Bi kịch lạc quan

Báo Tiếng Dân

Nguyễn Thọ

25-12-2022

Ảnh biếm họa đăng trên báo Đức Focus.de

Sinh quyển trái đất đang bị tàn phá nặng nề. Nguồn nước, không khí, lòng đất đều bị ô nhiễm. Mỗi ngày có đến 150 loại thực vật và động vật bị tận diệt. Số ít sinh vật ít ỏi còn lại trong thiên nhiên nay không còn có thể trung hòa các chất độc do loài người thải ra. Những cuộc chiến tranh đẫm máu, nạn diệt chủng, nạn cướp đất v.v. càng tăng tốc quá trình tàn phá hành tinh.

Các thế lực cực hữu, độc tài, phân biệt chủng tộc toàn cầu ngày càng bành trướng. Tôi thường đặt các câu hỏi: Nền dân chủ Mỹ liệu có sống sót được không? Liệu Ukraine có trụ được qua mùa đông khắc nghiệt với sức tàn phá điên cuồng của Putin không? Liệu liên minh EU có tan vỡ không? Liệu mô hình XHCN phát xít của Trung Quốc có lấn át các nền dân chủ tự do? v.v.

Trong thực tế thì năm 2022 là một năm thất thu của bọn độc tài. Ở các quốc gia quan trọng, chúng phải hứng chịu những thất bại nặng nề. Còn lâu dân chủ tự do mới chiến thắng độc tài trong cái thế giới đầy rẫy những mâu thuẫn kinh tế, văn hóa, tôn giáo này. Nhưng trong năm qua, đại diện của cái ác đã phải nuốt nhiều quả đắng.

TRUNG QUỐC: Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản đã vỡ mặt vì chính sách Zero-Covid. Bất chấp mọi nhận thức về khoa học, Tập đã duy trì tình trạng cách ly của người dân Trung Quốc suốt ba năm qua, bắt ép toàn dân phải sử dụng loại vaccin không được kiểm định về hiệu quả. Hình ảnh hàng trăm nghìn người hâm mộ bóng đá ở Qatar không đeo khẩu trang, la hét vui mừng bên nhau đã khiến người dân Trung Quốc bừng tỉnh. Một cuộc nổi dậy vừa dữ dội, vừa thông minh được phát động trên mạng Chinanet vốn không có kẻ hở cho bất kỳ từ khóa nào. Cuộc nổi dậy không có người lãnh đạo đã làm toàn bộ nền chính trị Trung Quốc choáng váng. Người dân Trung Quốc vốn cam chịu hết mức và tự hào về đảng, về chế độ của họ bỗng đặt câu hỏi: Phải chăng…?

Biểu tình bằng giấy trắng đồng loạt nổ ra ở hàng chục tình thành Trung Quốc. Ảnh trên mạng

Chế độ độc tài hốt hoảng vội mở tung cửa để giảm áp lực, tránh bị sụp đổ. Lập tức nó vấp vào một sai lầm mới. Chính sách Zero-Covid và vaccin kém chất lượng đã khiến tỷ lệ miễn dịch toàn quốc rất thấp. Bệnh dịch bùng phát không kiểm soát được. Hiện tại đã có gần 300 triệu người dính Covid. Hệ thống y tế của “Siêu cường” tự phong đang bộc lộ sự lạc hậu của nó. Thảm kịch “chết không kịp chôn” đang xảy ra ở Trung Quốc với số tử vong lên đến hàng triệu. Con số này không ai kiểm định được vì bị bưng bít tuyệt đối. Cho dù là bao nhiêu người chết thì một đế quốc từng huênh hoang kiểm soát bệnh dịch hàng đầu thế giới nay đang loay hoay trong tình trạng mà các nước tồi tệ nhất đã trải qua hơn 18 tháng trước. Cách chống “hiệu quả” nhất hiện nay mà Tập và đảng ông ta nghĩ ra là hạ cấp dịch xuống thành “cảm lạnh covid” để trấn an dân chúng.

Từ trên đỉnh cao quyền lực Tập đã nhận thấy rằng: Không thể duy ý chí chống lại quy luật tư nhiên như virus, bệnh dịch và: Ngu dân đến mấy thì lúc nào đó sẽ vẫn bị lật tẩy.

Sức mạnh của Tập đã bị giới hạn.

NGA: Mặc dù đa số dân chúng vẫn tin vào bộ máy tuyên truyền của Putin, nhưng thất bại trên mặt trận của quân Nga đang bắt đầu xói mòn niềm tin của giới trí thức. Lệnh động viên cục bộ đã vấp phải làn sóng “phản đối bằng chân” của hàng trăm ngàn thanh niên. Họ trốn ra nước ngoài, trong đó đa số là các chuyên gia công nghệ. Uy tín của Putin trong các nước xưa nay bị coi là chư hầu như Armenia, Kazashtan, Uzbekistan… đang suy yếu. Putin bị cô lập chưa từng thấy, trong khi Selenskji đang tạo được một khối đoàn kết quanh ông ta. Ý đồ đánh đuổi NATO ra xa biên giới Nga bỗng biến thành thảm họa: Nhiều nước xung quanh Nga, xưa nay trung lập bỗng ầm ầm xin vào NATO. Ước mơ đưa nước Nga trở lại vị trí siêu cường đang trở nên phũ phàng, khi phải ngửa tay xin mua thiết bị quân sự của các nước đang phát triển như Bắc Hàn và I-Ran.

Putin bế tắc, Ukraine đã thành khúc xương giữa cổ họng. Ông ta là nạn nhân của hệ thống giả dối do chính ông tạo ra. Nếu biết là dân Ukraine sẽ không đón chào đại quân, sẽ không ngồi im như khi Nga chiếm Crimea năm 2014 mà bọn xun xoe đã báo cáo, thì ông ta đã không dám đánh. Giờ rút quân khó hơn là khởi quân.

Trong cơn hoảng loạn, hôm 22.12, chính Putin tuyên bố: Mục tiêu của chúng ta không phải là tăng động lực của đối đầu quân sự, mà là “kết thúc chiến tranh”. Nghị sỹ St. Petersburg Yufeyew đã tố cáo Putin phạm luật, khi gọi “Chiến dịch quân sự đặc biệt” là “Chiến tranh”.

Thánh đang mất thiêng.

IRAN: Gần 50 năm qua, đất nước này đã trải qua chế độ thần quyền tàn khốc nhất. Đứng đầu “Hội đồng cách mạng” xứ này không phải là các Tổng bí thư hay Bộ chính trị, mà là các giáo chủ với các tà thuyết bị xuyên tạc đến mức độc ác từ kinh đạo Hồi. Thiên hạ nói về Thiên An Môn ở Trung Quốc, nhưng quên mất rằng, ở Teheran từng xảy ra nhiều Thiên An Môn như vậy. Lần nào bạo lực cũng thắng.

Người Iran biểu tình chống chế độ áp bức thần quyền suốt 3 tháng qua. Ảnh trên mạng

Nhưng từ ba tháng nay, cuộc nổi dậy lần này của nhân dân vẫn chưa có hồi kết. Hình ảnh các cầu thủ đội tuyển bóng đá Iran không hát quốc ca tại giải Worldcup 22 ở Qatar, với những dòng nước mắt của các cô gái Iran trên khán đài đã đi khắp thế giới. Chính quyền Iran đã giải tán “cảnh sát đạo đức” và hứa nới lỏng luật che mặt phụ nữ.

Cuộc nổi dậy hiện nay không còn xoay quanh cái khăn trùm đầu hay cách ăn mặc của phụ nữ. Thanh niên Iran cần không khí tự do để thở. Các giáo chủ cực đoan đã mất đi bộ phận quan trọng nhất của xã hội: Tuổi trẻ.

Ở Phương tây nền dân chủ đã cản phá được các đợt tấn công từ phía cực hữu, mỵ dân.

CHÂU MỸ: Chiến thắng của ông Biden hai năm trước đây đã cho thấy: Mặc dù Đảng Dân chủ yếu kém, không đoàn kết, thiếu vắng nhân tài, nhưng nước Mỹ đã chặn đứng thế chẻ tre của một Trump cực hữu, tham quyền. Cuộc bầu cữ giữa nhiệm kỳ vừa rồi tiếp tục khẳng định xu thế đó, khi mà hầu như mọi ứng viên do Trump đưa ra đều tuột dốc. Cơ chế kiểm soát và cân bằng quyền lực của hiến pháp Mỹ vẫn hoạt động tốt, bất chấp những cố gắng đưa các quan tòa thiên hữu chiếm ưu thế ở tòa án tối cao.

Hơn nữa: Thất bại của Trump 2020 đã làm giảm nguy cơ đưa Kim-Jong-Un thành một nhân tố quan trọng lên bàn cờ an ninh thế giới. Chú Ủn vẫn tiếp tục ra bom, ra tên lửa, nhưng ít ai còn quan tâm đến chú (ngoài Zar Putin).

Ở BRAZIL, Tổng thống cực hữu Bolzonaro, kẻ thù của rừng Amazon đã cuốn gói ra đi sau cuộc bầu cử tháng 10 vừa qua. Những kẻ ủng hộ các nền chuyên chế Nam Mỹ phải cay đắng thú nhận rằng: Độc tài nghe có vẻ hấp dẫn, vì nó có sức mạnh hành pháp, vì nó quyết đoán. Nhưng nó chỉ hấp dẫn đến lúc đám đông được thưởng thức thế nào là độc tài.

PHÁP: Marine Le Pen luôn là bóng ma trên truyền thông. Đã có lúc thăm dò dư luận đưa ra con số 30%, cho đảng FN của bà, đứng đầu nước Pháp. Nhưng chưa bao giờ bà thắng cử tổng thống. Cứ mỗi lần bầu vòng hai thì tất cả các đảng khác, dù ghét nhau đến mấy, cũng tập hợp lại thành một khối “Anti-Le-Pen”.

Cử tri Pháp tự hào về đội bóng đá “l’équipe tricolore” của họ. Tất cả các nhân tài da mầu đá trong đó đều là thành quả của một xã hội dân chủ, không phân biệt chủng tộc. Chỉ đơn cử việc này thì đã thấy Le Pen không có cửa.

ĐỨC: Cảnh sát vừa mới phá tan một tổ chức vũ trang ngầm dưới cái tên “Công dân đế chế” (Reichbürger). Chúng dự tính lật đổ nhà nước hiện tại để dựng lên một đế chế của người Ariel. Nhìn vào thực lực của chúng (hơn 100 mống) thì thấy đúng là một trò trẻ con. Nước Đức mà tôi đang sống còn rất nhiều điều bất cập. Nhưng thái độ của dân chúng chống lại chủ nghĩa phát xít là rất rõ ràng.

Đám cực hữu có thể đốt lên các đám lửa, hòng tạo ra cháy rừng. Nền dân chủ của Đức hay Pháp đều là những bức tường bê-tông chịu lửa.

Nhìn lại năm 2022, tôi cảm thấy không nên cứ bi quan mãi. Lo sợ làm giảm tuổi thọ, nhất là ở tuổi U80. Vậy thì cố lạc quan vậy. Lạc quan trong hoàn cảnh khá là bi.

Lại nhớ đến bộ phim Liên Xô “Bi kịch lạc quan” của Vsevolod Vishnevsky trong những năm 1960.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay