NGƯỜI LỮ HÀNH HY VỌNG – TRẦM THIÊN THU

TRẦM THIÊN THU

Đời là bể khổ. Ai cũng có thể cảm nhận điều đó. Vì thế mà luôn phải cố gắng. Thánh Augustinô nhận định: “Tâm hồn chúng ta mãi khắc khoải cho đến khi nào được nghỉ yên trong Chúa. Đối với tôi, tất cả những gì không phải từ Chúa đều là sự bần cùng. Vì thế, với tâm hồn sùng mộ và trọn vẹn, sự thỏa nguyện sung mãn và cuộc sống hạnh phúc của các linh hồn chính là việc nhận biết Đấng dẫn đưa anh em vào chân lý, bản chất của chân lý anh em hoan hưởng, và mối liên kết anh em với sự vô biên tối thượng.”

Đau khổ như cáu ghét, không bao giờ hết, luôn phải loại bỏ nó. Tuy nhiên, đau khổ lại có giá trị đặc biệt, thế nên Chúa Giêsu khuyên vác thập giá hằng ngày. Thánh Charles de Foucauld cho biết: “Trên thế giới đau thương này có một niềm vui mà các thánh và các thiên thần trên Thiên Đàng không được hưởng – đó là được cùng đau khổ với Người Yêu Dấu của chúng ta. Dù cuộc sống có gian truân đến đâu, chuỗi ngày thê lương của chúng ta có lê thê đến mấy, chúng ta cũng đừng bao giờ rời xa chân Thập Giá trước khi Chúa muốn. Thầy Chí Thánh thật nhân lành đã cho chúng ta, những tâm hồn yêu mến Thập Giá, được cảm nghiệm sự ngọt ngào của nó, nếu không phải luôn luôn thì ít ra là vẻ đẹp và sự cần thiết của nó.”

Cuộc đời là chuyến lữ hành đau khổ, nhưng luôn tràn trề hy vọng. Cuộc sống không có đau khổ thì không còn là cuộc sống. Đau khổ là thứ gia vị đặc biệt làm cho cuộc đời đáng sống. Sống kết hiệp đau khổ với Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu để cứu độ chính mình và người khác. “Khi Nhà thần bí CP Julian Norwich chia sẻ: bị trở tính và cô quạnh trong nỗi ngao ngán, chán chường với cuộc sống và bực dọc với bản thân, tôi đã nhẫn nại để tiếp tục sống giữa những khó khăn… Ngay sau đó, Chúa lại ban cho linh hồn tôi niềm an ủi và thanh thản trong hoan lạc và vững tin.” Đau khổ là Đại Hồng Ân. (Nhật Ký Thánh Faustina, 57 & 779) Chịu đau khổ là xác định tình yêu dành cho Thiên Chúa.

CUỘC LỮ HÀNH

Như một dòng sông, cuộc sống là một hành trình vừa động vừa tĩnh, mang nhiều sắc thái, nhiều tiết tấu, nhiều cao độ. Bắt đầu cuộc đời từ khi hình thành sự sống trong lòng mẹ, ngày mẹ khai hoa nở nhụy, mẹ vui vì bắt đầu mùa xuân của con, nhưng có khi mẹ cũng quan ngại hoặc lo buồn vì những mùa khác của đứa con…

Hành trình cuộc sống nhiêu khê, không hề đơn giản chút nào. Sống là đấu tranh, là vươn lên không ngừng, dù sống ở cương vị nào. Mỗi người là một cá thể riêng biệt nhưng vẫn hài hòa trong một tổng thể, và luôn có những thời điểm khởi đầu, hành trình tâm linh cũng tương tự. Trong cuộc lữ hành trần gian, chúng ta được Chúa Giêsu căn dặn: “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến.” (Mt 24:42; Mc 13:33)

Theo đại nhân Khổng Tử, đời người cần có 5 đức tính: Ôn, Lương, Cần, Kiệm, Chính.

  1. ÔN – “Ôn” là ấm, nghĩa là ôn hòa chứ không cực đoan. Không ôn hòa, người ta sẽ thiên tư, lệch lạc, buông thả hoặc cuồng nhiệt. Người Việt có câu: “Khôn cho người ta rái, dại cho người ta thương, dở dở ương ương chỉ tổ cho người ta ghét.” Ôn ở đây là một động thái dứt khoát và nghiêm túc – không khô khan, không nửa vời, không tiêu cực. Nếu là người có tôn giáo thì không cuồng tín, Chúa ghét những kẻ nửa vời, hâm hẩm. (Kh 3:16)
  2. LƯƠNG – “Lương” là lương thiện, tốt lành, chân thật. Con người vốn dĩ có xu hướng vị kỷ, do vậy mà luôn phải nỗ lực sống tốt hơn. Leo dốc rất khó, thả dốc rất dễ. Sống tốt không chỉ là tránh điều ác (tiêu cực) mà còn phải hăng say làm điều thiện (tích cực).
  3. CẦN – “Cần” là siêng năng, chịu khó. Tinh thần thì linh hoạt nhưng thân xác luôn nặng nề, yếu hèn. (Mt 26:41) Có những điều mình muốn thì mình không làm, mà điều mình không muốn thì mình lại làm. (Rm 7:15, 19) Con người là vậy, rất yếu đuối, đôi khi mâu thuẫn với cả chính mình. Nhưng không vì thế mà thất vọng, buông xuôi, mà phải nỗ lực vươn lên.
  4. KIỆM – “Kiệm” là tiết kiệm, không hoang phí. Kiệm ở đây không giới hạn theo nghĩa vật chất mà còn bao hàm các nghĩa khác, nghĩa là không hoang phí thời gian cho các hoạt động vô bổ, không hoang phí ánh mắt, không hoang phí lời nói, tai nghe, không hoang phí thái độ, không hoang phí tình cảm, không hoang phí ý nghĩ,… Cuộc sống luôn phải điều độ, chừng mực. Thánh Phanxicô Salê so sánh: “Ít nói không là nói ít, mà là không nói những điều vô ích.”
  5. CHÍNH – “Chính” là ngay thẳng, đứng đắn. Thánh Giuse là người công chính nhờ khiêm nhường và tuân phục. Người ít nói hoặc ít cười chưa hẳn là người nghiêm trang và đứng đắn. Không thành kiến với người khác cũng là động thái ngay thẳng, sống nghiêm túc. Phải có tình yêu thương thực sự mới khả dĩ “vui với người vui, buồn với người buồn.” (Rm 12:15)

Đời người như viên đá cuội lăn mòn trên những con dốc đời, rồi một ngày nằm chết lẻ loi bên vệ đường mà vẫn trăn trở không nguôi, vì bao mơ ước chưa trọn vẹn! Khi tư tưởng chín muồi thì thân xác bắt đầu rã rời. Đó là một nghịch lý, nhưng là nghịch-lý-thuận, và cũng có thể là sự nghiệt ngã của cuộc đời. Cũng là con người, có người sung sướng từ trứng nước, có người lại đau khổ, không chút thanh thản, chịu thiếu thốn suốt đời.

Không thể hiểu hết triết lý cuộc sống? Nhà soạn nhạc Beethoven nói: “Cảm ơn Chúa, tôi viết được nhạc, còn ngoài ra tôi chẳng làm được gì.” Đại văn hào Shakespeare nói: “Có người sinh ra được sự nổi tiếng rơi vào mình, có người tìm mãi cũng thấy, nhưng có người tìm cả đời cũng không thấy.” Thật bí ẩn, con người không thể hiểu thấu! Người ta có câu: “Một đời đánh phấn đeo hoa, một đời khổ ải cũng qua một đời.” (Hát Xẩm) Đời thế đấy!

Giá trị cuộc đời không được đo bằng “chiều dài” mà đo bằng “chiều sâu.” Thánh Catarina khuyên: “Cuộc đời là chiếc cầu, hãy đi qua chứ đừng dừng lại trên đó.” Còn nhà toán học Pythagore (Pythagóras ho Sámios) cảnh báo: “Đừng thấy bóng mình to mà tưởng mình vĩ đại.” Cái ảo tưởng của con người thật đáng sợ!

NIỀM CẬY TRÔNG

Đức Cậy là một trong ba đức đối thần quan trọng. Đây là câu chuyện có thật do chính tác giả kể lại, bình thường mà rất đặc biệt. Trên trang All-About-The-Virgin-Mary.com, Carlos Sievert Callejo cho biết:

Tôi 63 tuổi. Bác sĩ chẩn đoán tôi bị ung thư gan hồi tháng 1-1999. Sau một năm buồn bã, đau khổ, tuyệt vọng, tôi lại tin vào Thiên Chúa, và tôi thoát “án tử” mà bác sĩ tiên báo. Tôi vui sống và kể lại “kinh nghiệm đau thương” cho các bệnh nhân ung thư nghe để họ không tuyệt vọng về cái chết được báo trước. CHỈ CÓ THIÊN CHÚA BIẾT MỌI SỰ.

Hồi trẻ, tôi rất khỏe mạnh và đầy sức sống. Tôi là đội trưởng đội bóng rổ và bóng đá Don Bosco, tôi khá hầu hết các môn thể thao và các hoạt động ngoại khóa. Giữa năm 1998, vợ tôi thấy có điều gì đó khác ở tôi và nói tôi lưu ý. Nàng cảm thấy tôi không còn như trước nên nhận biết khi tôi sụt cân, yếu sức và hay cáu gắt. Vợ tôi cương quyết bắt tôi đi xét nghiệm.

Năm 1986, tôi phát hiện mình bị tiểu đường, di truyền từ mẹ tôi. Trong 2 năm đầu, hằng ngày tôi đi châm cứu và uống 1 chén nước dưa đắng (ampalaya) để kiềm chế đường máu. Suốt 10 năm tôi dùng các loại thảo dược mà bác sĩ kê toa, mức đường trung bình khoảng 200 mg. Rồi tôi được bác sĩ khuyên tiêm insulin (Humulin N) vì ít phản ứng phụ và biến chứng.

Năm 1996, sau vài lần xét nghiệm và siêu âm, tôi lại phát hiện bị sạn thận. Tháng 3-1997, bác sĩ khuyên phẫu thuật lấy sạn trước khi chứng tiểu đường nặng hơn. Tuy nhiên, chứng nôn mửa, choáng váng và bao tử khiến tôi khó chịu sau khi nội soi bụng (laparoscopy), bác sĩ nói tôi sút cân vì tiểu đường chứ không phải sạn thận làm tôi khó tiêu hóa. Năm 1998, tôi vẫn sụt cân nhiều trong vòng 6 tháng. Bác sĩ nói không sao vì tôi cần giảm thuốc. Nhưng vợ tôi không đồng ý với bác sĩ và muốn tôi xét nghiệm lại.

Tháng 1-1999, bác sĩ nói tôi phải phẫu thuật mở dạ dày (gastroscopy), nhưng không thấy có vấn đề gì. Vợ tôi khăng khăng bắt bác sĩ xem lại. Vẫn không phát hiện được gì. Vợ tôi không tin là tôi không có vấn đề và bắt tôi phải chụp CT bụng. Rõ ràng tôi có khối u 4 cm x 3,1 cm ở lá gan bên phải. Tôi phải hóa trị 5 lần – trên mức bình thường. Khối u ác tính được xác định và tôi được chụp CT để xem có phải là ung thư di căn tới phổi và các bộ phận khác hay không. Nếu dương tính, bác sĩ sẽ cố gắng hết sức và tôi chỉ còn chờ tử thần đến.

Nhưng sau vài lần xét nghiệm để xác định di căn (metastasis), bác sĩ thấy ung thư vẫn chỉ ở gan chứ không di căn tới các nội tạng khác. Tôi được giới thiệu tới một bác sĩ chuyên khoa ung thư. Bác sĩ hỏi tôi có uống rượu nhiều hay hút thuốc nhiều không, có bị tiêu chảy, siêu vi hoặc gia đình có ai bị ung thư không. Họ hỏi vậy để cố gắng tìm nguyên nhân gây ung thư của tôi. Tôi chỉ uống rượu hoặc hút thuốc khi xã giao thôi. Siêu vi, tiêu chảy và lịch sử bệnh ung thư đều âm tính. Tôi không biết rõ nguyên nhân, tôi nghĩ có thể do thực phẩm.

Sau vài lần xét nghiệm và được tư vấn của các bác sĩ ở Trung tâm Y khoa Makati, tôi được phẫu thuật cắt khối u ác tính. Bác sĩ nói cuộc phẫu thuật phải kéo dài từ 4 tới 6 giờ. Tôi nhập viện ngày 4-1-1999, và được ấn định phẫu thuật ngày 5-1-1999. Vì tôi yếu gan, máu khó đông. bác sĩ không dám mạo hiểm trong trường hợp của tôi và quyết định để máu tôi đông ít nhất 70 tới 80% mới rạch dao mổ, vì họ không muốn tôi chảy máu nhiều mà chết. Sau 4 ngày dùng thuốc để cải thiện việc đông máu, tôi được phẫu thuật lúc 7 giờ sáng ngày 8-1-1999.

Thật ngạc nhiên, tôi tỉnh lại và hỏi vợ nhiều câu hỏi. Vợ tôi không trả lời. Tôi nghi vợ muốn giấu tôi nên bảo tôi đợi bác sĩ đến giải thích. Tôi nghi có điều gì đó bất ổn. Họ lấy chất dịch trong gan để làm sinh thiết. Khối u xấp xỉ 10,5 cm x 4,2 cm ở lá gan bên phải, lớn hơn so với lần chụp CT. Tôi cần dùng liệu pháp khác cho bớt đau đớn. Tôi nghe bác sĩ cho vợ tôi biết rằng tôi chỉ còn sống thêm được 4 tới 6 tháng. Tôi được hóa trị mỗi tháng 3 lần trong 6 tháng (tổng cộng 18 lần), chi phí là 1 triệu peso (tiền Philippines, gần 500 triệu tiền VN). Một số tiền quá lớn đối với gia đình tôi. Cơ may hồi phục chỉ từ 5 tới 20%. Tôi bảo vợ để dành tiền cho gia đình, nhưng vợ tôi xin tôi hóa trị bằng mọi giá, chỉ mong tôi sống.

Tôi tuyệt vọng. Tôi không muốn gặp bất kỳ ai. Tôi đến với Chúa qua những lời cầu nguyện và niềm tín thác vào Ngài, xin Ngài ban sức mạnh cho tôi chịu đựng chứng ung thư. Trong 2 tuần tôi cầu nguyện như chưa bao giờ cầu nguyện để nài van Ngài can thiệp và giúp đỡ. Tôi bắt đầu chấp nhận và dâng mọi sự cho Ngài. Tôi làm tuần cửu nhật kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Baclaran. Tôi tới Baclaran vào các ngày thứ Tư trong cơn đau nhức. Tôi cố gắng giành lại sự sống. Tôi hoàn toàn tín thác vào Chúa. Tôi làm các tuần cửu nhật kính các vị thánh khác cùng với bạn bè và người thân.

Tôi phải hóa trị 10 ngày sau lần phẫu thuật không thành công, nhưng vợ tôi muốn tôi phẫu thuật lại vào ngày 5-3-1999, sau khi chờ cho tôi hồi sức. BS Angelito Tingcungco bắt đầu phẫu thuật lúc 5:30 sáng. Tôi thấy một người mặc áo trắng bước vào. Chưa đầy 10 giây, bác sĩ gọi tên tôi. Tôi nghĩ là có sự can thiệp của Chúa. BS Tingcungco xem bệnh án và ảnh chụp CT và nói tôi có thể sống thêm 10 tới 15 năm. Tin vui nhất đời tôi. Bác sĩ hẹn ngày 5-3-1999 tôi hóa trị đợt đầu, cứ hai tháng một lần.

Sau đợt hóa trị lần hai, tôi lo bao tử tôi sẽ nặng hơn, vì bác sĩ bảo ung thư đã di căn tới bao tử. Người em họ mời tôi tới Tuguegarao dự lễ khánh thành nhà thờ Minore dâng kính Đức Mẹ ở Piat ngày 22-6-1999. Hôm đó tôi cảm thấy không đau nhức. Tôi biết Đức Mẹ đã giúp tôi để tôi có cơ hội tới chỗ này chỗ nọ, như Đức Mẹ ở Manaoag, Đức Mẹ khóc ở Baguio và Zamboanga. Tôi cầu nguyện trong nhà thờ, và cơn đau càng lúc càng giảm. Nhờ ơn Chúa giúp, nhờ lời cầu nguyện của gia đình và bạn bè, khối u của tôi giảm còn 2,5 cm. Đúng là phép lạ. Tôi được hẹn hóa trị 4 đợt, lần cuối vào tháng 10-1999.

Các bác sĩ Hoa Kỳ không thể tin tôi có thể sống thêm được 8 tháng. Họ nói tôi may mắn gặp được bác sĩ giỏi ở Philippines và lời cầu nguyện của tôi đã giúp tôi, vì thế tôi nên tiếp tục cầu nguyện. Nhưng họ vẫn không có kết luận chính xác, và họ muốn làm sinh thiết lại. Sau ba tuần, người ta xác định được đó là ung thư biểu bì gan (Hepatocellular Carcinoma).

Khi ở Hoa Kỳ, tôi đến nhiều nhà thờ, tham quan cả “chiếc cầu thang kỳ lạ” của nhà nguyện Loretto, nhà thờ Sanctuario Chimayu, Hang Lộ Đức ở Maryland, nhà thờ Thánh Tâm ở Washington và nhiều nơi khác để xin Chúa thương giúp. Tôi cầu xin ơn Chúa gần 30 năm. Tôi trở nên nhạy cảm và dễ khóc khi cầu nguyện với Chúa, tạ ơn Ngài đã ban cho tôi cuộc sống thứ hai. Tôi tới Đức Mẹ ở Piat ngày 22-6-2000 và tới Đức Mẹ ở Manaoag để tạ ơn cùng với các vị thánh khác đã nguyện giúp cầu thay cho tôi. Tới nay, tôi vẫn chân thành cầu nguyện và tạ ơn Chúa vì bao ơn lành Ngài đã ban cho tôi.

Nỗi thất vọng và sự u sầu là kẻ thù nguy hiểm. Hãy để Chúa chăm sóc bạn. Ngài không bao giờ để bạn thất vọng nếu bạn thật lòng kêu xin Ngài giúp đỡ. Hãy ghi nhớ Lời Chúa: “Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho.” (Mt:7-8; Lc 11:9-10) Các bác sĩ “bó tay” và nói tôi sắp chết, tôi chỉ còn biết cậy trông Chúa. Tôi cầu nguyện bằng chính lời Chúa Giêsu: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.” (Mt 26:39) Và tôi tâm sự với Chúa: “Lạy Chúa, con xin dâng đau khổ của con cho Chúa và xin để đau khổ trở thành cách con nói rằng CON YÊU CHÚA.”

Bây giờ tôi làm việc tông đồ bằng cách thăm viếng các bệnh nhân ung thư ở Trung tâm Y khoa Makati và tới gia đình của các bệnh nhân. Tôi nói với họ về kinh nghiệm của tôi, an ủi họ và khuyên họ đừng tuyệt vọng mà hãy tín thác vào Chúa. Ngài luôn sẵn sàng giúp bạn nếu bạn kêu xin Ngài với tấm lòng thành tín.

Tôi kể ra điều này vì muốn nói với bạn rằng HÃY CẦU NGUYỆN và HOÀN TOÀN TÍN THÁC VÀO THIÊN CHÚA. Cầu nguyện và tin tưởng tuyệt đối vào Ngài thì Ngài sẽ không để bạn thất vọng. Điều đó đã xảy ra với tôi thì chắc chắn cũng sẽ xảy ra với bạn!

KHÔNG SỢ HÃI

Giáo Hội, hôn nhân, gia đình, và xã hội nói chung, đang khủng hoảng với tỷ lệ nghiêm trọng. Giáo Hội tại Việt Nam cũng không ngoại trừ, gần đây có những vụ rất rắc rối. Nhiều người cảm thấy thất vọng, thậm chí vô vọng. Tất cả mọi người sẽ đồng ý rằng điều tối cần thiết là hy vọng. Nhưng chúng ta phải đặt một cái gì đó dưới sự hy vọng của mình để biến nó thành hiện thực. Hy vọng chúng ta cần không đơn giản chỉ là mong muốn.

Hy vọng cần có nền tảng. Nếu chúng ta hy vọng chiếc giày vừa vặn, trước tiên nên đo bàn chân. Nếu chúng ta hy vọng giảm cân, nên ăn kiêng và tập thể dục. Vậy chúng ta nên làm gì để hy vọng của chúng ta trở thành hiện thực? Bài viết này trình bày năm lý do để hỗ trợ hy vọng đó.

Hơn 800 năm trước, một người nghèo đã cầu nguyện trong nhà thờ xứ đổ nát. Khi ngước nhìn Đức Kitô trên Thập Giá, ông thốt lên: “Lạy Thiên Chúa vĩ đại và vinh hiển, lạy Chúa Giêsu Kitô của con! Xin Ngài soi sáng cho con và giải trừ bóng tối trong tâm hồn con. Xin cho con đức tin thực sự, mục đích vững chắc và đức ái hoàn hảo. Lạy Chúa, xin ban cho con biết Chúa rõ ràng để con có thể hành động theo ánh sáng của Ngài và phù hợp với Thánh Ý Ngài trong mọi sự.” Từ trên Thánh Giá, một giọng nói vang lên: “Francesco, va e ripara la mia casa che, come vedi, e tutta in rovina.” [Phanxicô, hãy đi sửa lại ngôi nhà của Ta, vì như con có thể thấy, tất cả trong cảnh đổ nát.] Khi nghe lời này, Phanxicô ngây ngất trong trạng thái xuất thần.

Sự trao đổi bằng lời đó xuất xứ từ nguồn đáng tin cậy là Thánh Bonaventura (1221-1274), tác giả cuốn “Cuộc Đời Phanxicô.” Theo thần học gia và triết gia vĩ đại này của dòng Phanxicô, Chúa Kitô đã áp dụng những lời của Ngài cho nhiều điều khác hơn là nhà thờ đổ nát ở San Damiano, tức là cho Giáo Hội nói chung. Trong ngôn ngữ Ý, các chữ “casa” (ngôi nhà) và “chiesa” (nhà thờ) có cấu trúc tương tự nhau và gợi ý một sự thân thiết nhất định giữa ngôi nhà và nhà thờ. Thậm chí sự giống nhau đó còn rõ ràng hơn trong tiếng Latinh giữa các từ “ecclesiola” (nhà thờ nhỏ) và “Ecclesia” (Giáo Hội). Ngôi nhà, gia đình và Giáo Hội phải được hiệp nhất mật thiết với nhau để bất kỳ ai trong số đó đều có thể thịnh vượng.

Kinh nghiệm của Thánh Phanxicô Assisi ở nhà thờ tồi tàn năm xưa cung cấp cho chúng ta 5 lý do để hy vọng:

  1. Cuộc khủng hoảng hiện nay trong Giáo Hội không phải là duy nhất. Các cuộc khủng hoảng đã xảy ra trước đây nhưng Giáo Hội đã phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Kiến thức về lịch sử có thể là nguồn an ủi và động lực. Quan điểm có thể giúp đỡ để chúng ta không bỏ cuộc.
  2. Thánh Phanxicô, còn gọi là “Poverello,” vì chấp nhận nghèo khó và là người khiêm tốn. Vì vậy, chúng ta có thể nhìn đến sự đóng góp đáng kể của giáo dân vào việc xây dựng lại Giáo Hội, và chính Giáo Hội sẽ được đổi mới từ nền tảng. Giáo dân có thể chủ động, họ không cần phải đợi các giáo sĩ giao nhiệm vụ.
  3. Rõ ràng Chúa nói với Phanxicô rằng Ngài muốn Giáo Hội của Ngài được sửa chữa, chấn chỉnh. Giải pháp còn lại nằm ở việc chúng ta tìm cách hợp tác với ân sủng của Thiên Chúa. Ngài nắm quyền và sẽ không để cho các tôi tớ trung thành của Ngài phải thất bại.
  4. Từ Thập Giá, Chúa Giêsu nói với Phanxicô. Con đường đổi mới không dễ dàng, đòi hỏi nhiều hy sinh như Chúa Giêsu đã xác định: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.” (Mt 7:13-14) Thập Giá hoàn toàn đối lập với đường lối của thế gian.
  5. Phanxicô cầu xin Thiên Chúa ban đức tin, hy vọng và lòng bác ái. Điều đó cho thấy tầm quan trọng không chỉ của các nhân đức siêu nhiên đó, mà còn cả các đức tính hằng ngày như lịch sự, khiết tịnh, từ bi, quan tâm, chăm sóc,… Khi chúng ta cư xử một cách đạo đức là chúng ta đang sống cuộc đời của Đức Kitô. Bằng cách noi gương Ngài, chúng ta cũng góp phần vào việc sửa chữa Giáo Hội của Ngài.

Cả 5 lý do đó đều ủng hộ niềm hy vọng, cung cấp nền tảng cho sự hy vọng. Viễn cảnh, vai trò giáo dân, lời Chúa hứa hợp tác, đánh giá Con Đường Thập Giá, và sự sẵn lòng sống đạo đức của chúng ta, cung cấp những viên gạch vững chắc mở đường cho sự đổi mới của Giáo Hội đang khủng hoảng nghiêm trọng.

Hãy vững tin, vì Chúa Giêsu đã nói với Phêrô: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” (Mt 16:18) Cần phải can đảm và hy vọng. Đừng sợ!

[Đăng báo ĐMHCG tháng 8-2023, Dòng Chúa Cứu Thế xuất bản tại Hoa Kỳ]

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay