Việt Nam bỏ phiếu trắng vụ lên án Nga sáp nhập bốn vùng Ukraine: Hệ lụy khó lường(BBC)
15 tháng 10 2022
Bài viết của Mai Luân
Gởi cho BBC từ TP. HCM
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Kết quả bỏ phiếu về việc lên án Nga sáp nhập bốn khu vực ở Ukraine tại Đại hội đồng LHQ (UNGA) hôm 12/10
Việc Việt Nam bỏ phiếu trắng về việc lên án Nga sáp nhập bốn khu vực ở Ukraine tại Đại hội đồng LHQ (UNGA) hôm 12/10 chẳng mảy may khiến dư luận trong và ngoài nước bất ngờ.
Không ít ý kiến cảm thấy ‘xấu hổ’ cho Việt Nam khi ngay cả những quốc gia trong ASEAN như Campuchia và Myanmar, mà còn dám giơ tay bỏ phiếu theo lương tri.
Với lá phiếu trắng mới nhất của Việt Nam tại UNGA, báo chí trong nước hầu hết chỉ tập trung vào phát biểu của Trưởng phái đoàn Việt Nam mà không đề cập đến chuyện Việt Nam đã bỏ phiếu trắng.
Nhưng bàn tay sao che nổi mặt trời. 70 phần trăm dân chúng Việt Nam dùng internet.
Mới đây nhất, trước cuộc bỏ phiếu lần thứ tư này, Nga đã cử một thành viên của Nội các sang gặp Chủ tịch nước Việt Nam, “truyền đạt” các nhắc nhở của Putin.
Chiều 4/10/2022, Viện trưởng Tổng Viện Kiểm sát LB Nga Igor Krasnov nói với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc rằng: “Điều đặc biệt có giá trị là Việt Nam, bất chấp những khiêu khích và thông tin sai lệch, vẫn là người bạn và đối tác chiến lược đáng tin cậy của Moscow”.
Và cũng giống như chuyến thăm của Ngoại trưởng Lavrov hồi tháng 7 vào mùa hè vừa qua, lần này, Krasnov cũng dùng diễn đàn Hà Nội để tiếp tục gay gắt phê phán Mỹ và phương Tây trong vấn đề Ukraine.
- Thông điệp ‘tinh tế’ của Việt Nam khi cử bà Võ Thị Ánh Xuân gặp Putin?14 tháng 10 năm 2022
- Việt Nam bỏ phiếu trắng vụ chống Nga sáp nhập bốn vùng lãnh thổ Ukraine13 tháng 10 năm 2022
Sự lạc lõng của Việt Nam?
Tiếng nói của lương tri toàn cầu càng làm nổi bật sự lạc điệu và lạc lõng của Việt Nam.
Đại sứ của Ukraine tại LHQ Sergiy Kyslytsya đánh giá cuộc bỏ phiếu là “tuyệt vời” và “một khoảnh khắc lịch sử”.
Đại sứ Hoa Kỳ Linda Thomas-Greenfield cho biết những người ủng hộ đã “nín thở” và gọi đó là “một ngày trọng đại”.
Đại sứ Liên minh châu Âu Olof Skoog gọi đây là “một thành công lớn” gửi “một thông điệp vang dội đến Nga rằng họ đang và vẫn bị cô lập”.
Bốn quốc gia cùng Nga bỏ phiếu phản đối nghị quyết này là Triều Tiên, Belarus, Syria và Nicaragua.
Đại sứ Ukraine Kyslytsya bày tỏ sự hối tiếc sâu sắc về việc bốn nước đã “lựa chọn sai lầm đối với Hiến chương Liên hợp quốc” và kêu gọi họ xem xét lại cam kết của mình đối với các nguyên tắc của Liên hợp quốc.
Hội đồng Bảo an (UNSC) quyền lực hơn, có các nghị quyết ràng buộc về mặt pháp lý, đã bị cản trở trong việc hành động cùng với Ukraine (vì quyền phủ quyết của Nga), mà Hội đồng này đã sử dụng vào ngày 29/9 để ngăn chặn việc lên án những nỗ lực của Nga nhằm sáp nhập lãnh thổ Ukraine.
Ngược lại, Đại hội đồng (UNGA), nơi không có quyền phủ quyết, hiện đã thông qua bốn nghị quyết chỉ trích Nga về Ukraine. Các phiếu bầu của nó phản ánh dư luận thế giới nhưng nó không có sức nặng ràng buộc về mặt pháp lý.
Nghị quyết được thông qua hôm 13/10 tuyên bố, các hành động của Mátxcơva vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, “không phù hợp” với các nguyên tắc của HC LHQ, “không có giá trị theo luật pháp quốc tế và không tạo cơ sở cho bất kỳ sự thay thế nào về tình trạng của các khu vực này của Ukraine”.
Nó yêu cầu Nga “rút ngay lập tức, hoàn toàn và vô điều kiện tất cả các lực lượng quân sự của mình khỏi lãnh thổ Ukraine trong các biên giới được quốc tế công nhận”.
NGUỒN HÌNH ẢNH,UN
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ
Hệ lụy bất định và khó lường
Theo một số trong giới phân tích quốc tế, lá phiếu trắng vừa qua của Việt Nam thể hiện Nhà nước cộng sản vô trách nhiệm với quốc tế khi mà hơn 100 quốc gia lên án Nga, còn Việt Nam thì đi ngược lại với trào lưu chung ấy.
Phải chăng Hà Nội cũng vô trách nhiệm đối với chính đất nước mình, khi Việt Nam là một nước nhỏ nằm cạnh Trung Quốc có rất nhiều tham vọng về lãnh thổ?
Nếu trong tương lai Việt Nam và Trung Quốc xảy ra xung đột thì Hà Nội sẽ khó khăn trong việc vận động cộng đồng quốc tế quan tâm và ủng hộ trước sự xâm lăng của Trung Quốc.
Giáo sư Carl Thayer từ Úc nhận xét: “Việt Nam bỏ phiếu trắng, không lên án Nga sáp nhập Ukraine bất hợp pháp có thể gây hại cho Việt Nam.”
“Lá phiếu làm xói mòn lòng tin của Mỹ và EU đối với Việt Nam như một đối tác tin cậy và thành viên xây dựng của cộng đồng quốc tế. Nếu cuộc chiến Ukraine trở thành một cuộc xung đột kéo dài, Việt Nam có thể bị coi là một phần của vấn đề, vì đã tiếp tay cho Nga”.
Nguy cơ này là hiển hiện, vì đúng vào ngày bỏ phiếu (13/10), tại Hội nghị xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA), từ thủ đô Astana của Kazakhstan, Putin kích động tình cảm bài phương Tây.
Putin đã chuyển trọng tâm từ chiến đấu với phe trước đây bị ông cáo buộc là “tân phát xít” ở Kiev sang đối đầu với “tập thể phương Tây” đang võ trang cho Ukraine.
Nếu cả Nga lẫn Trung Quốc cùng kích hoạt “trật tự thế giới mới” do họ cầm chịch, Việt Nam sẽ rơi vào tình thế kẹt.
Tới đây, cũng chưa hình dung được Hoa Kỳ và EU sẽ có thái độ như thế nào đối với việc Hà Nội lấy các hàng hóa của Nga và Tàu rồi dán nhãn mác Việt Nam để xuất sang thị trường bên các nước ấy.
Trước đây họ vẫn biết chuyện khuất tất ấy, nhưng tảng lờ. Bây giờ Việt Nam công khai “thân Nga” đến mức như mấy ông bộ trưởng Nga tuyên bố từ Hà Nội: “Chúng ta (cả Nga lẫn Việt Nam) đã bàn về các thách thức kinh tế toàn cầu do phương Tây đứng đầu là Hoa Kỳ gây ra”.
Ngoại trưởng Lavrov khẳng định: “Nga và Việt Nam biết cách tiếp tục quan hệ thương mại, kinh tế và đầu tư trong môi trường hiện tại sao cho không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt đơn phương và phi pháp của Hoa Kỳ và EU”.
Liệu Việt Nam còn “điếc không sợ súng” đến bao giờ?
Cuối cùng, về lập trường “đứng về lẽ phải, công lý” của Việt Nam, Facebooker có tên Hanh Nguyen bình luận: “Lẽ phải, công lý gì khi một kẻ mang bom đan, đại bác, tên lửa nện vào một nước được bầu cử tự do? Lẽ phải nào, công lý nào khi thấy người già, trẻ con chết vì bom đạn, tên lửa; Lẽ phải nào, công lý nào khi nhìn thấy làng mạc, thị thành, trường học, bênh viện, đường sá, cơ sở hạ tầng bị tên lửa tàn phá như thế?”