Tác giả: J. Braaten, www.sermons.faithlife.com
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung
Lễ Phục Sinh chính là thời điểm tốt lành để vỗ tay nồng nhiệt trong nhà thờ. Đó là một ngày để các Kitô hữu vui vẻ ăn mừng chiến thắng của Chúa Kitô trước cái chết. Rõ ràng tâm trạng chủ đạo trong buổi lễ của chúng ta sáng nay là niềm vui. Đó là một ngày để ban nhạc nổ ra, vỗ tay và hát vang lên: “Hallelujah! Hallelujah!”
Nhưng nếu bạn từng đọc các trình thuật Tin Mừng về sự phục sinh, bạn sẽ khám phá ra một điều khác thường;
Phản ứng đầu tiên của những người đàn ông và phụ nữ đến mộ Chúa Giêsu không phải là vui mừng – mà là hoang mang và sợ hãi! Tác động tức thời của sự sống lại đối với những người theo Chúa Giêsu là sự hoang mang và lo sợ. Maria Mađalêna đã bị chấn động và các môn đệ rõ ràng là rất bối rối. Rốt cuộc, họ đã đi ra khỏi ngôi mộ đó và tự nhốt mình trong một căn phòng bí mật.
Trong bất cứ những gì mà những người theo Chúa Giêsu có thể hình dung ra được sau cuộc đóng đinh, và trong bất cứ những gì mà họ có thể mong đợi, họ đều không nghĩ đến sự sống lại. Việc phát hiện ra ngôi mộ trống khiến họ bối rối, do dự và sợ hãi.
Nếu chúng ta muốn hiểu sức mạnh ẩn chứa trong chính tâm điểm của Lễ Phục Sinh, chúng ta cần phải chấp nhận phản ứng lạ lùng của các môn đệ là hoang mang và sợ hãi. Điều đó khó thực hiện vì lễ Phục Sinh không có gì ngạc nhiên đối với chúng ta. Chúng ta đã chờ đợi lễ Phục Sinh suốt cả Mùa Chay. Chúng ta lên kế hoạch cho ngày Lễ. Và bởi vì chúng ta mong đợi ngày đó, chúng ta có khuynh hướng đánh mất cảm giác sững sờ và ngạc nhiên.
Nhưng các môn đệ lại hoàn toàn ngạc nhiên. Một người đã chết được ba ngày không thể đứng dậy và bắt đầu sống lại; điều đó sẽ vi phạm tất cả các quy luật tự nhiên ai cũng biết.Họ là những người thông minh; họ biết điều đó.
Vì vậy, khi Maria Mađalêna, Phêrô và Gioan gặp Chúa Giêsu Phục Sinh, họ đã không nắm tay nhau bước đi trong ánh hừng đông và hân hoan hát vang: “Chúa nay thực đã Phục Sinh. Halleluia! Halleluia!”Trái lại! Họ vô cùng sợ hãi. Và chúng ta sẽ cần phải hiểu tại sao họ lại sợ hãi như vậy nếu chúng ta thăm dò những chiều sâu của sự phục sinh và nắm bắt lại trạng thái ngây ngất trong lễ Phục Sinh.
Những người theo Chúa Giêsu bối rối và chán nản trước cái chết của Ngài. Họ đã khóc ở thập giá. Họ khóc trướcmộ. Nhưng họ đành chấp nhận việc đó. Chúng ta đọc thấy rằng những người phụ nữ đến sớm, trong khi trời vẫn còn tối, có lẽ là để xức dầu thơm cho cơ thể của Chúa Giêsu. Họ đã chấp nhận sự thật rằng Ngài đã chết.Họ cam chịu điều đó; Rốt cuộc, rồi ra tất cả chúng ta đều chết. Họ đã sẵn sàng quay lại cuộc sống bình thường của mình sau những ngày họ đã quên mất cuộc sống đó khi Chúa Giêsu qua đời.
Nhiều người trong số chúng ta ở đây hôm nay đã học cáchchấp nhận đau buồn. Chúng ta cũng đã chấp nhận thực tếnghiệt ngã của cái chết. Chúng ta học cách tiếp tục sống. Chúng ta phải vậy thôi. Nhưng đối với những người đầu tiên theo Chúa Giêsu, một phần của sự ngạc nhiên lớn lao đó là việc nhận ra rằng Thiên Chúa hành động qua đau khổ và cái chết. Bi kịch khủng khiếp xảy ra trên đồi Sọ đều nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa!
Chắc chắn rằng những môn đệ đầu tiên đó tin rằng có một cuộc sống chan chứa ở kiếp sau; Chúa Giêsu đã nói về điều đó nhiều lần rồi. Nhưng họ không nghĩ đến sự việc rằng mục đích cao cả của ân huệ Thiên Chúa sẽ được hoàn thành qua những điều như đau khổ và sự chết. Đương đầu với những thực tế khắc nghiệt như cái chết và sự vỡ mộng, sống với chúng, chấp nhận chúng là một chuyện – nhưng đối mặt với thực tế rằng đây là cách Thiên Chúa chọn để hành động trong thế giới này lại là một chuyện hoàn toàn khác. Đây là những phương pháp mà qua đó các mục đích của Thiên Chúa được thực hiện. Bây giờ họ đã biết. Thiên Chúa không cứu chúng ta khỏi đau khổ và sự chết, nhưng Thiên Chúa cứu chúng ta qua đau khổ và sự chết. Thế giới tội lỗi, sa ngã này đã được đưa trở lại vòng tay yêu thương của Thiên Chúa qua những đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu, Con của Thiên Chúa.
Chúng ta tự hỏi, “Điều này có nghĩa là gì?” Sau đó, chúng ta nhớ lại rằng khi chúng ta chịu phép rửa tội, dấu thánh giá được in trên chúng ta như một dấu hiệu cho thấy chúng ta không chỉ chia sẻ quyền năng phục sinh của Chúa Giêsu, mà chúng ta còn biết thông phần với những đau khổ của Ngài. Dân Chúa được mời gọi chia sẻ những đau khổ của Chúa Giêsu Kitô.
Ở dạng nhẹ nhàng hơn, điều đó có thể có nghĩa là chúng ta được kêu gọi từ bỏ các biểu tượng địa vị xã hội mà người khác cho là rất quan trọng. Ở mức độ sâu xa hơn, chúng ta có thể được yêu cầu phải có những lập trường không như người khác, dẫn đến việc mất bạn bè hoặc gia đình xa lánh.
Có một khía cạnh khác dẫn đến sự hoang mang và sợ hãi của những người theo Chúa Giêsu mà chúng ta không được bỏ qua. Trước khi những người đàn ông và phụ nữ đầu tiên đó có thể trải nghiệm vinh quang choáng ngợp của Lễ Phục Sinh, họ phải chấp nhận sự thật rằng sự sống lại của Chúa Giêsu kéo theo sự phán xét sắp xảy ra. Khi tin tức về sự phục sinh của Chúa Giêsu được truyền đi từ tín đồ hoài nghi này sang tín đồ khác, nỗi sợ hãi bao trùm lấy họ! Họ sợ vì giờ đây người mà họ tưởng đã chết lại sống lại. Cùng với Ngài tất cả những thứ khác cũng trở lại. Đối với người ta, tất cả các môn đệ đã phản bội và chối bỏ Chúa của họ. Họ phải gặp mặt đối mặt Đấng mà họ đã phản bội, báng bổ và ruồng bỏ. Sẽ không có chuyện quên đi hay thoát khỏi những ký ức về những gì họ đã làm. Thảo nào các môn đệ sợ hãi. Thay vì có thể quên, họ buộc phải sống lại nỗi ô nhục của họ.
Có lẽ đó là lý do tại sao các trình thuật Tin Mừng thường nói từ đầu tiên không phải là “hãy vui lên”. Mà đúng hơn là “Đừng sợ”. Đừng sợ. Vì Đấng làm cho mọi sự sống lại chính là Đấng yêu thương bạn và phó chính mình vì bạn. Ngài không cho phép trốn thoát, không thể lãng quên, ngay cả khi chết, Ngài vẫn nhớ và yêu bạn. Tất nhiên không ai xứng đáng với tình yêu đó, những người đầu tiên theo Chúa đã không xứng đáng và chúng ta cũng vậy; Đó không phải là vấn đề. Vấn đề là Thiên Chúa yêu bạn và lễ Phục Sinh công bố thông điệp này to tiếng và rõ ràng. Thiên Chúa yêu thương bạn. Tạ ơn Chúa vì không có lối thoát khỏi tình yêu đó. Không có lối thoát, ngay cả trong cái chết!
Đó là kinh nghiệm của Maria Mađalêna. Cuộc gặp gỡ của cô với Chúa Giêsu đã nói rõ điều đó. Khi Chúa Giêsu cất tiếng nói, tình yêu thương và sự chấp nhận tỏa ra từ lời của Ngài làm cho cô ấy vui mừng đến nỗi cô chạy đến bên Ngài để được Ngài ôm lấy. Chúa Giêsu đã tìm kiếm cô trong tình yêu và lòng trắc ẩn; Ngài đến với các môn đệ cũng như vậy, không phải để phán xét, nhưng với tình yêu … và Ngài vẫn đến với bạn, với bạn và tôi, một cách trìu mến, đầy trắc ẩn.
Điều đó có ý nghĩa rất lớn đối với chúng ta vì nó có nghĩa là chúng ta không phải chạy trốn khỏi Chúa nữa. Chúng ta không cần phải cố che giấu. Chúng ta không cần phải giả vờ, với Chúa, với người khác, hay với chính mình. Có nghĩa là Chúa Giêsu trở lại, không phải trong sự kết án, không phải trong sự phán xét, nhưng trong ân sủng và bình an. Chúa chúng ta trở lại để phục sinh chúng ta, để chúng ta, là những kẻ đã chết trong những vi phạm và tội lỗi của mình, không còn phải sống trong mặc cảm tội lỗi nữa, chúng ta không phải sợ hãi Thiên Chúa hay sự phán xét. Tất cả sự phán xét của Thiên Chúa đổ trên Chúa Kitô. Khi viên đá chặn cửa mồ được lăn ra khỏi ngôi mộ của Ngài, trong sự phục sinh của Ngài, chúng ta được công chính hóa, được tuyên bố vô tội trước mặt Cha Trên Trời.
Lễ Phục Sinh và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, tuyên bố rằng tất cả những cánh cửa đóng chặt chúng ta – sợ hãi, tội lỗi, lo lắng, bất an – tất cả đều đã bị vượt qua và chúng ta thoát khỏi chúng và những cánh cửa giờ đây đã được mở ra. Chúa Kitô mở những cánh cửa đó và ban cho bạn sự tự do. Ngài cũng mở cho chúng ta cánh cửa cuối cùng, cánh cửa của sự chết. Một số người tin rằng khi họ chết họ sẽ chết mãi mãi, nhưng điều đó không đúng. Bạn không xin được sinh ra, nhưng bạn được sinh ra. Bạn không chọn lựa khi nào bạn được sinh ra, nhưng bạn đã được sinh ra. Bạn đã không quyết định thức dậy sáng nay, nhưng bạn đã thức dậy. Vì vậy, bạn sẽ không yêu cầu được trỗi dậy từ cõi chết, nhưng bạn sẽ được trỗi dậy. Vì Chúa Kitô sẽ gọi bạn và bạn sẽ trỗi dậy và Ngài sẽ ban sự sống cho bạn. Những ai tin vào Ngài, vào sự tha thứ mà Ngài ban cho vì cái chết của Ngài, sẽ được sống lại từ cõi chết để bước vào đời sống mới trong Chúa Kitô.
Trong bài Tin Mừng của chúng ta, Thiên thần hỏi: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?” (Lc 24: 5). Chắc chắn thiên thần ngụ ý rằng Chúa Giêsu không còn chết nữa và Ngài đã sống lại. Nhưng, có lẽ chúng ta có thể nhìn câu hỏi đó dưới một ánh sáng khác… dưới ánh sáng của sự phục sinh. Trước khi Chúa phục sinh, nghĩa địa thực sự là nơi chết chóc, vé một chiều. Giờ đây, những ngôi mộ của chúng ta có thể được coi là cánh cửa mà tất cả chúng ta phải bước qua, không phải dẫn đến cái chết, mà là dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu. Bây giờ, trong hy vọng và đức tin, chúng ta có thể tìm kiếm người sống giữa những người chết.
Thật kỳ lạ làm sao khi sự sống có thể chảy ra từ nấm mồ. Nhưng sau đó, lại giống như Thiên Chúa. Ra khỏi các phiên tòa xét xử chiến tranh ở Nuremberg ở Đức sau Thế chiến thứ hai, có sự chứng kiến của một người đàn ông. Trong cuộc chiến gần Willma, Ba Lan, một nhóm người Do Thái thoát chết trong phòng hơi ngạt đã trú ẩn tại một nghĩa trang. Họ sống ở đó, túm tụm và ẩn mình dưới đáy những ngôi mộ đào sẵn. Một bé trai được sinh ra vào một buổi tối tại một trong những ngôi mộ đó. Người đào mộ, một người Do Thái chính thống, già dặn, nghiêm khắc, mặc đồ tang bằng vải lanh, đỡ đẻ. Khi đứa trẻ sơ sinh cất tiếng khóc đầu tiên, người đào mộ già kêu lên: “Lạy Thiên Chúa vĩ đại, cuối cùng có phải Ngài đã gửi Đấng Cứu Thế đến cho chúng tôi không? Vì ai khác ngoài Đấng Cứu Thế sẽ được sinh ra trong một ngôi mộ?” Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu, Đấng Mêsia, là người đầu tiên được sinh ra từ kẻ chết: “Ngài là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Ngài đứng hàng đầu. Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Ngài, cũng như muốn nhờ Ngài mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Ngài đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.” (Col 1:18)
Sinh ra trong một ngôi mộ. Đó là chúng ta. Cuộc sống của chúng ta thực sự bước ra từ một ngôi mộ, ngôi mộ của Chúa Kitô! Làm thế nào giống như Thiên Chúa để làm một điều gì đó như thế. Sinh ra trong một ngôi mộ. Sinh ra để ăn mừng. Sinh ra để nhảy mừng, để sống trong niềm mong đợi vì quyền năng phục sinh của Thiên Chúa đã được trải ra trên thế giới này.
Đó là Tin Mừng từ nghĩa địa: Chúa Giêsu Kitô đã sống lại từ cõi chết để bạn và tôi có thể sống trong niềm tin chắc rằng cánh cửa sự sống đã mở ra cho chúng ta. Đó là cuộc chinh phục của thập giá, là chiến thắng của Sự Phục Sinh.
Vì vậy, chúng ta được mời gọi mở cánh cửa và bước vào cuộc sống với sứ điệp Phục Sinh kỳ diệu: Chúa Kitô không chỉ sống, mà còn ban sự sống, biến đổi sự sống, phục sinh sự sống.
Sự thật đó thật choáng ngợp, vượt xa khả năng diễn đạt hoặc hiểu biết của chúng ta. Hãy tin và để sự thật đó nắm giữ bạn. Tôi mời bạn ra khỏi nơi này, cầu xin Thiên Chúa cho bạn sống cuộc đời của bạn với niềm vui và sự công chính thảnh thơi, là điều phù hợp với một người đã nhận được rất nhiều ơn phúc nhờ Chúa Giêsu Kitô, Chúa Phục Sinh của chúng ta. Xin Chúa chúc lành cho bạn trong lễ Phục Sinh này và trong lễ mừng quyền năng kỳ diệu của Chúa Kitô trong cuộc đời bạn. Amen.
Phêrô Phạm Văn Trung
Hẹn gặp lại