Hải Di Nguyễn: Gia đình bà Lê Thị Trang – “Ba thế hệ vô tổ quốc”

Diễn Đàn Thế Kỷ

Bà Lê Thị Trang

Trong số những người Việt tỵ nạn lâu nay tại Thái Lan, có một trường hợp đặc biệt là bà Lê Thị Trang, vừa qua đời tháng 2/2023 ở tuổi 85, sau hơn 30 năm lưu lạc tại nước này.

Còn lại là con gái Nguyễn Thị Na (55 tuổi) và cháu trai A Tỷ (20 tuổi).

Cả ba thế hệ đều vô tổ quốc, giấy tờ Việt Nam không còn, giấy tờ Thái Lan không có.

Vì cô Nguyễn Thị Na bị bệnh tâm thần, ngày 11/4/2023 tôi phỏng vấn anh Nguyễn Văn Ân (sinh năm 1988), một người tỵ nạn tại Thái Lan đã nhiều lần đến thăm và hỗ trợ, về gia đình bà Lê Thị Trang.

Bà Lê Thị Trang và anh Nguyễn Văn Ân.

Vượt biên 

Anh Nguyễn Văn Ân sang Thái Lan tỵ nạn từ năm 2018 và tham gia một số hoạt động thiện nguyện. Anh cho biết trong khoảng năm 2018-2020, anh đến thăm gia đình bà Lê Thị Trang mỗi tháng một-hai lần; sau đó ít hơn, vài tháng một lần.

Anh không biết thời điểm chính xác bà Trang vượt biên, chỉ biết là ít nhất hơn 30 năm trước.

“Cô ấy nói là… bố mẹ bị nhà cầm quyền cộng sản thu hồi, cưỡng chế hết đất, bố mẹ cô phải đi vùng kinh tế mới. Khi đó cô ấy không còn nhà, không còn đất để ở, cô ấy buộc phải trốn sang Thái Lan… cùng với con gái của mình sang Thái Lan để vào trại tỵ nạn.”

Khi các trại tỵ nạn đóng cửa và thuyền nhân bị cưỡng bức hồi hương, có người tự sát trong phẫn uất, có người may mắn được định cư nước khác, có người bị ép về và chết ở Việt Nam. Riêng bà Lê Thị Trang, theo anh Ân, trốn ra ngoài và từ đó ở lại Thái Lan tới khi nhắm mắt xuôi tay.

Hơn 30 năm tại Thái Lan 

Để mưu sinh, bà Lê Thị Trang bán hàng dạo như trái cây, bánh kẹo… nhưng không còn sức tiếp tục trong khoảng mười năm cuối đời.

Người con gái Nguyễn Thị Na bị vấn đề tâm thần và không có khả năng lao động. Theo anh Ân, bà Trang khi còn sống có kể là “lâu lâu cô này lên cơn, có khi đánh cả bà Trang. Khi đó không kiểm soát được đầu óc của mình.”

Do hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt từ khi bà Trang không còn sức đi làm, gia đình thường được nhà thờ Fatima (Din Daeng, Bangkok) giúp đỡ.

“Khi cô [Nguyễn Thị Na] tỉnh táo, cô ấy đi ra quét dọn sân nhà thờ. Đứa cháu thì giúp lễ trong nhà thờ, giúp tưới cây, chăm sóc trong vườn của nhà thờ.”

Ba thế hệ vô tổ quốc 

Theo anh Nguyễn Hoàng Ân, bà Lê Thị Trang cho biết từng được Liên Hiệp Quốc đưa giấy xác nhận là người xin tỵ nạn, nhưng đó chỉ là một tờ giấy A4.

“Khi phỏng vấn UN thì không được đậu UN, UN thu lại bản gốc, cô ấy chỉ còn lại bản sao cô ấy đưa cho mình xem thôi.”

Anh cho rằng một số người ghi danh xin tỵ nạn có thể không biết cách trả lời hoặc không thể đưa ra bằng chứng cụ thể cho thấy cần tỵ nạn, nên hồ sơ bị đánh rớt.

“Còn mình xác định cô ấy là người tỵ nạn thực sự… Mình biết rằng cô ấy là người vô tổ quốc.”

Anh Ân cũng nói “Cô cho biết là ở Việt Nam cô ấy không còn nhà cửa, không có giấy tờ, cũng không còn người thân nữa… thì việc về Việt Nam là bất khả thi… Cô ấy là một người vô tổ quốc, cô không có lựa chọn và buộc phải ở lại Thái Lan.”

Như bà và mẹ, A Tỷ cũng không có bất kỳ giấy tờ nào (ngoài giấy khai sinh) và gần như sống bên rìa xã hội, dù sinh ra lớn lên ở Thái Lan và không nói tiếng Việt. Tuy nhiên anh Ân nói, gần đây cha xứ giúp được giấy nào đó ở Thái Lan – không rõ chi tiết – cho phép A Tỷ được đi học.

Lê Thị Na và A Tỷ

Ba thế hệ co cụm trong một phòng nhỏ 

Anh Nguyễn Văn Ân cho biết, gần 20 năm nay, gia đình bà Lê Thị Trang được một gia đình người Thái cho ở trong nhà, không tính tiền.

Tuy nhiên đó chỉ là một căn phòng nhỏ bít bùng, cửa sổ không mở và đồ đạc gần như không có. Cả ba người sống trong một phòng, mọi sinh hoạt gói gọn trong một phòng.

“Không có tủ, không có bàn ghế. Trước đây chỉ có một tấm nệm, một cái quạt nhỏ, với một bình oxy khi [bà Trang] khó thở.”

Bà Lê Thị Trang bị hen, hay khó thở và bị nhiều bệnh về bao tử và tim phổi.

Anh Ân nói “Gia đình cô may mắn được nhà người Thái và cha xứ Fatima hỗ trợ… khi đi bệnh viện. Họ là người đứng ra chịu trách nhiệm, liên hệ với bệnh viện cũng như làm các giấy tờ liên quan… Họ chịu trách nhiệm cả về chi trả phí chữa bệnh cũng như thuốc men cho cô này.”

Hỗ trợ từ nhà thờ và hội nhóm 

Ngoài nhà thờ Fatima, gia đình bà Lê Thị Trang lâu lâu cũng được giúp chút tiền hoặc lương thực từ các cha xứ, tổ chức từ thiện, hoặc các mạnh thường quân, dù không nhiều.

Chẳng hạn, theo anh Nguyễn Văn Ân, trong khoảng năm 2017-2019, gia đình được hỗ trợ từ Linh mục Joseph Nguyễn Văn Thiện từ Hoa Kỳ, qua người trung gian là Cao Lâm.

Sau đó, “vào khoảng tháng 6/2019, Linh mục Nguyễn Văn Khải có giới thiệu một đoàn có hai linh mục cùng với một số người sang Thái Lan. Từ đó Cha Hảo có nhờ mình chuyển tiền hàng tháng, trong một năm, từ tháng 6/2019.”

Ngoài ra cũng có các hội nhóm đến thăm và động viên, hoặc cho gạo, thùng mì, chút tiền mặt.

Qua đời tại Thái Lan, không tang lễ 

Bà Lê Thị Trang mang nhiều bệnh trong người.

“Dường như khoảng tầm độ hai năm trở lại đây, cô ấy không còn ra được khỏi căn phòng đó nữa. Trước đây cô vẫn còn đi lại được, đi ra nhà thờ, đi lễ, đi đọc kinh được, nhưng trong khoảng hai năm trở lại đây, mình có lên thăm thì cô chỉ ngồi một chỗ thôi, không đi lại được nữa.”

Bà nhắm mắt lìa đời vào tháng 2/2023.

“Mình tìm hiểu thì được biết là gia đình người Thái đó và nhà thờ đưa đi bệnh viện, rồi từ bệnh viện họ đưa vào nhà chùa để thiêu. Hiện tại hài cốt cũng để trong chùa.”

Anh Ân nói thêm “Không có đám tang. Lúc đó cũng là Tết Việt Nam nên người tỵ nạn tiếp cận được thông tin này rất ít. Sau này mình nghe được thông tin, mình lên, thì mọi việc đã xong hết rồi.”

Con cháu 

Cô Nguyễn Thị Na và người con trai A Tỷ hiện nay vẫn sống trong căn phòng đó, vẫn không biết tương lai sẽ đi về đâu. Bà Lê Thị Trang là người trước đây nộp hồ sơ xin tỵ nạn, người con và cháu chỉ đi theo hồ sơ đó và giờ đây bà đã qua đời, chưa có quy chế.

Anh Nguyễn Văn Ân nói “Mình muốn kêu gọi hỗ trợ… cứu lấy mảnh đời người con cũng như người cháu, không rơi vào tình trạng như người mẹ, đến hết đời vẫn rơi vào tình trạng vô tổ quốc, không có một giấy tờ gì và không có điều kiện hưởng những quyền lợi như những người bình thường. Cũng mong là có sự can thiệp nhân đạo từ các tổ chức.”

Anh nói ở Thái Lan có nhiều người cũng sống mấy chục năm không được quy chế tỵ nạn, nhưng “trường hợp vô tổ quốc cả ở Việt Nam và ở Thái Lan là cực kỳ hiếm”.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay