26/08/2023
Đào Tăng Dực
Thứ Sáu ngày 18-8-2023, một biến cố quan trọng xảy ra. Đó là cuộc họp thượng đỉnh giữa 3 nguyên thủ quốc gia tại Camp David, nơi nghỉ mát truyền thống của các tổng thống Hoa Kỳ.
Thật vậy Tổng thống Joe Biden, Thủ Tướng Nhật Fumio Kishida và Tổng thống Nam Hàn Yun Suk Yeol đã tham dự thượng đỉnh này và kết quả là một kết hợp tay ba trên nền tảng một số nguyên tắc gọi chung là “Những Nguyên Tắc Camp David” (David Camp Principles), bao gồm nhiều vấn đề, từ quốc tế công pháp, nhân quyền, đến thay đổi khí hậu. Trong số đó, các nguyên tắc sau đây có tính chiến lược tại Biển Nhật Bản, Biển Hoa Đông và Biển Đông, khi cả 3 quốc gia cùng chủ trương:
- Một khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương đặt nền tảng trên quốc tế công pháp và những bản giá trị chung, chống lại tất cả mọi tác động thay đổi hiện trạng bằng bạo lực hay sự cưỡng ép.
- Ủng hộ và hợp tác với các quốc gia thuộc khối ASEAN trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương
- Hợp tác chặc chẽ với các đảo quốc Thái Bình Dương và Diễn Đàn các Đảo Thái Bình Dương (Pacific Islands Forum) trên nền tảng tương kính.
- Quyết tâm phi nguyên tử hóa bán đảo Triều Tiên và ủng hộ một bán đảo thống nhất tự do và hòa bình.
- Bất cứ tranh chấp nào giữa CSTQ và Đài Loan đều phải giải quyết trong tinh thần bất bạo động.
Trước hết, trên bề mặt, sự liên minh giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn nhằm đối phó với sự hung hăng của CS Bắc Hàn, nhưng trên thực tế, sự tái võ trang của Nhật Bản, sự tăng cường quốc phòng của Nam Hàn và sự xoay trục sang Á Châu của Hoa Kỳ, nhằm vào chính CSTQ.
Cần ghi nhận rằng, tuy chỉ là một bản công bố nguyên tắc chung giữa ba cường quốc hàng đầu về kinh tế và quân sự, nhưng trong bản chất bao gồm một cường quốc thứ tư, đó là đảo quốc Đài Loan. Khi bao gồm Đài Loan trong phương trình thì cánh cửa ra Thái Bình Dương của TQ hầu như bị khống chế 90%. Lý do là vì Nam Hàn đã là một pháo đài của thế giới tự do, chọc sâu vào các khu kỹ nghệ phía Đông Bắc TQ. Quần đảo Nhật Bản trải dài từ Hokkaido ngoài khơi Nga Sô và Bắc TQ, kéo dài đến những chuỗi đảo nhỏ như những pháo đài nổi, thuộc chủ quyền Nhật Bản, cách xa Đài Loan chỉ 100 cây số.
Hậu quả là TQ bị bao vây chiến lược, không còn đường thông ra Thái Bình Dương nếu tình trạng chiến tranh xảy ra.
Hy vọng còn lại duy nhất của CSTQ là từ đảo Hải Nam, đi xuống Biển Đông nhưng cũng không dễ gì thoát ra Ấn Độ Dương. Nơi đây, khối ASEAN đóng vai trò chiến lược và trội nhất là Việt Nam với vị trí nhìn trực tiếp ra Biển Đông của mình. Nếu Việt Nam đứng về phía Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn và Đài Loan, thì trong tình trạng chiến tranh, CSTQ hầu như bị bao vây trọn vẹn.
Tại đây, một biến cố thứ nhì có thể xảy ra. Cũng ngày 18 tháng 8, 2023, hãng tin Reuters loan tin rằng Tổng thống Joe Biden, khi thăm Việt Nam vào trung tuần tháng 9 sẽ ký một Hiệp Ước Hợp Tác Chiến Lược (Strategic Partnership Agreement) nâng cấp quan hệ ngoại giao, xây dựng kỷ nghệ cấp cao, kỹ nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hợp tác quân sự và mua vũ khí của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên về phía Việt Nam, rất ít tin tức được thừa nhận về hiệp ước này. Tại sao CSVN lại câm như hến trước một tin quan trọng như thế? Có một số lý do như sau:
- Có thể lãnh đạo của họ đang âm thầm giải thích hoặc lạy lục quan thầy tại Bắc Kinh, hoặc
- Có thể vào giờ phút chót, dưới áp lực của Bắc Kinh, họ sẽ không xúc tiến hiệp ước với Hoa Kỳ, hoặc
- Có thể tầm mức hợp tác sẽ hạ cấp để làm vừa lòng đàn anh Bắc Kinh
Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp hiệp ước này xúc tiến thì sự đóng góp của CSVN sẽ không đáng kể. Một là vì phe thân CS Trung Quốc còn rất mạnh trong nội bộ đảng. Hai là vì sau khi đánh mất nhiều cơ hội canh tân và dân chủ hóa đất nước sau năm 1975 và sau khi CS Liên Xô sụp đổ hồi thập niên 90, cả kinh tế và khả năng quân sự của Việt Nam tụt hậu thê thảm so với Nam Hàn, một quốc gia Đông Á khác với bàn tay và khối óc tương tự như dân Việt.
Nếu không có sự ra đời của đảng CSVN, thì hôm nay, Việt Nam với 100 triệu dân, so với Nam Hàn 50 triệu, đã có GDP xấp xỉ gấp đôi cường quốc này. Chúng ta đã có một hệ thống an sinh xã hội không kém cho nhân dân. Kỹ nghệ quân sự của chúng ta cũng có thể chế tạo chiến đấu cơ, chiến hạm, hàng không mẫu hạm như họ và hải quân chúng ta đã dễ dàng chọc thủng Đường Lưỡi Bò 9 Đoạn của Bá Quyền TQ, khai mở tầm nhìn của dân tộc xuyên suốt Thái Bình Dương.
Thay vì CSVN làm một con chốt hèn trên bàn cờ bao vây CSTQ, dân tộc ta đã có thể sánh vai ngang hàng cùng Hoa Kỳ, Nam Hàn, Đài Loan và Nhật Bản, trực diện đối đầu với bá quyền Bắc Kinh, như một dân tộc tiến bộ của thời đại, nhân danh chính nghĩa, tiêu diệt gian tà, góp phần cho nhân loại văn minh.
Bất hạnh thay cho tổ quốc, đến nay, chưa hề có chỉ dẫn cho thấy đảng quyết định trở về với dân tộc, thôi thần phục quan thầy Bắc Kinh, buông bỏ sách lược “thà mất nước còn hơn mất đảng” cố hữu của người CSVN.
Thay vì dân chủ hóa và phát triển đất nước, chế độ thà mất nước còn hơn mất đảng của CSVN đã biến dân tộc Việt thành bệnh phu khiếp nhược của miền Đông Á.