CPJ trao giải Tự do Báo chí Quốc tế khiếm diện cho nhà báo Phạm Đoan Trang (RFA)

 RFA

2022.11.18

Nhà báo Phạm Đoan Trang với Báo cáo Đồng Tâm trên tay

 FBNV

00:21/04:11

Nhà báo Phạm Đoan Trang vừa được Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) vinh danh và trao giải khiếm diện giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế thường niên năm 2022. Buổi lễ được tổ chức tại trụ sở của tổ chức này ở tiểu bang New York vào đêm 17/11 (giờ miền Đông Hoa Kỳ).

Trên trang web chính thức, CPJ- một tổ chức phi chính phủ hoạt động với mục đích thúc đẩy tự do báo chí và bảo vệ nhà báo trên toàn thế giới- nhận định rằng những người nhận được giải thưởng mà tổ chức  trao năm nay đều đã vượt qua những thách thức to lớn để đưa tin một cách độc lập đến với công chúng trong bối cảnh tin giả và chiến tranh lan tràn.

Bà Trần Quỳnh Vi, đồng sáng lập Luật khoa Tạp chí, cũng là người đến nhận giải thay cho nhà báo Phạm Đoan Trang nói với RFA rằng một trong những tiêu chí mà Phạm Đoan Trang nhận được giải này là vì Đoan Trang vẫn thực hiện công việc làm báo của mình một cách chuyên nghiệp, mặc dù luôn có những nguy hiểm chực chờ:

“Tôi nghĩ đây là một giải thưởng rất vinh dự bởi vì nó chứng minh rằng những việc chúng tôi làm chỉ vì tôn chỉ của báo chí. Chúng tôi là những người làm báo chuyên nghiệp và muốn giữ vững nền tảng báo chí Việt Nam. Và Đoan Trang là một nhà báo được công nhận bởi một tổ chức uy tín trên thế giới, đó là một niềm hãnh diện chung của Luật khoa Tạp chí.”

Ngoài bà Phạm Đoan Trang, năm nay còn có ba nhà báo khác cùng nhận giải thưởng này là các nhà báo Niyaz Abdullah đến từ Iraq, Abraham Jiménez Enoa  đến từ Cuba, và Sevgil Musaieva đến từ Ukraine.

Theo điều tra của CPJ vào năm 2021, bà Trang là một trong số ít nhất 23 nhà báo bị giam giữ vì đã cố gắng đưa tin một cách độc lập về Việt Nam. Điều này khiến quốc gia độc đảng trở thành một trong năm quốc gia bỏ tù nhà báo nhiều nhất trên thế giới.

Nhà báo Phạm Đoan Trang là sáng lập viên của Luật khoa Tạp chí  và là biên tập viên cho The Vietnamese, một mạng báo viết bằng tiếng Anh về tình hình chính trị – xã hội – nhân quyền Việt Nam. Bà còn là tác giả của nhiều cuốn sách bị cấm ở Việt Nam như Chính trị Bình dân, Cẩm nang nuôi tù, cùng với nhiều báo cáo khác bằng song ngữ Anh – Việt như Toàn cảnh thảm họa Formosa, Báo cáo Đồng Tâm…

Chính vì các hoạt động báo chí một cách độc lập của mình, vào ngày 6/10/2020, bà Trang bị bắt với cáo buộc “phát tán tài liệu chống nhà nước”, theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Từ đó, bà bị biệt giam trong hơn một năm trời suốt giai đoạn điều tra vụ án, trước khi bị kết án chín năm tù giam trong phiên toà phúc thẩm hồi tháng 12/2021.

Bà Quỳnh Vi cũng cập nhật thêm rằng hiện nay, sức khoẻ của nhà báo Phạm Đoan Trang ở trong tù cũng đã ổn định hơn giai đoạn bị biệt giam trước đây:

“Hiện nay, Phạm Đoan Trang đã được chuyển đến Bình Dương. Có một số thông tin cũng khá tích cực đó là họ (trại giam – PV) đã chấp nhận cho Đoan Trang mang một cây đàn guitar vào trong trại để một nơi chung. Đoan Trang có thể chơi đàn mỗi ngày, có thể nhận đồ tiếp tế từ gia đình. Và theo gia đình thì tình hình của Đoan Trang hiện nay cũng đang khá là ổn tuy sức khỏe vẫn yếu nhưng tinh thần thì cũng ổn định.”

Bên cạnh giải thưởng về Tự do báo chí Quốc tế của CPJ, bà Trang từng được nhiều tổ chức cũng như Chính phủ nhiều nước trao giải vì các hoạt động cổ vũ cho tự do báo chí và nhân quyền của mình.

Một số giải thưởng nổi bậc như Giải Homo Homini của People in Need năm 2017; Giải thưởng Tự do Báo chí 2019, hạng mục Tầm ảnh hưởng của CPJ; giải Martin Ennals 2022 dành cho những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền; Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã trao giải thưởng Phụ nữ can đảm quốc tế cho bà Trang vào giữa tháng 3/2022.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay