HUYỀN THOẠI KẾ HOẠCH NHỎ

Lê Vi

Tố Hữu viết: “Dọn tí phân rơi nhặt từng ngọn lá/… Ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ”. Thơ tả thực và phát động phong trào thực chứ không mang nghĩa hàm ẩn, biểu trưng, rằng đó là chủ trương thực hành tiết kiệm để xây dựng đất nước.

Thời đó, từ kinh nghiệm ngoài Bắc XHCN, phong trào làm phân bắc, phân xanh được áp dụng cho miền Nam. Ngoài hợp tác xã buộc người lớn mỗi hộ gia đình đều phải có hố xí hai ngăn để lấy phân bón, đoàn đội cũng phát động phong trào “Kế hoạch nhỏ”, đặt chỉ tiêu trẻ em mỗi tuần cũng phải gom góp bao nhiêu ký phân.

Để đạt thành tích, nhà nhà thi đua, người người thi đua, từ già đến trẻ con thi nhau tích góp từ phân bò phân heo đến phân bắc để nộp. Thế là bọn trẻ chúng tôi sáng đi học, chiều đi nhặt phân, tranh nhau với cả người lớn. Để không bị phê bình, kiểm điểm, cả đám thiếu nhi chúng tôi thi nhau, hùa nhau tranh cứt. Hết tranh cứt ngoài đồng thì chui vào gầm của hố xí hai ngăn, chờ người đi ỉa phóng ra là hớt ngay.

Có năm phong trào gặp khó khăn. Vì đói quá thì cứt cũng khan hiếm. Tôi buộc phải lén trộm cứt của bố. Bố bắt được mắng cho một trận: “Tháng này tao gom được có vài ba mươi ký, mày lại hốt cả bao thì tao lấy gì mà nộp?”. Tôi khóc: “Tháng trước con bị thiếu chục ký, tháng này đội trưởng bắt phải nộp bù!” Bố càng mắng dữ: “Cơm không đủ ăn lấy cứt đâu mà ỉa? Đội trưởng của mày tham thế?”

Tôi còn nhỏ, chỉ biết đội trưởng vì “xây dựng cơ đồ”, chẳng biết anh ta tham gì?

Sau này ra Hà Nội học, tôi mới biết đó là văn hoá làng Cổ Nhuế: “Thanh niên Cổ Nhuế xin thề/ Không đầy hai sọt không về quê hương!” Văn hoá địa phương thành văn hoá miền Bắc và văn hoá miền Bắc thành văn hoá toàn dân. “Miền Nam đi trước về sau”, là đi trước trong chiến tranh, về sau là ở văn hoá tranh cứt. Sau mấy chục năm rồi nhớ lại còn thấy ghê!

Sau này, thời con tôi đi học, nó không còn nộp đuôi chuột hay nộp cứt cho lãnh đạo nữa nhưng vẫn còn phong trào “kế hoạch nhỏ” là nộp giấy lộn, lon bia, ve chai. Nó phải học cả ngày thì lấy đâu ra thời gian đi nhặt? Thế là để nó không bị lãnh đạo của nó phê bình, kiểm điểm, xếp loại, thằng bố nó, một giảng viên đại học, phải đi lang thang nhặt hoặc mua lại đồng nát, gom góp cho đủ để con lấy thành tích.

Lao động là vinh quang. Nhặt ve chai, lon bia, nhặt cứt, tôi đều đã làm, làm cho lãnh đạo hưởng, vinh quang chưa?

Chu Mộng Long

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay