Bs. Phạm Hiếu Liêm
Người bán thực phẩm, những phù thủy độc ác
Có lần tôi ra cảng cá, thấy cá từ tàu mang lên ướp nước đá nhão nhoét, tôi thắc mắc
“Cá như này sao bán được?”
Chủ vựa trả lời:
Ðây mới là cá tươi, bạn hàng mang cá về nhà sẽ “muối” hàn the và ure, hôm sau mang ra chợ thấy cứng sảng, tươi chong chớ mà ăn độc lắm á em.
Hàn the là chất cấm sử dụng trong thực phẩm, là chất độc và lưu trữ vĩnh viễn trong cơ thể mà không bị đào thải qua bài tiết, nhưng người dân quê vẫn sử dụng để bảo quản thực phẩm, làm cho thức ăn tươi lâu, cứng giòn và dai.
Chả lụa ướp hàn the sẽ dai ngon và để ngoài nhiệt độ thường hàng tuần lễ không bị hư.
Hàn the ướp dưa chuột, dưa kiệu cho giòn, hàn the hay formol dùng trong sản xuất bún, bánh phở cho dai và để được lâu.
Người ta còn dùng Tynopal là chất tẩy trắng trong công nghiệp giấy để làm cho bún trắng sáng.
Chập tối đi chợ chiều, tôi từng bắt gặp người bán rải từng vốc hàn the lên thớt thịt để giữ thịt có màu đỏ tươi; sáng mai đem ra bán lại, bán hết thịt cũ mới bán tới thịt tươi, trong khi người nội trợ cứ nghĩ đi chợ sớm sẽ mua được thịt tươi ngon, tội nghiệp biết bao!
Ði về vùng biển, tôi được bà con ngư dân chia sẻ một bí mật trong cách làm tôm khô.
Tôm biển từ tàu đánh bắt xa bờ (đi ít nhất nửa tháng mới về)
thì phải ướp để bảo quản.
Cá có thể ướp nước đá, nhưng tôm tép thì không bởi tôm ướp nước đá sẽ bị đen đầu.
Do đó, ngư dân phải muối tôm bằng hàn the để giữ được con tôm có màu tươi. Vậy là tôm khô biển rất độc hại, bạn chỉ nên ăn tôm biển từ những tàu đánh bắt gần bờ sáng đi chiều về mà thôi.
Cá khô cũng vậy.
Bây giờ ra chợ hải sản khô người ta không thấy ruồi.
Cả làng cá ven biển phơi cá lớp lớp trên giàn phơi bốc mùi tanh nồng cũng không thấy con ruồi nào đậu vào.
Tại sao?
Bạn bè miền biển cho tôi biết, gia đình họ tự phơi cá ăn chứ không bao giờ mua ở chợ, vì cá khô bây giờ đều được ngâm “thuốc ruồi”.
Ðó là một loại hóa chất diệt côn trùng mua từ bên kia biên giới Việt Nam – Campuchia, chỉ cần ngâm cá vào hóa chất, treo lên giàn một đêm là cá khô bán được, không cần phơi nắng, không bị ruồi bu sinh dòi, làm “cá một nắng” bằng cách ngâm thuốc sẽ bảo quản lâu mà không cần đông lạnh gì cả.
Người ta cũng phát hiện nhà kinh doanh hải sản nhuộm ruốc bằng phẩm màu công nghiệp, đó là chất Rhodamine B dùng nhuộm vải, có thể gây ngộ độc cấp tính và gây ung thư.
Vàng Ô (Auramine O) là tên thương mại của chất diarylmethane.
Ðây là chất màu tổng hợp, chỉ được sử dụng trong công nghiệp để nhuộm và dùng để làm màu sơn quét tường.
Thế nhưng người Việt dùng chất đó để nhuộm màu vàng cho măng và dưa cải! Và họ dùng oxyt đồng để nhuộm cho dưa chuột ngâm chua giữ được màu xanh tươi.
Ở Sài Gòn, dù thèm sầu riêng đến mấy tôi cũng không mua.
Nhiều người giống như tôi vậy.
Họ sợ sầu riêng ngâm thuốc.
Con buôn đến từng vườn sầu riêng, bao mua hết vườn, trái non trái già gì họ cũng hái hết, rồi ngâm sầu riêng trong thùng hóa chất; vài hôm sau, sầu riêng chín đều, bán được hết. Những loại trái cây khác như táo, nhãn…, họ cũng ngâm hóa chất
– gọi là thuốc phì, chỉ một đêm là táo nở to, trái trông rất ngon;
long nhãn nở to đến nỗi nứt cả hạt ra.
Nguồn fb Ðông Thanh Vt