Có thể sửa chữa quan hệ đang ngày càng tồi tệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc không?

 Bình luận của Thời báo Nữu Ước

Việc phát hiện và bắn hạ một khinh khí cầu do thám Trung Quốc trong không phận Mỹ hồi đầu tháng này, và quyết định kèm theo của Ngoại trưởng Antony Blinken hoãn chuyến đi đầu tiên tới Trung Quốc của nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ kể từ năm 2018, chỉ là tình tiết mới nhất trong một câu chuyện dài về mối quan hệ ngoại giao đang xấu đi giữa hai cường quốc thế giới.

Câu chuyện đó bắt đầu một cách nghiêm túc cách đây 5 năm, khi chính quyền Trump châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại mà chính quyền Biden vẫn tiếp tục duy trì cho đến ngày nay. Sau đó là một bước ngoặt khác, vào tháng 5/2022 khi Tổng thống Biden cam kết bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công hòn đảo này, một sự khởi đầu nổi bật  so với chính sách (dành cho Đài Loan) không rõ ràng từ bấy lâu nay, nó càng được nhấn mạnh bởi chuyến thăm của cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tới hòn đảo này trong mùa hè (2022). Và vào tháng trước, một vị tướng hàng đầu của Lực lượng Không quân đã đưa ra một bản ghi nhớ dự đoán một cuộc chiến (xảy ra ở eo biển Đài Loan) vào năm 2025 và kêu gọi chuẩn bị “để ngăn chặn, và nếu cần, đánh bại Trung Quốc”.

Tại sao Washington tin rằng Trung Quốc là mối đe dọa hàng đầu đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ? Liệu những lo ngại đó có cơ sở không, và cần phải làm gì để tránh một cuộc xung đột quân sự thảm khốc có thể xảy ra giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân? Đây là những gì mọi người đang bàn tán.

Trung Quốc thực sự nguy hiểm như thế nào?

Chính phủ độc tài của Trung Quốc dành cho công dân của họ rất ít quyền tự do dân sự và thậm chí càng ít quyền chính trị hơn nữa, chính quyền đã thực thi quyền kiểm soát của mình thông qua chế độ độc đảng tràn lan, kiểm duyệt rộng rãi, đàn áp xã hội dân sự, thiết lập một hệ thống giám sát và tuyên truyền một chiều ngày càng tinh vi dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, và việc giam giữ tập trung hàng loạt các nhóm thiểu số tôn giáo và sắc tộc, mà Hoa Kỳ đã coi là một cuộc diệt chủng.

Tất nhiên, có những chính phủ độc tài khác trên thế giới; Hoa Kỳ thậm chí còn liên minh với một số trong đám này. Nhưng đối với các quan chức Hoa Kỳ, điều khiến Trung Quốc trở thành mối đe dọa duy nhất — ngoài quy mô đồ sộ của nó — là quá trình hiện đại hóa quân đội và theo lời của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, “các hành động ngày càng mang tính áp đặt nhằm định hình lại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và xoay đổi hệ thống quốc tế hiện hữu nhằm phù hợp với sở thích độc đoán của họ”:

■ Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã đưa ra những yêu sách bành trướng đối với Biển Đông, một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất của thế giới, được nhiều người coi là bất hợp pháp.


■ TQ đã tước bỏ quyền tự trị của Hồng Kông một cách hiệu quả và dập tắt phong trào ủng hộ dân chủ của HK.

■ TQ đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự hung hăng hơn gần đảo Đài Loan vốn có một nền dân chủ thịnh vượng được hình thành vào năm 1949, đảo quốc này chỉ cách bờ biển Trung Quốc đại lục 100 dặm mà Bắc Kinh coi đó là một tỉnh ly khai bất hợp pháp.

Kể từ những năm 1970, Hoa Kỳ đã đạt được sự cân bằng ngoại giao mong manh thông qua chính sách “một Trung Quốc”, theo đó Hoa Kỳ không công nhận Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền, và thông qua “sự mơ hồ chiến lược”, bán vũ khí cho Đài Loan mà không đưa ra bất kỳ đảm bảo an ninh nào.

Đài Loan thống trị việc sản xuất vi mạch, thiết bị quan trọng đối với hoạt động của các thiết bị điện tử.

Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo đã cảnh báo vào năm ngoái rằng một cuộc xâm lược của Trung Quốc nhằm hạn chế nguồn cung cấp những con chip vi mạch sẽ dẫn Hoa Kỳ đến “một cuộc suy thoái sâu sắc và ngay lập tức” và “không có khả năng tự bảo vệ mình”.

Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc cũng gây ảnh hưởng thông qua thương mại, bị cáo buộc đánh cắp tài sản trí tuệ và thao túng đầu tư vào các nước đang phát triển mà các nhà phê bình gọi là một hình thức chủ nghĩa thực dân mới.

Một khi sức mạnh thị trường của Trung Quốc tăng lên phi thường thì các tổ chức và doanh nghiệp của Hoa Kỳ đang ngày càng phải tự bịt miệng để tránh chọc giận chính phủ Trung Quốc,” German Lopez của The Times đã viết như vậy.

Ngược lại với tất cả những lo ngại này, nhiều người bác bỏ quan điểm cho rằng Trung Quốc là mối đe dọa hiện hữu đối với Hoa Kỳ. Ở cấp độ cơ bản nhất, “Trung Quốc không có khả năng hủy diệt Hoa Kỳ, cũng như không có động cơ địa chính trị để tiêu diệt Hoa Kỳ,” Minxin Pei, giáo sư chuyên về chính sách tại Đại học Claremont McKenna, lập luận trên Bloomberg vào năm 2021. Ngay cả với sự mở rộng gần đây, kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, vẫn nhỏ hơn nhiều so với Mỹ và quân đội của họ vẫn còn thua kém về kinh nghiệm và sự tinh vi về công nghệ.

Theo quan điểm của Michael Swaine, một nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Quincy về Quản lý nhà nước một cách có trách nhiệm, Bắc Kinh cũng tỏ ra ít quan tâm đến việc xuất khẩu hệ thống chính trị của mình. Ông lập luận về điều này trong nhận định chính sách đối ngoại năm 2021: “TQ gần như hoàn toàn hướng vào các nước đang phát triển, chứ không phải các nền dân chủ công nghiệp giống như Hoa Kỳ. Hơn nữa, mô hình phát triển kinh tế của TQ “gần như chắc chắn không thể bền vững trong tình trạng hiện tại, do dân số đang già cỗi của Trung Quốc, tham nhũng lan rộng, mức độ bất bình đẳng trong thu nhập rất lớn, mạng lưới an sinh xã hội không đầy đủ và yếu tố thực tế là cần phải có các luồng thông tin tự do để thúc đẩy sáng tạo trên mọi lãnh vực.”

Đối với Jessica Chen Weiss, giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc và Châu Á-Thái Bình Dương tại Đại học Cornell, logic của cuộc cạnh tranh có tổng số bằng dê rô với Trung Quốc đã trở nên quá phổ biến ở Washington giữa các thành viên của cả hai đảng đến mức nó có nguy cơ làm suy yếu lợi ích của chính nước Mỹ. “Khi các bên cảm thấy cần phải lấn át lẫn nhau để bảo vệ lợi ích của mình và thăng tiến trong lãnh vực chuyên môn,” cô viết trên tờ Foreign Affairs năm ngoái, “kết quả dẫn đến là tư duy nhóm (cục bộ).”

Phan Sinh Trần

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay