quý độc giả và bè bạn gần xa: cách đây mới hai ngày thôi, chúng tôi đã có được số Bách Khoa cuối cùng còn thiếu, đó là số phát hành 20 tháng 4 năm 1975. Trong một thời gian không lâu nữa, chúng tôi sẽ phổ biến rộng rãi nguyên bộ Bách Khoa trong dạng điện tử để mọi người khắp nơi có thể đọc dễ dàng.

Việc số báo Bách Khoa cuối cùng đến với chúng tôi vào những ngày cuối tháng Ba năm 2017 vừa rồi đã gây cho chúng tôi một xúc động mãnh liệt, vì đó chính là một trong những hình ảnh còn sót lại một cách cụ thể của một miền Nam đang hấp hối, cách đây 42 năm.”

Chúng ta đang sống trong một thế thẳng băng, cùng với những phương tiện giao thông và truyền thông tân kỳ chưa từng thấy trong lịch sử. Cớ sao một số báo Bách Khoa (BK) lại phải “phong trần lưu lạc” đến gần nửa thế kỷ vậy cà?

Đây không phải là một câu hỏi khó nhưng cũng không dễ trả lời ngắn gọn nên tôi xin phép được thưa thêm năm điều/ba chuyện cho nó ngọn ngành:

Từ BK số 1 đến số 425, chắc chắn, đều được gửi đi và lưu giữ trong những thư viện ở Âu Mỹ nên việc sưu tập chả khó khăn gì. Nhưng với số báo cuối cùng, 426, phát hành 10 ngày trước khi miền Nam thất thủ thì số phận của nó lại hoàn toàn khác. Toà soạn BK – vào thời điểm này – chắc chẳng có ai còn lòng dạ nào để lo lắng đến chuyện phát hành, hay gửi báo đến cho độc giả (dài hạn) qua bưu điện nữa.

Giữa lúc “xẩy đàn tan nghé” thì tai họa chả bỏ sót ai, và cũng chả chừa một thứ gì ráo trọi:

“Bởi vì sách vở thời ấy, số phận nó như số phận người. Nó cũng phải trốn chạy, chui rúc, ẩn náu. Chúng cũng rơi vào cảnh mồ côi cha mẹ, cảnh lạc đàn, cảnh tan nát, cảnh tan hoang mất còn. Vận người dân miền Nam thế nào, vận chúng như thế…

 

“Đài phát thanh thành phố ra lệnh phải thu nộp tất cả các sách vở, báo chí, phim ảnh, tài liệu in ấn trước ngày 30 tháng tư được coi là đồi trụy. Nhiều người tiếc rẻ đem bán kilô. Các gói xôi bán buổi sáng, nay có tên Nguyễn Thụy Long, Nhã Ca, Thanh Tâm Tuyền. Vừa ăn, vừa đọc kể cũng vui.

Nhiều chỗ mang sách vở cũ ra đốt… Đứa may trốn thoát…  Đứa yểu tử thì làm mồi cho cuộc phần thư. Đứa không may làm giấy gói sôi buổi sáng. Đứa bất hạnh làm giấy chùi đít.  Đó là cuộc trốn chạy vô tiền khoáng hậu mà những kẻ đi truy lùng chỉ là các trẻ con lên 12, 13 tuổi.

Các cháu ngoan bác Hồ.  Họ xô những đứa trẻ con vô tội đó ra đường. Chúng quàng khăn đỏ hô hoán, reo hò như trong một vụ đi bắt trộm, hay đi bắt kẻ gian. Chúng lục soát tận tình, chúng đánh trống, chúng hát hò như một cuộc ra quân của một đoàn quân chiến thắng. Gia đình nào cũng sợ hãi cái quang cảnh đó nên kẻ mà phải hy sinh đầu tiên chính là sách vở.” (Nguyễn Văn Lục, “Sách cũ Miền Nam 1954 – 1975”).

Trong khi đám trẻ con quàng khăn đỏ hét hò đốt sách thì qúi vị trí thức, nhân sĩ, nhà văn, nhà báo cũng cần mẫn ghi chép và hoàn thành những “công trình biên khảo” để đưa bọn cầm bút (thuộc bên bại cuộc) ra … trước toà án dư luận:

  • Nọc độc văn hóa nô dịch,Trần Trọng Đăng Đàn, gồm 2 cuốn:
    Nọc độc văn hóa thực dân mới Mỹ,  NXB TPHCM 1983
    b.  Lại bàn về nọc độc văn hóa thực dân mới Mỹ,  NXB TPHCM 1987
  • Văn hóavăn nghệ miền Nam dưới chế độ Mỹ ngụy  (2 tập) nhiều tác giả, NXB Văn Hóa 1977
  • Những tên biệt kích của chủ nghĩa thực dân mới trên mặt trận văn hóa/ tư tưởng (2 tập) Nhiều tác giả, NXB Thông tin lý luận 1980
  • Tiếp tục đấu tranh xóa bỏ tàn dư văn hóa thực dân mới,Hà Xuân Trường, NXB Sự Thật 1979
  • Nhìn lại tư tưởng văn nghệ thời Mỹ ngụy,Lê Đình Kỵ, NXB TPHCM 1987
  • Cuộc xâm lăng văn hóa và tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam VN,Lữ Phương, NXB Văn Hoá 1985

Đó là một “thời nông nỗi” đã qua chăng ? Không đâu, làm gì có chuyện đó! Cuộc “Cách Mạng Văn Hoá” chưa bao giờ ngưng nghỉ cả. Chủ trương “bài trừ văn hóa nô dịch, lai căng” là chính sách triệt để, xuyên suốt và nhất quán của Đảng Cộng Sản và Nhà Nước Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ qua mà.

Ngày 20 tháng 3 năm 2017, T.T Nguyễn Xuân Phúc lại ký Nghị Định 28/2017/NĐ-CP: “Phạt tiền từ 20-25 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ, phổ biến trái phép bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu có nội dung đã quyết định cấm phổ biến hoặc quyết định thu hồi, tịch thu, tiêu hủy.”

Vậy bằng cách nào mà  cuốn tạp chí BK, số cuối cùng (phát hành vào ngày 20 tháng 4 năm 1975) đã không bị ném vào mồi lửa, không trở thành giấy gói xôi, không bị thu hồi, tịch thu, tiêu hủy” và vẫn có thể xuất hiện “nguyên con” trên trang web của Tạp Chí Thế Kỷ 21 vào ngày 2 tháng 4 năm 2017? Đây là câu hỏi mà qúi vị lãnh đạo của chính phủ hiện hành … cần “suy ngẫm” để có thể ban hành những nghị quyết, hay nghị định đỡ ngớ ngẩn (và lạc hậu) hơn chút xíu.


 

 S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Tâm Thanh

 Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả:  Tưởng Năng Tiến

Tôi nhặt được cụm từ “Kho Trời đã khoá” trong truyện ngắn (Chân Dung Một Cô Gái Việt Nam) của Tâm Thanh. Người kể chuyện tên Diễm, sinh ra tại Na Uy, và làm việc như một thông dịch viên (on call) cho sở cảnh sát di trú tại thủ đô Oslo. Nhân vật chính tên Vân, bị bắt giữ về tội ăn cắp và nhập cư bấ́t hợp pháp. Đoạn kết như sau:

“Xin cô nghe đây,” cô cảnh sát mở đề cho một cuộc thẩm vấn cuối cùng. “Cô không đủ lý do xin tị nạn, cộng thêm việc phạm pháp, cô không có con đường nào khác ngoài đường trở về nơi cô đã ra đi.”

 “Thế thì trả tôi về Ðức.”

 “Tại sao lại Ðức? Cô đi từ Việt Nam mà!”

 “Tôi từ bên Ðức sang…”

 “Trong hai lần thẩm vấn trước đây cô nói từ Việt Nam, đi bộ sang Trung Quốc rồi sang Nga. Bây giờ lại nói từ Ðức sang. Lời nào là thật?” 

“Cái thai lày của một thằng Ðức”.

 “Nhiều lần chúng tôi đã hỏi cha của thai nhi là ai, cô đều nói là không biết.”

 “Không biết… thật đấy. Nói chung nà đêm không thấy mặt”.

 “Dù cô không biết gì hết, không biết mặt người ngủ chung, không biết mình là ai, không biết cha mẹ là ai, không biết từ đâu tới, chúng tôi vẫn có cách tìm ra cô là ai. Và chúng tôi sẽ liên lạc với tòa đại sứ Việt Nam cấp giấy cho cô về Việt Nam”.

 “Lói thật cũng chết, lói dối cũng chết…” người tù nói nhanh, rồi lại vội nói “Chị đừng dịch cho ló nghe nhá!” 

“Cô ấy nói gì?” thấy Diễm không dịch câu nói của người đối thoại, cô cảnh sát hỏi. 

“Cô ấy đổi ý, không muốn tôi dịch câu vừa nói.” 

Cô cảnh sát nhỏ giọng nói với người đàn bà mang thai:  “Xin cô cộng tác với chúng tôi để tiến hành cho sớm việc hồi hương …

 Người mẹ đặt cả hai tay lên bụng, cúi xuống lẩm bẩm:  “Con tôi sinh trong tù à?”

Diễm cảm thấy xót xa trong lòng… Diễm nghĩ đến thân phận chính mình – sở dĩ mình sống nhởn nhơ được, buổi sáng đứng bán nhà thuốc tây, buổi chiều đi nhảy aerobic, lâu lâu đi thông dịch lấy ngoại tài mua son phấn không cần ăn cắp… là vì cha mẹ mình đã chọn được con đường đúng ý nguyện: tới một nơi có thể lương thiện mà sống được.

Không, không phải cha mẹ chọn. Ðó là Trời ban. Ba chục năm nay, bây giờ ‘Kho Trời’ đã khóa. Nếu cha mẹ nàng chậm chân, không chừng giờ này Diễm cũng là một người mở miệng bằng câu không biết, và không từ làm bất cứ việc gì để sinh tồn.

So với lúc “Kho Trời chưa khoá” thì hiện trạng của bà Vân, xem chừng, khắc nghiệt hơn hồi “ba chục năm” xưa nhiều lắm. Ở thời điểm trước, khi miền Nam vừa “được hoàn toàn giải phóng,” những cô gái ở vùng đất này đều có lời giao ước (rõ ràng) trước khi thuyền ra cửa biển: “Một là con nuôi má, hai là con nuôi cá, ba là má nuôi con.”

Bây giờ thì thân mẫu của bà Vân, nếu có, phải đi thăm nuôi cả con lẫn cháu vì tội vượt biên trái phép. Đứa cháu mà chính mẹ nó cũng không biết “thằng bố” là ai vì “nói chung nà đêm không thấy mặt.” Tình cảnh của bà Vân, tuy vậy, vẫn chưa đến nỗi nào – so với nhiều người đồng hương khác – theo tường thuật của nhà báo Vũ Ngọc Yên:

“Vào ngày 23.10.2019 một thông tin chấn động thế giới khi chiếc xe container chở hàng chứa 39 thi thể người nhập cư bị phát hiện ở Essex, miền Đông Anh, cách thủ đô London 30km. Nhiều thông tấn xã quốc tế loan tin trong số nạn nhân có người Việt Nam.”

Hai hôm sau, 10/25/2019, blogger Nguyễn Hữu Vinh (RFA) cho biết thêm chi tiết:

“Khi việc điều tra của cảnh sát Anh chưa chấm dứt, thì trên mạng rộ lên thông tin về một tin nhắn của một cô gái nhắn về cho mẹ tại Thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Tỉnh Hà Tĩnh. Cô gái cho biết tên là Phạm Thị Trà My, ở số nhà 1, Ngõ 2, Đường Đặng Dung, Thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Tỉnh Hà Tĩnh. Trong tin nhắn mà gia đình nhận được, cô gái nói rằng: ‘Con đi nước ngoài không thành, con thương bố mẹ nhiều. Con chết vì không thở được…”

Lời cuối của cô Phạm Thị Trà My lại khiến tôi nhớ đến một mẩu đối thoại (giữa hai người Việt đồng cảnh, từ hai phòng giam sát cạnh nhau, tại một nhà tù nào đó ở Âu Châu) trong một truyện ngắn khác của Tâm Thanh:

Tuyết ho, tôi xót ruột. Ho xong, nó nói:“Em mơ còn nằm trong cái xe thùng chở em sang đây. Ðứa con gái nằm ngay bên cạnh em chết ngạt.”

 “Chết!?”

“Chết. Bị nhốt trong thùng xe hai ngày hai đêm. Khi bọn đầu gấu mở cửa xe ra, thấy bốn người chết từ bao giờ. Con ấy thân với em nhất. Chúng em đã từng chia phiên nhau kề mũi vào cái lỗ nhỏ để thở.

Thương hại nó hay nhường cho em thở lâu hơn. Dọc đường nó cứ đòi về, không muốn đi nữa. Nhưng em biết về thế nào được với bọn đường dây. Nó mà sống sót cũng bị đường dây hành tới chết về cái tội đòi về… Anh có nghe không đấy?”

“Nghe rõ cả.”

“Nó nói khổ đều quanh năm chịu được, dồn vào một ngày thì chết. Anh nghĩ có đúng không?”

“Chắc đúng.”

“Mẹ nó bán ruộng, bán vườn để chung tiền cho nó đi, cứ mong nó mang đôla về chuộc đất, xây nhà như những người có thân nhân Việt kiều. Bây giờ nó chết, chưa kịp nhìn thấy tờ đôla xanh. Trước khi chết nó tựa vai em lầm bầm ‘Mẹ ơi! Con không muốn làm Việt kiều. Con muốn về nhà. Con muốn cơ cực ở nhà với mẹ suốt đời.’ Giọng nó như đứa trẻ con ba tuổi.” (“Người Rơm” – Diễn Đàn Thế Kỷ 1/7/2010).

Tâm Thanh qua đời ngày 9 tháng 4 năm 2015. Trước đó một năm, hôm 3 tháng 5 năm 2014, thân hữu tại Oslo đã tổ chức Ngày Văn Hóa Việt Nam để vinh danh những tác phẩm của ông. Bức thư ngắn ngủi ông gửi đi trong ngày hôm đó có đoạn sau:

“Tôi đang nằm bệnh viện khi viết những dòng này. Vâng, tôi bị ung thư tụy tạng trong thời ký tái phát. Từ hơn năm nay trên giường bệnh, tôi chỉ có một nỗ lực duy nhất: trở thành trẻ thơ để trở về với Thượng Đế. Tuy nhiên đôi khi tôi cũng suy nghĩ một chút về việc viết lách. Xin cho phép tôi nói ra tiêu chí văn chương của mình: Bản chất văn chương là hư cấu. Khi viết tôi bịa đặt hoàn toàn; nhưng khi sống, tôi ráng không phản bội những điều mình viết, dù một chữ…”

Cái chất “hư cấu” trong văn chương của Tâm Thanh khiến tôi vô cùng kinh ngạc. Ông dự liệu được cái thảm hoạ mà đồng bào của mình sẽ bị gánh chịu: “Anh giúp chúng ta hiểu đời hơn, báo trước cho chúng ta những bất trắc, những ngộ nhận, những mất mát không thể tránh khỏi trong đời sống, nghĩa là giúp chúng ta biết vui mà không mù quáng, cũng như biết buồn mà không bi lụy.” Nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã viết như thế về tác phẩm của Tâm Thanh, trước khi cả hai ông (đều) đi về cõi vĩnh hằng.


 

 S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Thời hậu chiến

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

Tên chị là gì? 

  • Thưa em tên Mơ. 
  • Mơ gì? Mộng mơ hay quả mơ? 
  • Tùy, ai muốn hiểu thế nào thì hiểu… 
  • Quê quán ở đâu vậy? 
  • Em ở Thạch Thất, Hà Tây. 
  • Chị công tác ở cơ quan nào? 
  • Thưa, ở ty Văn Hóa Thông Tin Hà Sơn Bình. 
  • Chắc chưa vào Ðảng…? 

 “Nơi em về trời xanh không em…?” Bên này vĩ tuyến 17 không có một câu hỏi thơ mộng, lãng mạn như vậy … Vì vậy những lời yêu đương được mở đầu bằng “Ðồng chí công tác ở cơ quan nào ?” (Thế Giang. Thằng Người Có Đuôi. Westminster, CA: Nguời Việt, 1987).

Ngoài những câu hỏi “thơ mộng” và “lãng mạn” như trên, bên kia vỹ tuyến còn có nhiều câu hỏi (nghe) rất … linh tinh:

Anh không biết bây giờ tháng mấy, em không biết anh đi về đâu, và hết nửa phần đất nước đều chia chung một nỗi băn khoăn (lớn) dù đang trong hoàn cảnh chiến tranh: Kẻ thù ta đâu có phải là người. Giết người đi thì ta ở với ai?

Ở nửa phần còn lại thì không ai mơ hồ về thời gian cả. Mọi người đều biết chính xác ngày/tháng/năm sinh của vị lãnh tụ kính yêu, cũng như thời điểm phân phối khẩu phần lương thực (ngoài tiêu chuẩn) nhân ngày sinh nhật của NGƯỜI.

Cũng chả bao giờ nghe ai hỏi ai “đi về đâu” vì ai cũng biết là mọi con đường đều dẫn ra mặt trận, và đường ra trận thì mùa nào cũng đẹp: những binh đoàn kéo nhau ra tiền tuyến, như tình yêu nối lời vô tận … Chỉ có mỗi một câu hỏi “cảm động” duy nhất được cho phép nghêu ngao trên môi mọi người thôi, dù nghe cũng không tình tứ gì cho lắm: hết rau rồi em có lấy măng không?

Không chỉ bị ám ảnh bởi cái đói mà cả nửa nước (bên kia) còn bị nhồi nặn, và kích động bởi căm thù:

“Phải ngày đêm hành quân để kịp tới chiến trường trước khi hòa bình, trước khi chiến thắng. Vào chậm, chỉ còn mỗi việc thu nhặt ống bơ gỉ, tháo gỡ dây thép gai thôi. Chẳng còn địch đâu mà đánh. Xe trước hát vang: Giải phóng miền Nam chúng ta thề quyết tiến bước. Xe thứ hai tiếp theo hào hùng: Diệt đế quốc Mỹ phá tan bè lũ bán nước. Xe thứ ba tiếp lời: Ôi xương tan máu rơi, lòng hận thù ngút trời.” (Bùi Ngọc Tấn. Biển và Chim Bói Cá. Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn: 2010).

Ở bên này thì không thế. Ngoài những băn khoăn siêu hình về hố thẳm tư tưởng và nỗi dằn vặt triết lý nhân sinh giết người đi thì ta ở với ai (?) có kẻ còn chắp tay nguyện cầu cho chim bồ câu trắng hiện với không ít thơ ngây:

Mẹ già cười xanh như lá mới trong khu vườn
Ruộng đồng Việt Nam lên những búp non đầu tiên
Một đoàn tàu đi nhả khói ấm hai bên rừng …

Thực tại, tiếc thay, hoàn toàn không như dự tưởng:

  • “Tôi từng đi trên những chuyến tàu hỏa hành trình bắc nam mất 72 tiếng đồng hồ, trên đó chất đầy xe đạp, khung xe đạp, vải vóc, đường sữa, gạo, giấy… chuyển từ nam ra bắc. Những chuyến hàng thực chứ hoàn toàn không giả tạo chút nào đổ về nơi từng được coi là hạnh phúc, no ấm. Nhiều người vỡ lẽ, lắc đầu ngao ngán.” (Nguyễn Thông. “Thành Ngữ Mới: Phồn Vinh Giả Tạo”).
  • Bottom of Form
  • “Ở mỗi ga, khoang tàu biến thành cái chợ hay hàng ăn, tùy vào thời điểm. Ngoài sự nghèo đói, lộn xộn, mất vệ sinh và nói chung là kém văn hóa là đặc trưng của những gì xảy ra trên chuyến tàu đó hay cho cả đất nước ta thời đó, điều tôi nhớ nhất và thất vọng vô cùng là: từ Nam ra Bắc tôi hầu như không thấy một nụ cười trên gương mặt một ai cả.” (Trần Thành Nam. “Hãy Trả Lại Rổ Tép Khô Cho Tôi”).

Dự đoán của Trịnh Công Sơn, rõ ràng, hơi trật: Khi đất nước tôi không còn giết nhau/ Mọi người ra phố mời rao nụ cười. Ước mơ của người nhạc sỹ tài hoa, xem ra, cũng khác với hiện thực hơi xa: Mẹ già cười xanh như lá mới trong khu vườn. Cười gì nổi khi con vừa hoàn thành xong nghĩa vụ quốc tế (Giải Phóng Miền Nam) thì đến ngay lượt cháu Giải Phóng Cambodia. Thế là Em Ở Nông Trường Anh Ra Biên Giới:

Từng vai áo phai sẽ xanh thêm đời
Bàn tay làm nên những mùa vui
Từ trên đất này, những con người mới
mọc lên

Mạng người chớ có phải là giá, nấm, hay rau cỏ đâu mà cứ mọc lên hoài vậy được, hả Trời? Hết cuộc chiến ở biên giới phía Tây rồi đến chiến cuộc ở biên giới phía Bắc, cuộc nào cũng phải trả giá bằng hàng mấy vạn sinh linh mà không nghe ai lên tiếng phản đối (hay phản chiến) gì ráo trọi. Cũng chả thấy ai (dám) chắp tay nguyện cầu cho chim bồ câu trắng hiện.

Rồi sau khi bốn phương im tiếng súng, Đảng “dũng cảm và quyết tâm đổi mới” để chuyển đổi sang Kinh Tế Thị Trường (theo định hướng XHCN) thì đất nước lại phát sinh ra thế lực thù địch mới – giặc nội xâm:

Khi đã phải thay phong bì bằng bao tải mới đủ chỗ chứa (hằng triệu Mỹ Kim) tiền lại quả, và khi mà số lượng ma túy bị tịch thu được tính theo đơn vị tấn (chứ không phải ký hay tạ nữa) thì mặt trận nội xâm đã kể như … toang!

Ngoại xâm cũng vậy. Ngày 19 tháng 4 năm 2020, BBC loan tin: Trung Cộng lập hai hai huyện đảo quản lý Trường Sa, Hoàng Sa. Qua hôm sau, Thông Tấn Xã Việt Nam cho biết: “Việt Nam phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa … Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền…”

Trong Lịch sử nhân loại chưa có một cuộc xâm lăng nào bị ngăn chận bởi những lời “phản đối” hay “yêu cầu” (yếu xìu) như thế cả. Thù trong giặc ngoài, nợ công cao lút đầu, đạo đức xuống thấp đến gót chân, không khí ô nhiễm, sông hồ cạn kiệt, rừng núi điêu tàn, đất nước tan hoang… là “thành quả” của cuộc cách mạng vô sản hiện nay ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Hộ, một đảnh viên lão thành của ĐCSVN, coi đây là “điều sỉ nhục.” Ông TBT kiêm CTN Nguyễn Phú Trọng thì không, ổng không thấy nhục nhã gì ráo trọi và vẫn nhơn nhơn ban hành Nghị Quyết Về Cuộc Cách Mạng 4.0 với những mục tiêu trời/biển như sau:

  • Năm 2025, internet băng thông rộng phủ 100% các xã, duy trì xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN.
  • Năm 2030, mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc; mọi người dân được truy cập internet băng thông rộng với chi phí thấp. Kinh tế số chiếm trên 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 7,5%/năm.
  • Năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á.

Tuy nghe hơi hoang đường nhưng cũng không khác lắm với những lời hứa hẹn của những nhân vật tiền nhiệm:

Toàn là thần chú và phép lạ cả. Điều mầu nhiệm là tuy chỉ được ăn bánh vẽ nhưng cả nước vẫn không ai kêu đói, và có người cò tấm tắc khen ngon. Mầu nhiệm hơn nữa là một dân tộc dễ chịu (và dễ dậy) tới cỡ đó mà vẫn sống sót được mãi cho đến đầu thế kỷ này.


 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Gia tài của Đảng

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

Tôi tình cờ vừa được biết thêm (chút xíu) về sinh hoạt của giới thanh niên/sinh viên hiện nay, qua trang mạng của HaNoi University of Industry :

“Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã tổ chức tham quan, dâng hương tại các ‘địa chỉ đỏ’ – địa danh lịch sử cách mạng tại dải đất miền Trung …  Đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa của Đại học Công nghiệp Hà Nội trong những ngày tháng tư lịch sử.

Đến với các ‘địa chỉ đỏ’ trong những ngày này, các thế hệ cán bộ, viên chức được trở về với lịch sử hào hùng của dân tộc, cảm nhận sâu sắc hơn sự hy sinh anh dũng, lòng yêu nước và ý chí cách mạng của các thế hệ đi trước.”

Ngay tại Sài Gòn, “những địa chỉ đỏ” cũng đâu có ít. Báo Thanh Niên cho biết :

Bên phải góc đường Hai Bà Trưng – Lý Chính Thắng (TP.HCM) có một “địa chỉ đỏ” của chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Đó là quán phở Bình nổi tiếng của vợ chồng ông Ngô Toại (Ngô Duy Ái).

 Vì có vị trí chiến lược nên ngôi nhà số 7 Yên Đỗ (Lý Chính Thắng hiện nay) từ năm 1967 đã được chủ nhân cho cách mạng sử dụng làm cơ sở bí mật của Sở Chỉ huy tiền phương phân khu 6, tập kết các chiến sĩ biệt động để trực tiếp tham gia chiến đấu…

Ông Ngô Văn Lập, con trai ông Ngô Toại, nhớ lại: “Khi đó tôi mới 12 tuổi. Từ 20 tháng chạp năm 1968, mỗi khi có ai đến ăn phở đáp đúng mật khẩu theo quy định là tôi đưa họ lên tầng 2 cho các chú cấp cao …

Ngày 16.11.1998, ngôi nhà số 7 Lý Chính Thắng (quán phở Bình) được Bộ Văn hóa trao bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia, trở thành niềm vinh dự cho gia đình ông Ngô Toại…Mang mấy tập hồ sơ dày cộp ra bàn, ông Ngô Văn Lập đưa chúng tôi xem bằng khoán điền thổ, trong tờ lược giải ngày 4.8.1967 có ghi rõ việc sang nhượng của chủ cũ cho ông bà Ngô Toại – Trần Thị Mỵ với giá tiền tương đương 3.600 lượng vàng.

Sau này, cả ba anh em tôi đều đi bộ đội, tham gia chiến trường Campuchia. Giải ngũ, tụi tôi về tiếp quản tiệm phở Bình buôn bán cho đến giờ kiếm sống mà không được hưởng chế độ gì. Bao năm qua vất vả, ba hộ gia đình chúng tôi gồm 16 người sinh sống trong khuôn viên quá chật hẹp do dành hết 1 tầng làm khu trưng bày di tích, phải cải tạo bếp ăn cũ ngày xưa để làm nơi trú ngụ.

Tôi bị bệnh nan y không có tiền chạy chữa, mà nhà cửa là di tích quốc gia nên không làm giấy tờ sở hữu hợp pháp để cầm cố ngân hàng vay mượn được. Mỗi khi tôi mang hồ sơ lên phường xin hợp thức hóa đều bị bác vì lý do “nhà đã xếp hạng di tích”, ông Lập bức xúc.

Ông Lập, tất nhiên, không phải là người đầu tiên hay duy nhất “bức xúc” như vậy. Quanh ông thiếu gì những kẻ đồng cảnh ngộ. Cách Phở Bình không xa là một “địa chỉ đỏ” khác – quán Thanh Bò Tơ, của Mẹ Việt Nam Anh Hùng Đỗ Thị Bê, ở  Hóc Môn – cũng đang lâm vào trường hợp oái oăm tương tự.

Quán vắng tanh. Hình chụp ghế úp vào bàn (chắc cho đỡ bụi) nhưng vì đây là “di tích quốc gia” nên không sang nhượng được. Trước tình trạng sống dở (chết dở) của chủ nhân, nhà báo Uyên Vũ góp ý :

“Ông Lập cứ xé quách cái quyết định di tích lịch sử đi, đồng thời đập bỏ cái bảng hiệu có ngôi sao vàng to tổ bố chẳng giống ai, rồi cho thuê mặt tiền để người khác kinh doanh những thứ bổ ích và sinh lợi. Chắc chắn ông sẽ có tiền chữa bệnh, có tiền thuê một chỗ khác sống cho thoải mái cuộc đời. Giữ mãi cái vòng kim cô làm gì!”

Rồi ra – có lẽ – cũng sẽ đến lúc chủ nhân của những cái địa chỉ đỏ trên toàn quốc buộc phải hành xử thế thôi (“đập bỏ cái bảng hiệu có ngôi sao vàng to tổ bố chẳng giống ai đi” – mẹ nó, sợ gì?) chứ cứ dính mãi với gia tài của Đảng thì chắc chết, chết chắc.

Tôi hoàn toàn đồng ý với đề nghị thượng dẫn nhưng vẫn còn rất băn khoăn về tình cảnh (thê thảm và bi đát hơn nhiều) của vô số những nạn nhân khác, nhất là phụ nữ. Tuy không có bất động sản bị in dấu (sao vàng) nhưng xác thân của chính họ thì đã mang đủ thứ thương tật về thể lý, cũng như tâm lý, không thể xóa nhòa.

Xin nghe qua mẩu chuyện nhỏ sau, về một cựu thanh niên xung phong – quê ở Nga Sơn, Thanh Hoá – đã từng “tình nguyện” phục vụ tại đường mòn Hồ Chí Minh :

Mỏi chân, chúng tôi rẽ vào một khu biệt thự kín cồng cao tường, vườn cây um tùm rồi ngồi xuống một chiếc ghế dài granito trông sang một vườn hoa nho nhỏ. Mất điện, tiếng máy nổ ầm ì ở trong mỗi biệt thự.

Như có trời xui, cách chúng tôi hai ba mét một phụ nữ ve chai ngồi tựa vào hông chiếc ghế dài trống không. Tôi bảo ngồi lên ghế thì lắc: “Cháu không quen ngồi vào thứ sang”. Cụ bạn bèn đến bên:

  • Bây giờ được ở trong các nhà thế này cô có quen không?
  • Không ạ!
  • Cô thấy nó đẹp không?
  • Đẹp… Nhưng cháu chỉ muốn Mỹ nó lại thả bom cho tan hết…

Chúng tôi trố mắt. Không ngờ tới câu trả lời dứt khoát, đanh thép này chút nào.

Người phụ nữ nói tiếp:“Thế hồi đánh nhau đâu có như thế này? Chả là đều nghèo như nhau cả thôi. Bây giờ đấy, đứa ăn chẳng có mà đứa thì sướng quá vua. Biết trước là ra một trời một vực thế này thì chả đi hy sinh làm gì.” (Trần Đĩnh. Đèn Cù II, Westminster, CA: Người Việt, 2014).

François Guillemot còn viết cả một thiên tiểu luận (Trực Diện Với Cái Chết Và Nỗi Đau: Vấn Đề Thanh Niên Xung Phong Trong Chiến Tranh Việt Nam (1950-1975) về “hàng vạn thân thể phụ nữ bị hủy hoại, tàn phai, tật nguyền, và chao đảo mãi mãi.” Công trình nghiên cứu này đã được Phương Hoà chuyển ngữ, và đăng thành nhiều kỳ trên diễn đàn talawas (*).

Chúng tôi xin phép ghi lại đôi câu để rộng đường dư luận, cùng với ước mong cũng được xem đây như một lời tri ân để gửi đến tác giả và dịch giả :

  • “Họ là những người đi trước mà về sau. Trước những trận đánh, họ luôn luôn đi trước để mở đường, xây dựng chiến tuyến, rồi trực tiếp tham gia chiến đấu, cuối cùng, họ lại chính là những người về sau thu dọn chiến trường, tải thương, chôn cất liệt sĩ.”
  • “Đối với những cựu TNXP tuổi đời chỉ khoảng 20, việc quay về đời sống dân sự ở quê nhà là rất phức tạp. Sự hy sinh, khắc kỷ, dũng cảm trong những năm tháng chiến tranh tương ứng với thương tật, đớn đau và rối loạn tinh thần trong thời gian hòa bình… Những người này trở thành 5 không, sau khi cha mẹ mất đi: ‘không chồng, không con, không nhà, không chế độ, và độc thân.”

Thực là một “gia tài đồ sộ” mà “đến đời con chắc chắn chưa trả được” – theo như nguyên văn lời của nhà báo và nhà hoạt động xã hội Nguyễn Lân Thắng, trước khi ông bị bắt giam: “Người ta đã phản bội tất cả những gì đã hứa với dân để vun vén cho quần thần, cho gia tộc của họ. Tham nhũng tràn lan, đạo đức băng hoại, tài nguyên kiệt quệ, công nhân làm đĩ, nông dân ăn mày, trí thức hạ mình, tổ quốc lâm nguy, nợ nước ngoài đến đời con chắc chắn chưa trả được”

___________________________________

(*) Chú thích của talawas: François Guillemot là chuyên viên nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia (CNRS), phụ trách kho tài liệu Việt Nam tại Viện Nghiên cứu Đông Á (IAO, Lyon, Pháp). Ông lấy bằng tiến sĩ về lịch sử tại Ecole pratique des hautes études (EPHE, Paris) năm 2003. Hiện ông nghiên cứu về những vấn đề văn hoá trong chiến tranh của người Việt, và về chủ nghĩa dân tộc phi cộng sản của người Việt, chẳng hạn như về Đảng Đại Việt. Tiểu luận này được thuyết trình lần đầu tại hội thảo quốc tế, “Bản sắc cơ thể ở Việt Nam: Chuyển hoá và Đa dạng”, tại Ecole normale superieure lettres et sciences humaines, Lyon. Tác giả cảm ơn Christopher E. Goscha, Agathe Larcher, Claire và William J. Duiker, Vatthana Pholsena, Tuong Vu, Edward Miller và Trang Cao đã giúp ông dịch (từ tiếng Pháp sang tiếng Anh) và hiệu đính tiểu luận này để đăng trên Journal of Vietnamese Studies vào mùa thu 2009.


 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Đêm Havana & Ngày Hà Nội

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

21/03/2024

Tôi chưa bao giờ đến Hà Nội, và cũng chưa bao giờ cảm thấy có chút xíu nào hào hứng khi nghĩ đến chuyện phiêu lưu tới một nơi xa xôi, lôi thôi và tai tiếng (tùm lum) như thế. Đã thế, đường thì xa, vé tầu thì mắc, thủ tục thì lôi thôi rườm rà, và lỡ mà kẹt luôn thì… chết mẹ!

Tôi sinh trưởng ở miền Nam, nghĩ sao thì nói vậy. Và cứ như vậy mà nói, chắc chắn, sẽ làm mích lòng cả đống người. Tôi biết vậy nhưng không thể nào nói khác vì những điều mà tôi được nghe kể về Hà Nội (thường) không có gì là đàng hoàng hay tử tế – đại loại như :

“Lời ăn tiếng nói lễ độ cũng khó gặp, chứ đừng nói gì đến văn vẻ… Một cô gái có thể nói oang oang giữa chợ:

– Nó rủ tao đi nhưng tao đ… đi.

– Sáng nay mẹ mày qua xin lửa bố tao, bố tao đ… cho…”

“Một cái gì đó đã phá vỡ lòng tin của con người rằng xã hội luôn luôn cố gắng đem lại sự tốt đẹp cho mình, và chính mình phải có bổn phận phải gìn giữ các công trình xã hội để mình và mọi người cùng hưởng. Người ta thẳng tay cắt dây điện để bán lấy chút tiền, có thể đốt hết một kho hàng hoá để phi tang cho một vật ăn cắp không đáng là bao… con người đối xử với xã hội thô bạo như vậy chỉ vì xã hội đã đối xử với họ tệ quá”. (Phạm Xuân Đài. Hà Nội Trong Mắt Tôi. Thế Kỷ: Hoa Kỳ 1994, 32-33).

Trời đất, đó là chuyện nhỏ và chuyện cũ (rích) rồi – từ hồi thế kỷ trước lận – bới móc ra làm chi nữa, cha nội ?

Thì rành rành là chuyện bây giờ, thế kỷ XXI đây nè, Hà Nội vẫn cứ y chang như hồi đó – chớ có khác (mẹ) gì đâu :

“Những đứa bé trai và gái bưng thức ăn cho khách vẫn là những đứa bé đã được mô tả trong tiểu thuyết Nam Cao hay Trương Tửu cách đây năm sáu thập niên, còm cõi, nhọc nhằn, cơ cực, chỉ biết cúi đầu vâng dạ và sống quen với lo âu, sợ hãi….”

“Những anh chị phu hồ vẫn làm việc bằng những cung cách từ nửa thế kỷ trước. Họ chuyền tay nhau mọi thứ vật liệu. Cát, đá và sạn đựng trong những cái rổ, đà gỗ vác trên vai. Một ngày dầm mưa hay đổ mồ hôi như thế của một người phu hồ trị giá một đô la và một bữa ăn trưa thanh đạm. Hơn một phần tư thế kỷ thực hiện ‘chủ nghĩa xã hội ưu việt’ trong nước, hơn một phần tư thế kỷ kêu gào tự do và nhân quyền của khối người việt lưu vong hải ngoại, chẳng có chút ánh sáng nào rọi vào những góc đời phiền muộn tối tăm này” (Bùi Bích Hà, “Nhìn Lại Quê Hương,” Thế Kỷ 21, Sep. 2003:63-65).

Phạm Xuân Đài và Bùi Bích Hà, nói nào ngay, không phải là người Hà Nội. Họ là dân bá vơ, tha phương cầu thực, cù bơ cù bất, ở tận California hay đâu đâu đó. Cả hai chỉ tạt ngang, ghé chơi Hà Nội năm ba ngày hay vài ba tuần lễ gì thôi. Biết (khỉ mốc) gì đâu mà nói hành nói tỏi (nghe thấy ghét) dữ vậy chớ?

Nguyễn Huy Thiệp thì khác à nha. Thuở sinh tiền, ông ta là niềm hãnh diện của Hà Nội (nói riêng) và của cả nước Việt (nói chung). Ổng có dư thẩm quyền và thừa tư cách để nói về thủ đô “mến yêu của ta”. Trong tác phẩm Tuổi Hai Mươi Yêu Dấu, nhà văn đã mượn lời một nhân vật để tuyên bố như sau : “Thời của tôi đang sống là thời chó má. Tin tôi đi, một trăm phần trăm là như thế đấy.”

Úy, trời đất, quỉ thần, thiên địa ơi! Giữa Thời đại Hồ Chí Minh (quang vinh), và trong lòng thủ đô Hà Nội – nơi mà cách đây chưa lâu người ta vẫn còn phải nhai rón rén khi ăn – mà thằng chả nói năng ồn ào, lạng quạng và bạt mạng (quá cỡ) như vậy thì kể như là… hết thuốc!

Và Hà Nội không phải là nơi duy nhất hết thuốc (chữa) như thế trên thế giới này. Tôi nghe kể là ở thủ đô của Cuba – một nước anh em xã hội chủ nghĩa – tình trạng cũng bết bát, và bệ rạc không kém :

“Ở La Havanne vài ngày dần dần bạn hiểu cái khang trang, sầm uất ở những nơi có du khách chỉ là bộ mặt bên ngoài che không nổi một xã hội lở lói, mệt mỏi… Cuba có hai thế giới, thế giới tưng bừng náo nhiệt của du khách, của những người có tiền xanh, bên cạnh thế giới mệt nhoài của dân địa phương. Sau 50 năm cách mạng, cái mơ của đa số dân Cuba là vượt biển qua Miami hay có bà con thỉnh thoảng gởi về một cái ngân phiếu” (Trần Công Sung, “Cuba Sí, Cuba No,” Thế Kỷ 21, Dec. 2003).

Đó cũng là cái ước mơ thê thảm, vượt quá tầm tay, của rất nhiều người dân Việt –bây giờ! Trong quá khứ, Cuba và Việt Nam cũng có rất nhiều điểm (bất hạnh) tương tự như nhau. Hai quốc gia này đều có thời gian dài là thuộc địa, và cả hai đều đã tin tưởng rằng sẽ giành lại được độc lập và tự do bằng con đường… cách mạng! Chung cuộc, cả hai đều sống dở (và chết dở) trong lòng cách mạng!

Ví von mà nói thì Havana và Hà Nội như hai cô bé lọ lem, song sinh, trong một gia đình khánh tận. Cả hai cùng có chung ước mơ là lấy được một tấm chồng đàng hoàng, lương thiện nhưng (chả may) đều phải lòng đúng đồ phải gió, và đã trao duyên lầm… tướng cướp! Và quí vị tướng cướp này đang làm cái công việc mà họ mệnh danh giữ hoà bình cho thế giới – nếu trích theo nguyên văn lời của ông Nguyễn Minh Triết, cựu chủ tịch nước Việt Nam :

“Có người ví von, Việt Nam – Cuba như là trời đất sinh ra. Một anh ở phía Đông, một anh ở phía Tây. Chúng ta thay nhau canh giữ hòa bình cho thế giới! Cuba thức thì Việt Nam ngủ, Việt Nam gác thì Cuba nghỉ…”

Havana, tuy thế, vẫn còn “có phước” hơn Hà Nội. Bi kịch của nó chỉ xẩy ra vào lúc có mặt trời – theo lời của Trần Công Sung :

“Đêm xuống, dân Cuba quên cái cực nhọc ban ngày, đổ ra đường nhộn nhịp… Quên dollars, quên cách mạng, quên những bài diễn văn dài tám giờ, quên embargo, người ta đàn hát nhẩy múa náo nhiệt. Không phải chỉ ở những khu du khách, ngay cả ở những khu bình dân, đen tối, trong những tiệm cà phê rẻ tiền…, đâu đâu cũng có tiếng nhạc, giọng hát…”

Nói cách khác là ban đêm thì dù Việt Nam có gác hay không, Cuba vẫn nghỉ.

Cho nó khoẻ!

Vẫn theo như nhận xét của Trần Công Sung thì ở Havana “có một cái gọi là cái hồn (“âme”)”. Cái hồn này đang nâng đỡ cho mọi người sống qua những ngày tháng cơ cực, đắng cay của thời mạt kiếp. Tôi còn tin rằng nó cũng sẽ giúp cho dân tộc Cuba hồi sinh chóng vánh, sau khi họ chôn xong cái Chủ nghĩa Xã hội (đang muốn “chuyển qua từ trần”) ở đất nước này.

Hà Nội (dường như) không có một cái hồn như thế để chuẩn bị hồi sinh, dù CNXH cũng chỉ còn sống thoi thóp ở nơi này. Tôi chưa bao giờ nghe ai nói đến có một đêm nào đó (dù chỉ một đêm thôi) người dân Hà Nội đã đổ ra đường, đàn hát, nhẩy múa nhộn nhịp, một cách hồn nhiên và vô tư như vậy cả.

Tình trạng của Hà Nội có vẻ tuyệt vọng hơn, theo như nhận xét của nhà văn Bùi Bích Hà – qua bài báo thượng dẫn: “Người ta chỉ cần một hai thập niên để vực dậy một nền kinh tế sa sút nhưng để xây dựng lại niềm tin cho cả dân tộc, cụ thể như dân tộc tôi, nay chỉ còn cầu phép lạ gieo xuống thửa đất hoang hoá này những hạt giống mới để bắt đầu lại.”

Cách đây không lâu – trên diễn đàn talawas – khi được hỏi “phải hình dung thế nào về văn hiến Thăng Long,” giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã (rơm rớm nước mắt, tôi đoán thế) kể lại rằng: “Gần đây có một vị viện sĩ định nghĩa văn hiến là văn học để hiến dâng cho Đảng.”

Thiệt, nghe mà… hết hồn luôn! Havana là một thành phố non trẻ, mới có mặt từ đầu thế kỷ thứ XVI mà khí phách và hồn phách vẫn còn lai láng qua từng bước chân nhún nhẩy của người dân – dù nơi đây công an (chắc) không ít hơn Hà Nội. Không lẽ mảnh đất ngàn năm văn vật, lừng lẫy cỡ như Thăng Long, mới đụng chuyện với cường quyền và bạo lực (có vài chục năm) mà đã “mất hồn mất vía” và “chết tiệt” hết thế sao?

Tôi không tin như vậy đâu. Và tôi cũng không chịu như vậy nữa. Đảng CSVN quả thực đã hớp được hồn của một mớ “viện sĩ” ở Bắc Hà nhưng những chú lính gác cửa của Bắc Kinh (hay còn có tên gọi mới, dễ thương hơn, là “những kẻ canh giữ cho hoà bình thế giới”) chưa bao giờ thực sự nhìn ra được cái hồn của đất Thăng Long, chớ đừng nói chi đến chuyện họ “đụng” được tới nó.

Do tình cờ, tôi có lần (may mắn) cảm thấy được cái hồn của Hà Nội trong một căn hộ nhỏ – ở ngõ Ánh Hồng, cạnh một nhà xí công cộng, luôn luôn ngập ngụa cứt đái – của một người đàn bà tên Sợi.

Chị Sợi có một mẹt hàng ở đầu ngõ, bầy bán các thứ linh tinh: ấm nước chè, gói thuốc lào, bao thuốc lá, lọ ô mai, gói bánh bích qui. Chị không có vốn nên hàng hoá lèo tèo, thảm hại.

Chị Sợi bán hàng không đủ thu nhập để nuôi mình, và nuôi người mẹ bệnh đang nằm chờ chết nên – đôi lúc – buộc phải bán cả thân. Mẹt hàng, cũng như thân xác “xuống cấp” của người đàn bà đã quá thời xuân sắc này, chỉ hấp dẫn được một loại khách hàng duy nhất: đám ăn mày.

Trong số những người chồng hờ ấy, chị đặc biệt yêu quý một anh ăn mày trẻ, còn ít tuổi hơn chị. Anh ta đến với chị không như người đến với gái làng chơi.

Anh đã kể cho chị nghe chuyện chân anh. Còn chị kể cho anh chuyện mẹ chị. Khi bị ngã gẫy xương hông, nằm liệt, ba năm đầu cụ hát. Ba năm sau cụ chửi. Và một năm nay cụ yên lặng. Mỗi khi có khách lên gác lửng cùng chị, cụ nhắm mắt giả cách ngủ.

Anh thương chị. Chị thương anh. Chính anh đã mượn cưa, bào ở đâu về cưa, bào, đo, cắt mộng mấy tấm gỗ cốp pha, ráp thành cái áo quan cho cụ. Và cũng chính anh, dù què một chân cũng đã bắc ghế trèo lên, xây thêm hai hàng gạch quanh tường bao cho nó cao thêm, chắn bớt cái hơi nhà xí tạt vào.

Người thứ hai chị Sợi yêu quý là một phụ nữ. Một bà già. Bà cụ Mít. Đó là một bà già thấp bé, lại còng, mặt chằng chịt vết nhăn, chẳng biết bao nhiêu tuổi nữa. Chính bà Mít cũng không biết mình bao nhiêu tuổi…

Bà ở vùng Hà Nam, Phong Cốc. Anh con trai duy nhất của bà a dua với bọn xấu trong làng đi ăn trộm lợn. Án xử hai năm. Trong tù bị bọn đầu gấu đánh chết. Người con dâu bỏ đi lấy chồng, để lại cho bà hai đứa cháu gái, đứa chín tuổi, đứa bảy tuổi.

– Bây giờ một đứa lên tám, một đứa lên mười rồi cô ạ. Vài năm nữa, chúng nó lớn khôn là tôi không lo gì nữa. Tôi có chết cũng không ân hận.

Một lần bà Mít đến, nắm lấy bàn tay chị:

– Em ơi. Chị nhờ em một cái này được không.

Bà ngập ngừng. Chị Sợi không hiểu chuyện gì. Nhưng rõ ràng là một việc hệ trọng, rất hệ trọng đối với bà.

– Giúp chị với em nhé. Chị tin ở em.

Thì ra bà muốn gửi chị tiền. Tiền là vàng, là cuộc sống của hai đứa cháu côi cút của bà ở quê. Chúng còn bé lắm. Chúng mồ côi, chúng mong bà. Chúng cần tiền của bà. Bà phải nuôi chúng. Chúng chưa thể tự kiếm sống được, chưa thể tự lo liệu được. Để nhiều tiền trong người, bà sợ. Suốt ngày đi bộ rạc cẳng mà đêm cứ ngủ chập chờn. Nên nghe chừng thấy nằng nặng hầu bao, bà phải mang tiền về quê.

……

Mùa rét bao giờ cũng là thời gian gay go của chị. Hàng họ ế ẩm. Khách đến nhà cũng ít. Bù lại với đám ăn mày, mùa rét là mùa cưới xin, mùa bốc mả. Trong khi hiếu, hỷ, người ta rộng rãi với ăn mày. Bà cụ Mít vẫn thỉnh thoảng tới chỗ chị để cho chị hòn xôi, miếng thịt. Bà kêu rét và gửi chị thêm một ít tiền. Chị bảo bà đã gửi bốn lần tiền rồi sao không mang về cho các cháu kẻo chúng nó mong, đã lâu rồi bà chưa về nhưng bà Mít nói:

– Tôi cố thêm ít ngày nữa. Rồi về ở với chúng nó một thời gian. Ngoài giêng tôi mới ra. Bà cháu xa nhau lâu quá rồi. Lại còn phải cố mua cho mỗi đứa một bộ quần áo mới mặc Tết.

Nhưng cả tháng sau bà Mít vẫn không quay lại. Chị Sợi biết rằng có chuyện chẳng lành nhưng vẫn hy vọng được thấy dáng người nhỏ còng còng của bà trong tấm ni-lông vá víu chống gậy, khoác bị bước tới. Chị chưa chờ ai đến như vậy. Lo lắng. Hy vọng. Tuyệt vọng. Chắc chắn bà Mít đã chết ở đâu rồi!

Chị Sợi kiểm lại số tiền bà Mít gửi một lần nữa. Rồi gấp những tờ giấy xi-măng, những túi ni-lông. Cho tất cả vào một cái túi xách. Bây giờ chị không chờ bà Mít nữa. Chị chờ anh què đến. Chị bảo anh:

– Bà Mít chết thật rồi. Anh phải giúp em. Ở đây trông nom, cơm nước, rửa ráy cho mẹ em vài ngày. Em phải đi đây.

– Em biết quê bà ở đâu mà tìm?

– Cứ về Hà Nam, Phong Cốc hỏi. Thế nào cũng ra. Hỏi dân. Hỏi tòa án.

Phải đem chỗ tiền này về cho hai đứa trẻ mồ côi. Phải thực hiện nguyện ước của bà cụ, kể cả việc mua hai bộ quần áo mới cho chúng nó… (Bùi Ngọc Tấn. “Truyện Không Tên”. May 17, 2009)

Chị Sợi, anh què – cũng như bà Mít – cho đến lúc chết vẫn chưa có đêm nào ôm đàn ngồi hát, hay đổ ra đường nhẩy nhót nhộn nhịp, như những người dân ở Havana. Ngày cũng như đêm họ sống ẩn nhẫn, thầm lặng trong những con hẻm hôi thối luôn ngập ngụa phân người giữa lòng Hà Nội.

Chính ở những nơi tăm tối này, họ đã giấu kín được nguyên vẹn cái hồn của cả một dân tộc qua từng nhịp thở và nhịp đập của tim. Và tôi cũng cảm được cái hồn lai láng (như thế) khi viết những dòng chữ này, dù nơi tôi đang sống cách xa Việt Nam hơn nửa vòng quả đất.

Sau khi đọc xong “Truyện Không Tên,” tôi đã viết thư cảm ơn tác giả vì đã mở cho tôi thấy cái hồn của dân tộc Việt. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn nói rằng ông không viết truyện mà chỉ kể lại chuyện đời của chị Sợi, theo như lời chính chị tâm sự.

Bùi Ngọc Tấn đã ra người thiên cổ nhưng chị Sợi, anh Què vẫn còn đang sống tại Hà Nội. Nơi đây, không phải lúc nào ra ngõ cũng gặp anh hùng hay gặp một ông (hoặc một bà) tiến sĩ. Đôi khi, chúng ta vẫn gặp được những mảnh hồn của mảnh đất này nhưng không có cơ duyên để nhận biết thôi.


 

Triết Gia & Danh Ca – Tưởng Năng Tiến

– Tưởng Năng Tiến

March 9th, 2024

Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?

Mà chả chỉ riêng hoa, ở nước ta, cái (mẹ) gì mà không thiếu nên mọi thứ vẫn thường phải phân phối theo tiêu chuẩn – ngoại trừ huân chương, huy hiệu, bằng khen, giấy thưởng … thì mới thừa thôi. Bởi vậy, tôi xin được có ý kiến (hơi) khác chút xíu : “Cộng sản nó chôn sống mình hôm nay, mai nó mang huân chương hay giải thưởng đến để … làm lễ truy tặng!”

Ông Trần Đức Thảo là một nạn nhân điển hình cho cái cách chôn sống (rất) bất nhân như thế – theo như lời của một bà cụ bán nước trà ở đầu khu tập thể Kim Liên, nơi mà triết gia của chúng ta cư ngụ cho đến gần lúc cuối đời :

“Trong khu nhà B6 đằng kia cũng có một ông tên Thảo, nhưng lôi thôi nhếch nhác quá mấy anh công nhân móc cống. Mùa rét thì áo bông sù sụ, mùa nực thì bà ba nâu bạc phếch, quần ống cao ống thấp, chân dép cao su đứt quai, đầu mũ lá sùm sụp, cưỡi cái xe đạp ‘Pơ-giô con vịt’ mà mấy bà đồng nát cũng chê. Thật đúng như anh hề làm xiếc! Mặt cứ vác lên trời, đạp xe thỉnh thoảng lại tủm tỉm cười một mình, một anh dở người…

“Một buổi trưa nắng chang chang, ông ghé vào quán uống cốc nước chè xanh, tôi hỏi: “Ông đi đâu về mà nom vất vả thế..ế.. ế. Ông nói: Lên chợ Hàng Bè mua củi đun. Tôi hỏi: Thế củi ông để đâu cả rồi? Ông quay lại nhìn cái ‘pooc ba ga’, mặt cứ ngẩn tò te. Chỉ còn có sợi dây buộc! Củi nả rơi đâu hết dọc đường, chẳng còn lấy một que… Nghĩ cũng tội, già ngần ấy tuổi đầu mà phải nấu lấy ăn, không vợ, không con…” (Phùng Quán.  “Chuyện Vui Về Triết Gia Trần Đức Thảo.” Ba Phút Sự Thực, 2nd ed. Văn Nghệ: 2007).

Nếu quí vị nghe những lời lẽ (thượng dẫn) của một bà cụ bán nước trà vô danh chưa đủ trọng lượng thì xin nghe thêm đọc thêm đôi ba câu nữa, từ cuốn Mémoire d’un Vietcong (Hồi ký của một Việt Cộng) của một chứng nhân thế giá hơn – luật sư Trương Như Tảng :

“Ông không bị tù hay hành hạ thân xác, nhưng công an bao vây, cô lập ông không cho ai tiếp xúc… Nếu ông Thảo tiếp xúc với ai, chẳng hạn một người bạn trên đường phố, thì người đó sẽ bị bắt giữ để điều tra. Bề ngoài xem ra triết gia sống cuộc đời bình thường. Nhưng thực tế ông sống như Robinson Crusoe, hoàn toàn cô độc, mặc dầu có nhiều người ở xung quanh. Ngay họ hàng thân thích cũng không được phép nói chuyện với ông. Đối với một trí thức như vậy là một sự tra tấn dã man.”

Ngó bộ ông Trương Như Tảng có vẻ hơi quá lời chút xíu, chứ nếu Trần Đức Thảo bị “tra tấn dã man” thì làm sao triết gia của chúng ta sống sót cho mãi đến năm 1991 – năm mà ông được nhà nước “tha tào” và cho trở lại Paris, theo như tường thuật của tác giả Minh Diện :

“Bảy mươi tuổi Trần Đức Thảo mới quay về chốn xưa. Tiếc thay thời huy hoàng của ông đã qua lâu rồi. Rất ít người còn nhớ tới ông. Suốt 40 năm ông cô đơn bên trời Nam, giờ lại cô đơn bên trời Tây. Khi người ta đã bỏ lỡ cơ hội thì khó mà tìm lại được. Quay lại Pari, Trần Đức Thảo sống tạm bợ trong căn phòng xép trên tầng 5, nhà khách của Đại sứ quán Việt Nam. Nhà báo Nguyễn Đức Hiền tả lại cảnh sống của ông như sau :

“Một ông già ở độ tuổi cổ lai hy, khoác chiếc áo cũ màu tím dài chấm gót, bưng bê lỉnh kỉnh mọi thứ xoong chảo, chai lọ leo lên, leo xuống hàng trăm bậc thang tự lo lấy bữa ăn cho mình. Ông già ấy cứ hành trình chừng mười bậc thì dừng lại, tựa người vào hành lang đứng nhắm mắt, há miệng thở như thổi bễ.’ Một chiều mùa Hè năm 1993, ông già ấy gục xuống tại bậc cầu thang, không bao giờ gượng đứng dậy được nữa…. Năm 2000, ông được nhà nước Việt Nam truy tặng Giải Thưởng HCM về Khoa Học Xã Hội.”

Thiệt là … có hậu hết biết luôn!

Ít nhất thì những ngày tháng cuối đời “của ông già ấy” cũng (có vẻ) đỡ đoản hậu hơn cuộc sống lê lết của … một bà già khác, cùng thời, danh ca Hà Thị Cầu. Nhân vật này tuy có kém danh giá hơn ông Thảo (chút đỉnh) nhưng cũng nổi tiếng như cồn, và được rất nhiều người ưu ái :

  • Nhạc Sỹ Quan Long: “Nghệ nhân Hà Thị Cầu là một pho sử sống về nghệ thuật hát xẩm. Cuộc đời bà như một con tằm đã xong kiếp nhả tơ. Không ruộng vườn, không lương hưu, vẫn nghèo khổ như thuở ôm con đi hát rong khắp mọi miền, bà sống dựa vào tình thương yêu, sự giúp đỡ của những người yêu mến giọng hát của bà.”
  • Nhà báo Ngọc Minh: “Trong nghệ thuật hát xẩm, bà Hà Thị Cầu được đánh giá là nghệ nhân duy nhất còn lưu giữ được nhiều làn điệu cổ của nghề. Bà cũng là người có thể tự đặt lời mới mang hơi thở của thời đại cho các làn điệu xẩm truyền thống.”
  • Nghệ Sỹ Mai Tuyết Hoa: “Cách hát và chơi đàn của nghệ nhân Hà Thị Cầu vô cùng độc đáo và ở Việt Nam gần như không có người thứ hai.”

BBC, nghe được vào hôm 3 tháng 3 năm 2013, lặng lẽ và buồn bã đi tin: “Nghệ nhân được coi là linh hồn của hát xẩm Việt Nam với gần 80 năm tuổi nghề, bà Hà Thị Cầu, đã qua đời tại Yên Mô, Ninh Bình…” Hung tin này đã khiến cho Nguyễn Quang Vinh đùng đùng nổi giận :

“Một nghệ nhân tài hoa như thế, cống hiến cho đất nước như thế, được coi là ‘báu vật nhân văn’ của quốc gia như thế, đã từng đào tạo, truyền nghề cho biết bao nghệ sĩ, đã nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn với nước ngoài… Nhưng suốt đời nghèo đói, suốt đời khổ sở, túng thiếu như kẻ ăn mày. Báo chí lên tiếng, dư luận lên tiếng, những nghệ sĩ tâm huyết thay bà gõ cửa khắp nơi nhưng mặc nhiên không ai đoái hoài, và bà- nghệ nhân Hà Thị Cầu, cho tới lúc nhắm mắt, vẫn trong nghèo đói…”

Tôi e rằng nhà văn của chúng ta không hiểu biết về đường lối, cũng như chính sách, của Đảng và Nhà Nước (rõ ràng và rành mạch) như nhà nghiên cứu âm nhạc Trần Quang Hải. Trong bản tin của BBC (thượng dẫn) ông Hải khẳng định :

“Cũng giống như ca trù, hát xẩm đã bị ‘mất đi’ trong 50 năm vì chính quyền không coi trọng những tài tử dân gian … hát xẩm bị coi là ‘hạ cấp’ và chính quyền không muốn thấy những người hát xẩm lang thang ngoài đường.”

Nói cách khác là bà Hà Thị Cầu đã bị “chính quyền” chôn sống từ lâu nhưng mãi đến tháng ba năm 2013 mới (chịu) trút hơi thở cuối cùng. Ngay sau đó, báo Thể Thao Văn Hoá (số ra ngày 06 tháng 3 năm 2013) liền hớn hở loan tin :

“Tới dự đám tang nghệ nhân Hà Thị Cầu, ông Vương Duy Biên – Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL – chia sẻ tâm nguyện cần đề nghị truy tặng cho bà danh hiệu NSND… Thời gian tới, Bộ VH, TT&DL sẽ xúc tiến thực hiện việc này.”

Thiệt là tử tế!

Theo Wikipedia : “Năm 1977, sau ngày Việt Nam thống nhất, bà viết bài  Theo Đảng Trọn Đời.” Tôi sợ rằng vì mù chữ, không đọc được Đề Cương Văn Hoá Việt Nam, nên (có lẽ) mãi cho đến khi nhắm mắt người được coi là “báu vật nhân văn sống của Việt Nam” vẫn không biết rằng toàn Đảng không ai thiết tha hay mặn mà gì lắm với tình cảm (thắm thiết) mà bà đã dành cho chúng nó.

Danh ca bị coi là “hạ cấp” đã đành, thế còn triết gia thì sao?

Xin thưa : giới người này ở bên nước bạn, cũng như ở nước ta, cả hai Đảng đều coi họ không bằng… cục cứt!

Và nói nào ngay, đối với Đảng thì giới người nào cũng vậy –  bất kể là nông dân, công nhân, thương nhân, hay trí thức. Tất cả đều chỉ là phương tiện, được sử dụng tùy theo lúc mà thôi. Sau đó đều bị mang chôn sống ráo. Nhà nước đợi cho đến khi họ tắt thở sẽ mang bằng khen hay giải thưởng đến làm lễ truy tặng. Những cái lễ này, cũng tựa như những tấm giẻ lau, dùng để lau sạch máu hay nước mắt (hoặc cả hai) cho nạn nhân của chế độ hiện hành.

TNT


 

 S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Lê Xuân Thiết

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

15/03/2024

Dù đã từ trần từ lâu, Võ Văn Kiệt vẫn được người đời nhắc đến do một câu nói khá cận nhân tình: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Tôi vốn tính hiếu chiến (và hiếu thắng) nên lại tâm đắc với ông T.T này bởi một câu nói khác: “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng ba đế quốc to”. Dù chỉ ngắn gọn thế thôi nhưng cũng đủ cho người nghe hiểu rằng VN là một cường quốc, chứ “không phải dạng vừa” đâu đấy!

Chủ Tịch Hội Nhà Văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, cũng đã từng tuyên bố một câu để đời khiến cả nước nức lòng và hả dạ: “VN là một cường quốc về thơ”.

Thật là danh nhân với danh ngôn, toàn là những lời hay ý đẹp!

Đám dân đen thì khác, chỉ phát biểu linh tinh: cường quốc dân oancường quốc vé số

Họ nói vậy mà hổng thấy kỳ. Đã vậy, lắm kẻ phản động lưu vong, nhất là đám truyền thông ngoài luồng (hoặc ngoài lồng) còn xúm xít bàn vào:

  • Thu Phương (de): “Ngay trong vùng trũng của thế giới, trong khu vực Đông Nam Á này, không có quốc gia nào, người bán vé số đông như Việt Nam.”
  • Tùng Phong (Saigon Nhỏ): “Thật khó tin khi biết doanh thu của ‘công nghiệp vé số’ lớn hơn cả doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ và than đá cộng lại”.
  • Uyên Nguyên (RFA): “Ngồi quán cà phê vỉa hè 58 – Trần Quốc Thảo, quận 1, trong vòng nửa giờ đồng hồ, đã đếm được 16 người bán vé số đến mời, già có, trẻ có, bệnh tật có, nhưng xót xa nhất vẫn là những em bé tuổi chưa đầy 15, học hành dở dang hoặc vừa đi học vừa bán vé số kiếm tiền phụ giúp cha mẹ”.
  • Dân Trần (VNTB): “Hằng trăm ngàn người bán vé số dạo trở thành lực lượng lao động chủ chốt đóng góp vào nền kinh tế quốc gia. Mỉa mai thay, lực lượng chủ chốt này lại là những người nghèo, người già, người tàn tật, trẻ em thất học.”

Có điều “mỉa mai” hơn nhiều nhưng không mấy người biết là VN còn có “triết gia bán vé số” nữa cơ. Ông Lê Xuân Thiết là một triết nhân thuộc cái diện lạ này, theo tường thuật của phóng viên báo Tiền Phong:

“Tôi tìm đến chợ Thông thuộc làng An Ninh Thượng, phường Hương Long, ngoại ô TP Huế, để tìm ông. Vừa đến gần chợ đã thấy một ông già gầy gò trên chiếc xe đạp cà tàng, tay cầm xấp vé số. Khuôn mặt hốc hác nhưng đôi mắt thì rất sáng và nụ cười đôn hậu. Tôi đoán ngay ông vé số là ‘triết gia khoán hộ’ Lê Xuân Thiết.”

Ủa? Triết gia mà sao lại ra nông nỗi thế?

Minh Nhân, tác giả bài phóng sự thượng dẫn, cho biết thêm:

Trước đó, ông từng du học học kinh tế học ở tận Kiev, Liên Xô cũ. Nhưng vì lý do sức khỏe, ông về học trong nước. Tốt nghiệp Đại học Kinh tế – Kế hoạch Hà Nội năm 1967 với tấm bằng loại ưu, chàng trai 30 tuổi Lê Xuân Thiết nhận quyết định về công tác tại Ủy ban Kế hoạch tỉnh Vĩnh Phúc.

Lúc đó cả miền Bắc bị đói, và đối tượng đói nhất lại chính là người sản xuất ra lúa gạo. Chỉ riêng tỉnh Vĩnh Phú (đầu năm 1968 Vĩnh Phúc sáp nhập với Phú Thọ thành Vĩnh Phú – NV) thì nông dân lại no đủ.

Đó là kết quả của chính sách “khoán hộ” do Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc khởi xướng và triển khai khắp toàn tỉnh từ năm 1968. Nông dân được giao ruộng đất để tự cày cấy, sau khi đóng sản lượng (đã được khoán theo hộ) cho nhà nước thì được hưởng phần còn lại, nhờ vậy mà năng suất đạt rất cao, lúa gạo đầy nhà.

Nhưng đến cuối năm 1968, chính sách “khoán hộ” bị cấm và Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc bị kiểm điểm nặng nề. Thiết liền tìm đến huyện Lập Thạch, nơi vẫn còn “lén lút” thực hiện “khoán hộ” và nhận ra việc ông Kim Ngọc làm là quá đúng, đúng với khoa học và đúng cả đạo lý.

Nhưng do ông Kim Ngọc có thực tiễn mà chưa đúc kết thành lý luận, nên không bảo vệ được chính sách khoán hộ. Vậy là Thiết viết một bản luận chứng dài 72 trang, chứng minh chính sách khoán hộ là đúng, là hợp quy luật; tựu trung trong mấy ý sau: cần giao ruộng đất ổn định, lâu dài cho hộ nông dân; ai giỏi nghề gì thì làm nghề ấy; nông dân được quyền bán cái mình làm ra ở đâu đắt nhất và mua cái mình cần ở đâu rẻ nhất; xoá bỏ ngăn sông cấm chợ…

Chính sách khoán hộ đã bị kết án là sai lầm, ông Kim Ngọc bị kỷ luật, vì vậy bản luận chứng khoán hộ của Lê Xuân Thiết không chỉ bị Ủy ban Kế hoạch tỉnh Phú Thọ kết luận là: xét lại, chống Đảng, theo tư bản chủ nghĩa, mà còn bị kết thêm tội “ngoan cố”! Đảng ủy cơ quan liền đề nghị Thiết viết kiểm điểm và thừa nhận mình sai lầm. Thiết không chịu. Có người rỉ tai Thiết, nếu cậu cứ ngoan cố vậy thì sẽ chết.

Thiết lắc đầu: “Tôi là người làm khoa học, tôi không phải là kẻ cơ hội! Thấy đúng mà vẫn nhận sai thì có tội với dân với nước. Thấy Đảng sai mà vẫn im lặng phục tùng mới là chống Đảng!” Vậy là Thiết nhận án kỷ luật: khai trừ Đảng, chuyển sang làm nhân viên dọn vệ sinh cho cơ quan. Thiết vẫn nhẫn nhục với công việc của người lao công…

Ngột ngạt quá, Thiết liền cáo bệnh và xin nghỉ mất sức… Bán trứng lộn, lượm chai bao đồng nát, làm đủ thứ mà vẫn không đủ ăn. Năm 1988, đứa em rể làm đại lý vé số thấy ông anh cử nhân kinh tế học đã từng đi Liên Xô về mà đói rách tả tơi liền bảo về bán vé số.

Ông nói hoá ra cái nghề bán vé số này lại giúp ông tồn tại đến tận bây giờ và có lẽ ông sẽ còn nương nhờ nó cho đến ngày nhắm mắt… Tôi hỏi ông có nguyện vọng được phục hồi như ông Kim Ngọc không, ông cười lắc đầu:“Muộn rồi, vả lại nhu cầu cho bản thân tôi đâu có nhiều”. Điều cuối cùng trong câu chuyện hết sức nhiệt huyết của “triết gia” bán vé số vẫn là một niềm khắc khoải: “Xã hội muốn phát triển thì phải có nền tảng kinh tế chính trị học. Các bạn trẻ cần phải đam mê và đi sâu nghiên cứu để xây dựng nền tảng đó. Đó chính là nền móng của nền kinh tế quốc gia, là động lực phát triển xã hội”.

Tôi xem xong cái “tấn bi kịch lớn” của vị triết nhân cùng thời với mình mà không khỏi ái ngại cho sự ngây thơ (“không nhỏ”) của ông: “Thấy Đảng sai mà vẫn im lặng phục tùng mới là chống Đảng!”

Má ơi! Đảng làm sao mà sai được. Chỉ có mỗi ông là bị trật đường rầy nhưng vẫn không chịu nhận thôi. Đường lối xuyên suốt của Đảng là bần cùng hóa nhân dân (bóp chặt cái bao tử cho dễ trị) mà ông lại góp ý “khoán hộ” tạo “lúa gạo đầy nhà” để chúng ăn no rồi làm loạn à?

Đã thế, cho mãi đến cuối đời, ông còn vẫn “nhiệt huyết” và “khắc khoải” về “nền tảng kinh tế chính trị học” (để “phát triển xã hội”) thì có chết không cơ chứ. “Phú chi, giáo chi” giúp cho dân giàu, dậy cho dân học là chính sách của bọn quan lại ở thời phong kiến chứ nào phải thời này.

May mắn là “tấn bi kịch lớn” của cá nhân Lê Văn Thiết đã hoàn toàn chấm dứt. Ông từ trần vào lúc 8:30 sáng, hôm 28 tháng 6 năm 2022, tại quê nhà. Đỡ khổ cho ông và cũng đỡ phiền cho Đảng.

Điều không may là “tấn bi kịch lớn” hơn của nhiều vị thức giả (trong cũng như ngoài nước) thì vẫn còn nguyên. Họ vẫn nhiệt tình và đều đặn kiến nghị hay góp ý để sửa đổi bộ máy hành chánh, cải cách kinh tế, cải tổ giáo dục … mà không biết rằng Đảng chả hề muốn cải sửa gì ráo trọi.

Chủ trương nhất quán là phải nắm chắc quyền lực bằng mọi giá, kể cả cái giá ngu dân và bần cùng hóa toàn dân (cho chúng không thể ngóc đầu lên được) thì Đảng mới an tâm – Giời ạ!


 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Vũ Ánh

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

14/03/2024

Sau 30 tháng 4 năm 1975 Bên Thắng Cuộc đã dàn dựng một hệ thống gồm những “tổ chức phục quốc” ở rất nhiều nơi, và đã khiến cho không ít thanh niên miền Nam bị rơi vào … bẫy!  Nhà báo Vũ Ánh (V.A) là một trong những người này –  như chính ông cho biết, trong cuốn hồi ký (Thung Lũng Tử Thần) do Người Việt Books xuất bản vào năm 2014:

Tôi còn nhớ rõ buổi hoàng hôn ngày 16 tháng 8 năm 1975, khi mặt trời đỏ lừ đang từ từ rơi xuống phía sau hàng cây trên bờ sông La Ngà, toán chúng tôi gồm tôi, Cự, Phụ, Khải, Thuật và một số khoảng 20 người khác đã rơi ngay vào tay một cánh quân mà sau này chúng tôi biết là của Quân Khu 7 Việt Cộng khi vừa đến một điểm hẹn tập trung gần bờ sông.

Hầu hết những người bị bắt đều là sĩ quan, công chức, cảnh sát VNCH khước từ lệnh trình diện để lựa chọn một con đường khác: đi tìm bóng dáng của các nhóm tàn quân VNCH mà chúng tôi được mật báo một cách sai lạc bởi chính bọn quân báo Việt Cộng qua trung gian gồm chính một số cựu sĩ quan, viên chức VNCH cộng tác với họ.

Giận dữ, nôn nóng, vội vã và cả tin đã khiến chúng tôi bị sập bẫy như những đứa con nít. Và khi vào nằm trong gông cùm rồi, chúng tôi chỉ còn biết tự an ủi: bản thông báo của Ủy Ban Quân Quản ra lệnh cho các sĩ quan, viên chức chỉ huy trong chính phủ VNCH, thành viên trong các chính đảng ở Miền Nam Việt Nam phải trình diện và mang theo lương thực đủ 10 ngày để đi “học tập cải tạo” không đánh lừa được chúng tôi, dù cái giá chúng tôi phải trả cho sự tỉnh táo ấy rất đắt.

Rất đắt là bao nhiêu?

Xin thưa là hơn 13 năm tù, với 7 năm biệt giam, và khẩu phần là “ba muỗng nước, với ba muỗng cơm” mỗi bữa. Không phải ai lãnh án “phục quốc” đều bị giam cầm khắc nghiệt như thế cả. V.A là một “trường hợp đặc biệt” nên được ban giám thị trại tù A-20 Xuân Phước … đối đãi cách riêng – theo lời nhận xét của một bạn đồng tù:

Vũ Văn Ánh đến từ trại Hàm Tân Z-30C, nguyên là một công chức cao cấp của Bộ Thông Tin, anh có học báo chí ở Hoa Kỳ và giáo sư ngành truyền thông Đại học Cửu Long, sau tháng 4 năm 1975, anh học tập ba ngày tại cơ sở rồi trốn trình diện.

Ánh và số bạn bè như Đại-úy Cảnh sát Vũ Trọng Khải, Trung-úy Dù Đoàn Bá Phụ, Đại-úy An Ninh Quân Đội Nguyễn Đại Thuật, những người trốn học tập. Các anh được móc nối tham gia tổ chức của Bác-sĩ Phan Huy Quát, người móc nối đưa các anh vào bưng vùng Biên Hòa thì bị bắt…

Ở các trại Ánh sống đứng đắn, trọng danh dự nên được rất nhiều sĩ quan trẻ mến, trong đó có Trần Bửu Ngọc sĩ quan Biệt Kích và Ngô Văn Ly sĩ quan Biệt Động Quân. Ở đâu Ánh cũng là một cá nhân có sức thu hút và thuyết phục. Chính điểm son này, ở trại giam nào anh cũng bị giam cùm trong kỷ luật…” (Nguyễn Chí Thiệp. Trại Kiên Giam. Los Angeles, CA: Sông Thu, 1992).

Cái “điểm son thu hút” của V.A, thực ra, không phải lý do khiến ông thường trực bị  giam riêng. Cá tính “đứng đắn” cũng không thể khiến ông bị gông cùm suốt từ năm này sang năm khác. Vấn đề – có lẽ – chỉ vì V.A quá “trọng danh dự” mà thôi, theo như quan điểm và cách ứng xử cố hữu của ông:

“Cuối cùng muốn giữ nhân phẩm, duy trì nhân cách và khí tiết, một người tù cải tạo phải biết chấp nhận phần xấu nhất cho đời tù của mình, đó là sẵn sàng ra nằm ở Ðồi Thông (nghĩa địa của tù nhân cải tạo). Sự chấp nhận ấy là chiếc chìa khóa hóa giải bất cứ sự sợ hãi nào.”  (V.Ánh, sđd, 107).

Chính nhờ “sự chấp nhận ấy” nên bạn đồng tù đã nhiều lần “há hốc mồm lắng nghe” khẩu khí của V.A, khi ông thay mặt anh em để đặt vấn đề với ban quản lý trại giam:

“Anh sửa micro cho vừa với tầm đứng của mình và bắt đầu nói… ‘Ông giám thị nói về chính sách nhân đạo khoan hồng rất hay, người tù chúng tôi nghe rất sướng tai, nhưng rất tiếc lời nói và việc làm thường không đi đôi với nhau; người đời thường nói một đàng và làm một nẻo.’ Anh nói về chế độ ăn uống… Anh nhấn mạnh về việc cán bộ võ trang đánh tù (chính trị có án).

Và sau cùng anh nói về chính sách kỷ luật… Lúc ấy trông anh đẹp quá! Hiên ngang quá! Anh ứng khẩu, giọng chững chạc, đầy uy lực. Cả hội trường há hốc mồm, lắng nghe như uống từng lời nói của anh.” (Phạm Đức Nhì. “Vũ Ánh Và Tôi – Chung Một Đoạn Đời”. Việt Báo 03.06.2014)

Không chỉ nói suông mà V.A còn làm những chuyện kinh khủng khác. Cùng với Trần Danh San, Nguyễn Chí Thiệp…, ông thực hiện một tờ báo chui (underground press) khiến cho không chỉ Cục Quản Lý Trại Giam mà đến cả Bộ Công An Việt Nam cũng phải rúng động.

Chuyện làm báovượt trạituyệt thựcchất vấn cán bộ quản giáotổ chức những buổi văn nghệ tù ca … của những tù nhân A-20 có thể làm thành một cuốn phim hấp dẫn, với rất nhiều pha ngoạn mục, cùng những mẩu đối thoại “đôm đốp” rất bất ngờ (và cũng rất khó tin) đã có thể xẩy ra thường xuyên trong một trại kiên giam.

Chúng tôi đã có dịp nhắc đến tờ Hợp Đoàn (trong những trang sổ tay trước, cũng trên diễn đàn này) nên xin phép chỉ ghi thêm đôi điều, theo lời của chính những người trong cuộc:

  • Nằm trong cùm bị bớt khẩu phần và nước uống nhưng không phải lao động khổ sai để đổi lại 300 grams thực phẩm mỗi ngày. Nằm cùm, dù bị cắt bớt khẩu phần, có đói đến lả đi, nhưng sẽ không chết trừ phi bị nhiễm kiết lỵ. Ngược lại ở ngoài trại, lao động nặng lại ăn uống thiếu thốn kiểu đó, bị lao phổi có khi lại chết mau hơn không chừng…

Phân tích và quyết định như thế khiến tôi yên tâm và coi việc nằm chuồng cọp là một hình thức nghỉ ngơi. Ðó cũng là lý do tại sao giữa vòng vây của an ninh trại giam và những nội gián trong số bạn đồng tù với mình, tôi gấp rút chuẩn bị cùng với một số anh em khác đồng chí hướng cho ấn hành một nguyệt san lấy tên là “Hợp Ðoàn,” một nguyệt san chỉ có một ấn bản viết tay duy nhất và bí mật lưu hành trong trại, nhưng lúc nào chúng tôi cũng chuẩn bị nếu có cơ hội là gởi ra nước ngoài. (Vũ A., s.đ.d, tr.106 -107).

  • Hợp Đoàn xem như là một thành công, anh em tiếp nhận đọc rất thận trọng và nghiêm túc. Thực chất nội dung vẫn chưa hẳn là một tờ báo đáng giá gì nhưng vì ở trong tù vừa khó khăn vừa nguy hiểm, mỗi lần Ánh hay Cường viết và lên khuôn tờ báo, những anh em thân thiết đều phải canh chừng và tổ chức đánh cờ chung quanh để tránh sự dòm ngó của an-ten, nên công một người thành công của nhiều người. Anh em đọc củng cố bảo vệ nó như người phát hành, vì nếu đổ bể ra thì tất cả đều bị chịu thiệt hại. (Nguyễn C.T., s.đ.d, ch.13).

Nhưng trước sau gì thì cũng “bể” thôi, theo bút ký (Ký Ức Bỏ Quên) của A-20 Nguyễn Thanh Khiết: “Cũng vì tờ Hợp Đoàn mà 1983 có gần 60 mạng vào biệt giam … Tháng 10-1986 Alpha, Nguyễn Chí Thiệp, Trần Danh San, Trần Bửu Ngọc, Ngô Văn Ly, Nguyễn Tú Cường, cùng vài đấng máu mặt bị quăng lên xe đưa về trại T20 (Thành Gia Định).

Bọn chèo dứt khoát muốn đào tận gốc rễ tờ báo ‘Hợp Đoàn’. Chính vì thế tại trại giam này, một số các anh được thả từ 1981- 82 cũng bị hốt lại, trong đó có mặt những hào kiệt từng làm điêu đứng bọn cai tù ở trại A20, Phạm Đức Nhì, Trần Đức Long, Bùi Đạt Trung, Nguyễn Văn Hiếu, Phạm Chí Thành …”

Tuy nhiên, vào phút chót, đám lãnh đạo Hà Nội (bỗng dưng”) đổi ý. Họ chợt nhận thức được rằng khoác thêm cái bản án chung thân cho những con người đã trải qua gần hết đời mình trong những trại biệt giam (mà không hề nao núng) chả phải là chuyện khôn ngoan.

Thêm một phiên tòa dành cho tờ Hợp Đoàn chỉ giúp cho công luận thấy được rõ hơn sự tàn bạo của chế độ hiện hành, cùng tính chất bất khuất và can trường của những kẻ thuộc bên thua cuộc mà thôi.


 

 S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Nguyễn Vũ Bình

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”.

Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời.

Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong … sự nghiệp của giới làm phim và trong … lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người – nhất là người Việt.

Ai cũng tưởng vậy nhưng không phải vậy. Tưởng vậy là lầm, là tưởng năng thối. Theo báo Phố Văn – số 3, bộ mới, phát hành từ Texas ngày 1 tháng 8 năm 2002 – thì dù sắp bước vào tuổi tám mươi, bỗng dưng, không hiểu sao, Kim Dung “quyết định viết lại một số tiểu thuyết đã được xuất bản trước đây, và một số nhân vật sẽ được thay thế hay ‘nhào nặn’ lại.”

Úy Trời đất, thiên địa, qủi thần ơi! Ðó là một quyết định…chết người, chớ không phải giỡn chơi đâu nha – cha nội! Và kẻ đầu tiên tử nạn sẽ là chính tôi, chứ còn ai vô đây nữa.

Thưở mới lớn tôi lỡ thương thầm một nhân vật của Kim Dung. Nàng tên là Nghi Lâm. Một ni cô rất đẹp, rất dễ thương, rất thánh thiện và ngoan hiền chưa từng thấy.

Những năm tháng thanh xuân, tôi đi tìm (trong vô vọng) một người yêu như thế – một người (không chừng) dám chỉ có trong tiểu thuyết… Kim Dung. Xác xuất để gặp được đúng đối tượng (right person) trong tình trường – theo như tôi biết, qua thống kê – là một trên ba mươi sáu ngàn (1/36.000)!

Con số này, than ơi, quá lớn và đời người thì (buồn thay) quá ngắn. Do đó, tôi đành lựa đại một người và rồi phải sống mãn kiếp trong cơn mộng vỡ – tan tành – của chính mình!

Như thế tưởng cũng đã đủ bỏ mẹ đời tôi rồi mà Kim Dung vẫn chưa hả dạ. Thử nghĩ xem lỡ ông ấy “nhào nặn lại” Nghi Lâm thành một nàng … tu xuất, ngồi bán tôm bán cá ở chợ Cầu Ông Lãnh hay cho thuê video phim sex ở phố Bolsa thì làm sao tôi sống nổi nữa – hả Giời!

Càng sống, càng gặp nhiều khổ đau (nơi đất khách quê người) tôi mới càng thấm thía lời chỉ dậy thâm thúy của ông bà tổ tiên mình:

“Ta về ta tắm ao ta …”. Việc gì phải chúi mũi vào sách vở Tây Tầu làm chi cho đời thêm rắc rối. Việt Nam thiếu ối gì những những người viết truyện hay ho; đã thế, họ toàn là sản xuất ra những nhân vật thơm tho và lành mạnh.

Trong cuốn Văn Học Miền Nam Tổng Quan, do nhà Văn Nghệ in tại Hoa Kỳ (xuất bản năm 1986) nơi trang 257, Võ Phiến viết rằng: “Các truyện của ông Doãn nhân vật nào cũng tốt, việc gì cũng có khía cạnh hay. Ông bất lực không tạo được người xấu, kể nổi việc xấu. Ðọc sách ông thơm tho cả tâm hồn”.

Cò Đùm là một người điển hình và tiêu biểu như thế:

Khoảng một thời gian từ 1945 đến 1947 Cò Đùm như nhân vật một truyện cổ tích diễm phúc nhất. Tại cả vùng Phủ Quảng quê hương, thưở ban đầu kháng chiến, Cò Đùm là một trong số hiếm hoi những người đã thể hiện được đủ năm E:

Diện bộ đồ ka–ki ăng LE, tay đeo đồng hồ Vi–LE, đi xe đạp Luy–xi–FE bằng thứ nhôm rất nhẹ của Tây, bút máy gài túi áo nhãn hiệu Oe–rê–VE, và, chao ôi, điều này mới là vinh dự, sau khi đã cống hiến rất hậu hĩ cho chính phủ kháng chiến trong tuần lễ vàng, anh được đóng thuế hạng E, tức là hạng cao nhất sau bốn hạng A,B,C,D.

Giấc mộng đẹp phù du đó qua mau và phũ phàng.

Chỉ mới sang khoảng 1947, anh đã nhận chân rằng thuộc thành phần địa chủ như gia đình anh, gặp nhiều khó khăn lắm trong cuộc sống song hành với những đảng viên đảng Lao Động đương lãnh đạo cuộc kháng chiến. Biết là sống lộ liễu ở quê hưong không nổi, anh đơn độc lẳng lặng dọn đến làng Cốc…và sinh sống bằng nghề buôn thuốc Tây và chích dạo.

Gia đình anh đóng thuế nông nghiệp. Khánh tận của chìm của nổi rồi, mẹ già anh vừa mất, chắc chắn u uất mà chết, chỉ còn vợ anh và lũ con thơ. Mẹ anh được chôn cất xong, công tác bao vây địa chủ tiếp tục tiến hành.

Họ bao vây nhà anh bằng trống lớn, trống nhỏ thay phiên nhau gõ liên miên như hổ huê riễu cợt, như chửi rủa thúc dục. Nhưng vợ anh quả không còn một đồng một chữ trong tay để trả thuế nông nghiệp. Ruộng bán không ai mua, nhờ cầy nhờ cấy không ai giúp, vì tránh liên hệ với địa chủ.

Họ đánh trống liên miên như vậy suốt ba ngày đêm, tiếng trống bỗng ngưng bặt vào sớm tinh sương hôm đó giữa sự bỡ ngỡ của chị Cò Đùm. Chị bước ra sân, và chị rụng rời tưởng có thể khụyu xuống ngất xỉu.

Ba cây cau cao ngất ngoài sân trước nhà, cây cau chính giữa phất phới một lá cờ đỏ sao vàng to gấp đôi lá cờ vuông cổ truyền vẫn treo phất phới trước sân đình vào những ngày hội ngày xuân xưa cũ. Đó là bản án tử hình căn nhà và năm mẹ con chị mà đao thủ phủ sẽ là một phi công địch nào chợt bay qua đó… Đã bao nhiêu ngày chần chừ, nhưng tới đó thì Cò Đùm không thể chần chừ được nữa. Phải về tức khắc!

Và Cò Đùm đã về tức khắc…

Cò Đùm đã về tới Phủ Quảng ra sao, trình diện ra sao, điều đình với ủy ban hành chánh kháng chiến ra sao, lá cờ đỏ sao vàng được hạ xuống khỏi cây cau chính giữa ra sao, tôi không được biết một chút chi tiết nào, và cũng như bao giờ, tôi chỉ nghe Cò Đùm sau giờ học Pháp văn tâm sự tới đâu hay tới đấy, tuyệt nhiên không gợi hỏi thêm một lời nào. Tôi theo kỷ luật này, tin rằng đó là nghi lễ tối thiểu tôi phải có với Cò Đùm.”

Tình cảnh của Cò Đùm, vẫn theo như mô tả của Doãn Quốc Sỹ là “Cảnh một ngày mùa đông mưa gió rập rùi, tơi tả, chân tay lạnh cóng, áo quần rách mướp, chỉnh gạo không có một hạt, vợ đau con ốm, vũ trụ và con người như vừa đẩy đưa tới thềm tận diệt.”

Cảnh sống “rập rùi, tơi tả” như thế đã kéo dài gần cả thế kỷ ở Việt Nam. Những anh/chị Cò Đùm đã xoay sở thế nào để bản thân và gia đình vẫn được sống còn trong những mùa đông vô tận và nghiệt ngã đó?

Họ đã chịu đựng tai ương và hiểm hoạ cộng sản, cũng như đã âm thầm (ẩn nhẫn) chống lại với sự ác độc và xấu xa của nó cách nào để gìn giữ cho cả dân tộc Việt khỏi bị diệt vong”?

Doãn Quốc Sỹ trả lời như sau:

“Có thể coi Cò Ðùm là tượng trưng cho tâm hồn điển hình nhất của quảng đại quần chúng Việt Nam vùng thôn dã. Một tâm hồn bén nhậy, tuyệt luân khôn ngoan mà không biết rằng mình khôn ngoan, đôn hậu mà không biết mình đôn hậu.

Ðầu đội giời chân đạp đất, đi đứng vững chãi bằng cả con người, cảm xúc và phản ứng bằng cả con người, và cực kỳ bén nhậy, cực kỳ chu đáo, cực kỳ sáng suốt, để tự bảo tồn và cũng có nghĩa là bảo tồn dòng giống quê hương…

Cò Ðùm, hay con Cò Ðùm cũng thế, vẫn nằm nguyên đó như mầm sen lẩn sâu dưới đáy bùn. Và tôi nhìn thấy mầm sen chợt nở, đó là đêm tôi đứng khựng trước TV bắt gặp chàng thanh niên có chiếc răng khểnh… “

Ðó là vào một đêm tháng 8 năm 1974, theo như tác giả ghi lại cuối truyện ngắn “Cò Ðùm” – trong tuyển tập truyện ngắn (cùng tên) do nhà xuất bản Văn Nghệ in tại Hoa Kỳ năm 1997. Những đoạn văn trong ngoặc kép (in nghiêng) dẫn thượng đều được trích dẫn từ truyện ngắn này.

Phần tôi, hơn một phần tư thế kỷ sau, sang đầu thế kỷ 21, tôi mới tình cờ nhìn thấy Cò Ðùm (hay cháu Cò Ðùm cũng thế) vào một đêm giữa tháng 8 năm 2002 trên màn ảnh … internet. Ðêm hôm ấy tôi lò dò đi tìm một số tài liệu vì có dự tính sẽ cùng bạn bè tổ chức một buổi hội thảo về những người trẻ đang đấu tranh cho tự do và dân chủ ở Việt Nam – như Nguyễn Khắc Toàn, Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn…

Và tôi tìm ra Nguyễn Vũ Bình. Anh sinh ngày 02 tháng 11 năm 1968 tại tỉnh Nam Ðịnh, tốt nghiệp đại học Tổng Hợp, sau đó làm phóng viên kinh tế của tạp chí Cộng Sản từ năm 92 đến năm 2000. Anh có vợ và hai con gái đang sống tại Hà Nội.

Những năm gần đây Nguyễn Vũ Bình tham gia tích cực vào những sinh hoạt đòi hỏi tự do và dân chủ cho Việt Nam. Ngày 2 tháng 9 năm 2000, anh xin thành lập đảng đối lập. Ngày 5 tháng 9 năm 2001, anh xin thành lập Hội Chống Tham Nhũng. Hai việc làm này đã khiến anh mất việc và bị sách nhiễu bởi nhà đương cuộc Hà Nội.

Những đe doạ “lặt vặt” như thế không làm cho Nguyễn Vũ Bình nao núng. Ngày 6 tháng 7 năm 2002 (cùng mười sáu nhân sĩ khác) anh đã ký tên vào bản thỉnh nguyện yêu cầu những người cầm đầu đảng CSVN xét lại những hành động sai trái và vi phạm dân chủ của họ. Và mới đây, ngày 20 tháng 7 năm 2002, Nguyễn Vũ Bình đã gửi bản điều trần “về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam” đến quốc hội Hoa Kỳ. Anh bị câu lưu hai ngày sau đó…

Ðang lướt nhanh qua những sự kiện như thế, tôi bỗng thấy hình của một thanh niên độ tuổi ba mươi, trông rất quê mùa nơi trang Câu Lạc Bộ Những Chiến Sĩ Dân Chủ Cho Việt Nam (The Democracy Club for Viet Nam) khiến cho tim như vừa đập hụt đi một nhịp.

Ai như Cò Ðùm vậy kìa ?

Ðích thị là Cò Ðùm chứ còn ai nữa. Trực giác bảo tôi như thế. “Cò Ðùm Nguyễn Vũ Bình”, tôi thầm reo giữa đêm khuya và nước mắt bỗng ứa ra – chẩy dài xuống má. Tôi chợt cảm nhận được sự kỳ diệu của hồn thiêng sông núi và sức mạnh của cả dân tộc mình đang tràn dâng qua hình ảnh của Nguyễn Vũ Bình.

Nhà đương cuộc Hà Nội không phải chỉ đang đối mặt với từng cá nhân đơn lẻ đòi hỏi tự do và công lý như Nguyễn Khắc Toàn, Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn hay Nguyễn Vũ Bình… Họ đang phải đuơng đầu với cả một thế hệ Cò Ðùm của thế kỷ thứ XXI – những con người tràn đầy niềm tin, dũng khí, sinh lực và tự trang bị đầy ắp kiến thức cùng với những phương tiện tối tân nhất của thời đại thông tin.

Trong khi đó cả đảng CSVN chỉ còn những đảng viên già nua, bệnh hoạn, bẩn thỉu chân tay lập cập với những thứ “vũ khí” đã lỗi thời: dối trá, bạo lực và những thủ đoạn vặt vãnh kiểu như cắt điện thoại, xem trộm thư, ném đá vào nhà, nhìn lỗ khoá…

Cái chiến thuật “cổ điển” như “chối bai bải” hay dùng “lưỡi gỗ” chỉ còn mang lại những tác dụng ngược vì những Cò Ðùm hôm nay đã chuyển dịch được những tài liệu viết về dân chủ (từ những web site viết bằng ngoại ngữ) và “phóng ngược” lên “internet” cho mọi người cùng đọc, đã viết được những bài phân tích sâu sắc và chính xác về thảm trạng của quê hương, đã can đảm và trung thực gửi bản điều trần về tình trạng xâm phạm nhân quyền ở Việt Nam đến nhân loại khắp Năm Châu.

Và từ khắp bốn phương trời, có vô số những Cò Ðùm đang lưu lạc nhưng mắt luôn đăm đăm nhìn về quê mẹ.

Và tôi rưng rưng xúc động khi nghe được những lời nói ôn tồn, chừng mực, trầm tĩnh thể hiện được tấm lòng nhẫn nại, nhân ái, bao dung và độ lượng vô biên của dân tộc Việt qua lời của Cò Ðùm Nguyễn Vũ Bình – khi anh trả lời phỏng vấn của đài BBC:

“Vấn đề mà tôi đặt ra là chờ đợi sự thay đổi của Ðảng CSVN thì rất khó khăn và tôi cho rằng Ðảng CSVN không thể làm nổi. Cái đơn giản nhất cho xã hội mà họ còn có thể làm được hiện nay là cho phép hình thành lực lượng đối lập để lực lượng này kiểm tra, giám sát và làm đối trọng quyền lực… Trên cơ sở đó tôi đã làm đơn xin thành lập một đảng như thế…”

Tôi cũng hy vọng (mỏng manh) những người đang cầm quyền ở Việt Nam còn đủ chút lý trí để nhìn ra được vấn đề “như thế”, trước khi quá muộn.

Tưởng Năng Tiến – 2004


 

 S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Ghế Súp

 Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

Nhà văn Võ Hồng ví von: “Bụng to như bụng xe đò.” Nhận xét của ông, rõ ràng (và hoàn toàn) không… trật! Xe đò thường đầy khách mới chịu rời bến nhưng trên đường đi tài xế vẫn luôn dừng bánh “hốt” thêm mấy con nhạn là đà để kiếm thêm chút đỉnh. Khách lên sau thì ngồi ghế súp.

Dù có nguồn gốc La Tinh (supplementum) nhưng ghế súp thì chắc phải là sáng kiến (riêng) của giới xe đò xứ Việt, như một giải pháp tình thế, khi cái đít nhiều hơn cái ghế.

Trên chính trường Việt Nam ghế cũng ít, đít cũng nhiều. Đã vậy, nhiều vị chính khách nhất định ngồi lì vì sợ “cái đít nó nhớ cái ghế” nên nhu cầu ghế súp còn khẩn thiết hơn trên xe đò nữa. Chỉ có điều khác biệt là người làm chính trị không ăn nói bỗ bã như tui, hay như mấy cha nội tài hay lơ xe. Họ không gọi nhau là “súp chủ tịch nước” hay “súp thủ tướng.”

Ngôn ngữ của chính giới nghe “diplomatic” hơn nhiều – theo ghi nhận của Wikipedia:“Phó Thủ tướng Việt Nam là một chức vụ trong Chính phủ Việt Nam, được quy định ngay từ Hiến pháp 1946. Trong Chính phủ Việt Nam từ năm 1955 có nhiều ghế Phó Thủ tướng. Kỷ lục nhất là vào năm 1987 có tới 12 Phó Thủ tướng tại nhiệm và trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa VII (1981-1987) tổng cộng có tói 17 người đảm nhiệm Phó Thủ tướng.”

Thiệt là ớn chè đậu. Cái gì mà nhiều (hay nhiều quá) thì thường dễ ớn, và rất ít khi được ưa chuộng hay quan tâm. Người Việt chỉ có dịp nghe đến tên tuổi qúi vị phó thủ tướng của nước này khi báo chí nhắc đến những câu “danh ngôn” của họ:

Nói (nghe) đã tệ, cung cách làm việc (xem ra) còn tệ hơn nhiều – theo như ghi nhận của G.S Nguyễn Văn Tuấn:

“Tôi vừa dự một hội nghị chuyên ngành từ Phú Quốc về, và trong thời gian ngắn ngủi đó cũng được nhìn thấy sự quan liêu và lãng phí ghê gớm trong các quan chức cao cấp ở nước ta.

Hội nghị thu hút khoảng 270 người đến tham dự, với sự tài trợ nhiệt tình của các công ti dược. Khách sạn Sasco Blue Lagoon Resort được chọn làm nơi tổ chức, và khách tham dự đã đặt phòng từ một tháng trước.

Tưởng rằng đã đặt phòng thì chắc ăn sẽ có phòng để ở, nhưng ở Việt Nam ‘sự đời’ không đơn giản như thế. Một số khách đến ngày hội nghị, đến nơi check-in thì được biết là đã… mất phòng!

Tại sao? Tại vì phái đoàn tùy tùng của ông phó thủ tướng Hoàng Trung Hải ra thị sát hay đi holiday gì đó ở đảo Phú Quốc, và vì khách sạn là của Nhà nước, nên họ phải dành phòng cho tùy tùng của ông phó thủ tướng, và tống cổ khách đi khách sạn khác. Một kiểu làm business rất đặc thù của các công ti thuộc Nhà nước Việt Nam.

Chưa hết. Khoảng 10 khách mời và diễn giả (speakers) của hội nghị từ Hà Nội cũng không tham dự được, cũng chỉ vì người ta dành ưu tiên cho chuyến bay của ông Hoàng Trung Hải. Cần nói thêm rằng những người này đã mua vé máy bay (Vietnam Airlines) từ cả tháng trước. Nhưng bất chấp mọi qui luật business, Vietnam Airlines vẫn lấy chỗ của các hành khách này để cho đoàn tùy tùng của ông Hoàng Trung Hải! Một số còn ‘đau’ hơn, vì họ đã bay vào Sài Gòn, nhưng đành phải bay về Hà Nội chứ không có chỗ để đi Phú Quốc…

Sống ớ nước ngoài lâu, tôi chưa bao giờ chứng kiến cái cảnh bộ trưởng hay phó thủ tướng đi mà có xe cảnh sát dọn đường, chưa bao giờ chứng kiến cảnh bộ trưởng, thậm chí thủ tướng, ăn trên ngồi trước.

Tôi cũng từng có cơ duyên gặp một hay hai bộ trưởng Úc nên thấy được phong cách bình dân của họ như thế nào. Thủ tướng Úc đi công tác các tiểu bang chỉ có 2 người (ông ấy và bảo vệ) và đi trên chuyến bay dân sự như mọi người dân khác. Còn ở Việt Nam, tôi thấy các quan chức cứ như là những ông trời hay thần thánh sao ấy.”

Nhà báo Trương Duy Nhất là một nhân chứng khác:

“Khách sạn Phương Đông, thành phố Vinh. Cửa vào thang máy có 3 khoang. Khoang chính giữa mở nhưng bị một tay bảo vệ mặc sắc phục vàng đứng ngáng giữa chặn lại. Vài người bước vào liền bị bảo vệ lôi ra. Tất cả khách muốn lên xuống phòng đều được hướng dẫn đứng xếp hàng chờ hai cửa khoang thang máy hai bên.

Tôi ngạc nhiên:

– Sao khoang giữa mở mà không cho ai vào?

Tay bảo vệ thật thà:

– Đây là chuyên khoang dành chờ Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng.”

Nói tóm lại thì những ông PTT Việt Nam – gần đây – đều là những người gù về tài năng cũng như nhân cách. Câu chuyện ghế súp, tất nhiên, chưa chấm dứt ở đây. Báo Dân Trí lại hân hoan cho biết:

“Chiều 30/12, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương đã trao quyết định của Bộ Chính trị về việc bổ nhiệm hai Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chuyên trách và ba Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương kiêm nhiệm…”

Chỉ có Trời (may ra) mới biết là cái ông Trưởng Ban Kinh Tế Trung Ương làm cái mẹ gì ở đất nước này, nói chi đến mấy ông thổ tả được mệnh danh là Phó Trưởng Ban. Và ngay cả Trời chắc cũng không biết tại sao tất cả qúi ông “phó” này trông đều tươi vui sung sướng ra mặt như thế.

Sự hớn hở của họ khiến tôi nhớ đến một bức thư khiếu nại, đọc được cách đây khá lâu, trên Cơ Quan Ngôn Luận Của Hội Liên Hiệp Phụ Nữ TP HCM:

“Tôi đặt vé xe qua điện thoại của doanh nghiệp vận tải Thanh Thủy để đi từ Vĩnh Long đến TP.HCM, nhưng đến lúc lên xe thì không được ngồi đúng số ghế đã đặt. Nhân viên nhà xe lý giải là do lỡ nhận số khách nhiều hơn số ghế của xe nên gây ra tình trạng dư khách và đề nghị tôi ngồi ghế ‘xúp’. Vì sợ công việc bị chậm trễ nên tôi buộc lòng phải chấp nhận.

Sau khi tới nơi, tôi gọi điện thoại đến đường dây nóng của doanh nghiệp để phản ánh. Tuy nhiên, người tiếp điện thoại (không chịu xưng tên, chỉ tự khẳng định mình là quản lý cấp cao của doanh nghiệp) không hề xin lỗi tôi về sự sai sót cũng như có hướng giải quyết thỏa đáng, mà còn trách tôi tại sao không chịu thông báo ngay lúc trên xe.

Tôi giải thích rằng tôi không thích tranh cãi ồn ào ở chốn đông người, muốn giữ hình ảnh của doanh nghiệp và không muốn phiền các hành khách khác trên xe. Tuy nhiên, người quản lý này cho rằng đã gọi là đường dây nóng thì phải gọi ngay lúc việc xảy ra, bây giờ về đến nhà thì nguội mất rồi, không chấp nhận xử lý bởi vì đó là lỗi của tôi không chịu gọi ngay. Tôi thấy doanh nghiệp này chưa tôn trọng khách hàng.” Nguyễn Thị Bảo Ngọc (Vĩnh Long)

Chớ có “doanh nghiệp cách mạng” nào mà tôn trọng khách hàng nhưng phải chi khi bị ấn đầu ngồi xuống cái ghế (súp) Phó Chủ Tịch Nước mà Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Định, Nguyễn thị Bình, Trương Mỹ Hoa … cũng dám viết một cái thư lầu bầu mấy câu như trên thì cũng đỡ tủi cho oan hồn của MTGPMN – chút xíu.